2. Ông Thầy Áo Đen

12 1 0
                                    

Ung thư đâu phải thiện nam tín nữ mà đến rồi đi, hạch bạch huyết cũng không phải trà sữa trân châu ngọt ngào dễ chịu.

"Chắc sau chiến tranh máy móc của Mỹ để lại hư hết rồi đo nhầm mình thôi. Đằng nào thì quá trình cũng không quan trọng bằng kết quả"

Cha cậu nhảy tưng tưng trước gương như một đứa trẻ. Cái cảm giác rồi mà lâu rồi một người trưởng thành nhiều nỗi lo cuộc sống đã quên từ lâu.

"Hoang đường!"

Những người duy vật theo trường phái vô thần sẽ nói như thế. Những người có tôn giáo và vô thần khi tiếp xúc nhau đến một mức độ nào đó sẽ có khoảng cách không thể xóa bỏ vì những niềm tin khác biệt của họ. Ấy thế mới có chiến tranh tôn giáo và sắc tộc.

Nhưng liệu một người có chắc là bản thân mình chỉ thuộc một nhóm người nào đó trong suốt cả cuộc đời này không? Như cha cậu, biến cố sinh tử đã làm ông ấy thay đổi mãi mãi. Đôi khi lập trường sống chỉ vững vàng khi ấm no và đủ đầy, khi sự xui rủi chưa đến.

Ông ấy nhận ra thế giới này bỗng nhiên có nhiều thêm một chiều không gian, và những điều phản ánh qua đôi mắt này chỉ còn như là hình chiếu hai chiều của một thế giới rộng lớn hơn, rất nhiều thông tin đã bị mất đi, chỉ còn lớp phủ màu thần bí. Những con người nghèo khổ u mê suốt ngày đi khấn vái thần linh kia liệu có phải là lứa chập chờn giác ngộ đầu tiên đi tìm phương thức kết nối thô sơ đến một thế giới khác.

Thân thể bỗng khỏe mạnh trở lại, công việc thuận lợi trôi chảy, cha cậu lại tìm đến căn gác ở Phú Nhuận một lần nữa để tạ ơn. Người áo đen ấy khác nào ân nhân có ơn tái sinh một lần nữa đâu, phép màu như vậy thực không phải người thường. Gần đến căn gác thì thấy có người ra vào vẫn như ngày trước. Những bậc thang gỗ thô sơ lúc này bước lên lại mang đến cảm giác lạ lẫm.

Cảm giác này đến từ trong bản tâm của cha cậu chứ không phải từ chiếc cầu kia, thứ cảm giác của người đã gieo xuống trong lòng mình hạt mầm tín ngưỡng. Giống như nhiều người ở đây, bây giờ ông thấy nó là chiếc cầu kết nối của hai thế giới.

Người áo đen có khoản gần trăm người phật tử đi theo. Sài Gòn lúc bấy giờ có rất nhiều giáo phái kỳ bí, phần lớn là thuyết giảng Phật thần tiên mẫu nhưng đã hòa trộn rất nhiều giáo điều của người đứng đầu vào, thật giả trắng đen khó mà biết được. Những tổ chức này nhỏ thì vài chục thành viên, lớn thì lên đến hàng ngàn người. Sau này lịch sử Nam kỳ ghi nhận lại thì có ba gốc chính: Cao Đài, Hòa Hảo và Bửu Sơn Kỳ Hương, còn nhánh của nó thì nhiều không sao kể siết.

Đạo của người áo đen có thể nói là từ Bửu Sơn Kỳ Hương mà ra vậy. Lớp đệ tử của ông lứa tuổi nào cũng có, nữ nam đồng đều, gọi nhau huynh đệ, vai vế cũng không phân bằng tuổi tác mà bằng pháp danh, đồng danh lại bàn đến tuổi. Người lao động chạy xe, thợ xây, làm thuê làm mướn, bán chợ, nhà giáo, bác sĩ, trí thức, trong nhóm đệ tử này nghề gì cũng có, giàu ít nghèo nhiều.

Pháp danh của mỗi người, nghe sơ qua tưởng như vô tri hời hợt, nhưng những người đó sống một đời rồi sau này đến khi mất đi, pháp danh ấy đơn giản vài chữ đã đút kết được thứ mà họ truy cầu cả đời, ngay chướng nghiệp đã quấn cả đời họ không thể giác ngộ. Nghe đến người nghĩ đến chữ. Thiếu hụt càng nhiều, pháp danh càng dài.

Như có người đề tên Thiện Tâm Minh Luận, người này chục năm sau vấp ngã cuộc đời, thích tranh luận ngang dọc nhưng lại hiếm khi một lần minh mẩn, sa lầy đánh mất bản tính thiện lương của mình năm xưa. Càng lớn tuổi càng hồ đồ, chửi vả tất cả mọi thứ trừ bản thân mình.

Như có người đề tên Huệ Trí Thông, người này tuổi già cần mẫn tu hành nhưng rồi số mệnh cũng kéo ông lâm vào cảnh nhiễu nhương, tiểu trí có thừa, nhưng đại tuệ chưa thông.

Cha cậu Pháp danh hai chữ, thiếu đúng một thứ bát tự sớm ghi, chỉ mình không biết. Hàng ngũ Pháp danh hai chữ cũng xem như đi sau mà đến trước, học vấn cũng tốt, xem như là trong số ít người trí thức trong đó vậy, được liệt trong hàng ngũ Thập đại đệ tử đứng đầu.

Những năm 90, liên miên những chuyến xe hành hương rong ruổi đi về miền Tây là hình ảnh trong ký ức của bao người có đạo. Sau này hỏi lại tuổi thơ của Kỳ Nam có gì vui, kỷ niệm nào đọng lại thì đó là những chuyến hành hương cùng cha mẹ suốt quãng đời niên thiếu vậy.

Một lần đó đi vào 3 giờ sáng, Sài Gòn không bao giờ ngủ, năm đó cũng vậy. Nhóm đồng đạo tập trung ở đối diện chợ Phú Nhuận, nhộn nhịp vô cùng, người người mang tay nải, quần áo thô sơ giày dép cũ kĩ nhưng mắt ai cũng sáng như sao, không giấu được sự chờ mong. Tay ly cà phê đen rang bắp mặn đắng, tay điếu thuốc rê còn cháy, đứng chụm năm chụm ba miệng không ngừng nói đạo, diễn giải lý trời, hứng khởi vô cùng vì chuyến đi trước mắt, cơm áo gạo tiền tính sau, còn thở là còn gỡ.

"Đêm nay huynh đệ ta gác lại cuộc sống cùng nhau lên đường, chẳng phải chuyện giản đơn, cuộc đời khó cầu."

"Lần đầu thực sơn chứng đạo cùng mấy anh, hân hạnh hân hạnh"

"Trả tiền xe, tiền nước em cái rồi hân hạnh gì đó sau anh gì ơi..."

Chuyến đi bữa nay, đi đến vùng Bảy Núi An Giang.

Con Đường Bản NguyênWhere stories live. Discover now