Step 2: Xác định mục tiêu

131 11 1
                                    

Xin chào tất cả mọi người, mình lại trở lại với chuyên mục "Get ready to study" đây ạ. Ở phần trước mình đã bàn về công việc quan trọng bậc nhất của việc thoát kiếp vất vả học hành là "xác định mục đích" vậy ở phần này, sau mục đích sẽ là đến mục tiêu mọi người nhé.

Thành thật mà nói, mục tiêu so với mục đích cũng không khác là bao cho nên tầm quan trọng của nó dĩ nhiên là cũng na ná mục đích rồi. Như vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây rằng, nếu đã giống nhau thì tại sao mình lại còn phải nhọc công tách ra thành hai phần như này nữa? Welp, mình sẽ làm rõ hơn thông qua ví dụ nhé.

Mình thật sự là một con dốt Lý, vâng điều này mình cũng đã từng đề cập ở phần trước rồi. Vì cái sự dốt mãn tính của mình, mục đích của mình với môn Lý trên trường chỉ là "vừa đủ điểm" , đấy là mục đích. Tuy nhiên, mình không thể cứ ngồi đấy khơi khơi và kaboom, một con điểm vừa đủ sẽ rơi xuống sổ điểm mình được, mình cần phải có một mục tiêu rõ ràng – đó là đạt được trung bình 6.5. Qua ví dụ trên, rất rõ ràng là mục đích chỉ mới là điều kiện cần cho một vấn đề còn mục tiêu mới là điều kiện đủ để bạn có thể đạt được vấn đề đó. Ấy thế nhưng, không phải cứ đâm đầu vào đặt bừa mục tiêu là được, bạn, cụ thể ở đây là một học sinh, phải có những phương pháp để đạt được mục tiêu có thể giúp mình học hành hiệu quả.

Phương pháp 1: Xác định loại mục tiêu.

Theo cách chia chủ quan của bản thân, mình mạn phép được chia mục tiêu thành 2 loại: gần và xa.

Mục tiêu gần nói một cách dễ hiểu chính là những mục tiêu ngay trước mắt, như là điểm bài kiểm tra sắp tới, mục tiêu cho tuần sau. Những mục tiêu này có vai trò hỗ trợ chia nhỏ vấn đề, giống như là thay vì một ngày ôm đồm 10 việc, mỗi ngày làm một việc hẳn sẽ dễ dàng hơn phải không nhỉ?

Loại mục tiêu thứ hai – mục tiêu xa, là một dạng mục tiêu tổng quát hơn, đó có thể là cho một học kỳ, một năm hoặc là sau khi tốt nghiệp. Nói một cách đơn giản, đây có thể được xem như là trùm cuối của một trò chơi do chính bạn tự thiết lập.

Sẽ có nhiều bạn tự hỏi rằng, loại mục tiêu nào thì tốt hơn? Câu trả lời của mình sẽ là không có loại nào cả, chúng chỉ giúp bạn đạt được hiệu suất cao nhất khi chúng được dùng chung với nhau. Tưởng tượng này, nếu một game mà chỉ có một trùm cuối, bạn đánh mãi chẳng được thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ buồn phiền sinh nản chí đúng không? Ngược lại, nếu một game mà chỉ toàn lẻ tẻ, đánh đến vô cực mà không biết mức nào sẽ thắng, một game như thế hẳn cũng sẽ rất dễ khiến người chơi nản lòng. Vì vậy, dựa theo kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, mình khuyên rằng để tăng năng suất việc học hành nhất, bạn hãy xác định đâu là mục tiêu xa và rồi trong mục tiêu xa ấy, lần lượt bạn sẽ xác định từng mục tiêu gần.

Phương pháp 2: Lựa chọn mức độ.

Vâng, nếu bạn nào đã từng qua phương pháp 1 và vẫnnnnn nản thì dừng lại chút nào, các bạn hãy nghía qua phương pháp 2 này nhé.

Ông cha ta luôn nói "biết địch biết ta trăm trận trăm thắng".

Có một lỗi sai mà những bạn học sinh ngày nay thường mắc phải (trong đó có cả mình...) chính là đạt mục tiêu quá cao so với khả năng thực tại. Việc đạt mục tiêu cao để có động lực tiến lên, điều đấy hoàn toàn tốt tuy nhiên, cao nhưng phải trong tầm với. Mình đoán rằng ai cũng sẽ nghĩ, nếu mà có tầm với thì làm sao mà tiến bộ? Sự thật hoàn toàn ngược lại mọi người ạ. Mỗi con người, mỗi cá thể đều có một năng lực và thế mạnh riêng. Mỗi con người, mỗi cá thể đều có những tầm cao khác nhau. Nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề, việc mà bạn chọn một mục tiêu quá cao so với mình chính là hệ quả của việc bạn lấy năng lực của người khác làm thước đo tiêu chuẩn. Bạn mãi theo đuổi, mãi đuổi theo "người ta" , một người mà có thể bạn chưa bao giờ hiểu rõ ưu-nhược điểm vậy thì làm sao bạn có thể thành công nếu cứ mãi theo đuổi một thứ vô định như thế?

Hãy lấy bản thân để làm thước đo các bạn ạ. Bạn A học giỏi Toán nhất trường không có nghĩa là bạn cũng phải như thế thì mới được gọi là "tiến bộ". Bạn chỉ cần vượt hơn mình một chút, hôm nay 7 hôm sau 8, môn nào là thế mạnh thì hôm sau 8, hôm nay 9, cứ như thế, một mục tiêu trong tầm với sẽ giúp bạn chiến thắng bản thân. Bạn phải nhớ thế này, trên đời này sẽ không bao giờ có chuyện một ai đó sẽ là đối thủ của bạn mãi mãi cũng như không ai sẽ mãi có thể là thước đo tiêu chuẩn của bạn, học tập cũng vậy. Nếu cứ mãi để "thành người ta" , bạn sẽ dần mất động lực và phương hướng nên bạn chỉ cần "hơn bản thân" , hơn đối thủ duy nhất chính là bản thân bạn.

Ngoài lề, việc đặt mục tiêu ngang tầm sẽ khiến bạn cảm nhận được sự sung sướng khi hoàn thành từ đó kéo theo bạn sẽ lại có tinh thần và ý chí để đạt đến mục tiêu kế tiếp.

Ở trên là 2 phương pháp cơ bản nhất để có thể giúp mọi người xác định mục tiêu cải thiện điểm số. Đôi khi, mục tiêu cũng có thể là mục đích nhưng đa phần, tách cả hai ra sẽ giúp mọi người có một kế hoạch cụ thể và chi tiết hơn. Nếu có thêm bất cứ phương pháp nào hoặc thắc mắc về việc học thì xin hãy cmt ở dưới nhé, mình sẽ rep và chia sẻ với mọi người nghen.

---

Hi vọng là phần này đã giúp cho mọi người có thêm động lực học tập, mình là Merry_Goround, một con nhỏ ham hố mong muốn được trở thành một người dẫn đường cho người khác.

G E T  R E A D Y  T O  S T U D YМесто, где живут истории. Откройте их для себя