Chương 4: BA THÁNG VỚI ĐỒNG BÀO TÂY NGUYÊN

39 0 0
                                    

I

Mùa đông 1946, được Ủy ban kháng chiến Bà Rịa và Chi đội 16 chọn đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây, tôi phấn khởi vì sẽ được mở rộng kiến thức, tiếp xúc với nhiều cán bộ quân sự khắp cả nước cùng về học. Đoàn gồm năm đồng chí: Đam, Khương, Cường, Giàu và tôi thuộc Khu 7 và Sài Gòn - Chợ Lớn. Tôi được cử làm trưởng đoàn. Chúng tôi cùng đi với cụ Vũ Đức, Khu trưởng Khu 9 về Trung ương. Chúng tôi gọi đồng chí Vũ Đức bằng cụ, để tỏ lòng tôn kính một đồng chí hoạt động cách mạng sớm, đức độ, xử trí mọi việc kiên quyết có tình, có lý được mọi người trong khu kính trọng, khâm phục, chứ thực ra tuổi "cụ" chưa đầy 50. Trên đường đi cụ rất thương anh em vì ai nấy đều tỏ ra hăng hái, sôi nổi của tuổi "bẻ gãy sừng trâu". Hàng ngày cứ chiều đến cụ họp anh em lại, nhận xét, biểu dương mặt mạnh rồi phân tích tình hình phức tạp đang diễn ra. Cụ trình bày vấn đề rạch ròi, dễ hiểu khiến chúng tôi thêm hào hứng.

Từ Bà Rịa đến Ninh Thuận, dọc theo mé biển của vùng giải phóng, đường đi khá thuận lợi. Làng xóm tưng bừng không khí độc lập, tự do như đang sống trong những ngày hội lớn. Thượng tuần tháng 11 năm 1946, đoàn đến Ninh Thuận thì giặc Pháp đã lần lượt chiếm đóng các tỉnh cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, tới Nha Trang, đường tắc, không đi được bằng tàu hỏa và ô tô nữa. Cụ Vũ Đức được lệnh ở lại Ninh Thuận nhận nhiệm vụ mới.

Sau khi bàn bạc, chúng tôi tuổi thanh niên, nhiệt tình, quyết tâm cùng nhau bàn bạc tìm mọi cách xoi đường đi cho đến đích và được các đồng chí địa phương cho biết chỉ còn cách vượt bằng đường biển, song phải ra tận Ba Ngòi (Cam Ranh) mới có bến. Anh em lặn lội vượt núi băng rừng suốt 10 ngày đêm để tự soi lấy đường. Ba lần đoàn lọt vào ổ phục kích của địch, song rất may đều thoát. Chỉ còn một ngày đường nữa là chúng tôi đến Ba Ngòi, nhưng rủi ro bất ngờ ập đến. Số ghe buồm mà cơ sở chuẩn bị sẵn cho đoàn đã bị địch phát hiện và tịch thu, hai đồng chí dẫn đường đến trước để móc nối với cơ sở đều hy sinh vì sa vào ổ đón lõng của giặc. Họa vô đơn chí. Không còn cách khắc phục, chúng tôi đành quay trở lại tỉnh Ninh Thuận nhờ các anh giúp đỡ, tìm con đường khác, mà vẫn bí lối. Anh em đề nghị trở về. Suy nghĩ kỹ, không còn cách nào khác, tôi đành để anh em quay trở lại. Riêng tôi thì tiếp tục soi đường, dù khó khăn đến mấy cũng quyết vượt bằng được vì ngoài việc đi học tôi còn có nhiệm vụ nữa là chuyển một số báo cáo mật của tỉnh Bà Rịa và của Khu lên Trung ương.

Chia tay anh em, tôi đến cơ quan tình báo thị xã Ninh Thuận nhờ giúp đỡ đi bằng đường công khai ra Phú Yên. Để tạo thế hợp pháp, các đồng chí đưa tôi vào làm công ở hiệu may trong thị xã Phan Rang, chuẩn bị lấy giấy thông hành của địch. Tiệm may Minh Tâm có trên 10 người thợ. Ngày ngày tôi vừa may đồ vừa tranh thủ ra phố tìm hiểu tình hình.

Đã trải qua bốn, năm tháng sống trong cảnh độc lập tự do, đồng bào thị xã giác ngộ cách mạng khá cao, nồng nàn tinh thần yêu nước. Giặc Pháp chiếm đóng, ra sức khủng bố, đàn áp, ngày đêm liên tiếp vây ráp, cướp giật, hãm hiếp phụ nữ. Nhân dân sôi sục căm thù, một lòng tin Chính phủ Cụ Hồ, ủng hộ kháng chiến và mong chờ ngày giải phóng. Hàng ngày tận mắt trông thấy giặc lần lượt chở về những tên lính bị thương, băng bó đầy người, nằm chật ních trong nhà thương, bà con bàn tán sôi nổi, vui mừng loan truyền tin ta thắng, địch thua.

Hồi ký trung tướng Nguyễn Đệ: Niềm tin và Lẽ sốngWhere stories live. Discover now