Lời tựa phổ khuyến thọ trì lưu thông sách Dục Hải Hồi Cuồng

69 0 1
                                    

   Mối họa cực thảm khốc, cực lớn, cực sâu trong thiên hạ, hễ bộp chộp động
đến, ắt phải táng thân, mất mạng, nhưng nhiều người vẫn ưa thích theo đuổi, lăn
xả vào, dẫu chết chẳng hối, có lẽ chỉ có mình nữ sắc mà thôi! Những gã cuồng đồ
buông lung nơi dục sự, mò hoa, bẻ liễu, trộm ngọc, cắp hương, diệt lý, loạn luân,
bại gia, nhục tổ, tiếng ác đồn khắp làng nước, để tiếng nhơ cho con cháu, sống
chẳng được hưởng hết tuổi thọ, chết sẽ đọa vĩnh viễn trong đường ác. Hãy khoan
nói đến những gã ấy! Ngay như trong tình vợ chồng, những kẻ đắm đuối trong ấy
đến nỗi mất mạng, kể sao cho xiết? Vốn mong cầu khoái lạc, bất ngờ chết mất!
Cảnh khổ góa bụa, quả thật phần nhiều do chính mình tự chuốc! Há có phải hoàn
toàn là do số mạng xui khiến như thế ư? Những kẻ tham luyến chuyện chiếu chăn,
đều là tự mình chuốc lấy tai ương. Cũng có kẻ hoàn toàn chẳng luông tuồng, mê
đắm, nhưng do không biết kiêng ngừa, cứ mạo muội làm bừa, đến nỗi tử vong
cũng rất nhiều! Vì thế, thiên Nguyệt Lệnh trong sách Lễ Ký có đoạn văn nói về
chánh lệnh: "Chấn đạc bố cáo, linh giới dung chỉ" (Gõ mõ truyền lệnh kiêng kỵ
chuyện ăn nằm) ("Dung chỉ" (容止) có nghĩa là động tĩnh, tức là chuyện ân ái).
Lòng thương dân của bậc thánh vương thời cổ, có thể nói là "chẳng bỏ sót điều
nhỏ nhặt nào" (những nơi chỗ kiêng kỵ sách Thọ Khang Bảo Giám có chép rõ,
hãy nên đọc kỹ).
Tôi thường nói: Trong mười phần nhân dân của thế gian, những kẻ chết trực
tiếp vì sắc dục chừng bốn phần, kẻ gián tiếp bị chết, cũng đến bốn phần, tức là do
bị sắc dục gây hao tổn, chịu những cảm xúc khác mà chết. Những kẻ bị chết ấy,
không ai chẳng đổ thừa cho số mạng, nào có biết vì tham sắc mà chết, đều chẳng
phải là do số mạng. Nếu là [chết vì số] mạng, phải là người giữ lòng thanh tịnh,
trinh lương, không tham dục sự! Những kẻ tham sắc kia đều là tự tàn hại đời mình,
há có thể nói là vì số mạng ư? Còn những người do mạng mà sống, mạng hết bèn
chết, chẳng qua chỉ được một hai phần đó thôi! Do vậy biết: Quá nửa thiên hạ đều
là kẻ chết oan uổng. Mối họa này khốc liệt có một không hai trong cõi đời, chẳng
đáng buồn ư? Chẳng đáng sợ ư? Cũng có cách chẳng phí một đồng, chẳng tốn
chút sức, mà trở thành bậc đức hạnh cao tột, hưởng yên vui cực lớn, để lại phước
ấm vô cùng cho con cháu, khiến đời sau đạt được quyến thuộc trinh lương, có
phải chỉ là kiêng dè dâm đó ư?
Trước kia, tôi đã trình bày đại lược sự lợi, hại trong chuyện dâm tình chánh
đáng giữa vợ chồng, nay không bàn đến nữa. Còn chuyện tà dâm vô liêm, vô sỉ,
cực uế, cực ác, chính là dùng thân con người để làm chuyện thú vật. Do vậy, gái
đẹp đến tằng tịu, nữ nhân yêu mị đến quyến rũ, quân tử xem như mối họa ương không gì lớn bằng, cho nên cự tuyệt, ắt được phước diệu chiếu soi, hoàng thiên

che chở. Tiểu nhân xem điều đó như hạnh phúc không gì lớn lao bằng, bèn nhận
lãnh, ắt đến nỗi tai tinh giáng xuống, quỷ thần tru lục. Quân tử do họa được phước,
tiểu nhân do họa mà càng thêm họa! Vì thế nói: "Họa phước không có cửa, do
con người tự chuốc lấy". Nếu đối với cái ải nữ sắc, người đời chẳng thể thấy thấu
suốt triệt để, sẽ khiến cho "đức hạnh cao tột, an lạc cực lớn, phước ấm vô cùng để
lại cho con cháu, quyến thuộc trinh lương trong đời sau" đều bị khoảnh khắc hoan
lạc đoạt hết! Buồn thay!
Cuốn sách Dục Hải Hồi Cuồng của An Sĩ tiên sinh đã chia môn, phân loại,
trình bày rành mạch. Tài văn bút khiến cho kẻ tục người nhã đều cùng thích xem,
trần thuật, khuyên lơn, răn dạy, thảy đều tha thiết. Cội nguồn, ngành ngọn của
những chuyện xưa nay "người không dâm được phước, kẻ phạm dâm mắc họa"
đều ghi chép tỉ mỉ, lớn tiếng gào to, chẳng tiếc sức thừa. Trống khuya, chuông
sớm, lay tỉnh con người sâu xa, muốn khiến cho người khắp cõi đời đều hưởng
phước lạc, ai nấy hưởng hết tuổi trời mới thôi! Cần biết: Sách này tuy vì răn dạy
kiêng dâm mà soạn ra, nhưng về nghĩa và đạo thì phàm là những pháp cai trị đất
nước, bình trị cõi đời, tu thân, tề gia, cùng lý tận tánh, liễu sanh thoát tử, thảy đều
trọn đủ! Nếu khéo lãnh hội, thần trí sẽ sáng suốt, đâu đâu cũng thấy được nguồn,
những gì chạm vào mắt sẽ đều là đạo. Có thể nói: Tâm thương đời cứu dân tột bậc
sâu đậm, thiết tha!
Do vậy, vào năm Dân Quốc thứ bảy (1918), Ấn Quang đặc biệt đưa bộ An
Sĩ Toàn Thư sang khắc ván tại Tàng Kinh Viện ở Dương Châu. Năm Dân Quốc
thứ tám (1919), lại cho khắc riêng lẻ hai bộ Dục Hải Hồi Cuồng và Vạn Thiện
Tiên Tư. Năm Dân Quốc thứ mười (1921), lại quyên mộ in bộ An Sĩ Toàn Thư
theo dạng rút nhỏ. Tính in mấy mươi vạn bộ để truyền bá khắp toàn quốc, nhưng
do người hèn, đức mỏng, không có cách nào cảm thông, chỉ in được bốn vạn
quyển mà thôi. Trung Hoa Thư Cục in riêng để bán, cũng gần đến hai vạn bản.
Hàng Châu, Hán Khẩu đều bắt chước in theo, số sách được in đương nhiên cũng
không ít. Nhờ có cư sĩ Ngô Tử Tường người đất Thái Thương, tỉnh Giang Tô, nghĩ
họa hại thế gian ngày càng nặng nề, những tân học phái đề xướng phế bỏ luân
thường, tiết hạnh, chuyên chủ trương tự do luyến ái như đê bị vỡ, nước mặc sức
chảy ào ạt, khiến cho mọi thanh niên nam nữ cùng bị hãm trong vùng nước xoáy
của biển dục không đáy. Ông bèn phát tâm in rộng rãi bộ Dục Hải Hồi Cuồng, thí
tặng khắp mọi người trong xã hội để mong đẩy lùi cơn sóng cuồng loạn. Chí của
mọi người tạo thành bức thành, nhiều người nâng, dễ giở lên, khẩn thiết xin những bậc quân tử nhân từ trong nước, hãy phát tâm cứu thế lớn lao, tùy sức ấn tống và

khuyên bảo kẻ hữu duyên phổ biến lưu thông. Lại mong cha dạy con, anh khuyên
em, thầy răn trò, bạn bè bảo ban nhau, khiến cho người người đều biết họa hại,
lập chí như núi, giữ thân như ngọc. Không chỉ là chẳng phạm tà dâm, mà ngay cả
dâm sự chánh đáng giữa vợ chồng cũng biết chừng mực. Sẽ thấy quan, quả, cô,
độc từ đây ngày càng ít, giàu, thọ, mạnh, khỏe, yên ổn, ai nấy đều đạt được. Thân
thể, nhà cửa do đấy mà được yên ổn, tốt lành, cõi nước vì thế mà an ninh, uế đức
chuyển thành ý đức (懿德: đức tốt đẹp), tai ương biến thành may mắn, tốt lành,
rốt ráo, chẳng phí một đồng, chẳng nhọc chút sức, lại đạt được hiệu quả mỹ mãn
như thế đó! Mong sao người nhân từ, bậc quân tử, đều thấy chuyện nhân chẳng
nhường, vui vẻ mà làm. Do vậy, trần thuật những ý chánh để cống hiến những
người cùng hàng.
Năm Dân Quốc 16 (1927), Thích Ấn Quang soạn
* Phụ lục: Đức cao đẹp đáng ngưỡng mộ
(theo Dương Châu Cam Tuyền Huyện Chí)
Đời Nguyên, Tần Chiêu là người Dương Châu, đến tuổi nhược quan, lên
kinh đô chơi. Đã lên thuyền, có một người bạn họ Đặng đem rượu tới tiễn chân.
Đang trong lúc uống rượu, chợt có một nữ nhân tuyệt sắc ngồi kiệu tới. Ông Đặng
bảo cô ta chào Tần Chiêu rồi bảo: "Cô này chính là người thiếp do tôi mua giùm
cho vị đại nhân X... ở bộ Y... Tiện dịp, nhờ ông mang cô ta theo". Tần Chiêu đôi
ba lượt từ chối. Ông Đặng lộ vẻ giận, nói: "Sao ông cố chấp như thế! Nếu chẳng
thể kiềm chế, cô này sẽ thuộc về ông; bất quá là hai ngàn năm trăm đồng mà
thôi!" Tần Chiêu bất đắc dĩ phải nhận lời. Khi ấy, tiết trời đã nóng, muỗi rất nhiều.
Cô gái khổ sở vì không có mùng. Tần Chiêu bảo cô ta ngủ chung mùng với mình.
Theo đường sông, qua mười mấy ngày đến kinh thành. Tần Chiêu gởi cô ấy
cho bà chủ quán trọ, tự cầm thư đến xin gặp người ấy. Nhân đó, người ấy hỏi:
"Ông đến đây có mang theo gia quyến hay không?" Tần Chiêu thưa: "Chỉ có mình
tôi". Mặt người ấy bỗng lộ vẻ giận, nhận thư của ông Đặng, miễn cưỡng sai đón
cô gái ấy về nhà. Đến đêm, mới biết cô ấy vẫn còn trong trắng. Người ấy cảm
thấy hổ thẹn khôn cùng! Hôm sau, liền gởi thư cho ông Đặng, hết mực ca tụng
đức hạnh của Tần Chiêu; đến gặp ông Chiêu, thưa: "Các hạ đúng là bậc quân tử đức dầy, ngàn đời ít có! Ngày hôm qua, tôi rất sức ngờ vực, đã dùng bụng dạ tiểu

nhân suy lường tấm lòng quân tử, thẹn thùng khôn xiết!"
Nhận định: Nếu tâm Tần Chiêu chẳng phải là không có ham muốn, chánh
niệm thiên lý, ngày cùng ăn, đêm cùng ngủ với cô gái tuyệt sắc ấy, lâu tới mười
mấy ngày, há có thể chẳng có ham muốn tình dục ư? Cố nhiên, Tần Chiêu là bậc
quân tử đức dầy, cô ấy cũng thuộc hạng thục nữ trinh khiết. Đức đẹp và tấm lòng
trung trinh, khiến cho kẻ khác kính ngưỡng. Do vậy, ghép vào đây hòng lưu thông
rộng rãi!
Năm Dân Quốc 16 (1927), tức năm Đinh Mão, Thích Ấn Quang ghi

   Diệu (曜) và tinh (星) đều có nghĩa là những ngôi sao, phước diệu (福曜) là ngôi sao tốt
lành, tai tinh (災星) là ngôi sao rủi ro. Phước diệu và tai tinh có nghĩa là vận tốt và vận
rủi.

   Nhược quan (弱冠): Thời cổ, khi nam giới đủ hai mươi tuổi, sẽ cử hành lễ đội mũ, gọi là
lễ Gia Quan, búi tóc lên, đội mũ, hòng nhắc nhở người thanh niên đã đến tuổi trưởng
thành, phải biết gánh vác trách nhiệm. Tên tự cũng được đặt vào lúc này. Về sau, từ ngữ
"nhược quan" dùng để chỉ tuổi hai mươi.

THỌ KHANG BẢO GIÁMWhere stories live. Discover now