BÍ MẬT XỨ HOA VÀNG 8

1.7K 8 1
                                    

Hồi 13: Bí Mật Giữa Đại Ngàn (bản đầy đủ)
Chúng tôi im lặng nghe lời giải thích của Thống. Cậu ta cho rằng ngôi miếu này được xây vốn không phải để thờ cúng. Ngôi miếu có lẽ là một địa điểm được đánh dấu. Mục đích chính nhằm để cho những người sau này đi tìm dễ nhận ra. Rồi cậu ta lập luận:
- Mọi người thử nghĩ xem. Nếu chúng ta chôn giấu một vật gì đó tại một nơi núi cao, rừng sâu thăm thẳm mà không đánh dấu, rồi vài chục năm sau quay lại tìm thì có thể nhận ra được không? Nơi đây giữa rừng già, chỉ bẵng đi vài ngày là cây cối đã mọc um tùm, nơi nào cũng giống nhau, toàn cây cối. Tìm như vậy cũng không khác nào vứt cây kim vào biển rồi nhảy xuống mò.
Thống nói có lý. Tôi cũng nghĩ tới điều này. Chôn giấu một vật gì để lại cho con cháu thì cũng phải đánh dấu cẩn thận để con cháu sau này còn tìm được. Nếu giấu quá kỹ, người sau đến tìm chỉ thấy núi rừng bạt ngàn mênh mông, thì cũng thật là uổng công, phí sức.
Cả đội trầm mặc trong những suy nghĩ miên man. Chợt Bằng quay sang hỏi Thống:
- Vậy sao họ lại đánh dấu bằng cái Miếu ?
- Vì chỉ có miếu là hợp lý hơn cả. – Thống đáp lời rồi tiếp. – Người ta chọn cái miếu ở giữa rừng vì nó đủ lớn để có thể tìm thấy. Hơn nữa miếu được xây cũng sẽ tồn tại lâu hơn, cho dù có đổ nát thì vẫn còn vết tích. Ví như nếu đánh dấu bằng một cái cây nào đó. Sau nhiều năm cây đó chết đi hay bị đốn chặt, thì chẳng phải đã mất dấu rồi sao ?. Vật dùng để đánh dấu vốn nên là những vật không dễ bị phá hủy theo thời gian. Hơn nữa, người dân Việt Nam hồi đó vốn rất mê tín, khiếp sợ quỷ thần nên họ xây một ngôi miếu. Rồi họ thổi vào đó một truyền thuyết hoang đường, thì đảm bảo những người dân bản xứ, người đi rừng nếu có thấy cũng không dám đập phá. Nào có mấy kẻ dám to gan động đến chùa, đến miếu đâu?.
Những điều Thống nói chúng tôi vốn không thể phản bác. Cậu ta luôn biết cách giải thích vấn đề hết sức hợp lý. Rồi Thống nhặt lấy mấy cái cuốc đưa cho bọn Bằng, Tùng và ra hiệu cả đội đi theo cậu ta. Tôi hơi ngờ ngợ về hành động của Thống. Phải chăng cậu ta thực sự định tìm kiếm một cái gì đó ở nơi này?.
- Em định đào cái miếu này lên để tìm kho báu à? – Tôi hỏi Thống.
Cậu ta khẽ gật đầu rồi nói:
- Nếu như phán đoán của em không nhầm, thì bí mật nhất định nằm ở dưới ngôi miếu. Em đã nhận ra từ lúc lên núi cùng thầy. Có thể chúng ta sẽ phải đào bới quanh đây. Chính vì thế nên em mới quay xuống núi để gọi đội chúng ta đem theo đồ nghề lên cùng.
Thống đi trước, dò dẫm từng bước tiến sâu vào ngôi cổ miếu. Ngôi miếu đổ nát, gạch đá vung vãi khắp nơi. Cỏ cây mọc tuy không cao nhưng um tùm, rậm rạp khiến chúng tôi phải khó khăn lắm mới vào được. Trời mùa hè nắng gay gắt. Nhưng trên đỉnh núi từng ngọn gió vẫn rít lên từng cơn, gào thét giữa bầu trời. Chúng tôi ai cũng lấm lem mồ hôi nhưng lại cảm thấy lạnh. Lạnh như từ trong tỏa ra xâm chiếm lấy gắp cơ thể. Lạnh đến sởn gai ốc. Càng vào gần trung tâm ngôi miếu chúng tôi càng cảm thấy lạnh. Không hiểu lạnh vì gió trời, lạnh vì trí tò mò và sự tưởng tượng của bản thân. Hay chúng tôi lạnh vì sự âm u, huyền bí của ngôi miếu.
Ở chính giữa nơi đặt ngôi cổ miếu giờ chỉ còn lại một bục thờ bằng đá. Phiến đá này rộng như một cái bàn học sinh, cao ngang lưng. Một cái lư hương bằng đá sứt mẻ, nằm lăn lóc phía dưới đất. Đồ thờ cúng vương vãi khắp nơi. Thống tiến lại sát bục thờ. Cậu ta phủi sạch lớp bụi trên phiến đá rồi lấy dao bậy một ít vụn đá trên bề mặt lên để quan sát. Rồi cậu ta lại nằm rạp người xuống sát đất, lấy tay hất lớp đất cát phía dưới chân phiến đá. Thống lấy con dao nhỏ, bản mỏng cẩn thận lạch vào phía dưới của phiến đá, nơi tiếp giáp với mặt đất. Tôi thấy cậu ta mỉm cười, trong ánh mắt thoáng lên một tia sáng ...
Thống đứng dậy, ra hiệu với chúng tôi tiến lại gần hơn, rồi nói:
- Cái bục thờ này không được gắn liền với nền đất. Đây vốn là một tảng đá to, được người ta cắt rời rồi đặt lên đây để làm bục thờ. Việc chúng ta cần làm là phải kiểm tra xem người ta để cái gì ở dưới bục thờ này.
- Nhưng tảng đá này khá nặng đó. Liệu chúng ta có bê nổi không? – Tùng nhìn Thống đầy nghi hoặc rồi hỏi cậu ta.
- Nặng thật! Nhưng chúng ta không bê. Nếu phiến đá không phải liền với mặt đất, thì chúng ta chỉ cần tìm cách xê dịch nó ra. Chúng ta có lấy đá đâu? chẳng qua chỉ muốn biết ở dưới phiến đá có gì thôi.
Rồi cậu ta ra hiệu cho chúng tôi mỗi người lấy một cái xà beng kê vào mép dưới của phiến đá. Phiến đá quả thật rất nặng, chúng tôi ai cũng mướt mát mồ hôi. Vật lộn, hì hục một lúc chúng tôi rốt cục cũng xê dịch được phiến đá ra khỏi vị trí ban đầu. Giây phút mà chúng tôi mong đợi rốt cuộc đã đến. Cả đội đều thấp thỏm, hồi hộp. Liệu dưới phiến đá kia có chôn dấu bí mật nào không ...?
Dưới phiến đá có lẽ ... lại là một phiến đá. Mọi con mắt cả đội đều đổ dồn vào Thống. Lẽ nào đây chỉ là một phiến đá được đặt lên đá núi ? Thống quẳng chiếc xà beng xuống rồi nhảy lên trên nền đất vừa lộ ra dưới bục thờ đá. Cậu ta lấy tay phủi hết lớp bụi bám phía trên. Lớp bụi đất theo tay cậu ta dần biến mất, để lộ ra bề mặt một phiến đá. Phiến đá này màu xanh sẫm rất khác lạ. Thống quay lại nói với chúng tôi:
- Phiến đá này màu xanh, trong khi đá núi ở đây chủ yếu màu trắng đục hoặc xám. Hẳn phiến đá này được mang từ nơi khác đến.
Rồi cậu ta đưa tay sờm mó tỉ mỉ lên phiến đá. Hình như phát hiện ra một điều gì đặc biệt, mắt Thống sáng lên, cậu ta nói giọng thảng thốt:
- Hình như trên bề mặt có chữ ! Bằng vào đây giúp tao phủi sạch lớp đất trên mặt này đi.
Bằng vội bẻ vài cành cây nhiều lá, rồi bó lại thành một chiếc chổi. Cậu ta nhanh chóng quét hết bề mặt của phiến đá. Lúc đó chúng tôi mới có thể nhìn rõ. Dưới ánh sáng của mặt trời, một tấm đá xanh hình vuông rộng khoảng hơn một mét được đặt trên mặt đất. Lớp đất đá xung quanh phiến đá xanh này hoàn toàn khác. Phiến đá xanh này quả thật đúng là được người ta đem đến đây đặt. Lúc đó tôi cũng đã nhìn thấy chữ ở trên phiến đá nhỏ này. Đúng là chữ. Nhưng không phải nhiều chữ. Chỉ có một chữ duy nhất được khắc chìm trên phiến đá. Một ký hiệu Hán tự, chữ 阮.
Ngạc nhiên pha lẫn một cảm giác hồi hộp thú vị, tôi nói với cả đội:
- Chữ này thầy biết. Ông ngoại thầy là nhà nho, dì thầy học Hán văn. Chữ này thầy đã từng thấy ông và dì viết rất nhiều lần.
- Vậy hẳn chữ này có ý nghĩa rất đặc biệt phải không thầy? như là chữ Tâm, chữ Nhẫn hay chữ Đức vậy. – Bằng quay sang hỏi tôi.
- Chẳng có gì đặc biệt cả. Chữ này ông ngoại thầy viết nhiều vì đây là họ của ông. Đằng ngoại nhà thầy mang họ Nguyễn. Đây chính là chữ NGUYỄN.
Chúng tôi im lặng nhìn nhau trong ngỡ ngàng. Vậy là Thống đã nói đúng. Dưới nền miếu cổ quả nhiên có vết tích của người xưa để lại. Chẳng phải chữ Nguyễn này chính là ám chỉ đến các chúa Nguyễn hay sao? Bí mật nơi đây hẳn phải liên hệ mật thiết đến dòng họ Nguyễn vương xưa kia.
Thống lấy cuốc đào một đường xung quanh viền phiến đá. Cậu ta nói:
- Chúng ta phải đào sâu thêm chút mới lật được phiến đá này lên. Nếu chỉ có chữ Nguyễn thì chẳng nói lên được nhiều. Có lẽ phải xem mặt sau phiến đá này có văn tự gì nữa không?
Cả đội lại bắt tay để đào phiến đá xanh nhỏ đó lên. Đây chỉ là một phiến đá nhỏ như tấm bia nên chỉ một loáng chúng tôi đã lật được nó lên. Tôi hơi thất vọng vì phía dưới phiến đá xanh này chẳng có thêm một chữ nào cả. Nhưng lúc này thì điều đó không còn quan trọng. Mọi con mắt đã không còn đặt trên phiến đá nữa. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng và bây giờ là sửng sốt ...
Phía dưới phiến đá xanh là một miệng hang đen ngòm. Miệng hang nhỏ chỉ đủ cho một người chui vào. Từ trong cái hang đó thỉnh thoảng lại phát ra những âm thanh u ú như tiếng hú quái đản của những âm hồn nơi địa ngục. Đột nhiên một luồng khí thốc lên từ dưới miệng hang, thổi táp vào mặt chúng tôi. Luồng khí lạnh đến tê tái cả da thịt. Tôi giật mình lùi lại rồi quay sang hỏi Thống:
- Giờ tính sao đây? Cái hang này không biết dẫn đến đâu đây? Không biết có sâu không?
Cả đội nam sững lại để đợi câu trả lời của Thống. Cậu ta cúi thấp xuống, ghé sát mặt vào cửa hang, rồi tỉ mỉ quan sát miệng hang. Có vẻ như đã tìm được điều gì, Thống đứng bật dậy rồi nói:
- Lúc trước thì có lẽ em không dám xuống. Nhưng bây giờ thì chẳng có gì đáng ngại cả. Người ta vẫn nói "Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con".
- Sao trước không dám mà bây giờ lại nhất định phải vào hang? – Tôi hỏi cậu ta.
- Thầy hẳn vừa thấy có một cơn gió lạnh thổi thốc lên từ trong hang chứ?
Tôi và cả đội gật đầu đáp lời cậu ta. Thống quay qua chỉ vào cái hang rồi giải thích tiếp:
- Vào hang ngầm vốn chỉ sợ chỗ kín gió. Vì không có gió nên thường cũng sẽ thiếu oxy để thở hoặc dễ sinh lam chướng, khí độc. Nếu lúc đó chúng ta nhảy xuống luôn thì có thể hít phải hơi độc mà bất tỉnh. Nhưng vừa rồi dưới hang có gió thổi. Vậy tức là cái hang này có không khí đối lưu. Theo em đoán cái hang này không chỉ có một cửa hang. Hẳn phải có những ngách cửa ở nơi khác nên mới có gió như vậy.
Chúng tôi tán thành với suy luận của Thống. Hẳn là gió lùa vào một cửa hang nào đó rồi chui ra từ miệng hang này. Thống ra hiệu cho Bằng bện vài cây đuốc. Đồ nghề, dụng cụ hóa ra đã được Thống căn dặn đội nam đem theo đầy đủ. Chỉ trong chốc lát chúng tôi đã có năm sáu cây đuốc được bện từ những cành củi khô, phía đầu quấn vải tẩm dầu. Sau khi châm vài ba cây đuốc cháy phừng phừng, Bằng quẳng một cây xuống miệng hang. Rồi cậu ta giải thích làm thể có hai tác dụng. Một là để xác định xem hang có sâu không. Hai là để phòng trường hợp có những khí độc như khí ga, khi gặp lửa chúng sẽ cháy bùng lên. Chúng ta chỉ việc đợi cháy hết rồi có thể xuống hang an toàn.
Tôi nghe thấy tiếng bó đuốc rơi xuống nền đất phát ra một tiếng "cách" rồi tắt ngấm. Căn cứ vào âm thanh này thì hẳn phía dưới hang không sâu lắm. Thống lấy ra một cuộn dây thừng, buộc thắt nút thành từng khấc nhỏ cách đều nhau khoảng 50 phân. Cậu ta nói với tôi rằng bện dây thành từng khấc này để dễ bám, vít khi trèo. Rồi Thống buộc chặt một đầu dây vào một thân cây ở gần đó. Đầu còn lại cậu ta thả xuống cái hang.
- Ai đi trước ? – Thống quay sang hỏi chúng tôi.
Không cần phải trả lời tôi đã thấy Bằng buộc một chai nước vào bên hông, miệng ngậm con dao rựa rồi hai tay lần theo dây mà tuột xuống hang. Cậu ta mất hút trong cái hang đen ngòm. Cái đuốc chúng tôi thả xuống hẳn là đã tắt. Vào lúc đó tôi cảm thấy thực sự lo cho cậu ta. Cho dù tôi luôn biết Bằng là một người giỏi võ nghệ và nhiều kinh nghiệm với hiểm nguy.
Chợt tôi thấy có ánh sáng bừng lên trong hang. Hẳn là Bằng đã xuống đến dưới hang và châm lại ngọn đuốc bị tắt lúc chúng tôi ném xuống. Tiếng Bằng vọng từ dưới lên:
- Xuống dưới này đi, an toàn rồi. Cũng không sâu lắm đâu.
Lần lượt đến Tùng, Hiệp và tôi bắt chước Bằng bám dây tụt xuống hang núi. Chúng tôi không còn phải lo lắng quá nhiều vì ở dưới đã có Bằng đón. Thống là người đi sau cùng. Cậu ta để lại trên đó một số dụng cụ to dài như cuốc, xẻng, xà beng ... Thống vơ mấy bó đuốc, vài chai nước và một số dụng cụ cần thiết, cuộn lại thành một cái bọc rồi ném xuống dưới hang. Rồi cậu ta bám dây leo xuống hang cùng chúng tôi. Không hiểu sao lúc đó trong đầu tôi lại có ý nghĩ rằng Thống sẽ trở thành Lý Thông. Đợi chúng tôi xuống hang rồi cậu ta sẽ lấy phiến đá mà lấp miệng hang lại. Rốt cuộc chuyện đã không xảy ra như vậy. Chúng tôi không phải là Thạch Sanh thì làm sao cậu ta lại trở thành Lý Thông được chứ?
Ba cây đuốc được thắp lên. Chúng tôi đã có thể nhìn rõ được toàn bộ cái hang. Hang cũng không rộng như chúng tôi nghĩ. Từ miệng hang nơi chúng tôi chui vào đến nền của hang chỉ tầm ba mét. Thực tế nếu chúng tôi đứng lên vai nhau thì cũng có thể với được đến miệng hang. Hang chỉ nhỏ như một căn phòng. Nền và vách hang khá gồ ghề. Thống quan sát cái hang một lúc rồi nói:
- Cái hang này đúng là hang tự nhiên. Hẳn là trái núi này rỗng, tạo thành nhiều hệ thống hang động trong lòng núi. Tuy nhiên, cái miệng hang mà chúng ta chui vào thì không phải tự nhiên.
- Vậy là sao? Ý của em là miệng hang là do có người cố tình tạo ra? – Tôi hỏi.
- Đúng vậy! Em đã quan sát kỹ. Miệng hang có dấu vết đục đẽo để cho khớp với phiến đá xanh. Người ta đã khoét rộng miệng hang để họ có thể chui vào. Có lẽ nguyên thủy miệng hang này rất bé. Nhưng đây chỉ là cuối một ngách hang, chưa phải là động chính. Thường trong những trái núi đá vôi như này sẽ có một hệ thống động ngầm. Ở Việt Nam những hệ thống hang động này có rất nhiều. Như là hệ thống hang động Sơn Đoong ở Quảng Bình, hang động ở Chùa hương hay động Ngườm Ngao trên Cao Bằng. Có lẽ chúng ta phải đi tiếp.
Rồi Thống chỉ tay về phía cuối góc cái hang. Dưới ánh sáng lờ mờ, vàng vọt của đuốc, chúng tôi thấy ở đó có một cái hốc đen ngòm như một cái cửa. Cái hốc này nhỏ nhưng vẫn vừa cho một người đi lom khom. Nếu đi theo nhánh hang này hẳn sẽ dẫn đến trung tâm của trái núi. Động chính chắc chắn sẽ nằm ở cuối con đường.
Chúng tôi nối đuôi nhau lần mò theo con đường này để tiến sâu vào trong lòng núi. Bằng vẫn luôn đi trước mở đường, còn Thống chặn hậu phía cuối đoàn. Tôi được ưu tiên đi giữa. Trước mặt chúng tôi vẫn là một màu đen kịt. Nhưng dù đi sâu vào lòng núi chúng tôi vẫn thấy đủ không khí. Điều này càng củng cố cho suy đoán của Thống. Hang núi này không chỉ có một ngách, một cửa hang. Có lẽ còn có nhiều ngách hang khác, dẫn ra những lối khác của quả núi.
Cứ thế chúng bám theo nhánh hang tiến sâu vào lòng núi. Càng đi sâu vào trong thì lòng hang càng mở rộng. Lúc đầu chúng tôi phải lom khom, giờ thì đã có thể đi lại thoải mái. Đi khoảng hơn chục phút chúng tôi chợt thấy ở phía cuối con đường có le lói chút ánh sáng. Vậy là đã đến cuối của nhánh hang. Chúng tôi đã đến động chính của trái núi.
Vừa bước ra khỏi nhánh hang, đập vào mắt chúng tôi là một cái hang động to lớn, kỳ vĩ. Hang chính nằm ở trước mắt chúng tôi. Hang rất rộng, vòm hang cao như một tòa nhà 4 tầng. Phía trên vòm hang tua tủa nhũ đá rủ xuống như những chiếc răng nanh gớm ghiếc của quỷ. Có lẽ cái hang này cũng to lớn không kém động Hương tích ở chùa Hương hay hang Cắc Cớ ở chùa Thầy.
Hang động to lớn tràn ngập ánh sáng và gió. Chúng tôi đã không cần dùng đến đuốc nữa. Ánh sáng chiếu vào từ trên đỉnh đầu của chúng tôi. Hóa ra cửa hang chính lại nằm thẳng phía trên của vòm hang. Nóc hang lại là cửa hang. Có lẽ nơi này chính là một ngọn núi lửa đã tắt cách đây hàng triệu năm. Chúng tôi đang đứng trong lòng ngọn núi lửa và phía trên đầu là miệng của núi lửa. Gió và không khí cũng từ miệng núi này mà lùa vào trong động tạo thành những tiếng u u huyền bí. Đứng ở trong lòng động nhìn lên chúng tôi có thể thấy được rất nhiều cây cối mọc ở mép của miệng núi. Phía trên đó hẳn là rừng cây rậm rạp. Từ khu rừng phía trên đó, rất nhiều loại cây dây leo chằng chịt theo vách đá mà rủ xuống lòng động. Chúng mọc tua tủa, bện xoắn xít vào nhau thành từng búi, hoa lá um tùm. Có những thân dây leo to như bắp chân người, như chiếc dây thừng sần sủi thả từ trên miệng hang xuống lòng động.
Chúng tôi thận trọng tiến từng bước vào tâm của hang động. Thống bỗng dừng lại, quay sang nói với chúng tôi:
- Cái hang to này có lẽ chứa được cả một đội quân nghìn người. Hang tuy cao nhưng không phải không thể leo vào. Phía trên nóc hang chắc hẳn cũng là đỉnh của ngọn núi. Ở phía trên đó người ta cũng có thể bắc thang dây, thả xuống lòng động mà leo vào như chúng ta.
- Không cần dùng đến thang dây đâu. – Bằng trả lời rồi chỉ vào đám dây leo trên vách hang. – Bám vào đám dây này cũng có thể leo lên trên đó. Mấy cây dây leo này có khác gì thang dây đâu. Để chút nữa tao sẽ thử trèo lên xem.
Gần đến chính giữa của hang, chúng tôi nghe thấy một âm thanh róc rách quen thuộc. Tôi ra hiệu cho cả đội dừng lại để nghe kỹ:
- Mọi người có nghe thấy gì không? Hình như trong động chính này còn có cả suối ngầm.
- Đúng! Em cũng nghe thấy tiếng nước chảy. Chắc chắn trong lòng núi này có mạch nước ngầm chảy. Dòng chảy này chắc hẳn chạy qua lòng động. Trong động khô còn có cả suối ngầm cũng không phải là hiếm. Động Phong Nha, hang Sơn Đòng hay động Ngườm Ngao cũng đều có suối trong động. – Thống trả lời tôi.
Chúng tôi đã đến chính giữa lòng động. Ánh nắng từ trên đỉnh động rọi thẳng xuống nơi chúng tôi đứng. Nền động khá bằng phẳng. Nhiệt độ trong động khá lạnh. Ánh sáng chói trang của buổi chiều mùa hè đủ để chúng tôi có thể quan sát được khu vực chính của hang động này. Ở một góc động, ngay trước mặt chúng tôi, nơi phát ta tiếng nước chảy róc rách là một con suối. Nước suối chảy đọng lại tạo thành một ao nước nhỏ ở cuối động. Mặt nước ao đen kịt. Vốc một ít nước lên táp vào mặt, tôi thấy nước suối mát lạnh, trong veo. Hẳn do lòng của con suối toàn đá núi xanh đen và thiếu ánh sáng nên khi nhìn xuống nước mới có màu đen như vậy.
Nhưng điều làm chúng tôi kinh ngạc nhất lại nằm ở chính giữa lòng động. Trên nền đất ngay trước mắt chúng tôi ngổn ngang những hòm gỗ to nhỏ đã mục nát. Các hòm đều đã được mở tung nắp và trống rỗng. Có cái đã vỡ nát, mảnh vụn gỗ vương vãi khắp nơi. Thống nhặt một mẫu gỗ cầm lên quan sát rồi nói:
- Vậy là hang động này trước đây đã có người đến. Hẳn rất nhiều người đã đến thì mới có nhiều hòm gỗ như này. Nhiều người và nhiều đồ như này thì hẳn họ không đi theo đường của chúng ta. Chắc hẳn họ đã dòng dây vận chuyển các hòm gỗ và xuống đây từ phía cửa hang trên nóc động. Có lẽ đã có cả một đạo quân xuống đây.
Chúng tôi đã đến chính giữa lòng động. Chọn một phiến đá bằng phẳng, cả đội dừng lại nghỉ ngơi và bàn bạc. Công việc của chúng tôi được Thống sắp đặt nhanh chóng. Mỗi người đều được phân công nhiệm vụ riêng của mình. Thống sẽ đi xem xét và tìm hiểu các hòm gỗ, đồ vật vương vãi trong động. Bằng sẽ bám lần theo các cây leo để thử tìm cách trèo lên miệng hang trên nóc động. Tùng có nhiệm vụ cầm đèn pin đi khắp các ngõ ngách trong động chính để tìm xem còn có những nhánh động phụ nào không? Nếu tìm thấy cậu ta chỉ cần đánh dấu lại, chứ không tự ý một mình đi sâu vào đó. Hiệp được phân công nhiệm vụ tìm hiểu con suối và cái ao trong động. Còn tôi có một nhiệm vụ quan trọng và cao cả, đó là: "trông đồ". Nhiệm vụ của tôi đó là ngồi ở đây, trông đồ cho cả đội và đợi họ quay trở về.
Ngồi lại trong đồ một mình, tôi lấy điện thoại ra chơi để giết thời gian. Chơi được một lúc thì máy hết pin. Tôi cũng thấy khá mệt mỏ, căng thẳng sau một chặng đường dài leo núi và lần mò trong hang. Quẳng cái điện thoại sang bên cạnh, tôi nằm vật ra đất bất chấp bụi bậm. Vì bản thân tôi lúc đó vốn dĩ cũng đã bẩn cả người từ đầu đến chân. Lấy cái ba lô làm gối, tôi dần dần thiếp đi vào trong giấc ngủ. Trong giấc ngủ, tôi thấy chập chờn hình ảnh của cái xác khô chúng tôi đã gặp. Cái xác trong bộ quan phục thời Nguyễn đi đi lại lại trước mặt tôi. Rồi bỗng nhiên cái xác nhảy bổ như trực vồ lấy tôi.
Giật mình, trán vã mồ hôi, tôi choàng tỉnh khỏi giấc mộng mị. Vẫn chưa thấy ai trở về. Hóa ta tôi cũng mới chỉ chợp mặt được chục phút. Tôi tự hỏi: phải chăng nơi đây chính là nơi giấu kho báu ? Những hòm gỗ này chính là những hòm vàng của tướng quân Võ Chính ? Vậy mà giờ đây trước mắt chúng tôi chỉ toàn là những hòm rỗng. Vàng đã biết mất đâu rồi ? Không biết Thống có tìm được cục vàng nào sót lại hay không ? Nếu có cũng đỡ uổng công cả đội chúng tôi lặn lội đến tận nơi này. "À! Mà giá vàng bây giờ đang là bao nhiêu nhỉ", tôi thầm nghĩ.
Bất chợt tôi thấy có tiếng bước chân phía sau lưng, tôi vội quay lại. Người đầu tiên trở về là Thống. Tôi thấy trên tay cậu ta cầm một cái tráp nhỏ bằng gỗ có trạm khắc hình rồng phượng. Thống mở tráp đưa cho tôi xem. Cái tráp để lâu năm nên cũng đã mục nát ít nhiều. Trong tráp chỉ còn lại vài đồng tiền xu cổ mốc meo dính bết bùn đất. Tôi vội hỏi cậu ta:
- Vậy là kho báu đây sao? Ít ỏi vậy thôi à? Mà không hiểu mấy đồng xu hoen rỉ này liệu có bán đồng nát được không nhỉ?
Thống nhìn tôi tủm tỉm cười rồi nói:
- Bán làm gì thầy. Để lại làm kỷ niệm. Ít ra nó cũng là tiền xu cổ. Đây là tiền xu thời nhà Nguyễn. Vậy nơi đây chắc chắn là nơi chứa kho báu của tướng quân Võ Tánh theo như ghi chép trên tấm bia cổ. Ít ra thì cũng đã từng là nơi chưa kho báu. Nhiệm vụ của chúng ta không phải đã kết thúc đâu. Mà mới là chỉ bắt đầu thôi ?
- Bắt đầu làm gì nữa vậy? – Tôi hỏi.
- Bắt đầu tìm xem kho báu đâu rồi ? Tại sao nó lại biết mất ? Và ai đã lấy nó đi ?. – Thống đáp lời tôi.
.............
(Hết hồi thứ 13)
Xin mời quý độc giả đón đọc phần kết của Hồi ký Sơn Định. Hồi thứ 14: KẾ NẰM TRONG KẾ.

[TỔNG HỢP] TRUYỆN MA CÓ THẬT - Thế Giới Tâm Linh Xung Quanh Chúng TaWaar verhalen tot leven komen. Ontdek het nu