8.

1K 113 3
                                    

8.

Thật ra trước khi vào cung, tôi đã được nghe kể rất nhiều về Lê Khải.

Lê Khải, vị công tử thứ ba của Cảnh Bình Đại Vương với Khuynh Trầm Phu nhân.

Vị công tử ngay từ năm 7 tuổi đã bị tranh đoạt vương quyền, chính trị triều đình, phong ba hậu cung gồng xích lên người cái danh Nhưỡng Nam quân mà đày đến phương Bắc.

Vị công tử trước đó chỉ biết đến gấm son nhung lụa, một đứa trẻ chưa bao giờ bước chân ra khỏi cổng thành vạn trượng, nay lại phải cùng mẹ đi đến phương Bắc xa xôi vạn dăm, hiểm trở muôn ngàn, quanh năm mục rũa với nghèo đói, hoang tàn bởi sự đàn áp của bọn ngoại tộc người Châm.

Vị công tử đã chẳng màng đến cái danh Nhưỡng Nam quân mà vượt tuyết dầm sương phi ngựa ngày đêm về vùng biên giới, chỉ để tìm gặp Kính Võ Đại tướng quân, xin nhận làm thầy.

Vị công tử với tâm thế to lớn, quật cường đến mức khi bị lính gác chặn đường, bị quân sư bên cạnh phó tướng buông lời phạm nghịch, giọng điệu ngỗ ngược, vẫn giữ vững phong thái uy nghiêm mà dõng dạc đanh thép nói.

"Thật mở rộng tầm mắt. Là Nhưỡng Nam quân chính nhất giai, Khuynh Trầm Phu nhân chính nhị giai của bản triều không xứng được Kính Võ Đại tướng trịnh trọng nghênh đón, ngược lại để một tên quân sư chẳng rõ tên họ tới toàn quyền chỉ chỏ quyết định? Bản quân được Phụ vương yêu mến lại tin tưởng sâu nặng mà giao cho trọng trách canh giữ đất phiên, giám sát quân chính, tất phải hỏi một câu xem rốt cuộc là Kính Võ Đại tướng cậy công cao thế lớn, khinh thường triều đình hậu cung nên mới cho phép thứ ngu xuẩn như ngươi lộng hành? Hay là ngươi ăn gan hùm mật gấu, dám mưu đồ lừa dối chủ tướng, xúi giục ly gián chủ tướng phản nghịch với Thiên gia Vương thất?" - Lời buông xuống sắc bén sát phạt kinh người, khiến binh lính sợ hãi mất mật, vội vã mở cổng, triều gọi bề trên.

Vị công tử đã bật cười sảng khoái, thản nhiên đáp lời khi Kính Võ tướng quân có ý định từ chối làm thầy dạy, sợ sẽ mạo phạm Vương thất Thiên gia.

"Có vẻ Kính Võ Đại tướng vẫn chưa hiểu rõ thân phận của bản quân cũng như bổn phận của ngài. Ta là quân, ngài là thần. Quân quân thần thần. Quân với thần, có thể là thỉnh cầu cũng có thể là mệnh lệnh. Nhưng thần với quân, chỉ có mệnh lệnh, không có thỉnh cầu. Không thể có thỉnh cầu. Bởi khi thần coi lời quân nói là thỉnh cầu, ấy cũng là lúc quân không ra quân, thần chẳng ra thần. Kết cục quân không ra quân thần chẳng ra thần, Đại tướng quân ngài hẳn phải rõ nhất."

Ngạo nghễ như thế, ngông cuồng như thế, nhưng cũng chính vị công tử ấy đã sẵn sàng vứt bỏ lòng tự trọng của Vương giả Thiên gia, luyện kiếm, luyện võ, cùng ăn, cùng ngủ như bao người lính khác. Chạy giữa trời mưa. Ngã xuống bùn lầy. Kiếm dao kề cổ. Chân tay thâm tím. Ăn không đủ no. Ngủ không đủ ấm. Giá lạnh là bạn. Thú dữ là thù. Chưa một lần buông điều kêu than, oán trách.

Năm tháng rồi lại năm tháng.

Vị công tử dường như mới chỉ là đứa trẻ ngày nào, năm 14 tuổi, đã có thể quất ngựa truy gươm giết sạch bọn tộc người Châm ra khỏi lãnh thổ nước Lê. Đanh thép gửi thư xin triều đình tiếp tế quân và nhân sĩ miền Bắc thay cho ban thưởng.

Trong vòng ba năm, tập trung xây dựng doanh trại, đồn trú, kho lương cho quân đội. Mạnh mẽ thúc đẩy nông nghiệp, mở cửa chợ lớn phát triển giao thương.

Khiến cho phương Bắc dù không thể cường thịnh, trù phú như những nơi khác nhưng hàng trăm năm qua chưa bao giờ no đủ, phát triển đến vậy.

Lại nói, năm ấy, khi năm vạn quân Đại Lương đột ngột đổ bộ vào biên giới nước ta, quyết tâm san bằng Đại Lê. Quân chi viện từ triều đình không thể tiếp cứu kịp thời, chính vị công tử này đã tiên phong liều mạng dẫn đầu đoàn quân chỉ hơn hai vạn người cùng với con trai trưởng của Kính Võ Đại tướng, thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm dụ giặc về phía đất trống, nơi đã được chôn sẵn gần trăm ngòi pháo nổ dưới nền tuyết.

Sử sách hào hùng ghi lại, ngày hôm ấy, pháo nổ rền vang như âm thanh gào thét của núi rừng bạt ngàn, tuyết lở trắng xóa đổ ập xuống từ bầu trời như vùi chôn từng tấc từng tấc giặc. Âm thanh ấy là bản hùng ca chiến thắng lừng lẫy của Đại Lê. Khiến giặc thù đại bại. Bốn cõi kinh sợ. Trời đất chuyển rung.

Nhưng, sử sách sẽ không bao giờ ghi lại, vạn nghìn binh sĩ cảm tử đã vùi chôn thân xác dưới nền tuyết vạn trượng. Sẽ không bao giờ ghi lại vị công tử với bả vai dập gãy, với một chân nát nhừ, loạng choạng cõng vị thiếu tướng chỉ còn chút hơi tàn trên lưng, lê lết dưới nền tuyết lạnh run người cùng những binh sĩ ít ỏi may mắn sống sót.

Sử sách sẽ không bao giờ ghi lại.

Ngày hôm ấy.

Không một giọt máu. Cũng chẳng một xác người.

Chỉ có.

Núi sông rền vang. Sương tuyết đổ lệ.

Trắng xóa.

Trắng xóa một góc trời.

Trắng xóa một đời người.

Chuyện cũWaar verhalen tot leven komen. Ontdek het nu