Chương 69: THỂ THƠ

60 2 0
                                    

Nguyên ủy (1) thơ như thế nào, các tiền nho xét đền thơ, đã bàn đi bàn lại kĩ rồi, không cần phải kể ra đây nữa. Đến đời Hán, lấy bốn chữ, năm chữ làm ra thơ tứ ngôn, ngũ ngôn; lại còn lối thơ theo đúng thanh luật mà phổ vào đàn sáo, tùy từng xoang điệu, có câu dài câu ngắn, không cứ phải đều nhau, và gọi là thơ nhạc phủ. Thơ thất ngôn phần nhiều hiệp theo vần bằng, làm trúng vào âm luật, gọi là ca, đó cũng là chi nhánh của lối thơ nhạc phủ.

Còn những bài phô diễn bình thường, đặt ra nhiều câu, mỗi câu nhiều chữ, hoặc trước mở rộng, sau thu lại, hoặc giống như bài ca gồm cả lối thơ, thì gọi là phú. Đến những bài tụng, tán, châm, minh, cũng là lối phú.

Từ đời Ngụy, Tấn trở về sau, lối văn: thi ca, phú lục, từ điệu, càng hay bao nhiêu thì khí lực càng kém bấy nhiêu. Đến hồi thiên đô Giang Tả (2), lại lẫn thêm thuyết hư vô (3) mà có xu thế thấp kém, non yếu. Cũng là thế vận xui nên vậy.

Đời Lý Đường (4) khởi lên, thơ ngũ ngôn chia ra cổ thể, cận thể và ngũ ngôn luật, ngũ ngôn bài luật, ngũ ngôn tuyệt cú; thất ngôn cũng chia ra cổ thể, cận thể, thất ngôn luật, thất ngôn bài luật, thất ngôn tuyệt cú, cùng là lối trường đoản ca hành.

Các thể thơ thì có thể tỉnh thí, phủ thí, ứng chế, ứng giáo, thư hoài, tức sự, tặng đáp, phú vịnh và những bài họa vần, bài liên cú. Ấy cái thể tài âm luật của các nhà làm thơ đến thế đã đủ lắm rồi, và cái phép thi học trò từ đó cũng mới lấy thơ làm trọng. Tỉnh thí, phủ thí thì chuyên dùng lối thơ ngũ ngôn bài luật; ứng chế, ứng giáo thì kiêm cả lối thơ ngũ, thất ngôn bài luật.

Tựu trung cũng có bài quan vận là hạn dùng một vần gì đó, hoặc đề vận là lấy một chữ đầu đề mà hạn vần. Còn các bài nhạc phủ thi vận, tụng, tán, châm, minh và các thể phú, thể nào cũng chia ra có thể thức rõ rệt thành chương.

Vậy nên học trò thời bấy giờ, người nào cũng cắp hòn châu, chứa ngọc bích, đua tài với đời Tấn Ngụy, rảo bước lên bậc phong tao, thực là thịnh thời không đời nào hơn. Thơ đời Tống cũng có nhiều câu xuất sắc, nhưng phú vịnh thì thiên về lối thô sơ, tỉ hứng thì mờ mịt, không rõ ràng; so với thơ đời Đường, thì đời Tống không bằng; thơ đời Đường còn so kịp với ba trăm thiên của Kinh Thi. Người đời Nguyên thì khéo làm từ khúc, nhưng thơ thì ủy mị. Người đời Minh thì chỉ chuộng làm thời văn cho giỏi, thơ thì quá tỉ mỉ, bóng bẩy, ý cũng muốn học theo đời Đường, nhưng sai lạc đi.

Nước ta, thơ đời Lý già dặn, xúc tích, thơ đời Trần tinh vi, trong trẻo, đều có sở trường tột bực, cũng như thơ đời Hán, đời Đường bên Trung Hoa. Từ đời họ Hồ trở xuống, đời Đại Bảo (5) trở lên, cũng còn giữ được cái truyền thống của đời Trần, nhưng thể tài khí phách càng ngày càng kém.

Từ đời Quang Thuận (6) cho đến đời Diên Thành (7) thì lại học lối thơ đời Tống; lối thơ đời Lý, đời Trần đến đó là một bước chuyển biến. Thơ đời Lê Trung hưng thì chỉ câu nệ về khuôn phép, xu thế thấp kém, không kể làm gì. Trong khoảng đời Vĩnh Hựu, Cảnh Hưng (8), các bậc tiền bối danh công có nhiều ông lưu ý về thi luật. Nguyễn Tôn Khuê thực là một tay lãnh tụ về thời ấy; thứ hai đến Nguyễn Huy Oánh rồi đến Hồ Sĩ Đống (8) cùng nối nhau khởi lên, tự lập thành một nhà thơ có tiếng.

Ta lại thường xem thơ của các bậc tiền bối, như thơ của Phúc Khê công thì tinh vi đẹp đẽ, nhưng có phần vụn vặt quá. Lai Thạch công là bậc thanh cao, nhưng vẫn có ý mô phỏng; thơ của Hoàn Hậu công (9) thì chủ lấy khí phách, không thèm lấy điêu khắc vẽ vời làm khéo. Thi học đến đời ấy đã trung hưng lên được, nhưng so với các thi gia đời Lý, đời Trần thì cũng chưa thể sánh bằng.

Còn như lối thơ trường ốc của các cử tử, thì từ đời Tiền Lê trở lên, tuy chưa bằng được cổ nhân, nhưng cái ý ra đầu bài vẫn còn phảng phất. Đến đời Lê Trung hưng, thi cử chuyêndùng lối thơ thất ngôn luật, có các câu phá đề, nhập đề, thượng trạng hạ trạng (là hai câu tam tứ), thượng luận hạ luận (là hai câu ngũ lục) rồi đến hai câu thượng kết hạ kết; gieo vần phải áp vận vào câu nhập đề thứ hai, câu nệ gò bó quá, xưa nay không thế bao giờ.

Vậy nên những bài thơ cử tử, cẩu thả xu thời; toàn là thô kệch cả. Thiết tưởng trong khoảng đời Lê hai trăm năm, những bậc tài cao bác học xuất hiện cũng nhiều, chỉ ngặt vì bị hạn chế nên không được mấy bài truyền tụng. Ứng chế đông các (10) thì dùng lối thơ tràng thiên ngũ ngôn bài luật, bài dài có đến bảy mươi vần, ngắn thì năm mươi hoặc ba mươi vần. Gieo vần phải áp vận vào câu đầu, đầu đề đã khó, vần lại ngặt nghèo, cố bó buộc làm cho khó khăn.

Ta coi những đầu đề và vần về thi Hội, thi Hương, lại càng khó. Ta xem sách Cát Xuyên tiệp bút thấy có câu thơ ứng chế mà viết liều rằng: “Thời hân phùng chí trị, thần nguyện thú tam thê” (11) thì ai cũng phải bật cười!
_______

(1) Nguyên ủy là nguồn gốc.

(2) Tức là thời Lục triều, kể từ Đông Tấn trở đi, khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ VI.

(3) Thuyế của nhà Phật và thuyết của đạo Lão.

(4) Nhà Đường họ Lý nên gọi là Lý Đường.

(5) Đại Bảo (1440 –1442) là niên hiệu đời Lê Thái Tông.

(6) Quang Thuận (1460 – 1469) là niên hiệu đời Lê Thánh Tông.

(7) Diên Thành (1578 – 1585) là niên hiệu đời Mạc Mậu Hợp.

(8) Nguyễn Tôn Khuê (1692 – ?) hiệu là Thư Hiên, người làng Phúc Khê, huyện Ngự Thiên, tỉnh Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Đậu Hoàng giáp năm 1721 (đời Bảo Thái). Có Sứ hoa tùng vịnh, Vịnh sử thi tuyển. Nguyễn Huy Oánh (1722 - 1799) hiệu Thạc Đình, người làng Lai Thạch, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là anh của Nguyễn Quýnh, là cha của Nguyễn Huy Tự. Đậu Thám hoa năm 1748 (đời Cảnh Hưng). Có làm nhiều tập thơ khi đi sứ Trung Quốc: Phụng sứ Yên Kinh tổng ca, Thạc Đình di cảo. Hồ Sĩ Đống (1738 – ?) hiệu là Dao Đình, tự là Long Thủ, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đậu Hoàng Giáp năm 1772 (đời Cảnh Hưng). Có hai tập thơ: Hoa tùng khiển hứng tập và Dao Đình thi tập.

(9) Phúc Khê công chỉ Nguyễn Tôn Khuê, Lai Thạch công chỉ Nguyễn Huy Oánh, Hoàn Hậu công chỉ Hồ Sĩ Đống.

(10) Ứng chế đông các là quan đông các làm thơ theo đầu đề vua cho.

(11) Nghĩa là mừng gặp thời thịnh đạt, muốn lấy đủ ba bà!

VŨ TRUNG TÙY BÚT Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ