Chương 11. Nhật ký

25.2K 1.6K 576
                                    

Mùa thu năm 1941.

"Chị Út, chị Út, bà Sáu bị xử chết rồi."

Ngọc Út ngẩng đầu, một tia kinh hoàng hiện lên trong đáy mắt. Nàng bỏ dở chậu quần áo đang giặt, vội vàng đứng dậy xỏ đôi guốc mộc bên cạnh, "Bà ấy đang ở đâu, bé Dung dẫn chị ra đi."

Bé gái vầng trán lấm tấm mồ hôi, giống như vừa chạy thục mạng về để báo tin với Ngọc Út.

"Nhanh lên thôi, trưởng làng và các bô lão đang chuẩn bị hành hình bà ấy rồi." Dứt lời, bé Dung liền nắm lấy tay của Ngọc Út kéo nàng đi.

Trên con đường đất đỏ không có lấy một bóng người, có lẽ tất cả đều đang tập trung ở sân đình.

Trong những năm đất nước bị giặc Pháp đô hộ, chúng đã thay thế tầng lớp Nho sĩ lãnh đạo làng xã được dân chúng bầu chọn bởi đạo đức và học vấn, bằng tầng lớp địa chủ có thế lực, tài sản. Ban đầu trên tỉnh đề nghị ông nội của Ngọc Út đứng ra nhậm chức trưởng làng, bởi xét cho cùng, từ thời cụ tổ, gia đình nàng đã có không ít ruộng đất, của cải. Thế nhưng ông nội nàng vốn dĩ là người kín kẽ, không bao giờ muốn nhúng tay vào chuyện thế sự, cho nên chức trưởng làng nhường lại một kẻ cũng có địa vị khác. Người này sau khi tiếp quản liền nhanh chóng đề ra chức vị bô lão, bao gồm những người già có uy tín và tiếng nói trong làng. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, ông nội Ngọc Út bất đắc dĩ phải trở thành trưởng lão, địa vị chẳng thua kém gì trưởng làng, mà có khi lại còn hơn.

Từ đó về sau, làng họ Trương luôn tuân thủ truyền thống cha truyền con nối, trai trưởng trong nhà kế thừa kẻ đi trước, trở thành người đứng đầu dân làng. Đáng nhẽ ra thầy (bố ruột) của Ngọc Út sẽ là trưởng lão, thế nhưng ông đã sớm qua đời, nên chức vị ấy đến nay vẫn để trống, chỉ còn một vài bô lão từ các gia đình uy tín khác tiếp nối mà thôi.

Anh ruột của Ngọc Út đã âm thầm tham gia vào mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nảy ra không biết bao nhiêu trận chiến khốc liệt chống lại chủ nghĩa áp bức. Song đã vài tháng trôi qua không nhận được tin tức gì của anh, e rằng đã lành ít dữ nhiều.

Từ ngày đất nước bị giặc Pháp đô hộ, ngôi làng họ Trương gần như cũng sống tách biệt với thế giới loạn lạc ngoài kia. Mọi giao thiệp của dân làng với chính quyền cấp trên đều thông qua trưởng làng, mà thật ra một ngôi làng đầy hủ tục nề nếp phong kiến nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh thì cũng chẳng khiến bọn công sứ người Pháp bận tâm. Thế nên phép vua còn thua lệ làng, mọi tội trạng của người dân đều đem ra ngoài đình để các bô lão cùng trưởng làng xét xử. Nếu tội nhẹ thì tùy theo mức độ mà xử lý, còn nặng thì khó lòng sống nổi. Chỉ cần phán quyết được đưa ra, thì người dân trong làng có thể tùy ý đem kẻ chịu tội ra mà đánh đập cho tới chết, không thì đem bỏ vào lồng mà dìm xuống sông.

Bà Sáu là người ở đợ nhà lão Lý. Nghe đâu mấy hôm trước bà vợ cả của ông ta kiểm tra lại trang sức thì thấy mất một sợi dây chuyền vàng, lại đúng vào phiên của bà Sáu dọn dẹp lau chùi phòng. Thế là bà vợ cả của lão Lý làm ầm cả lên, từ đầu làng đến cuối làng chẳng ai là không biết chuyện. Bà Sáu dù thế nào cũng một mực khẳng định mình trong sạch, cuối cùng lại bị đưa ra đình làng để các bô lão cùng trưởng làng giải quyết.

[BHTT - Hoàn] Vợ QuỷNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ