63-64

1.1K 9 2
                                    

DOANH TẾ LIỄU CỦA CHU Á PHU

Hán Văn Đế lên ngôi, vẫn tiếp tục chính sách hòa thân với Hung Nô, giữa hai bên không còn xảy ra chiến tranh lớn. Nhưng về sau, thiền vu Hung Nô tin theo lời xúi của Hán gian, liền tuyệt giao với triều Hán. Năm 158 TCN, thiền vu Quân Thần của Hung Nô đem 6 vạn quân xâm phạm Thượng quận (trị sở nay ở đông nam Du Lâm, Thiểm Tây) và Vân Trung (trị sở nay ở đông bắc Tuốc Tua, Nội Mông Cổ), giết nhiều dân thường, cướp nhiều tài sản. Các đài đốt lửa ở biên cảnh liên tiếp báo động, ở Trường An cũng nhìn rõ lửa cháy sang. Hán Văn Đế vội cử 3 viên tướng dẫn 3 đạo quân đi chống cự. Ngoài ra, để bảo vệ Trường An, lại cử 3 viên tướng nữa đem quân đóng tại vùng phụ cận Trường An: Lưu Lễ đóng ở Bá Thượng, Từ Lịch đóng ở Cức Môn (nay ở đông bắc Hàm Dương, Thiểm Tây), Chu Á Phu đóng ở Tế Liễu (nay ở tây nam Hàm Dương). 

Có lần, Hán Văn Đế thân hành tới các nơi đó để úy lạo quân đội và đồng thời thị sát tình hình. Trước hết ông tới Bá Thượng, Lưu Lễ và các tướng sĩ vừa thấy xa giá hoàng đế, đều phóng ngựa tới đón. Xa giá của Hán Văn Đế xông thẳng vào quân doanh, không ai ngăn cản. Hán Văn Đế úy lạo rồi ra về. Các quân sĩ tíu tít tiễn đưa. Sau đó, ông đến Cức Môn, cũng được đưa đón long trọng như thế. Cuối cùng, Hán Văn Đế đến Tế Liễu, trạm gác trước cửa trại Chu Á Phu thấy xa xa có một đoàn ngựa đi tới, lập tức báo cáo với Chu Á Phu. Các tướng sĩ đều mặc giáp, đội mũ chiến, cung lắp tên, đao rút khỏi vỏ, sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu. Đội đi trước của Hán Văn Đế tới cửa doanh, lính gác lập tức ngăn lại, không cho vào. Viên quan chỉ huy đội đi trước thét lớn uy nghiêm: "Xa giá hoàng thượng tới".

Quân sĩ gác cửa không chút sợ hãi, trả lời: "Trong quân chỉ nghe theo lệnh tướng quân, tướng quân chưa có lệnh, chúng tôi không thể cho ai vào". Hai bên đang đôi co thì xa giá Hán Văn Đế tới, các tướng sĩ gác cổng doanh cũng ngăn lại. Hán Văn Đế phải sai tùy tùng đưa phù tiết của hoàng đế ra và cử người vào báo với Chu Á Phu: "Trẫm cần vào úy lạo quân sĩ". Chu Á Phu hạ lệnh mở cửa doanh, để Hán Văn Đế tiến vào. Người ngựa hộ tống Hán Văn Đế đến cửa doanh, quan quân giữ cửa trịnh trọng nhắc nhở họ: "Trong quân có qui định, trong quân doanh không cho phép xe ngựa đi nhanh". Quan quân tùy tùng đều nổi giận, nhưng Hán Văn Đế liền hạ lệnh buông lỏng dây cương, cho xe ngựa từ từ tiến vào.

Đến giữa trại quân, chỉ thấy Chu Á Phu khôi giáp chỉnh tề, mang binh khí oai phong lẫm liệt, đứng trước Hán Văn Đế, đưa tay vái nói: "Thần mang khôi giáp, không thể quì lạy, xin được triều kiến theo quân lễ". Hán Văn Đế giật mình, vịn vào tay ngang xe, cúi mình đáp lễ, rồi cử người truyền đạt lời thăm hỏi tới toàn thể quân sĩ. Sau khi úy lạo quân sĩ, Hán Văn Đế rời khỏi doanh Tế Liễu. Trên đường về Trường An, quan quân tùy tùng đều xôn xao tỏ ý bất bình cho rằng Chu Á Phu quá vô lễ với hoàng đế. Nhưng Hán Văn Đế lại khen ngợi không ngớt, nói: "Thế mới là một võ tướng chân chính. Quân đội ở Bá Thượng và Cức Môn quân pháp không nghiêm, như trò chơi của trẻ nhỏ. Nếu kẻ địch đến tập kích thì tránh sao khỏi bị bắt làm tù binh hết. Quản lý quân đội như Chu Á Phu thì kẻ địch nào dám xâm phạm".

Một tháng sau, đội tiên phong của quân Hán tới miền bắc, Hung Nô phải lui quân. Ba đội quân phòng vệ Trường An được rút bỏ. Qua lần thị sát đó, Hán Văn Đế cho Chu Á Phu là một nhân tài quân sự, liền thăng ông lên cấp trung úy (chức quan võ đứng đầu đội quân bảo vệ kinh thành). Năm sau, Hán Văn Đế bị bệnh nặng. Trước khi mất, ông gọi thái tử lại dặn dò: "Nếu sau này quốc gia có động loạn, thì để Chu Á Phu thống soái quân đội, con yên tâm".

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ