Chương 5: Lục Môn phủ

249 5 5
                                    

Chương 5: Lục Môn phủ

Thái hồ nằm giữa đồng bằng Thần Châu, là hồ nước ngọt lớn nhất Việt quốc. Nước từ sông Triết phía bắc và sông Lý phía tây cùng tụ hội nơi đây, tưới mát cho vùng đất màu mỡ trù phú này. Nhà họ Lưu vốn xuất phát từ Trần quốc thời Cửu Long Tranh Châu. Sau này, khi Sử Định hoàng đế thống nhất đất nước, đã quyết định chọn trung tâm Thần Châu làm nơi xây dựng kinh thành của đế chế mới.

Đại đô được xây dựng suốt năm mươi năm sau khi Sử Định hoàng đế băng hà. Nơi đây đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, tập trung quyền lực lớn nhất nước. Đại đô có quy mô trăm vạn thị dân, chiếm trọn vùng mé nam Thái Hồ. Hoàng cung nằm nơi trung tâm kinh thành, được bảo vệ bởi đội quân Thuỷ Châu hùng mạnh đóng ở phía bắc Thái Hồ. Ngoài ra còn pháo binh Hoả Châu, kỵ binh Phong Châu, bộ binh Thổ Châu chia ra đông tây nam mà trấn giữ.

Ngoài lực lượng quân đội, bốn tổ chức Xưởng Vệ cũng là những lực lượng đáng kể trong việc giữ gìn an ninh Việt quốc. Cẩm Y Vệ có quyền lực vượt trội so với nha phủ các châu huyện, họ có thể tự động thẩm tra, không chịu ảnh hưởng từ bất cứ quan viên điạ phương nào. Tổng bộ của Cẩm Y Vệ được đặt ở số mười phố Công Minh, trong một toà nhà khổng lồ hình lục giác cao ba tầng. Sáu cạnh của toà nhà đều có cổng ra vào riêng rẽ, là chỗ để phân biệt sáu lượng lượng chuyên nhiệm bên trong Cẩm Y Vệ.

Phan Trung Lương trở về cổng Nhị nằm trên đường Chính Nghĩa. Chức tránh của bộ phận này chính là truy bắt trọng phạm liên quan đến những vụ phản loạn gần đây. Đêm nay, họ đã từng nắm chắc Tô Phát trong tay, nhưng lại mất về phe Thất Kiếm Hiệp và người của Đông xưởng. Vệ uý dưới quyền của Trung Lương bị giết mất năm người, những Võ uý khác có khả năng chiến đấu cao hơn, chỉ bị vài vết thương không đáng kể.

Được tuyển vào Lục Môn phủ làm việc, thứ nhất phải nói đến trung thành, thứ hai mới tính đến thực lực. Chính vì vậy, dù đậu làm Cẩm Y Vệ, nhưng khả năng hành sự giữa các cấp cách biệt nhau khá xa. Võ giai trong Cẩm Y Vệ được chia làm mười sáu cấp. Mới tham gia là cấp thấp nhất tòng bát phẩm, hay còn gọi là phủ uý. Sau khi trải qua đào tạo, huấn luyện, thử thách ba tháng, mới được nâng hàm lên thành phó Vệ uý, võ giai là chánh bát phẩm.

Sau ba năm lăn lộn, hết lòng phục vụ cho triều đình, Phan Trung Lương đã lên đến chánh ngũ phẩm, Hiệu uý. Đạt được chức vị này hoàn toàn nhờ sự nỗ lực, cống hiến hết mình của y. Trung Lương là người khá đơn thuần, lại có lòng chính nghĩa, luôn được các cấp chỉ huy đánh giá cao. Đao pháp của y tinh nhuần, mạnh mẽ đến mức đáng kinh ngạc. Còn phần nói về lòng trung thành, y tuyệt đối không thua một ai. Chính vì vậy, mỗi khi có ghế trống cần người, y luôn được đề bạt lên trước tiên.

Trong thời gian hai năm gần đây, Thất Kiếm Hiệp liên tục xuất hiện tại kinh thành. Những kẻ từng giáp mặt với chúng, quá nửa đều mất mạng trong lúc thi hành nhiệm vụ. Nhị môn lại là cơ quan chuyên lo các vụ án liên quan đến phản tặc, vì vậy tốc độ thay đổi các chỉ huy thiệt mạng cũng đứng đầu trong số sáu ban của Vệ xưởng.

Cửa Nhị môn rộng mở đón mừng những thành viên Cẩm Y quay về Vệ xưởng. Phía sau họ là một hàng dài khoảng vài chục tên khâm phạm đã bắt được trong nhà họ Tô. Để vụt mất con mồi quan trọng, họ chỉ biết níu kéo, dựa vào những kẻ liên quan đồng phạm. Hy vọng sau khi trải qua nghiêm hình tra tấn ở đại lao, chúng sẽ phun ra được vài thông tin hữu ích cho Lục Môn phủ.

Lập quốc ký: Hiệp nghĩa tại tâmWhere stories live. Discover now