Lửa nến trong tranh

534 5 0
                                    

Tên thực ông Tây già chủ đồn điền ấy là Rê-Bít-Xê. Nhưng người mình đã đông phương hóa cái tên Rê-Bít-Xê từ hồi ông còn là quan cai trị xứ này. Trước khi được về hưu để vỡ đồn điền giồng cà-phê ở hai vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, ông Rê-Bít-Xê đã làm chức Công Sứ ở nhiều tỉnh Trung Bắc lưỡng kì và, sự thực, cái tên Rê-Bít-Xê được hóa chệch ra là Lê-Bích-Xa là từ cái hồi ông Tây đó bắt đầu lĩnh chức Đại Pháp Lưu Trú Quan ở tỉnh Quảng Ngãi. Quan Tuần Vũ Quảng Ngãi là người hoàn toàn cựu học, mỗi lần có giấy má gì ở bên tỉnh đưa sang tòa mà không có tính cách công văn lắm, lại viết lên đầu thư riêng: "Lê-Bích-Xa Công Sứ đại nhân...". Quan Tuần lấy làm thú lắm chữ Lê-Bích-Xa, nghe nó Tàu lắm, không còn tí gì là Tây nữa. Vả chăng ngài không có chút nào là dính với cái học mới nên chữ "Rê" mà đọc ra "Lê" nghe nó cũng tiện lợi: ngài và thuộc hạ phải cái bệnh là không uốn được tấc lưỡi. Cho nên mỗi lần cơ quan Công Sứ nào mới đổi đến mà tên có vần "r" là vần tên ấy sẽ biến cả ra là Lê hoặc La, Li, Lô, Lư vân vân. Có lẽ cũng vì thế mà đại danh quan nguyên Toàn quyền Robin đã biến thành Lỗ Bình đại thần.


Nhưng mà chúng ta nên trở lại với cụ Tây đồn điền Rê-Bít-Xê nguyên là Lê-Bích-Xa công sứ đại nhân. Và muốn tránh sự bỡ ngỡ của chúng ta mỗi khi đọc những ngoại âm, trong truyện này, vai chính của chúng ta sẽ được mãi là Lê Bích Xa.


Vậy thì cụ Lê Bích Xa là một vị trí sĩ làm đồn điền cà phê vùng Hoài Hoan. Cụ Lê doanh ấp lập trại ở đấy từ bao giờ không rõ nhưng những gốc cà phê thấy đã to lắm. Cụ đã cho trẩy hạt bán ra ngoài không biết đến mấy vụ rồi. Vị hưu quan đó giờ là một lái buôn chính hiệu và thỉnh thoảng lại cho lộ ra những cái cốt tài tử của mình những lúc chơi tranh xem tranh hoặc bày tranh. Cụ Lê không vẽ tranh, nhưng cụ buôn tranh. Hình như tôi đã quên không nói ngay ở đầu rằng cụ Lê Bích Xa là một người buôn tranh cổ. Nhiều bức lạ lắm. Đã đành là đẹp. Nhưng nhiều bức quái lắm quái lạ như là có trò phù thuỷ dính vào ấy. Nhiều người được cụ lấy tình thân cho xem những bức tranh cổ - những bức quý như thế, cụ Lê ít khi cho đem bày ra chỗ công chúng thành hẳn một cuộc triển lãm - lúc trở ra đều ngơ ngác ít nhiều và ngờ cụ Lê là một người có ảo thuật hoặc không thì cái người vẽ tranh cổ đó cũng là một ảo thuật gia.


Nhà riêng ông Tây già Lê Bích Xa nhiều tranh quá. Người ta phải tưởng đấy là một nhà bảo tàng chứa tranh Tàu. Tiền của mỗi vụ cà phê thu về rất nhiều nhưng chủ nhân đều cho đi mua tranh hết.


Người ta ngờ việc mở đồn điền của vị Tây già này chỉ là một cái cớ và mục đích muốn đạt được thì phải là một bảo tàng viện cổ hoạ Trung Quốc kia.


Cụ Lê Bích Xa có dùng một vị Tây lai trẻ tên là Dăng để giúp cụ những lúc soạn tranh tìm tranh. Có người lại bảo cậu Dăng này ngày trước có làm phóng viên trường Bác Cổ Viễn Đông. Cái điều chắc chắn nhất là cậu Dăng người rất ít tuổi nhưng sức học nặng lắm. Không rõ cậu học môn khảo cổ từ bao giờ mà môn học so sánh của cậu sâu rộng đến nỗi các niên hiệu các tên vua lịch triều bất kể nước nào, và tên các nghệ sĩ bất kể thời nào xứ nào, cậu nhớ vanh vách rồi thì là kê khai, so sánh, suy luận. Giá có viết ra thì thành từng pho sách được ấy. Ở người cậu thành ra là cả Đông Tây Cổ Kim rồi còn gì nữa. Suốt một vùng Nghệ Tĩnh ai cũng biết cậu Dăng. Nhưng họ chỉ biết đây là một người Tây lai hạnh kiểm rất khá, không có gì là mất nết, bao giờ cũng nhớ đến mẫu hệ, rất có hiếu với mẹ và đối với người bên ngoại, thường vẫn lấy lễ ra mà xử. Dân gian gần đó chỉ biết cậu Dăng có bấy nhiêu thôi, chứ thực không rõ một tí gì về cái tài đọc tranh và cái sức đi tìm tranh của cậu ở khắp vùng quê Bắc Kì.

Truyện ngắn Nguyễn TuânNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ