Câu 2: Các vấn đề cơ bản của triết học(sửa)

157K 69 44
                                    

Câu 2: Các vấn đề cơ bản của triết học

- Triết học là hệ thống những quan điểm lý luận chung nhất về thế giới và vị trí của con người trong thế giới đó; nó đã có lịch sử ra đời và phát triển trên 2000 năm trong lịch sử tư tưởng nhân loại.

- Theo Ăng Ghen : " Vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đăc biệt là triết học hiện đại là mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại hay là mối quan hệ giữa vật chất và ý thức".

-Giải quyết các vấn đề cơ bản của triết học không chỉ xác định được nền tảng và điểm xuất phát để giải quyết các vấn đề khác mà nó còn là tiêu chuẩn để xác định lập trường, thế giới quan của các triết gia và học thuyết của họ.

-Vấn đề cơ bản của triết học có hai mặt, mỗi mặt trả lời cho một câu hỏi lớn.

Mặt thứ nhất: Giữa ý thức và vật chất thì cái nào có trước, cái nào quyết định cái nào?

Mặt thứ hai: Con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không?

Trả lời cho hai câu hỏi trên liên quan mật thiết đến việc hình thành các trường phái triết học và các học thuyết về nhận thức của triết học.

-Giải quyết mặt thứ nhất trong vấn đề cơ bản của triết học gắn liên với việc phân định các trường phát triết học. Có 3 cách giải quyết:

Một là, vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất quyết định ý thức.

Hai là, ý thức có trước, vật chất có sau, ý thức quyết định vật chất.

Ba là, vật chất và ý thức tồn tại độc lập, chúng không có quan hệ sản sinh nhau, cũng không có quan hệ quyết định nhau.

-Cách giải quyết thứ nhất và thứ hai tuy có đối lập nhau về nội dung, nhưng giống nhau ở chỗ, chúng đều thừa nhận một nguyên thể (hoặc là vật chất, hoặc là ý thức) là nguồn gốc của thế giới. Hai cách giải quyết này thuộc về triết học nhất nguyên.

Trong triết học nhất nguyên, những người khẳng định tính nguồn gốc của vật chất thuộc trường phát triết học nhất nguyên duy vật, còn gọi là chủ nghĩa duy vật. Ngược lại, những người khẳng định tính nguồn gốc của ý thức thuộc trường phái triết học nhất nguyên duy tâm, còn gọi là chủ nghĩa duy tâm.

Cách giải thứ ba, thuộc về triết học nhị nguyên. Thừa nhận vật chất và ý thức tồn tại hoàn toàn độc lập với nhau, và thừa nhận cả hai nguyên thể là nguồn gốc của thế giới. Triết học nhị nguyên có khuynh hướng điều hòa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Họ muốn dung hoà hai trường phái trên để cùng tồn tại và dẫn đến một trường phái duy nhất.

-Giải quyết mặt thứ hai trong vấn đề cơ bản của triết học. Đối với câu hỏi: "Con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không?", tuyệt đại đa số các nhà truyết học (cả duy vật và duy tâm) đều khẳng định: con người có khả năng nhận thức thế giới.

-Còn các nhà triết học nhị nguyên do không khẳng định được giữa vật chất và ý thức cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào nên họ phủ nhận khả năng nhận thức thế giới của con người. Quan điểm của họ đa phần là hoài nghi. Khi giải quyết mặt thứ hai vấn đề cơ bản của triết học họ đã đi từ hoài nghi luận (scepticisme) đến thuyết không thể biết (agnosticisme) và dần dần triết học của họ chuyển sang duy tâm.

Chủ nghĩa duy tâm

Chủ nghĩa duy tâm chia thành hai trường phái: chủ nghĩa duy tâm chủ quan và chủ nghĩa duy tâm khách quan.

Chủ nghĩa duy tâm chủ quan thừa nhận ý thức có trước, và quyết định vật chất. Chủ nghĩa duy tâm chủ quan phủ nhận sự tồn tại mang tính khách quan của hiện thực, và nó chủ quan ở chỗ khẳng định định mọi sự vật, hiện tượng chỉ là phức hợp những cảm giác của chủ thể, chính sự cảm nhận của chủ thể quyết định sự tồn tại của hiện thực.

Chủ nghĩa duy tâm khách quan cũng thừa nhận ý thức có trước, và quyết định vật chất. Nhưng ý thức của chủ nghĩa duy tâm khách quan là ý thức khách quan, có trước và tồn tại độc lập với con người.

Về cơ bản, chủ nghĩa duy tâm cho rằng ý thức có trước, sản sinh ra và quyết định giới tự nhiên.

Chủ nghĩa duy vật

Cho đến nay, chủ nghĩa duy vật được thể hiện dưới ba hình thức cơ bản: chủ nghĩa duy vật chất phác, chủ nghĩa duy vật siêu hình và chủ nghĩa duy vật biện chứng.

-Chủ nghĩa duy vật chất phác là kết quả nhận thức của các triết học duy vật thời cổ đại. Tuy còn rất nhiều hạn chế, nhưng chủ nghĩa duy vật chất phác đã dùng giới tự nhiên để giải thích về giới tự nhiên, không viên đến các thế lực siêu nhiên.

-Chủ nghĩa duy vật siêu hình là hình thức cơ bản thứ hai của chủ nghĩa duy vật, thể hiện khá rõ ở các nhà triết học thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Đây là thời kỳ cơ học cổ điển thu được những thành tựu rực rỡ, nên trong khi tiếp tục phát triển chủ nghĩa duy vật chất phác thời cổ đại, chủ nghĩa duy vật giai đoạn này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phương pháp siêu hình, máy móc.

-Chủ nghĩa duy vật biện chứng là hình thức cơ bản thứ ba của chủ nghĩa duy vật, do Marx và Engels xây dựng vào những năm 40 của thế kỷ XIX, sau đó được Lenin tiếp tục phát triển, ngày nay còn có tên gọi là triết học Marx-Lenin. Các ông này đã kế thừa những gì mà các ông cho là tinh hoa của các trường phái trước đó, cùng với những thành tựu khoa học đương thời. Trong đó, phép biện chứng duy vật là hạt nhân lý luận đối lập với phương pháp siêu hình.

Về cơ bản, chủ nghĩa vật cho rằng vật chất có trước sản sinh ra, và quyết định ý thức. Thế giới vật chất tồn tại khách quan.

Như vậy, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm là hai trường phái chính của triết học. Lịch sử triết học gắn liền với lịch sử đấu tranh của hai trường phái này.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Oct 23, 2009 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Câu 2: Các vấn đề cơ bản của triết học(sửa)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ