April(2)

125 4 0
                                    

"Xẹp phổi" hay còn gọi là "tràn khí màng phổi tự phát". Hoặc chính xác hơn là "tràn khí màng phổi nguyên phát", thường gặp ở người trẻ tuổi có thể trạng cao, gầy. Phần lớn các ca bệnh đều không rõ nguyên nhân, nhưng nghe nói trong khá nhiều trường hợp là do mỏi mệt hoặc đầu óc căng thẳng cộng với thể trạng vốn có của người bệnh.

Có thể hiểu ngay từ cái tên, "xẹp phổi" tức là một phần bóng khí của phổi bị vỡ khiến không khí thoát khỏi khoang trống giữa phổi và thành ngực. Sự cân bằng áp lực bị rối loạn làm cho lá phổi xẹp đi như một trái bóng bị thủng lỗ. Bệnh thường kèm theo các triệu chứng đau ngực và khó thở.

Căn bệnh mà nghĩ qua thôi cũng đã thấy khiếp sợ này, tôi đã phải trải nghiệm lần đầu tiên vào tháng Mười năm ngoái, khoảng sáu tháng trước.

Thoạt đầu, một cơn đau kì lạ nhói lên trước ngực, và có cảm giác nếu di chuyển tôi sẽ tắt thở ngay lập tức. Tôi cứ nghĩ chỉ cần đợi vài bữa sẽ khỏi, nhưng mấy hôm sau bệnh tình vẫn không khá hơn. Thực tế thì nó ngày càng trở nặng nên tôi phải kể với bố và được chở đến bệnh viện.. Họ chụp X-quang rồi chẩn đoán phổi trái của tôi bị tràn khí và đang trong quá trình xẹp đi. Tôi nhập viện ngay trong ngày.

Bác sĩ điều trị chính của tôi quyết định dùng phương pháp điều trị "hút khí màng phổi".

Sau khi gây tê, người ta làm tiểu phẫu mở ngực tôi để gắn một ống thông nhỏ gọi là trocar catheter vào khoang phổi, đầu kia ống nối với máy hỗ trợ hô hấp, nhờ vậy họ sẽ thực hiện quá trình hút lượng khí đang còn lưu lại giữa phổi và khoang ngực.

Quá trình điều trị kéo dài đến một tuần để cho là phổi căng trở lại hình dạng cũ, lỗ thoáy khí được bít kín và tôi sẽ được xuất viện. Khi đó, bác sĩ đã dùng từ "hồi phục hoàn toàn", nhưng còn nói thêm, "Khả năng tái phát là năm mươi phần trăm."

Lúc nghe câu chẩn đoán ấy, tôi cố không nghĩ quá nhiều đến mức độ nghiêm trọng và bệnh trạng của mình. Tôi chỉ hiểu được rằng, ờ thì có khả năng sẽ bị lại lần nữa. Nhưng tôi nào ngờ mình lại đối mặt với số phận bi thảm này nhanh và đúng thời điểm tệ hại như vậy...

Nói thật, tôi thấy rất buồn.

Bà về rồi, điều đầu tiên tôi làm trưa hôm đó là lên phòng điều trị trong khu nội khoa để họ hút khí, giống sáu tháng trước.

May mắn là bác sĩ điều trị lần này không tệ. Cơn đau sáu tháng trước khi họ nhét ống thông vào người tôi vô cùng dữ dội, nhưng lần này thì không ghê gớm mấy. Giống như lần trước, nếu khí thoát ra theo ống làm cho phổi tôi trở lại như cũ và lỗ hổng kín lại, tôi sẽ được xuất viện. Tuy nhiên, một khi bệnh đã tái phát như thế này thì khả năng tái phát lần ba sẽ cao hơn. Nếu tình trạng phát bệnh diễn ra thuờng xuyên, bệnh viện sẽ phải xem xét việc tiến hành phẫu thuật. Điều này càng khiến tôi thêm phiền muộn.

Chiều hôm đó bà lại đến thăm và mang điện thoại cho tôi. Nhưng tôi quyết định đợi mọi việc xong xuôi mới gọi điện thông báo cho bố. Dù có gấp gáp kể ngay thì sự thể cũng đã xảy ra. Tình trạng của tôi không đến mức nguy hiểm chết người, và tôi cũng không muốn làm bố lo lắng bằng cách để bố nghe giọng nói yếu ớt này.

Máy thở đặt cạnh giường bệnh phát ra tiếng ùng ục rất nhỏ, gây ra khi không khí hút khỏi người tôi đi qua dung dịch bên trong máy.

Chợt nhớ dòng cảnh báo của bệnh viện, rằng "điện thoại có thể gây nhiễu các thiết bị y tế", tôi bèn tắt nguồn điện thoại rồi đưa mắt nhìn ra cửa sổ, trong khi cắn răng chịu đựng cơn đau và sự khó thở nay đã trở nên quen thuộc.

Nơi tôi đang nằm là khu nội trú ở một bệnh viện công - một toà nhà năm tầng cũ kỹ. Phòng của tôi nằm trên tầng bốn.

Có thể thấy những đốm trắng loang lổ bên dưới bầu trời đen kịt phía xa kia. Đó là ánh đèn của thị trấn miền núi nhỏ bé nơi mẹ Ritsuko, người mẹ tôi biết qua những tấm ảnh, sinh ra và lớn lên. Thị trấn Yomiyama.

Tôi đã đến đây bao nhiêu lần rồi?

Ý nghĩ trên chợt cắt ngang qua dòng suy tư.

Chẳng thể nhớ nổi những ký ức thời thơ ấu, tôi chỉ biết mình tới đây đôi lần. Khoảng ba hoặc bốn lần hồi còn học tiểu học. Đây là lần đầu tôi quay lại từ khi lên học trung học ư? Hình như không phải.

Đang nghĩ rằng hình như không phải, mạch suy nghĩ của tôi chợt bị chặn lại. Một tiếng 'ùng" trầm sâu dội lên từ đâu đó, rồi ập đến, bao trùm lấy tôi, tưởng chừng muốn nghiền nát cơ thể này.

Tôi khẽ thở dài trong vô thức.

Thuốc gây tê hẳn đã hết tác dụng. Vết rạch dưới nách, nơi có gắn ống thông, đang nhói lên, hoà lẫn với cơn đau ngực nhức nhói không ngừng.

Another(1)-Yukito AyatsujiWhere stories live. Discover now