1| Lương duyên

1.5K 61 6
                                    

Kinh thành Thăng Long phồn hoa đô hội đang bước vào độ chớm xuân. Chiến trận vừa kết thúc đôi tháng, chỉ để lại khung cảnh nhà cửa đổ nát, đất vườn tan hoang, nhưng người người thì lại trông có vẻ rạng rỡ đến lạ. Lê dân đất Nam này dù có phải vội vã dắt díu nhau đi dựng xây mọi thứ từ đầu cũng không giấu nổi niềm vui thắng lợi trên khuôn mặt, ai nấy đều đồng lòng khôi phục cảnh thái bình thịnh trị của Đại Việt như thuở trước. 

Trong triều, nhà vua cùng quần thần mải mê nâng chén ăn mừng, chẳng ai mảy may để tâm đến sự vắng mặt của một chiến tướng. Trái ngược với không khí ồn ào ở chính cung, trang nam tử đó lại đang bần thần tại một góc tẩm cung dành cho nữ quyến hoàng tộc.

"Cửa ngõ lờ mờ dấu bụi rêu,

Chìm chìm ngày bạc vẻ đìu hiu.

Ðầy vườn rực rỡ hồng chen tía,

Hoa khéo vì ai vẫn nở nhiều."

Thượng hoàng Trần Thánh Tông viết đôi câu thơ cảm thán cảnh cũ người xưa, thâm trầm mà ý vị, không ngờ lại khiến gã đàn ông đó đau lòng tột độ.

Cảnh cũ người xưa như nước chảy hoa trôi, ký ức tự thuở trăng tàn ùa về trong tim hắn.

Từ khi Chiêu Thánh Công chúa trao lại ngôi vua cho Trần Cảnh, lịch sử Đại Việt đã được lật sang một trang mới. Đời sống nhân dân ấm no, đất nước vẫn tiếp tục phát triển dưới sự trị vì của các đời vua Trần.

Cho đến đời Trần Nhân Tông, Hoàng đế phương Bắc nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt lại nung nấu ý định xâm phạm nước ta, lăm le muốn chiếm đóng Đại Việt. Khi Hốt Tất Liệt đòi vua Nhân Tông vào chầu, ngài từ chối và cử Trần Di Ái sang thay thế dẫn đến xung đột giữa hai bên, cuộc chiến tranh đầu tiên giữa nước Việt ta và quân Nguyên - Mông đã nổ ra. Giặc Mông Cổ thua trận, từ đó quan hệ hai nước bằng mặt chứ không bằng lòng, vua Trần thì giúp cho kẻ địch của Hốt Tất Liệt, sứ thần nhà Nguyên lại hống hách lộng hành ngay giữa triều đình khiến ai ai cũng căm ghét.

Hắn thân là con trưởng của một người quan cao tước lớn, gánh vác nhiều trọng trách trong triều, nên khi chứng kiến đất nước đang đứng bên bờ hiểm họa, có nguy cơ bị xâm lược thì sao mà sống yên bình cho được! Từ nhỏ hắn đã nuôi ý chí vững vàng, mong muốn được tiêu diệt kẻ thù, dốc sức cho vua, tận trung báo quốc, có chết cũng không từ nan. Hắn quả thực là một thân nam nhi đầu đội trời chân đạp đất, khiến biết bao cô gái trong cung ngoài triều đem lòng ngưỡng mộ.

Hắn là Chiêu Thành Vương Trần Thông, con trai cả của Thái úy Khâm Thiên Đại Vương Trần Nhật Hiệu với người vợ cả Tuệ Chân Phu Nhân. 

Năm đó mới chỉ là một đứa trẻ mười tuổi mồ côi cha và sống trong phủ Thái úy hiu quạnh cùng mẹ mà Trần Thông đã ham rèn luyện võ thuật, tính thích cưỡi ngựa và ưa kiếm cung chứ ít đụng đến văn chương giấy mực. Phu nhân thấy vậy thì cũng chiều cho đứa con đầu lòng, hi vọng sau này nó sẽ trở thành anh hùng nơi sa trường, làm rạng danh tổ tông và giúp quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi đất nước. Sự nuôi dưỡng, dạy dỗ nghiêm khắc của bà đã ảnh hưởng rất lớn đến con người Trần Thông.

Trăng tàn (hoàn)जहाँ कहानियाँ रहती हैं। अभी खोजें