Dị Mộng ~ Độc Dược Màu Lam ~

By Irina_Bougainvillea

1.9K 289 87

「Kì án hoa hồng xanh」 - Chưa một vụ án nào có thủ phạm vị thành niên trên đất Hà thành lại tiêu tốn giấy mực... More

Lời nói đầu
Mở đầu
Lê - 01
Lê - 02
Lê - 03
Lê - 04
Lê - 05
Lê - 06
Lê - 07
Lê - 08
Lê - 09
Lê - 10
Tùng - 02
Tùng - 03
Tùng - 04
Tùng - 05
Tùng - 06
Tùng - 07
Tùng - 08
Tùng - 09
Tùng - 10
Tùng - 11
Tùng - 12
Tùng - 13
Tùng - 14
Chương kết

Tùng - 01

57 11 2
By Irina_Bougainvillea

Tôi tên Lâm Thanh Tùng, mười lăm tuổi, học sinh lớp 10B trường Trung học phổ thông S. - một trong những ngôi trường hàng đầu của thành phố Hà Nội này.

Con người mà tôi sắp nhắc đến dưới đây, có lẽ tôi còn chẳng phải nói nhiều đến thế về ông. Nhà biên kịch Lâm Chí Bách, một người nghệ sĩ đầy tâm huyết và hết sức thành công. Một người giáo viên chung thủy, cả cuộc đời từ lúc khốn khó đến lúc sang giàu chỉ gắn bó với duy nhất một ngôi trường.

Và cũng là ông nội của tôi.

Người thân duy nhất, người đã nuôi nấng tôi từ ngày bố mẹ tôi về với Trời khi tôi còn tấm bé.

Giả như bí mật ấy bằng cách này hay cách khác len lỏi tới tai những người bạn cùng lớp mà tôi yêu quý, hẳn là trước sau gì tin tức ấy cũng sẽ trở thành một tin nóng đến giật gân của toàn trường. Và kèm theo đó chắc chắn sẽ là muôn vàn lời dị nghị khó nghe bổ xuống đầu tôi sau những tháng ngày bình yên trên lớp như cách nắng hè Hà Nội nướng cháy da người sau những ngày mưa rào dịu mát. Bảy triệu rưỡi con người đang bám lấy mảnh đất nghìn năm văn hiến này, tám mươi ngàn đứa trẻ đồng lứa với tôi (*), sáu trăm con người học tập và làm việc bên trong hai cánh cổng ngôi trường S., hỏi có bao nhiêu người trong lòng chưa từng một lần ngờ vực về sự trong sạch của nền giáo dục này? Sự thật ư? Tôi chỉ có được một chỗ đứng trong ngôi trường này theo cách hoàn toàn trong sạch hệt như bao bạn bè tôi mà thôi. Điều duy nhất được dàn xếp chỉ là tôi và người con gái ấy sẽ học trong cùng một lớp, và ông tôi là giáo viên lớp học ấy. Cái gì đã dẫn đến sự dàn xếp đó, đó là một câu chuyện dài, nhưng là câu chuyện đời mà đến giờ này tôi đã biết mình không thể không tiết lộ.

Quả thực, trên lớp ông cháu tôi coi nhau như người xa lạ, nhưng mười lăm năm nay, chỉ có mình tôi hiểu hết những suy nghĩ, trăn trở nơi ông. Tất cả bắt đầu từ một chuyến đi châu Âu gần năm mươi năm trước, thời ông còn trai trẻ. Chuyến đi ấy đã gieo vào đầu óc ông biết bao mê say, kính phục và tò mò với cả một nền văn hóa, lịch sử, chính trị rực rỡ sắc màu bị bao phủ trong bóng tối bí hiểm của quyền lực và danh vọng nơi trời Tây. Thật là những điều xa lạ biết mấy, những điều tưởng như chẳng đời nào được màng đến bởi những con người Việt Nam thời ấy vẫn còn chìm trong nghèo đói, lo âu vì vận nước...

Trở về Việt Nam, ông bắt đầu viết kịch. Nào ai biết được về sự say mê văn hóa Âu ấy của ông, vì ông đã giấu giếm tất cả mọi người. Những vở kịch giản dị, hợp thời thế, thị hiếu cứ thế ra đời, đưa ông từ một thầy giáo trẻ trở thành ngôi sao đang lên của sân khấu kịch nước nhà. Nhưng đâu ai hay, đằng sau những công trình ban đầu ấy là một ước mơ, toan tính được ấp ủ kĩ càng. Một "dị mộng" vốn dĩ là điều tối cấm kị trong những tháng năm khó khăn, ngặt nghèo ấy - vì nó đẹp đẽ quá, lộng lẫy quá, phóng túng quá... Giấc mơ về vở kịch "Cantarella - Độc Dược Màu Lam", một kịch bản phản ánh tất cả những gì ông đã nghe, thấy, tìm hiểu ở trời Tây, từ những gì xa hoa, hào nhoáng nhất đến những dục vọng nhuốc nhơ không tài nào ngờ tới nổi.

Nhưng liều thuốc của cấm kị giết chết làm sao được cái khát vọng tuổi trẻ nơi ông. Trái lại, nó lại càng hun đúc trong ông khao khát hoàn thành vở kịch của đời mình. Ông hết viết rồi lại sửa, sửa tới sửa lui... Ngày qua ngày, trong đầu ông càng ngày càng rõ mồn một từng khung cảnh, từng câu nói, từng ý tứ mà ông sắp đặt, tới lúc ông thuộc làu làu cả kịch bản mình viết ra từ lúc nào không biết. Ba, bốn thập kỉ trôi qua, ông lao động hết mình cũng chỉ để tích cóp sao cho đủ khả năng tự dàn dựng vở kịch ấy theo ý mình, không bị một ai chi phối. Thật vậy, ông ích kỷ tới mức không cho phép một ai vượt ra ngoài khuôn mẫu, làm thay đổi kịch bản mà mình đã ghi nhớ trong đầu. Đó cũng là lý do tại sao ông ám ảnh với những chuẩn mực đến như thế, nổi điên khi không được thấy sự hoàn hảo không chỉ trong các vở kịch ông tham gia dàn dựng, mà còn trong tất thảy mọi việc trên đời - từ những công việc của riêng mình đến những việc của người khác mà ông có quyền can dự. Đối với lũ trẻ chúng tôi, ấy là cách chúng tôi cư xử trước mặt ông, những bài văn trên lớp, cách câu lạc bộ vận hành,... và đặc biệt là vở Cantarella mà ông giao phó lên vai những thành viên Music Club mà nhà trường giao ông quản lý.

Nhưng cớ sao ông lại không dựng nên một vở kịch thật chuyên nghiệp, với một êkíp chuyên nghiệp mà ông thừa khả năng tìm kiếm, nhưng lại chịu giao kịch bản quý giá ấy của mình cho một lũ học sinh non nớt, chẳng có chút kinh nghiệm nào trong việc tổ chức một sự kiện lớn đến vậy? Lại là câu chuyện liên quan đến những chuẩn mực chính ông đặt ra, và đó chỉ đơn giản là ý định của ông ngay từ đầu.

Một vở kịch hoàn hảo phải có những vai chính hoàn hảo. Cụ thể hơn, một nữ chính hoàn hảo là điều mà ông khao khát. Nhưng ông cần tìm một người thế nào? Câu trả lời cho câu hỏi ấy, tôi đã biết từ lâu. Một cô gái có đủ phẩm chất, đam mê, quyết tâm và cả sự nhẫn nhục để sẵn sàng đồng hành với ông và chỉ mình ông suốt cả tuổi xuân, hoàn toàn chịu sự quản lý của ông và trở thành trung tâm của vở kịch này. Một cô gái càng trẻ tuổi càng tốt - nhưng phải trên mười bốn, đó là giới hạn độ tuổi của vở kịch này; cái giới hạn ấy đã được hạ xuống đến mấy lần theo những sự thay đổi thời cuộc và nhận thức của nhân dân xứ ta rồi đấy. Nhan sắc, tài năng càng thô sơ lại càng tuyệt vời; cây non dễ uốn, ông bảo vậy, và tôi cũng biết ông thích "uốn" mọi thứ hơn bất kì điều gì. Nhưng hơn hết, người con gái ông tìm phải thật sự hứng thú với văn hóa phương Tây và đam mê kịch chính thống hệt như ông.

Dễ thấy nơi ông có thể tìm ra người con gái mình cần nhanh nhất, đơn giản nhất chính là cái nhóm nhỏ những học sinh thích hoạt động nghệ thuật của trường S. khi ấy - tiền thân của Music Club bây giờ. Ông biết để làm được điều đó, mình cần có quyền quản lý nhóm học sinh này. Nhưng thậm chí ông còn chẳng phải ý kiến điều đó với nhà trường; ngay khi ông tới tuổi nghỉ hưu và chuyển sang làm giáo viên hợp đồng, khi mọi công việc đoàn thể, chủ nhiệm của ông đều không còn nữa, nhà trường hoàn toàn yên tâm giao phó mảng hoạt động ngoại khóa về nghệ thuật vào tay ông. Nhưng đã hàng bao nhiêu năm, bao nhiêu thế hệ học trò, ông vẫn chưa tìm được một người thích hợp... Nhóm học sinh yêu nhạc, dưới tay ông dần phát triển thành Music Club, một câu lạc bộ lớn trong trường, và vì thế nên câu lạc bộ ấy lựa chọn thành viên rất gắt gao. Cho nên, chuyện những cô gái ông gặp nơi đây trẻ tuổi đồng thời không có nhiều kinh nghiệm là điều gần như không thể. Người thì sắp thi đại học đến nơi, quá lớn tuổi và bận bịu vô cùng, người nhan sắc lại quá chín muồi, người tài năng đã vào khuôn khổ, cứng nhắc đến nhàm chán, và hỏi có mấy người đam mê với cái nghề mà ông chọn theo ngoài nghề giảng dạy?...

Mọi chuyện cứ thế cho đến cái ngày ông gặp cô gái ấy.

Ấy là một ngày đầu hạ, nắng nóng như kì thi vào cấp ba mà chỉ một tháng nữa thôi, tôi phải lao vào đó như một con thiêu thân. Hai ông cháu tôi đi dự đám cưới một người quen của ông. Chúng tôi ngồi ghép mâm với một gia đình, hình như là gia đình một người bạn học cũ của ông tôi. Một gia đình ba thế hệ điển hình mà tôi hằng mong ước nhưng biết mình không bao giờ có được, có ông bà, cha mẹ đã tuổi trung niên, hai đứa con gái một trạc tuổi tôi, một còn bế trên tay mẹ.

Phần lễ của đám cưới đã xong, phục vụ chưa sắp cỗ, và những tiết mục ca hát chỉ vừa mới bắt đầu. Ông tôi, như tính ông vẫn thế, liếc nhìn lên sân khấu, bĩu môi: "Vớ vẩn cả!". Rồi ông lại cúi xuống, chậm rãi dò từng chữ trên quyển kịch mà ông mang theo người hôm ấy.

Tôi vốn ít bạn bè, ít ra ngoài, nay khi ngồi ngay bên cạnh một cô bạn gái xa lạ không thể nào tránh chút ngại ngùng. Nhất là khi cô ấy cứ nghiêng người về phía tôi... Chỉ khi ông ngẩng đầu lên, quát tôi một tiếng vì tội lóng nga lóng ngóng, tôi mới thấy cô nàng vội vã thu mình lại, ngồi gọn trên chiếc ghế của mình. À, ra là cô ấy nhìn ông tôi chứ chẳng phải nhìn tôi. Nhưng... Trên gương mặt cô là một nụ cười mỉm ánh lên một sự say mê kì lạ, và đôi mắt long lanh của cô cứ sáng như sao dưới ánh đèn hội trường hôm ấy. Để ý kĩ thêm chút nữa, tôi thấy ánh mắt cô ấy cứ chăm chăm dõi theo từng chữ trên quyển kịch. Tôi khẽ ngả người ra sau, tránh khỏi tình huống tréo ngoe giữa hai con người ngồi hai bên tôi; có lẽ làm vậy cũng giúp tôi quan sát được nhiều hơn và khiến cô gái kia thoải mái thêm đôi chút. Trong lúc chờ đợi, chẳng có việc gì làm, cô ấy xem ra chăm chú đọc lỏm quyển kịch của ông tôi lắm. Xem chừng cô nàng này không ít thì nhiều cũng ham thích sách truyện cũ, hay cụ thể hơn, mà cũng ít khả năng hơn, mê kịch chính thống - thứ có trong quyển sách của ông tôi.

Cô phục vụ đặt bát súp lên đĩa ăn của ông, làm nảy lên tiếng "cạch" nhẹ. Ông ngẩng đầu khỏi quyển kịch. Cái cử chỉ nhỏ của ông như có một phép màu, làm cô gái kia giật bắn mình. Cái đầu đang quay sang phía tôi, thân hình mảnh khảnh đang nghiêng sang chỗ tôi, đôi cánh tay đang bám vào thành ghế bỗng chốc rụt ngay lại như thể vừa trải qua một cơn điện giật. Đôi mắt cô khẽ giãn ra vì ngạc nhiên trong chưa đến một giây, rồi cụp xuống ngay tức khắc. Cô nàng vội quay về phía bát súp trước mặt mình, cầm thìa lên ăn từng chút nhỏ nhẹ, cố tỏ ra lịch sự như muốn bù lại cho những khoảnh khắc tò mò đôi chút kém duyên vừa rồi. Từ tốn là vậy, nhưng ánh mắt cô vẫn có gì sợ sệt, và tay cô nàng run lắm; một thìa súp nhỏ thôi, cô cũng để một hai giọt rơi ra đĩa ăn của mình. Còn ông tôi, ông chỉ từ từ quay sang nhìn cô gái, rồi lại quay về, tập trung vào những món ăn. Lạ lẫm thay, ông không nói bất kì một tiếng nào cả. Lắc đầu, hay bất kì một cử chỉ gì tỏ vẻ không vừa lòng, tôi đều không thấy. Và trong cái nhìn của ông đối với cô gái ấy, tôi lại bắt được một tia hài lòng... Với ai thì không biết, nhưng với ông tôi, thế này là lạ quá.

Đối tượng của ánh nhìn ấy là một cô thiếu nữ. Tôi chợt tự nhủ, có lẽ nào...

Thấy tôi cứ ngẩn người ra, ông tôi lại chầm chậm quay ra nhìn tôi đầy nghiêm khắc, nói khẽ với tôi bằng thứ giọng mà đến giờ tôi vẫn không quen nghe, vẫn làm tôi nổi da gà:

"Ăn đi cháu."

Thế là tôi bắt đầu dùng bữa. Đúng lúc ấy, như không chịu nổi nữa sau một ánh nhìn khắt khe nữa từ ông, cô gái đứng dậy ra ngoài. Trong khoảng thời gian ngắn trước khi cô quay lại, ông tôi quay sang hỏi thăm người bên cạnh ông, cũng là người bạn học cũ:

- Cháu nội ông đấy à? Trộm vía cô bé trông cũng thông minh, có tư chất phết nhỉ! Cháu năm nay lớp mấy rồi?

- Cháu gái lớn tôi đấy, còn kia là cháu nhỏ. - Ông già nọ chỉ sang phía bên kia bàn, nơi bé gái còn lại ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế cho người lớn - Cháu lớn học lớp chín ông ạ.

- À, lớp chín. Thế là bằng thằng cháu tôi rồi - Ông dịu dàng xoa đầu tôi, làm tôi nổi da gà thêm lần nữa - Bọn trẻ bây giờ thi cử mệt thật, ông nhỉ? Tôi dạy cấp ba, tôi biết mà. Thế cháu nhà ông định thi trường nào?

Bây giờ tôi đã hiểu đích xác cái ý nghĩa của những ánh mắt mà ông tôi dành cho cô gái. Và vì thế, dụng ý và câu trả lời ông tôi chờ đợi của những câu hỏi này đều đang được phơi bày ra trước mắt tôi... Câu trả lời của người ông kia lại thật trùng hợp thay:

- Cháu có vẻ thích trường S. chỗ ông lắm đấy. Có gì mạn phép nhờ ông vậy.

Người ông kia gật gù, còn ông tôi thì cười ha hả:

- Vâng, ông cố bảo ban cháu nhé. Tôi cũng đưa cháu nhà tôi vào trường S. học cho tiện cả hai ông cháu, ông ạ. Mong sẽ có dịp cháu chúng mình gặp lại nhau, ông nhỉ!

Cô gái quay trở lại bàn. Hai người ông, ai về việc nấy ngay tức khắc.

Vậy là ý ông tôi đã rõ. Và giờ tôi vừa dùng bữa, vừa cẩn trọng quan sát cô gái này, cố gắng không để cô nhận ra. Mãi tóc đen nhánh dài quá vai để tự nhiên, gương mặt không trang điểm. Mắt cô cận, phải đeo kính, nhưng không hề dại; trông mặt mà bắt hình dong không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nhìn vào đôi mắt nâu tinh anh ấy, tôi thấy một tương lai xán lạn, và đỗ vào trường S. cũng là một trong những dấu mốc khả năng khá cao sẽ tới trong đời cô mà thôi. Cô nàng khá biết ăn mặc - ít ra thì, một đứa ít tiếp xúc với bên ngoài như tôi thấy thế. Và đánh giá một người qua cách người đó ăn uống cũng quả thực là một mánh có hiệu quả khá cao. Cô ấy có vẻ như là một người lịch sự, biết cư xử đàng hoàng, dù mấy phút trước tôi chỉ vừa thấy cô ấy thất lễ và lo lắng, bồn chồn một cách bộp chộp, vội vàng ngay trước mặt mình.

Hóa ra mẫu người ông tôi tìm kiếm chính là đây. Chẳng đâu xa, nhưng ở một nơi mà ông tôi không hề ngờ đến...

Tới cuối buổi tiệc, tôi vẫn không biết tên cô ấy, dù biết rõ ý định của ông tôi, và từ những chuyện tôi đã kinh qua suốt mười lăm năm cuộc đời trong ngôi nhà của ông, tôi dễ dàng suy tính đến những gì có thể xảy ra với cô nếu như ông thật sự có được cô. Bởi vì dù sao, bấy giờ, cô ấy và tôi cũng chỉ như hai người qua đường. Giả như cô ấy có không may không trúng tuyển vào trường S., hay đỡ phỉ-phui-cái-miệng-tôi hơn một chút, đỗ nhưng không thích học, ông tôi vẫn có thể tìm cô thông qua người bạn học cũ kia. Còn tôi và cô, một chút liên quan lúc bấy giờ cũng còn chẳng có... Thật chưa đáng để tôi phải bận tâm lắm nhỉ.

Qua mùa hè, tôi trúng tuyển, và tôi đến lớp. Mọi sự khác đã có ông tôi - kiêm giáo viên dạy Văn của lớp - lo. Và bất ngờ thay, mà cũng chẳng quá bất ngờ, cô gái mà tôi gặp bốn tháng trước lại ngồi cách hai bàn từ chỗ ngồi mà tôi chọn. Trong thâm tâm, tôi thấy cơ sự này như đã được ông Trời sắp đặt, dù tôi dám chắc chắn bằng lý trí rằng chính ông tôi đã dàn xếp cuộc hội ngộ này của ba người.

Cô ấy tên Lê, một cái tên đẹp và lạ. "Cành lê trắng điểm một vài bông hoa". Loài hoa biểu tượng của mùa xuân trong thơ cổ, rực rỡ một cách nhẹ nhàng và thanh tao, mảnh mai, dễ rơi rụng, nhưng những cánh hoa rơi cũng muôn phần tinh nghịch.

Lê hôm ấy cũng chẳng kịp nhận ra và nhớ mặt ông tôi. Hoặc cô ấy xấu hổ nên chẳng dám gợi lại chuyện đó dù chỉ một lần. Nhưng ông, tất nhiên, nhớ Lê rõ lắm. Người biên kịch ưa thích sự hoàn hảo gặp cô gái mình tìm kiếm khi kế hoạch của mình diễn ra đúng như mong đợi, cô gái trẻ mê kịch lại được làm học trò của nhà biên kịch mình mến mộ bấy lâu. Hai người thường xuyên quan tâm nhau, và tỏ ra thân nhau rất nhanh. Tôi có để ý, Lê đôi lúc hơi sợ sệt thầy, và cũng chưa quen lắm với cách thầy ứng xử - chẳng lạ, vì đến tôi nhiều lúc cũng phải nổi da gà vì ông như thế. Còn ông tôi tuy khắt khe với tất cả học trò trong giảng dạy và cho điểm, kể cả với Lê, nhưng khi nói chuyện riêng với Lê, ông ít căng thẳng rõ ràng.

Lê không được tuyển vào Music Club trong đợt chọn thành viên thường niên. Tôi không thấy lạ, còn ông thì biết trước cả tôi nên khi nghe Lê nói cũng không lấy gì làm ngạc nhiên cho lắm. Và ông vẫn quan tâm Lê như trước, thậm chí còn sát sao hơn.

Xem ra, lần này ông tôi có vẻ kiên định cùng cô ấy rồi.

_________

Chú thích:

(*) Dân số Hà Nội tính đến đầu năm 2017 là 7 657 374 người. Kì thi tuyển sinh vào Trung học phổ thông Hà Nội năm 2017 có ≈ 76 000 thí sinh.

Continue Reading

You'll Also Like

39.9K 2.9K 56
13 chàng trai bị cuốn vào một cuộc đấu trí căng não bởi những món nợ khổng lồ. Ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng? Thể loại và lĩnh vực liên quan:...
1.1M 110K 74
Gần đây, hàng loạt vụ án mất tích đã xảy ra tại các thành phố trên khắp đất nước Đại Hàn Dân quốc. Điểm chung của những vụ án này là, qua hình ảnh mà...
655K 33.7K 16
tuy hơi ngốc một chút, nhưng là người yêu của trùm trường! viết: 21/7/2020 lúc: 23:23 Tác giả: uyen.m
1.7M 232K 200
ĐANG BETA LẠI TỪ ĐẦU Tác giả: Hồ Ngư Lạt Tiêu Tên cũ: Tôi Phong Thần Trong Trò Chơi Kinh Dị Tên fandom hay gọi: Kinh Phong Biên tập: Nhà số 611 Thể...