Hương lá nếp xếp vào tim

8 3 6
                                    

Ai đã từng ngửi qua hương lá nếp chắc chắn không thể nào quên.

Có rất nhiều loại cây cỏ tạo hương thơm, nhưng mùi hương ngọt ngào, chân quê của lá nếp thì đi sâu vào tâm khảm người Việt. Phương Tây có mùi hương va-ni tiêu biểu thì phương Đông có mùi lá nếp.

Như một lẽ thường, lá nếp (hoặc lá dứa theo cách gọi của người miền Nam) gắn liền với hạt...gạo nếp. Đây là hai loại thực vật khác hẳn nhau, nhưng khi đi chung thì lại thân thiết không ngờ. Lá nếp mà dùng để thổi xôi thì thơm lừng cả căn bếp. Vội quá thì có thể buộc lá lại cho vào chõ đồ xôi, thế là xong. Ai có nhiều thời gian hơn thì có thể xay nhuyễn lá cùng ít nước rồi cho bã vào túi vải sạch để vắt. Nước lá nếp giúp xôi có màu xanh ngọc tuyệt mỹ kèm hương thơm ngọt ngào bắt hồn người ăn.

Cũng với thứ nước màu xanh lục ấy, ta còn có thể nấu cơm hay nấu cháo. Ngày bé, tôi đi chơi ở công viên gần nhà có thấy một hàng cháo lá nếp rất hút mắt. Vốn tính trẻ con mê màu sắc, lại phần mắt to hơn bụng, tôi nằng nặc đòi mẹ ăn cho bằng được, song cuối cùng phải bỏ dở vì bát cháo quá to.

Bây giờ ngẫm lại, tôi đoán chừng bát cháo lá nếp ngày xưa không to lắm đâu. Có chăng là vì lúc đấy mình bé quá, ăn bát con thì được chứ cả bát to như bát canh thì rất khó. Thế nhưng, kỷ niệm buồn cười này lại khiến tôi tin rằng: màu xanh của lá nếp rất thu hút.

Một lý do cho sự thu hút đặc biệt có lẽ đến từ việc lá nếp là một loại phẩm màu tự nhiên rất phương Đông. Ngày xưa không có phẩm màu hóa học, việc nhuộm màu cho món ăn chỉ có thể đến từ các nguyên liệu tự nhiên. Đỏ cam thì có gấc, vàng thì có nghệ hoặc quả dành dành, còn xanh lục thì có lá nếp.

Lá nếp được trồng khắp nơi, rất dễ dùng để nhuộm màu cho xôi, cơm, cháo. Thậm chí, ta còn có thể dùng lá nếp để nhuộm màu cho thịt lợn, đơn cử như trong món mọc vân ám của người Hà Nội xưa. Ai vắt bã lá nếp rồi cũng nhớ bàn tay mình nhanh chóng nhuốm màu xanh ra sao.

Ngoài thịt lợn, ta còn có thể dùng lá nếp cuốn thịt gà thái quân cờ và mang đi rán. Món ăn này không phổ biến lắm nhưng có xuất hiện ở vài nhà hàng trong miền Nam, hình như là một nét văn hóa của người Thái Lan du nhập vào. Tuy nhiên, sau quá trình rán ngập dầu, miếng gà cuộn lá nếp cũng chả còn mấy hương thơm đặc trưng nữa.

Thế nên, mùi hương của lá nếp vẫn hợp nhất với những thức quà ngọt. Có đứa trẻ nào lớn lên ở miền Nam mà chưa từng thử qua bánh da lợn? Thứ bánh xen tầng đậu vàng với tầng nếp xanh, dẻo thơm và ngọt ngào không thể tả. Ở miền Bắc cũng có loại bánh này, nhưng gọi là bánh chín tầng mây và không đạt đến độ phổ biến đến mức đi vào mọi mâm cỗ như ở miền Nam. Cũng xin mở ngoặc rằng tôi không hiểu cái tên "da lợn" đến từ đâu, bởi miền Nam gọi lợn là heo, và chiếc bánh màu xanh thơm ngọt này cũng không gợi nhắc đến con vật ấy.

Ngoài bánh da lợn, lá nếp còn giúp tô màu cho món bánh đúc gân ở miền Tây Nam Bộ. Tuy cùng tên bánh đúc, nhưng bánh đúc gân miền Nam khác hẳn bánh đúc truyền thống ở miền Bắc. Bánh đúc gân dùng nhiều bột làm từ củ sắn nên dai dai, có màu xanh của lá nếp kèm độ béo ngậy của cốt dừa và hương thơm của vừng rang, quả thật là thức quà ngọt khó bỏ qua.

Nhìn chung, những loại bánh, xôi, chè ngọt nào cũng hợp với lá nếp. Thích thì ta có thể dùng lá nếp trong cả chè trôi nước, bánh bao ngọt, và cả bánh nếp nhân đỗ xanh nữa. Những thức quà ấy làm theo cách thông thường đã ngon rồi, khi có màu xanh và hương thơm của lá nếp thì lại càng kích thích vị giác hơn nữa.

Khi chán ăn xôi, chè, bánh trái rồi, ta còn có thể làm sữa đậu xanh lá nếp. Món sữa béo, bùi, thơm, ngọt này chỉ gồm vài nguyên liệu rất dễ mua là sữa đặc, đường, đậu xanh đã cà vỏ, lá nếp, và cốt dừa. Tùy khẩu vị thích ngọt nhiều hay ngọt ít mà người nấu có thể gia giảm lượng sữa đặc và đường; nhưng theo thiển ý của tôi, vị ngọt nên được hạn chế để mùi thơm và độ béo đặc trưng được tỏa sáng hơn.

Làm xôi làm bánh làm sữa đã xong, ai còn dư lá nếp có thể buộc thành một bó mà treo trong xe ô tô hay nhà vệ sinh. Đây là một loại tinh dầu thơm tự nhiên, mát dịu hơn hẳn những loại xịt phòng đầy hóa chất. Bước vào phòng, nhìn thấy bó lá xanh, ngửi mùi hương ngọt ngào là chẳng còn muốn bước ra nữa.

Cái thứ cây cơm nếp thoạt trông như cỏ dại, thế mà lại có hương thơm quẩn quanh mãi trong tâm trí mình. Hương thơm ấy rất ngọt, tưởng như mùi hương của thức quà mẹ mua khi vãn chợ chiều vậy.

[Tùy bút] Lòng mình xanh mát rau quêUnde poveștirile trăiesc. Descoperă acum