Chương 13 : Đi chợ (2 )

2K 111 1
                                    

Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, Hiểu Linh cõng bó củi trên lưng, nắm tay Tiểu Hàn cùng Tiểu Đông bưng một rổ rau lớn chào từ biệt rồi lên đường. Tuy Trần gia thôn chỉ là một thôn nhỏ nhưng địa thế dựa núi nhìn sông ở đây cũng đem lại cuộc sống trù phú cho thôn dân. Trấn trên cách thôn cũng không bao xa, đi dọc đường đê chừng một tiếng là tới nơi. Trấn Tây Giai nằm ở ngã ba Bông, nơi tiếp giáp giữa con sông Mã Nhi và con sông nhánh của nó – sông Bưởi. Nơi đây nhìn qua cũng biết là vô cùng thuận lợi cho giao thương: ngược Mã Nhi lên phía bắc là con đường thu mua lâm thổ sản còn xuôi nam lại đến khu tiếp giáp với thành Tây Đô phía nam, nếu thương nhân lớn có tầm nhìn bắt được nơi này thì hẳn sẽ càng trù phú, tấp nập.

Chợ phiên của trấn được tổ chức 3 ngày một lần ở ven bờ sông Bưởi. Khi ba người tới nơi cũng đã có rất nhiều người bày bán ở đó. Tiếng rao bán, trao đổi vang dội cả khu chợ. Hiểu Linh chọn một chỗ hơi thưa người, dưới một bóng cây to rồi trải miếng vải cũ lên để Tiểu Đông bày rau củ. Cô nhìn xung quanh các hàng bán rau cũng không ít. Không rõ trên trấn lượng tiêu thụ được bao nhiêu. Cô quay sang hỏi Tiểu Đông:

- Giá cả ở đây bán thế nào? Mà ta cũng không rõ mệnh giá tiền ở đây nữa.

Tiểu Đông nhất thời không hiểu ngay được mệnh giá mà thê chủ nói đến là cái gì. Hẳn là giá trị các đồng tiền ở đây đi. Hắn hỏi lại:

- Thê chủ là muốn biết giá trị các đồng tiền sao?

Hiểu Linh học kinh tế nên biết rõ: mệnh giá và giá trị là hai khái niệm khác nhau. Rất ngứa ngáy muốn giải thích nhưng lại thôi vì dù nói Tiểu Đông cũng chưa chắc hiểu nên cứ gật đầu:

- Ừm. Có những loại tiền gì. Rau như nhà ta sẽ bán được giá nào?

- Thê chủ. Vương triều ta lưu hành tiền xu: có 1 xu, 2 xu, 5 xu, 1 hào, 2 hào, 5 hào, 1 đồng, 2 đồng và 5 đồng. Trong đó 10 xu bằng 1 hào và 10 hào bằng 1 đồng. Rau nhà ta bán theo mớ như rau cải mơ, cải cúc, thì là thì chừng 3 đến 5 xu một mớ. Rau cải sen, cải bẹ, bắp cải theo cân thì chừng 1 hào một cân. Hành củ, tỏi củ thì 1 hào rưỡi đến 1 hào tám một cân. Còn bó củi kia phải 1 đồng mới được.

Nghe giá cả của Tiểu Đông nói, Hiểu Linh lẩm nhẩm quy đổi. Nếu coi 1 xu bằng mệnh giá thấp nhất trong tiền nước cô thì giá cả ở đây cũng chỉ chừng đó.

- Vậy một cân thịt giá bao nhiêu?

Tiểu Đông nghe Hiểu Linh hỏi giá có chút giật mình. Thê chủ muốn dùng tiền bán đồ mua thịt ăn sao? Hắn đáp:

- Một cân thịt giá vào khoảng 2 đồng. Thịt nạc hẳn chừng 1 đồng tám một cân. Mỡ thì 1 đồng một cân.

Hiểu Linh choáng váng. Trời ạ... đắt gấp 3 lần ở quê cô. Thảo nào thịt ở đây ít bán như vậy. Nhưng cô cũng lý giải được. Trước đây nhà cô nuôi heo, nửa năm mới được một lứa, hơn nữa chỉ chừng 60 kg đã là cao. Sau này nhà cô cũng không nuôi nữa vì chẳng bõ. Các nhà nuôi lớn thường chọn lợn siêu nạc và đổ tăng trọng cho chúng, nên chỉ cần 3,4 tháng là có một lứa lợn 70, 80 kg xuất chuồng. Huống chi thời đại này, ngô gạo còn không đủ cho người ăn, đâu ra có cám ngô cho lợn. Hiểu Linh gật gật đầu tỏ ý đã hiểu rồi quay ra nhìn đường.

XUYÊN ĐẾN NỮ TÔN QUỐC [ xuyên không, nữ tôn ]_HoànNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ