Ngoại truyện: Bố của em - hoàn

103 6 0
                                    

Hai năm sau khi kết hôn, gia đình nhỏ của Ngôn Nho Ngữ và Lan Ninh có thêm một thành viên mới, bé gái được đặt tên là Ngôn Diệp.

"Ngôn Diệp?" Lần đầu tiên nghe thấy cái tên này, Lan Ninh có phần nghi hoặc, "Trong tiếng Nhật, chẳng phải có nghĩa là ngôn ngữ, từ ngữ sao?".

Ngôn Nho Ngũ đáp: "Chính xác, anh hy vong sau này con lớn lên, có thể kế thừa được khả năng thiên bẩm của bố nó về phương diện ngôn ngữ".

Lan Ninh: "..."

Không, khả năng thiên bẩm của anh rõ ràng nằm ở phương diện chây ì nộp bản thảo.

Tiểu Ngôn Diệp vô cùng xinh xắn, được thừa hưởng tất cả những nét nổi trội nhất của cả bố và mẹ. Khuyết điểm duy nhất của bé là quá nghịch ngợm. Mấy tháng đầu khi Ngôn Diệp mới chào đời, Ngôn Nho Ngữ và Lan Ninh gần như không được ngủ một giấc nào trọn vẹn.

Mặc dù tính cách của tiểu bảo bối như vậy, nhưng với tư cách là một ông bố trẻ xuất thân từ một gia đình có học, Ngôn Nho Ngữ vẫn muốn bồi dưỡng cho bé thói quen đọc sách từ nhỏ. Để làm được điều này, anh đã đặt làm một giá sách cỡ lớn, đặt trong phòng riêng của bé, bên trong bày đủ các đầu sách đến từ khắp các nơi trên thế giới – tủ sách văn học cổ điển Trung Quốc cho tới những tác phẩm văn học Tây Âu, Mỹ Latin...

"Ulysses, Trăm năm cô đơn, Tư trị thông giám..." Lan Ninh nhìn một lượt gáy những cuốn sách được xếp trên giá, khóe miệng giật giật: "Bối Bối mới được hai tháng tuổi... Anh đọc cho con nó mấy cuốn như truyện cổ tích được không?".

Bối Bối là tên gọi ở nhà của Ngôn Diệp, cái tên này do chính Lan Ninh đặt cho con gái.

Ngôn Nho Ngữ nói: "Lúc nhỏ đọc quá nhiều truyện cô tích, về sau lớn lên sẽ cảm thấy thế giới hiện thực quá tàn khốc, chúng ta vẫn nên để con cảm nhận rõ sự thật về thế giới này thì hơn".

Lan Ninh: '...'

Là cô nên sớm nhận ra bản chất của anh mới phải!

Lan Ninh tự đi mua cho Bối Bối một chồng truyện cổ tích và những cuốn sách dành riêng cho trẻ nhỏ, bày vào chỗ dễ nhìn nhất trên giá sách, rồi ép đống sách chua chát khó hiểu của Ngôn Nho Ngữ vào góc trong cùng.

Thấy vậy, Ngôn Nho Ngữ liền bày lại thứ tự các cuốn sách trên giá một lần nữa, thế rồi ngày hôm sau Lan Ninh lại bày lại. Cứ vài ba lần như thế, cho đến lúc Ngôn Nho Ngữ phải ngủ một đêm trên sofa, vị trí các cuốn sách trên giá mới không bị dịch chuyển nữa.

Đêm nào Lan Ninh cũng đọc truyện cổ tích cho Bối Bối nghe để dỗ con gái đi ngủ. Ngôn Nho Ngữ cũng thích đọc sách cho bé, anh bắt đầu từ Ulysses, mỗi ngày kiên trì đọc cho Bối Bối nghe một trang, đương nhiên phải nhằm lúc Lan Ninh không có mặt.

Từ bé đã luân phiên "chịu đựng" sự thử thách đến từ hai kiểu văn hóa hoàn toàn khác biệt như thế, bạn nhỏ Bối Bối cuối cùng cũng đã nuôi dưỡng được niềm hứng thú với văn học như mong đợi của bố. Ngôn Nho Ngữ cứ thấy con gài thích lật sách, dù đọc không hiểu vẫn cứ lật ra chơi, là lại thấy mãn nguyện. Thế nên, anh càng mua thêm nhiều sách về, bày đầy trên giá cho con gái lật.

Tới khi tiểu công chúa Bối Bối biết cầm bút, Ngôn Nho Ngữ bắt đầu dậy con viết chữ.

Mọi người ai cũng biết, đại tác giả Ngôn của chúng ta viết chữ rất đẹp, dù dùng bút máy hay bút lông. Để viết bằng bút lông, đối với Bối Bối mà nói, vẫn còn một độ khó nhất định. Thế nên Ngôn Nho Ngữ dạy con gái viết bằng bút máy trước.

Ban đầu, dĩ nhiên Bối Bối chỉ học viết những nét cơ bản : Ngang, phẩy, sổ, hết. Dưới sự dạy dỗ tận tâm của anh, những nét nguệch ngoạc của Bối Bối dần tiến bộ, sau đó có thể đọc được chữ con bé viết là chữ gì. Vì Bối Bối còn nhỏ nên Ngôn Nho Ngữ cũng chưa dạy con nhận mặt chữ, chỉ liên tục cho con gái ôn luyện và ghi nhớ các bộ thú, cho tới khi chữ viết của con gái nét nào ra nét đấy.

Do vẫn chỉ là một cô bé nên Bối Bối dĩ nhiên không thể tập trung quá lâu. Mỗi ngày, Ngôn Nho Ngữ chỉ dạy bé viết khoảng hai mươi phút, chia ra làm bốn khoảng thời gian, giữa chừng có xen vài hoạt động giải trí như xem phim hoạt hình, khiến Tiểu Bối Bối học hành rất vui vẻ.

Tới khi lên lớp Một, nét chữ của Bối Bối đã rất đẹp rồi. Dưới sự đề cử của giáo viên Ngữ Văn, bé còn góp mặt trong kỳ thi phân cấp Thư pháp bút đầu cứng và là người duy nhất trong lớp được chọn tham gia.

Lên lớp ba, Bối Bối bắt đầu học cách viết văn. Có một người bố là đại tác giả như Ngôn Nho Ngữ, Bối Bối đã sớm tiếp xúc với lĩnh vực này hơn các bạn nhỏ cùng tuổi. Khi mới lên tám tuổi, Bối Bối đã tập viết văn, mặc dù lời lẽ vẫn còn non nớt nhưng cách dùng liên từ lại rất thuần thục, thi thoảng còn dùng đôi ba biện pháp tu từ và gần như không có câu nào sai ngữ pháp. Các thầy cô ở trường thường xuyên lấy bài của con bé làm văn mẫu, đọc cho các bạn trong lớp cùng nghe.

Hôm nay, giáo viên lại ra một bài tập làm văn, đề bài mang chủ đề: "Bố của em".

Đây là bài tập giới hạn thời gian làm ngay tại lớp, không yêu cầu các bé viết quá dài, chỉ khoảng ba trăm chữ. Các bé học sinh mở vở, giở giấy sột soạt, bắt đầu thỏa sức sáng tạo.

Bạn học Ngôn Diệp là người đầu tiên viết xong bài, nội dung như sau:

Đề bài: "Bố của em"

Bố em là một tác giả nổi tiếng, bố đã từng viết rất nhiều, rất nhiều những cuốn sách được bán chạy. Trong phòng làm việc của bố có một giá sách rất lớn, bên trong bày rất nhiều, rất nhiều các cuốn sách, có tác phẩm của tặc giả khác, cũng có tác phẩm của chính bố.

Em muốn được đọc sách do bố viết, nhưng em còn quá nhỏ, chưa nhận được nhiều mặt chữ. Em nhờ mẹ đọc cho em nghe nhưng mẹ lại không chịu. Mẹ nói, tiểu thuyết mà bố viết rất kinh dị,trẻ con không nên đọc. Mẹ nói như vậy càng khiến em muốn được đọc hơn. Thế là em đã tìm đến bố, nhờ bố đọc cho em nghe. 

Bố lại rất vui vẻ đọc cho em, còn không cho em nói với mẹ, bảo rằng đây là bí mật nhỏ của hai bố con.

Em hỏi bố: Sao bố có thể trở thành một tác giả lớn? Bố trả lời: Làm một nhà văn, điều đầu tiên phải học chắc chắn là làm sao để chây ì nộp bản thảo. Chính vì tuyệt chiêu chây ì nộp bản thảo này, bố em mới lấy được mẹ em, em đã nghiêm túc ghi lại bí kíp ấy.

A, em yêu bố em lắm, kiến thức của bố giống như một đại dương bao la! Em muốn được học từ bố thật nhiều, cố gắng trở thành một người xuất sắc như bố.

Cô giáo: '...'

Cô giáo trầm mặc giây lát, rồi cầm bút bi đỏ phê như sau dưới bài văn: Em viết rất tốt, về nhà nhớ đọc bài văn này cho mẹ em nghe nhé.

Bài tập làm văn của bạn học Ngôn Diệp được cô giáo chấm 100 điểm, sau khi về nhà, cô bé hớn ha hớn hở, cầm vở chạy đi tìm mẹ.

"Mẹ ơi, mẹ ơi, hôm nay trong tiết tập làm văn, bài con viết được 100 điểm. Cô giáo còn bảo con mang về đọc cho mẹ nghe nữa." Tiểu Ngôn Diệp cầm một quyển vở nhỏ trong tay, chạy vào phòng bố mẹ. Lúc này Ngôn Nho Ngữ đang ngồi viết truyện trong phòng làm việc, nên chỉ có mình Lan Ninh ở đây. Cô bế con gái lên, thơm một cái vào má con, mỉm cười hỏi: "Thế à, Bối Bối của mẹ giỏi vậy sao? Hôm nay đề bài yêu cầu viết về đề tài gì vậy con?".

Ngôn Diệp nói: "Đề tài 'Bố của em' ạ".

Lan Ninh: '...'

Nếu phải viết về "người thầy" Ngôn Nho Ngữ, cô cảm thấy mình có thể viết được cả một bài văn dài một triệu chữ, trong đó chín trăm chín mươi chín ngàn chữ là chửi thề.

Lan Ninh cầm vở của Tiểu Ngôn Diệp, lật tới trang viết bài "Bố của em".

Bài văn rất ngắn, Lan Ninh gần như chỉ đọc lướt qua đã hết, sau đó cô im lặng rất lâu.

Cô xoa xoa đầu Ngôn Diệp, mỉm cười hỏi con gái : "Bối Bối à, bố đọc cho con nghe cuốn sách nào vậy?".

Ngôn Diệp trả lời: "Chính là cuốn đầu tiên trong hệ liệt trinh thám An Nhiên ạ. Bố nói, đó là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của bố". Ngôn Diệp nói xong, lại hỏi mẹ: "Mẹ ơi, tác phẩm tiêu biểu là thế nào ạ?".

"Tác phẩm tiêu biểu là cuốn sách có thể đại diện cho sự nghiệp của con nhất. Sau nảy, Bối Bối lớn lên cũng sẽ có tác phẩm tiêu biểu của mình đó."

"Whoa, thật ạ! Bối Bối cũng có thể xuất bản sách như bố ạ?"

"Đương nhiên rồi." Lan Ninh càng cười dịu dàng hơn, "Nhưng điều kiện tiên quyết là con không được chây ì nộp bản thảo". 

Bạn nhỏ Ngôn Bối Bối cảm thấy vô cùng khó hiểu, vì sao bố và mẹ mỗi người lại nói một kiểu nhỉ?

"Bối Bối ngoan, con đi học bài đi, khi nào ăn cơm mẹ sẽ gọi con."

"Dạ."

Sau khi bạn nhỏ Bối Bối đi khỏi, Lan Ninh cầm bài tập làm văn của con bé tới phòng làm việc tìm Ngôn Nho Ngữ. Anh thấy cô đi vào, vô thức hỏi một câu: "Tới giờ ăn cơm rồi hả em?".

Lan Ninh cười tít mắt nói: "Anh đừng vội". Nói rồi, cô đi tới trước bàn làm việc của Ngôn Nho Ngữ, đặt quyển vở của Ngôn Diệp xuống: "Hôm nay Bối Bối có viết một bài văn, được 100 điểm đấy, anh xem thử đi".

Ngôn Nho Ngữ cầm vở của con lên đọc.

Sau đó, cũng là một khoảng trầm mặc dài vô biên.

Lan Ninh hỏi: "Một bài văn chỉ dài có ba trăm chữ mà thầy Hạnh Tâm phải đọc lâu vậy sao?".

Ngôn Nho Ngữ ho khan một tiếng, cố làm ra vẻ bình tĩnh: "Giá trị của một bài văn không thể đong đếm được bằng số chữ".

Lan Ninh gật đầu nói: "Anh nói đúng đấy, mặc dù bài văn này chỉ vỏn vẹn có ba trăm chữ, nhưng nó đã phản ánh một đạo lý đáng để chúng ta suy ngẫm".

Ngôn Nho Ngữ. "... '

Hiện tại anh rất muốn biết, vì sao mấy chục năm trôi qua rồi, đề bài tập làm văn của mấy đứa nhỏ vẫn là những chủ đề như "Bố của em"? Các thầy cô giáo không thể sáng tạo ra một đề tài nào mới hơn ư?

Anh lại ho thêm tiếng nữa, rồi nói với Lan Ninh vẻ tán thưởng: "Em xem, chữ Bối Bối viết càng ngày càng đẹp đấy".

"Ha ha." Lan Ninh cười hai tiếng, cầm lấy vở của Ngôn Diệp: "Bạn học Ngôn Nho Ngữ, phiền anh viết cho em một bản kiểm điểm dài một nghìn chữ, chưa viết xong thì đừng nghĩ tới chuyện ăn cơm tối".

Ngôn Nho Ngữ: '...'

Đại tác giả Ngôn Nho Ngữ ngậm ngùi vắng mặt trên bàn ăn tối hôm ấy. Tiểu công chúa Ngôn Diệp tò mò hỏi mẹ, "Mẹ ơi, sao bố không ra ăn cơm ạ?".

Lan Ninh đáp: "Bối Bối, bố con còn một bản thảo vẫn chưa viết xong. Làm người nhất định phải tự nghiêm khắc với bản thân mình trước, thế nên bố con nói, khi nào bố chưa nộp bản thảo thì sẽ chưa ăn cơm để đốc thúc bản thân".

"... À, ra là vậy."

"Vậy nên Bối Bối à, sau này con cũng phải làm một người có kỷ luật với chính mình, không được chây ì nộp bản thảo đấy nhé."

"Vâng, thưa mẹ."

Đáng tiếc, do được bố chỉ dạy từ tấm bé, không phụ sự kỳ vọng của Ngôn Nho Ngữ, Ngôn Diệp đã trở thành một thiên hậu chây ì nộp bản thảo thế hệ mới sau này.

TOÀN VĂN HOÀN

Bản thảo tình yêu - Bản Lật TửWhere stories live. Discover now