6.2 | Cô Tô (1965) - Nguyễn Tuân

1.1K 3 0
                                    

Biết bọn tôi sắp chào bãi tắm ra Mũi Ngọc rồi đi luôn Cô Tô, ông chủ tịch Trà Cổ liền bảo luôn: "Đêm qua, cũng vừa nhận được tin bão. Bão đang ở Phi Luật Tân và tiến vào bờ biển mình".

Một đôi người bỗng kêu lên:

- Đáng tiếc! Khá tiếc!

- Tiếc gì? Tiếc cái gì?

- Đã dậy từ lúc gà gáy canh tư trên bờ cát để trước khi lên xe, ra đầu bãi Sa Vỹ xem mặt trời mọc. Mất công rình nửa tiếng, mà vẫn cứ nhỡ.

- Trời vẫn đang nắng, chứ tờ mờ đất đến giờ có mưa đâu. Cả ngày hôm nay còn tha hồ mà nắng, chả cần phải thèm mặt trời.

- Là người ta nói chuyện xem mặt trời mọc từ ngay ở chỗ ngấn bể Đông. Từ hòa bình tới giờ, mình vẫn là một anh chỉ thấy vầng dương mọc trên chân trời đất liền.

- À, tưởng là thế nào. Ngay cả đến anh đi nghỉ mát bờ biển cũng khối anh "nhỡ mặt trời mọc" cứ hàng nửa tháng liền. Nó mọc lên mà vướng mây vướng mù trên ngấn bể, thì cũng coi như là tấm ảnh phá sản. Thôi, ra ngoài đảo Cô Tô, sao chả gỡ gạc được một vài mặt trời toàn vẹn.

- Xem mặt trời mọc ở Cô Tô 21 độ vĩ tuyến với xem mặt trời mọc ở Trà Cổ Đuôi Cát 21 độ rưỡi là hai việc hoàn toàn khác nhau chứ! Biển Trà Cổ Sa Vỹ là chỗ hết rồi của sóng Trung Quốc và đồng thời cũng là chỗ mở đầu của sóng mình. Hùng đẹp vậy thay là quang cảnh mặt trời chiếu sáng trên chỗ rẽ sóng và chỗ mở ra cái chấm đầu chữ S của 2500 cây số cát Việt Nam!

Mũi Ngọc. Trên chỏm nó là một cái đồn. Dưới chân nó là một tí phố cụt của cây số cuối cùng thuộc đường số 4. Mười căn nhà ngói, mái thâm giòn, hòn ngói đực xoắn xuýt lấy hòn ngói cái. Chỉ có cái trạm hàng giang là còn cái màu ngói của một trụ sở mới. Nước thủy triều vẫn rút xuống. Tìm cái tàu thủy đón đoàn ra Cô Tô thì chưa thấy nó đâu cả. Cát ở đây vàng rộm hoàn toàn khác hẳn cát bãi Trà Cổ xam xám sền sệt.

Biển càng hướng ra , càng thấy nồng. Vĩnh Thực, Cái Chiên, Núi Miều, Núi Tụi, vùn vụt lướt qua sườn tàu, mà trên boong tàu, mớ tóc trần trên đầu chị bạn vẫn không chịu rung lấy nửa sợi. Đứng gió quá. Chân đảo Thoi Xanh xa xa cát vàng như một nét chỉ mành tơ lưới kéo ngang nền giời hâm hấp của biển chờ cơn giông. Nước đùng đục. Mặt biển lặng lờ và láng mềm đi như dầu mỡ nào đang chảy tràn tới tận cái cuống mây chân giời. Nó gợi gợi một cái chảo khổng lồ nước xuýt vịt béo sôi giấu khói, mới trông qua rất dễ lầm với một nồi canh nguội. Có tí sóng nào dội lên phía chân vịt tàu, thì sóng chỉ xông thêm ong ong oi oi lên mặt tàu. Bầu trời tắt gió càng về quá trưa càng đặc sánh. Thấy nghẹn thở. Trời vàng vàng cái mặt màu da đồng.

Ngay tối đầu trên đảo Cô Tô, đã có ngay một buổi họp, – họp chạy bão, rất có thể ngày mai bão đã vào thấu tới quần đảo rồi. Sau cuộc họp giữa đảo ủy, đoàn văn nghệ đi tìm biển Bắc và hải vị, và đại diện Tổng cục Thủy sản, liền hình thành ba hướng đi về mọi hợp tác xã nghề biển trên đảo. Sớm mai, một tổ sẽ đi theo những người nuôi đồi mồi, đánh bào ngư, làm ruộng muối. Một tổ đi theo những người lặn mò ngọc trai. Một tổ vượt biển sang đảo Thanh Luân tìm gặp những người đánh cá hồng, nuôi hải sâm, trồng cam sành.

Ngữ Văn (Phần 1 - 6, 7)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ