Chương 24: Ơn tri ngộ

0 0 1
                                    

Yến Phi lượn lờ không mục đích khắp Biên Hoang, cố ý tránh những làng hoang đường vắng, chọn những nơi không người đặt chân đi dần về phía đông. Lúc đói hái quả dại lót lòng, lấy trời làm chăn, lấy đất làm giường, trở lại cuộc sống phiêu bạt trước đây.

Đầu óc chàng trống rỗng, chẳng nghĩ ngợi gì hết, song tự nhiên cứ đến một giờ giấc nhất định lại luyện công. Mấy ngày rồi chàng giao phong với nhiều cao thủ cũng có ích lợi, rất nhiều chỗ vi diệu tinh tế trước đây chưa thể lĩnh ngộ quán thông, bỗng trở nên thông suốt trong mấy ngày thảnh thơi nhàn nhã ấy. Nhưng có tinh tiến chút nào về Nhật Nguyệt Lệ Thiên công pháp hay không, chàng tuyệt không bận tâm, tuyệt không để ý.

Đêm ấy chàng ngồi trên một đầu núi, vầng trăng lưỡi liềm treo cao trên trời. Yến Phi cảm thấy khoan khoái, một cảm giác lạ lùng không hiểu vì sao sinh ra trong khi thân đang trong hoàn cảnh như thế này.

Chừng bốn năm dặm về phía Tây, có một cái thôn hoang vắng với khoảng năm mươi căn nhà nát, như một chứng cứ cho sự tàn phá của chiến tranh, cảnh tượng thê lương u tịch.

Chàng đang ở đâu, muốn đi đến đâu, tất cả đã trở nên không quan trọng nữa rồi, chàng đã dốc hết sức cho Thác Bạt Khuê và người Hán ở phương nam, không còn vướng bận gì nữa, chiến tranh diễn tiến đến đâu đã vượt ra ngoài phạm vi quan tâm của chàng rồi.

Cái cảnh ở Đệ Nhất Lâu nhìn Hoang nhân Hán tộc chạy nạn dường như chỉ vừa mới xảy ra, bỗng nhiên chàng ngẩn người, việc đã xảy ra lại có một cảm giác ảo mộng không thật. Cảm giác an toàn được rời xa Biên Hoang Tập, ngược lại lại khiến chàng trở lại với những cơn ác mộng tiếp diễn suốt một năm nay, trở nên lười biếng và ngại ngần không muốn nhắc đến đối với bất cứ sự việc gì. Nhưng chàng phải lựa chọn, vì bản thân, ít nhất là một phương hướng.

Nếu tiếp tục đi về hướng đông, cuối cùng lại đến bên bờ đại hải. Nghĩ tới đây lòng gợn lên, nghe nói ngoài biển có một thắng cảnh khác, nơi gần nhất là nước người lùn và đất người man di, chàng đã cảm thấy mệt mỏi vì những nỗi khổ của chiến tranh ở Trung nguyên, cớ gì mà không nghĩ cách vượt biển đi tìm một mảnh đất vui vẻ không có chiến tranh, cùng lắm thì vùi thân trong biển rộng.

Nghĩ tới đây, Yến Phi rời đỉnh núi, đi xuống dưới.

Phù Kiên thúc ngựa phi ra khỏi Đại Trại Nam Môn, phóng thẳng về phía rẻo cao ngoài trại, hai bên trái phải có các đại tướng Khất Phục Quốc Nhân, Mộ Dung Vĩnh, Ngốc Phát Ô Cô, Thư Cừ Mông Tốn, Lữ Quang, Chu Tự... theo sau là hơn một trăm thân binh tùy tùng.

Nơi xa trên Dĩnh Thủy, khói báo động bốc lên trời đêm, đó là Phong Hỏa đài gần Biên Hoang Tập nhất, dùng lửa khói truyền tin báo về Biên Hoang Tập. Quanh vùng có khoảng một trăm Phong Hỏa đài như thế, phân bố khắp tây ngạn Dĩnh Thủy, dùng để thông tin liên lạc giữa tiền tuyến và hậu phương.

Phù Kiên nghe tin có lửa khói, cảm thấy hứng khởi, lập tức xuất trại đích thân đi xem cho rõ ràng.

Toán kỵ mã cuốn lên đầu núi như một cơn lốc, Phù Kiên kềm ngựa lại. Các tướng cũng vội vàng ghì cương, dừng lại đằng sau.

Biên Hoang Truyền ThuyếtNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ