Khi tôi nhìn về phía biển

561 27 12
                                    

001

"Nó đã áng ngự trên bầu trời phía tây được hai ngày rồi!"

Nó là một đám mây xanh, xanh ngắt lạ thường, như hòa lẫn vào nền trời phía sau. Nếu để tâm một chút, bạn sẽ nhận ra những đám mây chả bao giờ có màu xanh cả. Chúng luôn luôn màu trắng, đó là thực tế, mặc dù những năm tiểu học khi muốn vẽ mây ai trong chúng ta cũng chọn lấy màu xanh để vẽ.

Tôi tình cờ phát hiện ra nó vào hai hôm trước, trong giờ làm việc của tôi, khi tôi thả hồn ngoài cửa sổ và dõi theo những cánh chim bay về phương nam. Văn phòng tâm lý mới mở gần đây của tôi không có nhiều khách lắm, và tôi thì lại chẳng biết làm gì trong những lúc rảnh rỗi như thế ngoài việc ngắm nhìn mọi thứ qua khung cửa sổ. Thực ra việc nơi này vắng khách là điều nên mừng đối với tôi, nhưng không hiểu sao bản thân lại trở nên ủ rũ hơn vào những lúc như thế này.

Tôi đã chọn ngắm nhìn những cánh chim trên cao, thay vì những khoảnh khắc vụn vặt của người dân trong khu phố.

Như lương y đoán được phần nào đó bệnh chỉ qua sắc mặt, một chuyên viên tâm lý như tôi hoàn toàn đủ khả năng để đoán được "căn bệnh" trong mỗi người dân nơi đây. Tôi thở dài khi nghĩ đến việc ấy. Phải rồi, tôi đã lờ mờ đoán ra được từ những ngày đầu tiên đặt chân đến đây lập nghiệp. Có những điểm bất thường mà chỉ cần tinh ý một chút bạn sẽ nhận ra ngay.

"Nó vẫn tiếp tục lan rộng trong mỗi người dân nơi đây... nhanh đến mức sẽ sớm trở thành đại dịch."

"Căn bệnh đó đã ăn sâu vào ý thức của họ..."

Cứ thử nhìn ra con phố đi rồi biết. Những túi rác lăn lóc cạnh bờ tường, những hộp sữa, lon bia,... quăng tứ tung. Lá vàng cứ rơi trong khi chẳng ai buồn dọn cả. Ai cũng có cuộc sống của riêng họ, không ai rảnh rỗi mà đi làm cái việc dở hơi đó. Cuộc sống của họ, đi làm lúc sáng rồi về nhà khi tối mịt, chẳng ai có thời gian, như những lời họ luôn bào chữa. Đó là lớp thanh niên, người trẻ khỏe, còn sức lao động. Còn lại lớp người già, họ luôn ru rú trong căn nhà nhỏ chật hẹp, hiếm khi đi ra ngoài chứ nói gì đến chuyện dọn dẹp lại đường phố.

Tôi phải nói rằng họ thờ ơ quá.

Khu chợ nằm ở khá xa, và ai cũng bận nhiều việc nên thường đặt đồ ăn nhanh. Ăn xong lại tiện tay vứt ra đường. Rác thì vẫn cứ nhiều lên, đến mức cô lao công cũ ở đây phải bỏ nghề đi xứ khác.

Và một hôm tình cờ, tôi nghe được cuộc nói chuyện của hai mẹ con nhà hàng xóm, đại để thế này. Thằng bé hỏi mẹ nó túi rác nhà mình ở đâu, để nó vứt hộp sữa nó vừa uống xong. Thế là một cuộc cãi vã giữa mẹ và con nổ ra, thằng bé thì cứ nằng nặc tìm thùng rác bỏ vào đúng như lời cô giáo dạy, trong khi bà mẹ thì cứ khăng khăng rằng ném ra cửa sổ đi cho tiện. Nhà ở đây san sát nhau, hiếm nhà có sân vườn nên cứ tiện tay ném ra cửa sổ một phát là đi thẳng ra đường.

Những ánh mắt khinh miệt và soi mói họ nhìn nhau mỗi khi chạm mặt.

Những lời nói mỉa mai, chứa đầy sự ghen ghét và đố kỵ.

Những hành động không lấy gì làm hay.

Thật sự ghê tởm làm sao!

Nguyên nhân của tình trạng đó vẫn còn chưa xác định. Và mặc dù nhận ra được căn bệnh tâm lý mà người dân nơi đây mắc phải, tôi vẫn không thể nào tìm ra được phương thuốc hữu hiệu để ngăn chặn dịch bệnh này tiếp tục lây lan.

Những người quái dịWhere stories live. Discover now