Review #6

52 0 0
                                    

Những dòng chữ cuối cùng của quyển sách này đã gấp lại mùa đông đầu tiên của tôi ở một nơi rất xa những tình yêu tuổi xuân mà tôi có. Tôi tin rằng mình đọc "Anh có thích nước Mỹ không?" khi hai lăm tuổi với hai tay đầy vết ngang dọc là một điều may mắn. Nếu tôi đọc Tân Di Ổ năm mười bảy có lẽ tôi đã đánh mất một phần tuổi thanh xuân của mình chỉ vì nghĩ suy có nên theo đuổi tình yêu của mình không, hay chọn một con đường an toàn để trái tim mình lành lặn!? Nhưng tôi đi qua giông bão, cầm quyển sách này không hề thấy nó diễm tình hay lãng mạn khủng khiếp, nó chỉ là cách tác giả điềm nhiên kể lại câu chuyện thanh xuân của vài nhân vật một thời nồng nhiệt, và nó hiện thực đến đau đớn nghẹn ngào...

Bao trùm miên man quyển sách dày này là một nỗi buồn len lỏi từng con chữ, dù trong những dòng Tân Di Ổ viết về sự nồng nhiệt của Trịnh Vi dành cho Trần Hiếu Chính, hay những chuyến đi háo hức Nguyễn Nguyễn dành cho tình yêu của cô. Và dù tác giả giữ cho ngòi bút chạy thẳng vào nhân vật mà không bày tỏ quan điểm cá nhân, chị vẫn thổi nỗi buồn thanh xuân quanh quất. Tôi chưa từng đam mê thể loại ngôn tình tiểu thuyết như cách các bạn trẻ hiện đang cuồng nhiệt, nhưng tôi công nhận sức ảnh hưởng của nó vào suy nghĩ của những bạn ở giữa quãng đời mênh mông không biết đi con đường nào là phải, chưa biết cách yêu và trân trọng một người đúng kiểu tình yêu phải thế, và cũng chưa biết trân trọng nỗi đau của mình. Đơn giản bởi họ còn quá trẻ. Đơn giản là thanh xuân...

Đương nhiên là tôi thích Trịnh Vi, một nàng Ngọc diện Tiểu Phi Long đầy nhiệt huyết và có một lòng can đảm đáng ngưỡng mộ. Tôi thích cách Trịnh Vi "dòm ngó" Lâm Tĩnh lúc thơ ngây, vì có lẽ ai cũng từng có một "Lâm Tĩnh thời trẻ" giống như thế, để nhìn ngắm, để mơ ước, để hy vọng và huyễn hoặc mình. Nàng khờ dại, lãng mạn, nhưng cũng thẳng thắn vô cùng. Trịnh Vi dần được trui rèn để rời bỏ từng góc của tuổi xuân, để xét đoán hơn cho cuộc sống của mình một cách tỉnh táo. Thì quả vậy, cuộc sống người con gái nào cuối cùng cũng muốn tìm cho mình một bàn tay rộng có thể nép vào, một trái tim cùng nhịp, "không phải là không có tình yêu", cái câu này mới chua chát làm sao... Thương một ai đó bằng tình thương so sánh với thời mãnh liệt, sao mà so đây? Mà phàm ở đời cái gì nhạt nhạt thì tồn tại lâu hơn, cuồng nhiệt quá lại tuột trôi qua kẽ tay như sóng nước. Có một câu rất hay trong truyện tôi nghĩ để dành cho Trịnh Vi là xác đáng, "khi chúng ta còn trẻ, làm sao chúng ta tin rằng, sẽ có định mệnh khiến chúng ta không đạt được những điều mình mong muốn..."

Trần Hiếu Chính. Tôi không thích anh ta. Cái tôi quá lớn trượt dài, và sự so đo tình yêu làm đánh mất những điều lẽ ra làm anh ta hạnh phúc! "Anh biết con đường anh sẽ phải đi, cũng biết nơi anh sẽ phải đến, nhưng điều duy nhất anh không thể biết là sẽ có em." Trần Hiếu Chính ơi, anh đánh cắp những mãnh liệt đầu tiên, đỉnh cao thanh xuân của Trịnh Vi, và rồi anh bỏ đi... Đúng là Trịnh Vi dù cưỡi mây đạp gió cũng không đến được chân trời góc biển của anh ta, vì điều cần thiết là mở lòng đến cùng nhau tôi thiệt thấy anh không có. Từ đầu tới cuối tôi không thấy anh xứng với những gì Trịnh Vi dành cho, dù tình yêu sinh viên của hai người đẹp như một giấc mơ, dù sự day dứt của anh có ở trong quyết định của anh, nhưng anh luôn đặt lòng tự trọng tối cao của mình lên trên trái tim đang khóc, thì anh dệt nên muôn vết sẹo trong lòng cô gái anh yêu. Anh không biết rằng trái tim đó dù còn yêu, nhưng sẽ rạn vỡ, và người con gái kia ôm nỗi tủi thân đến một bến bờ khác...

Tôi hai lăm tuổi, tôi thích Lâm Tĩnh. Khi viết câu này tôi chợt nghĩ nếu tôi mười bảy, tôi sẽ thích Trần Hiếu Chính. Tôi thích cách người đàn ông biết hành động để có được người mình yêu, dù rằng có chút cơ hội, nhưng sự chân thành sẽ kéo lại những tháng ngày sau. Tôi thích người đàn ông biết để ý những chi tiết chẳng là gì nhưng là-rất-nhiều, để dựng xây bồi vun cảm giác mỗi ngày. Tôi thch người đàn ông khôn ngoan và biết lo lắng. Tôi thích cách Lâm Tĩnh từ bỏ, dứt khoát và yêu thương nồng nhiệt. Và tôi tin người phụ nữ Trịnh Vi có thể nhớ tiếc một Trần Hiếu Chính ở những trang cuối quyển sách này, nhưng sống với người đàn ông như thế những trang cuối cuộc đời cô sẽ dày dặn hơn nhiều so với cuộc sống với người đàn ông mà mọi cuộc hẹn đều có thể trễ, và luôn vất vả đoán ý anh ta qua đôi mắt đẹp như gương...

Nhưng trên tất cả, tôi lại nghĩ quyển sách này dành tặng Nguyễn Nguyễn, nhân vật duy nhất có thể lưu giữ cả tuổi thanh xuân của mình một cách trọn vẹn. Tôi đã rớt nước mắt ở chuyến tàu cuối. Tôi đã tin rằng cô ấy sẽ hạnh phúc, nhưng... Tôi không trách Tân Di Ổ giết chết nhân vật của mình, đó là cách duy nhất giữ cho tình yêu và sự chân thành, khao khát tình yêu thực sự của cô sống mãi. Nếu Marilyn Monroe không ra đi từ lúc thanh xuân, có lẽ bây giờ người ta cũng bới móc đời tư, hình ảnh lúc về chiều mà giật tít. Nếu Nguyễn Quản không ra đi, biết đâu cuộc đời của cô lại là chuỗi bi kịch khác, dù rằng cô thông minh và chưa bao giờ chọn cho mình một con đường để mình phải đau khổ. Có vẻ thế, nhưng tình yêu là điều kỳ lạ, nó soi xét tận từng tế bào và thúc giục người ta nhắm mắt mà đi tìm hơi ấm, lạc lối trong thương yêu dẫu khổ đau cũng cam lòng...

"Anh có thích nước Mỹ không?" là cách đặt tựa gây tò mò, nhưng không hề lột tả nội dung như cách tác giả muốn. Tôi đã từng nghĩ rằng tôi sẽ đọc một cái gì đó rất Mỹ, nhưng không ngờ nó lại gần gũi với mình đến thế. Hơn 500 trang sách trải trước mắt tôi những ký ức cá nhân đan xen mạch truyện. Tôi biết Tân Di Ổ gợi tôi nhớ một thời cháy rực không dè chừng cơn sóng dữ của mình, như cái tựa gốc "To Our Youth That Is Fading Away". Trang sách cuối, tôi biết Tân Di Ổ thành công, và tôi biết mình sẽ ở lại cùng nỗi bàng hoàng này thêm con trăng nữa...

"Khi yêu, tưởng rằng người đó là cả cuộc đời của mình, ai ngờ vừa tỉnh giấc mộng, đã đứng bên cạnh một người khác..." Tôi hy vọng trong những câu nói nửa lấp lửng xúi giục nửa tỉnh táo này của tác giả, bạn hiểu được con đường bạn chọn, bạn thương con đường bạn chọn, và thương người biết thương mình, dù chỉ bằng một nửa ngọt ngào của thời thanh xuân, nhưng bền lâu và vững chãi. Dù ánh trăng có thể không sáng nhất vì đã chuyển quá rằm, nhưng ấm áp hiểu lòng nhau còn hơn sự sắc cạnh viên mãn...

Tổng hợp Review "Anh có thích nước Mỹ không"Where stories live. Discover now