Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh

Bắt đầu từ đầu
                                    

Nhớ hồi tôi được giao làm Tuyển tập Nguyễn Tuân, cụ Nguyễn có nói nửa đùa nửa thật với tôi : " Thế là mình đã đến tuổi " tuyển hồi " ( tuổi làm tuyển tập và viết hồi ký). Lúc ấy (1980), Nguyễn Tuân mới 70 tuổi. Tôi bây giờ đã 76. Cũng sắp in Tuyển tập và đã có người xui viết hồi ký.

* *

*

Viết hồi ký để làm gì nhỉ? Viết hồi ký thì ích gì cho mình và cho người khác? Hình như tỏ bầy hết sự thật của đời mình cũng là một khoái thú riêng của con người ta. Khoái thú được giải toả. Có ai đó nói rằng, mọi khoái cảm trên đời đều là sự trút ra khỏi bản thân mình (décharger) một cái gì đó. Với mình thì thế. Nhưng còn với người? Người ta thích đọc hồi ký của những danh nhân, của những nhà hoạt động chính trị tầm cỡ quốc gia, quốc tế hay của những nhà văn hoá lớn... Biết được bí mật của cuộc đời danh nhân là biết được những thông tin có ý nghĩa quốc gia đại sự, biết được kinh nghiệm của nền văn hoá một dân tộc.

Vậy tôi viết hồi ký với tư cách gì? Chỉ để cho mình được giải toả cũng được chứ sao! Ngoài ra, liệu còn có ích cho ai nữa không? Tôi không tin lắm. Cũng có thể có tác dụng trong một phạm vi hẹp, trước hết đối với những người thân, ngoài ra là những ai coi cuộc đời riêng của tôi cũng có một cái gì đó đáng tò mò và sự nghiệp viết lách của tôi không đến nỗi hoàn toàn vô giá trị. Nghĩa là cũng muốn tìm hiểu, cũng muốn giải thích.

Ngoài ra tôi tuy không phải nhân vật lịch sử, nhưng sự tình cờ đã đưa đẩy tôi được chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như Cách mạng tháng Tám hay Cải cách ruộng đất...vv., và biết được một ít chuyện riêng của một số danh nhân như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, và nhiều nhà văn hoá lớn như Nguyễn Tuân,

3

Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyên Hồng...vv.. Tất nhiên những sự kiện này và những nhân vật kia người ta đã nói nhiều, viết nhiều rồi theo cách nhìn quan phương chính thống. ở đây tôi chỉ nói những hiểu biết trực tiếp của riêng tôi với cách nhìn rất chủ quan của tôi. Nhưng chính vì thế mà, biết đâu đấy, lại có thể đem đến những thông tin riêng, những ý vị riêng.

4

Phần một - Gia đình. Những ngày thơ ấu. Thời học sinh và quá trình công tác

5

Chương I: Gia đình - Những ngày thơ ấu

Giấy khai sinh của tôi ghi: sinh ngày 18 - 3 - 1930 tại làng Quần Phương Hạ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nguyên Quán: làng Thổ Khối, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. ( nay thuộc phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội).

Làng Thổ Khôi nằm vắt ngang đê sông Hồng, ruộng ít, dân làng ít người sống bằng nghề nông, chủ yếu đi học, làm quan, làm viên chức, làm thuyền thợ hay buôn bán. Làng chỉ có một nghề truyền thống là làm vàng mã. Gái làng suốt ngày ngồi bẻ nan thoăn thoắt, phết hồ, dán giấy, làm thành những thoi vàng, thoi bạc dùng cho cõi âm. Làng ít ruộng nên dân xuất ngoại rất nhiều, ở đâu cũng có : Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Yên, Nam Định, Thanh, Nghệ, Tĩnh, Sài Gòn...vv..

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Dec 26, 2008 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Hồi ký Nguyễn Đăng MạnhNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ