NLVH: Đừng viết - Hãy viết lí luận văn học

2.5K 21 0
                                    




❌Đừng viết: Tác phẩm văn học hướng con người vào thế giới bên trong để tự tra vấn, lắng nghe những tiếng lòng, tâm tư tình cảm thầm kín nhất và đối diện với bản thân mình. Và cũng từ đây, văn chương vun đắp cho mỗi con người một nhân cách riêng, một góc nhìn, một thế giới quan đậm màu sắc cá nhân. Như vậy, đọc tác phẩm văn học chính là lúc con người tìm thấy chính mình và khám phá được thế giới nội tâm đầy bí ẩn.
✅Hãy viết: Marcel Proust đã viết một cuốn tiểu thuyết dài về các nhân vật thuộc tầng lớp quý tộc và tư sản cao cấp sống ở Pháp đầu thế kỷ 20 trong đó ông khẳng định: "Trên thực tế, mỗi độc giả, trong khi đọc, thường trở thành độc giả của chính mình. Tác phẩm của nhà văn chỉ đơn thuần là một dụng cụ quang học mà anh ta đưa ra cho độc giả để giúp độc giả có thể nhận thức những điều chưa biết." Khi Proust gọi văn chương là "dụng cụ quang học" có thể thấy nhà văn đề cao sức mạnh văn chương trong công cuộc giúp mỗi chúng ta "tra cứu" về cái thế giới nội tâm đầy bí ẩn và phức tạp của chính mình.

❌Đừng viết: Nhà văn Andersen đã từng nói: "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện cổ tích do cuộc sống viết ra". Cái đẹp đến từ cuộc sống là cái đẹp vô cùng phong phú và đa dạng. Cuộc sống luôn là mảnh đất màu mỡ để những tác phẩm văn chương nảy mầm. Mỗi người nghệ sĩ cần ý thức rằng tác phẩm văn học của mình phải phản ánh được thời đại mà nó ra đời.
✅Hãy viết: Không phải ngẫu nhiên mà Hoài Thanh viết, "Văn chương là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng". Phải thú nhận một sự thật rằng không phải cuộc đời nào cũng truyền cảm hứng tạo nên một tác phẩm vĩ đại, nhưng chắc chắn những tác phẩm vĩ đại đều được truyền cảm hứng từ cuộc đời. Văn học gắn bó mật thiết với hành trình của đời người và đến với cuộc sống con người bằng sự đồng điệu của tâm hồn.

❌Đừng viết: Người nghệ sĩ qua tác phẩm văn chương đem tiếng nói của mình, tư tưởng của mình và truyền tải tất cả những điều đó đến độc giả, giúp người đọc thỏa mãn nhu cầu nếm trải sự sống muôn hình vạn trạng. Đến với văn học, ta không chỉ khám phá, nhận thức hiện thực mà còn cảm nhận, hiểu biết tư tưởng, tình cảm, ước mơ, khát vọng của nhân loại và chính mình. Đó chính là lí do mà Tố Hữu viết đầy trân trọng: "Nghệ thuật là những câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người, thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng con người lên".
✅Hãy viết: Jhumpa Lahiri đã từng chia sẻ về nghề: "Trở thành người viết là làm một bước nhảy vọt, từ chỗ lắng nghe sang cất tiếng: "Hãy nghe tôi này". Và từ sự cất tiếng ấy mà nhà văn có thể dễ dàng đem tiếng nói của mình đến với đông đảo người đọc. Không chỉ đơn thuần như những lời nói thường trong sinh hoạt, tiếng nói văn nghệ tác động mạnh mẽ đến thế giới tinh thần con người. Nghê thuật luôn ẩn chứa sức mạnh cao cả giống như cách mà Tố Hữu viết: "Nghệ thuật là những câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người, thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng con người lên".

❌Đừng viết: Nhân vật văn học có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Khi xây dựng nhân vật, nhà văn có mục đích gắn liền nó với những vấn đề mà nhà văn muốn đề cập đến trong tác phẩm và từ đó nhân vật ấy trở thành người bạn thân tín trong cuộc sống của chúng ta. Nhớ đến Từ Hải là hiểu thêm về khát vọng tự do, công lí của Nguyễn Du. Nhớ đến nhân vật trong truyện cổ tích là hiểu thêm vấn đề đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu, giàu và nghèo, những ước mơ tốt đẹp của con người...
✅Hãy viết: Charlotte Delbo phát hiện ra rằng các nhân vật trong sách vở có thể trở thành những người bạn đồng hành khả tín: "Những nhân vật do nhà văn sáng tạo nên nó thật hơn cả những người bằng máu thịt, vì họ vô tận. Cho nên họ là bạn, là người đồng hành của tôi, là kẻ nhờ đâu mà chúng ta liên hệ với người khác trong cái móc xích nhân loại và móc xích lịch sử". Phải chăng đó là lí do mà ngày hôm nay ta vẫn còn bồi hồi về sức sống của những nhân vật trong "Truyện Kiều", vẫn bâng khuâng man mác khi Tố Hữu hồi tưởng:

"Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần sơ ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu".

Nguồn: Văn ôn võ luyện NTL

Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn HọcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ