Kỳ 6: Hồi ký bác lethaitho - Phần 2

1.3K 4 0
                                    

  Tôi nằm mấy tháng an dưỡng tại đại đội an dưỡng của Trung đoàn tại Bến Cầu, Tây Ninh. Thực tế chỉ có an mà không có dưỡng. Tức là chỉ có nghỉ ngơi còn ăn uống thì cực vô cùng ( kém xa hồi còn đang tác chiến ). Thương binh lúc nào cũng đói, đói đến quằn ruột. B tôi ( cũng chia thành các B như bình thường ) nằm tại một túp lều ( nó chỉ là nơi nhốt cặp bò của chủ nhà đã đi sơ tán ) của chú Tư cạnh rìa làng. Cách nhà đại đội chừng 200m. Ăn uống chỉ có 2 bữa ăn chính là trưa và tối. Hàng ngày thương binh chia nhau đi cắm câu, tát cá để cải thiện. Tối tối lại thêm nghề đi soi ếch. Nhưng mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng đói vẫn hoàn toàn đói. Một đêm mưa to gió lớn ( mà sao kỳ vậy, các bài viết của tôi hay rơi vào những đoạn có thời tiết xấu tệ ). Cả B quá đói mà chẳng biết làm gì để có cái cho vào bụng. Tôi nảy ra ý định đi bắt trộm gà. Lập tức toàn bộ " cán bộ chiến sỹ " đều hưởng ứng nhiệt liệt. Nhà chú Tư ( chủ nhà cho chúng tôi ở nhờ ) đều đã đi sơ tán hết vì ở đó rất gần đường biên ( cách khoảng 400 mét ), chú có để lại 1 cặp bò ngủ cùng chúng tôi - Giường chúng tôi kê gọn một đầu, phía cuối giường là chỗ ngủ của 2 con bò - ngoài ra còn có mấy con gà thả rông. Tôi và anh Tâm ( cùng C11 với tôi - người Thanh hoá ) được phân công đi bắt gà, còn anh Cảnh cụt ( người Đông anh - HN ) được phân công sang anh nuôi đại đội xin gạo. Tôi đi ra ngoài vườn. Lũ gà nhà chú Tư toàn ngủ đậu trên các cành cây. Tôi khe khẽ luồn tay vào bụng con gà mái to nhất đang ngủ ngà ngủ gật. Con gà chỉ kêu nho nhỏ, vả lại trời đang mưa to nên có kêu tôi cũng không sợ gì. Qu..o..á ..c , con gà đã bị tôi vặn ngéo cổ. Anh Cảnh cụt nhờ tài ăn nói nên cũng xin được một mũ cối gạo. Lông, lòng ruột tất cả được cho vào túi nilon dấn chìm xuống ruộng lúa cạnh nhà. Cơm nóng, thịt gà rang... ôi sao mà ngon đến vậy. Chỉ có 4 anh em mà chơi hết cả nồi cơm to tướng ( một mũ cối gạo chứ đâu có ít ).
Chỉ khổ chú Tư, sáng hôm sau phát hiện mất con gà cứ đi tìm khắp xóm. Mấy anh em chúng tôi cũng hè nhau toả đi tìm giúp chú. He he.... Tìm mãi chẳng thấy !!!? Cả lũ liên an ủi chú Tư : Có lẽ hôm qua, trời mưa sấm chớp ầm ầm nên có lẽ nó sợ nên chạy đi đâu đó mất tiêu rồi chú ạ.

  Có lẽ trong đời lính của tôi, không có thời gian nào trôi đi vô vị như những ngày nằm tại đại đội an dưỡng này. Suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn mà cũng không xong. Cái đói lúc nào cũng thường trực trong dạ dày. Đói đến mức không thể đi đâu chơi được, ngày chỉ nằm chờ hai bữa cơm như cơm phát chẩn. Cả tháng chỉ có ngày lĩnh nhu yếu phẩm và phụ cấp là mặt mũi lũ thương binh chúng tôi mới tươi lên đôi chút. Có tiền, tôi và thằng Dụ ( Thanh hoá ) lập tức phải san sẻ cho những bà bán hủ tiếu ngoài thị trấn Gò Dầu ngay. Để lâu cũng không được, mất ngay ! Vì đói quá nên trong đại đội an dưỡng xuất hiện nhiều vụ lấy cắp quân tư trang của nhau. Tối nằm ngủ, tôi phải gối đầu mình lên chiếc ba lô, nhưng không thể lại được với các " Bố " nhà ta. Toàn cỡ ...trinh sát đặc công cấp....Bộ cả. Chúng nó chỉ rình lúc mình trở mình là...xong. Thế là lại trở về với nhất bộ quần áo mặc.... cả ngày.
Trên đơn vị, cả sư đoàn vừa tháo chạy sau một đợt tấn công của Pôn Pốt tại cầu Prasaut. Cả sư đoàn về đóng hết xung quanh Chi phu - phía đông cầu Tà yên. Đơn vị nghỉ ngơi, bổ xung trang bị, quân số.
Tháng 11.1978, nghe tin trên cứ Trảng lớn có đợt lính mới bổ xung về toàn lính Hà nội. Tôi liền nhảy xe đò về Trảng lớn tìm bạn và đồng hương Hà nội để hóng chuyện về quê hương. Chẳng có ai quen mặt nhưng cũng thoả được phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Rất nhiều lính Hà, lại Hoàn kiếm đàng hoàng nhé.
Sau 2 ngày, tôi trở về Tà beng ( À, bây giờ tôi nhớ ra rồi. Xóm ấy có tên là Tà Beng ). Cả đại đội vắng tanh như chùa Bà đanh. Hỏi những người còn lại, họ cho tôi biết cả đại đội lên D32 an dưỡng tại Trảng lớn để khám sức khoẻ và đi A.
Ôi, đi A - Chữ A đơn giản mà sao có sức hấp dẫn lũ thương binh chúng tôi lúc ấy đến thế. Đi A - là về quê hương, là về với gia đình thân thuộc, là sự sống, là hoà bình... đi A là tất cả với chúng tôi lúc đó.

Hồi ký chiến tranh - Một thời máu và hoa (Phần 1)Where stories live. Discover now