CHƯƠNG 10: ĐỨA TRẺ CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM

5.8K 174 7
                                    

Thấy hai con thỏ của mình bị như vậy, bà Oanh hoảng hồn lắm. Rõ ràng nhốt chúng nó ở trong lồng, mà sao lại bị thế này được?

Mọi người bảo rằng có khi chuột vào cắn đứt đầu hai con thỏ của bà Oanh ra mà thôi, nhiều con chuột tuy bé mà sức cắn phá của nó kinh khủng lắm. Nhưng từ bé tới giờ tôi cũng chỉ nghe chuột thích ăn bơ, pho mát, các loại hạt, gạo hay là thịt chín chứ chưa từng nghe thấy chuột đi ăn thịt sống bao giờ cả...nhất là cắn đứt đầu hai con thỏ ra một cách dã man như thế.

Bà Oanh đem mấy con thỏ đi chôn. Mọi lời bàn tán cũng chấm dứt ở đấy.

Thế nhưng một sự kì lạ lại xảy đến với gia đình ông Ngang, nhà cách phòng tôi 2 căn về phía bên tay trái. Nhà thằng Tôm ngay sát nhà tôi, sau đó sẽ đến nhà ông Ngang. Trước cửa nhà thằng Tôm, nền đất hơi cong vênh lên một chút, tạo nên hai triền dốc, chia đôi 2 dãy phòng, chúng tôi hay gọi nhà thằng Tôm là nhà cầu là thế.

Ông Ngang cũng tầm tầm tuổi ông bà ngoại tôi, năm ấy trên đầu đã hai thứ tóc rồi. Ông Ngang là bộ đội, từng ra chiến trường vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất, giờ là thương binh hạng nhẹ. Có lẽ do tên ông là Ngang- ngang ngạnh là thế nên ông đã may mắn sống sót khỏi mưa bom bão đạn, trong khi rất nhiều đồng đội đã ngã xuống. Ông chỉ bị một mảnh đạn găm vào xương đùi bên trái, mỗi khi trở trời hay đau buốt, đi cà nhắc cà nhắc. Tôi vẫn còn nhớ bóng dáng của ông tập thể dục trước cửa nhà mỗi tối để rèn luyện sức khỏe.

Ông gai góc là thế nhưng hậu quả chiến tranh vẫn đeo bám gia đình ông. Cống hiến những năm tháng tuổi trẻ cho đất nước, ông về quê lấy vợ muộn rồi mới phiêu bạt lên đây sinh sống. Ông với bà sinh được 3 người con, anh trai cả, và hai chị gái. Thế nhưng tiếc thay, chị gái thứ ba lại bị di chứng của chất độc màu da cam, được đặt tên là Ba. Chị Ba bị Hội chứng Down, thiểu năng trí tuệ, sinh ra đã ngờ nghệch, chậm chạp, thế nhưng hai ông bà vẫn rất thương chị. Lớn lên, hai người con cả đi xa lập nghiệp, lập gia đình, để lại chị Ba cho hai ông bà già trông nom. Dù cũng hơn 30 tuổi rồi nhưng tâm hồn chị Ba lúc nào cũng như một đứa trẻ, mặt bao năm vẫn vậy nên lũ trẻ con chúng tôi toàn gọi bằng chị chứ không phải là cô. Hàng ngày ông bà Ngang vẫn phải bón từng thìa cơm thìa cháo cho chị. Nhiều người ác miệng bảo ông bà nhiều tuổi rồi, không đưa con vào những trung tâm thiện nguyện hay người tàn tật giờ người ta mở đầy ra đấy, nhưng khúc ruột đẻ ra ông bà không nỡ xa con, cứ ở bên con được đến khi nào hay khi ấy. Dù sao ông bà cũng nghe căn bệnh của chị Ba không thể sống thọ được. Ấy mà đến năm ấy chị vẫn sống mạnh khỏe.

Cứ hễ khi đi chợ mà ông Ngang có việc là bà Thắm- vợ ông Ngang lại dắt chị Ba đi cùng. Được bố mẹ yêu thương như thế nên chị Ba cũng mang tính cách vui vẻ và cũng hiểu kha khá sự đời. Ông Ngang bà Thắm cũng chẳng xấu hổ hay giấu diếm gì con mình, đi đâu có thể là đưa chị Ba theo cùng. Nhiều người cười cười bảo rằng già đầu rồi mà vẫn phải trông trẻ con.

Tôi không như những đứa trẻ khác, xa lánh chị Ba, tôi thi thoảng vẫn sang nhà ông Ngang chơi với chị. Mái tóc chị rất dài, thắt bím xong vẫn dài chấm thắt lưng, nên tôi thích nghịch mái tóc đó lắm, hết tháo ra tạo kiểu này rồi lại tạo kiểu khác. Nếu trên đài có bật nhạc nhảy, tôi lại dạy chị nhảy khiêu vũ như trên tivi hay chiếu: một bước lùi, hai bước tiến,...Chúng bạn bảo rằng chơi với chị Ba như dở hơi, nhạt toẹt, tôi thì không thấy thế. Chơi với chị Ba cũng giống như chơi với một đứa em gái hay cười toe toét mà thôi. Tôi còn hay mang truyện sang nhà đọc cho chị Ba nghe. Chị Ba không biết chữ nên thích tôi đọc truyện lắm, chăm chú lắng nghe và khẽ gật cái đầu. Vì thế nên trong đám trẻ trong xóm hay trêu chị, chị Ba quý tôi nhất, thi thoảng nhìn thấy tôi lại khẽ gọi: "Em Ly, em Ly..."

TẬP THỂ 09/10Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ