Hồi Thứ Mười Một

168 3 0
                                    

Hồi thứ mười một

Tây Sơn lại kéo vào thành chiếm giữ đất nước

Chiêu thống ba phen tính chước khôi phục kinh đô

Lại nói, vua Lê thân hành tới xem diễu võ ở núi Vạn Kiếp. Nhà vua ngự ở đền Trần Hưng Đạo, gọi Châu đến và hỏi:

– Có được mấy trăm quân?

Châu đáp:

– Trừ số người mới theo về, thủ hạ tinh luyện của thần chỉ có trăm người mà thôi!

Vua nói:

– Tiếc rằng ít quá!

Châu đáp:

– Quân cần tinh nhuệ không cần nhiều. Có trăm quân cảm tử, cũng đã đủ để hoành hành trong thiên hạ. Thần đã từng thử, quân giặc có lúc kéo tới đầy cả đồng, thần chỉ sai vài chục người xông đến trước trận, múa dao chém bừa, không lần nào giặc không tan vỡ.

Vua bảo:

– Đúng như lời ngươi nói, nhưng đánh bất thình lình thì được, chứ đối trận mà đánh thì không được. Nay đang khi trốn chạy tan tác, nhân tình dễ loạn, làm gì cũng phải cho chu đáo mới có thể đứng vững để lo việc khôi phục. Vạn nhất bị vấp ngã thì không thể nào nhóm họp lại được nữa. Vì thế, thời xưa có người chịu nương náu ở núi Cối Kê, có người chịu nép mình ở đất Ba Thục (ở đây Chiêu-thống muốn nói đến chí phục thù của các vua đời xưa ở Trung Quốc, như Việt vương Câu Tiễn thời Xuân-Thu và Hán Cao Tổ cuối đời Tần. Câu Tiễn bị Ngô Phù Sai đánh bại và cho ở đất Cốt Kê, nhưng vẫn nhẫn nhục chịu đựng mọi cay đắng, ngầm nuôi chí lớn, sau quả nhiên trở lại diệt được nước Ngô. Hán Cao Tổ bị Sở Bá vương biếm phong vào đất Ba Thục. Cao Tổ tạm thời chịu lép vế, rồi về sau đã thắng Sở), người ta vẫn phải ẩn nhẫn mà giữ lấy lực lượng, không dám làm liều để rước lấy sự thất bại. Ngày nay, việc nước nhà cũng giống như vậy, nên trước tiên phải kêu gọi quân cần vương để thêm thanh thế, không nên lộ mặt ra vội. Trẫm đã sai các quan chia đường đi chiêu mộ binh lính, ở Kinh Bắc có Phạm Đình Dư, Chu Doãn Lệ, ở Sơn Nam có Trương Đăng Quỹ, Phạm Văn Lân, ít lâu nữa họ sẽ trở về phục mệnh. Nhà ngươi nên đợi họ, bây giờ hãy đóng quân ở trong núi, luyện tập số người mới theo, cho tất cả đều tinh nhuệ, để chờ sai khiến.

Vua lại sai Đình Giản qua miền thượng du trấn Sơn Tây, kêu gọi nghĩa binh các trấn Tuyên Quang, Hưng Hoá, hẹn ngày cùng đến. Còn tự mình thì đi tới vùng Hải Dương, truyền hịch chiêu dụ.

Lúc vua đến huyện Chí Linh, quan văn đi theo chỉ có ba người là Trần Danh án, Vũ Trinh và Ngô Thì Chí mà thôi.

Ngô Thì Chí có dâng vua bài "Sách lược trung hưng" như sau:

"Thần trộm nghĩ, dẹp loạn phải xem cơ, dùng võ phải có đất. Vua Thiếu Khang giữ Luân ấp mà sau mới dấy được nghiệp trung hưng; Vua Chiêu Liệt chiếm ích Châu mà sau mới chống được kẻ ngoại địch. Địa thế nước ta, Cao Bằng, Lạng Sơn nằm ở phía đông bắc, giáp với đất Trung Hoa. Núi sông hiểm trở, đủ để giữ vững, binh mã hùng cường, đủ để tiến đánh. Nay bệ hạ hãy ngự giá đến đó, sai một sứ thần sang báo với nhà Thanh, xin họ đem quân đóng áp bờ cõi, để làm thanh viện cho ta; đồng thời đưa mật chỉ cho hào kiệt bốn trấn, bảo họ hưởng ứng. Lòng người đã được khích lệ, ai dám không theo? Trăm quan kẻ nào chưa theo kịp, ai dám không tới? Ngoài tựa vào thế thượng quốc, trong nhóm họp quân cần vương, khiến cho thế giặc mỗi ngày mỗi trơ trọi, thế ta mỗi ngày một lớn mạnh. Rồi đó, ta sắp đặt phương lược, tiến lên khôi phục kinh thành, công nghiệp trung hưng hẳn có thể hẹn ngày mà làm nên được!".

Hoàng Lê Nhất Thống ChíWhere stories live. Discover now