Phần 3 chương 7

14 0 0
                                    

Chương 7: Mắc câu

Editor: Tiểu Phong Hoa

*****

Lặn lội suốt năm tiếng đồng hồ đằng đẵng, cuối cùng chúng tôi cũng vòng qua được núi Xà Đầu. Sau khi đặt chân được tới tiểu thôn đầu tiên dưới chân núi, chúng tôi rối rít cảm tạ người bí thư đã dẫn đường rồi chia tay đường ai nấy đi. Lão Dương hăng hái dẫn tôi đi tìm hộ lần trước đã cho lão tá túc bởi nơi này trước đây lão đã từng ghé qua.

Sơn thôn được xây dựa vào thế dốc của sườn núi, nhấp nhô những ngôi nhà dân bằng đá theo kiến trúc thời Minh, Thanh đã được hàng trăm năm tuổi, đường vào thôn trên dốc núi cũng lát toàn đá xanh. Đứng bên dưới nhìn lên, ngôi nhà trên đỉnh dốc cao hơn dưới chân dốc phải đến trăm mét. Một dòng suối nhỏ chảy men theo con rạch ven đường, dưới đáy tuyền một màu rêu xanh biếc. Tôi đảo mắt thăm dò, thấy tường bao của nhiều hộ dân ở đây thường xây lẫn gạch lấy từ những ngôi mộ có niên đại khác nhau, qua đó có thể thấy tập tục đào mộ lấy gạch đã xuất hiện rải rác từ thời xa xưa.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà lão Dương từng trọ mua một ít lương khô, tranh thủ dùng nước suối tắm rửa sạch sẽ, quần áo cũng giặt giũ rồi đem phơi nắng. Sau cùng trên mình cả hai chỉ còn cái quần đùi, đành ngồi luôn bên suối chụm đầu bàn bạc xem tiếp theo nên làm gì.

Muốn qua mặt năm người kia cũng không phải không có khả năng, kiểu gì chúng tôi cũng đã vượt núi suôn sẻ, nhưng trước mắt vẫn phải dựa vào ký hiệu của lão Dương để tìm ra địa điểm ba năm trước hắn đã tới.

Tôi tra hỏi một hồi để xem rốt cuộc lão để lại ký hiệu quỷ quái gì, liệu bây giờ còn không hay lão tự tin quá hóa nói liều. Lão Dương kể, khi đó hắn tìm đến địa đạo tuẫn táng phải vượt qua một địa điểm vô cùng kỳ bí tên là Giáp Tử Câu. Mọi người đa phần đều biết nơi này, đến được Giáp Tử Câu là đến được địa đạo. Chỉ có điều, Giáp Tử Câu cách sơn thôn này hơn bốn mươi cây số, tức là nằm sâu trong rừng.

Nghĩ lại thảm cảnh bi thống khi vào núi mà không có người dẫn đường, chúng tôi liền hỏi bí thư một người có khả năng đương đầu với hành trình gian nan trước mắt.

Viên bí thư gọi đứa con nhỏ, bảo nó dẫn chúng tôi đi tìm một lão thợ săn. Hai người chúng tôi theo chân một đứa trẻ trần như nhộng đi lòng vòng trong thôn mấy lượt, tới một căn nhà ngói hai tầng, nó bèn chỉ vào một ông già đang phơi nắng nói với chúng tôi: "Chính là ông Lưu đấy."

Ông Lưu là người vùng khác, thời trẻ trốn việc tráng đinh mà lưu lạc rồi định cư luôn ở đây, lấy nghề săn bắn làm kế mưu sinh. Ông đã hơn tám mươi tuổi nhưng sức khỏe vẫn còn tốt, hầu như tất cả những người muốn vào rừng, từ đoàn khảo cổ cho đến dân trộm mộ đều phải nhờ ông dẫn đường, ông lão cũng vui vẻ giúp đỡ. Thứ nhất rút tiền phải lẹ, thứ hai địa vị phải cao, nghe chúng tôi trình bày ý định ông chẳng hề tỏ vẻ kinh ngạc, chỉ lắc đầu nói: "Không được, thời điểm này đi Giáp Tử Câu là hỏng."

Tôi nghe vậy không khỏi chán nản, hỏi ông: "Vì sao không thể vào núi? Bây giờ đang là cuối thu, thời tiết mát mẻ săn thú rất thuận lợi. Lúc này không đi thì còn đi lúc nào?"

Đạo Mộ Bút Ký - Nam Phái Tam Thúc (Phần 1 - Phần 4)Where stories live. Discover now