Câu chuyện 8: Thánh nhân lộ diện

29 1 0
                                    

Vua Trần Thái Tông nhìn Nguyễn Quan Quang thầm nghĩ:

- Nếu như năm xưa ta lập Tam khôi sớm hơn thì Quan Quang mới là Trạng nguyên Khai quốc chứ không phải Trạng Hiền.

Trần Thái Tông sau đó xuống chiếu sai Nguyễn Quan Quang làm sứ giả đến gặp Ngột Lương Hợp Thai. Người Mông Cổ trước giờ rất xem trọng sứ giả nên khi tướng giặc nghe tin báo có sứ giả Đại Việt đến thăm, y đã đích thân ra đón tiếp Nguyễn Quan Quang.

Trên đường đi, nhân lúc đi qua ao bèo, Ngột Lương Hợp Thai vớt một cây bèo lên rồi nắm gọn trong tay bóp chặt, cây bèo nát vụn trong lòng bàn tay của hắn. Tên tướng giặc sau đó lại chìa lòng bàn tay ra cho Nguyễn Quan Quang xem rồi cười lớn. Hành động bóp nát cánh bèo của hắn chính là chê dân nước Việt bé nhỏ như những cánh bèo non, chỉ cần hắn hạ lệnh xuất quân là dễ dàng tiêu diệt, cũng giống như cánh bèo nát vụn kia.

Quan Quang hiểu được thâm ý của Ngột Lương Hợp Thai, ông chỉ mỉm cười rồi đưa cho Ngột Lương Hợp Thai một viên đá, nhờ hắn ném mạnh viên đá xuống ao bèo. Viên đá rơi xuống ao làm cho bèo dạt ra, tạo thành một khoảng trống, nhưng sau đó những cánh bèo lại tụ kín mặt ao rất nhanh, không còn thấy dấu vết của viên đá to đâu nữa. Ý nghĩa của điều này là nước Việt tuy nhỏ nhưng toàn dân bao giờ cũng đoàn kết để bảo vệ giang sơn, không một sức mạnh nào có thể khuất phục được tinh thần yêu nước và đoàn kết ấy. Ngột Lương Hợp Thai sau đó lấy làm khâm phục tài ứng đối của Nguyễn Quan Quang, hắn cho mở tiệc tiếp đãi chu đáo.

Về đến Thăng Long Nguyễn Quan Quang đem mọi chuyện ở doanh trại quân Mông Cổ tâu lại với vua Trần Thái Tông, nhận thấy tình hình vô cùng căng thẳng, rõ ràng là không thể thương nghị được nữa, thời điểm hai bên quyết chiến chỉ còn là chuyện sớm muộn.

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lúc này nổi lên như là ứng viên sáng giá nhất cho binh phù Tiết chế, năng lực và uy tín của Quốc Tuấn được các võ tướng triều đình đánh giá rất cao, thậm chí được coi là người đa mưu túc trí nhất trong hàng quan võ của hoàng gia lúc bấy giờ. Trong quá trình nhà vua chọn người nắm binh quyền Tiết chế, Trần Quốc Tuấn được các tướng quân, trong đó có cả Lê Tần đi theo ủng hộ, họ mong vua Trần Thái Tông sẽ chọn Trần Quốc Tuấn làm Tiết chếvà đưa ra kế sách phá giặc.

Bản thân Thái Tông rất muốn tin dùng Trần Quốc Tuấn vì nhà vua biết rõ bản lĩnh của Hưng Đạo vương. Hưng Đạo vương đã sớm thể hiện được tố chất thiên tài ngay từ khi còn nhỏ, học một biết mười, có năng khiếu cả về văn chương lẫn võ nghệ, 7 tuổi đã biết làm thơ, lớn hơn nữa thì cưỡi ngựa bắn cung đều giỏi. Không chỉ giỏi văn chương và võ nghệ, Trần Quốc Tuấn còn rất chăm chú nghiên cứu các binh pháp của người xưa, đặc biệt thích xem binh pháp Tôn Tử và nghiên cứu những trận đánh nổi tiếng của những nhân vật được sử sách lưu truyền như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, sau đó rút ra cái hay, cái dở và tự phô diễn trận đồ rất linh hoạt. Cha của Trần Quốc Tuấn là Yên Sinh vương Trần Liễu rất hi vọng vào tài năng của đứa con trai này về sau có thể thay ông đoạt ngôi vua của Trần Thái Tông để trả thù. Trần Liễu thấy con sáng dạ đã không tiếc tiền bạc công sức tìm mời thầy giáo có tiếng ở khắp nơi về dạy cho Quốc Tuấn. Nhờ được học cả văn lẫn võ với những bậc cao nhân trên khắp cả nước từ lúc nhỏ nên Quốc Tuấn đã sớm trở thành người đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ.

HÀO KHÍ ĐÔNG AWhere stories live. Discover now