Chương 5: Chim Én bay xa [2]

1K 54 11
                                    

Hai ngày lặng lẽ trôi, đã trọn hai ngày hoàng đế không thiết triều. Lý Chiêu Hoàng được Thái y viện bẩm báo trúng phải bệnh nặng, bằng chứng là cả tẩm điện Trường Xuân ngạt mùi thuốc thang, canh sâm. Nô tỳ lệnh đến thưa cũng nồng nặc hương thuốc làm các quan dần buông lỏng cảnh giác, toàn tâm chỉ hướng về ngôi rồng cửu thiên mà đã quên mất nhiệm vụ đối phó với họ Trần.

Mà cũng phải, trăm quan đối mặt với cảnh ngai vàng vắng bóng thiên tử khác nào rắn mất đầu, trong lòng ai nấy đều thầm than phải chăng đại họa sắp sửa giáng xuống Đại Việt. Mạng của bọn họ giờ như cá nằm trên thớt, mặc người khác nhìn thấu nỗi sợ hãi.

Điện Thiên An lặng như tờ, đông rét đã sang nhưng ai nấy cũng nóng ruột đến bức bách. Đương lúc hỗn loạn, tiếng Thái hậu vọng ra ra từ rèm châu, vang vọng khắp trần điện.

"Bệ hạ bệnh nặng, hai ngày qua đã khiến các khanh bận lòng. Ta nghĩ đi nghĩ lại, chi bằng theo phong tước của Thượng hoàng, cho phép *Thái úy về triều phụ giúp quốc sự, làm tròn chức trách. Các quan có ý kiến gì không?"

Dứt lời, mọi ánh mắt liền đổ dồn về một hướng duy nhất- nơi Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ đang đứng. Một Chỉ huy sứ đã nắm đủ binh quyền, lại thêm một Thái úy quyền triều khuynh dã. Phúc trạch hai trăm năm sâu dày đến mấy cũng như ngọn đèn trước gió, có níu cũng không níu nổi.

Và tất nhiên là dù có ý kiến nhưng không thể ý kiến.

Thế cục hiện giờ quả rất bất lợi. Bên trong, mọi tước vị quan trọng đều phong cho họ Trần, mà bên ngoài giặc cướp loạn lạc, khéo mấy lần đã đánh đến thành Đại La. Không có người dẹp loạn, e rằng họ chẳng có ngày đứng đây. Nhưng nếu tất cả việc lớn nhỏ rơi vào tay Thái úy xử lý, vậy điều người đi rồi về khác nào đưa hổ về rừng. Chỉ tiếc, luận về tước quan hay sức lực, không ai có đủ tư cách nép vào hàng *Tam Thái. Ngày trước vì cân bằng thế lực trong triều, Thượng hoàng đã tỏ thái độ xa cách với ông, ra chỉ dụ điều đến Quốc Oai giám sát động tĩnh của Nguyễn Nộn, đồng thời chia cắt khả năng nội ứng ngoại hợp của họ Trần, giúp vua trấn áp bọn giặc kia.

Thượng hoàng cảnh giác, nhưng người chưa đa nghi đến mức cực đoan, thế nên mọi kế sách kìm hãm lực lượng các thế tộc chỉ mang tính chất hoà hoãn tạm thời.

Giang sơn chưa định, một nước mà chia năm xẻ bảy, mỗi người nắm giữ chức tước một phương. Chưa kể Thái hậu khi trước thượng triều chỉ là đỡ lời thay vua, giờ đây xem như chính thức có cơ hội nắm chặt thực quyền. Tuy các quan vô cùng bất mãn nhưng vẫn kính cẩn thưa thốt:

"Bẩm, thần không có gan suy đoán tâm tư Thánh mẫu, nhưng việc gì cũng đều cần ấn vàng của hoàng đế bệ hạ mới xét được. Thứ cho thần láo xược, Thánh mẫu tự ý hạ lệnh, lại không có ấn vàng chấp thuận... vậy khác nào muốn đối đầu với bệ hạ?"

Người vừa tâu trên chính là *Hàn lâm học sĩ Lý Khải Thư- cháu của *Lý Kính Tu, một đế sư lẫy lừng dưới thời vua Lý Thần Tông, người chuyên phụ trách việc soạn chiếu thư, từng dạy học cho Lý Cao Tông. *Trải qua một lần bị hãm hại, chịu phải sự bất tín của tiên đế, Lý Kính Tu buộc phải lâm vào cảnh đường cùng, quyết tự vẫn để chứng minh lấy tấm lòng trung trực đối với vua.

Ban Mai [Lý mạt Trần sơ]Where stories live. Discover now