0

14 3 0
                                    


Mẹ ả bảo ả nên tạm dừng viết.

"Nhưng bấy lâu nay con có viết mấy đâu?" Ả cãi. Đôi bài viết PR của ả cứ chường mặt trên trang thông tin của dự án hết lần này qua lần khác. Bài đầu, mẹ ả còn hứng thú vào xem. Bài hai, ả được khen là viết hay. Thế rồi đến bài này. Bài thứ mấy nhỉ. Ả cũng cóc nhớ. Mẹ ả bảo ả cứ xào đi xào lại một thứ văn. Ừ thì chịu thôi. Vì khi "hoài thai" bài viết ấy, ả cũng chỉ nhìn chăm chăm vào màn hình với đôi mắt trống rỗng và bàn tay thì lia lịa thay từ này bằng từ kia hoa mĩ hơn cho tránh bị lặp. Ả nào có cảm xúc gì cho cam. Nói ả làm hời hợt thì cũng oan cho ả quá, ả tỉ mỉ đặt câu lựa chữ đến thế kia cơ mà. Chỉ là, đúng ra thì...

Bấy lâu nay, ả không viết gì cho chính ả. 

Một phần do ả cũng phát ngấy cái giọng viết của chính ả. Tưng ấy từ ngữ, tưng ấy lối suy nghĩ. Mãi chẳng có một làn gió mới. Ả bội thực văn mình. Ả tìm văn người, tìm sự hoàn mỹ, tìm những hướng phát triển thật độc đáo. Rồi ngồi đó. Đờ đẫn. Thở dài. Chạy trốn sự mặc cảm len lỏi vào lòng ả. Rằng làm sao mà văn ả thay hình đổi dạng được như vậy đây.

Càng lớn, ả càng thấy mình nghèo nàn về ý tưởng. Hay do ả quá nông cạn, nên nhìn đâu cũng thấy bản thân? Thậm chí tưởng tượng ra một câu chuyện cũng chẳng xong - tình huống truyện cứ quẩn quanh những điều vụn vặt thường ngày trong đời ả, và kiểu gì, dù ả có muốn hay không, ả rồi sẽ lại vô tình đặt mình vào một nhân vật trong số đó. Phải chăng như một nhà văn đã từng viết, đó là bi kịch của việc đi đâu cũng phải đối diện chính mình?

Thế nên, ả quả quyết cho rằng: cái dễ nhất, là viết về chính ả. Vài người bảo ả ổn trong khoản truyền tải cảm xúc. Ả gọi tên được những cơn giận, những vết thương xấu xí trong đầu người ta (và cũng là đầu ả). Ả cũng có thể viết về cái đẹp. Ấy là bóng lá ngời xanh một sớm mùa xuân, nắng đậu bậc thềm một chiều thu đổ. Là hoài niệm. Những lúc ấy sao mà văn ả ngây ngô thế. Ngây ngô, và lại dễ hòa lẫn trong bao người. Cũng không giống ả lắm. Con người mà. Phức hợp. Đa diện (lạy chúa, có phải ả vừa tống bài thi Hình không gian vào không đấy?) 

Từ dạo biết viết về chính mình, ả có ý thức về cái tôi rõ rệt hơn hẳn. Hay là ngược lại nhỉ? Có phải cái tôi trong ả thôi thúc quá mãnh liệt nên ả mới bắt đầu viết về chính mình? Không rõ. Cũng mấy năm rồi. Thuở ấy ả là cô nhóc cấp hai thơ ngây mà ảm đạm với thế giới thu gọn trong áp lực thành tích, mẹ la mắng, và một người bạn duy nhất - người ả đem lòng thích thời đó, cũng là kẻ đã ngàn lần phản bội lòng tin của ả bằng những lời yêu giả tạo. Tù túng. Bức bối. Và sự tự ý thức với ả khi ấy chính là một đường thở. Ả phát hiện ra ả mộng mơ và yếu mềm biết mấy - đó cũng không nhất thiết là điều xấu như con nhóc kia dạy đời ả. Ả dần biết nỗi buồn bám rễ trong lòng ả sẽ chẳng tan thành mây khói sau một câu an ủi sáo rỗng. Rằng ả không bị "điên", bị "khùng", hay "bất thường" như bấy lâu lầm tưởng. Rằng chuyện ả thích phụ nữ cũng chẳng có gì quá nghiêm trọng. Ả được quyền công khai. Nếu ả muốn. Nếu môi trường ấy đủ lành mạnh. Nhỏ chê ả là không biết nhục. Lần đó ả không nghe. Tại sao phải nhục. Tình yêu của ả có thể trao sai người, nhưng bản thân tình yêu đó phải là đúng đắn.

Mãi sau này, ả vẫn viết - như một cách tự mổ xẻ, tự đào sâu từng ngóc ngách trong thế giới của chính mình. Hình như ả quan tâm tới quá khứ nhiều quá. Rằng vì đâu mà ta thế này. Ta thực sự là ai?

Dẫu cho càng viết, nỗi hoài nghi càng nhấn chìm ả. 

Ả than van.

Sao mà mình bé mọn quá. Trong chính căn buồng giam mình tự đẩy mình vào. Buồng giam của cái tôi.




Ai ajuns la finalul capitolelor publicate.

⏰ Ultima actualizare: Dec 12, 2023 ⏰

Adaugă această povestire la Biblioteca ta pentru a primi notificări despre capitolele noi!

vườn thơ canh ba.Unde poveștirile trăiesc. Descoperă acum