Chương 3: Thoát nạn trong gang tấc

Bắt đầu từ đầu
                                    

Yến Phi tuyệt không khách khí, thu lấy mấy đĩnh vàng nhét vào trong bọc, rồi chau mày hỏi: "Ngươi vì sao còn ở lì mãi đây?".

Cao Ngạn sáng mắt, nhoài lên trước hạ giọng thì thầm: "Đây là cơ hội phát tài ngàn năm có một, bọn phương Nam sẽ trả tiền. Tiện thể ta báo ngươi biết một tin, ít nhất cũng đáng giá một đĩnh vàng, nhưng lần này coi như tặng không cho ngươi, vì cái mạng của ngươi cũng chẳng kéo dài được lâu nữa. Ngũ Đại Hồ Bang của Biên Hoang Tập đã kết thành liên minh, chuẩn bị nghênh đón đoàn quân tiên phong do thân đệ của Phù Kiên là Phù Dung dẫn đầu, lại quyết định là không bỏ qua cho bất kỳ một người Hán nào. Bọn họ đang tập kết nhân mã ở quảng trường chỗ gác chuông, trước sau truy sát Hán Bang chạy nạn. Mẹ nó! Ngươi có biết mãnh tướng thủ hạ của Phù Dung là "Hào Soái" Thư Cừ Mông Tốn tộc Hung Nô đêm qua đã bí mật đến đây, liên kết các tộc rồi không? Ôi! Đủ chưa? Ta phải đi đây!". Rồi gã bật lên, băng ngang căn phòng như một làn khói, xuyên ra ngoài qua một cửa sổ khác, nháy mắt đã không còn thấy đâu nữa.

Yến Phi tựa hồ chẳng nghe thấy lời gã, đột nhiên nắm lấy Điệp Luyến Hoa, lộn mình nhảy khỏi chiếc ghế, đáp xuống giữa lòng đường, sau đó thong thả cất bước về phía Đông Môn.

Tiếng vó ngựa đột ngột vang lên sau lưng, càng lúc càng tới gần.

Yến Phi xoay vụt lại như gió lốc, đầy trời mưa tên như châu chấu đã trút xuống rào rào.

Thư đường 'Vọng Quan Hiên" của Tạ An thấm đẫm phong vị thế gia đại tộc nhà Ngụy Tấn. Bố cục kiến trúc của Tứ diện sảnh, những cội mai già trăm năm và trúc mềm uyển chuyển trong viên lâm xung quanh, Hạ Sơn tú lệ ở hướng tây bắc, Thu Sơn hùng vĩ ở hướng đông, tiểu đình và ao xanh ở hướng bắc, xuyên qua những ô cửa sổ song hoa trổ khắp bốn bề tường, ẩn ước như lồng vào thư hiên, khiến người ta cảm thấy được hòa mình trong bốn mùa cảnh sắc.

Hiên đường trần thiết những đồ gia dụng bằng gỗ hồng, bốn mặt tường treo những bức họa danh tiếng, trên mỗi cột nhà gắn bốn ngọn đèn bát giác kiểu cung đình, cảnh tượng phú quý mà vẫn không mất vẻ văn nhã, bộc lộ rõ rệt thân phận và hứng thú của Tạ An.

Dưới ánh ban mai nhu hòa, Tạ An và Tạ Huyền ngồi bên bàn cờ đặt giữa hiên đường, Tạ An vẫn giữ dáng điệu tự nhiên nhàn tản, Tạ Huyền thì có chút lơ đãng, chau mày nhìn Tạ An chọn lấy quân đen.

Từ tư thế ngồi, có thể nhận ra sự khác nhau về tập quán sinh hoạt của người Hán và người Hồ thời đó. Người Hán từ thời Ân Chu bắt đầu ngồi kiểu hai đầu gối quỳ về đằng trước, phần hông tựa trên "bàn tọa" được tạo bởi hai bụng chân, kiểu ngồi ấy trở thành một bộ phận quan trọng trong văn hóa lễ giáo nho gia. Kiểu ngồi "ky cứ" đặt bệt mông xuống đất, hai chân duỗi ra đằng trước và kiểu ngồi trên cao thả chân xuống đều bị coi là hành vi cấm kỵ, bất kính. Từ sau thời Hán trở đi, ở những nơi người Hán và người Hồ sống lẫn với nhau, loại ghế cho phép người ta ngồi thả chân và kiểu ngồi "ky cứ" của người Hồ lại lan rộng ra trong người Hán, tạo nên phong cách mới về nội thất, thể hiện trên những chiếc giường, ghế, hoặc đôn chân cao. Có điều trong những gia tộc thế phiệt, kiểu ngồi của người Hồ vẫn bị coi là bất kính hoặc không có tu dưỡng, không có văn hóa.

Biên Hoang Truyền ThuyếtNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ