Chương 4: BA THÁNG VỚI ĐỒNG BÀO TÂY NGUYÊN

Start from the beginning
                                    

Sống giữa thị xã Phan Rang gần một tháng, được cô bác tin yêu, tranh thủ thời gian tôi ra sức tuyên truyền vận động, tổ chức được trên 20 cơ sở trong công nhân và học sinh rồi bàn giao lại cho các đồng chí ở thị xã. Số anh em này rất tích cực, có đồng chí về sau đã trở thành cán bộ lãnh đạo. Lấy được giấy tờ hợp pháp, tôi sửa soạn lên ga Phan Rang đi Nha Trang, tiếp đó sẽ đi Phú Yên. Nhưng vào một buổi chiều bọn Pháp tổ chức lùng xét, bắt bớ khắp nơi. Tôi được cơ sở quân báo là anh Nguyễn Nam, sếp ga hợp pháp cất giấu. Bị lộ, địch vây nên vẫn không đi được, cơ sở đưa tôi trở vào chiến khu Pa-ri. Đây là căn cứ của Trung đoàn 81, nằm trên dãy núi cao trên 2.000 mét về tây - bắc tỉnh Ninh Thuận, quanh năm mây mù bao phủ, ngày hè thảng hoặc thấy mặt trời, mùa đông suốt tháng âm u lạnh buốt. Thời Pháp thuộc không mấy ai lên tới đây. Khi cuộc kháng chiến bùng nổ, tỉnh Ninh Thuận dựa vào địa hình tự nhiên hiểm trở xây dựng thành căn cứ kháng chiến của tỉnh.

Căn cứ trải rộng suốt hàng mấy chục cây số của dãy núi Trường Sơn về phía cực nam. Sống ở đây gần tháng trời tôi mới thấy hết giá trị to lớn của núi rừng. Dãy rừng già này chen chúc toàn cây cổ thụ, nhiều cây hai, ba người ôm không xuể, thân cây cao vút, thẳng tắp trông ngợp cả mắt. Biết bao loại cây quý giá như: Lim, cẩm lai, gụ, đinh hương, vàng tâm... Thảm thực vật phong phú, nhiều cây làm thuốc quý và hiếm. Rừng Ninh Thuận nổi tiếng có nhiều hổ, báo, tê giác, khỉ, vựợn, hoẵng, hươu, nai sống thành từng đàn đông đúc. Khu rừng nguyên sinh vô giá này đã che chở cho bộ đội, bịt mắt, bịt tai quân thù.

Căn cứ kháng chiến nằm trong khu rừng già hẻo lánh nhưng cảnh hữu tình nên các anh ở đây mới đặt cho cái tên "căn cứ Pa-ri" vừa thơ mộng vừa nhắc tới cái lạnh buốt của nó.

Đường bộ, đường biển, đường công khai tôi đều không đi được. Lúc này thực dân Pháp đã trắng trợn phá bỏ Tạm ước 14 tháng 9, lấn chiếm tàn sát dã man ở miền Nam. Chúng gây hấn ở Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội và đánh chiếm các tỉnh Bình - Trị - Thiên, cắt Trung Bộ ra nhiều khúc.

Trong rừng sâu, chúng tôi nín thở lắng nghe đài Hà Nội phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Lời Bác vang vọng khắp núi sông, thức tỉnh kêu gọi toàn dân, tập hợp hàng triệu người siết chặt đội ngũ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ Tổ quốc. Lời Người ngày đêm giục giã, thôi thúc tôi lao vào công việc được giao.

Sau khi tính toán cân nhắc kỹ, tôi quyết tâm dù gian khổ đến mấy cũng phải tìm cách soi đường đi ra Bắc bằng được. Tôi đến gặp lãnh đạo tỉnh và các anh Phấn, Lâm trong Ban chỉ huy Trung đoàn 81 xin giúp tìm con đường núi. Lúc đầu các anh khuyên nên trở lại Bà Rịa tiếp tục chiến đấu vì đường núi hiểm trở, phải vượt qua nhiều buôn làng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên mà cách mạng chưa có cơ sở nên không chắc đi được. Tôi tha thiết trình bày:

- Đúng là tôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng bây giờ toàn quốc kháng chiến rồi, các miền đều bị địch chia cắt. Nếu tôi không đi thì nay mai cũng phải có người đi. Liên lạc là mạch máu của cuộc kháng chiến, bí ở đây tức chịu thua giặc hay sao? Nếu tôi đi thông suốt, vừa làm tròn nhiệm vụ Đảng giao vừa góp phần mở đường nối liền từ miền Nam ra đến Trung ương.

Hồi ký trung tướng Nguyễn Đệ: Niềm tin và Lẽ sốngWhere stories live. Discover now