Một thuở ngây ngô (Hoàn)

By phuongphuong765

481 52 221

Tuyển tập truyện ngắn và tản văn về thanh xuân. Nhẹ nhàng, bình yên, có cả vui vẻ và hài hước. More

Tâm sự với anh
Cảm Nắng
Thì Ra Là Người Ta Thích Tôi
Cảm Ơn June! Người Bạn Nhỏ!
Hành Trình Tìm Việc- Hồi 1 - Khai chiến
Hành Trình Tìm Việc - Hồi 2 - Quân sư
Tháng Bảy Đến Rồi, Bạn Có Vui Không?
Mảnh Ghép Tuổi Thơ - Phần 1
Định Mệnh Ngang Qua
Bất Quá, Tôi Là Một Người Như Thế

Một Đoạn Thanh Xuân Của Tôi

39 8 17
By phuongphuong765


Không khí nhộn nhịp, ồn náo trong cái hội trường sáu trăm ghế, khu Phượng Vỹ. Tôi vẫn ngồi đấy, nằm bẹp lên bàn, bụng đói, nóng nực khó chịu.

Bây giờ là 19h, vẫn còn cả hai mươi người nữa mới đến lượt tôi, làm gì? Là phỏng vấn đi mùa hè xanh!

Nói thiệt, từ trước tới giờ có nghĩ thôi tôi cũng chưa từng nghĩ tới cái việc mà tôi đang làm lúc này. Lý do? Là đây:

Bấy giờ là cuối hè năm nhất, tôi đang ngồi trên chiếc giường thân yêu của mình trong ký túc xá. Hai nhỏ bạn cùng lớp lú đầu vào, bọn nó vừa đi mùa hè xanh về. Nhìn bọn nó kìa, ôi trời, còn đâu làn da bánh sữa, còn đâu bộ dạng tiểu thư khuê các, đi đâu mất rồi, trả lại cho tôi hai đứa da đen thui, đều màu từ đầu đến chân, chỉ còn hai chỗ trắng sáng duy nhất, hàm răng và tròng trắng của đôi mắt.

Nhìn bọn nó tôi lập ngay lời thề cho chính mình. Không bao giờ đi mùa hè xanh, không bao giờ, có chết cũng không đi. Ai đâu mà rãnh rỗi đi nhuộm da vậy chứ, đừng có hòng. Tôi nghĩ lúc đấy là sợ đen, nhưng sau này đã tự hiểu là tôi "sợ thay đổi", "sợ những cái mới", "sợ những thứ cảm thấy không an toàn".

Ai đó bảo có chết cũng không đi mà, sao giờ ngồi đây? Lý do? Là đây:

Hôm ấy, một đêm, không mây, không mưa, có nhiều sao, trăng lên cao. Nơi thư viện của trường. Tôi trong bộ dạng vùng vằng, khó chịu ra mặt, tôi là không đồng ý đi mùa hè xanh. Mà lại dõng dạc đưa ra lý do hết sức thuyết phục: "Em không muốn xa anh" Nếu tôi là đàn ông, ai mà nói với tôi câu này chắc tôi hạnh phúc chết luôn quá, rồi mất phương hướng, không thể ép buộc đối phương nữa. Nhưng tôi là tôi, anh vẫn là anh, tôi có thể nhưng anh thì đừng hòng. Anh nhẹ nhàng nói với tôi thế này:

"Anh yêu em, nhưng anh không thể ích kỷ mà giữ em mãi cho riêng mình. Em phải đi ra ngoài để trải nghiệm. Nghe anh dặn, tay em người ta có thể nắm, nhưng em đừng động tâm, rượu có thể uống một chút nhưng đừng để mình say, em cứ đi đi, đừng bận lòng, anh ở đây, khi nào mệt mỏi thì chạy về với anh"

Thiệt, cái con người khô khan này, cái con người chẳng chút dịu dàng này, một khi tình cảm của anh mà bộc lộ ra ngoài thì tôi không có cách nào để chống đỡ nỗi.

Vậy đó, trong thế giới tình yêu của chúng tôi, anh là vua, tôi đây là dân đen, vua ban thánh chỉ, dân đen tiếp chỉ và làm theo.

Nói tôi là cái đứa không có tiền đồ cũng chẳng sao. Bởi từ nhỏ tôi đã đu bám ba mẹ. Đi học thì đu bám chị, chị đi rồi đu bám em trai, xa nhà thì đu bám bạn bè, có người yêu thì đu bám người yêu.

Tôi sinh ra trong gia đình không mấy khá giả nhưng cũng được xem là tiểu thư con nhà nghèo đấy, tôi có chị và hai em trai, vậy mà ở nhà ai cũng xem tôi là út, luôn được cưng chiều, nhường nhịn, bởi vì sao? vì tôi học giỏi a, vì tôi khó ở a, vì tôi yếu đuối a ... không phải, sai hết rồi, là vì... "họ thương tôi".

Cái ngày lên đường đi chiến dịch đã tới, tối hôm đó tôi nhét hết tất cả vào vali, xem có gì nào, quần áo mặc nhà bốn bộ, quần áo đi làm bốn bộ, khăn tắm, khăn mặt, dầu gội, dầu xả, sửa tắm, nước xả vải, bàn chải đánh răng, quyển sách anh đưa, một cái chén, một đôi đũa, ...., thêm một cái ba lô đã nhét vào một cái mền, một cái gối và một chục mắc áo.

Phòng tôi có thêm hai đứa cũng đi, nhưng không chung đội với tôi, chúng tôi, ba đứa đi ba nơi khác nhau. Cái Liên nhìn qua tôi, cặp chân mày nhíu lại:

"Phyllis mày đem đồ gì nhiều dữ vậy?"

"Xem tao này, gọn không?" Vừa nói, nó vừa quơ quơ cái ba lô nhỏ trước mắt tôi, như chơi trò thôi miên vậy.

"Biết sao được, phải mang vậy tao mới yên tâm" tôi mệt mỏi đáp lại nó. Thu dọn xong các thứ, cài báo thức, tôi đi ngủ luôn.

Bốn giờ sáng, cả ký túc xá vẫn đang chìm vào giấc ngủ say, màn đêm vẫn đang say mê ôm ấp tất cả, chỉ có ánh đèn đường, vàng vàng chiếu sáng dìu dịu.

Tôi, Phyllis, lưng mang ba lô cỡ bự, một tay kéo va ly rồ rồ đi trên đường băng, ý lộn trên con đường nhựa nhỏ trong ký túc xá, đi đến khu tập trung. Phyllis đi đâu? Du lịch a? Sai rồi. Đi mùa hè xanh!

Chiếc xe 45 chỗ đưa đội của tôi và một đội nữa rời khỏi sân Phượng Vỹ, tiến thẳng ra cổng trường, nhắm hướng quốc lộ chính, điểm đến đầu tiên là công viên 23/9, người ta tổ chức lễ ra quân ở đó.

Lần này tôi đi quận Bình Chánh, xã Đa Phước, cái đội chung xe với tôi cũng đi cùng quận nhưng khác xã, cái Trinh đi đội này. Còn cái Liên là đi Gia Lai.

Chiếc xe giảm tốc và dừng hẳn, thả chúng tôi xuống, Ôi trời, một rừng xanh, xanh xanh, áo xanh, nón xanh, trời xanh, cây lá xanh, hồ nước xanh. Đối với tôi, một con cuồng màu xanh, nhưng hơi mong manh thì không còn gì để nói, tôi ngây ngốc, ngỡ ngàng, tay cầm cái bánh mì cắn dỡ, một miếng còn trong miệng cũng quên nhai, nuốt xuống một cái nghẹn cổ. Bài hát "Dấu chân tình nguyện" vang lên hùng dũng, kéo tôi vào thế giới thần tiên nơi trần thế.

Kết thúc buổi ra quân, trở lại xe, người tôi lâng lâng, không cách nào khống chế, khóe miệng kéo lên tới mang tai. Trên xe ai đó lại mở bài hát "Mùa Hè Xanh" thôi rồi bức chết tôi a.

Chiếc xe chạy rất lâu, đưa chúng tôi rời xa thành phố, rẽ vào một con đường đá đỏ, dừng lại Ủy ban xã Đa Phước, đội tôi xuống xe, lôi hết đồ đạc xuống, nồi nêu, xoon chảo, tất cả. Chiếc xe rời đi, đưa đội còn lại tới địa điểm tiếp theo.

Buổi trưa ở đây, bọn tôi làm cái việc gọi là chuẩn bị hội trường, để buổi chiều ở xã có hội nghị gì đấy. Công việc là quét dọn trong ngoài, treo băng roll, dán chữ, trải bàn, chuẩn bị nước uống, mic, điện đùng,..

Xong xuôi bọn tôi mượn nồi cơm điện của mấy anh dân quân, nồi bự lắm, cả ba mươi người ăn còn được, dùng bếp ga nấu canh, nấu món mặn. Tính ra đi cái đây cũng không quá cực khổ như tôi tưởng tượng. Lúc đấy tôi nghĩ vậy.

Ăn xong, canh còn dư, bọn tôi chơi trò 369 ai thua bị uống canh, tôi có biết chơi cái trò này đâu, não lại chậm, cuối cùng là bị uống quá nhiều canh, lúc nãy tôi đã ăn nhiều cơm hơn bình thường rồi, vì đi làm, tôi đây sợ đói, giờ uống thêm mớ canh này nữa, bụng tôi sắp nổ tung tới nơi. Thiệt cũng có cái gọi là khổ sở vì no a.

Một giấc ngủ trưa ngắn, lấy lại sức cho cả đội.

Buổi chiều bọn tôi di chuyển đến nơi ở, là văn phòng ấp hai, nơi này rất nhỏ, chỉ có một gian nhà, đáng lý là ở văn phòng ấp bốn, hai gian, rộng rãi, nhưng lần này bên Đại học Y Dược đi tới năm mươi người, đi trong mười ngày. Còn bọn tôi Đại học Nông Lâm đi hai mươi người, đi bốn tuần. Vậy là nhường cho bọn họ, khi nào họ đi, bọn tôi dọn vào.

Trên đường đi đến đó, cái vali của tôi không kéo được trên đường đá chông chênh, thế là phải nhờ tới một bạn nam trong đội vác nó đi dùm, nhìn ổng vác thấy mà xót, không phải xót vali mà là xót ổng, nó nặng lắm cơ, tôi mà vác nỗi chắc vác rồi chứ chẳng dám nhờ đâu. Tôi bây giờ thầm nguyền rủa chính mình, sao mà đem nhiều đồ đến vậy.

Rồi cũng tới nơi, mọi người cùng nhau dọn dẹp, quét nhà, quét sân, lau nhà sạch sẽ. Chiều đến, chắc khoảng năm giờ rồi, bụng tôi đã kêu lên, đòi ăn.

Người dân ở đây cũng thân thiện lắm, cho bọn tôi một đống vỏ dừa khô, tôi nhìn chúng chưa biết phải làm gì, ở đây hiện tại không có củi, cái đống này dùng để nhóm bếp nấu cơm. Tôi ngồi xuống bên cạnh chúng, cực kỳ đau khổ, tay trêu đùa mấy cái vỏ gần cạnh bên, ôi trời, mấy cái này làm sao mà nấu được cơm. Phyllis ơi đời mày khốn khổ rồi đây. Mày kêu la cái gì, còn cả đội đây mà, làm như không còn ai vậy.

Tôi ở nhà, cũng nấu cơm củi, có củi đàng hoàng, cơm sôi thì bớt lửa, có than tự chín, còn mấy cái quái quỷ này, than đâu ra chứ. Lúc đấy tôi nghĩ vậy. Còn đang âm thầm khóc than bên đống vỏ dừa, điện thoại trong túi run lên, là anh gọi.

"Alo, em nghe!"

"Sao rồi?"

"Em đang sắp bị đói chết?"

"Sao thế?"

"Nấu cơm bằng vỏ dừa, làm sao có cơm mà ăn"

"Em lo gì, ở cùng với đội mà, sẽ có cách"

Anh luôn là vậy, đối với anh thì không gì là không thế, còn đối với tôi thì có thể là không.

Anh lớn hơn tôi có một tuổi chứ mấy, mà như ba tôi vậy, còn tôi thì lúc này đã mười chín, hai mươi mà IQ thì của học sinh tiểu học, còn EQ thì dậm chân ở mức không, thêm cái cây tiêu cực trong người được trồng cẩn thận từ nhỏ, thôi xong.

Rồi tôi cũng chạy đi vo gạo tự mua, nhặt rau hàng xóm cho. Cùng đội thổi lên bữa cơm đồng đội đầu tiên ở nơi này.

Kết quả sau bao công sức của cả đội. Sản phẩm ra lò, một nồi cơm to đùng, thơm thơm mùi khê, mở nắp ra, hạt cơm vàng lên tới nóc, nói chung là vàng hết nồi cơm. Tôi lại nhớ tới nồi cơm của vợ thằng đậu, cơm ba tầng, trên sống, dưới khê, giữa nhão. Nồi cơm của đội là cháy vàng lên tới trên. Chảo trứng chiên cháy đen mặt dưới. Có lẽ thành công nhất là nồi canh rau muống nêm tiêu, nhiều nước quá không thể cháy nổi a.

Vậy mà mọi người ăn ngon lành, có lẽ đói a, có lẽ vui a, có lẽ không còn gì khác để ăn a,...đúng hết luôn rồi.

Trước đó, mọi người đã thay phiên nhau tắm trước khi ăn, giờ nào là rửa chén, nào là giặt quần áo.

Tôi lôi ra bịch bột giặt to đùng, hình như bên quản lý cho thì phải, chạy lấy dao thái nhỏ, cắt một phát, chạy ngược vào trả lại bàn, từ sàn nước vào nhà trước, cách nhau chỉ cái cửa, nước văng tung toé, lại không có thảm giẫm khô, tôi trượt chân ngã nhào về phía trước.

Cú té ngoạn ngục, khai trương chỗ ở mới. Tôi một thân nằm dài sọc, một tay vươn cao, cầm dao, chỉa thẳng. Tay còn lại...ở đâu quên rồi. May mà dao không chĩa vào bụng nếu không tân chiến sĩ như tôi đã sớm trở thành liệt sĩ mất rồi.

Mọi người đỡ tôi dậy, không bị gì, chỉ bị chấn thương lưng. Tôi đây đau một tuần, đau một lần rồi thôi.

Tối đến vui lắm, hát hò gì đấy, nhảy dân vũ này nọ. Tiếp mục cuối cùng là đi ngủ.

Cụ thể là gì, nhìn từ cửa chính vào, vạch một đường vô hình giữa gian nhà rộng, bàn ghế chất một bên, nam nằm một dọc bên trái, nữ nằm một dọc bên phải, hai bên cách nhau một tấm gạch.

Có quy định, khi ngủ, anh nam nào cố tình chọc phá nữ sẽ bị phạt. Dụng hình là một khúc cây dài và to bằng bắp chân, ai vi phạm trực tiếp bị đội trưởng dùng nó đập vào mông, không được chống cự. May quá, đêm đầu tiên ai cũng mệt, chả buồn vi phạm, cả đội chìm vào giấc ngủ say.

Mấy ngày tiếp theo, đội chúng tôi là đi dọn dẹp, làm cỏ cho Ủy ban, văn phòng các ấp. Cả đội đi, hai người ở lại lo hậu cần. Cứ thay phiên xoay ca vậy.

Tôi nhớ hôm đó là đang dọn văn phòng ấp một, cũng gần xong, đang tập hợp đùa giỡn kiểu gì đó, các bạn nam cứ cà rởn, không nghe lời chị Oanh (đội phó), xong tôi nói gì đó. Chị Oanh nghiêm mặt quát tôi "Em im lặng cho chị". Đây tổn thương, bỏ đi, núp phía sau bức tường nhà, khóc ngon lành.

Được một lúc, anh Hiếu (đội trưởng) chạy tới hỏi han, tôi bảo "Là chị Oanh la em". Anh chẳng nói gì, ngồi đó đợi tôi khóc đã rồi anh nói. "Khóc đủ chưa, xong thì về đội, em làm vậy nhiều người lại nghĩ họ đã đắc tội gì đến em đấy". Tôi không nói gì, anh kéo tay tôi đứng lên trở về đội.

Nhóc Nghĩa nhào tới "Phyllis đừng như vậy nữa, chị Oanh chỉ nhắc nhở thôi, đâu có la chị". Tôi không nói gì nữa, cho qua.

Ngay lúc đấy, chị nhà bên cạnh xách qua cỡ một kí nhãn long, dí vào tay bọn tôi, bảo là chị cho, sau vài giây, chị ấy quay qua chỉ tay về đống rác kế bên nhà chị, bảo dọn chỗ đấy dùm chị. Lúc này tôi lại nghĩ, trên đời này không ai tự nhiên cho không ai bao giờ. Điều là có mục đích cả. Tốt hay xấu khoan hãy nói a.

Sau vài ngày ăn cơm khê cơm sống, củi cũng tìm được không ít, là vào vườn chú trưởng ấp nhặt về, trình nấu ăn của hậu cần cũng nâng lên đáng kể. Tôi, Phyllis giờ đây có thể tự tay nấu một nồi cơm hai mươi người ăn mà chín ngon lành, kho một nồi cá hai mươi người ăn, nấu một nồi canh hai mươi người ăn.

Do kinh phí hạn hẹp nên món kho phải dùng chút kỹ xảo, cho nhiều nước, nêm nếm cẩn thận, để chan vào cơm ăn thêm. Anh Liêm với bé Trinh ngày ngày đều ra sức mài tỏi, sắt ớt để làm một chén nước mắm thật ngon, sền sệt, quệt lên miếng cơm cháy vàng ươm, thơm phức, ăn bao nhiêu cho đủ đây trời, nghĩ thôi nước bọt cũng tiết ra không ít.

Nhắc tới anh Liêm mới nhớ, anh là người đến sau một tuần. Trước khi anh đến, các chiến sĩ trong đội đã rót vào tai tôi không ít bí mật về anh, nào là người khó tính a, kỹ luật a, ai làm trái ảnh phạt nặng a, ảnh lớn hơn tụi này nhiều tủi a,... vậy đó, mà tôi sợ hãi vô cùng. Tôi kỳ lắm, ở nhà không sợ ba mẹ, mà đi học lại sợ thầy cô, ra đường sợ hư xe, xịt lốp, đi làm sợ sếp, đi mùa hè xanh...sợ anh Liêm. Ôi trời, một đống nỗi sợ nén trong đầu, dư ra nhét cả vào tim, chiếm luôn một phần trong bụng.

Ngày anh đến, tôi quan sát kỹ anh từ đầu đến chân, nhất cử nhất động của anh, anh làm gì, ăn gì, nói gì tôi đều không bỏ sót. Qua bao ngày, quên luôn cả ông người yêu ở nhà.

Anh gọi cho tôi, trách móc, giống kiểu như tôi bỏ rơi ảnh, tôi lơ ảnh. Bởi ngày nào, tối đến cũng gọi ảnh, than thở, kể lể, vui mừng, đủ chuyện, tự nhiên mấy nay biệt tâm biệt tích, anh nhắn tin qua tôi cũng lười trả lời. Không phải đây lơ anh, mà tôi đang bận!

Cầm quyển nhật ký đội trên tay, không ít trang đã được viết, tôi nay tự nhiên muốn viết, muốn cho ai đó biết tôi đang nghĩ gì.

Trích một ít nhé "Chào anh, hoàng tử quy tắc. Trước khi anh đến đây. Em đã nghe qua danh tiếng gần xa của anh. Cũng tiện thể đặt luôn cho anh cái biệt danh này. Nghe cũng không tồi. Nhưng đáng tiếc chỉ là hữu danh vô thực. Họ nói anh khó tính, kỷ luật, phạt người này người nọ. Nhưng theo em thấy, mấy thứ này, anh một chút cũng không có, em chỉ thấy một người ba, chăm lo cho đàn con. Nào là cắt vỏ chai nước uống, xâu vào sợi kẽm treo lên, cho đàn con có chỗ bỏ nào là bàn chải, kem đánh răng, nào là lược, cái ngoáy tai, cả mấy cái gương cũng được treo lên. Đêm đêm có một người ba đi kiểm tra đắp chăn cho từng đứa con, mang hết quần áo phơi ngoài trời vào móc trong hiên, gió đến ba đi đóng cửa sổ, đậy lại số củi để mai có củi khô nấu cơm, ...." Vậy đó, tôi viết có vậy thôi mà hôm sau cả đội xúm xít bên quyển nhật ký, đọc đọc, cười cười vang cả góc sân.

Tôi đây không phải kiểu con gái ngại ngùng gì cả, nên cũng không ngại mấy chuyện này. Mà lạ lắm tôi mà ngồi ăn trước mặt đàn ông lạ, dù mặt không đỏ, tim không đập, chân không run mà lại xảy ra chuyện. Ví như sau này đi ăn cùng sếp, với tay cái đĩa rau văng tứ tung, cho thịt vào lẩu thì văng nước tung tóe vào mặt ông sếp, bình thường tôi làm rất gọn gàng, không xảy ra lỗi, tự nhiên nó vậy, đây đảm bảo không run.

Từ khi mà đội tôi có luật không ai được nhắc tới từ "rượu" nếu muốn nói về nó thì hãy thay bằng từ "nước cất" hoặc "nước dừa". Ai vi phạm, nộp phạt hai nghìn đồng, xung công quỹ. Tôi cũng ít có ác lắm, tôi đây chuyên gia gài bẫy cho lũ con trai vi phạm. Riết rồi tụi nó nhìn sợ tôi luôn. Xem tôi là nguyên nhân hao tốn tiền của của bọn họ vậy.

Đội tôi ngoài trồng cây hai bên đường, dọn cỏ này nọ, có nhiệm vụ chính là phải làm lại hai cái bể lộc phèn cho nhà chị Nga trưởng ấp một và một cái ở Ủy ban, ở đây nước chứa nhiều phèn lắm nên phải lọc mới dùng được.

Nhiệm vụ của bọn tôi là hốt hết các thứ trong bể ra, rồi tạo vách ngăn, cho đá và than hoạt tính mới vào, về kỹ thuật thì có thầy từ trường chạy xuống ở cùng bọn tôi mấy bữa cùng làm, xong rồi thầy về.

Hôm nay bọn tôi đi dọn cỏ, dọn dẹp nhà cho Mẹ Việt Nam Anh Hùng, thật ra đến cũng không làm gì nhiều chỉ là dọn cỏ ngoài sân, trong vườn thôi, bà bảo không cần dọn trong nhà. Dọn dẹp xong hết, nhìn thấy mấy cây dừa bên cạnh, thế là xin hái uống. Bà gật đầu, đưa cho bọn tôi cây hái. Rồi đi vào nhà, nhanh thôi rồi ra.

Bọn con trai nhanh lắm, đứa dùng cây hái, đứa leo lên cây luôn, chưa đầy năm phút tất cả dừa trên đấy nằm lăn lóc đầy trên đất. Bà chạy ra bảo "Cây dừa đó bên nhà người ta" .Bọn tôi ngơ ngác, trưng bộ mặt vô số tội ra nhìn bà. "Thôi lỡ rồi để bà nói hộ cho" bà vui vẻ nói thêm.

Ở dưới quê, nhiều nhà không có làm hàng rào nên sự nhầm lẫn cho bọn tôi cũng khá nhiều. Hôm đi vô nhà ông trưởng ấp bốn cũng vậy, đó là sau khi bọn tôi dọn qua văn phòng ấp bốn ở. Thấy nhiều bông điên điển, xin về nấu canh. Người ta chưa kịp nói gì đã lao xuống hồ, hái vội hái vàng, người nhà ra gọi lên, bảo rằng đấy là của nhà kế bên. Ôi trời, đắng lòng thanh niên.

Ở vùng này nhiều dừa nước lắm, bọn tôi đi dọn cỏ đường về thì thấy hai bên đường có mấy quài dừa nước, tưởng mọc hoang, tiện có xe rùa, tiễn hai quài bỏ lên đẩy về. Kết quả bị mắng một trận, anh Hiếu bảo đó là vật có chủ, làm vậy là ăn cắp, cả bọn lơ ngơ, dừa mang về cũng non nhớt, bổ ra cũng có tí nước, đâu ăn uống được gì.

Hôm sau bọn tôi đi trồng cây thì anh Hiếu không đi cùng, bảo là đi với chú tư có việc. Chiều anh về mang theo hai quài dừa nước căng mọng, quả tròn đầy, bổ ra cả thau cơm, trộn với đường, cả bọn chuyền muỗng múc ăn, đây là lần đầu tiên Phyllis ăn dừa nước. Ngon quá xá.

.......

Chiều nay cả bọn ở nhà, không có đi làm. Anh Hiếu lại đi đâu. Hai phần ba chiến sĩ trốn ra ruộng bắt cá, gặp trời mưa, đùa giỡn, xô đẩy nhau kiểu gì mà quần áo, đầu tóc đứa nào đứa nấy đầy bùn, mặt mày lem luốt. Vậy mà đứa nào cũng cười, miệng toét tới mang tai.

Ai ngờ tối đó bên Thành đoàn xuống hỏi thăm. Anh hiếu đã về, một phần ba chiến sĩ ở nhà đã trong tư thế sẵn sàng. Chỉ có bọn ngoài ruộng là chưa về. Trong đó có tôi.

Khi bọn tôi về, nhà đã có khách, chạy nhanh như bay trốn ra đằng sau, tắm rửa vội vàng, lên diện kiến, mặt môi tím ngắt, người run lên vì lạnh. Anh Hiếu hừ nhẹ, thái độ gầm gừ, nhìn chằm chằm bọn phạm lỗi. Thôi xong! Dặn ở nhà mà không nghe, la cà cho đã giờ mang họa sát thân.

Bên Thành đoàn ra về, để lại một bì thư nhỏ tiếp thêm kinh phí cho đội, để lại một đống snack. Đây đâu phải con nít, cho mấy thứ này làm gì chứ, cho nhiều tiền hay con vịt quay có phải hơn không. Tôi âm thầm cay cú. Làm màu vậy chứ đứa ăn nhiều nhất là mày đấy Phyllis a.

Đội tôi có kế hoạch là làm một trăm năm mươi cái lồng đèn ông sao tặng bọn trẻ trong xã nhân dịp trung thu tới. Đi xin tre về, các bạn nam cưa ra, chẻ nhỏ, các bạn nữ vót ruột ra, lấy phần vỏ cứng để dựng khung đèn. Giấy màu thì tôi với chị Oanh đón xe về Chợ Lớn mua cho rẻ.

Mấy cái vụ vót cây này tôi đâu có biết làm. Hồi trước muốn chơi lồng đèn thì ba làm cho, em trai lớn thì em trai làm cho, học điện quấn dây đồng thì ba cũng làm cho. Đây là lần đầu tiên, cũng hăng hái lắm.Tối tối đi làm về, cả đội lại lôi ra vót vót, buộc buộc, dán dán, mở mấy bài hát tình nguyện, khí thế bừng bừng.

Lô hàng cuối cùng cũng hoàn thành. Nhìn những dãy đèn xanh đỏ tím vàng xếp dọc thành ba hàng, tôi rất phấn khích. Cảm giác hạnh phúc kỳ lạ len lõi khắp người.

Đêm đó, anh Hiếu sau khi trở lại từ nhà, anh mang theo một chai rượu thuốc, khoảng vài xị. Bọn tôi chơi một trò chơi, nam nữ xen kẻ ngồi vào vòng tròn, hai ly sứ, một là rượu, một là trà, màu cực kỳ giống nhau, được chuyền đến trước mặt từng đôi nam nữ, nữ được chọn trước, ly còn lại là của bạn nam.

Tới lượt tôi, tôi với nhóc Linh là một đôi, tôi vươn tay, chọn một ly, uống, cảm giác đắng, cay, nóng tràn vào cuống họng. Phyllis đã chọn trúng rượu. Mọi người vỗ tay tán thưởng ầm ầm, nhóc Linh cũng cầm ly trà lên uống vội. Kết thúc phần của chúng tôi. Hai ly đấy lại được giấu ra sau lưng anh Hiếu, thoáng chốc chất lỏng bên trong lại đầy lên. Được chuyền tiếp cho các cặp đôi tiếp theo.

Tôi ngồi được một lúc, bỗng thấy có gì đó không đúng, tôi bắt đầu cười không tự chủ, tay lại không tự chủ nắm lấy cánh tay của nhóc Linh dựa vào. Uống một ly thôi, chẳng lẽ say? Cho dù là lần đầu tiên cũng không đến mức tửu lượng kém a? Thôi xong, không ổn, không ổn.

Tôi quyết định đứng lên, rời khỏi vị trí, định đi nằm. Đi vòng ra sau lưng mọi người. Nơi có bình nước khoáng, một ít nước lan dưới chân, tôi trược ngã, cú ngã thứ hai trong chiến dịch, tôi quyết định nằm ăn vạ, không chịu đứng lên, bật khóc ngon lành.

Anh Đạt với nhóc Linh chạy tới đỡ lấy tôi, dìu tôi về chỗ ngủ của mình. Khi yên vị vào chiếc chiếu, tôi không nhớ tôi nằm kiểu gì, anh Đạt ngồi đối diện tôi. Tôi bắt đầu không tự chủ nói ra những bí mật cố giấu trong lòng, là những suy nghĩ vớ vẫn.

"Anh Đạt và bé Thảo thích nhau"

"..."

"Nhóc Nghĩa và bà Hoa thích nhau"

"..."

"Anh Hiếu và chị Oanh thích nhau"

"..."

Sở dĩ tôi nói vậy vì suốt chiến dịch, tôi đều quan sát họ rất kỹ. Những cặp này hay ở gần nhau, có hành động thân thiết, nắm tay này nọ, ánh mắt họ nhìn nhau.

Còn anh Hiếu trước khi ngủ hay đòi chị Oanh ngồi kế bên cho anh nắm tay đến khi ngủ rồi chị muốn đi đâu thì đi.

Tôi chỉ âm thầm suy nghĩ theo cách của mình, không dám nói với ai. Bởi quy định của đội là các thành viên trong đội không được yêu nhau. Vậy đó. Giấu cho đã, giờ tự khai ra hết.

Chuyện say rượu này tôi cũng kể cho anh, từ đó ông vua của tôi ban chỉ. Phyllis không được động vào cả rượu lẫn bia dù chỉ là nhấp môi.

Anh Đạt cười cười rời đi, chị Xuân lúc này cũng chạy tới, chị xoa lưng cho tôi, rồi lại xoa đầu, ra vẻ chiều chuộng tôi. Tôi lại buộc miệng nói bậy:

"Chị Xuân không ưa em"

"..."

Sở dĩ tôi nói vậy vì thường ngày tôi đều sống theo sắc mặt của người khác, vui buồn tức giận của họ, tôi đều nghĩ có liên quan đến tôi. Phyllis mày là cái đinh gì, ai rãnh đâu quan tâm tới mày.

Bé Diễm cũng đến, chị Xuân bỏ đi, tôi lén nhìn theo chị, tôi thấy chị buồn, cầm quyển nhật ký cá nhân đi đâu đấy. Có phải tôi đã làm tổn thương chị vì câu nói ấy. Do em say, em xin lỗi chị nhé!

Tôi thấy bé Diễm tới bên chị, hai người nói gì với nhau, tôi cũng chẳng biết chỉ nghe loáng thoáng "Chắc chị ấy say nói nhảm thôi, chị đừng để bụng"

Thật ra trong đội tôi thân với bé Diễm và chị Xuân nhất, ba chị em luôn luôn có nhau. Tình bạn còn kéo dài một thời gian rồi cũng mờ nhạt, do khoảng cách về địa lý khi ra trường, nhưng tôi vẫn trân trọng nó cho đến bây giờ.

Rồi chiến dịch cũng kết thúc. Chúng tôi trở về trường rồi hẹn nhau đi khao quân ở Đầm Sen. Tôi một lần nữa lại thấy một rừng màu xanh, áo xanh, nón xanh, cây lá xanh, hồ nước xanh, trời xanh. Tôi lại ngây ngốc, đắm chìm trong đấy.

Đoạn ký ức này đối với tôi giống như viên kẹo ngọt vậy, ngậm nó trong miệng, cảm nhận chất ngọt tan dần trong cổ họng, đến khi viên kẹo tan hết cũng là lúc kết thúc. Chỉ còn lưu lại chăng đây là ký ức, chỉ có thể cảm nhận, không thể chạm lấy. Có một chút tiếc nuối.

Tôi thật không biết tuổi trẻ bắt đầu khi nào và kết thúc khi nào, cũng lười hỏi bác google, có lẽ là bác biết. Tôi nghĩ tuổi trẻ ngang với thanh xuân, thanh xuân bắt đầu là lúc tuổi trẻ bắt đầu, thời huy hoàng có lẽ là từ mười tám đến ba mươi a.

Thanh xuân của tôi giống như quyển vở trắng vậy, ai vào đấy vô tình hay cố ý vẽ lên gì đó, vô tình tạo nên màu sắc hình thù của nó. Nói vậy có nghĩa là đối với tuổi trẻ tôi thiếu tự chủ, mọi đoạn ký ức của tôi đều do người khác muốn tôi tạo ra, là do bắt buộc. Nếu không ai làm điều đó với tôi chắc bây giờ tôi còn tiếc nuối nhiều hơn nữa.

Phyllis bây giờ nhìn lại Phyllis ngày xưa, muốn nói gì đó nhưng lại thôi, những thứ đã qua thì cho qua, chỉ giữ lại những điều tốt đẹp. Cái quan trọng là hiện tại. Ta còn sống thì sợ gì không thể tạo thêm những bức tranh rực rỡ cho cuộc đời mình. Phyllis đây sẽ chủ động hơn trong đoạn thanh xuân còn lại của mình.

Phyllis

Continue Reading

You'll Also Like

148K 5.7K 12
2 tom dylogii ,,Agony"
1.2M 57.8K 83
"The only person that can change Mr. Oberois is their wives Mrs. Oberois". Oberois are very rich and famous, their business is well known, The Oberoi...
91.5K 2.3K 34
A little AU where Lucifer and Alastor secretly loves eachother and doesn't tell anyone about it, and also Alastor has a secret identity no one else k...
9.9M 500K 199
In the future, everyone who's bitten by a zombie turns into one... until Diane doesn't. Seven days later, she's facing consequences she never imagine...