Chương 1

1.7K 13 8
                                    

Hồi tôi còn nhỏ tuổi, nghĩa là hồi dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu hơn bây giờ, cha tôi có khuyên tôi một điều mà tôi ngẫm mãi cho đến nay:

- Khi nào con định phê phán người khác thì phải nhớ rằng không phải ai cũng được hưởng những thuận lợi như con cả đâu.

Ông không nói gì thêm, nhưng vì hai cha con chúng tôi xưa nay vẫn rất hiểu nhau mà chẳng cần nhiều lời nên tôi biết câu nói của ông còn nhiều hàm ý khác. Vì vậy tôi không thích bình phẩm một ai hết. Lối sống ấy đã mở ra cho tôi thấy nhiều bản tính kì quặc, nhưng đồng thời khiến tôi trở thành nạn nhân của không ít kẻ chuyên quấy rầy người khác. Những đầu óc không bình thường nhanh chóng nhận ra và gắn bó với đức tính này khi nó biểu lộ ở một người bình thường. Bởi vậy, ở trường đại học tôi bị mang tiếng oan là kẻ ranh mãnh vì tôi nghe thấu những nỗi đau khổ thầm kín của những tay ăn chơi bừa bãi mà tôi không quen biết. Phần lớn không phải do tôi tìm cách moi chuyện. Thường tôi giả vờ ngủ hay đang chăm chú vào việc gì đó, thảng hoặc còn tỏ ra hơi khó chịu nữa, mỗi khi tôi nhận thấy qua những dấu hiệu không thể nhầm được là sắp lại có một chuyện tâm sự gì đây. Bởi vì những chuyện tâm sự của các chàng trai trẻ, hay ít ra những lời lẽ mà họ dùng để diễn đạt, thường là cóp nhặt của người khác và mất hết ý nghĩa vì rõ ràng đã bị bớt xén đi nhiều chỗ. Không bình phẩm nghĩa là còn hi vọng, hi vọng mãi. Tôi e còn bỏ sót một điều gì đó nếu tôi quên nói, như cha tôi đã khẳng định một cách hợm hĩnh và tôi hợm hĩnh nhắc lại ở đây, rằng ý thức về những phép xử thế lịch sự cơ bản không được chia đều cho mọi người khi họ ra đời.

Sau khi đã khoe tính tôi khoan dung như thế rồi, tôi phải thú nhận rằng sự khoan dung của tôi cũng có giới hạn. Cách cư xử của con người ta có thể đặt trên nền tảng là đá rắn hay đầm lầy, nhưng quá một mức nào đó thì tôi bất cần biết nó xây dựng trên nền tảng nào. Khi tôi ở miền Đông trở về mùa thu vừa rồi, tôi như muốn tất cả mọi người đều mặc đồng phục và vĩnh viễn đứng ở tư thế nghiêm về đạo đức. Tôi không còn muốn những cuộc thâm nhập ồn ào với những đặc quyền dòm ngó vào tận trái tim con người. Trong phản ứng ấy, tôi chỉ chừa ra có Im Yoona, người được lấy tên đặt cho cuốn sách này, một con người tiêu biểu cho tất cả những gì mà tôi thành thật khinh bỉ. Nếu nhân cách là một chuỗi liên tục những cử chỉ đúng dụng ý của mình thì ở con người này có một cái gì huy hoàng, một sự nhạy cảm sắc bén với những hứa hẹn của cuộc đời, tưởng chừng người ấy giống như những cỗ máy phức tạp ghi lại những trận động đất cách xa hàng vạn dặm. Sự ứng cảm nhạy bén ấy hoàn toàn không phải là tính dễ xúc cảm mềm yếu được tâng bốc là “khí chất sáng tạo”. Nó là một khả năng hi vọng hiếm có, một sự sẵn sàng ứng tiếp các biến cố trong đời, sẵn sàng đến lãng mạn, mà tôi chưa hề thấy có ở một ai khác và có lẽ cũng sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Không, kết cục Im Yoona hoá ra là một con người tốt. Chính những gì ám ảnh Im Yoona, chính làn bụi nhơ nhuốc cuộn theo sau những giấc mơ của Im Yoona đã tạm thời làm tôi mất hứng thú quan tâm đến những nỗi đau buồn ngắn ngủi và những niềm vui chốc lát của con người.

Đại gia Im YoonaNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ