MacLenin

By TranNguyenLe

4.3K 6 0

More

MacLenin

4.3K 6 0
By TranNguyenLe

Chương mở đầu

NHẬP MÔN NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN

CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN

Thời lượng: 3 giờ tín chỉ

Mục tiêu của người học cần đạt được về kiến thức và kĩ năng:

- Nêu được khái niệm chủ nghĩa Mác - Lênin và 3 bộ phận cấu thành

- Hiểu được những điều kiện, tiền đề ra đời của chủ nghĩa Mác - Lênin

- Nắm được đối tượng, phương pháp, mục đích và yêu cầu nghiên cứu, học tập môn học

- Phân tích được vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn phong trào cách mạng thế giới

I. Khái lược về chủ nghĩa Mác - Lênin

1. Chủ nghĩa Mác - Lênin và ba bộ phận cấu thành của nó

a) Khái niệm Chủ nghĩa Mác - Lênin

Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học do C. Mác, Ph. Ăngghen sáng lập, được V.I. Lênin kế thừa, bảo vệ và phát triển trên cơ sở những giá trị tư tưởng nhân loại và tổng kết thực tiễn thời đại; là thế giới quan, phương pháp luận phổ biến của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng; là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức bóc lột, tiến tới giải phóng con người.

b) Ba bộ phận cơ bản cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin:

Triết học Mác - Lênin là bộ phận nghiên cứu quy luật vận động, phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; xây dựng thế giới quan, phương pháp luận chung nhất của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng.

Kinh tế chính trị học Mác - Lênin trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận Triết học Mác - Lênin là bộ phận nghiên cứu những quy luật kinh tế của xã hội, đặc biệt là những quy luật kinh tế của quá trình ra đời, phát triển, suy tàn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và sự ra đời, phát triển của phương thức sản xuất mới cộng sản chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội khoa học là kết quả của sự vận dụng thế giới quan, phương pháp luận Triết học, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin vào nghiên cứu và làm sáng tỏ những quy luật khách quan của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ba bộ môn lý luận cấu thành nên chủ nghĩa Mác - Lênin tuy đối tượng nghiên cứu cụ thể khác nhau nhưng đều nằm trong một hệ thống lí luận khoa học thống nhất về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người.

2. Khái lược quá trình hình thành và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin

a) Những điều kiện, tiền đề của sự ra đời chủ nghĩa Mác

Điều kiện kinh tế - xã hội

Cách mạng tư sản nổ ra ở châu Âu thế kỉ XVI mở đầu hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp phát triển. Chính cuộc cách mạng công nghiệp đã là động lực để chủ nghĩa tư bản Anh và Pháp trở thành những nước cường quốc từ thế kỉ XVIII. Nước Đức quân chủ cũng đã nung nấu một cuộc cách mạng tư sản. Cách mạng công nghiệp làm cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thể hiện tính hơn hẳn so với phương thức sản xuất phong kiến. C. Mác và Ph. Ăngghen đã đánh giá: "Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỉ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước cộng lại"1.

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đồng thời cũng tạo ra những khiếm khuyết cơ bản không thể khắc phục. Đó là các mâu thuẫn xã hội vốn có của chủ nghĩa tư bản ngày càng trở nên gay gắt; bất bình đẳng giữa các giai cấp, giữa các tầng lớp xã hội trở nên trầm trọng; phân hóa giàu nghèo ngày càng cao; người lao động bị bần cùng hóa ngày một phổ biến. Những căn bệnh xã hội nảy sinh phức tạp đã làm cho chủ nghĩa tư bản khủng hoảng về nhiều phương diện. Trong chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản không ngừng trưởng thành và giai cấp công nhân cũng phát triển gấp bội: đông đảo về đội ngũ, chặt chẽ về tổ chức và ý thức giai cấp tự giác tăng lên. Sự xuất hiện của giai cấp vô sản trên vũ đài lịch sử với tính cách là một lực lượng chính trị độc lập được coi là tiền đề xã hội quan trọng dẫn đế sự ra đời của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tiền đề lý luận

Nước Anh tiến hành cuộc cách mạng tư sản vào thế kỉ thứ XVII, nhưng giai cấp tư sản Anh rất cách mạng, chính vì vậy chủ nghĩa tư bản Anh phát triển nhanh. Đến thế kỉ XVIII, nước Anh đã trở thành một cường quốc và có thuộc địa ở tất cả các châu lục. Trên cơ sở đó, khoa kinh tế chính trị học đã ra đời. Nhiều nhà kinh tế tên tuổi xuất hiện như A. Smith, D. Ricardo. Tiếp thu những thành tựu lí luận này, những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã xây dựng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, coi các hình thái kinh tế - xã hội phát triển lịch sử - tự nhiên. Đồng thời đã luận chứng cho sự xuất hiện hợp quy luật của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn thấp là chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và tác động qua lại giữa quan điểm chính trị - xã hội và quan điểm triết học của Mác.

Cách mạng tư sản Pháp thắng lợi chậm hơn so với châu Âu tư bản. Song nước Pháp đã tạo tiền đề cơ bản để chủ nghĩa tư bản Pháp phát triển. Cũng như nước Anh tư bản, đến thế kỉ XVIII, nước Pháp đã có thuộc địa ở hầu hết các châu lục, là một trong các nước cường quốc thời bấy giờ. Chính những nhà lí luận này đã phản ánh khá trung thực tình hình kinh tế - xã hội của xã hội Pháp thời đó, nắm bắt được nguyện vọng của những người lao động là mong muốn thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một xã hội bình đẳng, văn minh, hạnh phúc. Xã hội tiến bộ đó được gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa.

Triết học cổ điển Đức với tính cách là nguồn gốc trực tiếp của lý luận triết học Mác. Nước Đức quân chủ run sợ trước các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu. Nhưng giai cấp tư sản Đức vẫn đang ngấm ngầm chuẩn bị cho một cuộc cách mạng vĩ đại. Mặt khác, nước Đức có truyền thống khoa học và lí luận nên chính triết học cổ điển Đức đã tạo cơ sở lí luận vững chắc cho cuộc cách mạng ở Đức. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng triết học duy vật của Feuerbach và hệ thống phép biện chứng duy tâm của Hegel đã tạo cơ sở lí luận cho triết học Mác ra đời.

Những tiền đề khoa học tự nhiên

Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng

Khoa học tự nhiên phát triển mạnh mẽ trong thời kì cận đại. Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng là một trong những đột phá của cơ học. Bản chất của định luật này cho rằng mọi vận động của vật chất đều sinh ra năng lượng. Năng lượng có thể chuyển hóa từ trạng thái sang trạng thái khác; trong quá trình đó nó được bảo toàn về mặt động năng. Chính định luật này chứng minh hùng hồn: tự nhiên mang bản chất biện chứng; các trạng thái của vật chất có mối quan hệ với nhau; tự nhiên là không ngừng biến đổi; sự biến đổi của tự nhiên là tự nó. Mặt khác, định luật này là cơ sở để những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác khái quát: vật chất luôn luôn vận động vì mọi trạng thái của vật chất luôn luôn tỏa ra năng lượng.

Học thuyết thế bào

Học thuyết tế bào là một đột phá vào cấu trúc của vật chất. Theo học thuyết tế bào, mọi vật chất hữu cơ đều có cấu trúc tế bào, các tế bào của các trạng thái vật chất hữu cơ đều có cấu tạo giống nhau; sự phát triển của các trạng thái vật chất hữu cơ là do sự phát triển của tế bào bằng cách tự phân đôi tế bào để có quá trình phát triển từ đơn bào đến đa bào, từ động vật bậc thấp đến động vật bậc cao và đến con người. Tế bào của các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ các hợp chất vô cơ. Phát minh này không chỉ đột phá trong sinh học mà còn là cơ sở vững chắc cho triết học duy vật biện chứng khái quát thành những luận điểm khoa học của mình.

Học thuyết tiến hóa

Nhận thức về sự tiến hóa của vật chất nói chung và của con người nói riêng xuất hiện từ thời cổ đại. Khi Darwin hoàn thiện học thuyết của mình thì khoa học mới có cơ sở để khẳng định: sinh vật là quá trình tiến hóa không ngừng theo nguyên tắc thích nghi và đào thải; tức là những trạng thái nào, những yếu tố nào của vật chất phù hợp với quá trình tiến hóa sẽ được giữ lại, nếu không phù hợp sẽ bị gạt bỏ. Học thuyết tiến hóa là cơ sở để triết học Mác khẳng định: vật chất nói chung, sinh vật nói riêng có quá trình phát triển, biến đổi không ngừng; đó là quá trình tự hoàn thiện phù hợp với điều kiện và môi trường sống của các loài vật. Trong triết học gọi đó là phát triển; tức là quá trình vận động từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn.

b) C. Mác và Ph. Ăngghen với quá trình hình thành và phát triển chủ nghĩa Mác

(C. Mác 5-5-1818 - 14-3-1883 và Ph. Ăngghen 28-11-1820 - 5-8-1895)

C. Mác và Ph. Ăngghen với quá trình hình thành chủ nghĩa Mác

Sự chuyển biến về thế giới quan triết học diễn ra từng bước thông qua việc phê phán nhà nước hiện thực với nhà nước pháp quyền của Hegel. Thông qua thực tiễn, C. Mác tiến hành phê phán chủ nghĩa duy tâm triết học của Hegel, tiếp thu và phê phán triết học duy vật của Feuerbach để hình thành quan điểm duy vật.

Bước chuyển được hoàn thành căn bản vào khoảng tháng 2-1844 bởi các bài báo đăng trên Niên giám Pháp - Đức: Bàn về vấn đề Do Thái; Bàn về triết học pháp quyền của Hê-ghen, Lời nói đầu của C. Mác và các bài báo của Ph. Ăngghen gửi từ Mansetxtơ (Anh): Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, Tình cảnh nước Anh, Tômát Cáclây, Quá khứ và hiện tại.

Từ năm 1844 đến 1848, C. Mác và Ph. Ăngghen từng bước xây dựng những nguyên lí triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thể hiện trong tác phẩm sau đây: Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 Phê phán cơ sở duy tâm về lịch sử của phái "Hegel trẻ", đề xuất những quan niệm duy vật trong tác phẩm Gia đình thần thánh.

- Phê phán tính không triệt để của các nhà duy vật trước kia, kể cả chủ nghĩa duy vật của Feuerbach, kẳng định vai trò của thực tiễn đối với nhận thức trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức.

- Đề xuất những nguyên lí triết học trong tác phẩm Sự khốn cùng của triết học.

- Mác đưa ra con đường khắc phục "sự tha hóa" bằng việc xoá bỏ tư hữu, xây dựng chế độ công hữu trong chủ nghĩa cộng sản - tư tưởng cách mạng xã hội để chuyển biến các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử, trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844.

- Tư tưởng cách mạng vô sản và vai trò của cách mạng vô sản đối với sự tiến bộ xã hội trong tác phẩm Gia đình thần thánh.

- Tiền đề của quá trình phát triển xã hội là con người, sản xuất vật chất là cơ sở của sự tiến bộ lịch sử, của sự biến đổi các hình thái kinh tế - xã hội, phê phán quan niệm duy tâm về chủ nghĩa cộng sản mà Feuerbsch cũng như các nhà luận thời đó quan niệm trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức.

- Trình bày hệ thống 3 bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác, quan niệm duy vật toàn bộ đời sống xã hội, học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848.

C.Mác và Ph.Ăngghen với quá trình phát chủ nghĩa Mác

Tổng kết thực tiễn và các thành tựu khoa học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển lý luận. Giai đoạn này được tính từ sau năm 1848 trở đi.

- Quá trình sản xuất vật chất là quá trình chủ yếu của xã hội loài người. Quá trình này làm xuất hiện các quan hệ xã hội của con người, xuất hiện quan hệ sản xuất trong các tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp, Ngày mười tám tháng Sương mù của Lui Bônapáctơ, Nội chiến ở Pháp, Phê phán cương lĩnh Gôta.

- Phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử (trong bộ Tư bản).

- Phát triển lý luận về nhà nước và cách mạng, về tính tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp trong Nội chiến ở Pháp.

- Xây dựng học thuyết duy vật dưới dạng hệ thống thông qua sự phát triển của khoa học tự nhiên trong các tác phẩm Chống Đuyrinh, Biện chứng của tự nhiên, Lutvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức.

+ Phân tích nguồn gốc và động lực phát triển xã hội và khả năng phát triển cũng như thái độ của lực lượng động lực cách mạng với giai cấp trung gian, bổ sung lý luận và cách mạng xã hội trong tác phẩm Cách mạng và phản cách mạng ở Đức.

+ Xây dựng hệ thống chủ nghĩa Mác: triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học trong tác phẩm Chống Đuyrinh.

+ Phát triển phép biện chứng duy vật trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên.

+ Phân tích quá trình phát triển của sản xuất vật chất là nguồn gốc hình thành giai cấp, sở hữu tư nhân, nhà nước, chế độ phân chia giai cấp trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu và của nhà nước.

c) Giai đoạn V.I Lênin với bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới

Phát triển thông qua cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác đặc biệt trong hoàn cảnh "cuộc khủng hoảng tư tưởng" ở nước Nga sau cuộc cách mạng 1905 - 1907.

- Lê-nin phê phán quan điểm duy tâm chủ quan về lịch sử của những nhà dân tuý, bảo vệ quan điểm duy vật lịch sử của triết học Mác.

+ Thông qua tác phẩm "Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống chủ nghĩa dân tuý ra sao".

+ Tác phẩm "Nội dung kinh tế của chủ nghĩa dân tuý và sự phê phán trong cuốn sách của ông Xtơruvê về nội dung đó".

- Phát triển thêm quan điểm duy vật lịch sử thông qua lý luận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác.

- Tác phẩm "Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán" với các nội dung sau:

+ Phê phán nhận thức luận duy tâm của chủ nghĩa Ma-khơ: Chủ nghĩa tượng trưng; Chủ nghĩa kinh nghiệm; Chủ nghĩa bất khả tri.

+ Khẳng định: thế giới tồn tại khách quan là đối tượng của nhận thức; con người có khả năng nhận thức thế giới; quá trình nhận thức thông qua hoạt động thực tiễn.

+ Đưa ra định nghĩa phạm trù vật chất đã khắc phục được cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa duy vật cũng như cuộc khủng hoảng trong vật lí học cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

+ Phát triển lý luận nhận thức duy vật của triết học Mác: hai giai đoạn của quá trình nhận thức, thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức.

+ Phương pháp phân tích "cuộc khủng hoảng vật lí có ý nghĩa phương pháp luận đối với quá trình nghiên cứu khoa học nói chung và với sự phát triển của vật lí học nói riêng.

d) Chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn phong trào cách mạng thế giới

Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời đã ảnh hưởng lớn lao đến phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Công xã Paris 1871 có thể coi là sự kiểm nghiệm đầu tiên đối với tư tưởng của chủ nghĩa Mác.

Tháng 8 năm 1903, chính đảng vô sản đầu tiên của giai cấp công nhân được thành lập (Đảng Bônsêvic Nga).

Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 đã mở ra một kỉ nguyên mới cho nhân loại, chứng minh tính hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin trong lịch sử. Năm 1917, Quốc tế Cộng sản được thành lập. Năm 1922, Liên bang Xô viết ra đời, đánh dấu sự liên minh giai cấp công nhân trong nhiều quốc gia, dân tộc. Kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, hình thành cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa do Liên xô dẫn đầu.

Những sự kiện trên đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân toàn thế giới, thức tỉnh phong trào đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa. Vai trò định hướng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đem lại những thành quả lớn lao cho sự nghiệp vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ở Việt Nam hiện nay, về tư tưởng, Đảng ta đã khẳng định: "Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận"1.

II. Đối tượng, mục đích và yêu cầu về phương pháp học tập, nghiên cứu môn học

1. Đối tượng và phạm vi học tập, nghiên cứu

Đối tượng học tập, nghiên cứu: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là những quan điểm nền tảng, mang tính chân lý bền vững của chủ nghĩa Mác Lênin trong phạm vi 3 bộ phận cấu thành:

Phạm vi nghiên cứu của triết học bao gồm những quy luật chung nhất của sự vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; nhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận vận dụng trong đời sống xã hội.

Kinh tế - chính trị tâp trung nghiên cứu các học thuyết giá trị, giá trị thặng dư, chủ nghĩa tư bản độc quyền và độc quyền nhà nước, khái quát những quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản.

Chủ nghĩa xã hội khoa học chủ yếu nghiên cứu học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và những vấn đề có tính quy luật về chính trị - xã hội trong quá trình hình thành, phát triển hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

2. Mục đích và yêu cầu về mặt phương pháp học tập, nghiên cứu

a) Mục đích của việc học tập, nghiên cứu

- Học tập, nghiên cứu "Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin" nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và vận dụng sáng tạo những nguyên lý đó trong hoạt động nhận thức và thực tiễn.

-" Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin" là cơ sở lý luận quan trọng nhất của Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Môn học giúp sinh viên hiểu rõ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam

- Cơ sở để xây dựng niềm tin, lý tưởng cho sinh viên hiện nay.

b) Một số yêu cầu cơ bản về mặt phương pháp học tập, nghiên cứu

- Cần tuân thủ nguyên tắc gắn những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn của đất nước và thời đại.

- Tránh kinh viện, giáo điều trong quá trình học tập, nghiên cứu và vận dụng các nguyên lý cơ bản đó trong thực tiễn.

- Thấy được mối quan hệ của ba bộ phận cấu thành, sự thống nhất và nhất quán của chủ nghĩa Mác- Lênin, đồng thời nhận thức các nguyên lý đó trong tiến trình phát triển của lịch sử tư tưởng nhân loại.

Câu hỏi ôn tập

1. Phân tích những điều kiện kinh tế- xã hội, tiền đề lý luận và khoa học tự nhiên dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa Mác - Lênin?

2. Khái quát các giai đoạn hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác?

3. Vai trò của V.I. Lênin trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác?

4. Vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng thế giới?

Phần thứ nhất

THẾ GIỚI QUAN VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN TRIẾT HỌC

CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN

Thế giới quan và phương pháp luận triết học là bộ phận lý luận nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin; là sự kế thừa và phát triển những thành quả vĩ đại nhất của tư tưởng triết học trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là triết học cổ điển Đức. C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã phát triển chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng đến trình độ sâu sắc nhất và hoàn bị nhất, đó là: chủ nghĩa duy vật biện chứng với tư cách là hạt nhân lý luận của thế giới quan khoa học; là phép biện chứng duy vật với tư cách "học thuyết về sự phát triển, dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và không phiến diện, học thuyết về tính tương đối của nhận thức của con người.

Việc nắm vững những nội dung cơ bản của thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác-Lênin chẳng những là điều kiện tiên quyết để nghiên cứu toàn bộ hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn là để vận dụng nó một cách sáng tạo trong hoạt động nhận thức khoa học, giải quyết những vấn đề cấp bách của thực tiễn đất nước và thời đại.

Chương I:

CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG

Thời lượng: 7 giờ tín chỉ (4 lý thuyết, 2 thảo luận, 1 tự học)

Mục tiêu của người học cần đạt được về kiến thức và kĩ năng:

- Nắm được vấn đề cơ bản của triết học và sự đối lập giữa chủ nghĩa duy vật, duy tâm trong việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học

- Hiểu được quan điểm duy vật biện chứng về vật chất, ý thức và mối quan hệ giữa vật chất, ý thức

- Vận dụng các kiến thức về chủ nghĩa duy vật biện chứng trong việc xử lí các tình huống của hoạt động thực tiễn, tránh quan điểm chủ quan duy ý chí

I. Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy vật biện chứng

1. Vấn đề cơ bản của triết học và sự đối lập giữa chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm trong việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học

Vấn đề cơ bản lớn nhất của mọi triết học, đặc biệt là triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại1.

Nội dung vấn đề cơ bản của triết học và ý nghĩa vấn đề cơ bản của triết học:

Mặt thứ nhất vấn đề cơ bản của triết học là làm rõ giữa vật chất và ý thức cái nào có trước, cái nào có sau; cái nào quyết định, cái nào phụ thuộc. Khi giải quyết vấn đề này, triết học có hai trường phái cơ bản: nhất nguyên luận duy vật và nhất nguyên luận duy tâm, ngoài ra còn có trường phái thứ ba là nhị nguyên luận.

- Vấn đề cơ bản của triết học là cơ sở để phân biệt các trường phái triết học, nhận biết các quan điểm triết học và các nhà triết học: Trong lịch sử triết học, các nhà triết học có thể chỉ giải quyết những vấn đề riêng biệt, nhưng thực chất ở mức độ này hay mức độ khác họ đều tập trung giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa tồn tại và tư duy. Cách giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức của họ là cơ sở phân biệt trường phái duy vật hay duy tâm. Mặt khác, không phải bất kì một nhà triết học duy vật nào cũng hoàn toàn duy vật. Họ cũng có những quan niệm duy tâm và ngược lại, các nhà duy tâm cũng vậy. Do đó, khi đánh giá luận điểm nào đó là duy vật hay duy tâm phải trên cơ sở giải quyết vấn đề cơ bản của triết học. Một nhà triết học duy vật hay duy tâm cũng phụ thuộc vào việc hệ thống triết học cơ bản của họ giải quyết mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại, giữa vật chất và ý thức. Ngày nay, triết học giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức theo quan điểm quyết định luận, nhưng thực chất nó vẫn không vượt ra khỏi vấn đề cơ bản của triết học.

- Vấn đề cơ bản của triết học là cơ sở để giải quyết những vấn đề khác của triết học: Triết học không chỉ có vấn đề mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại mà còn giải quyết những vấn đề khác của đời sống thực tiễn. Những vấn đề của nhận thức luận, nhà nước, con người, được các nhà triết học giải quyết trên cơ sở vấn đề cơ bản của triết học.

- Trường phái nhất nguyên luận duy vật: trường phái này cho rằng vật chất tồn tại khách quan, ý thức là quá trình phản ánh hiện thực khách quan. Vật chất quyết định ý thức. Trong trường phái này, có ba hình thức cơ bản là: chủ nghĩa duy vật chất phác, chủ nghĩa duy vật siêu hình và chủ nghĩa duy vật biện chứng.

- Trường phái nhất nguyên luận duy tâm: Trường phái này cho rằng ý thức (với nhiều hình thức biểu hiện khác nhau) có trước, vật chất là sự biểu hiện cụ thể của ý thức, vật chất có sau, vật chất phụ thuộc ý thức. Trong trường phái này, có hai hình thức là: chủ nghĩa duy tâm khách quan và chủ nghĩa duy tâm chủ quan.

+ Chủ nghĩa duy tâm khách quan: cho rằng tinh thần khách quan dưới các hình thức ý niệm, tinh thần tuyệt đối, lí tính thế giới, v.v. có trước và tồn tại độc lập với con người.

+ Chủ nghĩa duy tâm chủ quan: thừa nhận ý thức con người là tính thứ nhất. Họ phủ nhận sự tồn tại của hiện thực khách quan và coi thế giới chỉ là sự sáng tạo, là phức hợp các cảm giác của con người, của cá nhân, của chủ thể.

Như vậy, chủ nghĩa duy tâm dưới hình thức này hay hình thức khác đều thừa nhận sự sáng tạo ra thế giới bởi một lực lượng siêu nhiên. Chủ nghĩa duy tâm thường được tôn giáo sử dụng làm cơ sở lý luận để củng cố lòng tin, tín ngưỡng, mặc dù giữa chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo có sự khác nhau căn bản. Chủ nghĩa duy tâm là sự tuyệt đối hoá nhận thức của con người, đồng thời là sự đề cao lao động trí óc đối với lao động chân tay. Chính vì vậy mà chủ nghĩa duy tâm thường được các giai cấp thống trị lỗi thời ủng hộ, sử dụng làm nền tảng lí luận cho những quan điểm chính trị - xã hội của mình.

- Trường phái nhị nguyên luận:

Quan điểm của trường phái này cho rằng có hai thực thể tồn tại khách quan, không phụ thuộc nhau, mỗi thực thể quyết định mỗi lĩnh vực. thực thể tinh thần quyết định ý thức; thực thể vật chất quyết định thế giới vật thể. Trường phái nhị nguyên luận có xu hướng điều hoà giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm nhưng về bản chất chủ nghĩa nhị nguyên theo khuynh hướng duy tâm là cơ bản.

Mặt thứ hai vấn đề cơ bản của triết học

Giải quyết mặt thứ hai vấn đề cơ bản của triết học, triết học chia ra hai phái cơ bản: phái thừa nhận khả năng nhận thức và phái phủ nhận hoặc hoài nghi khả năng nhận thứccủa con người:

- Trường phái khả tri: Trường phái này cho rằng, con người có khả năng nhận thức được bản chất của thế giới; khả năng này là vô hạn; chỉ có một số sự vật, hiện tượng con người chưa biết chứ nhất thiết không thể không biết. Quá trình nhận thức của con người sẽ khắc phục được hạn chế này. Quá trình đó diễn ra vô tận, vì thế mà con người có khả năng nhận thức được chân lí khách quan.

- Trường phái bất khả tri: hay còn gọi là hoài nghi luận và thuyết không thể biết. Trường phái này cho rằng, con người không có khả năng nhận thức được bản chất của thế giới. Con người chỉ nhận thức được hiện tượng của thế giới, nhưng khả năng này là hữu hạn. Họ có lí vì nhận thức của con người vừa tuyệt đối vừa tương đối. Tính tương đối của nhận thức dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa hoài nghi. Hoài nghi là một trong những yếu tố để đạt đến chân lí. Nhưng chủ nghĩa hoài nghi là một trong những yếu tố kìm hãm khả năng nhận thức của con người. Thuyết không thể biết là sự cực đoan hoá tính tương đối của nhận thức. Nó triệt tiêu động lực của quá trình nhận thức, dẫn đến sự bất lực của con người trước thế giới.

2. Các hình thức phát triển của chủ nghĩa duy vật trong lịch sử

Chủ nghĩa duy vật chất phác: hình thức duy vật sơ khai của các nhà triết học duy vật thời cổ đại. Thời kì này, về cơ bản triết học đồng nhất vật chất với một trạng thái nào đó của vật chất. Tuy còn mang tính trực quan nhưng cơ bản là đúng và vượt lên quan điểm của thần học hay tôn giáo.

Chủ nghĩa duy vật siêu hình: được thể hiện chủ yếu ở các nhà triết học duy vật thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII. Do ảnh hưởng của cơ học cổ điển, chủ nghĩa duy vật thời kì này chịu sự chi phối của phương pháp tư duy siêu hình - máy móc. Họ nhìn thế giới như một cổ máy khổng lồ, luôn luôn ở trong trạng thái biệt lập và tĩnh tại. Mặc dù không phản ánh đúng hiện thực nhưng chủ nghĩa duy vật siêu hình đã góp phần chống lại thế giới quan duy tâm và tôn giáo.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng: Do C. Mác và Ph. Ăngghen xây dựng vào những năm 40 của thế kỉ XIX; được V.I. Lênin bảo vệ và phát triển trong điều kiện lịch sử mới. Chủ nghĩa duy vật biện chứng là sự kế thừa những tinh hoa của khoa học tự nhiên, của triết học, của kinh tế chính trị học, của tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng, đã khắc phục được những hạn chế của chủ nghĩa duy vật chất phác, chủ nghĩa duy vật siêu hình; nó trở thành công cụ cho quá trình nhận thức và hoạt động của lực lượng tiến bộ lịch sử.

Triết học ra đời không phải vì có nhà nước và giai cấp, nhưng những nguyên lí của triết học có thể đạt đến tri thức khoa học hay tri thức tư biện. Chính vì vậy, các giai cấp thống trị thường lợi dụng triệt để thành tựu đó của triết học để làm cơ sở lý luận cho chính sách cai trị của họ. Chủ nghĩa duy vật thường được các giai cấp thống trị tiến bộ sử dụng như một yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần của xã hội. Ngược lại chủ nghĩa duy tâm thường được các giai cấp thống trị lỗi thời lợi dụng để chứng minh cho sự tồn tại hợp lí của họ.

II. Quan điểm duy vật biện chứng về vật chất, ý thức và các mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

1. Vật chất

a) Phạm trù vật chất trong lịch sử triết học.

Thời kì Hi lạp - La mã cổ đại: Talét: nước; Anaximen: không khí; Hêraclit: lửa; Ămpêđoclơ: đất, nước lửa và không khí; Anaximendơrơ: A-pei-ro; Lơxip và Đêmôcrit: nguyên tử; Arixtốt: đất, nước, lửa, không khí và ê-te.

Quan niệm của triết học Trung Hoa cổ đại: coi khí là thực thể của thế giới; Ngũ hành: Kim, Mộc,Thuỷ, Hoả, Thổ tương sinh, tương khắc tạo nên sự đa dạng, phong phú của thế giới.

Quan niệm của triết học Ấn Độ cổ đại: Phái Nyaya - Vaisêsika: coi nguyên tử (Paramanu) là thực thể của thế giới.

Thời kì cận đại:

- Phranxi Bêcơn (Anh): Vật chất tồn tại khách quan, vật chất là tổng hợp các hạt, có hình thức và vận động là thuộc tính của vật chất.

- Pierơ Gát Xănđi (Italia): vật chất gồm những nguyên tử có đặc tính tuyệt đối: kiên cố và không thấm qua.

- Đêcáctơ (Pháp): Vũ trụ là vật chất gồm những hạt nhỏ có thể phân chia đến vô tận, luôn vận động và thay đổi vị trí trong không gian.

- Xpinôza (Hà Lan): Tự nhiên là nguyên nhân (causasui) tự nó. Thực thể là thống nhất; vật hữu hạn vô tận.

- Điđrô (Pháp): vũ trụ là vật chất, tự nó. Bản tính cố hứu của vật chất là vận động, đứng yên là dạng vận động. Vận động sẽ giúp giới tự nhiên ngày càng hoàn thiện đồng thời đào thải những gì không phù hợp.

- Hônbách (Pháp): Vật chất là những gì mà bằng cách nào đó tác động vào cảm giác của chúng ta.

Do khoa học thời kì này chỉ cơ học phát triển nên họ đồng nhất vật chất với khối lượng, vận động chỉ là sự di chuyển vị trí trong không gian. Họ cũng coi nguyên tử là phần tử nhỏ bé nhất không thể phân chia và tách rời nguyên tử với vận động.

Cuộc khủng hoảng phạm trù vật chất cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX:

- Năm 1895: W.Rơnghen ( 1845 - 1923) phát hiện tia X

- Năm 1896: Hiện tượng phóng xạ được phát hiện bởi H.Béccơnen (1852 -1908)

- Năm 1897: Điện tử được phát minh bởi J.J.Tômxơn (1856 - 1940)

Các phát minh trên đã tấn công vào phạm trù vật chất của các nhà triết học duy vật - phạm trù nền tảng của chủ nghĩa duy vật, tức là nguyên tử không phải là phần tử nhỏ bé nhất không thể phân chia và khối lượng không phải bất biến. Các nhà triết học duy tâm khẳng định vật chất biến mất, thế giới chỉ còn lại những khái niệm.

- Định nghĩa vật chất của V.I. Lê-nin:"Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác"1.

Nội dung định nghĩa:

- Vật chất là phạm trù của triết học

+ Phạm trù triết học là phạm trù bao trùm nhất, rộng nhất.

+ Phạm trù vật chất mà các khoa học cụ thể sử dụng chỉ là một trong những trạng thái của vật chất hay mang tính vật thể, không mang nghĩa phạm trù vật chất của triết học.

- Vật chất tồn tại khách quan được cảm giác

+ Tồn tại tự nó, không do ai sáng tạo ra, không mất đi, có thể chuyển hoá từ trạng thái này sang trạng thái khác.

+ Tồn tại trước con người, trước ý thức của chúng ta.

+ Vật chất tồn tại vừa mang tính trừu tượng, vừa có nội dung cảm tính.

+ Khi các trạng thái của vật chất tác động đến các giác quan thì tạo nên cảm giác cho con người.

- Ý thức là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ óc người thông qua các giác quan, nếu các giác quan của con người bình thường, góc phản ánh tương ứng thì hình ảnh của sự vật tác động không phụ thuộc vào cảm giác.

- Con người có khả năng nhận thức được thế giới: vì thế giới vật chất tồn tại khách quan khi tác động vào các giác quan thì tạo nên cảm giác để làm cơ sở cho quá trình hình thành tri thức. Quá trình đó diễn ra vĩnh viễn nên con người có khả năng nhận thức được thế giới.

Ý nghĩa của định nghĩa

- Khắc phục được tính trực quan, siêu hình của các nhà triết học duy vật thời cổ đại cũng như thời cận đại.

- Khẳng định quan điểm vô thần, chống lại các quan điểm duy tâm, thần học, tôn giáo về sự hình thành thế giới vật chất.

- Giải quyết vấn đề cơ bản của triết học theo quan niệm duy vật một cách triệt để: duy vật cả lĩnh vực vật chất cả lĩnh vực tinh thần, ý thức.

- Đưa ra một phương pháp định nghĩa mới: định nghĩa vật chất thông qua mặt đối lập là ý thức.

- Mở đường cho khoa học phát triển: đối tượng của của khoa học là thế giới vật chất tồn tại vô cùng, vô tận, vĩnh viễn trong thời gian và không gian.

b) Phương thức và hình thức tồn tại của vật chất:

Vật chất và vận động

Theo Ph. Ăngghen: "Vận động hiểu theo nghĩa chung nhất bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản đến tư duy"1.

- Tính chất của vận động: tự vận động

+ Các trạng thái của vật chất đều có cấu trúc

+ Các bộ phận của vật chất đều tác động làm biến đổi dẫn đến vận động.

+ Vận động vừa có hướng vừa vô hướng.

+ Vận động vĩnh viễn, vô điều kiện.

+ Đứng im là một trạng thái của vận động: vận động trong thế cân bằng, đứng im có điều kiện, tạm thời, tương đối.

- Vận động là một trong những thuộc tính cơ bản của vật chất: mọi vận động đều là vận động của vật chất, không có vật chất không vận động và cũng không có vận động nào không phải của vật chất. Vật chất tồn tại thông qua vận động.

- Các hình thức của vận động: có mối liện hệ với nhau. Tuỳ cấu trúc của các trạng thái vật chất mà có hình thức vận động tương ứng. Các trạng thái vật chất có cấu trúc phức tạp và cao hơn bao gồm các dạng vận động thấp hơn.

+ Vận động cơ học: chuyển dịch vị trí trong không gian

+ Vận động lí học: sự tương tác giữa các điện tử, giữa các nguyên tử.

+ Vận động hoá học: sự hoá hợp và phân giải của các hợp chất, của các phân tử.

+ Vận động sinh học: sự tương tác giữa quá trình đồng hoá và quá trình dị hoá của các cơ thể sinh vật.

+ Vận động xã hội: sự tác động giữa các cá nhân trong cộng đồng thông qua các mối quan hệ xã hội làm biến đổi hình thái kinh tế - xã hội.

Không gian và thời gian:

Quan niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng:

- Không gian là để chỉ trật tự cùng tồn tại, thời gian là chỉ quá trình của vật chất.

- Không gian và thời gian là những phương thức tồn tại của vật chất. Không gian và thời gian tồn tại khách quan. Vật chất tồn tại trong không gian và thời gian, không có vật chất tồn tại ngoài không gian và thời gian, cũng như không có không gian và thời gian tồn tại ngoài vật chất.

- Không gian có ba chiều: chiều dài, chiều rộng và chiều cao; vô cùng, vô tận, cả vĩ mô lẫn vi mô. Thời gian chỉ có một chiều: từ quá khứ đến tương lai; vĩnh viễn cả về quá khứ, cả về tương lai.

- Không gian và thời gian có tính thống nhất: không có thời gian tách khỏi không gian, ngược lại, không có không gian tách khỏi thời gian.

c) Tính thống nhất vật chất của thế giới

Nội dung quan điểm về tính thống nhất của thế giới

Chỉ có một thế giới duy nhất đó là thế giới vật chất. Thế giới này thống nhất ở tính vật chất:

+ Thế giới vật chất tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người.

+ Thế giới vật chất là một thể thống nhất và có mối liên hệ khách quan, phổ biến.

+ Thế giới vật chất tồn tại vĩnh viễn, vô hạn và vô tận và tự nó.

+ Các trạng thái vật chất có thể chuyển hoá lẫn nhau.

+ Sự phát triển của khoa học đã bác bỏ quan niệm của chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo về nguồn gốc của vật chất, chứng minh tính chân lí quan niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Ý nghĩa phương pháp luận

- Cơ sở để hình thành thế giới quan duy vật và khoa học.

- Cơ sở để nhận thức và cải tạo thế giới một cách khách quan và khoa học.

2. Ý thức

Theo quan niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng: ý thức là quá trình tâm lí tích cực, phản ánh hiện thức khách quan thông qua các giác quan di chuyển đến bộ não người để xử lí, khái quát thành tri thức

a) Nguồn gốc của ý thức

Nguồn gốc tự nhiên của ý thức

- Quá trình phản ánh của vật chất:

+ Phản ánh là một trong những thuộc tính cơ bản của vật chất, là khả năng lưu giữ và tái hiện sự tác động của trạng thái vật chất này lên trạng thái vật chất khác trong quá trình tồn tại, vận động và biến đổi của chúng.

+ Sự phát triển của quá trình phản ánh của vật chất là cơ sở để hình thành ý thức, hình thành tri thức: phản ánh cơ học, phản ánh kích thích, phản ánh cảm ứng, phản ánh tâm lí, phản ánh ý thức.

- Bộ óc của con người:

+ Bộ óc của con người là kết quả của quá trình tiến hoá lâu dài của sinh vật bậc cao, cơ quan trung ương của hệ thần kinh ở con người. Nó có nhiệm vụ thu thập, phân tích, xử lí và điều khiển hoạt động của con người.

+ Bộ óc con người thu nhận những phản ánh từ các giác quan để phân tích, lọc bỏ, khái quát thành ý thức, thành tri thức.

Nguồn gốc tự nhiên là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hình thành ý thức.

Nguồn gốc xã hội của ý thức

- Lao động là một trong những nguồn gốc xã hội để hình thành ý thức:

+ Lao động là quá trình con người tác động vào tự nhiên để tạo ra sản phẩm nhằm thoả mãn nhu cầu của con người.

+ Lao động không chỉ là phương thức tồn tại của con người mà còn phương thức sáng tạo và hoàn thiện con người, hoàn thiện các giác quan để tăng khả năng phản ánh.

+ Lao động còn là phương thức để nắm bắt cấu trúc, hiểu các mối quan hệ của các trạng thái vật chất. Trên cơ sở đó để hình thành tri thức.

+ Lao động còn tạo ra những phương tiện để tăng khả năng phản ánh của con người, nhờ đó mà tri thức ngày càng đầy đủ và phong phú hơn.

- Ngôn ngữ là một trong những nguồn gốc xã hội để hình thành ý thức

+ Ngôn ngữ là hệ thống những kí hiệu do con người sáng tạo ra để giao tiếp và trao đổi thông tin.

+ Ngôn ngữ bao gồm tiếng nói, chữ viết và một số kí hiệu khác

+ Chức năng của ngôn ngữ: giao tiếp, trao đổi thông tin, công cụ của tư duy; mọi thành tựu của tư tuy đều được thể hiện bằng ngôn ngữ.

Nguồn gốc xã hội là điều kiện đủ để hình thành ý thức. Nguồn gốc tự nhiên của ý thức mang tính tự nó, để hình thành ý thức không thể không có nguồn gốc tự nhiên, nhưng chỉ có nguồn gốc tự nhiên thì ý thức cũng không được hình thành, mà nhất thiết phải có nguồn gốc xã hội. Chính vì vậy, hoạt động lao động của con người càng phong phú, đa dạng, phức tạp; ngôn ngữ càng hoàn thiện thì ý thức càng đầy đủ và sâu sắc.

b) Bản chất và kết cấu của ý thức

Bản chất của ý thức

- Nội dung của ý thức là phản ánh hiện thực khách quan.

- Hình thức của ý thức mang tính chủ quan. Tức là ngôn ngữ phản ánh và chủ thể phản ánh mang tính chủ quan.

Tính sáng tạo của ý thức.

- Ý thức không chỉ phản ánh trung thực mà còn phản ánh một cách sáng tạo hiện thực khách quan. Phản ánh sáng tạo là dựa trên những tư liệu, những qui luật vận động, phát triển của các trạng thái vật chất để dự báo sự tồn tại của chúng trong những điều kiện không gian và thời gian nhất định. Tính chân lí của sự phản ánh sáng tạo này được thực tiễn chứng minh.

- Ý thức còn chủ động tác động vào hiện thực khách quan, tìm phương pháp thích hợp để phản ánh hiện thực khách quan.

Tính xã hội của ý thức.

- Ý thức phản ánh hiện thực khách quan trên cơ sở kế thừa thành tựu ý thức của các thế hệ trước, sử dụng các phương tiện, phương pháp, ngôn ngữ xã hội để phản ánh, là sự nổ lực của một số thành viên của cộng đồng, vì vậy kết quả phản ánh mang tính xã hội sâu sắc.

- Nhu cầu hoạt động của xã hội là động lực cho quá trình phản ánh, cho ý thức hình thành.

- Mọi thành tựu của ý thức (dưới dạng tri thức khoa học, công nghệ) là sản phẩm của xã hội, phải được xã hội kiểm nghiệm và sử dụng.

Tính trừu tượng của ý thức.

- Phương tiện phản ánh của ý thức là ngôn ngữ mang tính trừu tượng.

- Kết quả phản ánh của ý thức mang tính khuynh hướng, không hoàn toàn trùng khít với hiện thực khách quan, khi nhận thức phải có tính trừu tượng hoá cao.

- Phản ánh hiện thực khách quan của ý thức phải thông qua tư duy trừu tượng.

Kết cấu của ý thức

Cấu trúc theo chiều ngang:

- Tri thức: Tri thức là kết quả quá trình nhận thức được tái hiện dưới dạng qui luật, những mối quan hệ bản chất thông qua ngôn ngữ.

- Tình cảm: thái độ của cá nhân hay cộng đồng với hiện thực khách quan hay chính bản thân cá nhân hay cộng đồng.

- Niềm tin: lòng tin đã được củng cố bởi tri thức.

- Lý trí: là sự kiên định theo ý thức mà các cá nhân hay cộng đồng đã tin tưởng.

- Ý chí: là quyết tâm cao của cá nhân hay cộng đồng trong quá trình hoạt động theo tri thức phương pháp.

Cấu trúc theo chiều dọc:

- Tự ý thức: nhận thức về vị trí và vai trò của bản thân mình trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài.

- Tiềm thức: là ý thức dưới dạng tiềm tàng để khi có điều kiện sẽ xuất hiện mà không cần có sự kiểm soát chúng một cách trực tiếp.

- Vô thức: là những trạng thái tâm lí dưới dạng bản năng điều chỉnh suy nghĩ, hành vi, thái độ ứng xử của con người một cách nhanh chóng mà không có sự tham gia của ý thức.

3. Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

a) Quan niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về vai trò của vật chất đối với ý thức.

Trong mối quan hệ với ý thức, vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức. Ý thức là sự phản ánh đối với vật chất. Nội dung phản ánh của ý thức được quyết định bởi vật chất. Sự vận động và hình thức biểu hiện của ý thức bị các qui luật sinh học và xã hội qui định nên vật chất không chỉ qui định nội dung mà còn qui định cả hình thức cũng như biến đổi của ý thức.

b) Quan niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về vai trò của ý thức đối với vật chất.

- Ý thức là sản phẩm của vật chất có tổ chức cao, vật chất là nguòn gốc của ý thức Ý thức có tính độc lập tương đối, nên có khả năng tác động để cải tạo hiện thực khách quan thông qua vai trò của con người.

- Trong hoạt động thực tiễn, con người phải định ra mục đích, phương pháp, để huy động những lực lượng vật chất phù hợp nhằm đạt đến kết quả.

- Kiên trì thực hiện mục tiêu đề ra, nhạy bén ứng xử trước mọi tình huống.

c) Ý nhĩa phương pháp luận:

- Xuất phát từ khách quan: tôn trọng hiện thực khách quan, qui luật khách quan. Các nhân tố khách quan tác động quyết định nhưng các yếu tố này luôn vận động, biến đổi, phải bám sát diễn biến của hiện thực khách quan.

- Phát huy tính năng động chủ quan: vì tính năng động chủ quan sẽ biến khả năng của các yếu tố khách quan thành hiện thực. Nhân tố chủ quan chính là con người nên khi con người nắm chắc qui luật khách quan, các yếu tố khách quan, nhạy bén xử lí tình huống trong quá trình hoạt động thì sẽ mang lại thành công trong hoạt động thực tiễn.

- Chống chủ quan duy ý chí: Không tin tưởng một cách mù quáng, luôn gắn lý luận với thực tiễn, coi thực tiễn là cơ sở, là nguồn gốc, là động lực để nhận thức và bám sát phương pháp trong quá trình hoạt động thực tiễn.

Câu hỏi ôn tập

1. Quan điểm của các nhà triết học duy vật thời cổ đại, cận đại về vật chất? Ưu điểm và hạn chế của các quan điểm đó?

2. Phân tích nội dung định nghĩa vật chất của Lênin? Giá trị khoa học và ý nghĩa phương pháp luận của định nghĩa?

3. Vai trò và tác dụng của ý thức? Ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ giữa vật chất và ý thức trong hoạt động thực tiễn?

Chương II:

PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

Thời lượng: 9 giờ tín chỉ (6 lý thuyết, 2 thảo luận, 1 tự học)

Mục tiêu của người học cần đạt được về kiến thức và kĩ năng:

- Nắm được khái niệm phép biện chứng và các hình thức cơ bản của phép biện chứng

- Hiểu được các nguyên lý, các cặp phạm trù, các quy luật của phép biện chứng

- Nắm được các khái niệm thực tiễn, nhận thức và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức

- Hiểu được con đường biện chứng của nhận thức chân lý

- Vận dụng phép biện chứng trong việc giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra một cách sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo và hiệu quả

I. Phép biện chứng và phép biện chứng duy vật

1. Phép biện chứng và các hình thức cơ bản của phép biện chứng

a) Phép biện chứng

- Sự đối lập giữa hai quan điểm biện chứng và siêu hình trong nhận thức và cải tạo thế giới

+ Phương pháp siêu hình: là một trong những phương pháp nhận thức và hoạt động của con người. Phương pháp này là quá trình tập trung trí tuệ và nguồn lực để giải quyết triệt để một vấn đề cụ thể nhằm tạo nên bước phát triển cơ bản phù hợp mục tiêu nào đó. Tư duy siêu hình là quá trình nhận thức đối tượng cô lập, tĩnh tại, không vận động, không biến đổi, không chuyển hoá.

Đặc điểm của tư duy siêu hình là: "chỉ nhìn thấy những sự vật riêng biệt mà không nhìn thấy mối liên hệ qua lại giữa những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy sự tồn tại của những sự vật ấy mà không nhìn thấy sự phát sinh và sự tiêu vong của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy trạng thái tĩnh của những sự vật ấy mà quên mất sự vận động của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy cây mà không nhìn thấy rừng"1. Nhưng, phương pháp siêu hình lại rất cần thiết cho quá trình nhận thức và hoạt động của con người. Mặc dù khả năng của con người là vô hạn, nhưng trong một thời gian và không gian cụ thể lại hữu hạn. Vì vậy, việc tập trung trí tuệ và vật lực để giải quyết một vấn đề cụ thể phù hợp mục tiêu nào đó chính là tạo nên động lực cho sự phát triển là hết sức cần thiết. Trong xây dựng kinh tế - xã hội của một quốc gia cũng không vượt khỏi qui luật đó.

+ Phương pháp biện chứng hay còn gọi là tư duy biện chứng: là phương pháp nhận thức đối tượng trong mối liên hệ, vận động, phát triển, biến đổi và chuyển hoá không ngừng.

- Khái niệm phép biện chứng

Trong triết Mác- Lênin, khái niệm biện chứng dùng để chỉ những mối liên hệ, tương tác chuyển hóa và vận động, phát triển theo qui luật của các hiện tượng quá trình trong tự nhiên, xã hội, tư duy. Theo Ph.Ăng ghen biện chứng bao gồm chủ quan và khách quan: "Biện chứng gọi là khách quan thì chi phối toàn bộ giới tự nhiên, còn biện chứng gọi là chủ quan, tức là tư duy biện chứng, thì chỉ là phản ánh sự chi phối trong toàn bộ giới tự nhiên"1.

b) Các hình thức cơ bản của phép biện chứng

Phép biện chứng thời cổ đại

Các tư tưởng biện chứng trong triết học phương Đông cổ đại

- Thuyết Âm-Dương: Hai thế lực Âm, D¬ương không tồn tại biệt lập mà quan hệ với nhau theo các nguyên lý sau:

+ Âm-D¬ương thống nhất thành Thái cực: Tính toàn vẹn, chỉnh thể, cân bằng của cái đa và cái duy nhất. Tư tưởng về sự thống nhất vừa bất biến vừa biến đổi.

+ Trong Âm có D¬ương, trong Dương có Âm: Khả năng biến đổi của Âm-Dương đã bao hàm trong mỗi mặt đối lập của Thái cực.

- Tư¬ tư¬ởng biện chứng của Lão Tử cho rằng, toàn thể thế giới bị chi phối bởi hai luật phổ biến là luật quân bình và luật phản phục, trong đó luật quân bình luôn giữ cho sự vận động của các sự vật, hiện tư¬ợng đ¬ược cân bằng theo một trật tự điều hoà trong tự nhiên, không có gì thái quá, không có gì bất cập.

Luật phản phục cho rằng: cái gì phát triển tột độ thì sẽ trở thành cái đối lập với nó. Ngoài ra, phản phục còn có nghĩa là trở về với đạo tự nhiên, Vô Vi, tức là trở về với cái gốc của mình. Bất kỳ sự vật, hiện t¬ượng nào cũng đều là thể thống nhất của hai mặt đối lập vừa xung khắc nhau, vừa nư¬ơng tựa và bao hàm lẫn nhau.

Các tư tưởng biện chứng trong triết học Hy lạp - La mã cổ đại.

- Thuật ngữ "phép biện chứng" (dialecticka) có nguyên gốc là dialektike được Xôcrát (469-399 tr.c.n) sáng tạo và sử dụng theo nghĩa là nghệ thuật dẫn dắt đàm thoại, đối thoại, tranh biện các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm với mục đích đạt được chân lý bằng con đường đối lập các ý kiến của họ với nhau. Platôn cho rằng phép biện chứng chính là đối thoại, là "mổ xẻ" lôgíc chia và kết hợp các khái niệm đang tồn tại trực tiếp trong các câu hỏi và các câu trả lời (hỏi-đáp) và dẫn các khái niệm đó tới chân lý. Hêraclít (540-480 tr.c.n) đã thể hiện tư¬ơng đối rõ quan niệm của mình về phép biện chứng, ông cho rằng, phép biện chứng là môn khoa học nghiên cứu về sự vận động và phát triển: "Chúng ta không thể tắm hai lần trên một dòng sông vì nước mới không ngừng chảy trên sông" và "ngay cả mặt trời cũng mỗi ngày một mới".

Các quan niệm trên của các triết gia Hy Lạp cổ đại về phép biện chứng dần dần đem lại cho phép biện chứng những quan niệm về sự vận động và phát triển của những mâu thuẫn để đi tới những tri thức đúng, tức là đi tới chân lý. Phép biện chứng cổ đại mang tính tự phát, mộc mạc mà phép biện chứng trong triết học Hy Lạp, Trung Hoa cổ đại là một trong những hình thức điển hình.

Như¬ vậy, phép biện chứng cổ đại là hình thức đầu tiên, là cơ sở để phép biện chứng duy vật xuất hiện. Những tư tưởng đó đã đóng góp vai trò của mình trong việc chống lại những tư tưởng siêu hình và tôn giáo lúc bấy giờ.

Phép biện chứng duy tâm trong triết học cổ điển Đức

Phép biện chứng duy tâm xuất hiện vào thời cổ đại và cùng với sự phát triển của cuộc sống, của khoa học, phép biện chứng ngày càng được bổ sung thêm những nội dung mới, phong phú hơn, phát triển thành hệ thống vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX trong triết học cổ điển Đức. Cantơ (1724-1804) là người sáng lập và Phíchtơ (1762-1814), Selinh (1775-1854), Hêghen (1770-1831) là những người kế thừa, phát triển:

- Sự thống nhất biện chứng giữa các mặt đối lập là sự thống nhất và thâm nhập lẫn nhau của các mặt đối lập, là động lực của sự vận động và phát triển của vật chất. Động lực là sự thống nhất và thâm nhập lẫn nhau của sức hút và sức đẩy. Động lực này có trước vật chất và sự vận động của động lực đó là sự vận động tách rời vật chất (Cantơ).

- Sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập của các sự vật, hiện tượng, mối liên hệ phổ biến, sự thống nhất, sự phát triển của tự nhiên (Selinh).

- Mâu thuẫn là nguồn gốc của sự phát triển nhưng chúng chỉ tồn tại trong ý thức con người. Mâu thuẫn thể hiện sự vận động đi lên của tư duy trong quá trình nhận thức (Phíchtơ).

Phép biện chứng của Hêghen đã bao quát cả ba lĩnh vực, bắt đầu từ các phạm trù lôgíc thuần tuý cho đến lĩnh vực tự nhiên, tinh thần và kết thúc bằng biện chứng của toàn bộ quá trình lịch sử. Trong phép biện chứng của mình, Hêghen đã thể hiện được những hình thức chung của sự vận động. Ông cũng là nhà triết học đầu tiên khái quát lên những qui luật cơ bản của phép biện chứng, mà trước hết là qui luật lượng - chất, qui luật phủ định của phủ định. Sai lầm có tính nguyên tắc của Hêghen là ở chỗ, theo ông biện chứng của ý niệm (ý thức) sản sinh ra biện chứng của sự vật (vật chất).

Tuy vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lê-nin đánh giá rất cao phép biện chứng của Hêghen. C.Mác viết về phép biện chứng của Hêghen trong tư bản, quyển I, tập 1. Lời tựa cho bản tiếng Đức, in lần thứ hai: "Tính chất thần bí mà phép biện chứng mắc phải khi nằm trong tay Hêghen không ngăn cản ông trở thành người đầu tiên trình bày một cách bao quát và có ý thức những hình thức vận động chung của phép biện chứng. Ở Hêghen, phép biện chứng đi ngược đầu xuống đất; chỉ cần đảo xuôi lại lên hai chân thì sẽ phát hiện ra các hạt nhân hợp lý ở đằng sau cái vỏ thần bí của nó".

C.Mác và Ph. Ăngghen trên cơ sở kế thừa có phê phán và phát triển chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng trong lịch sử triết học đồng thời dựa vào các thành tựu của khoa học đã sáng tạo ra phép biện chứng duy vật. V.I Lênin là người bảo vệ và phát triển đem lại cho phép biện chứng một hình thức mới về chất. Vì vậy, phép biện chứng duy vật không những chỉ là thế giới quan mà còn là phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới.

2. Phép biện chứng duy vật

Phép biện chứng

Trong tác phẩm Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen đã định nghĩa: "Phép biện chứng là môn khoa học về những qui luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy"1.

Đặc trưng cơ bản và vai trò của phép biện chứng duy vật

- Đặc điểm của phép biện chứng là tính mềm dẽo, linh hoạt. thừa nhận cái khẳng định và cái phủ định vừa loại trừ nhau, vừa gắn bó nhau. Phương pháp biện chứng phản ánh phù hợp hiện thực khách quan. Nhờ vậy, phương pháp tư duy biện chứng trở thành công cụ hữu hiệu giúp con người nhận thức và cải tạo thế giới.

- Các nguyên tắc cơ bản của phép biện chứng tạo nên nội dung của nó là mối liên hệ chung, sự hình thành và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy được nhận thức nhờ sự trợ giúp của toàn bộ hệ thống phạm trù và qui luật có trong lịch sử tư tưởng của nhân loại

II. Các nguyên lý cơ bản của phép biện chứng

1. Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến

a) Khái niệm về mối liên hệ phổ biến

Quan điểm biện chứng duy vật về sự tồn tại của sự vật, hiện tượng là khoa học về mối liên hệ phổ biến, khảng định rằng, thế giới thống nhất ở tính vật chất được tạo thành từ những sự vật, hiện tượng cụ thể khác nhau. Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, thế giới là một chỉnh thể thống nhất. Các sự vật, hiện tượng và các quá trình cấu thành nên thế giới đó tồn tại trong mối liên hệ qua lại với nhau, qui định lẫn nhau, thâm nhập, chuyển hoá lẫn nhau và tách biệt nhau.

"Phép biện chứng là khoa học về mối liên hệ phổ biến"1.

Khái niệm mối liên hệ phổ biến nói lên rằng, mọi mối liên hệ hay tác động qua lại giữa các sự vật, hiện tượng, giữa các mặt đối lập trong một thể thống nhất chính là sự vận động, đồng thời là nguyên nhân tạo ra sự vận động, chuyển hoá của thế giới vật chất.

b) Những tính chất của mối liên hệ phổ biến

- Tính khách quan.

Phép biện chứng duy vật khẳng định tính khách quan của các mối liên hệ, tác động của bản thân thế giới vật chất: Có mối liên hệ, tác động giữa các sự vật, hiện tượng vật chất với nhau. Có mối liên hệ giữa sự vật, hiện tượng với cái tinh thần. Có cái liên hệ giữa những hiện tượng tinh thần với nhau, như mối liên hệ và tác động giữa các hình thức của quá trình nhận thức. Các mối liên hệ, tác động đó, suy cho đến cùng, đều là sự phản ánh mối liên hệ và sự qui định lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan.

- Tính phổ biến của mối liên hệ phổ biến.

Mối liên hệ qua lại, quy định, chuyển hoá lẫn nhau và tách biệt nhau không những diễn ra ở mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, trong xã hội, trong tư duy, mà còn diễn ra đối với các mặt, các yếu tố, các quá trình của mỗi sự vật, hiện tượng. Trong tự nhiên có mối liên hệ giữa thực vật và động vật, giữa cơ thể sống và môi trường. Trong xã hội có mối liên hệ giữa các cá nhân, giữa các tập đoàn người, giữa các quốc gia. Trong lĩnh vực nhận thức có mối liên hệ giữa các hình thức và các giai đoạn của quá trình nhận thức với nhau.

- Tính đa dạng, phong phú của mối liên hệ phổ biến:

Giữa các giai đoạn, các quá trình khác nhau trong sự phát triển của bản thân một sự vật, hiện tượng cũng có mối liên hệ với nhau. Có mối liên hệ về mặt không gian và cũng có mối liên hệ về mặt thời gian giữa các sự vật, hiện tượng. Có mối liên hệ chung tác động lên toàn bộ hay trong những lĩnh vực rộng lớn của thế giới. Có mối liên hệ riêng chỉ tác động trong từng lĩnh vực, từng sự vật và hiện tượng cụ thể. Có mối liên hệ trực tiếp giữa nhiều sự vật, hiện tượng, nhưng cũng có những mối liên hệ gián tiếp, trong đó các sự vật, hiện tượng tác động lẫn nhau thông qua nhiều khâu trung gian. Có mối liên hệ tất nhiên, cũng có mối liên hệ ngẫu nhiên. Có mối liên hệ bản chất đóng vai trò quyết định sự tồn tại, phát triển của sự vật và cũng có mối liên hệ không bản chất chỉ đóng vai trò phụ thuộc. Có mối liên hệ chủ yếu và có mối liên hệ thứ yếu.

2. Nguyên lý về sự phát triển

Quan điểm biện chứng đối lập với siêu hình về sự phát triển ở chỗ: Nó coi sự phát triển như là một quá trình tiến lên thông qua những bước nhảy vọt, cái cũ mất đi, cái mới ra đời, vạch ra nguồn gốc bên trong của sự vận động và phát triển, đó là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập bên trong sự vật, hiện tượng. Vì thế, V.I. Lênin cho rằng, học thuyết về sự phát triển của phép biện chứng duy vật là "hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và không phiến diện".

- Khái niệm về sự phát triển

Sự phát triển là một phạm trù triết học dùng để chỉ quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của sự vật, hiện tượng.

- Phân biệt vận động và phát triển.

+ Sự phát triển không bao quát toàn bộ sự vật, hiện tượng nói chung, mà chỉ khái quát xu hướng chung: xu hướng vận động đi lên của sự vật, hiện tượng mới thay thế sự vật, hiện tượng cũ.

+ Sự phát triển chỉ là một trường hợp đặc biệt của sự vận động.

+ Sự phát triển thể hiện khác nhau, tuỳ thuộc vào các hình thức tồn tại của các tổ chức vật chất cụ thể.

- Tính chất của sự phát triển.

+ Tính khách quan: Nguồn gốc của sự phát triển nằm trong chính bản thân sự vật, hiện tượng.

+ Tính phổ biến: Sự phát triển diễn ra trong mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy.

+ Tính kế thừa.

Sự vật, hiện tượng mới ra đời từ cái cũ, chứ không phải ra đời từ hư vô, vì vậy trong sự vật, hiện tượng mới giữ lại, có chọn lọc và cải tạo những mặt còn thích hợp của sự vật, hiện tượng cũ để chuyển sang cái mới, gạt bỏ những mặt tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu của sự vật, hiện tượng cũ đang gây cản trở cho sự phát triển.

Sự tự thân phát triển là sự vật, hiện tượng mới ra đời không thể là sự phủ định tuyệt đối, phủ định sạch trơn, đoạn tuyệt một cách siêu hình đối với cái cũ, mà là sự phủ định có tính kế thừa.

+ Tính đa dạng, phong phú.

Tuy sự phát triển diễn ra trong mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy, nhưng mỗi sự vật, hiện tượng lại có quá trình phát triển không giống nhau.

Tính đa dạng và phong phú của sự phát triển còn phụ thuộc vào không gian và thời gian, vào các yếu tố, điều kiện tác động lên sự phát triển đó.

c) Ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ nghuyên lý về mối liên hệ phổ biến và về sự phát triển

Quan điểm toàn diện.

- Mỗi sự vật, hiện tượng đều tồn tại trong nhiều mối liên hệ, tác động qua lại với nhau chứ không tách rời, cô lập nhau. Do vậy, khi xem xét sự vật, hiện tượng cụ thể chúng ta phải có quan điểm toàn diện.

- Quan điểm toàn diện là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của phương pháp biện chứng Mác-Lênin. Quan điểm toàn diện yêu cầu chúng ta phải nghiên cứu tất cả các mối liên hệ, mọi sự tác động qua lại của sự vật, hiện tượng đang nghiên cứu với các sự vật, hiện tượng khác. Phải nghiên cứu các mối liên hệ của các mặt, các yếu tố cấu thành sự vật, hiện tượng đó.

Quan điểm phát triển.

- Nghiên cứu nguyên lý về sự phát triển giúp chúng ta nhận thức được rằng, muốn thực sự nắm được bản chất của sự vật, hiện tượng, nắm được khuynh hướng phát triển của chúng thì phải có quan điểm phát triển, khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ.

- Quan điểm phát triển yêu cầu chúng ta, khi phân tích một sự vật, hiện tượng phải đặt nó trong sự vận động, phải phát hiện được các xu hướng biến đổi, chuyển hoá của chúng. V.I.Lênin cho rằng, "Lôgíc biện chứng đòi hỏi phải xét sự vật trong sự phát triển, trong sự "tự vận động"..."trong sự biến đổi của nó"1.

Quan điểm lịch sử-cụ thể.

Quan điểm lịch sử-cụ thể yêu cầu phải đặt sự vật, hiện tượng đang nghiên cứu vào trong không gian và thời gian nhất định, nghĩa là phải nghiên cứu quá trình vận động của sự vật, hiện tượng trong quá khứ, hiện tại và phán đoán cả tư¬ơng lai của nó.

III. Các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật

Khái niệm về phạm trù và phạm trù triết học

Phạm trù là những khái niệm rộng nhất phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ chung, cơ bản nhất của sự vật và hiện tượng thuộc một lĩnh vực nhất định.

Phạm trù triết học và các phạm trù của các khoa học cụ thể.

- Mỗi bộ môn khoa học đều có hệ thống phạm trù riêng. Các phạm trù rộng nhất phản ánh các mối liên hệ phổ biến ở cả ba lĩnh vực tự nhiên và tư duy gọi là phạm trù triết học.

- Giữa các phạm trù của triết học và của các khoa học cụ thể có mối liên hệ với nhau. Đó là quan hệ giữa cái chung với cái riêng.

1. Cái chung và cái riêng

a) Phạm trù cái chung và cái riêng

Cái riêng là một phạm trù triết học dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình riêng lẻ nhất định.

Cái chung là một phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính chung không những có ở một kết cấu vật chất nhất định, mà nó còn được lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng hay quá trình riêng lẻ khác.

Cần phân biệt "cái riêng" với "cái đơn nhất". Cái đơn nhất là phạm trù triết học dùng để chỉ những nét, những mặt, những thuộc tính v.v. chỉ có ở một sự vật, một kết cấu vật chất nhất định mà không lặp lại ở sự vật hay kết cấu vật chất khác.

b) Khái quát tính chất và quan hệ giữa "cái riêng","cái chung; cái đơn nhất.

Trong lịch sử triết học đã từng có các quan điểm khác nhau về mối quan hệ giữa cái riêng, cái chung:

Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, cả cái chung, cái riêng đều tồn tại khách quan, giữa chúng có mối liên hệ hữu cơ với nhau, thể hiện ở chỗ:

Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu hiện sự tồn tại của mình.

Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ dẫn tới cái chung. Nghĩa là không có cái riêng tồn tại độc lập không liên hệ với cái chung.

Cái riêng là cái toàn bộ, phong phú hơn cái chung, còn cái chung là cái bộ phận, nhưng sâu sắc hơn cái riêng. Cái riêng phong phú hơn cái chung vì ngoài những đặc điểm chung nó còn bao hàm cái riêng.

c) Ý nghĩa phương pháp luận

- Vì cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng để biểu hiện sự tồn tại của mình, nên chỉ có thể tìm ra cái chung trong cái riêng, xuất phát từ cái riêng, từ những sự vật và hiện tượng riêng lẻ, không được xuất phát từ ý muốn chủ quan của con người bên ngoài cái riêng.

- Cái chung là cái sâu sắc, cái bản chất, chi phối cái riêng, nên trong nhận thức phải tìm ra cái chung và trong hoạt động thực tiễn phải dựa vào cái chung để cải tạo cái riêng.

- Trong quá trình phát triển của sự vật, trong những điều kiện nhất định, "cái đơn nhất" có thể biến thành "cái chung" và ngược lại, nên trong hoạt động thực tiễn có thể và cần phải tạo điều kiện thuận lợi để "cái đơn nhất" có lợi cho con người trở thành "cái chung", và "cái chung" bất lợi cho con người trở thành "cái đơn nhất".

2. Bản chất và hiện tượng

a) Phạm trù bản chất và hiện tượng

Bản chất là phạm trù triết học dùng để chỉ tổng hợp của tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên, t¬ương đối ổn định bên trong sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật.

Hiện tượng là phạm trù triết học dùng để chỉ những biểu hiện bên ngoài bản chất.

Lư¬u ý: Bản chất chính là mặt bên trong, măt tư¬ơng đối ổn định của hiện thực khách quan. Nó ẩn đằng sau cái vẻ bề ngoài của hiện tượng và biểu lộ qua những hiện tượng ấy. Còn hiện tượng là mặt bên ngoài, mặt di động và biến đổi của hiện thực khách quan. Nó là hình thức biểu hiện của bản chất; Phạm trù bản chất gắn bó chặt chẽ với phạm trù cái chung, nhưng không đồng nhất với phạm trù cái chung. Cái chung là cái bản chất, song cũng có cái chung không phải là bản chất; Phạm trù bản chất cũng đồng thời là cái có tính quy luật. Tuy nhiên, chúng không đồng nhất với nhau. Phạm trù bản chất rộng hơn và phong phú hơn phạm trù quy luật.

b) Khái quát tính chất và mối quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng

- Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, cả bản chất và hiện tượng đều tồn tại khách quan là cái vốn có sự vật không do ai sáng tạo ra. Giữa bản chất và hiện tượng có mối quan hệ biện chứng, vừa thống nhất gắn bó chặt chẽ với nhau, vừa mâu thuẫn đối lập nhau.

- Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng thể hiện ở chỗ: 1) Bản chất luôn luôn bộc lộ ra thông qua hiện tượng, còn hiện tượng nào cũng là hiện tượng của bản chất. 2) Bản chất và hiện tượng về căn bản là phù hợp với nhau. Bản chất được bộc lộ ra thông qua những hiện tượng tư¬ơng ứng. Bản chất nào thì hiện tượng ấy, bản chất khác nhau thì sẽ bộc lộ những hiện tượng khác nhau Khi bản chất thay đổi thì hiện tượng biểu hiện nó cũng thay đổi theo. Khi bản chất biến mất thì hiện tượng biểu hiện nó cũng biến mất theo.

- Tính chất mâu thuẫn của sự thống nhất của bản chất và hiện tượng . Không phải bản chất và hiện tượng phù hợp với nhau hoàn toàn mà luôn bao hàm sự mâu thuẫn nhau.

+ Mâu thuẫn thuẫn này thể hiện ở chỗ, bản chất phản ánh cái chung, cái tất yếu, quyết định sự tồn tại phát triển của sự vật, còn hiện tượng phản ánh cái riêng, cái cá biệt. Cùng một bản chất biểu hiện ra nhiều hiện tượng khác nhau tuỳ theo sự thay đổi của điều kiện hoàn cảnh. Vì vậy, hiện tượng thường phong phú hơn bản chất, còn bản chất sâu sắc hơn hiện tượng. Bản chất là cái tư¬ơng đối ổn định, còn hiện tượng là cái thường xuyên biến đổi.

+ Mâu thuẫn này còn thể hiện ở chỗ, bản chất là mặt bên trong là cái sâu xa của hiện thực khách quan, còn hiện tượng là mặt bên ngoài của hiện thực khách quan đó. Bản chất không bộc lộ ra hoàn toàn ở một hiện tượng mà biểu hiện ở nhiều hiện tượng khác nhau. Hiện tượng không biểu hiện ra hoàn toàn bản chất mà chỉ biểu hiện ra một khía cạnh của bản chất, biểu hiện d¬ưới một hình thức của bản chất đã biến đổi, nhiều khi xuyên tạc bản chất.

c) Ý nghĩa phương pháp luận

- Bản chất không tồn tại thuần tuý mà tồn tại trong sự vật và biểu hiện ra thông qua hiện tượng. Vì vậy, muốn nhận thức được bản chất của sự vật phải xuất phát từ sự vật, hiện tượng, từ quá trình thực tế. Hơn nữa, bản chất của sự vật thường không được biểu hiện đầy đủ trong một hiện tượng nhất định nào đó và cũng biến đổi trong quá trình phát triển của sự vật. Do vậy, cần phải phân tích, tổng hợp sự biến đổi của nhiều hiện tượng, nhất là những hiện tượng điển hình mới có thể hiểu rõ được bản chất của sự vật. Có thể nói, nhận thức bản chất của sự vật là một quá trình phức tạp, đi từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất ít sâu sắc đến bản chất sâu sắc hơn.

- Vì bản chất là cái tất nhiên, cái t¬ương đối ổn định bên trong, quy định sự vận động và phát triển của sự vật và hiện tượng, vì vậy nhận thức sự vật không nên chỉ dừng lại ở hiện tượng mà cần phải đi sâu vào bản chất của sự vật. Còn trong hoạt động thực tiễn, phải dựa vào bản chất của sự vật để xác định phương thức hoạt động cải tạo sự vật, không dựa vào hiện tượng.

3.Tất nhiên và ngẫu nhiên

a) Phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên

Tất nhiên là phạm trù triết học dùng để chỉ cái do những nguyên nhân cơ bản bên trong của kết cấu vật chất quyết định và trong những điều kiện nhất định phải xảy ra đúng như thế chứ không thể khác.

Ngẫu nhiên là phạm trù triết học dùng để chỉ cái không do bản thân kết cấu của sự vật, mà do nguyên nhân bên ngoài, do sự ngẫu hợp của hoàn cảnh bên ngoài quyết định; do đó, nó có thể xuất hiện, có thể không xuất hiện, có thể xuất hiện như thế này, có thể xuất hiện như thế khác.

b) Khái quát tính chất và mối quan hệ biện chứng giữa tất nhiên và ngẫu nhiên

- Tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người và đều có vị trí nhất định đối với sự phát triển của sự vật.

- Cả tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại, nhưng chúng đều không tồn tại biệt lập dư¬ới dạng thuần tuý.

- Tất nhiên và ngẫu nhiên tồn tại trong sự thống nhất hữu cơ với nhau. Sự thống nhất hữu cơ ấy thể hiện ở chỗ, tất nhiên bao giờ cũng cũng thể hiện sự tồn tại của mình thông qua vô số ngẫu nhiên. Còn ngẫu nhiên lại là hình thức biểu hiện của tất nhiên.

- Tất nhiên và ngẫu nhiên có thể thay thế lẫn nhau, theo nghĩa thay đổi theo thời gian, hoặc trong các điều kiện khác nhau có thể thay thế vị trí cho nhau.

c) Ý nghĩa phương pháp luận

- Vì tất nhiên gắn liền với bản chất của sự vật, là cái nhất định xảy ra theo quy luật nội tại của sự vật, còn ngẫu nhiên là cái không gắn với bản chất nội tại của sự vật, nó có thể xảy ra, có thể không xảy ra. Do vậy, trong hoạt động thực tiễn, chúng ta cần phải dự vào tất nhiên. Vì ngẫu nhiên tuy không chi phối sự phát triển của sự vật, nhưng nó lại có ảnh hưởng tới sự phát triển của sự vật, đôi khi có sự ảnh hưởng khá sâu sắc. Vì vậy, trong hoạt động thực tiễn, ngoài các phương án chính, người ta còn cần chủ động đặt ra các phương án dự phòng để chủ động đáp ứng những sự biến ngẫu nhiên có thể xảy ra.

- Vì tất nhiên không tồn tại thuần tuý mà bộc lộ ra thông qua vô vàn cái ngẫu nhiên, do vậy muốn nhận thức tất nhiên phải thông qua việc thực hiện nghiên cứu, phân tích, so sánh với rất nhiều ngẫu nhiên. Vì không phải cái chung nào cũng là cái tất yếu, nên khi nghiên cứu ngẫu nhiên không chỉ dừng lại ở việc tìm ra cái chung, mà cần phải tiến sâu hơn nữa trong việc tìm ra cái chung tất yếu.

- Ngẫu nhiên trong điều kiện nhất định có thể chuyển thành tất nhiên, do vậy trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn, chúng ta không được xem nhẹ bỏ qua ngẫu nhiên, mặc dù trong những trường hợp cụ thể nó không quyết định sự phát triển của sự vật.

4. Nguyên nhân và kết quả

a) Phạm trù nguyên nhân và kết quả

Nguyên nhân là phạm trù triết học chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó.

Kết quả là phạm trù triết học dùng để chỉ những biến đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra.

Lư¬u ý: Không nên hiểu nguyên nhân và kết quả nằm ở hai sự vật hoàn toàn khác nhau. Cũng cần phân biệt nguyên nhân với nguyên cớ, nguyên nhân với điều kiện. Nguyên cớ là dấu hiệu trực tiếp làm cho nguyên nhân chuyển thành kết quả. Điều kiện là yếu tố, môi trường cần có để nguyên nhân có thể chuyển hoá thành kết quả.

b) Khái quát tính chất và mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

- Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn có trước kết quả, còn kết quả bao giờ cũng chỉ xuất hiện khi nguyên nhân đã xuất hiện.

Lư¬u ý: Không phải hiện tượng nào nối tiếp nhau về mặt thời gian cũng là thể hiện mối quan hệ nhân quả; Nguyên nhân sinh ra kết quả rất phức tạp, bởi vì nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau.

- Sự tác động trở lại của kết quả đối với nguyên nhân: Kết quả do nguyên nhân sinh ra, nhưng sau khi xuất hiện kết quả lại có ảnh hưởng trở lại đối với nguyên nhân. Sự ảnh hưởng đó diễn ra theo hai chiều hướng: thúc đẩy sự hoạt động của nguyên nhân (tích cực), hoặc cản trở sự hoạt động của nguyên nhân (theo hướng tiêu cực).

- Nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi vị trí cho nhau. Điều này có nghĩa là một sự vật hiện tượng nào đó trong mối quan hệ này là nguyên nhân, nhưng trong mối quan hệ khác lại là kết quả và ngược lại.

c) Ý nghĩa phương pháp luận

- Mối liên hệ nhân quả có tính khách quan và tính phổ biến, nghĩa là không có sự tồn tại của sự vật và hiện tượng nào trong thế giới vật chất lại không có nguyên nhân. Cần phải tìm hiểu nguyên nhân từ trong bản thân thế giới hiện thực chứ không phải từ trong thế giới tinh thần chủ quan.

- Vì nguyên nhân luôn có trước kết quả nên muốn tìm hiểu nguyên nhân của một hiện tượng nào đó cần tìm trong những sự kiện những mối liên hệ xảy ra trước khi hiện tượng đó xuất hiện.

-Vì kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra, những nguyên nhân này lại có vai trò khác nhau trong việc hình thành kết quả, nên trong hoạt động thực tiễn chúng ta cần phải biết phân loại các nguyên nhân. Phải biết phân biệt đâu là nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan v.v. Đồng thời, phải nắm được chiều hướng tác động của các nguyên nhân, từ đó có các biện pháp thích hợp tạo điều kiện cho các nguyên nhân tác động tích cực đến hoạt động và hạn chế sự hoạt động của các nguyên nhân có tính chất tiêu cực.

- Kết quả tác động trở lại đối với nguyên nhân, vì vậy trong hoạt động thực tiễn chúng ta cần phải biết tận dụng khai thác các kết quả đã đạt được để thúc đẩy nguyên nhân phát huy tác dụng để đạt được các mục đích đề ra.

5. Nội dung và hình thức

a) Phạm trù nội dung và hình thức

Nội dung là phạm trù triết học dùng để chỉ tất cả những mặt, những yếu tố, những quá trình tạo nên sự vật.

Hình thức là phạm trù triết học dùng để chỉ những phương thức tồn tại và phát triển của sự vật, là hệ thống trong các mối liên hệ t¬ơng đối bền vững giữa các yếu tố của các sự vật đó.

Lư¬u ý: Trong cặp phạm trù nội dung và hình thức, phép biện chứng duy vật chủ yếu muốn nói đến hình thức bên trong gắn liền với nội dung, là cơ cấu của nội dung chứ không phải là hình thức bên ngoài của sự vật.

b) Khái quát tính chất và mối quan hệ của nội dung và hình thức

Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức

- Nội dung và hình thức luôn gắn bó chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất. Không có hình thức nào tồn tại thuần tuý không chứa đựng nội dung, ngược lại cũng không có nội dung nào lại không tồn tại trong một hình thức xác định. Nội dung nào hình thức đó.

- Nội dung và hình thức tồn tại không tách rời nhau, nhưng không phải vì thế mà lúc nào nội dung và hình thức cũng phù hợp với nhau.

- Không phải một nội dung bao giờ cũng được thể hiện ra trong một hình thức nhất định và không phải một hình thức bao giờ cũng chứa một nội dung nhất định, mà một nội dung trong quá trình phát triển có thể có nhiều hình thức thể hiện, một hình thức có thể được thể hiện nhiều nội dung khác nhau.

- Nội dung giữ vai trò quyết định đối với hình thức

Trong quá trình vận động và phát triển của sự vật: khuynh hướng chủ đạo chung của nội dung là luôn biến đổi, còn khuynh hướng chủ đạo chung của hình thức là tương đối bền vững, chậm biến đổi hơn so với nội dung. Trong quá trình phát triển của sự vật thì nội dung biến đổi trước đến một độ nhất định sẽ làm cho hình thức biến đổi theo cho phù hợp.

- Sự tác động trở lại của hình thức đối với nội dung.

c) Ý nghĩa phương pháp luận

- Vì nội dung và hình thức luôn gắn bó với nhau trong quá trình vận động, phát triển của sự vật, do vậy trong nhận thức không được tách rời tuyệt đối giữa nội dung và hình thức. Đặc biệt, cần chống chủ nghĩa hình thức.

- Cùng một nội dung trong quá trình phát triển có thể có nhiều hình thức, ngược lại một hình thức có thể có nhiều nội dung khác nhau. Do đó, trong hoạt động thực tiễn cải tạo xã hội cần phải chủ động sử dụng nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của hoạt động cách mạng trong những điều kiện khác nhau.

- Nội dung quyết định hình thức, do vậy để nhận thức và cải tạo sự vật trước hết cần phải căn cứ vào nội dung. Tuy nhiên, do hình thức có tính độc lập tư¬ơng đối và tác động trở lại đối với nội dung, do vậy trong hoạt động thực tiễn phải thường xuyên đối chiếu giữa nội dung và hình thức, làm cho hình thức luôn phù hợp với nội dung để thúc đẩy nội dung phát triển.

6. Khả năng và hiện thực

a) Phạm trù khả năng và hiện thực

Khả năng và hiện thực là hai phạm trù triết học dùng để phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa những gì hiện có, hiện đang tồn tại thực sự (hiện thực) với những gì hiện chư¬a có, nhưng sẽ có, sẽ tới khi có các điều kiện tương ứng (khả năng).

Dấu hiệu để phân biệt khả năng và hiện thực là ở chỗ, khả năng là cái hiện chư¬a có, ch¬ưa tới, còn hiện thực là cái hiện đã có, đã tới. Nếu không phân biệt được dấu hiệu này có thể dẫn tới việc đồng nhất giữa khả năng với hiện thực, hoặc đồng nhất giữa khả năng với tiền đề, khả năng với các điều kiện của một cái gì đó.

Không nên đồng nhất khả năng với cái ngẫu nhiên, hoặc đồng nhất khả năng với sác xuất.

b) Khái quát tinh chất và mối quan hệ biện chứng giữa khả năng và hiện thực

- Khả năng và hiện thực tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau, thường xuyên chuyển hoá lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật.

- Cùng trong điều kiện nhất định, ở cùng một sự vật có thể tồn tại nhiều khả năng chứ không phải chỉ có một khả năng.

- Ngoài một số khả năng vốn có sẵn trong sự vật trong những điều kiện nào đó, khi có thêm những điều kiện mới bổ sung thì ở sự vật sẽ xuất hiện thêm khả năng mới, từ đó làm cho khả năng t¬ương tác của sự vật trở nên phức tạp hơn.

- Ngoài ra, ngay bản thân mỗi khả năng cũng không phải là không thay đổi. Nó tăng lên hay giảm đi tuỳ thuộc vào sự biến đổi của sự vật trong những điều kiện cụ thể.

- Để cho khả năng biến thành hiện thực thường cần không chỉ có một điều kiện, mà tập hợp nhiều điều kiện. Tập hợp đó được gọi là điều kiện cần và đủ, nếu có nó thì khả năng nhất định sẽ biến thành hiện thực, sự biến nhất định sẽ xuất hiện.

c) Ý nghĩa phương pháp luận

- Vì hiện thực là cái tồn tại thật sự, còn khả năng là cái chư¬a có, nên trong hoạt động thực tiễn cần dựa vào hiện thực, không dựa vào khả năng để định ra chủ tr¬ương, phương hướng hành động của mình. Trong hoạt động thực tiễn nếu chỉ dựa vào những khả năng sẽ rơi vào ảo tưởng.

- Khả năng là cái chư¬a tồn tại thật sự nhưng nó cũng là biểu hiện của khuynh hướng phát triển của sự vật trong t¬ương lai, do đó tuy không dựa vào khả năng song chúng ta cũng phải tính đến các khả năng làm cơ sở để việc đề ra các chủ trương, kế hoạch hành động sát hợp hơn.

- Việc chuyển khả năng thành hiện thực trong giới tự nhiên được thực hiện một cách tự động, nhưng trong xã hội điều đó còn phụ thuộc vào các họat động có ý thức của con người, vì vậy trong xã hội chúng ta cần chú ý đến việc phát huy nguồn lực con người, tạo ra nhưng điều kiện thuận lợi cho việc phát huy tính năng động, sáng tạo của con người để biến khả năng thành hiện thực nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

IV. Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật

1. Quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại

a) Khái niệm chất, lượng

Khái niệm "chất"

Chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ tính khách quan vốn có của sự vật và hiện tượng, là sự thống nhất giữa các thuộc tính làm cho nó là nó mà không phải là cái khác.

Chất của sự vật được hình thành bắt đầu bằng các thuộc tính. Thuộc tính của sự vật là những chất, những trạng thái, những yếu tố cấu thành sự vật. Đó là những cái vốn có của sự vật từ khi sự vật được sinh ra hoặc được hình thành trong quá trình vận động và phát triển của nó.

Mỗi sự vật có rất nhiều thuộc tính; mỗi thuộc tính lại biểu hiện một chất nhất định của sự vật. Do vậy, mỗi sự vật và hiện tượng có vô vàn chất. Chất và sự vật có mối quan hệ chặt chẽ không tách rời nhau.

Chất của sự vật được biểu hiện qua các thuộc tính của nó. Nhưng không phải thuộc tính nào cũng biểu hiện thành chất của sự vật. Sự vật có thuộc tính cơ bản và thuộc tính không cơ bản. Những thuộc tính cơ bản tổng hợp lại tạo thành chất của sự vật. Chính chúng quy định sự tồn tại, sự vận động và phát triển của sự vật, chỉ khi nào chúng mất đi thì sự vật mới thay đổi hay mất đi.

Những thuộc tính của sự vật chỉ bộc lộ qua các mối liên hệ cụ thể với các sự vật khác. Do đó, việc phân chia thành thuộc tính cơ bản và không cơ bản chỉ có tính chất tương đối.

Chất của sự vật, hiện tượng không những được quy định bởi chất của các yếu tố tạo thành, mà còn bị quy định bởi phương thức liên kết giữa các yếu tố, các kết cấu của sự vật. Trong hiện thực, các sự vật được tạo thành bởi các yếu tố như nhau, song chất của chúng lại khác.

Ngoài ra, khi xem xét sự vật trong tính xác định về chất của nó, chúng ta thấy có sự khác biệt về mặt giới hạn giữa nó với sự vật khác. Sự khác biệt đó, trước hết do sự khác biệt về chất giữa các sự vật tạo ra. Điều đó có nghĩa là chất của sự vật đồng nhất với tính có giới hạn nó.

Khái niệm " lượng"

Lượng là một phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của sự vật được biểu thị về mặt số lượng, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển của sự vật cũng như của các thuộc tính của nó.

Cũng như chất, lượng cũng là cái vốn có của sự vật, quy định nên sự vật ấy là chính nó. Sự tồn tại của lượng cũng mang tính khách quan.

- Lượng của sự vật biểu thị đa dạng, phong phú:

+ Dưới dạng là các thông số cụ thể: kích thước dài hay ngắn, nhiều hay ít, quy mô lớn hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, nhịp điệu nhanh hay chậm.

+ Dưới dạng trừu tượng và khái quát: trình độ nhận thức tri thức khoa học của một người, ý thức trách nhiệm cao hay thấp của một công dân, trong những trường hợp đó, chúng ta chỉ nhận thức được chúng bằng con đường trừu tượng và khái quát hoá.

- Sự phân biệt giữa chất và lượng mang tính tương đối.

b) Mối quan hệ giữa sự biến đổi về lượng và sự thay đổi về chất

- Sự biến đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại

- Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng là sự thống nhất giữa hai mặt chất và lượng. Chúng tác động qua lại lẫn nhau quy định cách thức phát triển của sự vật, hiện tượng.

- Sự thay đổi về lượng và về chất của sự vật diễn ra cùng với sự vận động và phát triển của sự vật. Trong đó, sự thay đổi về lượng của sự vật có ảnh hưởng tới sự thay đổi về chất của sự vật và ngược lại, sự thay đổi về chất của sự vật tương ứng với thay đổi về lượng của nó.

- Ở một giới hạn nhất định, khi lượng của sự vật thay đổi, nhưng chất của sự vật chưa thay đổi cơ bản. Giới hạn mà ở đó sự thay đổi về lượng chưa dẫn đến sự thay đổi về chất được gọi là "độ".

+ Độ là phạm trù triết học để chỉ khoảng giới hạn trong đó có sự thay đổi về lượng của sự vật mà chưa làm thay đổi về chất của sự vật ấy.

+ Độ là mối liên hệ giữa lượng và chất của sự vật, ở đó thể hiện sự thống nhất giữa lượng và chất của sự vật. Trong giới hạn của độ, sự vật vẫn còn là nó chứ chưa biến thành cái khác.

- Tại thời điểm mà ở đó diễn ra sự thay đổi về chất do lượng của sự vật tích luỹ đã đủ gọi là "điểm nút".

+ Điểm nút là phạm trù triết học dùng để chỉ thời điểm mà ở đó sự thay đổi về lượng đã đủ làm cho thay đôỉ về chất của sự vật.

+ Sự thay đổi về lượng khi đạt tới điểm nút sẽ dẫn tới sự ra đời của chất mới. Sự thống nhất giữa lượng và chất mới sẽ tạo thành độ mới... Có thể hiểu sự phát triển của các sự vật, hiện tượng dưới dạng một đường nút của những quan hệ về độ.

+ Điểm nút của quá trình phát triển của sự vật không cố định mà có thể có những thay đổi do tác động của những điều kiện khách quan và chủ quan quy định.

- Chất của sự vật thay đổi do lượng của nó thay đổi được gọi là "bước nhảy".

+ Bước nhảy là phạm trù triết học dùng để chỉ sự chuyển hoá về chất của sự vật do sự thay đổi về lượng của sự vật trước đó gây nên.

+ Bước nhảy kết thúc một giai đoạn phát triển của sự vật và là điểm khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới.

+ Bước nhảy cũng nói lên sự gián đoạn trong quá trình vận động động và phát triển liên tục của sự vật.

- Khi chất mới ra đời, nó sẽ tác động ngược trở lại đối với quá trình tích luỹ của sự vật. Chất mới làm thay đổi kết cấu, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển của sự vật.

Các hình thức của bước nhảy: dựa trên nhịp điệu thực hiện bước nhảy của bản thân sự vật mà người ta chia ra bước nhảy đột biến và bước nhảy dần dần.

+ Bước nhảy đột biến là bước nhảy được thực hiện trong thời gian ngắn làm thay đổi chất toàn bộ kết cấu cơ bản của sự vật.

+ Bước nhảy dần dần là bước nhảy được thực hiện từ từ, từng bước bằng cách tích luỹ dần dần những nhân tố của chất mới và những nhân tố của chất cũ dần dần mất đi.

Quá trình thực hiện bước nhảy dần dần của sự vật là một quá trình phức tạp, trong đó có cả những tuần tự, lẫn những bước nhảy diễn ra ở từng bộ phận của sự vật ấy.

Bước nhảy dần dần khác với sự thay đổi dần dần (một đằng là chuyển hoá về chất, một đằng là là tích luỹ liên tục về lượng để đến giới hạn nhất định sẽ nhất định chuyển hoá về chất).

- Dựa trên quy mô thực hiện bước nhảy của sự vật mà người ta chia ra bước nhảy toàn bộ và bước nhảy cục bộ.

+ Bước nhảy toàn bộ là bước nhảy làm thay đổi về chất của toàn bộ các mặt, các yếu tố cấu thành sự vật.

+ Bước nhảy cục bộ là bước nhảy làm thay đổi chất của những mặt, các yếu tố riêng lẻ của sự vật.

c) Ý nghĩa phương pháp luận

- Tích luỹ về lượng để thay đổi về chất, chống tư tưởng chủ quan, duy ý chí, đốt cháy giai đoạn.

- Tích luỹ đủ về lượng thì kiên quyết thực hiện bước nhảy, chống tư tưởng bảo thủ, trì trệ.

- Vận dụng linh hoạt quy luật theo những quan hệ và điều kiện thực tiễn cụ thể.

2. Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập

a) Khái niệm mâu thuẫn và các tính chất chung của mâu thuẫn

Mâu thuẫn và mâu thuẫn biện chứng

Trong phép biện chứng, khái niệm mâu thuẫn dùng để chỉ mối liên hệ thống nhất, đấu tranh và chuyển hóa giữa các mặt đối lập của sự vật, hiện tượng hoặc giã các sự vật hiện tượng với nhau. Nhân tố tạo thành mâu thuẫn là những mặt đối lập. Mặt đối lập là những mặt có đặc điểm, thuộc tính, những tính quy định có khuynh hướng biến đổi trái ngược nhau tồn tại một cách khách quan trong tự nhiên xã hội và tư duy.

Sự thống nhất các mặt đối lập là sự nương tựa lẫn nhau, tồn tại không tách rời nhau giữa các mặt đối lập, sự tồn tại của mặt này phải lấy sự tồn tại của mặt kia làm tiền đề.

- Sự thống nhất của hai mặt đối lập còn được hiểu là tính không thể tách rời của hai mặt đó.

Sự đồng nhất các mặt đối lập các mặt đối lập tồn tại không tách rời nhau mà giữa chúng có những nhân tố giống nhau. Những nhân tố giống nhau đó gọi là sự "đồng nhất" của các mặt đối lập.

- Sự "đồng nhất" của các mặt đối lập mà trong đó sự triển khai của mâu thuẫn đến một lúc nào đó các mặt đối lập có thể chuyển hoá lẫn nhau - khi xét về một đặc trưng nào đó.

- Sự thống nhất các mặt đối lập còn biểu hiện ở sự tác động ngang nhau của chúng. Song, đó chỉ là trạng thái vận động của mâu thuẫn ở một giai đoạn phát triển khi diễn ra sự cân bằng của các mặt đối lập.

Khái niệm về sự đấu tranh của các mặt đối lập: Đấu tranh giữa các mặt đối lập là sự tác động qua lại theo xu hướng bài trừ và phủ định lẫn nhau của các mặt đối lập. Không nên hiểu đấu tranh giữa các mặt đối lập chỉ là sự thủ tiêu lẫn nhau của các mặt đó. Đấu tranh giữa các mặt đối lập diễn ra trong thực tế hết sức phong phú và đa dạng.

Tính khách quan phổ biến và đa dạng của mâu thuẫn

Mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài

- Mâu thuẫn bên trong là sự tác động qua lại giữa các mặt, các khuynh hướng đối lập của cùng một sự vật.

- Mâu thuẫn bên ngoài là mâu thuẫn diễn ra ở bên ngoài sự vật đối với sự vật khác. Giữa mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau.

Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản

- Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn quy định bản chất của sự vật, quy định sự phát triển của tất cả các giai đoạn của sự vật, nó tồn tại trong suốt quá trình tồn tại của sự vật. Khi mâu thuẫn được giải quyết thì sự vật được thay đổi về chất.

- Mâu thuẫn không cơ bản là mâu thuẫn chỉ đặc trưng cho một phương diện nào đó của sự vật, nó không quy định bản chất của sự vật. Mâu thuẫn đó nảy sinh hay được giải quyết sẽ không làm thay đổi bản chất của sự vật.

Mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu

- Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn nổi lên hàng đầu ở một giai đoạn phát triển nhất định của sự vật, nó chi phối các mâu thuẫn khác trong giai đoạn đó. Giải quyết được mâu thuẫn chủ yếu trong từng giai đoạn là điều kiện để sự vật chuyển sang giai đoạn phát triển mới.

- Mâu thuẫn thứ yếu là là mâu thuẫn ra đời và tồn tại trong một giai đoạn nào đó của sự vật, nhưng nó không đóng vai trò chi phối mà bị mâu thuẫn chủ yếu chi phối.

Mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng

- Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa những giai cấp, những tập đoàn có lợi ích cơ bản đối lập nhau.

- Mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn giữa các lực lượng xã hội có lợi ích cơ bản thống nhất với nhau.

b) Quá trình vận động của mâu thuẫn

- Với tư cách là hai trạng thái đối lập, sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập có mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó sự thống nhất giữa các mặt đối lập là tương đối, còn sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là tuyệt đối.

- Diễn biến mâu thuẫn lúc đầu: với tư cách là một tổng thể thống nhất (đồng nhất của các mặt đối lập) chỉ mới là sự khác nhau căn bản (là sự tồn tại của các mặt, các khuynh hướng trái ngược nhau).

- Sự khác nhau đó ngày càng phát triển làm cho các mặt đối lập chuyển thành mâu thuẫn và xung đột lẫn nhau (xung đột mâu thuẫn).

- Khái quát quá trình diễn biến của mâu thuẫn:

Thống nhất (đồng nhất)  khác nhau  khác nhau căn bản  mâu thuẫn  xung đột mâu thuẫn  chuyển hoá mâu thuẫn

- Vai trò của mâu thuẫn đối với quá trình vận động và phát triển của sự vật

+ Khi hai mặt đối lập xung đột ngày càng gắt đã đủ điều kiện, chúng sẽ chuyển hoá lẫn nhau, mâu thuẫn được giải quyết.

+ Nhờ đó mà thể thống nhất cũ được thay thế bằng thể thống nhất mới; sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời thay thế nó. V.I Lênin cho rằng: "Phát triển là cuộc đấu tranh của các mặt đối lập" . Mâu thuẫn chính là nguồn gốc của sự vận động và phát triển.

c) Ý nghĩa phương pháp luận

- Đứng trước bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng phải thấy sự tác động của hai mặt đối lập.

- Phải nắm được phát sinh, tồn tại của mâu thuẫn, phải phân tích cụ thể mâu thuẫn.

- Không được điều hoà mâu thuẫn.

- Phải biết sử dụng và giải quyết mâu thuẫn trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể.

- Việc phân biệt mâu thuẫn đối kháng với không đối kháng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định phương pháp giải quyết mâu thuẫn. Cần tránh các khuynh hướng "tả" hoặc "hữu" khuynh trong việc giải quyết các mâu thuẫn, nhất là các mâu thuẫn trong lĩnh vực xã hội.

3. Quy luật phủ định của phủ định

a) Khái niệm về phủ định và những đặc trưng cơ bản của nó

Khái niệm phủ định

Trong quá trình vận động và phát triển, một sự vật cũ mất đi tất yếu sẽ có một sự vật mới ra đời thay thế nó. Sự thay thế lẫn nhau đó triết học gọi là sự phủ định.Trong lịch sử triết học, có nhiều quan niệm khác nhau về phủ định: Quan niệm của Pitago (cho rằng chu kỳ vận động lặp lại của thế giới là 76 vạn năm); Quan niệm về "luân hồi" của Phật giáo; Quan niệm của Hêghen về chu kỳ vận động là sự lặp lại của ý niệm tuyệt đối (Sự "tha hoá" của ý niệm tuyệt đối); Quan điểm siêu hình coi sự phủ định là sự diệt vong hoàn toàn sự vận động và phát triển của sự vật. Họ đi tìm nguyên nhân của sự phủ định và phát triển ở ngoài sự vậtvà hiện tượng.

Phủ định biện chứng và đặc trưng cơ bản của phủ định biện chứng

Phủ định biện chứng là phạm trù triết học dùng để chỉ sự phủ định tự thân, sự phát triển tự thân, là "mắt khâu" trong quá trình dẫn tới sự ra đời sự vật mới, tiến bộ hơn so với sự vật cũ.

- Đặc trưng của phủ định biện chứng:

+ Phủ định biện chứng có tính khách quan

+ Phủ định biện chứng có tính kế thừa

b) Phủ định của phủ định

- Vai trò cuả phủ định biện chứng với quá trình vận động, phát triển

Khi sự vật ra đời và tồn tại, đã khẳng định chính nó (sự tồn tại đó là hợp lý). Trong qúa trình vận động của sự vật ấy, những nhân tố mới xuất hiện sẽ thay thế những nhân tố cũ, sự phủ định diễn ra. Sự vật này lại bị phủ định bởi sự vật mới khác. Sự vật mới khác dường như là sự vật đã tồn tại, song không phải là sự trùng lặp hoàn toàn, mà nó được bổ sung những nhân tố mới và chỉ bảo tồn những nhân tố tích cực thích hợp với sự phát triển tiếp tục của nó. Sau khi thực hiện hai lần phủ định, sự vật mới hoàn thành một chu kỳ phát triển. Quá trình phát triển của sự vật thông qua hai lần phủ định được gọi là phủ định của phủ định.

Theo Ph. Ăngghen: "Hãy lấy ví dụ về hạt đại mạch. Có hàng nghìn triệu đại mạch giống nhau được xay ra, nấu chín và đem làm rượu, rồi tiêu dùng. Nhưng nếu một hạt đại mạch như thế gặp những điều kiện bình thường đối với nó, nếu nó rơi vào một vào một miếng đất thích hợp, thì nhờ ảnh hưởng của sức nóng và độ ẩm, đối với nó sẽ diễn ra một sự biến hoá riêng, nó nảy mầm: hạt đại mạch bíên đi không còn là hạt đại mạch nữa, nó bị phủ định, bị thay thế bởi cái cây do nó đẻ ra, đấy là sự phủ định hạt đại mạch. Nhưng cuộc sống bình thường của cây này sẽ như thế nào? Nó lớn lên, ra hoa, thụ phấn và cuối cùng sinh ra những hạt thóc mới, và khi hạt đại mạch đó chín thì thân cây chết đi, bản thân nó bị phủ định. Kết quả của sự phủ định này là chúng ta lại có hạt đại mạch như ban đầu nhưng không chỉ là một hạt thóc mà nhiều gấp mười, hai mươi, ba mươi"1.

Sơ đồ quá trình phủ định biện chứng: Khẳng định (hạt thóc ban đầu)  Phủ định lần 1 (cây lúa)  Phủ định lần 2 (những hạt thóc mới).

Sự phát triển biện chứng thông qua những lần phủ định biện chứng như trên là sự thống nhất hữu cơ giữa lọc bỏ, bảo tồn và bổ sung thêm những nhân tố tích cực mới. Do vậy, thông qua những lần phủ định biện chứng của bản thân, sự vật sẽ ngày càng phát triển.

- Hình thức phủ định của phủ định của các quá trình vận động và phát triển

Quy luật phủ định của phủ định biểu hiện sự phát triển do mâu thuẫn. Mỗi lần phủ định là kết quả của sự đấu tranh chuyển hoá của các mặt đối lập trong bản thân sự vật - giữa mặt khẳng định và mặt phủ định. Qua một số lần phủ định, sự vật hoàn thành một chu kỳ phát triển. Phủ định lần thứ nhất diễn ra làm cho sự vật cũ chuyển thành cái đối lập với mình. Phủ định lần thứ hai được thực hiện dẫn tới sự vật mới ra đời. Sự vật mới này đối lập với cái được sinh ra ở lần phủ định lần thứ nhất. Nó được bổ sung nhiều nhân tố mới.

Phủ định biện chứng đã thể hiện một số đặc điểm sau:

+ Quá trình phủ định là sự phát triển dường như quay trở lại cái cũ nhưng trên cơ sở cao hơn. Phủ định làm xuất hiện sự vật mới là kết quả của sự tổng hợp tất cả các nhân tố tích cực đã có và đã phát triển trong cái khẳng định ban đầu và trong những lần phủ định tiếp theo. Do vậy, với tư cách là là kết quả của phủ định của phủ định có nội dung toàn diện hơn, phong phú hơn, có cái khẳng định ban đầu và kết quả của sự phủ định lần thứ nhất.

+ Quy luật phủ định của phủ định khái quát xu hướng tất yếu tiến lên của sự vật - xu hướng phát triển. Sự phát triển đó không phải diễn ra theo đường thằng mà theo đường "xoáy ốc" (thể hiện tính kế thừa, tính lặp lại nhưng không quay trở lại, tính chất tiến lên của sự phát triển).

Quy luật phủ định của phủ định nói lên mối liên hệ, sự kế thừa giữa cái khẳng định và cái phủ định, nhờ đó phủ định biện chứng là điều kiện cho sự phát triển, nó bảo tồn nội dung tích cực của các giai đoạn trước và bổ sung thêm những thuộc tính mới làm cho sự phát triển đi theo đường "xoáy ốc".

c) Ý nghĩa phương pháp luận

- Trong sự phát triển của sự vật, cái mới sẽ ra đời thay thế cái cũ, chống thái độ phủ định sạch trơn.

- Khắc phục tư tưởng bảo thủ.

- Phải biết kế thừa có chọn lọc, có phê phán, biết giữ lại những tinh hoa, những mặt tích cực, mặt tốt của cái cũ, bổ sung hoàn chỉnh những mặt mới phù hợp với hiện thực khách quan.

V. Lý luận nhận thức duy vật biện chứng

1. Thực tiễn, nhận thức và vai trò của thực tiễn với nhận thức

a) Khái niệm và các hình thức cơ bản của thực tiễn

Khái niệm thực tiễn.

Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội.

Các hình thức cơ bản của thực tiễn.

- Hoạt động sản xuất vật chất.

- Hoạt động chính trị - xã hội.

- Hoạt động thực nghiệm khoa học.

b) Nhận thức và các trình độ của nhận thức

Khái niệm nhận thức : Nhận thức là một quá trình phản ánh tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc con người trên cơ sở thực tiễn nhằm tạo ra tri thức về thế giới khách quan (Quan điểm này xuất phát từ 4 nguyên tắc cơ bản).

Các trình độ của nhận thức:

Nhận thức kinh nghiệm là quá trình hình thành tri thức kinh nghiệm thông qua quan sát sự lặp đi, lặp lại của các sự, vật hiện tượng để giúp con người vận dụng vào hoạt động khi các yếu tố và điều kiện chưa thay đổi.

- Các trình độ của tri thức kinh nghiệm:

+ Tri thức kinh nghiệm thông thường

+ Tri thức kinh nghiệm khoa học

- Vai trò của tri thức kinh nghiệm:

+ Cơ sở để hình thành tri thức lý luận.

+ Giúp con người giải quyết nhanh chóng, hiệu quả những vấn đề đơn giản trong hoạt động.

Nhận thức lý luận: là quá trình trừu tượng hoá, khái quát hoá về bản chất và quy luật của sự vật và hiện tượng.

Tính chất của nhận thức lý luận:Tính gián tiếp; tính trừu tượng, tính khái quát và hệ thống tri thức.

Nhận thức thông thường là quá trình phản ánh tự phát những đặc điểm, những sự biến đổi của các sự vật, hiện tượng xung quanh của các cá nhân.

- Tính chất của nhận thức thông thường:Tính phong phú, đa dạng.tính cá nhân

- Vai trò của nhận thức thông thường:

+ Chi phối hoạt động thường xuyên của mọi người trong xã hội.

+ Cơ sở và nhu cầu để hình thành tri thức khoa học.

Nhận thức khoa học là quá trình phản ánh sự vật, hiện tượng dưới dạng trừu tượng lôgíc để hình thành khái niệm, hình thành qui luật khoa học.

- Tính chất của tri thức khoa học: Tính khách quan, trừu tượng; tính hệ thống, có căn cứ và chân thực; ngôn ngữ sử dụng chặt chẽ, sâu sắc.

- Vai trò của tri thức khoa học:

+ Phản ánh đúng bản chất của sự vật, hiện tượng.

+ Tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cho khoa học, công nghệ.

c) Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức.

Thực tiễn là cơ sở và mục đích của nhận thức

- Thông qua hoạt động thực tiễn, con người nắm bắt được cấu trúc, tính chất và các mối quan hệ của các trạng thái vật chất để hình thành tri thức về đối tượng.

- Hoạt động thực tiễn là cơ sở để bổ sung và điều chỉnh những tri thức đã được khái quát. V.I Lênin cho rằng: " Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức"1.

- Thực tiễn đề ra nhu cầu để quá trình nhận thức thực hiện.

Thực tiễn là động lực của nhận thức

- Hoạt động thực tiễn góp phần hoàn thiện các cơ quan cảm giác của con người tạo khả năng phản ánh nhạy bén hơn, chính xác hơn, nhanh hơn; hoạt động thực tiễn còn tạo ra những phương tiện để tăng năng lực phản ánh của con người đối với tự nhiên.

- Những tri thức mà con người áp dụng vào quá trình hoạt động đã đưa lại hiệu quả cao hơn trước là nguồn động lực kích thích quá trình nhận thức tiếp theo. Nhờ vậy mà con người càng ngày càng đi sâu nhận thức bản chất thế giới để tạo nên tri thức chân lí về thế giới.

- Nhận thức không chỉ thoả mãn nhu cầu hiểu biết của con người mà còn đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực hoạt động của con người trước hiện thực khách quan để đưa lại lợi ích cao hơn, thoả mãn nhu cầu của cá nhân và xã hội.

- Tự thân ý thức không thể tạo nên những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của con người. Quá trình đó chỉ thực hiện được trong hoạt động thực tiễn. Hoạt động thực tiễn sẽ biến đổi tự nhiên và xã hội theo mục đích của cá nhân và cộng đồng. Đó là mục đích của nhận thức.

- Nhận thức phải nhằm phục vụ hoạt động thực tiễn.

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí

- Mọi giả thuyết, mọi kết luận của quá trình nhận thức có đạt đến chân lí hay không phải thông qua thực tiễn để kiểm nghiệm. C. Mác khẳng định :Vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt đến chân lí khách quan hay không, hoàn toàn không phải là vấn đề lý luận mà là một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lí.

- Thông qua thực tiễn, những tri thức nào đạt đến chân lí thì đưa vào ứng dụng, những phản ánh nào chưa đạt đến chân lí thì điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ.

- Giá trị của các tri thức phải được chứng minh trong hoạt động thực tiễn.

- Thông qua quá trình chứng minh tính chân lí để tiếp tục quá trình nhận thức hiện thực khách quan.

Ý nghĩa phương pháp luận

- Thấy rõ mối quan hệ giữa thực tiễn và nhận thức.

+ Hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức có tính thống nhất; trong hoạt động nhận thức đã bao hàm cả hoạt động thực tiễn; trong hoạt động thực tiễn đã bao hàm hoạt động nhận thức. Do đó, sự phân biệt giữa hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức mang tính tương đối.

+ Hoạt động nhận thức phải xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở của thực tiễn, vì thực tiễn để tiến hành quá trình nhận thức hiện thực khách quan. Hoạt động thực tiễn nhằm thoã mãn nhu cầu của con người, do đó, phải thông qua hoạt động thực tiễn để khái quát thành tri thức.

- Quán triệt quan điểm thực tiễn. Tuyệt đối hoá vai trò của thực tiễn sẽ rơi vào chủ nghĩa thực dụng.

+ Thực tiễn luôn luôn vận động, phát triển, biến đổi. Cần bám sát thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung những tri thức phù hợp với thực tiễn.

+ Biết vận dụng những tri thức phù hợp trong hoạt động thực tiễn để đem lại hiệu quả cao hơn.

+ Hoạt động thực tiễn không có tri thức đã khái quát dễ đi đến thất bại hoặc kéo dài quá trình đi đến thắng lợi, đẫn đến lãng phí.

- Không thấy được vai trò của thực tiễn sẽ rơi vào chủ nghĩa giáo điều, chủ quan duy ý chí.

+ Mọi tri thức đều được khái quát từ thực tiễn, tuy vậy, thực tiễn luôn biến đổi nên chỉ dựa vào lý luận thuần tuý, tri thức thuần tuý có thể dẫn đến sai lầm hoặc thiệt hại.

+ Trong quá trình hoạt động, phải luôn kết hợp chặt chẽ giữa thực tiễn và lý luận, giữa thực tiễn với tri thức, không được tuyệt đối hoá tri thức hay thực tiễn. Điều đó dễ dẫn đến cực đoan trong quá trình hoạt động.

2. Con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý

a) Quan điểm của V.I Lênin về con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý

Giai đoạn từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính và mối quan hệ giữa chúng

Nhận thức cảm tính là quá trình phản ánh trực tiếp hiện thực khách quan thông qua các giác quan chuyển đến bộ não người làm cơ sở hình thành tri thức.

- Các hình thức nhận thức cảm tính

+ Cảm gác: là sự phản ánh trực tiếp hình ảnh sự vật, hiện tượng nhưng chưa đầy đủ, không theo hệ thống.

+ Tri giác: là tổng hợp đầy đủ các cảm giác về sự vật theo hệ thống nhất định.

+ Biểu tượng: là hình ảnh gián tiếp phản ánh dưới dạng trừu tượng hoá về sự vật, hiện tượng mà trước đó các giác quan đã trực tiếp tiếp xúc.

- Vai trò của nhận thức cảm tính

+ Giai đoạn đầu tiên, giai đoạn tất yếu của quá trình nhận thức.

+ Là cơ sở của nhận thức lí tính

Nhận thức lý tính là quá trình xử lí thông tin từ giai đoạn nhận thức cảm tính bằng thao tác của tư duy để hoàn thành quá trình nhận thức, hình thành chân lí.

- Các hình thức nhận thức lí tính

+ Khái niệm: Quá trình sử dụng ngôn ngữ để phản ánh những thuộc tính, những mối quan hệ bản chất của sự vật, hiện tượng.

+ Phán đoán: Là mối quan hệ giữa các khái niệm thông qua một số hệ từ để khẳng định hay phủ định những thuộc tính, những mối quan hệ bản chất của sự vật, hiện tượng. Có các loại phán đoán: phán đoán khẳng định, phán đoán phủ định; giả thuyết cũng có thể trở thành phán đoán.

+ Suy lí: Từ những phán đoán tiền đề dựa theo những qui luật của lôgíc hình thức để tạo ra những phán đoán mới mang tính chân lí. Có các loại suy lí: suy lí trực tiếp và suy lí gián tiếp.

Mối quan hệ biện chứng giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính

- Vai trò của nhận thức cảm tính đối với nhận thức lý tính.

+ Cung cấp những hình ảnh chân thực, bề ngoài của hiện thực khách quan cho quá trình nhận thức.

+ Cơ sở để hình thành chân lí

+ Cơ sở để kiểm tra chân lí

- Vai trò của nhận thức lý tính đối với nhận thức cảm tính.

+ Tạo cơ sở hữu ích cho nhận thức cảm tính

+ Cung cấp phương pháp để các giác quan phản ánh cơ bản và bản chất sự vật, hiện tượng.

Vai trò của nhận thức lí tính đối với thực tiễn

- Là giai đoạn tất yếu tiếp theo của quá trình nhận thức.

- Hoàn thành quá trình nhận thức

- Hình thành chân lí

- Cơ sở để đi sâu nghiên cứu bản chất của hiện thực khách quan.

- Cơ sở để cải tạo hiện thực khách quan.

Trong Bút ký triết học, V.I Lênin đã khái quát con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý: Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan.

Ý nghĩa phương pháp luận

- Quá trình nhận thức bao gồm hai giai đoạn: nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính.

- Phải thấy được vai trò của các giai đoạn nhận thức trong quá trình hình thành chân lí.

- Không được tuyệt đối hoá giai đoạn nhận thức cảm tính như trường phái "Duy cảm", cũng không được tuyệt đối hoá giai đoạn nhận thức lí tính như trường phái "Duy lí".

- Nhận thức nhất thiết phải đạt đến chân lí và diễn ra thường xuyên để đạt đến chân lí tuyệt đối.

b) Chân lý và vai trò của chân lý đối với thực tiễn

- Khái niệm chân lý: là tri thức có nội dung phù hợp với khách thể mà nó phản ánh và được thực tiễn kiểm nghiệm.

- Chân lí là sản phẩm của quá trình con người nhận thức thế giới.

- Chân lí được hình thành và phát triển từng bước phụ thuộc vào sự phát triển của sự vật khách quan, vào những điều kiện lịch sử, cụ thể của nhận thức và của hoạt động thực tiễn.

- Các tính chất của chân lí

+ Tính khách quan của chân lí : Là tính phản ánh độc lập về nội dung của nó đối với ý thức của con người và loài người (chân lí khách quan).

+ Tính tuyệt đối và tương đối của chân lí: Tri thức phản ánh đúng đắn, đầy đủ và hoàn chỉnh về thế giới khách quan là chân lí tuyệt đối. Tri thức phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan nhưng chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện là chân lí tương đối.

+ Tính cụ thể của chân lí: Nội dung của chân lí bao giờ cũng gắn liền và phù hợp với một đối tượng nhất định cùng với các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nó. Không có chân lý trừu tượng. Chân lý luôn là cụ thể.

- Vai trò của chân lý đối thực tiễn

Hoạt động thực tiễn đã làm phát sinh và phát triển hoạt động nhận thức. Thực tiễn là con đường làm giàu tri thức, là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.Tuy vậy, hoạt động thực tiễn chỉ có thể thành công và hiệu quả khi con người vận dụng những tri thức đúng đắn về thực tế trong hoạt động của mình. Chân lý là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thành công và hiệu quả đó.

- Ý nghĩa phương pháp luận

Quan điểm biện chứng giữa chân lý và thực tiễn đòi hỏi nhận thức phải xuất phát từ thực tiễn, coi chân lý là một quá trình. Vận dụng chân lý để phát triển thực tiễn, nâng cao hiệu quả trong cải tạo thế giới khách quan. Trong thời đại mà kinh tế tri thức đang phát triển cần đặc biệt coi trọng và vận dụng sáng tạo những tri thức khoa học vào thực tiễn.

Câu hỏi ôn tập

1. Phân tích các nguyên tắc phương pháp luận rút ra từ nguyên lí về mối liên hệ phổ biến và nguyên lí về sự phát triển?

2. Phạm trù là gì? Phân tích vai trò của phạm trù trong quá trình tư duy?

3. Phân tích mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả? Ý nghĩa phương pháp luận của việc nghiên cứu quan hệ nhân quả?

4. Phân tích nội dung quy luật chuyển hoá từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất và ngược lại? Ý nghĩa phương pháp luận được rút ra từ quy luật này?

5. Phân tích quá trình vận động của mâu thuẫn? Ý nghĩa phương pháp luận được rút ra từ quy luật này?

6. Phân tích con đường biện chứng của quá trình nhận thức?

Chương III:

CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ

Thời lượng: 11 giờ tín chỉ (7 lý thuyết, 2 thảo luận, 1 tự học, 1 kiểm tra)

Mục tiêu của người học cần đạt được về kiến thức và kĩ năng:

- Thấy được vai trò của sản xuất vật chất đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội

- Hiểu được quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng

- Nắm được vai trò của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội và tính độc lập tương đối của ý thức xã hội

- Nắm được khái niệm kết cấu hình thái kinh tế - xã hội và quá trình lịch sử tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội

- Nắm được khái niệm giai cấp và tầng lớp xã hội

- Hiểu được vai trò của đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội đối với sự vận động và phát triển của xã hội

- Nắm được quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử về con người, bản chất của con người, vai trò của quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử

- Vận dụng các quan điểm duy vật lịch sử trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

I. Vai trò của sản xuất vật chất và quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất

1. Sản xuất vật chất và vai trò của nó

a) Khái niệm sản xuất vật chất và phương thức sản xuất

- Sản xuất vật chất là quá trình con người sử dụng phương tiện và công cụ để tác động vào đối tượng nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng những nhu cầu của cá nhân và cộng đồng.

- Phương thức sản xuất là cách thức con người tiến hành sản xuất trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Nó là sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất để tạo nên sức sản xuất cho xã hội.

Phương thức sản xuất là yếu tố quyết định trong các yếu tố tác động vào quá trình vận động, phát triển và biến đổi của xã hội. Vì nó có khả năng để điều chỉnh, sử dụng có hiệu quả cũng như tái tạo các yếu tố của điều kiện địa lí; sử dụng có hiệu quả và điều chỉnh yếu tố dân số.

b) Vai trò của sản xuất vật chất đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội.

- Cơ sở để xã hội tồn tại

- Cơ sở cho khoa học, kĩ thuật, công nghệ, văn hoá, giáo dục, nghệ thuật phát triển

- Nguồn gốc để xã hội phát triển, tiến bộ

- Cơ sở để bảo vệ môi trường sinh thái

- Nền tảng để con người chung sống hoà bình, ổn định và phát triển

c) Ý nghĩa phương pháp luận

Một là, việc phát hiện ra vai trò quyết định của phương thức sản xuất, cho phép hình thành thế giới quan duy vật lịch sử về sự thay thế và phát triển của các phương thức sản xuất trong lịch sử, phản ánh xu hướng tất yếu của quá trình phát triển của xã hội loài người từ trình độ thấp đến trình độ ngày càng cao hơn.

Hai là, phát hiện ra tính tuần tự, tính đa dạng về con đường phát triển, tính xen kẽ giữa các phương thức sản xuất trong một thời kì phát triển hoặc bỏ qua một vài phương thức sản xuất để đi lên một phương thức sản xuất cao hơn.

2. Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất

a) Khái niệm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

Lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất là quan hệ của con người với tự nhiên trong quá trình sản xuất. Nó là sự biểu thị năng lực thực tiễn của con người trong quá trình tác động, cải tạo, chinh phục và khai thác tự nhiên để phục vụ các nhu cầu của cộng đồng. Lực lượng sản xuất bao gồm hai thành tố:

- Tư liệu sản xuất: là những vật phẩm tham gia vào quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm. Tư liệu sản xuất là sự kết tinh kinh nghiệm, trình độ và khả năng của nền kinh tế qua các thời đại cũng như xã hội đương đại. Nó quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất. Nó đại biểu cho trình độ phát triển của lực lượng sản xuất của giai đoạn tồn tại phương thức sản xuất cụ thể.Chính C.Mác đã nói: "Mỗi thời đại kinh tế khác nhau không phải sản xuất tra cái gì mà sản xuất bằng cái gì". Tư liệu sản xuất có hai bộ phận sau đây:

+ Tư liệu lao động: Tư liệu lao động là những vật phẩm những yếu tố, điều kiện để con người tác động vào đối tượng nhằm tạo ra sản phẩm trong quá trình sản xuất. Nó bao gồm: công cụ và các điều kiện sản xuất. Tư liệu lao động gồm: Công cụ lao động và phương tiện sản xuất.

+ Công cụ lao động: là những vật phẩm dùng để truyền lực tác động của con người vào đối tượng lao động. Nó là bộ phận năng động nhất của tư liệu sản xuất, bộ phận trung tâm của tư liệu sản xuất. Công cụ lao động do con người sáng tạo và tích luỹ qua các thế hệ nhưng nó chi phối hoạt động của con người, nó làm thay đổi phương pháp hoạt động của con người, nó tạo nên sự hoạt động thống nhất của mọi người trong cùng một lĩnh vực, nó thay đổi cách nghĩ, cách sinh hoạt của con người

Các phương tiện của quá trình sản xuất: bao gồm nhà xưởng, các vật phẩm để làm điều kiện phục vụ quá trình sản xuất tuy nó không đóng vai trò quyết định nhưng không thể không có. Chúng rất quan trọng, đó là môi trường, là chất xúc tác của quá trình sản xuất.

Đối tượng lao động: Toàn bộ vật phẩm chịu sự tác động của công cụ lao động để trực tiếp hình thành sản phẩm gọi là đối tượng lao động. Đối tượng lao động quyết định phẩm chất của sản phẩm. Đối tượng lao động tự nhiên là những vật phẩm tự nhiên chưa qua sơ chế, đang tồn tại tự nó. Đối tượng lao động nhân tạo là những vật phẩm tự nhiên đã qua sơ chế ít nhất một lần. Xã hội càng phát triển, trình độ khoa học, công nghệ càng cao thì tỉ trọng đối tượng lao động nhân tạo với đối tượng lao động tự nhiên càng lớn.

- Con người lao động là người có kỹ năng, kỹ xảo lao động tham gia vào quá trình sản xuất để tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Quan hệ sản xuất

Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất. Quan hệ sản xuất bao gồm: quan hệ về sở hữu tư liệu sản xuất, quan hệ về tổ chức quản lí sản xuất, quan hệ về phân phối sản phẩm.

- Quan hệ sản xuất thể hiện bản chất của phương thức sản xuất.

- Quan hệ sản xuất thể hiện bản chất của chế độ xã hội.

- Quan hệ sản xuất chính là mặt xã hội của sản xuất.

b) Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Tính thống nhất giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt cơ bản, tất yếu của quá trình sản xuất. Trong đó, lực lượng sản xuất là nội dung vật chất còn quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của quá trình sản xuất. Trong thực tế, không có quá trình sản xuất nào mà lại không có sự kết hợp giữa các nhân tố của sản xuất để tạo ra năng lực thực tiễn cải biến đối tượng vật chất. Ngược lại, không có quá trình sản xuất nào diễn ra trong hiện thực chỉ với quan hệ sản xuất mà không có nội dung vật chất của nó. Tương ứng với một trình độ của lực lượng sản xuất nhất định là một quan hệ sản xuất phù hợp với thực trạng đó trên cả ba phương diện: sở hữu tư liệu sản xuất; tổ chức, quản lý và phân phối. Sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tuân theo nguyên tắc khách quan: quan hệ sản xuất phải phụ thuộc vào thực trạng phát triển của lực lượng sản xuất trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định và quan hệ sản xuất tác động đến lực lượng sản xuất theo hai chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Vai trò quyết định của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất

- Hình thức của quan hệ sản xuất do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định

+ Trình độ lực lượng sản xuất thô sơ: hình thức của quan hệ sản xuất gia trưởng, phát canh thu tô.

+ Trình độ nửa cơ khí, cơ khí, tự động hoá có quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

+ Tự động hoá, lập trình sản xuất có quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

- Nội dung của quan hệ sản xuất do sự phát triển của lực lượng sản xuất quyết định:

+ Nội dung sở hữu cá nhân trong xã hội chiếm hữu nô lệ và xã hội phong kiến; sở hữu tư hữu và cổ phần trong chủ nghĩa tư bản; sở hữu xã hội trong chủ nghĩa xã hội.

+ Nội dung tổ chức, quản lí sản xuất cá nhân trong xã hội nô lệ; phát canh trong xã hội phong kiến; cơ chế thị trường trong chủ nghĩa tư bản; cơ chế thị trường và lập trình sản xuất trong chủ nghĩa xã hội.

+ Nội dung phân phối sản phẩm sản xuất trong các trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đều khác nhau: không có phân phối trong chế độ nô lệ; thu tô trong chế độ phong kiến; giá trị hàng hoá trong chủ nghĩa tư bản; theo lao động trong chủ nghĩa xã hội.

- Khi lực lượng sản xuất phát triển đến mức quan hệ sản xuất không còn phù hợp thì quan hệ sản xuất phải thay đổi bằng quan hệ sản xuất mới phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Vai trò tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất

- Khi quan hệ sản xuất phù hợp với lức lượng sản xuất:

+ Quan hệ sản xuất mở đường để lực lượng sản xuất phát triển.

+ Quan hệ sản xuất làm động lực kích thích cho các yếu tố của lực lượng sản xuất phát triển như chủ động phát triển và đổi mới kĩ thuật và công nghệ sản xuất; người lao động tích cực, sáng tạo trở thành nguồn lực quyết định cho quá trình phát triển sản xuất, phát triển xã hội.

- Khi quan hệ sản xuất không phù hợp thì quan hệ sản xuất sẽ kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển.

+ Tư liệu sản xuất và đối tượng lao động không được sử dụng hết năng lực; không có điều kiện để phát triển và đổi mới chúng.

+ Người lao động thiếu ý thức, thiếu nhiệt tình trong sản xuất. Họ có thể trở thành lực lượng phá hoại sản xuất.

+ Phá vỡ sự thống nhất giữa các yếu tố của lực lượng sản xuất.

Sự vận động của mâu thuẫn biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất với tư cách là nguồn gốc, động lực của sự phát triển của xã hội.

- Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong một phương thức sản xuất có tính thống nhất. Tính thống nhất này tạo nên sự ổn định và phát triển bền vững của phương thức sản xuất. Chính vì vậy, trong quá trình quản lí sản xuất, quản lí xã hội, các nhà quản lí phải lấy việc xây dựng sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là nội dung cơ bản của quản lí.

- Lực lượng sản xuất luôn luôn biến động và phát triển không ngừng, nó có xu hướng phá vỡ sự phù hợp tương đối giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Đó là quá trình phát triển tất yếu của phương thức sản xuất. Nếu tìm cách kìm hãm lực lượng sản xuất hoặc tạo cho lực lượng sản xuất phù hợp với quan hệ sản xuất đều là sai lầm.

- Quan hệ sản xuất tuy phụ thuộc lực lượng sản xuất nhưng nó là yếu tố điều kiện cho lực lượng sản xuất hoạt động. Do đó, quan hệ sản xuất phải luôn luôn đổi mới cho phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Ý nghĩa phương pháp luận

Thứ nhất, cần quan tâm đặc biệt đến việc phát triển lực lượng sản xuất mà trước hết là con người lao động với chất lượng ngày càng cao; nâng cao trình độ phân công lao động gắn liền với trình độ chuyên môn hóa.

Thứ hai, ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ để phát triển công cụ sản xuất, coi đây là tiêu chí quan trọng nhằm tăng năng suất lao động.

Thứ ba, phát triển nền kinh tế với nhiều hình thức sở hữu, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Thứ tư, xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành theo qui luật giá trị.

II. Biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng

1. Khái niệm cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng

a) Khái niệm cơ sở hạ tầng

- Là toàn bộ quan hệ sản xuất hợp thành nền tảng kinh tế cho một thể chế xã hội để trên đó hình thành thiết chế và hệ thống những quan điểm tư tưởng nhất định.

- Kết cấu của cơ sở hạ tầng

+ Quan hệ sản xuất cơ bản: là quan hệ sản xuất tiêu biểu cho hình thái kinh tế - xã hội đang tồn tại.

+ Các quan hệ sản xuất của các chế độ xã hội trước còn vai trò đối với chế độ xã hội đang tồn tại.

+ Quan hệ sản xuất của xã hội tương lai được xuất hiện lúc hình thái kinh tế - xã hội đã chính muồi.

b. Khái niệm kiến trúc thượng tầng

- Là toàn bộ thiết chế, hệ quan điểm tư tưởng và mối quan hệ giữa chúng được hình thành trên nền tảng kinh tế nhất định gọi là kiến trúc thượng tầng.

- Các yếu tố hợp thành kiến trúc thượng tầng của xã hội

+ Thiết chế: là hệ thống các cơ quan được hình thành trên nền tảng kinh tế nhất định để duy trì và xử lí các mối quan hệ trong thể chế xã hội. Nó bao gồm các đảng phái, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội; trong đó tổ chức nhà nước giữ vai trò trung tâm. Nhà nước là bộ máy tổ chức quyền lực đặc biệt của xã hội có đối kháng giai cấp.

+ Hệ quan điểm tư tưởng: phản ánh quan hệ kinh tế, quan hệ xã hội, chính trị theo lập trường giai cấp nhất định; trong đó hệ tư tưởng của giai cấp thống trị chi phối trực tiếp đời sống xã hội.

2. Mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng của xã hội

a)Vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng

- Mỗi cơ sở hạ tầng sẽ hình thành một kiểu kiến trúc thượng tầng tương ứng.

+ Tính chất của kiến trúc thượng tầng do tính chất của cơ sở hạ tầng quyết định.

+ Giai cấp thống trị kinh tế chi phối địa vị chính trị và đời sống tinh thần của xã hội.

+ Mâu thuẫn trong cơ sở hạ tầng dẫn đến mâu thuẫn trong kiến trúc thượng tầng.

+ Hệ thống quan điểm của kiến trúc thượng tầng phản ánh cơ sở hạ tầng trong mỗi một giai đoạn lịch sử nhất định.

- Cơ sở hạ tầng thay đổi dẫn đến thay đổi kiến trúc thượng tầng.

+ Quá trình thay đổi diễn ra cả trong giai đoạn các hình thái kinh tế - xã hội thay thế lẫn nhau, cả trong bản thân mỗi hình thái kinh tế - xã hội.

+ Sự phát triển của lực lượng sản xuất dẫn đến sự thay đổi kiến trúc thượng tầng thông qua sự thay đổi quan hệ sản xuất.

+ Quá trình thay đổi của kiến trúc thượng tầng có lĩnh vực diễn ra chậm chạp và phức tạp.

b) Vai trò tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng

- Nếu kiến trúc thượng tầng phù hợp cơ sở hạ tầng sẽ trở thành động lực thúc đẩy cơ sở hạ tầng phát triển.

+ Kiến trúc thượng tầng bảo vệ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tổ chức nhà nước.

+ Kiến trúc thượng tầng định hướng cho cơ sở hạ tầng phát triển.

+ Sự tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng theo nhiều hướng, nhiều mức độ khác nhau.

- Nếu kiến trúc thượng tầng không phù hợp cơ sở hạ tầng:

+ Kiến trúc thượng tầng kìm hãm sự phát triển của cơ sở hạ tầng.

+ Kiến trúc thượng tầng có thể phá vỡ kết cấu của cơ sở hạ tầng.

- Ý nghĩa phương pháp luận

Một xã hội có một cơ sở hạ tầng không thuần nhất với nhiều kiểu quan hệ sản xuất khác nhau. Các quan hệ sản xuất vừa cạnh tranh, vừa liên kết cùng phát triển. Xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần với bản chất kinh tế - xã hội khác nhau đi theo mục đích chung, trong đó, kinh tế nhà nước đóng vai trò quyết định: "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân"1.Trên nền tảng cơ sở hạ tầng đã được xác định mà mục kiến trúc thượng tầng tương ứng được hình thành phản ánh tính đa dạng của cơ sở hạ tầng. Mỗi bộ phận trong hệ thống chính trị đều có nhiệm vụ, chức năng riêng, nhưng với một mục tiêu chung là tất cả do con người, tất cả vì con người.

III. Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội và tính độc lập tương đối của ý thức xã hội

1. Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội

a) Khái niệm tồn tại xã hội và ý thức xã hội

Khái niệm tồn tại xã hội: toàn bộ các yếu tố và quan hệ vật chất tạo thành điều kiện khách quan tác động vào sự phát triển xã hội gọi là tồn tại xã hội. Tồn tại xã hội bao gồm các yếu tố sau:.

- Yếu tố địa lí: toàn bộ yếu tố tự nhiên tạo khả năng cho xã hội phát triển.

- Yếu tố dân số: Toàn bộ yếu tố con người tạo khả năng cho nguồn lực con người trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Phương thức sản xuất: là cách thức con người tiến hành sản xuất để tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Khái niệm ý thức xã hội:Toàn bộ đời sống tinh thần phản ánh tồn tại xã hội trong một giai đoạn lịch sử gọi là ý thức xã hội. Kết cấu của ý thức xã hội:

- Ý thức xã hội thông thường và ý thức lý luận.

+ Ý thức xã hội thông thường là kết quả phản ánh trực tiếp những hoạt động hàng ngày của con người trong cộng đồng.

+ Ý thức lý luận là kết quả của quá trình khái quát hoá, trừu tượng hoá tồn tại xã hội để hình thành các qui luật, nguyên lí giúp con người nhận thức và hoạt động cải tạo xã hội.

- Tâm lý xã hội và hệ tư tưởng xã hội.

+ Tâm lí xã hội là quá trình phản ánh tồn tại xã hội bằng những tình cảm, thói quen hay phong tục tập quán trong phạm vi không gian nhất định.

+ Hệ tư tưởng là toàn bộ phản ánh mối quan hệ kinh tế, quan hệ xã hội, quan hệ chính trị của giai cấp thống trị với các giai cấp khác hoặc giữa các giai cấp, giữa có cộng đồng trong một chế độ xã hội.

b) Vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội

Ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định

- Tồn tại xã hội quyết định nội dung phản ánh của ý thức xã hội.

+ Hệ tư tưởng của giai cấp thống trị tuy chịu sự chi phối quyền lợi giai cấp nhưng vẫn là sự phản ánh tồn tại xã hội trong giai đoạn lịch sử nhất định.

+ Các hình thái ý thức xã hội khác mặc dù phản ánh tồn tại một cách gián tiếp nhưng vẫn chịu sự chi phối của tồn tại xã hội.

- Tồn tại xã hội chi phối hình thức và phương tiện phản ánh của ý thức xã hội.

+ Sự phát triển của tồn tại xã hội làm biến đổi ngôn ngữ phản ánh của ý thức xã hội.

+ Mỗi lĩnh vực của đời sống xã hội có hình thức phản ánh riêng, phù hợp với đặc thù của nó.

+ Sự phát triển của tồn tại xã hội sẽ làm biến đổi khả năng phản ánh của ý thức xã hội, tồn tại xã hội cung cấp phương tiện phản ánh của ý thức xã hội.

Tồn tại xã hội thay đổi dẫn đến ý thức xã hội thay đổi

- Có những hình thái ý thức xã hội biến đổi nhanh như ý thức chính trị, ý thức pháp quyền.

- Có những hình thái ý thức xã hội biến đổi chậm như đạo đức, tôn giáo.

2. Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội

a) Nội dung tính độc lập tương đối của ý thức xã hội

- Sự lạc hậu của ý thức xã hội là ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội không kịp với sự biến đổi của tồn tại xã hội.

- Biểu hiện tính lạc hậu của ý thức xã hội: tâm lí, tình cảm, thói quen cũng như đạo đức được hình thành trong lịch sử chưa thay đổi kịp với sự thay đổi của tồn tại xã hội; thái độ nuối tiếc với đời sống tinh thần quá khứ lỗi thời hoặc tôn sùng thái quá quá khứ.

- Ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội: tính vượt trước của ý thức xã hội là ý thức xã hội có thể phản ánh tồn tại xã hội trong tương lai dưới dạng dự báo. Biểu hiện:

+ Các qui hoạch phát triển của một vùng, một khu vực hoặc ở phạm vi quốc gia.

+ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những giai đoạn nhất định.

+ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

+ Những dự báo hình thành hình thái kinh tế - xã hội tương lai.

- Tính kế thừa trong sự phát triển của ý thức xã hội: ý thức xã hội đương thời có thể tiếp nhận những yếu tố hợp lí của ý thức xã hội giai đoạn trước để cùng phản ánh tồn tại xã hội hiện tại. Biểu hiện:

+ Những chuẩn mực đạo đức truyền thống

+ Những tư tưởng và nội dung tiến bộ của ý thức pháp luật

+ Những truyền thống dân tộc

+ Ý thức xã hội tồn tại dưới hình thức tri thức khoa học

+ Do hình thức phản ánh kế thừa hình thức của giai đoạn trước.

- Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội: các hình thái ý thức xã hội hình thành mang tính độc lập nhưng chúng có mối liên hệ, ảnh hưởng lẫn nhau, chi phối nhau. Biểu hiện:

+ Các hình thái ý thức xã hội phản ánh những lĩnh vực khác nhau nhưng không đối lập nhau, không trái với đạo đức, không trái với pháp luật, cũng như chịu sự chi phối của ý thức chính trị.

+ Các hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội không trái với tri thức khoa học.

- Ý thức xã hội có khả năng tác động trở lại tồn tại xã hội: ý thức xã hội tác động đến tồn tại xã hội theo hướng hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Biểu hiện:

+ Ý thức xã hội phản ánh trung thực tồn tại xã hội có tác dụng điều chỉnh hoặc kích thích các yếu tố của tồn tại xã hội phát triển.

+ Ý thức xã hội phản ánh sai tồn tại xã hội nó kìm hãm hoặc phá vỡ kết cấu của các yếu tố của tồn tại xã hội.

b) Ý nghĩa phương pháp luận

Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội phản ánh bức tranh phức tạp của lịch sử phát triển của ý thức xã hội và đời sống tinh thần nói chung. Nó bác bỏ mọi quan điểm siêu hình, máy móc về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội.

Quan điểm duy vật lịch sử về tính độc lập tương đối của ý thức xã hội là một trong những cơ sở phương pháp luận căn bản của hoạt động nhận thức và thực tiễn. Theo quan điểm này thì một mặt, các hiện tượng của ý thức xã hội cần căn cứ vào tồn tại xã hội, mặt khác nó cũng chỉ ra rằng trong hoạt động thực tiễn xây dựng xã hội mới, cần phải tiến hành đồng thời cả hai mặt tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Đồng thời, cần nhận thức được những thay đổi to lớn trong đời sống tinh thần có thể tạo những biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc trong tồn tại xã hội.

IV. Hình thái kinh tế - xã hội và quá trình lịch sử tự nhiên của sự phát triển các hình thái kinh tế - xã hội

1. Khái niệm kết cấu hình thái kinh tế - xã hội

- Hình thái kinh tế - xã hội:

Hình thái kinh tế - xã hội là một phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử dùng để chỉ xã hội ở những giai đoạn phát triển nhất định, với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất và với một kiến trúc thượng tầng tương ứng được xây dựng trên những quan hệ sản xuất ấy.

- Kết cấu của hình thái kinh tế - xã hội:

+ Lực lượng sản xuất là nền tảng vật chất - kĩ thuật quyết định sự hình thành và thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử.

+ Quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản, ban đầu quyết định các quan hệ xã hội khác, là cơ sở để phân biệt các chế độ xã hội. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội có một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng.

+ Kiến trúc thượng tầng được hình thành và phát triển phù hợp với cơ sở hạ tầng đồng thời là công cụ để bảo vệ cơ sở hạ tầng đã sinh ra nó.

+ Các quan hệ xã hội khác như quan hệ gia đình, quan hệ dân tộc, giai cấp...

2. Quá trình lịch sử - tự nhiên của sự phát triển các hình thái kinh tế - xã hội

a) Các hình thái kinh tế - xã hội phát triển theo qui luật:

- Các qui luật tự nhiên và qui luật xã hội đều chi phối sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội.

- Qui luật "Quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất" quyết định đến sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội.

Tính lịch sử của các hình thái kinh tế - xã hội:

- Các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử đều có quá trình hình thành, phát triển và chuyển hoá, không có hình thái kinh tế - xã hội nào tồn tại vĩnh viễn trong lịch sử.

- Mỗi một hình thái kinh tế - xã hội đều chịu sự chi phối của điều kiện trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

+ Chịu sự chi phối của các yếu tố tích cực và hạn chế của chính bản thân hình thái kinh tế - xã hội đó hình thành.

+ Chịu sự chi phối của các hình thái kinh tế - xã hội cùng thời với hình thái kinh tế - xã hội đó.

Các hình thái kinh tế - xã hội biểu thị trình độ phát triển khác nhau của xã hội loài người:

- Do sự trình độ phát triển của lực lượng sản xuất làm thay đổi quan hệ sản xuất dẫn đến sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội mới. Sự phù hợp tương đối giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất tạo động lực cho sức sản xuất xã hội phát triển hơn hẵn hình thái kinh tế - xã hội trước nó.

- Hình thái kinh tế - xã hội sau tiến bộ hơn hình thái kinh tế - xã hội trước. Thực tiễn đó được lịch sử khẳng định.

Các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử vừa phát triển liên tục vừa gián đoạn

- Lịch sử loài người phát triển liên tục, bao hàm quá trình phát triển từ thấp đến cao, từ mông muội đến văn minh. Các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử cũng vậy; từ cộng sản nguyên thuỷ đến chủ nghĩa cộng sản văn minh. Đó là con đường tất yếu của các dân tộc.

- Lịch sử loài người cũng diễn ra phong phú, đa dạng, với những đặc trưng, đặc điểm khác nhau nên sự phát triển diễn không giống nhau. Có dân tộc diễn ra nhanh, có dân tộc diễn ra chậm. Chính từ đó mà có những dân tộc có thể bỏ qua một hoặc một vài hình thái kinh tế - xã hội nào đó khi có đủ điều kiện.

b) Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội.

Khẳng định quan niệm duy vật về lịch sử của triết học Mác

- Sự phát triển của xã hội loài người chịu sự quyết định của quá trình sản xuất vật chất, tư tưởng chỉ là sự phản ánh của quá trình phát triển đó. Tư tưởng không đóng vai trò quyết định như các nhà duy tâm khẳng định.

- Phương pháp luận để phân tích các hiện tượng xã hội khác của xã hội loài người; tức là, dựa trên nền tảng sản xuất vật chất của xã hội để nhìn nhận, đánh giá.

Khẳng định khuynh hướng phát triển tất yếu của xã hội loài người

- Lần đầu tiên giải thích sự vận động và phát triển của xã hội loài người theo qui luật khách quan. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội đã khái quát sự phát triển tất yếu của lịch sử. Loài người nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản, nhưng có thể theo hình thức và phương thức khác nhau.

- Cơ sở lý luận để những người cộng sản và giai cấp công nhân đấu tranh giành chính quyền và xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội mới tiến bộ văn minh.

V. Vai trò của đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội đối với sự vận động, phát triển của xã hội

1. Giai cấp và vai trò của đấu tranh giai cấp đối với sự phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp

a) Khái niệm giai cấp và tầng lớp xã hội

Khái niệm giai cấp: V.I Lênin trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại đã đưa ra một khái niệm về giai cấp như sau: "Người ta gọi giai cấp, những tập đoàn người to lớn gồm những người khác nhau về về địa vị của họ trong hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phẩn của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn người này có thể đi chiếm đoạt lao động của tập đoàn người khác, do chỗ các tập đoàn có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế - xã hội nhất định"1.

Sự khác nhau giữa các tập đoàn người về địa vị trong chế độ kinh tế - xã hội là tất yếu dẫn đến tập đoàn này chiếm đoạt sức lao động của tập đoàn người khác. Tập đoàn người nào nắm tư liệu sản xuất sẽ trở thành giai cấp thống trị và tất yếu sẽ chiếm đoạt sản phẩm lao động của các tập đoàn khác. Đó là bản chất của những xung đột giai cấp trong các xã hội có đối kháng giai cấp. Giai cấp là một phạm trù kinh tế - xã hội và có tính lịch sử.

Khái niệm tầng lớp xã hội: là một khái niệm được sử dụng để chỉ sự phân tầng, lớp, nhóm giữa những người trong cùng một giai cấp theo địa vị và sự khác biệt của họ trong hệ thống lao động như công chức, trí thức, tiểu nông...

b) Nguồn gốc hình thành giai cấp

- Nguồn gốc trực tiếp: do lực lượng sản xuất phát triển, của cải trong cộng đồng dư thừa tương đối, nảy sinh tư tưởng tư hữu dẫn đến các thủ lĩnh chiếm hữu tài sản dư thừa tương đối và bằng mọi thủ đoạn trở thành người sở hữu được pháp luật bảo vệ, giai cấp xuất hiện.

- Nguồn gốc sâu xa : do lực lượng sản xuất chưa đạt đến trình độ phát triển cao, do áp bức, bóc lột dẫn đến mâu thuẫn và đối kháng trong xã hội.

- Kết cấu giai cấp và tầng lớp trong xã hội: mỗi kiểu xã hội có một kiểu kết cấu giai cấp - xã hội riêng của nó, song đều có những nét chung giống nhau là: mỗi kết cấu xã hội - giai cấp của một xã hội nhất định bao gồm:

+ Hai giai cấp cơ bản đối lập nhau.

+ Một số giai cấp không cơ bản.

+ Một số tầng lớp trung gian.

c)Vai trò của đấu tranh giai cấp đói với sự phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp

Đấu tranh giai cấp và hình thức đấu tranh giai cấp

- Theo V.I Lênin: đấu tranh giai cấp là "cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân bị tước hết quyền, bị áp bức và lao động, chống lại bọn có đặc quyền, đặc lợi, bọn áp bức và bọn ăn bám, cuộc đấu tranh của những người công nhân làm thuê hay những người vô sản chống lại những người hữu sản hay giai cấp tư sản "1.

- Nguyên nhân khách quan của đấu tranh giai cấp: do sự phát triển mang tính chất xã hội hoá ngày càng sâu rộng của lực lượng sản xuất với quan hệ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Mâu thuẫn này biểu hiện về phương diện xã hội thành mâu thuẫn giữa một bên là giai cấp thống trị, bóc lột đại diện cho quan hệ sản xuất lỗi thời, lạc hậu và một bên là giai cấp bị trị đại diện cho lực lượng sản xuất mới.

- Đấu tranh giai cấp là một trong những động lực phát triển của xã hội có giai cấp. Đỉnh cao của cuộc đấu tranh giai cấp sẽ tất yếu dẫn tới cuộc cách mạng xã hội:

+ Làm cho sự thay thế phương thức sản xuất cũ bằng phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn.

+ Phương thức sản xuất mới ra đời mở ra địa bàn mới cho sự phát triển của sản xuất xã hội.

+ Sản xuất phát triển là động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ đời sống xã hội.

- Cách mạng xã hội là đòn bẩy thay đổi các hình thái kinh tế - xã hội, vì vậy, đấu tranh giai cấp là động lực trực tiếp của lịch sử xã hội có giai cấp đối kháng.

- Đấu tranh giai cấp góp phần xoá bỏ các thế lực phản động, lạc hậu đồng thời cải tạo cả bản thân giai cấp cách mạng.

- Trong xã hội có giai cấp và những mâu thuẫn giai cấp, đấu tranh giai cấp diễn ra trên mọi lĩnh vực và làm phát triển mọi mặt đời sống xã hội.

- Đấu tranh giai cấp quy là quy luật biểu hiện chung cho mọi xã hội có giai cấp, song quy luật ấy lại có tính đặc thù riêng cho từng xã hội cụ thể.

Nhà nước - công cụ chuyên chính giai cấp

Nhà nước là tổ chức chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế nhằm bảo vệ trật tự hiện hành và đàn áp sự phản kháng của các giai cấp khác. "Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác"1.

- V.I. Lênin viết: "Theo C. Mác, nhà nước là một cơ quan thống trị giai cấp, là một cơ quan áp bức của một giai cấp này đối với một giai cấp khác. Đó là sự kiện lập ra một "trật tự", trật tự này hợp pháp hoá và củng cố sự áp bức kia bằng cách làm dịu xung đột giai cấp"1.

Do vậy, "Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác"2.Nhà nước là công cụ chuyên chính của một giai cấp, không thể có nhà nước ở ngoài giai cấp cũng như cũng không thể có một nhà nước chung cho nhiều giai cấp. Tuy vậy, cũng có trường hợp nhà nước giữ được một mức độ độc lập nào đó đối với cả hai giai cấp đối kháng nhau. Đó là trường hợp nhà nước nằm trong cuộc đấu tranh đang ở thế cân bằng nhất định giữa hai giai cấp đó, hoặc nhà nước là sản phẩm của sự thoả hiệp tạm thời giữa một số giai cấp để chống lại một hay một số giai cấp khác. Đó là những ngoại lệ và tạm thời (vận động trong cân bằng), còn nói chung, nhà nước chỉ là công cụ chuyên chính của một giai cấp mà thôi.

2. Cách mạng xã hội và vai trò của cách mạng xã hội đối với sự phát triển của xã hội có giai cấp.

a) Khái niệm cách mạng xã hội và nguồn gốc của cách mạng xã hội

- Theo nghĩa rộng, cách mạng xã hội là sự biến đổi có tính bước ngoặt và căn bản về chất trong toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, là phương thức chuyển hoá từ hình thái kinh tế-xã hội lỗi thời lên hình thái kinh tế-xã hội cao hơn.

- Theo nghĩa hẹp, cách mạng xã hội là cuộc cách mạng lật đổ chế độ chính trị đã lỗi thời, thiết lập chế độ chính trị tiến bộ hơn.

- Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, giành chính quyền vẫn là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.

- Nguồn gốc của cách mạng xã hội: Nguồn gốc sâu xa của mọi cuộc cách mạng xã hội nằm ở mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất "Từ chỗ là những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại của một cuộc cách mạng xã hội"1.

b) Vai trò của cách mạng xã hội.

- Thông qua cách mạng xã hội mới thay thế được quan hệ sản xuất cũ bằng quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn.

- Lịch sử nhân loại đã chứng minh đầy đủ vai trò của cách mạng xã hội thông qua bốn kiểu cách mạng xã hội đã đư¬a nhân loại trải qua năm hình thái kinh tế-xã hội nối tiếp nhau.

- Cách mạng vô sản là một kiểu cách mạng xã hội mới về chất so với các kiểu cách mạng xã hội trước đó.

c) Ý nghĩa phương pháp luận

- Ngày nay cách mạng khoa học và công nghệ và việc vận dụng những thành quả của cuộc cách mạng đó vào đời sống kinh tế-xã hội đã làm xuất hiện nhu cầu ngày càng tăng về việc phải xã hội hoá về sở hữu, về quản lý, nâng cao đời sống của nhân dân. Nhu cầu đó xuất hiện và phát triển là xu hướng khách quan trong sự phát triển của xã hội loài người. Trước nhu cầu đó, chủ nghĩa tư bản đã tìm mọi cách tự điều chỉnh trên một loạt vấn đề như đẩy mạnh cổ phần hoá một bộ phận công nhân, hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia quản lý làm thuê cho giai cấp tư sản, thực hiện chính sách điều tiết thu nhập.

- Quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản là xu hướng tất yếu của cách mạng xã hội trong thời đại hiện nay.

Cho dù có những chính sách uyển chuyển và những sự điều chỉnh để làm dịu các mâu thuẫn xã hội, nhưng sự phân cực giàu-nghèo ngày càng lớn giữa tư sản và những người làm thuê. Muốn thoát khỏi tình trạng này, phải biến toàn bộ t¬ư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu của toàn xã hội, phải làm cho mọi người lao động thực sự trở thành chủ thể quản lý quá trình sản xuất, phải làm cho toàn bộ sản phẩm do sản xuất xã hội tạo ra đều thuộc về nhân dân.

- Mọi biến đổi của chủ nghĩa tư bản hôm nay chứng tỏ tính tất yếu khách quan của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

- Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là cần thiết để khắc phục căn bản những đối kháng giai cấp, tạo ra những tiền đề khách quan để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.

- Hình thức của cuộc cách mạng xã hội đó còn phụ thuộc vào điều kiện khách quan của lịch sử.

VI. Quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử về con người và vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân

1. Con người và bản chất con người

a) Khái niệm con người theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin: Con người là một thực thể thống nhất giữa nguồn gốc tự nhiên và xã hội

- Con người có nguồn gốc tự nhiên, mang bản chất tự nhiên:

+ Con người là sản phẩm của sự phát triển lâu dài của giới tự nhiên.

+ Các giai đoạn mang tính sinh học mà con người trải qua, từ lúc sinh thành, phát triển và mất đi quy định bản tính sinh học trong đời sống con người.

Tuy vậy, nguồn gốc tự nhiên không phải là yếu tố duy nhất quy định bản chất con người, mà đặc trưng quy định sự khác biệt giữa con người và thế giới loài vật là nguồn gốc xã hội.

Trong lịch sử, từng có những quan niệm khác nhau về sự khác biệt giữa con người với con vật. Chẳng hạn: Aristốt: Con người là động vật chính trị; Pascal cho rằng con người là động vật biết chế tạo công cụ.

Triết học Mác - Lênin khẳng định tính xã hội của con người biểu hiện bắt đầu trước hết từ trong lao động, sản xuất. Có thể nói, hoạt động sản xuất vật chất đã biểu hiện căn bản bản chất xã hội của con người.

Nói cách khác, Con người muốn sống phải tiến hành sản xuất vật chất buộc phải có quan hệ với nhau dẫn đến hình thành,phát triển ngôn ngữ và tư duy. Từ đó xác lập quan hệ xã hội và bản chất xã hội của con người cũng được hình thành từ trong quan hệ này.

Con người là sản phẩm tự nhiên - xã hội nên quá trình hình thành và phát triển của con người luôn chịu sự tác động của cả ba nhóm quy luật khác nhau. Đó là:

+ Nhóm các quy luật tự nhiên quy định phương diện sinh học của con người.

+ Nhóm các quy luật tâm lý - ý thức quy định nền tảng tâm lý của con người như hình thành các tình cảm, khát vọng, niềm tin, ý chí.

+ Nhóm các quy luật xã hội quy định các quan hệ xã hội giữa người với người.

Cả ba nhóm quy luật này cùng tác động, tạo nên sự thống nhất hoàn chỉnh trong đời sống con người bao gồm cả mặt sinh học và mặt xã hội, tạo ra Con người (Hómosapiens) viết hoa.

b) Bản chất của con người:

Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội, có nghĩa là:

- Không có con người trừu tượng, con người luôn là con người cụ thể.

- Chỉ có trong toàn bộ các quan hệ xã hội con người mới bộc lộ toàn bộ bản chất xã hội của mình.

- Quan hệ giữa bản chất cá nhân con người cụ thể và con người nói chung là mối quan hệ giữa cái riêng với cái chung, giữa cái đặc thù và cái phổ biến. Điều đó cũng có nghĩa là:

+ Con người nói chung chỉ tồn tại thông qua con người cụ thể.

+ Con người cụ thể chỉ tồn tại trong mối liên hệ dẫn tới con người nói chung.

+ Con người nói chung là cái phổ biến. Con người cụ thể là một cá thể hoàn chỉnh (cái đặc thù), không gia nhập hết vào con người nói chung.

c) Năng lực sáng tạo lịch sử của con người và các điều kiện phát huy năng lực sáng tạo của con người. Con người vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của lịch sử:

- Con người là kết quả của sự tiến hoá lâu dài của giới hữu sinh, đồng thời là sản phẩm lịch sử của chính mình.

- Bằng việc tác động vào tự nhiên, bằng hoạt động thực tiễn, con người không chỉ cải biến giới tự nhiên mà còn thúc đẩy lịch sử xã hội phát triển.

- Để phát triển bản chất con người theo hướng tích cực cần phải tạo ra "hoàn cảnh mang tính Người" nhiều hơn. Quan hệ mang tính Người ở đây được hiểu là:

+ Là toàn bộ môi trường tự nhiên và xã hội tác động đến con người theo khuynh hướng tích cực nhằm đạt tới các giá trị có tính mục đích, tự giác và có ý nghĩa định hướng giáo dục.

+ Trong môi trường tự nhiên - xã hội đó, con người có thể tiếp nhận và tác động tới hoàn cảnh trên nhiều phương diện: hoạt động thực tiễn, ứng xử, hành vi, phát triển phẩm chất trí tuệ, năng lực tư duy.

+ Giải phóng con người động lực cơ bản để giải phóng xã hội.

2. Khái niệm quần chúng nhân dân và vai trò sáng tạo của quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử

a) Khái niệm quần chúng nhân dân

- Quần chúng nhân dân là một bộ phận đông đảo dân cư có cùng chung lợi ích căn bản, bao gồm những thành phần, tầng lớp xã hội và giai cấp được liên kết lại thành một tập thể dưới sự lãnh đạo của một cá nhân, tổ chức đảng phái nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của một thời đại nhất định.

- Khái niệm quần chúng nhân dân được xác định bởi:

+ Là những người lao động sản xuất ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần - hạt nhân cơ bản của quần chúng nhân dân.

+ Là những bộ phận dân cư chống lại giai cấp thống trị phản bội lợi ích quần chúng nhân dân.

+ Những giai cấp, tầng lớp thúc đẩy sự tiến bộ xã hội thông qua các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Quần chúng nhân dân là một phạm trù lịch sử.

b) Vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử

- Chủ nghĩa duy vật lịch sử khẳng định: quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo lịch sử chân chính của mình, có vai trò quyết định tới sự phát triển của lịch sử. Vai trò quyết định của quần chúng nhân dân được biểu hiện:

+ Thứ nhất, quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, cơ sở để duy trì sự tồn tại và phát triển xã hội .

+ Thứ hai, quần chúng nhân dân là động lực cơ bản của các cuộc cách mạng xã hội.

+ Thứ ba, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra các giá trị văn hoá và tinh thần của xã hội.

+ Thứ tư, quần chúng là người thẩm định trung thành giá trị các sáng tạo vật chất và tinh thần.

Khái niệm cá nhân: là khái niệm chỉ cá thể người đã phát triển hoàn thiện, có tính độc lập tương đối để phân biệt với các cá thể khác. Trong triết học và các khoa học về con người, khái niệm cá nhân được dùng để phân biệt với khái niệm con người. Vì con người là khái niệm dùng để chỉ tính phổ biến, còn khái niệm cá nhân. dùng để chỉ cái riêng, cái đặc thù.

Vai trò của cá nhân, vĩ nhân đối với sự phát triển của lịch sử:

- Cá nhân là phương thức tồn tại cụ thể của giống loài (người) một cách trực tiếp, cảm tính (vì không tồn tại con người nói chung mà chỉ tồn tại từng con người cụ thể - thông qua sự tồn tại của các cá nhân - của loài người).

- Cá nhân là phần tử đơn nhất, riêng lẻ để tạo ra cộng đồng xã hội.

- Cá nhân là một chỉnh thể toàn vẹn có nhân cách, biểu hiện bằng các phẩm chất sinh lý và đời sống tâm lý riêng biệt của mỗi người.

- Cá nhân là một hiện tượng lịch sử.

Khái niệm lãnh tụ: Trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân, lãnh tụ là những cá nhân kiệt xuất trưởng thành trong phong trào của quần chúng nhân dân từ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học, nghệ thuật quân sự... Lãnh tụ là người có các phẩm chất cơ bản sau:

- Có hiểu biết rộng và sâu một số lĩnh vực, nắm bắt được xu thế vận động của dân tộc, quốc tế và thời đại.

- Có năng lực tập hợp quần chúng nhân dân, thống nhất được ý chí và hành động của quần chúng nhân dân vào việc giải quyết các nhiệm vụ của dân tộc, thời đại và quốc tế.

- Gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, hy sinh quên mình vì lợi ích của dân tộc, thời đại và quốc tế.

Vai trò của lãnh tụ:

- Lãnh tụ là người có khả năng thúc đẩy phong trào của quần chúng nhân dân đi đến thắng lợi nhanh chóng.

- Trong những trường hợp cụ thể, lãnh tụ có thể quyết định đến sự thắng lợi của phong trào quần chúng nhân dân.

- Lãnh tụ là người sáng lập ra tổ chức chính trị, xã hội và là linh hồn của tổ chức chính trị - xã hội đó.

- Lãnh tụ của mỗi thời đại chỉ có thể giải quyết được những nhiệm vụ do chính thời đại đó đặt ra. Không có lãnh tụ cho mọi thời đại, mà chỉ có lãnh tụ gắn với một thời đại nhất đinh.

- Sau khi hoàn thành nhiệm vai trò của mình, lãnh tụ trở thành biểu tượng tinh thần và tồn tại mãi mãi trong tâm tưởng của quần chúng nhân dân.

Ý nghĩa phương pháp luận: Khi khẳng định vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân phải đồng thời đánh giá cao vai trò của lãnh tụ. Cần kiên quyết chống tệ sùng bái cá nhân và vĩ nhân trong lịch sử.

Câu hỏi ôn tập

1. Phân tích nội dung qui luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất? Ý nghĩa phương pháp luận của qui luật này trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay?

2. Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng? Ý nghĩa phương pháp luận của qui luật này trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay?

3. Hình thái kinh tế - xã hội là gì? Vì sao nói sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên?

4. Phân tích vai trò của quần chúng nhân dân và lãnh tụ trong lịch sử? Ý nghĩa của vấn đề này trong quan điểm "lấy dân làm gốc" của Đảng ta hiện nay?

Phần thứ hai

HỌC THUYẾT KINH TẾ CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN VỀ

PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT TƯ BẢN CHỦ NGHĨA

Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác-Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không chỉ bao gồm học thuyết của C.Mác về giá trị và giá trị thặng dư mà còn bao gồm học thuyết kinh tế của V.I. Lênin về chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước.

Nội dung ba học thuyết này bao quát những nguyên lý cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Chương IV:

HỌC THUYẾT GIÁ TRỊ

Thời lượng: 7 giờ tín chỉ (5 lý thuyết, 1 thảo luận, 1 tự học)

Mục tiêu của người học cần đạt được về kiến thức và kĩ năng:

- Nắm vững các khái niệm sản xuất hàng hóa, hàng hóa, giá trị sử dụng và giá trị

- Nắm được tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa, lượng giá trị hàng hóa, các nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa

- Nêu được lịch sử hình thành phát triển của các hình thái giá trị, bản chất, chức năng của tiền tệ

- Hiểu được sự hình thành, phát triển của sản xuất hàng hóa

- Hiểu được bản chất, sự vận động và tác dụng của các quy luật giá trị

- Phân tích được tính ưu việt và hạn chế của sản xuất hàng hóa

I. Điều kiện ra đời, đặc trưng và ưu thế của sản xuất hàng hóa

1. Điều kiện ra đời của sản xuất hàng hóa

a) Phân công lao động xã hội

Phân công lao động xã hội là sự phân chia lao động xã hội một cách tự phát, thành các ngành, nghề khác nhau, tạo ra chuyên môn hóa về lao động, do đó dẫn đến chuyên môn hóa về sản xuất. Do phân công lao động xã hội nên mỗi người sản xuất sẽ làm một công việc cụ thể tạo ra một vài loại sản phẩm khác nhau. Để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, họ phải có mối quan hệ phụ thuộc, phải trao đổi sản phẩm cho nhau. C.Mác đã chỉ rõ: "Sự phân công lao động xã hội này là điều kiện tồn tại của nền sản xuất hàng hóa, mặc dù ngược lại, sản xuất hàng hóa không phải là điều kiện tồn tại của sự phân công lao động xã hội"1.

b) Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất hay tính chất tư nhân của quá trình lao động

Là sự tách biệt do các quan hệ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất, đã xác định người sở hữu tư liệu sản xuất là người sở hữu sản phẩm lao động. Nhờ vậy mà người sản xuất được độc lập với nhau trong hệ thống phân công lao động xã hội, phụ thuộc lẫn nhau về sản xuất và tiêu dùng. Trong điều kiện ấy, người này muốn dùng sản phẩm của người khác phải thông qua trao đổi, mua bán dưới hình thức hàng hóa.

2. Đặc trưng và ưu thế của sản xuất hàng hóa

a) Đặc trưng của sản xuất hàng hóa

Sản xuất hàng hóa là bước ngoặt căn bản trong lịch sử sự phát triển loài người, đưa loài người thoát khỏi tình trạng mông muội, xóa bỏ nền kinh tế tự nhiên, phát triển nhanh chóng lực lượng sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

b) Ưu thế của sản xuất hàng hóa

So với nền sản xuất hàng hóa tự cung tự cấp, sản xuất hàng hóa có 3 ưu thế sau đây:

- Thúc đẩy quá trình xã hội hoá sản xuất nhanh chóng: Kinh tế hàng hoá thúc đẩy phân công lao động, chuyên môn hoá sản xuất phát triển. Đồng thời, kinh tế hàng hoá tạo tiền đề cho sự hợp tác lao động ngày càng chặt chẽ, tạo điều kiện phát huy lợi thế so sánh của mỗi vùng, mỗi đơn vị sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần hình thành và mở rộng các mối quan hệ kinh tế trong nước và quốc tế.

Do tác động của các quy luật của kinh tế hàng hoá, quá trình tích tụ và tập trung sản xuất được đẩy nhanh. Các hình thức tổ chức sản xuất có quy mô lớn, hiệu quả cao như công ty tư nhân, công ty cổ phần, hợp tác cổ phần... xuất hiện.

Như vậy, kinh tế hàng hoá thúc đẩy xã hội hoá cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

- Năng động, hiệu quả: Trong nền kinh tế hàng hoá, sự di chuyển của các nguồn lực giữa các ngành, các địa phương khá dễ dàng. Do đó, bất kỳ nhu cầu mới nào xuất hiện, nền kinh tế sẽ nhanh chóng hướng tới thoả mãn các nhu cầu đó. Điều này làm cho nền kinh tế trở nên rất năng động và việc đáp ứng các nhu cầu của dân cư tốt hơn rất nhiều so với kinh tế tự nhiên, cơ chế quản lý kinh tế hành chính - bao cấp. Do sự tác động của các quy luật thị trường, hoạt động kinh tế ở các ngành, địa phương nào có hiệu quả cao thì các nguồn lực sẽ tập trung vào đó. Điều đó sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Bên cạnh đó, do sự tác động của quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh, những nhân tố lạc hậu, không hiệu quả được loại bỏ. Bởi vậy, tính hiệu quả của kinh tế hàng hoá cao hơn so với các nền kinh tế khác.

- Tạo và duy trì động lực mạnh mẽ thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động xã hội. Trong kinh tế hàng hoá sự tác động của quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu... buộc người sản xuất hàng hoá phải năng động và sáng tạo, luôn cải tiến và đổi mới kỹ thuật- công nghệ, sử dụng tiết kiệm các yếu tố sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải tiến chất lượng và hình thức của hàng hoá phù hợp với nhu cầu xã hội, tìm mọi cách đưa ra thị trường những loại hàng hoá mới thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Giá trị, lợi nhuận tối đa trở thành động lực bên trong chi phối các hoạt động kinh tế. Động lực này hết sức mạnh mẽ, bền vững và do đó thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất nhanhchóng, bền vững.

Với những ưu việt trên đây, kinh tế hàng hoá là cơ sở thực hiện tiến bộ xã hội. Với năng suất và hiệu quả cao, kinh tế hàng hoá tạo tiền đề vật chất cho sự phát triển các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế hàng hoá trở thành đòi hỏi khách quan đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

c) Nhược điểm của nền kinh tế hàng hoá

- Tăng trưởng kinh tế không ổn định. Nền kinh tế hàng hoá phát triển theo chu kỳ. Điều này gây ra những hậu quả cả về kinh tế, xã hội. Sự không ổn định về kinh tế có thể là nguyên nhân dẫn đến mất ổn định về chính trị, xã hội.

- Nền kinh tế hàng hoá không có khả năng đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp về các hàng hoá công cộng. Nền kinh tế hàng hoá là nền kinh tế sản xuất cho người khác, là đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Do đó, các hoạt động kinh tế phải dựa trên sự phát triển đến mức độ nhất định của kết cấu hạ tầng của nền kinh tế: hệ thống đường xá, cầu cống, sân bay, bến cảng, hệ thống thông tin, điện nước... Nhưng những người sản xuất hàng hoá, các doanh nghiệp lại không đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng. Do đó, kinh tế hàng hoá không thể tự phát phát triển ở trình độ cao.

- Độc quyền làm xuất hiện xu hướng trì trệ kỹ thuật. Nền kinh tế hàng hoá ngay khi còn ở trình độ thấp đã có hiện tượng độc quyền. Đó là độc quyền tự nhiên, do đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của một số ngành quy định (ngành điện, đường sắt ...). Những ngành độc quyền không cần cải tiến kỹ thuật vẫn thu được lợi nhuận cao. Do đó, trong những ngành này, kỹ thuật có xu hướng bị trì trệ, làm thiệt hại tới lợi ích xã hội va lợi ích người tiêu dùng.

- Kinh tế hàng hoá làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khủng hoảng, thất nghiệp, sự phân hoá giàu nghèo và hàng loạt những tệ nạn xã hội. Những vấn đề xã hội lại trở thành những nhân tố cản trở quá trình tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế.

Việc khắc phục các nhược điểm của sản xuất hàng hoá là đòi hỏi khách quan, xuất phát từ chính yêu cầu phát triển của sản xuất hàng hoá. Vì vậy, sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế để khắc phục những nhược điểm đó là hết sức cần thiết.

II. Hàng hóa

1. Hàng hoá và hai thuộc tính của hàng hoá

a) Khái niệm hàng hóa và hai thuộc tính của hàng hóa

Hàng hoá là sản phẩm của lao động có thể thoả mãn nhu cầu nhất định của con người thông qua trao đổi, mua bán. Hàng hóa có hai thuộc tính cơ bản:

Giá trị sử dụng

- Là công dụng của một vật, có thể thoả mãn nhu cầu nào đó của con người.

- Do thuộc tính tự nhiên của vật quyết định.

- Trong nền sản xuất hàng hóa, giá trị sử dụng là cho người khác

- Là phạm trù vĩnh viễn

Giá trị: Là lao động xã hội của hàng hóa kết tinh trong hàng hóa là tỷ lệ trao đổi giữa những hàng hoá có giá trị sử dụng khác nhau, là phạm trù mang tính lịch sử.

Ví dụ: 1 m vải = 10 kg thóc.

Trao đổi 1m vải lấy 10 kg thóc chẳng qua là trao đổi hai giờ lao động làm ra vải với hai giờ lao động sản xuất thóc. Lao động kết tinh trong hàng hoá được gọi là giá trị.

b) Mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hóa:

Hàng hoá có hai thuộc tính: giá trị sử dụng và giá trị. Hai thuộc tính này cùng tồn tại và thống nhất với nhau ở một hàng hoá, nhưng đây là sự thống nhất của các mặt đối lập. Trước khi thực hiện giá trị sử dụng của hàng hoá cần phải thực hiện giá trị của nó; muốn thực hiện giá trị hàng hoá thì phải có giá trị sử dụng.

2. Tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá

Sở dĩ hàng hoá có hai thuộc tính giá trị sử dụng và giá trị vì lao động của người sản xuất hàng hoá có tính hai mặt, đó là lao động cụ thể và lao động trừu tượng.

Lao động cụ thể là lao động có ích dưới một hình thức cụ thể của một nghề nghiệp chuyên môn nhất định. Mỗi lao động cụ thể có mục đích riêng, công cụ lao động, đối tượng lao động, phương pháp lao động và kết quả lao động riêng.

- Mỗi lao động cụ thể tạo ra một giá trị sử dụng nhất định. Trong xã hội, giá trị sử dụng muôn hình, muôn vẻ do lao động cụ thể muôn hình muôn vẻ tạo ra.

- Lao động cụ thể là một phạm trù vĩnh viễn nên giá trị sử dụng là phạm trù vĩnh viễn.

Lao động trừu tượng là lao động của người sản xuất hàng hoá không kể đến hình thức cụ thể của nó, hay nói cách khác lao động trừu tượng là sự hao phí sức lực của con người nói chung không kể hình thức cụ thể của nó như thế nào. Đó là sự tiêu hao cơ bắp, thần kinh, trí óc của con người sau một quá trình lao động.

- Lao động trừu tượng tạo ra giá trị hàng hoá. Lao động trừu tượng là phạm trù lịch sử nên giá trị hàng hoá là phạm trù lịch sử.

Không phải có hai thứ lao động kết tinh trong hàng hoá, mà chỉ là lao động của người sản xuất hàng hoá có tính chất hai mặt mà thôi. Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá phản ánh tính chất tư nhân và tính chất xã hội của lao động.

Lao động tư nhân: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai là công việc cá nhân của chủ sở hữu về tư liệu sản xuất, họ tự quyết định.

Lao động xã hội: lao động của người SX HH là một bộ phận của lao động xã hội nằm trong hệ thống phân công lao động xã hội.

Sự phân công lao động xã hội làm nảy sinh mối liên hệ giữa những người sản xuất. Người này sản xuất ra sản phẩm để cho người khác dùng; và ngược lại, họ cần sản phẩm của người khác. Sự phân công lao động xã hội tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những người sản xuất hàng hoá thông qua trao đổi hàng hoá. Việc trao đổi hàng hoá không thể căn cứ vào lao động cụ thể mà phải quy về lao động trừu tượng.

Lao động của người sản xuất hàng hoá bao hàm sự thống nhất giữa hai mặt đối lập là tính chất xã hội và tính chất tư nhân của lao động. Mâu thuẫn giữa tính chất xã hội và tính chất tư nhân của lao động sản xuất hàng hoá là mâu thuẫn cơ bản của nền sản xuất hàng hoá giản đơn, mâu thuẫn đó được biểu hiện thành mâu thuẫn giữa lao động trừu tượng và lao động cụ thể, giữa giá trị và giá trị sử dụng của hàng hoá. Mâu thuẫn trên bộc lộ rõ khi sản xuất thừa, cung vượt quá cầu, lao động tư nhân không dược xã hội thừa nhận, giá trị sử dụng không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Mâu thuẫn giữa lao động tư nhân và lao động xã hội chứa đựng khả năng sản xuất "thừa" và là nguồn gốc của mọi mâu thuẫn của kinh tế hàng hoá.

3. Lượng giá trị hàng hoá và các nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa

a)Thước đo lượng giá trị hàng hóa là thời gian lao động

Giá trị cá biệt là hao phí thời gian lao động cá biệt để sản xuất ra hàng hoá.

Giá trị xã hội: được tính bằng thời gian lao động xã hội cần thiết. Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động để sản xuất ra hàng hoá với một cường độ trung bình, trình độ thành thạo trung bình, trong những điều kiện bình thường của sản xuất xã hội để sản xuất ra tuyệt đại bộ phận hàng hoá.

Quan hệ giữa năng suất lao động và lượng giá trị:

- Năng suất lao động là năng lực sản xuất của lao động, được tính bằng số lượng sản phẩm/đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian cần thiết để sản xuất ra sản phẩm.

- Quan hệ giữa năng suất lao động và lượng giá trị hàng hóa là quan hệ tỷ lệ nghịch.

b) Các nhân tố sau ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hoá

- Năng suất lao động có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng giá trị hàng hoá. Năng suất lao động phụ thuộc vào trình độ lành nghề của người lao động; trình độ công nghệ; phương pháp tổ chức, quản lý lao động; quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất; các điều kiện tự nhiên.Tăng năng suất lao động làm cho số lượng sản phẩm được tạo ra trong một đơn vị thời gian tăng lên, tổng giá trị hàng hoá tạo ra trong một đơn vị thời gian không thay đổi, do đó giá trị của một đơn vị hàng hoá giảm xuống.

- Cường độ lao động là mức độ hao phí lao động trong một đơn vị thời gian, nói lên mức độ khẩn trương, căng thẳng của lao động. Tăng cường độ lao động cũng giống như kéo dài thời gian lao động. Cường độ lao động tăng lên có nghĩa là hao phí sức lao động cũng tăng lên, làm cho số lượng sản phẩm được chế tạo trong một đơn vị thời gian tăng lên nhưng giá trị một hàng hoá không thay đổi. Tăng cường độ lao động làm cho số lượng sản phẩm được tạo ra trong một đơn vị thời gian nhiều hơn, tổng giá trị hàng hoá tạo ra trong một đơn vị thời gian cũng tăng lên, nhưng giá trị của một đơn vị hàng hoá không thay đổi.

- Mức độ phức tạp của lao động: Lượng giá trị hàng hoá không chỉ bao gồm hao phí lao động sống, mà còn bao gồm hao phí lao động qua khứ đã vật hoá trong tư liệu sản xuất (như máy móc, nguyên vật liệu, năng lượng ...). Do đó, lượng giá trị hàng hoá gồm cả giá trị cũ, tức là giá trị của những tư liêụ sản xuất đã hao phí để sản xuất hàng hoá (ký hiệu là c) và giá trị mới do lao động sống của người sản xuất tạo ra (ký hiệu là v+m).

III. Tiền tệ

1. Lịch sử phát triển của hình thái giá trị và bản chất của tiền tệ

a) Lịch sử phát triển của hình thái giá trị

Hình thái giản đơn hay ngẫu nhiên của giá trị

Trong hình thái này, một hàng hoá được trao đổi một cách ngẫu nhiên với một hàng hoá khác, chẳng hạn: 10 kg thóc = 2 m vải

Cuối thời kỳ công xã nguyên thuỷ, lực lượng sản xuất có sự phát triển nhất định làm xuất hiện sản phẩm thặng dư, do đó bắt đầu có trao đổi. Nhưng vì lực lượng sản xuất còn ở trình độ rất thấp nên sản phẩm thặng dư còn rất ít ỏi và do đó trao đổi mang tính chất ngẫu nhiên và trực tiếp.

Trong hình thái này, hàng hoá ở vế trái của phương trình (10 kg thóc) ở vào vị trí hình thái tương đối, giá trị của nó được biểu hiện ra bên ngoài. Hàng hoá ở vế phải của phương trình (2 m vải) ở vào vị trí hình thái ngang giá, dùng để biểu hiện giá trị của thóc.

Trong hình thái giản đơn hay ngẫu nhiên của giá trị, giá trị sử dụng của một hàng hoá đã trở thành hình thức biểu hiện của giá trị. Và vì thế, C.Mác cho rằng, ngay trong hình thái giản đơn hay ngẫu nhiên của giá trị đã có mầm mống của tiền tệ.

Hình thái mở rộng của giá trị

Khi lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội phát triển, sản phẩm thặng dư nhiều hơn thì xuất hiện hình thái này.

Hình thái này bao gồm nhiều phương trình trao đổi và việc phân tích mỗi phương trình cũng giống như trong hình thái giản đơn hay ngẫu nhiên của giá trị. Hình thái này khác hình thái trên ở chỗ: hình thức biểu hiện giá trị của một hàng hoá đã được mở rộng, không cố định ở một hàng hoá.

Hình thái chung của giá trị

Lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội tiếp tục phát triển cao hơn, trao đổi hàng hoá trở nên thường xuyên và ngày càng mở rộng hơn nữa. Một hàng hoá có thể trao đổi được với nhiều loại hàng hoá khác nhau. Nhưng cũng vì thế, những người có sản phẩm dư thừa không dễ gì đổi ngay được những sản phẩm mà họ cần.

Quá trình trao đổi hàng hoá dần dần làm xuất hiện hàng hoá trung gian trong trao đổi. Những hàng hoá trung gian phải mang tính thông dụng, có ý nghĩa kinh tế đối với một địa phương, một bộ tộc, bộ lạc. Khi đã có hàng hoá trung gian, người ta dễ dàng đổi được hàng hoá mà họ cần. Khi đó, hình thái mở rộng của giá trị phát triển thành hình thái chung của giá trị.

Hàng hoá đóng vai trò vật ngang giá chung trở thành môi giới, thành phương tiện để trao đổi các hàng hoá với nhau. Lúc đầu, vật ngang giá chung khác nhau ở mỗi địa phương, mỗi bộ tộc, bộ lạc vì ở mỗi nơi sản phẩm thông dụng, có ý nghĩa kinh tế khác nhau, có nơi dùng thóc, có nơi dùng vỏ sò, vỏ ốc v...v...

Hình thái tiền tệ

Khi lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội phát triển cao hơn nữa, trao đổi hàng hoá đòi hỏi phải có vật ngang giá chung thống nhất giữa các vùng, các địa phương.

Khi vật ngang giá chung được cố định lại ở một hàng hoá độc tôn và phổ biến thì hình thái tiền tệ xuất hiện. Hàng hoá đóng vai trò tiền tệ phải thoả mãn các yêu cầu: Một là, thuần nhất, dễ chia nhỏ

Hai là, dễ vận chuyển và bảo quản, trọng lượng nhỏ, giá trị cao.

Thuộc tính tự nhiên của bạc và vàng đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đó, nên vàng và bạc đã trở thành tiền tệ. Khi tiền tệ xuất hiện, thế giới hàng hoá phân làm hai cực: một cực là những hàng thông thường đại biểu cho những giá trị sử dụng; cực khác là hàng hoá đóng vai trò tiền tệ, đại biểu cho giá trị.

b) Bản chất của tiền tệ

Tiền tệ là hàng hoá đặc biệt, đóng vai trò vật ngang giá chung thống nhất cho tất cả hàng hoá. Tiền tệ ra đời là kết qủa tất yếu của sự phát triển sản xuất và trao đổi hàng hoá. Tiền tệ là hình thức thể hiện lao động xã hội. Về bản chất, tiền tệ là quan hệ xã hội, quan hệ giữa những người sản xuất và trao đổi hàng hoá.

Với tư cách là hàng hoá, vàng và bạc cũng có hai thuộc tính giá trị sử dụng và giá trị. Giá trị sử dụng của các hàng hoá này thể hiện ở chỗ, nó được sử dụng trong việc chế tạo một số chi tiết sản phẩm công nghiệp và làm đồ trang sức. Giá trị của hàng hoá vàng, bạc cũng do hao phí thời gian lao động xã hội cần thiết, giản đơn của người khai thác, sản xuất vàng, bạc kết tinh trong nó quyết định.

2. Chức năng của tiền tệ

Trong điều kiện kinh tế hàng hoá phát triển, tiền tệ có năm chức năng sau đây:

a) Thước đo giá trị

Trong chức năng này, tiền được dùng để đo lường và biểu hiện giá trị của các hàng hoá. Tiền tệ có thể đo lường và biểu hiện giá trị của hàng hoá vì bản thân tiền tệ có giá trị.

Khi thực hiện chức năng thước đo giá trị thì tiền tệ không cần phải là tiền mặt, mà chỉ cần là tiền tưởng tượng. Sở dĩ có thể làm được như vậy, vì trong thực tế giá trị của vàng và giá trị của hàng hoá đã có một tỷ lệ nhất định. Cơ sở khoa học của tỷ lệ đó là thời gian lao động xã hội cần thiết phải hao phí để sản xuất ra chúng.

Giá trị hàng hoá được biểu hiện bằng tiền gọi là giá cả hàng hoá, hay ngược lại, giá cả hàng hoá là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá. Giá cả do các nhân tố: giá trị hàng hoá; giá trị tiền tệ; quan hệ cung-cầu hàng hoá quyết định...

Giá cả hàng hoá thay đổi tỷ lệ thuận với giá trị của hàng hoá và tỷ lệ nghịch với giá trị của tiền tệ.

Quan hệ cung - cầu hàng hoá làm giá cả lên xuống xung quanh giá trị. Cung lớn hơn cầu làm giá cả xuống thấp hơn giá trị; còn ngược lại, cung nhỏ hơn cầu sẽ làm cho giá cả lên cao hơn giá trị hàng hoá.

Để làm chức năng thước đo giá trị thì bản thân tiền tệ phải được đo lường. Do đó, phải có đơn vị đo lường tiền tệ. Đơn vị tiền tệ và các phần chia nhỏ của nó là tiêu chuẩn giá cả. Ở mỗi nước, đơn vị tiền tệ này có tên gọi khác nhau. Là thước đo giá trị, tiền tệ đo lường các hàng hoá khác; là tiêu chuẩn giá cả, tiền tệ đo lường số lượng của bản thân kim loại dùng làm tiền tệ. Sự thay đổi giá trị của hàng hoá tiền tệ (vàng) không ảnh hưởng đến "chức năng'' tiêu chuẩn giá cả của nó.

Khi cả vàng và bạc thực hiện chức năng đo lường giá trị của các hàng hoá thì luôn phải xác định quan hệ tỷ lệ giữa vàng và bạc. Nói cách khác, giá trị hàng hoá phải được đo lường bằng một thước đo thống nhất, không thể có hai thước đo. Thuộc tính tự nhiên của vàng đáp ứng tốt hơn yêu cầu đối với hàng hoá đóng vai trò tiền tệ nên dần dần chỉ còn vàng là tiền tệ, bạc bị loại ra khỏi vai trò tiền tệ.

b) Phương tiện lưu thông

Làm chức năng phương tiện lưu thông, tiền tệ là môi giới trong lưu thông hàng hoá. Công thức lưu thông hàng hoá khi có sự tham gia của tiền tệ là: H - T - H (hàng - tiền - hàng). Khi hàng chuyển từ tay người bán sang tay người mua thì tiền chuyển từ tay người mua sang tay người bán, do đó đòi hỏi nhất thiết phải có tiền. Làm chức năng phương tiện lưu thông, tiền tệ phải là tiền thật (không phải tiền tưởng tượng).

Thực hiện chức năng này, lúc đầu người ta dùng vàng thoi, bạc nén. Điều đó gây nên một số khó khăn: phải chia nó thành nhiều mảnh nhỏ, phải xác định số lượng, độ nguyên chất... Tiền tệ bằng vàng thoi, bạc nén dần dần được thay thế bằng tiền đúc. Tiền đúc là khối kim loại đúc có hình thức, trọng lượng và giá trị nhất định, nó được dùng làm phương tiện lưu thông. Trong quá trình lưu thông, tiền đúc bị hao mòn dần và mất một phần giá trị của nó, do đó xuất hiện tình trạng tiền đúc không còn đủ giá trị ban đầu của nó. Nhưng trong thực tế, những đồng tiền bị mòn, không đủ giá trị đó vẫn được chấp nhận làm phương tiện lưu thông như tiền đúc đủ giá trị. Làm phương tiện lưu thông dần dần tiền tệ chỉ còn là ký hiệu giá trị. Đó chính là cơ sở ra đời của tiền giấy. Nhà nước có chức năng phát hành và quản lý lưu thông tiền giấy. Bản thân tiền giấy không có giá trị, mà chỉ là ký hiệu của giá trị và được công nhận trong phạm vi quốc gia.

Khi tiền làm chức năng phương tiện lưu thông, việc trao đổi hàng hoá trở nên thuận lợi, hành vi mua bán có thể tách rời nhau cả về không gian lẫn thời gian. Có thể bán mà chưa mua, có thể mua ở nơi này bán ở nơi kia. Như thế, tiền tệ tham gia vào quá trình trao đổi đã tạo ra sự không nhất trí giữa mua và bán, gây ra khả năng khủng hoảng kinh tế.

c) Phương tiện cất trữ

Tiền là hiện thân của giá trị, đại biểu cho của cải xã hội, nên nó có thể thực hiện được chức năng phương tiện cất trữ. Làm phương tiện cất trữ, tiền được rút khỏi lưu thông và được cất trữ lại. Cất trữ tiền là một hình thức cất trữ của cải, cất trữ giá trị.

Chỉ có tiền đủ giá trị như tiền vàng mới làm chức năng cất trữ.

Sự cất trữ tiền làm cho tiền trong lưu thông thích ứng một cách tự phát với nhu cầu tiền cần thiết cho lưu thông hàng hoá. Nếu sản xuất hàng hoá giảm sút, hàng hoá ít thì một phần tiền vàng rút khỏi lưu thông và được cất trữ. Ngược lại, nếu sản xuất hàng hoá tăng lên tức là hàng hoá nhiều thì những đồng tiền đó lại quay trở vào lưu thông. Do vậy, cất trữ tiền không chỉ là cất trữ của cải mà còn là dự trữ cho lưu thông tiền tệ.

d) Phương tiện thanh toán

Kinh tế hàng hoá phát triển đến một trình độ nào đó, tất yếu sẽ nảy sinh việc mua - bán chịu, do đó tiền có chức năng phương tiện thanh toán. Với chức năng này tiền dùng để chi trả sau khi công việc giao dịch, mua bán đã hoàn thành. Ví dụ, trả tiền mua hàng chịu, trả nợ, nộp thuế...

Phương tiện thanh toán của tiền tệ gắn liền với chế độ tín dụng, trong đó có tín dụng thương mại là mua - bán chịu hàng hoá. Trong hình thức mua - bán chịu, trước tiên, tiền làm chức năng thước đo gíá trị. Nhưng vì mua bán chịu nên đến kỳ hạn trả tiền mới thực hiện chức năng phương tiện thanh toán. Sự phát triển hình thức mua bán chịu, một mặt, tạo khả năng trang trải nợ nần bằng cách thanh toán khấu trừ lẫn nhau không dùng tiền mặt, nên giảm được lượng tiền cần thiết phát hành trong lưu thông. Mặt khác, trong việc mua bán chịu, người mua biến thành con nợ, người bán biến thành chủ nợ, khi hệ thống con nợ và chủ nợ phát triển rộng rãi, nếu một khâu nào đó không thanh toán được sẽ ảnh hưởng đến các khâu khác và phá vỡ hệ thống, khả năng khủng hoảng kinh tế lại tăng lên.

Quá trình thực hiện chức năng phương tiện thanh toán sẽ làm xuất hiện một loại tiền mới - tiền tín dụng, dưới các hình thức như: giấy bạc ngân hàng, tiền ghi sổ, tài khoản có thể phát hành séc, tiền điện tử, thẻ thanh toán...

Tiền tín dụng phát sinh từ chức năng phương tiện thanh toán của tiền. Mặt khác, tiền tín dụng phát triển thì chức năng phương tiện thanh toán của tiền càng mở rộng và các hình thức của tiền cũng phát triển.

e) Tiền tệ thế giới

Khi trao đổi hàng hoá mở rộng ra bên ngoài biên giới quốc gia và hình thành quan hệ buôn bán giữa các nước, thì tiền tệ làm chức năng tiền tệ thế giới. Thực hiện chức năng tiền tệ thế giới thì tiền tệ là phương tiện trao đổi, thanh toán và dự trữ quốc tế, là công cụ di chuyển của cải từ nước này sang nước khác. Làm chức năng tiền tệ thế giới, tiền tệ phải có giá trị thật sự, phải là tiền vàng hoặc tiền tín dụng được công nhận trên phạm vi quốc tế.

Tuy nhiên, sử dụng vàng làm tiền tệ thế giới gặp không ít trở ngại như: vận chuyển, bảo quản, đánh giá chất lượng vàng. Do vậy, trong thực tế những đồng tiền giấy của những quốc gia có nền kinh tế mạnh cũng được sử dụng làm đồng tiền quốc tế. Khi đó, quan hệ giữa các đồng tiền được thiết lập. Việc đổi tiền nước này ra tiền của nước khác được tiến hành theo tỷ lệ nhất định, phụ thuộc vào sức mua của các đồng tiền. Tỷ lệ trao đổi giữa các đồng tiền gọi là tỷ giá hối đoái, là giá cả đồng tiền của quốc gia này được tính bằng đồng tiền của quốc gia khác.

Nhưng tiền giấy chỉ là ký hiệu của giá trị và các quốc gia thực thi chính sách tiền tệ trước hết vì lợi ích của mình nên việc sử dụng đồng tiền quốc gia làm tiền tệ thế giới làm cho người sử dụng phải chịu những rủi ro nhất định. Sự ra đời của những đồng tiền chung có tác dụng to lớn trong việc hạn chế những rủi ro đó.

Tóm lại, tiền tệ có năm chức năng, những chức năng này ra đời cùng với sự phát triển của sản xuất hàng hoá và lưu thông hàng hoá. Năm chức năng đó có quan hệ mật thiết với nhau, thông thường tiền làm nhiều chức năng cùng một lúc.

III. Quy luật giá trị

1. Nội dung của quy luật giá trị

Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất và lưu thông hàng hoá. Ở đâu có sản xuất và trao đổi hàng hoá thì ở đó có sự hoạt động của quy luật giá trị.

Nội dung của quy luật giá trị:

- Do yêu cầu đối với sản xuất: Quy luật giá trị đòi hỏi việc sản xuất và trao đổi hàng hoá phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết.

- Do yêu cầu đối với lưu thông: Giá trị hàng hoá biểu hiện bằng giá cả. Giá cả phụ thuộc vào giá trị và lên, xuống xoay quanh giá trị của hàng hoá trên thị trường. Đó là cơ chế tác động của quy luật giá trị.

2. Tác động của quy luật giá trị

- Điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hoá

+ Điều tiết sản xuất:

Cung= cầu -----> giá cả = giá trị

Cung > cầu -----> giá cả < giá trị

người sx thiệt --- > thu hẹp sản xuất

Cung < cầu -----> giá cả > giá trị

người sx lợi --- > mở rộng sản xuất

+ Điều tiết lưu thông:

Hàng hóa di chuyển từ nơi có giá cả thấp --- > giá cả cao

- Kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, tăng năng suất lao động phát triển lực lượng sản xuất.

- Thực hiện lựa chọn và phân hoá những người sản xuất hàng hoá thành giàu nghèo.

+ GTCB < GTXH --- > giàu lên

+ GTCB > GTXH --- > nghèo đi

Câu hỏi ôn tập

1. Phân tích những điều kiện ra đời của sản xuất hàng hoá?

2. Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa hai thuộc tính của hàng hóa?

3. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa? Ý nghĩa của vấn đề này ở Việt Nam hiện nay?

4. Nguồn gốc, bản chất và các chức năng của tiền tệ?

5. Phân tích nội dung và tác động của quy luật giá trị?

Chương V:

HỌC THUYẾT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ

Thời lượng: 10 giờ tín chỉ (7 lý thuyết, 2 thảo luận, 1 tự học)

Mục tiêu của người học cần đạt được về kiến thức và kĩ năng:

- Nêu được công thức và mâu thuẫn của công thức chung của tư bản

- Nắm được khái niệm hàng hóa sức lao động và bản chất tiền công trong CNTB

- Hiểu được quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư trong xã hội tư bản

- Hiểu được bản chất tuần hoàn và chu chuyển tư bản, các hình thái tuần hoàn của tư bản công nghiệp

- Nắm được khái niệm tỉ suất khối lượng giá trị thặng dư và hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư

- Hiểu được thực chất của sự chuyển hóa giá trị thặng dư thành tư bản và tích lũy tư bản

- Hiểu được các hình thái biểu hiện của tư bản và giá trị thặng dư

- Phân tích được bản chất của chủ nghĩa tư bản

I. Sự chuyển hóa của tiền tệ thành tư bản

1. Công thức chung của tư bản

Tiền là sản vật cuối cùng của lưu thông hàng hóa, đồng thời cũng là hình thức biểu hiện đầu tiên của tư bản. Mọi tư bản lúc đầu đều biểu hiện dưới hình thái một số tiền nhất định. Nhưng bản thân tiền không phải là tư bản. Tiền chỉ biến thành tư bản trong những điều kiện nhất định, khi chúng được sử dụng để bóc lột sức lao động của người khác.

Trong lưu thông hàng hóa giản đơn thì tiền được coi là tiền thông thường, vận động theo công thức H - T - H. Ở đây, tiền chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích bên ngoài lưu thông. Hình thức lưu thông hàng hóa này thích hợp với nền sản xuất nhỏ của những người thợ thủ công và nông dân.

Tiền được coi là tư bản, vận động theo công thức T - H - T, tức là sự chuyển hóa của tiền thành hàng hóa rồi hàng hóa lại chuyển hóa ngược lại thành tiền.

Điểm giống nhau của công thức lưu thông hàng hóa giản đơn và công thức lưu thông của tư bản là cả hai sự vận động đều do hai giai đoạn đối lập nhau là mua và bán hợp thành, đều có hai nhân tố vật chất đối diện nhau là tiền và hàng, hai mối quan hệ kinh tế là người mua và người bán.

Điểm khác nhau: lưu thông hàng hóa giản đơn bắt đầu với việc bán H - T và kết thúc bằng việc mua T - H. Điểm xuất phát và kết thúc đều là hàng hóa, tiền đóng vai trò trung gian. Ngược lại, lưu thông của tư bản bắt đầu bằng việc mua T - H, kết thúc bằng việc bán H - T. Tiền vừa là điểm xuất phát, vừa là điểm kết thúc của quá trình, hàng chỉ đóng vai trò trung gian. Tiền ở công thức này không phải chi ra mà là ứng ra rồi thu về.

Mục đích của lưu thông hàng hóa giản đơn là giá trị sử dụng để thỏa mãn nhu cầu, nên hàng hóa trao đổi phải có giá trị sử dụng khác nhau. Còn mục đích của công thức chung của tư bản không phải là giá trị sử dụng mà là giá trị, hơn nữa là giá trị tăng thêm. Vì nếu số tiền thu về bằng số tiền ứng ra thì quá trình vận động đó trở nên vô nghĩa. Do đó số tiền thu về phải lớn hơn số tiền ứng ra. Nên công thức vận động chung đầy đủ của tư bản là T - H - T'. Trong đó T' = T + ΔT. Số tiền trội ra so với số tiền đã ứng ra (ΔT) C. Mác gọi là giá trị thặng dư. Số tiền ứng ra ban đầu đã chuyển hóa thành tư bản.

Vậy, tư bản là giá trị mang lại giá trị thặng dư. Mục đích của lưu thông tư bản là sự lớn lên của giá trị, là giá trị thặng dư. C. Mác gọi là công thức T - H - T' là công thức chung của tư bản, vì sự vận động của mọi tư bản đều biểu hiện trong lưu thông dưới dạng khái quát đó. Dễ dàng nhận thấy trong thực tiễn là tư bản thương nghiệp với hoạt động mua vào, bán ra đắt hơn rất phù hợp với công thức trên. Tư bản công nghiệp vận động phức tạp hơn nhưng cũng trải qua những giai đoạn T - H và H - T'. Vận động của tư bản cho vay lấy lãi được rút ngắn bởi công thức T - T'. C. Mác chỉ rõ: "Vậy, T - H - T' thực sự là công thức chung của tư bản, đúng như nó trực tiếp thể hiện ra ở trong lĩnh vực lưu thông"1.

2. Mâu thuẫn của công thức chung của tư bản

Trong công thức T - H - T', trong đó T' = T + ΔT. Vậy ΔT do đâu mà có. Các nhà kinh tế học tư sản đã chứng minh rằng quá trình lưu thông đẻ ra giá trị thặng dư nhằm mục đích che dấu nguồn gốc làm giàu của các nhà tư bản. Thực chất trong lưu thông, dù trao đổi ngang giá hay không ngang giá thì cũng không tạo ra giá trị mới, do đó không tạo ra giá trị thặng dư.

Trường hợp trao đổi ngang giá chỉ có sự thay đổi hình thái của giá trị, từ tiền thành hàng và từ hàng thành tiền còn tổng giá trị cũng như phần giá trị nằm trong tay mỗi bên tham gia trao đổi trước sau vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, về mặt giá trị sử dụng thì cả hai bên đều có lợi vì có được những hàng hóa thích hợp với nhu cầu của mình.

Trường hợp trao đổi không ngang giá có thể có 3 trường hợp xảy ra như sau:

Thứ nhất, giả sử có một nhà tư bản bán hàng hóa cao hơn giá trị 10%, giá trị hàng hóa của anh ta là 100 đồng, bán được 110 đồng, thu về 10 đồng giá trị thặng dư. Trong thực tế, không có nhà tư bản nào mà chỉ đóng vai trò người bán mà lại không phải là người mua các yếu tố để sản xuất ra hàng hóa. Vì thế đến lượt mua, nhà tư bản đó sẽ lại phải mua hàng hóa cao hơn giá trị 10%, vì vậy, 10% thu được khi bán sẽ mất đi khi đóng vai trò là người mua.

Thứ hai, giả sử có một nhà tư bản mua hàng hóa thấp hơn giá trị 10%, đến khi bán hàng hóa theo giá trị thu được 10% giá trị thặng dư. Trong trường hợp này, cái mà anh ta thu được do mua rẻ sẽ mất đi khi anh ta là người bán vì phải bán thấp hơn giá trị thì các nhà tư bản khác mới mua. Ở đây, giá trị thặng dư cũng không được sinh ra do hành vi mua rẻ.

Thứ ba, trong xã hội, có một số hành vi lừa lọc bao giờ cũng mua được rẻ, bán được đắt. Giả sử mua được rẻ 5 đồng và bán đắt 5 đồng, tạo ra được 10 đồng giá trị thặng dư do trao đổi không ngang giá. Số tiền này kiếm được là do lừa gạt người khác. Xét chung cả xã hội, giá trị thặng dư mà nhà tư bản này kiếm được là do nhà tư bản khác mất đi. Đo đó, tổng số giá trị hàng hóa trong xã hội không tăng lên. C. Mác đã chỉ rõ: "Lưu thông hay trao đổi hàng hóa, không sáng tạo ra một giá trị nào cả"1.

Trở lại vấn đề ngoài lưu thông, có thể xem xét 2 trường hợp sau:

- Ở ngoài lưu thông, nếu người trao đổi vẫn đứng một mình với hàng hóa của anh ta thì giá trị của hàng hóa đó không hề tăng lên.

- Ở ngoài lưu thông, nếu người sản xuất muốn sáng tạo thêm một giá trị mới cho hàng hóa thì phải bằng lao động của mình. Chẳng hạn, người thợ giày đã tạo ra một giá trị mới bằng cách lấy da thuộc để làm ra giày. Đôi giày có giá trị lớn hơn da thuộc là do đã thu hút nhiều lao động hơn. Đến đây, C. Mác đã khẳng định: "Vậy tư bản không thể xuất hiện từ lưu thông và cũng không thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời không phải trong lưu thông. Đây chính là mâu thuẫn của công thức chung của tư bản"2. Để giải quyết mâu thuẫn này, C. Mác chỉ rõ phải lấy những qui luật nội tại của lưu thông hàng hóa làm cơ sở.

3. Hàng hóa sức lao động và tiền công trong chủ nghĩa tư bản

a) Hàng hóa sức lao động

Để làm biến đổi giá trị của số tiền cần phải chuyển hóa thành tư bản không thể xảy ra trong bản thân số tiền đó, mà chỉ có thể xảy ra từ hàng hóa được mua vào (T - H), đó là một thứ hàng hóa đặc biệt mà nhà tư bản đã tìm thấy trên thị trường: hàng hóa sức lao động. Theo C. Mác: "Sức lao động, đó là toàn bộ các thể lực và trí lực ở trong thân thể một con người, trong nhân cách sinh động của con người, thể lực và trí lực mà con người phải làm cho hoạt động để sản xuất ra những vật có ích"1.

- Điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa:

+ Người có sức lao động phải được tự do về thân thể, làm chủ sức lao động của mình và có quyền bán sức lao động của mình như một hàng hóa.

+ Người có sức lao động phải bị tước đoạt hết mọi tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt, để tồn tại, buộc phải bán sức lao động để sống.

- Hai thuộc tính của hàng hóa sức lao động: Hàng hóa sức lao động cũng như mọi hàng hóa khác đều có hai thuộc tính giá trị và giá trị sử dụng.

+ Giá trị hàng hóa sức lao động do thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất sức lao động quyết định. Sức lao động chỉ tồn tại như năng lực sống của con người. Vì vậy, muốn tái sản xuất ra năng lực đó, người lao động phải tiêu dùng một lượng tư liệu sinh hoạt nhất định để ăn, mặc, ở, học nghề,... và thỏa mãn những nhu cầu của gia đình thì sức lao động mới được tái sản xuất một cách liên tục.

+ Là hàng hóa đặc biệt nên giá trị sức lao động còn bao hàm cả yếu tố tinh thần và lịch sử. Tức là người lao động phải được thỏa mãn nhu cầu vật chất, văn hóa, tinh thần. Những nhu cầu này phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, địa lý.

Lượng giá trị hàng hóa sức lao động được đo bằng ba bộ phận sau đây:

Một là, giá trị tư liệu sinh hoạt vật chất và tinh thần cần thiết để tái sản xuất sức lao động, duy trì đời sống của người công nhân.

Hai là, phí tổn đào tạo người công nhân.

Ba là, giá trị những tư liệu sinh hoạt vật chất và tinh thần cần thiết cho con cái của người công nhân.

Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động được thể hiện ra trong quá trình tiêu dùng sức lao động, tức là quá trình lao động của người công nhân. Quá trình tiêu dùng hàng hóa sức lao động là quá trình sản xuất ra một loạt hàng hóa nào đó, đồng thời là quá trình tạo ra một giá trị lớn hơn giá trị của bản thân hàng hóa sức lao động. Phần lớn hơn đó chính là giá trị thặng dư mà nhà tư bản sẽ chiếm đoạt. Như vậy, giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động có tính chất đặc biệt, là nguồn gốc sinh ra giá trị, tức là tạo ra giá trị mới lớn hơn bản thân nó. Đây chính là chìa khóa để giải thích mâu thuẫn của công thức chung của tư bản. Tính chất đặc biệt này của hàng hóa sức lao động trở thành điều kiện để tiền tệ chuyển hóa thành tư bản.

b)Tiền công trong chủ nghĩa tư bản

Việc thừa nhận lao động là hàng hóa dẫn tới một trong hai mâu thuẫn về lý luận sau đây:

Thứ nhất, nếu lao động là hàng hóa và nó được trao đổi ngang giá thì nhà tư bản không được lợi nhuận (giá trị thặng dư). Điều này phủ nhận sự tồn tại thực tế của qui luật giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản.

Thứ hai, nếu hàng hóa lao động được trao đổi không ngang giá để có giá trị thặng dư cho nhà tư bản thì phải phủ nhận qui luật giá trị.

Và lao động là một thứ hàng hóa, vì vậy, nó có giá trị. Lao động là thực thể và là thước đo nội tại của giá trị, nhưng bản thân lao động thì không có giá trị, vì thế lao động không phải là hàng hóa. Cái mà công nhân bán cho nhà tư bản chính là sức lao động. Do đó, tiền công mà nhà tư bản trả cho công nhân là giá cả của sức lao động: Bản chất của tiền công trong chủ nghĩa tư bản là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động hay giá cả của sức lao động, nhưng lại biểu hiện ra bề ngoài thành giá cả của lao động.

Hình thức biểu hiện trên đây đã gây ra sự nhầm lẫn do những thực tế sau đây:

Một là, đặc điểm của hàng hóa sức lao động là không tách rời khỏi người bán. Nó chỉ nhận được giá cả khi đã cung cấp giá trị sử dụng cho người mua. Vì thế, nhà tư bản trả giá trị cho lao động.

Hai là, đối với công nhân, toàn bộ lao động trong cả ngày là phương tiện để có tiền sinh sống, họ cũng tưởng rằng mình bán lao động, nhà tư bản bỏ tiền ra để có lao động nên cũng nghĩ rằng cái họ mua là lao động.

Ba là, lượng của tiền công phụ thuộc vào thời gian lao động hoặc số lượng sản phẩm sản xuất ra. Điều đó làm cho người ta lầm tưởng rằng tiền công là giá cả lao động.Tiền công đã che đậy dấu vết của sự phân chia ngày lao động thành thời gian lao động tất yếu và thời gian lao động thặng dư, thành lao động được trả công và lao động không được trả công. Do đó tiền công che đậy bản chất bóc lột của nhà tư bản.

Hai hình thức của tiền công trong chủ nghĩa tư bản:

- Tiền công theo thời gian: là hình thức tiền công mà số lượng của nó ít hay nhiều tùy theo thời gian lao động của công nhân được tính theo thời gian dài hay ngắn. Giá cả của một giờ lao động là thước đo mức tiền công tính theo thời gian.

- Tiền công tính theo sản phẩm: là hình thức tiền công mà số lượng của nó phụ thuộc vào số lượng sản phẩm hay số lượng những bộ phận của sản phẩm mà công nhân đã sản xuất ra hoặc công việc đã hoàn thành. Đơn giá tiền công được xác định bằng thương số giữa số tiền công trung bình của công nhân trong một ngày với số lượng sản phẩm trung bình mà công nhân sản xuất ra trong một ngày.

- Tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế

+ Tiền công danh nghĩa là số tiền mà người công nhân nhận được do bán sức lao động của mình cho nhà tư bản. Tiền công được dùng để tái sản xuất sức lao động nên tiền công danh nghĩa phải được chuyển hóa thành tiền công thực tế.

+Tiền công thực tế được biểu hiện bằng số lượng hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ mà công nhân mua được bằng tiền công danh nghĩa của mình.

Tiền công danh nghĩa là giá cả sức lao động, nó biến động theo quan hệ cung cầu về hàng hóa sức lao động trên thị trường. Trong một thời gian nào đó, nếu tiền công danh nghĩa không thay đổi nhưng giá cả tư liệu tiêu dùng và dịch vụ tăng hoặc giảm thì tiền công thực tế cũng sẽ tăng hoặc giảm.

Xu hướng chung của nhà tư bản là không muốn nâng cao mức tiền công trung bình mà là hạ thấp mức tiền công ấy. Trong quá trình phát triển, tiền công danh nghĩa có xu hướng tăng lên nhưng không theo kịp mức tăng của giá cả tư liệu tiêu dùng và dịch vụ. Vì vậy, tiền công thực tế của công nhân có xu hướng hạ thấp.

II. Quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư trong xã hội tư bản

1. Sự thống nhất giữa quá trình sản xuất ra giá trị sử dụng và quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư

a) Quá trình sản xuất giá trị sử dụng

Mục đích của sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là giá trị sử dụng, mà là giá trị, hơn nữa, cũng không phải là giá trị đơn thuần mà là giá trị thặng dư. Nhưng để sản xuất giá trị thặng dư, trước hết, nhà tư bản phải sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó, vì giá trị sử dụng là vật mang giá trị và giá trị thặng dư.

Vậy, quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa là sự thống nhất giữa quá trình sản xuất ra giá trị sử dụng và quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư. C. Mác viết: Với tư cách là sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình tạo ra giá trị thì quá trình sản xuất là một quá trình sản xuất hàng hoá; với tư cách là sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị thì quá trình sản xuất là một quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, là hình thái tư bản chủ nghĩa của nền sản xuất hàng hoá.

b) Quá trình sản xuất giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản

Quá trình sản xuất trong xí nghiệp tư bản đồng thời là quá trình nhà tư bản tiêu dùng sức lao động và tư liệu sản xuất mà nhà tư bản đã mua, nên nó có các đặc điểm:

Một là, công nhân làm việc dưới sự kiểm soát của nhà tư bản, giống như những yếu tố khác của sản xuất được nhà tư bản sử dụng sao cho có hiệu quả nhất;

Hai là, sản phẩm được làm ra thuộc sở hữu của nhà tư bản, chứ không thuộc về công nhân.

Để hiểu rõ quá trình sản xuất giá trị thặng dư, chúng ta lấy việc sản xuất sợi của một nhà tư bản làm ví dụ. Nó là sự thống nhất giữa quá trình sản xuất ra giá trị sử dụng và quá trình lớn lên của giá trị hay là quá trình sản xuất giá thị thặng dư.

Giả định để sản xuất 10 kg sợi, cần 10 kg bông và giá 10 kg bông là 10 $. Để biến số bông đó thành sợi, một công nhân phải lao động trong 6 giờ và hao mòn máy móc là 2 $; giá trị sức lao động trong một ngày là 3 $ và ngày lao động là 12 giờ; trong một giờ lao động, người công nhân tạo ra một lượng giá trị là 0,5 $; cuối cùng giả định trong quá trình sản xuất, sợi đã hao phí theo thời gian lao động xã hội cần thiết.

Với giả định như vậy, nếu nhà tư bản chỉ bắt công nhân lao động trong 6 giờ, thì nhà tư bản phải ứng ra là 15 $ và giá trị của sản phẩm mới (10 kg sợi) mà nhà tư bản thu được cũng là 15 $. Như vậy, nếu quá trình lao động chỉ kéo dài đến cái điểm đủ bù đắp lại giá trị sức lao động (6 giờ), tức là bằng thời gian lao động tất yếu, thì chưa sản xuất ra giá trị thặng dư, do đó tiền chưa biến thành tư bản.

Trong thực tế quá trình lao động không dừng lại ở điểm đó. Giá trị sức lao động mà nhà tư bản phải trả khi mua và giá trị mà sức lao động đó có thể tạo ra cho nhà tư bản là hai đại lượng khác nhau, mà nhà tư bản đã tính đến trước khi mua sức lao động. Nhà tư bản đã trả tiền mua sức lao động trong một ngày (12 giờ). Việc sử dụng sức lao động trong ngày đó là thuộc quyền của nhà tư bản.

Nếu nhà tư bản bắt công nhân lao động 12 giờ trong ngày như đã thoả thuận thì: Chi phí sản xuất Giá trị sản phẩm mới (20 kg sợi)

- Tiền mua bông (20 kg): 20$

- Tiền hao mòn máy móc: 4$

- Tiền mua sức lao động trong một ngày: 3$

Tổng cộng 27$ - Giá trị của bông được chuyển vào sợi: 20$

- Giá trị của máy móc được chuyển vào sợi: 4$

- Giá trị mới do lao động của công nhân tạo ra trong 12 giờ lao động: 6$

Tổng cộng: 30$

Như vậy, toàn bộ chi phí sản xuất mà nhà tư bản bỏ ra là 27 $, còn giá trị của sản phẩm mới (20 kg sợi) do công nhân sản xuất ra trong 12 giờ lao động là 30$. Vậy 27 $ ứng trước đã chuyển hoá thành 30$, đã đem lại một giá trị thặng dư là 3$. Do đó tiền tệ ứng ra ban đầu đã chuyển hoá thành tư bản.

Từ sự nghiên cứu quá trình sản xuất giá trị thặng dư, có thể rút ra những kết luận sau đây:

Một là, phân tích giá trị sản phẩm được sản xuất ra (20 kg sợi), chúng ta thấy có hai phần: Giá trị những tư liệu sản xuất nhờ lao động cụ thể của công nhân mà được bảo toàn và di chuyển vào sản phẩm mới gọi là giá trị cũ (trong ví dụ là 24 $). Giá trị do lao động trừu tượng của công nhân tạo ra trong quá trình sản xuất gọi là giá trị mới (trong ví dụ là 6 $). Phần giá trị mới này lớn hơn giá trị sức lao động, nó bằng giá trị sức lao động cộng với giá trị thặng dư.

Vậy giá trị thặng dư là một bộ phận của giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao động do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không. Quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư chỉ là quá trình tạo ra giá trị kéo dài quá cái điểm mà ở đó giá trị sức lao động do nhà tư bản trả được hoàn lại bằng một vật ngang giá mới.

Hai là, ngày lao động của công nhân bao giờ cũng được chia thành hai phần: phần ngày lao động mà người công nhân tạo ra một lượng giá trị ngang với giá trị sức lao động của mình gọi là thời gian lao động cần thiết và lao động trong khoảng thời gian đó là lao động cần thiết. Phần còn lại của ngày lao động gọi là thời gian lao động thặng dư, và lao động trong khoảng thời gian đó gọi là lao động thặng dư.

Ba là, sau khi nghiên cứu quá trình sản xuất giá trị thặng dư, chúng ta nhận thấy mâu thuẫn của công thức chung của tư bản đã được giải quyết: việc chuyển hoá của tiền thành tư bản diễn ra trong lưu thông, mà đồng thời không diễn ra trong lĩnh vực đó. Chỉ có trong lưu thông nhà tư bản mới mua được một thứ hàng hoá đặc biệt, đó là hàng hoá sức lao động. Sau đó nhà tư bản sử dụng hàng hoá đặc biệt đó trong sản xuất, tức là ngoài lĩnh vực lưu thông để sản xuất ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản. Do đó tiền của nhà tư bản mới chuyển thành tư bản.

Việc nghiên cứu giá trị thặng dư được sản xuất ra như thế nào đã vạch rõ bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Nhưng trong điều kiện hiện nay, do sự phát triển của công ty cổ phần, mà trong đó một bộ phận nhỏ công nhân cũng có cổ phiếu và trở thành cổ đông, đã xuất hiện quan niệm cho rằng không còn bóc lột giá trị thặng dư, chủ nghĩa tư bản ngày nay đã thay đổi bản chất. Dựa vào đó, một số học giả tư sản đưa ra thuyết "Chủ nghĩa tư bản nhân dân". Song, trên thực tế, công nhân chỉ có một số cổ phiếu không đáng kể, do đó họ chỉ là người sở hữu danh nghĩa mà không có vai trò chi phối doanh nghiệp, phần lớn lợi tức cổ phần vẫn nằm trong tay các nhà tư bản, thu nhập của công nhân chủ yếu vẫn là tiền công và tiền lương.

2. Bản chất của tư bản, tư bản bất biến và tư bản khả biến

a) Bản chất của tư bản

Sau khi nghiên cứu quá trình sản xuất giá trị thặng dư, có thể đưa ra định nghĩa: Tư bản là giá trị mang lại giá trị thặng dư bằng cách bóc lột lao động không công của công nhân làm thuê. Bản chất của tư bản là thể hiện quan hệ sản xuất xã hội mà trong đó giai cấp tư sản chiếm đoạt giá trị thặng dư do giai cấp công nhân sáng tạo ra.

b) Tư bản bất biến và tư bản khả biến

Bộ phận tư bản biến thành tư liệu sản xuất mà giá trị được bảo toàn và chuyển vào sản phẩm, tức là không thay đổi đại lượng giá trị của nó, được C.Mác gọi là tư bản bất biến, và ký hiệu là C.

Bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động thì lại khác. Một mặt, giá trị của nó biến thành các tư liệu sinh hoạt của người công nhân và biến đi trong tiêu dùng của công nhân. Mặt khác, trong quá trình lao động, bằng lao động trừu tượng, công nhân tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân sức lao động, nó bằng giá trị sức lao động cộng với giá trị thặng dư. Như vậy, bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động đã không ngừng chuyển hoá từ đại lượng bất biến thành một đại lượng khả biến, tức là đã tăng lên về lượng trong quá trình sản xuất.

Bộ phận tư bản biến thành sức lao động không tái hiện ra, nhưng thông qua lao động trừu tượng của công nhân làm thuê mà tăng lên, tức là biến đổi về đại lượng, được C. Mác gọi là tư bản khả biến, và ký hiệu là V.

Như vậy, tư bản bất biến là điều kiện cần thiết không thể thiếu được để sản xuất ra giá trị thặng dư, còn tư bản khả biến có vai trò quyết định trong quá trình đó, vì nó chính là bộ phận tư bản đã lớn lên.

Việc phát hiện ra tính hai mặt của lao động thể hiện trong hàng hoá đã giúp C. Mác xác định sự khác nhau giữa tư bản bất biến và tư bản khả biến. C. Mác là người đầu tiên chia tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến. Sự phân chia đó dựa vào vai trò khác nhau của các bộ phận của tư bản trong quá trình sản xuất giá trị thặng dư, do đó nó vạch rõ bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản, chỉ có lao động của công nhân làm thuê mới tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản.

3. Tuần hoàn và chu chuyển của tư bản. Tư bản cố định và tư bản lưu động

a)Tuần hoàn của tư bản (Ba giai đoạn vận động của tư bản và sự biến hoá hình thái của tư bản)

Tư bản công nghiệp vận động theo công thức:

TLSX

T - H ... SX ... H' - T'

SLĐ

Giai đoạn thứ nhất: T - H

Mỗi tư bản đều xuất hiện trước hết dưới hình thức tiền tệ. Đó là tư bản tiền tệ. Nhà tư bản dùng tiền mua một loại hàng hoá nhất định, gồm tư liệu sản xuất và sức lao động, tiền phải có số lượng đủ lớn. Quá trình lưu thông đó có thể trình bày như sau:

TLSX

T - H

SLĐ

Hành vi mua (T - H) không đơn thuần là sự chuyển hoá một món tiền thành hàng hoá, mà tư bản đã bước vào giai đoạn đầu tiên trong vận động của mình. Chức năng của tư bản tiền tệ là chuyển hoá thành các yếu tố sản xuất. Trước đó, nhà tư bản có tư bản dưới hình thái tiền tệ, bây giờ, tư bản mà anh ta có về số lượng giá trị không thay đổi, nhưng về hình thái thì đã là tư bản sản xuất.

Giai đoạn thứ hai: ... S X ...

Ở giai đoạn này, các hàng hoá đã mua được tiêu dùng, tức tiến hành sản xuất. Hình thái của tư bản giờ đây là tư bản sản xuất.

Chức năng của tư bản sản xuất là tạo ra giá trị thặng dư. Sau một quá trình sản xuất, một hàng hoá mới H' được tạo ra, khác về giá trị sử dụng và cả lượng giá trị so với giá trị các hàng hoá cấu thành tư bản sản xuất. Hàng hoá mới này đã mang trong nó giá trị thặng dư, nên nó là tư bản hàng hoá.

Kết thúc giai đoạn thứ hai, tư bản sản xuất biến thành tư bản hàng hoá. Giai đoạn này có thể trình bày như sau:

TLSX

H ... S X ... H'

SLĐ

Chức năng của tư bản sản xuất là, thông qua lao động của công nhân, sáng tạo ra giá trị và giá trị thặng dư (H - H').

Giai đoạn thứ ba: H' - T'

Hình thái của tư bản giờ đây là hàng hoá, trong đó chứa đựng giá trị thặng dư. Hàng hoá được sản xuất ra trong giai đoạn thứ hai nhà tư bản cần phải bán đi để thu tiền về. Quá trình lưu thông đó có thể trình bày như sau: H' - T'.

Chức năng của tư bản hàng hoá là thông qua việc bán hàng hoá đã sản xuất ra để: một là, hoàn lại cho nhà tư bản dưới hình thái tiền tệ số tư bản đã bỏ ra lúc đầu để sản xuất; hai là, thực hiện giá trị thặng dư đã được sáng tạo ra trong quá trình sản xuất.

Lần thứ ba tư bản thay đổi hình thái tồn tại của nó. Tư bản lại trở lại hình thái tư bản tiền tệ. Nhưng bây giờ, số tiền của nhà tư bản đã lớn hơn số lượng ban đầu. Mục đích thu về giá trị thặng dư của các nhà tư bản đã đạt được.

Tổng hợp quá trình vận động của tư bản trong cả 3 giai đoạn, ta có công thức sau đây:

TLSX

T - H ... S X ... H' - T' (...)

SLĐ

Trong 3 giai đoạn đó, có 2 giai đoạn diễn ra trong lưu thông và 1 giai đoạn diễn ra trong sản xuất. Nhưng cả 3 giai đoạn kết hợp chặt chẽ với nhau. Nếu một trong 3 giai đoạn bị ngừng trệ, thì toàn bộ sự vận động của tư bản bị phá hoại.

Sự vận động của tư bản T - H ... S X ... H' - T' là sự vận động có tính chất tuần hoàn: từ hình thái tiền đầu tuần hoàn quay lại hình thái tiền cuối tuần hoàn; quá trình đó tiếp tục lặp lại không ngừng.

Vậy, tuần hoàn của tư bản là sự vận động của tư bản trải qua ba giai đoạn, lần lượt mang ba hình thái và thực hiện ba chức năng để rồi quay trở về hình thái ban đầu với giá trị không chỉ được bảo tồn mà còn tăng lên.

Các hình thái tuần hoàn của tư bản công nghiệp :

Trong vận động liên tục của tư bản, mỗi hình thái của tư bản đều có thể trở thành điểm bắt đầu và kết thúc của một vòng tuần hoàn, tạo nên các hình thái khác nhau của tuần hoàn tư bản.

Tuần hoàn của tư bản tiền tệ: T - H...SX... H' -T'

Điểm mở đầu và kết thúc của tuần hoàn là tiền tệ. Điều này cho thấy, tư bản trước hết xuất hiện dưới hình thái tiền tệ; tích luỹ tiền tệ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Tuần hoàn của tư bản tiền tệ cho thấy, mục đích của vận động tư bản là tiền tệ, là giá trị thặng dư. Sự giống nhau về chất giữa T và T' làm cho điểm kết thúc của chu kỳ này trở thành điểm mở đầu của chu kỳ mới; vận động của tư bản liên tục và không có giới hạn.

Tuần hoàn của tư bản sản xuất: SX... H' - T' - H ... SX'

Điểm mở đầu và kết thúc của tuần hoàn là sản xuất. Điều này làm cho người ta lầm tưởng rằng, mục đích của vận động tư bản là sản xuất; hàng hoá và tiền tệ chỉ là những yếu tố trung gian.

Tuần hoàn của tư bản sản xuất lại chỉ rất rõ rằng, nguồn gốc của sản xuất mở rộng là kết qủa của quá trình sản xuất trước đó, tức là lao động của công nhân tích luỹ lại; lưu thông là điều kiện của sản xuất.

Tuần hoàn của tư bản hàng hoá: H' - T' - H ... SX - H"

Hàng hoá là điểm mở đầu và kết thúc của tuần hoàn tư bản. Nhưng H', H" không phải là hàng hoá thông thường, mà mang giá trị thặng dư, tức là tư bản hàng hoá. Trong tuần hoàn của tư bản hàng hoá, vận động của tư bản được biểu hiện bằng vận động của hàng hoá.

Trong tuần hoàn của tư bản hàng hoá, tiền tệ và sản xuất chỉ là điều kiện cần thiết của lưu thông hàng hoá. H' - T' bao gồm hành vi trao đổi nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản xuất và hành vi trao đổi nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Do đó, tuần hoàn của tư bản hàng hoá không chỉ phản ánh vận động của tư bản cá biệt, mà còn có thể được sử dụng để nghiên cứu vận động của tư bản xã hội.

Trong các loại tư bản, chỉ có tư bản công nghiệp (với nghiã các ngành sản xuất vật chất) mới có hình thái tuần hoàn đầy đủ gồm ba giai đoạn, tư bản lần lượt mang lấy và trút bỏ ba hình thức của nó. Tư bản công nghiệp là hình thức tư bản duy nhất không chỉ chiếm đoạt giá trị thặng dư mà còn tạo ra giá trị thặng dư. Cho nên, chính tư bản công nghiệp quy định tính chất tư bản chủ nghĩa của sản xuất.

Tư bản tiền tệ, tư bản sản xuất và tư bản hàng hoá không phải là những loại tư bản độc lập, mà chúng chỉ là những hình thái chức năng đặc thù của tư bản công nghiệp. Trong cuộc tuần hoàn của tư bản công nghiệp, giai đoạn thứ hai (khi tư bản công nghiệp mang hình thức tư bản sản xuất) là giai đoạn có ý nghĩa quyết định. Trong giai đoạn ấy, hàng hoá, giá trị và giá trị thặng dư được sản xuất ra (tư bản sản xuất biến thành tư bản hàng hoá). Trong hai giai đoạn kia, không sáng tạo ra giá trị và giá trị thặng dư, mà chỉ có sự thay đổi hình thức tư bản (tư bản tiền tệ biến thành tư bản sản xuất và tư bản hàng hoá biến thành tư bản tiền tệ).

b) Chu chuyển của tư bản

Thời gian chu chuyển và số vòng chu chuyển

Tuần hoàn của tư bản nói lên sự biến hoá hình thái của tư bản qua các giai đoạn lưu thông và sản xuất. Nhưng tư bản không phải biến hoá hình thái một lần rồi dừng lại, mà nó vận động không ngừng. Sự lặp đi lặp lại của tuần hoàn tư bản một cách định kỳ gọi là chu chuyển của tư bản.

Chu chuyển của tư bản nói lên tốc độ vận động của tư bản nhanh hay chậm. Thời gian tư bản thực hiện được một vòng tuần hoàn gọi là thời gian chu chuyển của tư bản. Thời gian chu chuyển của tư bản là khoảng thời gian kể từ khi nhà tư bản ứng tư bản ra dưới một hình thái nào đó cho đến khi thu về cũng dưới hình thái ấy, có kèm theo giá trị thặng dư. Vì tuần hoàn của tư bản bao gồm cả quá trình sản xuất và quá trình lưu thông, nên thời gian chu chuyển của tư bản cũng bao gồm cả thời gian sản xuất và thời gian lưu thông cộng lại.

Thời gian sản xuất của tư bản là thời gian tư bản nằm trong lĩnh vực sản xuất. Nó bao gồm: thời gian lao động (thời gian duy nhất tạo ra giá trị và giá trị thặng dư cho nhà tư bản), thời gian gián đoạn lao động và thời gian dự trữ sản xuất.

Thời gian lưu thông của tư bản là thời gian tư bản nằm trong lĩnh vực lưu thông. Trong thời gian lưu thông, tư bản không làm chức năng sản xuất, do đó không sản xuất ra hàng hoá, cũng không sản xuất ra giá trị thặng dư. Thời gian lưu thông bao gồm cả thời gian mua và thời gian bán, trong đó thời gian bán thường dài hơn thời gian mua vì bán khó khăn hơn mua.

Tốc độ chu chuyển của tư bản trong một thời gian nhất định (1năm) được đo bằng số vòng chu chuyển. Số vòng chu chuyển của tư bản bằng tỷ lệ giữa đơn vị đo thời gian chu chuyển (1 năm) và thời gian một vòng chu chuyển của tư bản.

Với một lượng tư bản nhất định và trình độ bóc lột nhất định, khối lượng giá trị thặng dư mà nhà tư bản thu được còn tuỳ thuộc tốc độ vận động của tư bản. Thời gian của một vòng tuần hoàn càng ngắn tức là tốc độ vận động của tư bản càng cao và ngược lại. Do đó, nhà tư bản tìm mọi cách rút ngắn thời gian chu chuyển.

c) Tư bản cố định và tư bản lưu động

Tư bản sản xuất gồm nhiều bộ phận với thời gian chu chuyển khác nhau, do đó ảnh hưởng đến toàn bộ thời gian chu chuyển của tư bản. Căn cứ vào sự khác nhau trong phương thức chu chuyển về mặt giá trị của các bộ phận đó, tư bản sản xuất được phân chia thành tư bản cố định và tư bản lưu động.

Tư bản cố định là bộ phận tư bản được sử dụng toàn bộ vào quá trình sản xuất nhưng giá trị của nó chỉ chuyển từng phần vào sản phẩm. Đó là phần tư bản dùng để làm nhà xưởng và kiến trúc khác cần cho kinh doanh, mua máy móc và thiết bị.

+ Tư bản cố định do nhà tư bản bỏ ra một lần, nhưng giá trị của nó thì trở về tay nhà tư bản từng phần một dưới hình thức tiền tệ. Các yếu tố của tư bản cố định thường phục vụ sản xuất nhiều năm, hàng năm giá trị của nó chỉ chuyển một bộ phận nhất định vào sản phẩm; phần còn lại vẫn bị cố định trong tư liệu lao động, phần này không ngừng giảm xuống cho tới khi nó chuyển hết giá trị vào sản phẩm. Thời gian mà tư bản cố định chuyển hết giá trị của nó vào sản phẩm bao giờ cũng dài hơn thời gian một vòng tuần hoàn.

+ Trong qúa trình sử dụng, tư bản cố định bị hao mòn đi. Có hai loại hao mòn: hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình.

Hao mòn hữu hình là sự hao mòn về giá trị sử dụng đi đôi với sự hao mòn về giá trị của tài sản cố định do quá trình sử dụng hoặc do sự phá huỷ của tự nhiên gây ra. Hao mòn hữu hình làm cho máy móc thiết bị hỏng dần và đi đến hỏng phải thay thế. Phần giá trị hao mòn này được chuyển vào giá trị hàng hoá, và nhà tư bản sẽ thu hồi lại sau khi bán hàng. Dù vậy, trong quá trình hoạt động, tư bản cố định cần phải được bảo quản, sửa chữa để kéo dài tuổi thọ.

Hao mòn vô hình là hao mòn thuần tuý về giá trị của tài sản cố định, là sự giảm giá trị, thậm chí bị loại bỏ do xuất hiện máy móc mới tốt hơn, rẻ hơn, có công suất cao hơn.

Để khôi phục tư bản cố định đã hao mòn phải lập quĩ khấu hao tài sản cố định. Sau từng kỳ bán hàng hoá, người ta trích ra một số tiền bằng mức độ hao mòn tư bản cố định bỏ vào quĩ khấu hao. Quỹ khấu hao dùng để đổi mới tư bản cố định, nhưng trước khi làm việc đó, nó có thể được sử dụng để kinh doanh hoặc cho vay...

Để hạn chế hao mòn hữu hình các tài sản cố định cần được bảo quản, sửa chữa thường xuyên; để tránh hao mòn vô hình, tài sản cố định cần được sử dụng hết công suất, thu hồi nhanh tư bản cố định.

Tư bản lưu động là bộ phận tư bản khi tham gia vào quá trình sản xuất chuyển giá trị một lần vào sản phẩm. Đó là bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động, nguyên liệu, nhiên liệu và các vật liệu phụ, tức là phần tư bản dùng để mua những tư liệu sản xuất không thuộc tư bản cố định.

Sự phân chia tư bản thành tư bản cố định và tư bản lưu động là đặc điểm riêng của tư bản sản xuất. Sự phân biệt giữa tư bản cố định và tư bản lưu động là chỉ có tính chất tương đối. Có những tư liệu sản xuất khi thì là tư bản cố định, khi lại là tư bản lưu động. Điều đó là tuỳ thuộc vào chức năng của nó trong quá trình sản xuất.

Các nhà kinh tế chính trị tư sản chỉ thừa nhận việc phân chia tư bản thành tư bản cố định và tư bản lưu động và cách phân loại này không chỉ ra được vai trò khác nhau của các bộ phận tư bản trong việc sáng tạo ra giá trị thặng dư. Nhờ phân chia tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến, C. Mác đã làm rõ được nguồn gốc, bản chất của giá trị thặng dư. Thực ra, đó là hai cách phân chia khác nhau của cùng các yếu tố sản xuất. Xét theo nguồn gốc tạo ra giá trị và giá trị thặng dư thì tư bản được chia thành tư bản bất biến (c) và tư bản khả biến (v); còn khi xem xét về phương thức chu chuyển giá trị thì tư bản được chia thành tư bản cố định và tư bản lưu động.

3. Tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư

Sau khi vạch rõ bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản, C. Mác nghiên cứu trình độ và quy mô của sự bóc lột, tức là nghiên cứu tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư. Tỷ suất giá trị thặng dư là tỷ số tính theo phần trăm giữa giá trị thặng dư và tư bản khả biến cần thiết để sản xuất ra giá trị thặng dư đó.

Nếu ký hiệu m' là tỷ suất giá trị thặng dư, thì m' được xác định bằng công thức:

m' = x 100%

Tỷ suất giá trị thặng dư chỉ rõ trong tổng số giá trị mới do sức lao động tạo ra, thì công nhân được hưởng bao nhiêu, nhà tư bản chiếm đoạt bao nhiêu. Tỷ suất giá trị thặng dư còn chỉ rõ, trong một ngày lao động, phần thời gian lao động thặng dư mà người công nhân làm cho nhà tư bản chiếm bao nhiêu phần trăm so với thời gian lao động tất yếu làm cho mình. Do đó, có thể biểu thị tỷ suất giá trị thặng dư theo một công thức khác:

m' = x 100%

Trong đó: t' là thời gian lao động thặng dư; t là thời gian lao động tất yếu

Tỷ suất giá trị thặng dư nói lên trình độ bóc lột của nhà tư bản đối với công nhân làm thuê, nó chưa nói rõ quy mô bóc lột. Để phản ánh quy mô bóc lột, C. Mác sử dụng phạm trù khối lượng giá trị thặng dư.

- Khối lượng giá trị thặng dư là tích số giữa tỷ suất giá trị thặng dư và tổng tư bản khả biến đã được sử dụng.

Nếu ký hiệu M là khối lượng giá trị thặng dư, thì M được xác định bằng công thức: M = m'. V

Chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì khối lượng giá trị thặng dư càng tăng, vì trình độ bóc lột sức lao động càng tăng.

4. Hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư

Mục đích của các nhà tư bản là sản xuất ra giá trị thặng dư tối đa, vì vậy, các nhà tư bản dùng nhiều phương pháp để tăng tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư. Khái quát có hai phương pháp để đạt được mục đích đó là sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối và sản xuất giá trị thặng dư tương đối.

a) Sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối

Giá trị thặng dư được sản xuất ra bằng cách kéo dài ngày lao động trong điều kiện thời gian lao động tất yếu không thay đổi, nhờ đó kéo dài thời gian lao động thặng dư gọi là giá trị thặng dư tuyệt đối.

Giả sử ngày lao động là 8 giờ, trong đó 4 giờ là thời gian lao động tất yếu và 4 giờ là thời gian lao động thặng dư. Điều đó có thể biểu diễn bằng công thức sau đây:

m'= x100% = 100%

Giả sử nhà tư bản kéo dài ngày lao động thêm 2 giờ, trong khi thời gian tất yếu không thay đổi, vẫn là 4 giờ. Do đó tỷ suất giá trị thặng dư là:

m' = x 100% = 150%

Như vậy, khi kéo dài tuyệt đối ngày lao động trong điều kiện thời gian lao động tất yếu không thay đổi, thì thời gian lao động thặng dư tăng lên, nên tỷ suất giá trị thặng dư tăng lên. Trước đây tỷ suất giá trị thặng dư là 100%, thì bây giờ là 150%.

Các nhà tư bản tìm mọi cách kéo dài ngày lao động, nhưng ngày lao động có những giới hạn nhất định. Giới hạn trên của ngày lao động do thể chất và tinh thần của người lao động quyết định. Vì công nhân phải có thời gian ăn, ngủ, nghỉ ngơi, giải trí để phục hồi sức khoẻ. Việc kéo dài ngày lao động còn vấp phải sự phản kháng của giai cấp công nhân. Còn giới hạn dưới của ngày lao động không thể bằng thời gian lao động tất yếu, tức là thời gian lao động thặng dư bằng không. Như vậy, về mặt kinh tế, ngày lao động phải dài hơn thời gian lao động tất yếu, nhưng không thể vượt quá giới hạn về thể chất và tinh thần của người lao động.

Trong phạm vi giới hạn nói trên, độ dài của ngày lao động là một đại lượng không cố định và có nhiều mức khác nhau. Độ dài cụ thể của ngày lao động do cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản trên cơ sở tương quan lực lượng quyết định. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đòi ngày lao động tiêu chuẩn, ngày làm 8 giờ đã kéo dài hàng thế kỷ.

b) Sản xuất giá trị thặng dư tương đối

Việc kéo dài ngày lao động bị giới hạn về thể chất và tinh thần của người lao động và vấp phải cuộc đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của giai cấp công nhân. Mặt khác, khi sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển đến giai đoạn đại công nghiệp cơ khí, kỹ thuật đã tiến bộ làm cho năng suất lao động tăng lên nhanh chóng, thì các nhà tư bản chuyển sang phương thức bóc lột dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động, bóc lột giá trị thặng dư tương đối.

Giá trị thặng dư được tạo ra bằng cách rút ngắn thời gian lao động tất yếu trong điều kiện độ dài của ngày lao động không đổi, nhờ đó kéo dài tương ứng thời gian lao động thặng dư, được gọi là giá trị thặng dư tương đối.

Giả sử ngày lao động là 8 giờ và nó được chia thành 4 giờ là thời gian lao động tất yếu và 4 giờ là thời gian lao động thặng dư. Do đó tỷ suất giá trị thặng dư là:

m' = x 100% = 100%

Giả định rằng ngày lao động không thay đổi, nhưng bây giờ công nhân chỉ cần 3 giờ lao động đã tạo ra được một lượng giá trị mới bằng với giá trị sức lao động của mình. Do đó tỷ lệ phân chia ngày lao động sẽ thay đổi: 3 giờ là thời gian lao động tất yếu và 5 giờ là thời gian lao động thặng dư. Do đó bây giờ tỷ suất giá trị thặng dư sẽ là:

m' = x 100% = 166%

Như vậy, tỷ suất giá trị thặng dư đã tăng từ 100% lên 166%.

Làm thế nào để có thể rút ngắn được thời gian lao động tất yếu? Thời gian lao động tất yếu có quan hệ với giá trị sức lao động. Muốn rút ngắn thời gian lao động tất yếu phải giảm giá trị sức lao động. Muốn hạ thấp giá trị sức lao động phải giảm giá trị những tư liệu sinh hoạt thuộc phạm vi tiêu dùng của công nhân. Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng cách tăng năng suất lao động trong các ngành sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt thuộc phạm vi tiêu dùng của công nhân hay tăng năng suất lao động trong các ngành sản xuất ra tư liệu sản xuất để sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt đó.

Nếu trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối là phương pháp chủ yếu, thì đến giai đoạn tiếp sau, khi kỹ thuật phát triển, sản xuất giá trị thặng dư tương đối là phương pháp chủ yếu. Lịch sử phát triển của lực lượng sản xuất và của năng suất lao động xã hội dưới chủ nghĩa tư bản đã trải qua ba giai đoạn: hợp tác giản đơn, công trường thủ công và đại công nghiệp cơ khí, đó cũng là quá trình nâng cao trình độ bóc lột giá trị thặng dư tương đối.

Hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư nói trên được các nhà tư bản sử dụng kết hợp với nhau để nâng cao trình độ bóc lột công nhân làm thuê trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản. Dưới chủ nghĩa tư bản, việc áp dụng máy móc không phải là để giảm nhẹ cường độ lao động của công nhân, mà trái lại tạo điều kiện để tăng cường độ lao động. Ngày nay, việc tự động hoá sản xuất làm cho cường độ lao động tăng lên, nhưng dưới hình thức mới, sự căng thẳng của thần kinh thay thế cho cường độ lao động cơ bắp.

c) Giá trị thặng dư siêu ngạch

Cạnh tranh giữa các nhà tư bản buộc họ phải áp dụng phương pháp sản xuất tốt nhất để tăng năng suất lao động trong xí nghiệp của mình nhằm giảm giá trị cá biệt của hàng hoá thấp hơn giá trị xã hội của hàng hoá, nhờ đó thu được giá trị thặng dư siêu ngạch.

Xét từng trường hợp, thì giá trị thặng dư siêu ngạch là hiện tượng tạm thời, xuất hiện và mất đi. Nhưng xét toàn bộ xã hội tư bản thì giá trị thặng dư siêu ngạch là hiện tượng tồn tại thường xuyên. Theo đuổi giá trị thặng dư siêu ngạch là khát vọng của nhà tư bản và là động lực mạnh nhất thúc đẩy các nhà tư bản cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, tăng năng suất lao động, làm cho năng suất lao động xã hội tăng lên nhanh chóng. C. Mác gọi giá trị thặng dư siêu ngạch là hình thức biến tướng của giá trị thặng dư tương đối, vì giá trị thặng dư siêu ngạch và giá trị thặng dư tương đối đều dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động (mặc dù một bên là dựa vào tăng năng suất lao động cá biệt, còn một bên dựa vào tăng năng suất lao động xã hội).

Sự khác nhau giữa giá trị thặng dư siêu ngạch và giá trị thặng dư tương đối còn thể hiện ở chỗ giá trị thặng dư tương đối do toàn bộ giai cấp các nhà tư bản thu được.

Xét về mặt đó, nó thể hiện quan hệ bóc lột của toàn bộ giai cấp tư sản đối với toàn bộ giai cấp công nhân làm thuê. Giá trị thặng dư siêu ngạch chỉ do một số các nhà tư bản có kỹ thuật tiên tiến thu được. Xét về mặt đó, nó không chỉ biểu hiện mối quan hệ giữa tư bản và lao động làm thuê, mà còn trực tiếp biểu hiện mối quan hệ cạnh tranh giữa các nhà tư bản.

Từ đó, ta thấy rằng giá trị thặng dư siêu ngạch là động lực trực tiếp, mạnh nhất thúc đẩy các nhà tư bản cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, hoàn thiện tổ chức lao động và tổ chức sản xuất để tăng năng suất lao động, giảm giá trị của hàng hoá.

5. Sản xuất giá trị thặng dư - quy luật kinh tế tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản

Mục đích của sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là giá trị sử dụng mà là sản xuất ra giá trị thặng dư, là nhân giá trị lên. Theo đuổi giá trị thặng dư tối đa là mục đích và động cơ thúc đẩy sự hoạt động của mỗi nhà tư bản, cũng như của toàn bộ xã hội tư bản. Nhà tư bản cố gắng sản xuất ra hàng hoá với chất lượng tốt đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ vì nhà tư bản muốn thu được nhiều giá trị thặng dư.

Sản xuất ra giá trị thặng dư tối đa không chỉ phản ánh mục đích của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà còn vạch rõ phương tiện, thủ đoạn để đạt được mục đích đó: tăng cường bóc lột công nhân làm thuê bằng cách tăng cường độ lao động và kéo dài ngày lao động, tăng năng suất lao động và mở rộng sản xuất.

Sản xuất ra giá trị thặng dư là quy luật kinh tế tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Nội dung của nó là sản xuất ra giá trị thặng dư tối đa bằng cách tăng cường bóc lột công nhân làm thuê. Quy luật giá trị thặng dư ra đời và tồn tại cùng với sự ra đời và tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Nó quyết định các mặt chủ yếu, các quá trình kinh tế chủ yếu của chủ nghĩa tư bản. Nó là động lực vận động, phát triển của chủ nghĩa tư bản, đồng thời nó cũng làm cho mọi mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản ngày càng sâu sắc, đưa đến sự thay thế tất yếu chủ nghĩa tư bản bằng một xã hội cao hơn.

Trong điều kiện hiện nay, sản xuất giá trị thặng dư có những đặc điểm mới:

Một là, do kỹ thuật và công nghệ hiện đại được áp dụng rộng rãi nên khối lượng giá trị thặng dư được tạo ra chủ yếu nhờ tăng năng suất lao động. Việc tăng năng suất lao động do áp dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại có đặc điểm là chi phí lao động sống trong một đơn vị sản phẩm giảm nhanh, vì máy móc hiện đại thay thế được nhiều lao động sống hơn.

Hai là, cơ cấu lao động xã hội ở các nước tư bản phát triển hiện nay có sự biến đổi lớn. Do áp dụng rộng rãi kỹ thuật và công nghệ hiện đại nên lao động phức tạp, lao động trí tuệ tăng lên và thay thế lao động giản đơn, lao động cơ bắp. Do đó lao động trí tuệ, lao động có trình độ kỹ thuật cao ngày càng có vai trò quyết định trong việc sản xuất ra giá trị thặng dư. Chính nhờ sử dụng lực lượng lao động ngày nay mà tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư đã tăng lên rất nhiều.

Ba là, sự bóc lột của các nước tư bản chủ nghĩa phát triển trên phạm vi quốc tế ngày càng được mở rộng dưới nhiều hình thức: xuất khẩu tư bản và hàng hoá, trao đổi không ngang giá. Lợi nhuận siêu ngạch mà các nước tư bản chủ nghĩa phát triển bòn rút từ các nước kém phát triển trong mấy chục năm qua đã tăng lên gấp bội. Sự cách biệt giữa những nước giàu và những nước nghèo ngày càng tăng và đang trở thành mâu thuẫn nổi bật trong thời đại ngày nay. Các nước tư bản chủ nghĩa phát triển đã bòn rút chất xám, huỷ hoại môi sinh, cũng như cội rễ đời sống văn hoá của các nước lạc hậu, chậm phát triển.

III. Sự chuyển hóa của giá trị thặng dư thành tư bản - tích lũy tư bản

1. Thực chất và động cơ của tích lũy tư bản

Tái sản xuất nói chung được hiểu là quá trình sản xuất được lặp đi lặp lại một cách liên tục. Tái sản xuất giản đơn là quá trình tái sản xuất được lặp lại với qui mô như cũ. Loại tái sản xuất này thường gắn với nền sản xuất nhỏ và đặc trưng của nền sản xuất nhỏ.

Tái sản xuất mở rộng là quá trình sản xuất được lặp lại với qui mô lớn hơn, thường gắn với nền sản xuất lớn và là đặc trưng của nền sản xuất lớn. Nét điển hình của chủ nghĩa tư bản là tái sản xuất mở rộng. Muốn vậy, phải biến một bộ phận của giá trị thặng dư thành tư bản phụ thêm. Sự chuyển hóa trở lại của giá trị thặng dư thành tư bản gọi là tích lũy tư bản. Thực chất của tích lũy tư bản là sự chuyển hóa một phần giá trị thặng dư thành tư bản, hay là quá trình tư bản hóa giá trị thặng dư.

Chẳng hạn năm thứ nhất qui mô sản xuất là 80c + 20v + 20m. Giả định 20m không bị nhà tư bản tiêu dùng cá nhân mà được phân thành 10m cho tích lũy và 10m cho tiêu dùng cá nhân. Phần 10m dùng tích lũy được phân thành 8c + 2v thì qui mô sản xuất của năm sau sẽ là 88c + 22v + 22m (nếu m' vẫn như cũ). Như vậy, vào năm thứ hai, qui mô tư bản bất biến và khả biến đều tăng lên, giá trị thặng dư cũng tăng lên tương ứng.

Nghiên cứu tích lũy tư bản và tái sản xuất mở rộng cho phép rút ra kết luận vạch rõ hơn bản chất bóc lột của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa:

Thứ nhất: Nguồn gốc duy nhất của tích lũy tư bản là giá trị thặng dư và chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong toàn bộ tư bản. Trong quá trình tái sản xuất, lãi (m) cứ được nhập vào vốn, vốn càng lớn thì lãi càng lớn. Do đó, lao động của công nhân trong quá khứ lại trở thành phương tiện để bóc lột chính người công nhân.

Thứ hai: Quá trình tích lũy làm cho quyền sở hữu trong nền kinh tế hàng hóa trở thành quyền chiếm đoạt tư bản chủ nghĩa vì nền sản xuất tư bản dẫn đến kết quả là nhà tư bản chẳng những chiếm đoạt một phần lao động của công nhân, mà còn là người sở hữu hợp pháp lao động không công đó.

Động cơ thúc đẩy tích lũy và tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa là qui luật kinh tế tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản - qui luật giá trị thặng dư.

Cạnh tranh khốc liệt buộc các nhà tư bản không ngừng làm cho tư bản của mình tăng lên bằng cách tích lũy. Những nhân tố ảnh hưởng đến qui mô tích lũy được chia làm 2 trường hợp:

Trường hợp 1: khối lượng giá trị thặng dư không đổi thì qui mô của tích lũy phụ thuộc vào tỉ lệ phân chia khối lượng giá trị thặng dư thành hai quĩ: quĩ tích lũy và quĩ tiêu dùng của nhà tư bản.

Trường hợp 2: nếu tỉ lệ phân chia đó đã được xác định thì qui mô tích lũy phụ thuộc vào khối lượng giá trị thặng dư. Trường hợp này khối lượng giá trị thặng dư phụ thuộc vào 4 nhân tố sau đây:

Một là, trình độ bóc lột sức lao động bằng nhiều biện pháp: tăng cường độ lao động, kéo dài ngày lao động, cắt giảm tiền công.

Hai là, trình độ năng suất lao động xã hội tăng lên sẽ có thêm những yếu tố vật chất để biến m thành T nên làm tăng qui mô tích lũy.

Ba là, sự chênh lệch giữa tư bản được sử dụng và tư bản đã tiêu dùng. Trong quá trình sản xuất, tư liệu lao động, máy móc thiết bị tham gia toàn bộ vào quá trình sản xuất nhưng giá trị của chúng lại chỉ bị khấu hao từng phần. Mặc dù đã mất dần giá trị nhưng trong thời gian hoạt động, máy vẫn có tác dụng như khi còn đủ giá trị. Sự hoạt động này được coi như phục vụ không công. Tư liệu càng hiện đại thì sự chênh lệch giữa tư bản được sử dụng và tư bản đã tiêu dùng càng lớn. Do đó, sự phục vụ không công càng lớn. Nhà tư bản lợi dụng được những thành tựu của lao động quá khứ ngày càng nhiều, vì vậy, qui mô tích lũy ngày càng lớn.

Bốn là, qui mô của tư bản ứng trước: với trình độ bóc lột không thay đổi thì khối lượng giá trị thặng dư do khối lượng tư bản khả biến quyết định. Do đó, qui mô của tư bản ứng trước, nhất là v ngày càng lớn, thì khối lượng giá trị thặng dư bóc lột được ngày càng cao, dẫn đến tăng thêm qui mô tích lũy tư bản.

2. Tích tụ và tập trung tư bản

Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ, tích tụ và tập trung tư bản, tập trung sản xuất đã đến mức rất cao. Các xí nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 1% tổng số các xí nghiệp nhưng chiếm 3/4 tổng số hơi nước và điện lực, gần1/2 tổng số công nhân và sản xuất ra gần một nửa tổng sản phẩm. Theo V.Lênin, tập trung sản xuất cao độ sẽ dẫn thẳng đến độc quyền: "Tự do cạnh tranh đẻ ra tập trung sản xuất và sự tập trung sản xuất này, khi phát triển tới một mức độ nhất định, lại dẫn tới độc quyền".

Tích tụ và tập trung sản xuất vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô ngày càng lớn làm cho độc quyền có bước phát triển mới. Trước hết, đó là sự hình thành tổ chức độc quyền mới Công-gơ-lô-mê-rát. Đây là hình thức tổ chức độc quyền đa ngành, thâu tóm nhiều công ty, xí nghiệp thuộc những ngành công nghiệp khác nhau. Công-xoóc-xi-om và Công-gơ-lô-mê-rát phát triển vượt ra ngoài phạm vi quốc gia trở thành các công ty độc quyền quốc tế. Hiện nay trên thế giới, Công -gơ -lô -mê -rát có quy mô hết sức to lớn, có chi nhánh ở nhiều nước, có số vốn hàng trăm tỷ đô la, sử dụng hàng vạn công nhân. Tích tụ và tập trung tư bản dẫn đến độc quyền: Độc quyền là sự liên minh giữa các nhà tư bản để chi phối việc sản xuất và tiêu thụ hàng hoá nhằm thu được siêu lợi nhuận.

3. Cấu tạo hữu cơ của tư bản

Quá trình tích luỹ tư bản là quá trình tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản

Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, tư bản chẳng những tăng lên về mặt quy mô, mà còn không ngừng biến đổi trong cấu tạo của nó. C. Mác phân biệt cấu tạo kỹ thuật, cấu tạo giá trị và cấu tạo hữu cơ của tư bản.

Về mặt hình thái hiện vật, mỗi tư bản đều bao gồm tư liệu sản xuất và sức lao động để vận dụng những tư liệu sản xuất đó. Tỷ lệ giữa số lượng tư liệu sản xuất và số lượng sức lao động sử dụng những tư liệu sản xuất đó trong quá trình sản xuất gọi là cấu tạo kỹ thuật của tư bản. Quan hệ này có tính tất yếu về mặt kỹ thuật, do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định.

Để biểu thị cấu tạo kỹ thuật của tư bản, người ta thường dùng các chỉ tiêu như số năng lượng hoặc số lượng máy móc do một công nhân sử dụng trong sản xuất, ví dụ 100 kw điện/1 công nhân, 10 máy dệt/1 công nhân.

Cấu tạo kỹ thuật của tư bản ngày càng tăng lên cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Điều đó biểu thị ở số lượng tư liệu sản xuất mà một công nhân sử dụng ngày càng tăng lên.

Về mặt giá trị, mỗi tư bản đều chia thành hai phần: tư bản bất biến (c) và tư bản khả biến (v). Tỷ lệ giữa số lượng giá trị của tư bản bất biến và số lượng giá trị của tư bản khả biến cần thiết để tiến hành sản xuất gọi là cấu tạo giá trị của tư bản. Ví dụ, một tư bản mà đại lượng của nó là 12.000$, trong đó giá trị tư liệu sản xuất là 10.000$, còn giá trị sức lao động là 2.000$, thì cấu tạo giá trị của tư bản đó là 10.000$: 2000$ = 5: 1 .

Cấu tạo kỹ thuật và cấu tạo giá trị của tư bản có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nói chung, những sự thay đổi trong cấu tạo kỹ thuật của tư bản sẽ dẫn đến những sự thay đổi trong cấu tạo giá trị của tư bản. Để biểu hiện mối quan hệ đó, C.Mác dùng phạm trù cấu tạo hữu cơ của tư bản.

Cấu tạo hữu cơ của tư bản là cấu tạo giá trị của tư bản do cấu tạo kỹ thuật của tư bản quyết định và phản ánh những sự biến đổi của cấu tạo kỹ thuật đó.

Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, cấu tạo kỹ thuật của tư bản ngày càng tăng, do đó cấu tạo giá trị của tư bản phản ánh cấu tạo kỹ thuật của tư bản cũng tăng lên, nên cấu tạo hữu cơ của tư bản cũng ngày càng tăng lên. Sự tăng lên của cấu tạo hữu cơ của tư bản biểu hiện ở chỗ tư bản bất biến tăng tuyệt đối và tương đối, còn tư bản khả biến có thể tăng tuyệt đối, nhưng cũng có thể giảm xuống một cách tương đối.

Như vậy, quá trình tích luỹ tư bản là quá trình tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản. Cấu tạo hữu cơ của tư bản tăng lên có ảnh hưởng trực tiếp đến nạn thất nghiệp trong chủ nghĩa tư bản. Hậu quả của tích luỹ tư bản dẫn đến thất nghiệp và bần cùng hoá giai cấp vô sản.

- Thất nghiệp: Nguyên nhân của nạn nhân khẩu thừa tương đối:

Cấu tạo hữu cơ của tư bản tăng lên cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Cấu tạo hữu cơ của tư bản tăng lên điều đó có nghĩa là tỷ lệ của tư bản khả biến với tư bản bất biến giảm xuống, tuy nhiên lượng tuyệt đối của tư bản khả biến có thể tăng lên. Tư bản khả biến là quỹ tiền lương quyết định số cầu về sức lao động. Vì vậy, trong những điều kiện khác không thay đổi thì số cầu về sức lao động cho một tư bản nhất định sẽ giảm xuống.

Tiến bộ kỹ thuật trước hết tác động vào bộ phận tư bản tích luỹ, nên thu hút một lượng công nhân ít hơn so với tích luỹ trong điều kiện trước đây. Tiến bộ kỹ thuật cũng tác động cả đến bộ phận tư bản cũ, khi tư bản cố định của nó hao mòn hết phải đổi mới tư bản cố định, do đó giãn thải một số công nhân.

Trong quá trình tích luỹ tư bản, khi thì thu hút công nhân khi thì giãn thải công nhân, nhưng sự thu hút và giãn thải đó không khớp với nhau về không gian, thời gian và quy mô, do đó sinh ra một số người không có việc làm, bị thất nghiệp.

Như vậy, cấu tạo hữu cơ của tư bản tăng lên trong quá trình tích luỹ tư bản là nguyên nhân chủ yếu trực tiếp gây ra nạn nhân khẩu thừa tương đối. Nhân khẩu thừa tương đối là sản phẩm, đồng thời là điều kiện phát triển của sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Hình thức tồn tại của nhân khẩu thừa tương đối.

Một là, nhân khẩu thừa lưu động là hình thức thất nghiệp tạm thời, phổ biến ở các trung tâm công nghiệp. Tính chất lưu động của nó thể hiện ở chỗ công nhân bị thải ở nơi này, lúc này, thì lại tìm được việc làm ở nơi khác, lúc khác. Nói chung số công nhân này chỉ mất việc làm từng lúc.

Hai là, nhân khẩu thừa tiềm tàng gồm những người ở nông thôn hàng năm chỉ làm việc trong nông nghiệp rất ít thời gian, nhưng không tìm được việc làm trong công nghiệp.

Ba là, nhân khẩu thường ngừng trệ bao gồm những người thường xuyên bị thất nghiệp, thỉnh thoảng mới tìm được việc làm với tiền công rất thấp, sống nay đây mai đó, tạo thành tầng lớp dưới đáy của xã hội.

Trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đội quân thất nghiệp ở các nước tư bản không chỉ bao gồm lao động giản đơn, mà cả lao động phức tạp và lao động trí tuệ. Việc tuyển lao động chủ yếu từ những người lao động trẻ tuổi, còn những công nhân ở những xí nghiệp với kỹ thuật lạc hậu, khi bị sa thải, không có hy vọng tìm được việc làm mới.

- Sự bần cùng hoá giai cấp vô sản:

Quá trình tích luỹ tư bản dẫn đến tích luỹ của cải, sự giàu có về một cực - về phía giai cấp tư sản, và tích luỹ sự thất nghiệp bần cùng về cực đối lập - về phía giai cấp vô sản Quy mô và tốc độ tích luỹ càng tăng, thì giai cấp tư sản càng giàu lên nhanh chóng, còn giai cấp vô sản càng bị thất nghiệp và bần cùng. Đó là quy luật chung của tích luỹ tư bản.

Như vậy, quá trình tích luỹ tư bản là quá trình bần cùng hoá giai cấp vô sản. Bần cùng hoá giai cấp vô sản biểu hiện dưới hai hình thức là bần cùng hoá tương đối và bần cùng hoá tuyệt đối.

Bần cùng hoá tương đối giai cấp vô sản được biểu hiện ở tỷ trọng thu nhập của công nhân trong thu nhập quốc dân giảm xuống, mặc dù thu nhập tuyệt đối có thể tăng lên; còn tỷ trọng thu nhập của giai cấp tư sản trong thu nhập quốc dân ngày càng tăng lên.

Bần cùng hoá tương đối giai cấp vô sản không phụ thuộc vào thu nhập và mức sống của giai cấp công nhân mà phụ thuộc vào sự chênh lệch về mức tăng thu nhập giữa hai giai cấp vô sản và tư sản.

Bần cùng hoá tuyệt đối giai cấp vô sản biểu hiện ở mức sống của công nhân bị giảm sút so với trước. Sự giảm sút này xảy ra không chỉ trong trường hợp tiêu dùng cá nhân bị giảm xuống tuyệt đối, mà cả khi tiêu dùng cá nhân tăng lên, nhưng mức tăng đó chậm hơn mức tăng của nhu cầu do hao phí sức lao động nhiều hơn.

Mức sống của công nhân giảm sút không chỉ do tiền lương thực tế giảm, mà còn do sự giảm sút của toàn bộ những điều kiện có liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của công nhân như mối đe doạ thường trực của nạn thất nghiệp, cường độ lao động, điều kiện môi trường lao động, nhà ở và cả điều kiện chính trị - xã hội nữa.

Trong điều kiện hiện nay, có ý kiến cho rằng ở các nước tư bản phát triển, giai cấp công nhân không còn bị bần cùng hoá tuyệt đối nữa. Bần cùng hoá tuyệt đối giai cấp vô sản được hiểu là mức sống của giai cấp công nhân giảm sút so với trước. Nhưng mức sống là một phạm trù lịch sử, phát triển theo sự phát triển của nền văn minh. Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, mức sống của xã hội nói chung và của giai cấp công nhân nói riêng tất yếu tăng lên. Tuy nhiên, ở các nước tư bản không phải mọi người đều sống sung túc, mà một số người có mức sống cao, trong khi đó không ít người sống dưới mức tối thiểu. Cái hố ngăn cách người giàu và người nghèo trong xã hội ngày càng rộng ra.

Cũng cần lưu ý rằng sự bần cùng hoá tuyệt đối giai cấp vô sản chỉ là một xu hướng, bởi lẽ có những nhân tố chống lại sự giảm sút mức sống của công nhân, đó là cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đòi tăng tiền công, cải thiện điều kiện làm việc.

IV. Các hình thái biểu hiện của tư bản và giá trị thặng dư

1. Chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận

a) Chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa

Để sản xuất hàng hoá cần phải chi phí một lượng lao động nhất định.

Giá trị hàng hóa W = C+V+M

Đối với nhà tư bản, để sản xuất hàng hoá, họ chỉ cần ứng ra một số tư bản để mua tư liệu sản xuất và sức lao động (v). Chi phí đó gọi là chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa, ký hiệu là k (k=c+v).

Vậy, chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa là chi phí tư bản để sản xuất ra hàng hoá cho nhà tư bản.

Chi phi sản xuất tư bản chủ nghĩa K = C + V

Về chất, chi phí nhà tư bản bỏ ra để sản xuất hàng hoá được đo bằng sự hao phí về tư bản; còn giá trị hàng hoá là chi phí thực tế để sản xuất ra nó, được đo bằng sự hao phí lao động. Về lượng, chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa nhỏ hơn giá trị hàng hoá: (c+v)  (c+v+m).

Chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa là một phạm trù kinh tế khách quan trong xã hội tư bản. Nhưng sự tính toán chi phí để bù đắp lại tư liệu sản xuất và sức lao động trong tiến trình sản xuất là yêu cầu tất yếu đối với bất kỳ xã hội nào, nhất là trong nền kinh tế thị trường. Đối với mọi chủ thể sản xuất kinh doanh, chi phí này là giới hạn thực sự của lỗ lãi, là mấu chốt của thành bại trong cạnh tranh, do đó đây là vấn đề quan tâm thường xuyên của các doanh nghiệp.

b) Lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận

Lợi nhuận: Do có sự chênh lệch giữa giá trị hàng hoá và chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa, nên sau khi bán hàng hoá bằng giá trị, nhà tư bản không chỉ bù lại đủ số tư bản đã ứng ra, mà còn thu được một số tiền lời. Số tiền lời này gọi là lợi nhuận, ký hiệu là P. Lợi nhuận là giá trị tăng thêm khi được quan niệm là con đẻ của toàn bộ tư bản ứng ra, là kết quả hoạt động của toàn bộ tư bản đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Thực chất, lợi nhuận và giá trị thặng dư chỉ là một, lợi nhuận chẳng qua chỉ là một hình thái thần bí hoá của giá trị thặng dư. C. Mác viết: "Giá trị thặng dư, hay là lợi nhuận, chính là phần giá trị dôi ra ấy của giá trị hàng hoá so với chi phí sản xuất của nó, nghĩa là phần dôi ra của tổng số lượng lao động chứa đựng trong hàng hoá so với số lượng lao động được trả công chứa đựng trong hàng hoá"1.

Khi giá trị thặng dư chuyển hoá thành lợi nhuận, thì giá trị của hàng hoá

G = c + v + m chuyển hoá thành chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa cộng với lợi nhuận G = k + p.

Vì lợi nhuận thu được sau khi bán hàng hoá, nên lượng lợi nhuận có thể không nhất trí với lượng của giá trị thặng dư, mà nó có thể lớn hơn hay nhỏ hơn giá trị thặng dư.

"Lợi nhuận và giá trị thặng dư chỉ là một. Lợi nhuận chẳng qua là hình thái thần bí hoá của giá trị thặng dư, hình thái mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tất nhiên phải đẻ ra"1. Giá trị thặng dư là nội dung bên trong được tạo ra trong quá trình sản xuất, còn lợi nhuận là hình thái chuyển hoá của giá trị thặng dư biểu hiện ra bên ngoài, trong lưu thông.

Lượng lợi nhuận sở dĩ thường không nhất trí với lượng giá trị thặng dư là do cung cầu trên thị trường ảnh hưởng đến giá cả, làm cho giá cả lên xuống xung quanh giá trị. Nhưng xét chung toàn xã hội, tổng số giá cả vẫn nhất trí với tổng số giá trị hàng hoá, nên tổng số lợi nhuận cũng bằng tổng số giá trị thặng dư.

Tỷ suất lợi nhuận và các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận

Các nhà tư bản không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà còn quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận là tỷ lệ phần trăm giữa giá trị thặng dư với tổng số tư bản ứng trước, ký hiệu là p'.

p' =  (%)

c+v

Trong thực tế, người ta thường tính tỷ suất lợi nhuận hàng năm bằng tỷ lệ phần trăm giữa tổng số lợi nhuận thu được trong năm với tổng số tư bản ứng ra trong năm đó. P

p' hàng năm =  (%)

K

Tỷ suất lợi nhuận và tỷ suất giá trị thặng dư khác nhau cả về lượng và về chất. Về lượng, tỷ suất lợi nhuận bao giờ cũng nhỏ hơn tỷ suất giá trị thặng dư. Về chất, tỷ suất giá trị thặng dư biểu hiện mức độ bóc lột của chủ tư bản đối với lao động, còn tỷ suất lợi nhuận nói lên mức doanh lợi của việc đầu tư tư bản.

Lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận là mục tiêu cạnh tranh của các nhà tư bản. Một nhà bình luận người Anh đã viết về sự thèm khát lợi nhuận trong xã hội tư bản là: "Tư bản ghét cay ghét đắng tình trạng không có lợi nhuận hay có quá ít lợi nhuận, chẳng khác gì giới tự nhiên ghê sợ chân không. Lợi nhuận mà thích đáng thì tư bản trở thành can đảm; lợi nhuận mà bảo đảm được 10%, thì người ta có thể dùng được tư bản ở khắp nơi; bảo đảm được 20% thì nó hăng máu lên; bảo đảm được 50% thì nó táo bạo không biết sợ là gì; bảo đảm được 100% thì nó chà đạp lên tất cả mọi luật lệ của loài người; bảo đảm được 300%, thì nó chẳng từ một tội ác nào mà không dám phạm, thậm chí có thể bị treo cổ nó cũng không sợ"1.

Tỷ suất lợi nhuận phụ thuộc vào tỷ suất giá trị thặng dư, cấu tạo hữu cơ của tư bản, tốc độ chu chuyển tư bản, việc sử dụng tiết kiệm tư bản, điều kiện thị trường.

2. Lợi nhuận bình quân và giá cả sản xuất

a) Cạnh tranh trong nội bộ ngành và sự hình thành giá trị thị trường

Cạnh tranh trong nội bộ ngành là cạnh tranh giữa các xí nghiệp cùng một ngành, sản xuất cùng một loại hàng hoá. Mục đích của sự cạnh tranh này là giành ưu thế trong sản xuất để có ưu thế trong tiêu thụ và thu được lợi nhuận siêu ngạch. Kết quả của cạnh tranh là giá trị cá biệt cuả hàng hoá chuyển hoá thành giá trị thị trường.

Giá trị thị trường là giá trị trung bình của những hàng hoá được sản xuất ra trong một khu vực nào đó.

Tổng giá trị cá biệt

Giá trị thị trường = 

Tổng số hàng hoá

Trên thực tế, giá trị thị trường là giá trị cá biệt của những hàng hoá được sản xuất ra trong điều kiện trung bình của khu vực đó và chiếm một khối lượng lớn trong số những sản phẩm của khu vực này.

Quá trình hình thành giá trị thị trường là quá trình tự phát, do cạnh tranh giữa các nhà tư bản trong phạm vi một ngành gây ra. Nội dung chủ yếu của cạnh tranh là các nhà tư bản tìm cách cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, phấn đấu giảm giá trị cá biệt hàng hoá của mình xuống thấp hơn giá trị xã hội, để trên cơ sở đó mà thu được lợi nhuận siêu ngạch.

b) Cạnh tranh giữa các ngành và sự hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân và giá cả sản xuất.

Cạnh tranh giữa các ngành là cạnh tranh giữa các nhà tư bản kinh doanh trong các ngành khác nhau, nhằm giành nơi đầu tư có lợi nhất. Mục đích của cạnh tranh là để tìm nơi đầu tư có lợi và phân phối lại giá trị thặng dư giữa các nhà tư bản. Kết quả của cạnh tranh là hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân và chuyển hoá giá trị thành giá cả sản xuất.

Ví dụ:

Ngành SX Cấu tạo tư bản m' m giá trị HH P' Giá cả SX Chênh lệch

Da

Dệt

Cơ khí 70c+30v

80c+20v

90c+10v 100%

100%

100% 30

20

10 130

120

110 20%

20%

20% 120

120

120 -10

0

+10

Tổng số 240c+60v 100% 60 360 20% 360 0

Tỷ suất lợi nhuận bình quân là tỷ suất lợi nhuận bằng nhau của tư bản đầu tư¬ vào các ngành khác nhau.

Sự san bằng tỷ suất lợi nhuận của các ngành và hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân dẫn đến kết qủa là, các tư bản bằng nhau đều thu được một lượng lợi nhuận bằng nhau, gọi là lợi nhuận bình quân, ký hiệu làp.

Lợi nhuận bình quân là lợi nhuận mà một tư bản có một lượng nhất định thu được căn cứ theo tỷ suất lợi nhuận bình quân, không kể cấu tạo hữu cơ của tư bản như thế nào.

p = p' x k

c) Sự chuyển hóa của giá trị hàng hóa thành giá cả sản xuất

Khi tỷ suất lợi nhuận bình quân hình thành thì giá trị của hàng hoá chuyển hoá thành giá cả sản xuất. Giá cả sản xuất của hàng hoá bằng chi phí sản xuất của hàng hoá cộng với lợi nhuận bình quân.

Giá cả sản xuất = k + p.

Giá cả sản xuất chỉ là hình thái biểu hiện của giá trị hàng hoá. Đối với từng ngành sản xuất, giá cả sản xuất có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn giá trị của nó, nhưng nếu xem xét tất cả các ngành sản xuất trong xã hội, thì tổng giá cả sản xuất của hàng hoá bằng tổng giá trị của chúng.

Khi giá trị hàng hoá chuyển hoá thành giá cả sản xuất thì qui luật giá trị có hình thức biểu hiện là qui luật giá cả sản xuất; qui luật giá trị thặng dư có hình thức biểu hiện là qui luật lợi nhuận bình quân.

Chủ nghĩa tư bản càng phát triển, qui mô sản xuất càng được tăng cường cả chiều rộng và chiều sâu, tức là vừa tăng thêm số lượng tư liệu sản xuất và công nhân sử dụng, vừa tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản. Do số lượng công nhân làm thuê tăng lên cùng với việc nâng cao mức độ bóc lột, nên tất yếu làm tăng khối lượng lợi nhuận. Nhưng mặt khác, do cấu tạo hữu cơ tư bản tăng lên, nên lượng giá trị thặng dư lại giảm đi một cách tương đối so với tổng tư bản, vì vậy tỷ suất lợi nhuận lại giảm xuống. Như vậy là, việc nâng cao kỹ thuật của các nhà tư bản là nhằm mục đích thu thật nhiều lợi nhuận, nhưng kết quả cố gắng của họ lại là tỷ suất lợi nhuận hạ thấp xuống.

Tuy nhiên, sự giảm xuống của tỷ suất lợi nhuận chỉ là một xu hướng, vì có những nhân tố ngăn cản. Đó là việc tăng cường bóc lột công nhân làm thuê, hạ thấp giá trị sức lao động, hạ giá cả các yếu tố tư bản bất biến và những lợi thế do thương mại quốc tế đem lại.

3. Sự phân chia giá trị thặng dư giữa các tập đoàn tư bản

a) Tư bản thương nghiệp và lợi nhuận thương nghiệp

Tuần hoàn tư bản công nghiệp:

T - H ... SX ... H' - T'

Khi có thương nhân ứng tư bản tiền tệ ra để đảm nhiệm việc chuyển hoá hàng hoá thành tiền thay cho các nhà tư bản công nghiệp, nhằm mục đích thu lợi nhuận thì tư bản xuất hiện.

Vậy, tư bản thương nghiệp là một bộ phận của tư bản công nghiệp tách rời ra để phục vụ quá trình lưu thông của tư bản công nghiệp và hoạt động độc lập trong lĩnh vực lưu thông.

Tư bản thương nghiệp ra đời từ tư bản công nghiệp và vừa phụ thuộc vào tư bản công nghiệp, vừa độc lập với nó.

+Vai trò của tư bản thương nghiệp

Nhờ có thương nhân chuyên trách việc mua - bán nên lượng tư bản ứng vào lưu thông và chi phí lưu thông sẽ nhỏ hơn khi những người sản xuất trực tiếp đảm nhiệm chức năng này.

Tạo điều kiện cho người sản xuất có thể tập trung thời gian chăm lo việc sản xuất, giảm dự trữ sản xuất, nhờ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị thặng dư.

+ Nhờ có tư bản thương nghiệp, thời gian lưu thông được rút ngắn, chu chuyển tư bản tăng nhanh, nhờ đó tăng tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư hàng năm.

+ Nhờ có tư bản thương nghiệp, hàng hoá được sản xuất ra sẽ phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Lợi nhuận thương nghiệp

Giả sử có một tư bản công nghiệp là 1000.

SX: 900 : 720C + 180V + 180M = 1080

1000

LT: 100

180M

Tỷ suất lợi nhuận P' = ----------- = 18%

1000

Khi nhà tư bản thương nghiệp xuất hiện và ứng tư bản 100 (giả định chi phí lưu thông bằng không; giá cả = giá trị). Lúc này, nhà tư bản công nghiệp chỉ phải đầu tư tư bản 900. Do đó, nhà tư bản công nghiệp sẽ bán hàng hoá cho nhà tư bản thương nghiệp với giá cả là: 720c + 180v + (900 x 18%) = 720c + 180v + 162m = 1062.

Nhà tư bản thương nghiệp bán hàng hoá theo đúng giá trị và thu được: lợi nhuận thương nghiệp = 1080 - 1062 = 18(m). Lợi nhuận của nhà tư bản thương nghiệp chính là một phần giá trị thặng dư được tạo ra trong quá trình sản xuất.

Vậy, lợi nhuận thương nghiệp là một bộ phận của giá trị thặng dư do công nhân công nghiệp làm thuê taọ ra mà nhà tư bản công nghiệp chia cho nhà tư bản thương nghiệp.

Chi phí lưu thông và lao động thương nghiệp

Quá trình lưu thông hàng hoá đòi hỏi phải có những chi phí nhất dịnh gọi là chi phí lưu thông. Có hai loại chi phí lưu thông: chi phí tiếp tục quá trình sản xuất trong lưu thông và chi phí lưu thông thuần tuý.

Chi phí tiếp tục quá trình sản xuất trong lưu thông là những chi phí để tiếp tục quá trình sản xuất trong lưu thông. Đây là những chi phí có tính chất sản xuất, liên quan đến việc bảo tồn và di chuyển giá trị sử dụng của hàng hoá.

Lao động của công nhân thương nghiệp đảm nhiệm những việc này là lao động sản xuất, tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Những giá trị này được tính vào giá trị hàng hoá. Do đó, chi phí để tiếp tục quá trình sản xuất trong lưu thông được tính thêm vào giá trị hàng hoá. Vì vậy, số công nhân này cũng bị bóc lột như công nhân công nghiệp và giá trị thặng dư của họ tạo ra cũng tham gia vào sự hình thành lợi nhuận bình quân cho tư bản ứng ra trong lĩnh vực lưu thông.

Chi phí lưu thông thuần tuý là những chi phí chỉ liên quan tới việc mua bán hàng hoá, làm biến đổi hình thái giá trị của hàng hoá. Đó là những chi phí về sổ sách, kế toán, thư từ, điện báo, quảng cáo, xây cửa hàng, thuê người bán hàng. Những chi phí này đã tạo ra dịch vụ thương mại, một loại hàng hoá phi vật thể, do đó cũng được tính vào tổng giá giá trị hàng hoá. Vì thế, lao động thương nghiệp làm thay đổi hình thái giá trị hàng hoá cũng tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Tư bản ứng ra cho lưu thông hàng hoá sẽ được thu hồi trong giá cả dịch vụ.

Vì lao động của nhân viên thương nghiệp cũng tạo ra giá trị và giá trị thặng dư nên họ cũng bị các nhà tư bản thương nghiệp bóc lột. Sức lao động của họ cũng là hàng hoá, thời gian lao động của họ cũng chia làm hai phần: thời gian lao động cần thiết và thời gian lao động thặng dư. Trong thời gian lao động cần thiết, họ cung ứng được một lượng dịch vụ, mà giá trị của nó ngang bằng với giá trị sức lao động của họ. Trong thời gian lao động thặng dư, họ cung ứng được một lượng dịch vụ, mà giá trị của nó chính là giá trị thặng dư thuộc về nhà tư bản thương nghiệp.

b) Tư bản cho vay và lợi tức

- Bản chất của tư bản cho vay: Dưới chủ nghĩa tư bản, luôn xuất hiện nhu cầu vay tiền và nhu cầu cho vay tiền. Tư bản cho vay là tư bản tiền tệ của nhà tư bản sở hữu tạm thời cho các nhà tư bản khác sử dụng và thu về với một lượng lớn hơn.

- Đặc điểm của tư bản cho vay:

+ Quyền sở hữu tách rời quyền sử dụng.

+ Tư bản cho vay là một loại hàng hoá đặc biệt: Người bán không mất quyền sở hữu và người mua đem sử dụng thì giá trị sử dụng và giá trị của nó không mất đi, giá trị tăng lên; giá cả không do giá trị quyết định, mà do giá trị sử dụng quyết định.

+ Tư bản cho vay vận động theo công thức T - T'.

- Lợi tức và tỷ suất lợi tức

+ Lợi tức

Tiền cho vay đối với nhà tư bản sở hữu là tiền nhàn rỗi nhưng đối với nhà tư bản chức năng lại là tiền hoạt động. Trong thực tế, tư bản cho vay vận động theo công thức: TLSX

T - T - H ... S X ... H' - T' - T'' ( T< T''< T')

SLĐ

Khi tiền chuyển từ người cho vay sang người đi vay thì nó chưa đẻ ra lợi nhuận, mà chỉ khi người đi vay sử dụng tiền đó vào việc kinh doanh mới tạo được lợi nhuận. Nhưng vì nó là tư bản đối với cả hai người, nên lợi nhuận do nó tạo ra phải được phân chia cho cả hai người và lợi tức chính là phần lợi nhuận được phân chia ấy.

Như vậy, lợi tức là một phần của lợi nhuận bình quân mà nhà tư bản đi vay trả cho nhà tư bản cho vay với tư cách là kẻ sở hữu tư bản. Phần còn lại của lợi nhuận bình quân nằm trong tay các nhà tư bản công, thương nghiệp trực tiếp kinh doanh, gọi là lợi nhuận doanh nghiệp.

Lợi tức đã tạo ra cái bề ngoài giả dối, tựa hồ như là sản vật tự nhiên của quyền sở hữu tư bản; còn thu nhập của chủ xí nghiệp thì cũng gây ra một ảo tưởng, tựa hồ thu nhập đó là sự trả công "lao động" cho nhà tư bản có chức năng đã lãnh đạo và kiểm soát công việc của công nhân làm thuê trong xí nghiệp của mình. Thật ra, cũng như lợi tức, thu nhập của chủ xí nghiệp không phải do công việc quản lý xí nghiệp tạo ra, mà là một phần giá trị thặng dư do lao động không công của công nhân tạo ra.

Khi lợi nhuận được phân chia thành lợi tức và lợi nhuận doanh nghiệp, các nhà tư bản hoạt động bằng tư bản mà họ sở hữu cũng phải căn cứ vào mức lợi tức để quyết định hoạt động của mình. Họ chỉ kinh doanh khi lợi nhuận cao hơn hoặc bằng mức lợi tức. Khi lợi nhuận nhỏ hơn mức lợi tức, họ sẽ ngừng kinh doanh, rút tư bản ra cho vay.

+ Tỷ suất lợi tức là tỷ lệ tính theo phần trăm giữa tổng số lợi tức và số tư bản tiền tệ cho vay trong một thời gian nhất định, thường là một năm.

z

z' =  x 100%, trong đó z' là tỷ suất lợi tức, k là tư bản cho vay.

k

Trong những điều kiện thông thường, giới hạn cao nhất của tỷ suất lợi tức là tỷ suất lợi nhuận bình quân, vì lợi tức là một phần của lợi nhuận bình quân. Thông thường, tỷ suất lợi tức thấp hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân. Tỷ suất lợi tức không có giới hạn tối thiểu, nó nằm trong khoảng lớn hơn 0 và nhỏ hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân. Trong giới hạn đó, tỷ suất lợi tức lên xuống phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu về tư bản cho vay và biến động theo chu kỳ của sản xuất.

Với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, tỷ suất lợi tức có xu hướng giảm xuống. Xu hướng đó xuất hiện do hai nguyên nhân: một là, tỷ suất lợi nhuận bình quân có xu hướng giảm xuống; và hai là, cung về tư bản cho vay tăng nhanh hơn cầu về nó.

Các hình thức của tư bản cho vay:

+ Tín dụng thương nghiệp

Tín dụng thương nghiệp là tín dụng giữa các nhà tư bản trực tiếp kinh doanh mua bán chiụ hàng hoá của nhau.

Đối tượng của tín dụng thương nghiệp không phải là tiền tệ mà là hàng hoá. Nhưng thực chất của tín dụng thương nghiệp là cho vay tiền, vì người mua chịu hàng hoá sẽ phải trả tiền chứ không phải trả hàng; mua chịu hàng hoá sẽ phải trả tiền nhiều hơn mua trả tiền ngay, tức là trả tiền kèm theo lợi tức.

Công cụ của tín dụng thương nghiệp là thương phiếu. Thương phiếu là một loại giấy nợ có hình thức qui định chặt chẽ, người giữ thương phiêú có quyền đòi người ký nợ trả số tiền ghi trên phiếu theo thời hạn qui định. Đến hạn đó, người mua, kẻ phát thương phiếu phải thanh toán bằng tiền mặt.

+ Tín dụng ngân hàng.

Tín dụng ngân hàng là hình thức tín dụng giữa ngân hàng với các nhà tư bản và với các hộ gia đình.

Tín dụng ngân hàng khác tín dụng thương nghiệp ở chỗ, đối tượng của nó không phải là hàng hoá, mà là tư bản tiền tệ. Tín dụng ngân hàng do ngân hàng thực hiện. Ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh tư bản tiền tệ, làm môi giới giữa người đi vay và người cho vay. Ngân hàng thu hút tư bản và thu nhập để rỗi lại rồi đem cho vay. Các nhà tư bản, các hộ gia đình vừa là người đi vay, vừa là người cho vay.

Hoạt động tín dụng của ngân hàng bao gồm nghiệp vụ nhận gửi và nghiệp vụ cho vay, nghiệp vụ trung gian tín dụng. Nghiệp vụ nhận gửi thu hút tiền vào quỹ bằng cả tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn, tạo nên nguồn vốn cho vay chủ yếu của ngân hàng. Nghiệp vụ cho vay được thực hiện bằng nhiều cách: chiết khấu kỳ phiếu thương nghiệp, cho vay có bảo đảm hay không có bảo đảm. Các hình thức cho vay có thể là: cho vay bằng tiền mặt, phát hành séc, mở tài khoản cho vay, phát hành kỳ phiếu ngân hàng.

Ngoài nghiệp vụ tín dụng, ngân hàng còn có các hoạt động kinh doanh khác như: chuyển tiền, nghiệp vụ thu - chi hộ, nghiệp vụ uỷ thác, nghiệp vụ mua - bán hộ để thu hoa hồng. Đặc biệt, các ngân hàng hiện đại còn có một hoạt động rất quan trọng là nghiệp vụ chứng khoán, mua-bán các chứng khoán hay kinh doanh trên thị trường chứng khoán.

Tín dụng ngân hàng là công cụ tập trung tư bản và phân phối tư bản đó theo yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng tư bản. Tín dụng ngân hàng phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất và lưu thông hàng hoá và cho sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

c) Công ty cổ phần tư bản giả và thị trường chứng khoán

Công ty cổ phần là doanh nghiệp mà vốn của nó được hình thành bằng cách phát hành cổ phiếu.

Cổ phiếu là một thứ chứng khoán có giá, ghi nhận sự đóng góp vốn vào công ty cổ phần và quyền được hưởng lợi tức cổ phần (hay cổ tức). Có hai loại cổ phiếu: cổ phiếu thông thường và cổ phiếu đặc quyền. Lợi tức cổ phần phụ thuộc vào doanh lợi hàng năm của công ty. Khi công ty bị thua lỗ, cổ tức sẽ không còn, giá trị cổ phiếu sẽ giảm.

Tổng số giá cả cổ phiếu phát hành khi thành lập công ty thường lớn hơn tổng số tư bản thực tế bỏ vào công ty ấy. Hiệu số giữa hai đại lượng đó gọi là lợi nhuận sáng lập. Lợi nhuận sáng lập là một trong những nguồn làm giàu quan trọng của các nhà tư bản lớn.

Người mua cổ phiếu gọi là cổ đông. Cổ đông có các quyền lợi là được tham dự Đại hội cổ đông (cơ quan quyền lực cao nhất) để bầu ra Hội đồng quản trị; được hưởng lợi tức cổ phần; được ưu tiên ghi mua nếu công ty phát hành thêm cổ phiếu; được cấp thêm cổ phần mới nếu công ty nhập quĩ dự trữ vào vốn. Trường hợp công ty phá sản, cổ đông chỉ được hoàn trả sau các chủ nợ theo tỷ lệ cổ phần đã góp.

Ngoài cổ phiếu, công ty có thể phát hành thêm trái phiếu để vay tiền. Trái phiếu là chứng khoán có giá chứng nhận người cho vay. Khác với cổ phiếu, trái phiếu được hưởng lợi tức cố định và được hoàn trả lại vốn cho người mua sau một thời gian nhất định đã được qui định trên trái phiếu. Người mua trái phiếu không phải là cổ đông, mà là người cho vay.

Cổ phiếu và các chứng khoán khác đều có thể được mua bán trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu đem bán không phải là bán theo mệnh giá ghi trên cổ phiếu, mà là bán theo giá cả thị trường gọi là thị giá cổ phiếu. Thị giá cổ phiếu là giá bán cổ phiếu trên thị trường. Thị giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cung - cầu cổ phiếu, mức lợi tức cổ phần, lợi tức ngân hàng, đầu cơ, tác động tâm lý, những biến động về chính trị, xã hội... Trong trường hợp các yếu tố phi kinh tế mang tính ổn định, thị giá cổ phiếu được xác định như sau:

Lợi tức cổ phần

Thị giá cổ phiếu = -------------------------------

Tỷ suất lợi tức ngân hàng

Thí dụ: một cổ phiếu có cổ tức mỗi năm là 50.000đ, tỷ suất lợi tức ngân hàng (lãi suất) là 5%/năm, thì :

50.000đ/năm

Thị giá cổ phiếu = ---------------- = 1.000.000đ

5%/năm

Tư bản giả và thị trường chứng khoán

Tư bản giả là tư bản tồn tại dưới hình thức chứng khoán có giá và mang lại thu nhập cho người sử hữu các chứng khoán đó.Trên thực tế có hai loại chứng khoán phổ biến: cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành và trái phiếu.Trái phiếu cũng có hai loại: trái phiếu công ty và doanh nghiệp. Trái phiếu là chứng khoán có giá chứng nhận khoản tiền vay nợ của doanh nghiệp đối với người mua chúng (kể cả trái phiếu chính phủ).

Thị trường chứng khoán là thị trường mua bán, chuyển nhượng các chứng khoán có giá nhằm mục đích kiếm lời. Chứng khoán là giấy chứng nhận có quyền lợi nhất định về những vật có giá trị (như tiền bạc, hàng hoá, tài sản khác). Chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, công trái, kỳ phiếu và các chứng từ khác.

Thị trường chứng khoán có thể được phân chia theo những tiêu thức khác nhau. Theo đối tượng mua bán, thị trường chứng khoán được chia thành thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu. Theo cơ chế vận hành, thị trường chứng khoán gồm có thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp; Theo các quy định của chính phủ, thị trường chứng khoán chia thành thị trường có tổ chức và thị trường tự do.

Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với những thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội. Do đó, thị trường chứng khoán có thể được coi là "phong vũ biểu" của nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán có những vai trò to lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Những vai trò chủ yếu của thị trường chứng khoán: là công cụ khuyến khích dân chúng tiết kiệm và đầu tư; là phương tiện để huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; là đòn bẩy kích thích các doanh nghiệp làm ăn tốt hơn; điều hoà các kênh vốn trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy vậy, thị trường chứng khoán cũng có những khuyết tật, có thể tác động xấu tới sự phát triển kinh tế, xã hội, như: lừa đảo, đầu cơ, thúc đẩy phân hoá giàu nghèo... Những rối loạn trên thị trường này sẽ ảnh hưởng rất xấu tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Do đó, sự can thiệp của nhà nước vào thị trường này đặc biệt cần thiết.

d) Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp và địa tô tư bản chủ nghĩa

Sự hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp

Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện trong nông nghiệp muộn hơn trong thương nghiệp và công nghiệp. Quan hệ đó được hình thành bằng hai con đường cơ bản:

Một là, thông qua cải cách, dần dần chuyển kinh tế địa chủ phong kiến sang kinh doanh theo kiểu tư bản chủ nghĩa, sử dụng lao động làm thuê. Đó là con đường của các nước Đức, Nga Sa hoàng, Italia, Nhật.

Hai là, thông qua cách mạng dân chủ tư sản xoá bỏ kinh tế địa chủ phong kiến. Đó là con đường của nước Pháp. Hoặc là giải phóng nông nghiệp khỏi xiềng xích của chế độ nông nô và phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đó là con đường của nước Mỹ.

Đặc điểm nổi bật của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp là thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ. Do đó, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp phản ánh mối quan hệ giữa ba giai cấp: các nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp phải thuê ruộng đất của địa chủ và mua sức lao động của công nhân nông nghiệp; địa chủ là người sở hữu ruộng đất, thu địa tô đất đai; công nhân nông nghiệp làm thuê cho nhà tư bản, bị cả tư sản và địa chủ bóc lột.

Bản chất của địa tô tư bản chủ nghĩa

Khi thuê ruộng đất, nhà tư bản phải trả cho địa chủ một khoản tiền nhất định, gọi là địa tô.

Nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp trước hết cũng phải thu được lợi nhuận bình quân. Bởi vậy, địa tô mà nhà tư bản trả cho địa chủ phải là bộ phận giá trị nằm ngoài lợi nhuận bình quân, tức là lợi nhuận siêu ngạch. Nguồn gốc của lợi nhuận siêu ngạch trong nông nghiệp không phải là đất đai, mà là vẫn là lao động của con người. Công nhân nông nghiệp là người bán sức lao động cho nhà tư bản và họ cũng tạo ra giá trị thặng dư.

Vậy, địa tô tư bản chủ nghĩa là bộ phận lợi nhuận siêu ngạch ngoài số lợi nhuận bình quân của tư bản đầu tư trong nông nghiệp, do công nhân nông nghiệp tạo ra và nộp cho chủ ruộng với tư cách là kẻ sở hữu ruộng đất.

Cũng như địa tô phong kiến, cơ sở của địa tô tư bản chủ nghĩa là quyền sở hữu về ruộng đất, là sự thực hiện về mặt kinh tế của quyền sở hữu đó. Địa tô tư bản chủ nghĩa vừa biểu hiện quan hệ bóc lột của chủ ruộng đất và nhà tư bản đối với công nhân nông nghiệp, vừa biểu hiện quan hệ giữa chủ ruộng và nhà tư bản trong việc chia nhau giá trị thặng dư bóc lột được của công nhân nông nghiệp làm thuê.

Các hình thức địa tô

- Địa tô chênh lệch

Trong công nghiệp, giá cả sản xuất chung của hàng hoá là do những điều kiện sản xuất trung bình quyết định; còn trong nông nghiệp, giá cả sản xuất chung của nông sản phẩm lại do những điều kiện sản xuất xấu nhất quyết định. Do đó, tư bản đầu tư vào những ruộng đất có điều kiện thuận lợi cho năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn thì khi bán hàng hoá theo giá cả sản xuất chung sẽ thu được lợi nhuận siêu ngạch chuyển hoá thành địa tô, gọi là địa tô chênh lệch.

Vậy, địa tô chênh lệch là phần lợi nhuận dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân, thu được trên những ruộng đất có điều kiện sản xuất thuận lợi. Nó là số chênh lệch giữa giá cả sản xuất chung của nông phẩm được quyết định bởi điều kiện sản xuất trên ruộng đất xấu nhất và giá cả sản xuất cá biệt trên ruộng đất trung bình và tốt. Nó được sinh ra do độc quyền kinh doanh ruộng đất nhưng vì có độc quyền sở hữu ruộng đất nên được trả cho địa chủ dưới hình thức địa tô.

Địa tô chênh lệch bao gồm:

Địa tô chênh lệch I là địa tô thu được trên những ruộng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Địa tô chênh lệch I liên quan đến độ tốt xấu của ruộng đất và vị trí của đất đai.

Trong trường hợp, độ màu mỡ khác nhau, trên những mảnh đất có độ màu mỡ trung bình và tốt, địa chủ sẽ thu được địa tô chênh lệch I.

Ví dụ:

Loại ruộng đất Chi phí tư bản Lợi nhuận bình quân Sản lượng (tạ) Giá cả sản xuất

cá biệt Giá cả

sản xuất chung Địa tô chênh lệch

1 tạ tổng sản lượng 1 tạ tổng sản lượng

Xấu

T.bình

Tốt 100

100

100 20

20

20 3

4

5 40

30

24 120

120

120 40

40

40 120

160

200 0

40

80

Địa tô chênh lệch I có thể được hình thành do vị trí thuận lợi của đất đai. Ví dụ:

Loại ruộng đất Chi phí tư bản Lợi nhuận bình quân Chi phí vận chuyển Giá cả sản xuất cá biệt Giá cả sản xuất chung Địa tô chênh lệch

Gần thị trường

Xa thị trường 100

100 20

20 0

30 120

150 150

150 0

30

Địa tô chênh lệch II là địa tô thu được trên những ruộng đất được dùng thêm nhiều tư liệu sản xuất và lao động hơn trên cùng một diện tích. Địa tô chênh lệch II xuất hiện khi nông nghiệp phát triển theo hướng thâm canh.

Lần đầu tư Tư bản đầu tư Lợi nhuận bình quân Sản lượng (tạ) GCSX

cá biệt

1 tạ GCSX chung

1 tạ GCSX chung toàn bộ SP Địa tô chênh lệch

1

2 100

100 20

20 4

5 30

24 30

30 120

150 0

30

Trong thời hạn hợp đồng, lợi nhuận siêu ngạch sẽ thuộc về nhà tư bản; hết thời hạn hợp đồng, địa chủ nâng mức địa tô để thu lợi nhuận siêu ngạch đó. Bởi vậy, nhà tư bản muốn thuê ruộng đất trong thời hạn dài, còn địa chủ muốn cho thuế ruộng đất trong thời hạn ngắn.

Địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II đều là lợi nhuận siêu ngạch, hình thành do hiệu quả đầu tư khác nhau của những tư bản như nhau. Chỉ khác là, một loại do đầu tư trên những thửa ruộng có điều kiện khác nhau (quảng canh), một loại do hiệu quả những lần đầu tư khác nhau trên cùng một thửa ruộng (thâm canh), còn giá cả sản xuất chung vẫn do giá cả sản xuất của tư bản đầu tư có hiệu quả thấp nhất quyết định.

Do đó, nhà tư bản tìm mọi cách bòn rút đất đai, không chú ý đến cải tạo đất đai và làm cho độ màu mỡ của đất đai ngày càng giảm.

- Địa tô tuyệt đối

Khi nghiên cứu địa tô chênh lệch, chúng ta giả định là người thuê ruộng đất xấu chỉ thu về chi phí sản xuất cộng với lợi nhuận bình quân và không phải nộp tô. Nhưng trong thực tế, người thuê ruộng dù ruộng đất tốt hay xấu, đều phải nộp địa tô cho chủ ruộng. Đó là địa tô tuyệt đối.

Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, nông nghiệp lạc hậu hơn công nghiệp cả về kinh tế lẫn kỹ thuật. Cấu tạo hữu cơ của tư bản trong nông nghiệp thấp hơn trong công nghiệp. Cho nên, nếu trình độ bóc lột ngang nhau, thì một tư bản ngang nhau đầu tư vào nông nghiệp sẽ bóc lột được nhiều giá trị thặng dư hơn trong công nghiệp. Nhưng chế độ độc quyền tư hữu ruộng đất đã không cho phép tư bản tự do di chuyển vào nông nghiệp, do đó ngăn cản việc hình thành lợi nhuận bình quân chung giữa công nghiệp và nông nghiệp. Và như vậy, phần lợi nhuận siêu ngạch của nông nghiệp so với công nghiệp đó được giữ lại và dùng để nộp địa tô tuyệt đối cho chủ ruộng. Ví dụ:

Ngành đầu tư Chi phí tư bản Tỷ suất giá trị thặng dư Giá trị thặng dư Lợi nhuận bình quân Lợi nhuận siêu ngạch

Công nghiệp

Nông nghiệp 80c +20v

60c +40v 100%

100% 20

40 20

20 0

20

Do cấu tạo hữu cơ của tư bản đầu tư nông nghiệp thấp hơn trong công nghiệp nên tư bản đầu tư vào nông nghiệp sẽ thu được lợi nhuận siêu ngạch là 20. Bộ phận lợi nhuận siêu ngạch đó trả cho địa chủ được gọi là địa tô tuyệt đối.

Vậy, địa tô tuyệt đối là bộ phận lợi nhuận siêu ngạch dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân, hình thành nên do cấu tạo hữu cơ tư bản trong nông nghiệp thấp hơn trong công nghiệp, mà bất cứ nhà tư bản thuê ruộng đất nào cũng phải nộp cho địa chủ.

Lợi nhuận siêu ngạch trong nông nghiệp không bị san bằng đi do độc quyền kinh doanh. Nhưng muốn sử dụng ruộng đất thì nhà tư bản phải thuê ruộng đất của địa chủ. Với tư cách là chủ sở hữu đất đai, địa chủ thu phần lợi nhuận siêu ngạch đó. Như vậy, địa tô tuyệt đối gắn liền với chế độ độc quyền tư hữu ruộng đất.

Ngoài hai loại địa tô cơ bản trên, còn có những địa tô khác như địa tô về cây đặc sản, địa tô về đất xây dựng, địa tô về hầm mỏ, địa tô về rừng núi. Tuy là địa tô thu được trên những đất đai phi nông nghiệp, nhưng đều dựa trên cơ sở địa tô nông nghiệp. Chúng cũng đều bao gồm cả địa tô chênh lệch và địa tô tuyệt đối. Trong số đất đai trên, có những loại đất có thể trồng những loại cây cho sản phẩm quí hiếm hoặc có giá trị cao, hay có những khoáng sản đặc biệt có giá trị, thì địa tô của những đất đai đó sẽ rất cao, gọi là địa tô độc quyền. Nguồn gốc của địa tô độc quyền cũng là lợi nhuận siêu ngạch do giá cả độc quyền cao của sản phẩm thu được trên ruộng đất ấy, mà nhà tư bản phải nộp cho địa chủ, người sở hữu những đất đai đó.

Giá cả ruộng đất

Nếu không kể đến những kiến trúc và những cải tiến kỹ thuật do con người đầu tư (xây dựng và sửa chữa các công trình tưới ruộng, tiêu thuỷ, bón phân) thì bản thân ruộng đất không có giá trị vì nó không phải là sản phẩm của lao động. Mặc dù ruộng đất không có giá trị nhưng nó vẫn là đối tượng mua bán (do ruộng đất bị những kẻ chiếm hữu nó chiếm làm của riêng), và do đó nó có giá cả.

Giá cả ruộng đất là một số tiền mà nếu gửi vào ngân hàng thì tiền lãi của nó bằng số địa tô do ruộng đất đó đem lại. Ví dụ: một đám ruộng mỗi năm đem lại 300 đô la địa tô, và giả sử tỷ suất lợi tức gửi tiền vào ngân hàng là 4%, trong trường hợp đó, giá mảnh ruộng ấy là 7.500 đô la (300/4%). Như vậy, giá cả ruộng đất cũng chỉ là địa tô tư bản hoá.

Câu hỏi ôn tập:

1. Trình bày hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư và giá trị thặng dư siêu ngạch? Ý nghĩa của vấn đề này trong việc luận giải trình độ bóc lột công nhân làm thuê?

2. Phân tích quá trình tuần hoàn và chu chuyển tư bản? Ý nghĩa của vấn đề này trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay?

3. Chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa, lợi nhuận, tỉ suất lợi nhuận là gì? Những khái niệm này che dấu quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa như thế nào?

4. Phân biệt địa tô chênh lệch I, địa tô chênh lệch II, địa tô tuyệt đối? Vận dụng lý luận địa tô trong thu thuế sử dụng đất ở Việt Nam hiện nay?

Chương VI:

HỌC THUYẾT VỀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐỘC QUYỀN

VÀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐỘC QUYỀN NHÀ NƯỚC

Thời lượng: 8 giờ tín chỉ (5 lý thuyết, 1 thảo luận, 1 tự học, 1 kiểm tra)

Mục tiêu của người học cần đạt được về kiến thức và kĩ năng:

- Nắm vững 5 đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền

- Hiểu được sự hoạt động của quy luật giá trị và giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản độc quyền

- Nắm được nguyên nhân ra đời, biểu hiện cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

- Đánh giá được vai trò và hạn chế lịch sử của chủ nghĩa tư bản

I. Chủ nghĩa tư bản độc quyền

1. Bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa tư bản độc quyền

Nghiên cứu chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, C. Mác và Ph. Ăngghen đã dự báo rằng: tự do cạnh tranh sinh ra tích tụ và tập trung sản xuất, tích tụ và tập trung sản xuất phát triển đến một mức độ nào đó sẽ dẫn đến độc quyền.

Vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào điều kiện lịch sử mới của thế giới, V.I. Lênin đã chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang chủ nghĩa tư bản độc quyền, đồng thời Người nêu ra năm đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Chủ nghĩa tư bản độc quyền xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do những nguyên nhân chủ yếu sau:

- Sự phát triển của lực lượng sản xuất dưới tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung sản xuất, hình thành các xí nghiệp có quy mô lớn.

- Vào 30 năm cuối của thế kỷ XIX, những thành tựu khoa học kỹ thuật mới xuất hiện như lò luyện kim mới Betsơme, Máctanh, Tômát... đã tạo ra sản lượng lớn gang thép với chất lượng cao; phát hiện ra hoá chất mới như axít sunphuaric (H2SO4), thuốc nhuộm; máy móc mới ra đời: động cơ điêzen, máy phát điện, máy tiện, máy phay; phát triển những phương tiện vận tải mới: xe hơi, tàu thuỷ, xe điện, máy bay và đặc biệt là đường sắt. Những thành tựu khoa học kỹ thuật này, một mặt làm xuất hiện những ngành sản xuất mới đòi hỏi xí nghiệp phải có quy mô lớn; mặt khác, nó dẫn đến tăng năng suất lao động, tăng khả năng tích lũy tư bản, thúc đẩy phát triển sản xuất lớn.

- Trong điều kiện phát triển của khoa học kỹ thuật, sự tác động của các quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản như quy luật giá trị thặng dư, quy luật tích lũy ngày càng mạnh mẽ, làm biến đổi cơ cấu kinh tế của xã hội tư bản theo hướng tập trung sản xuất quy mô lớn.

- Cạnh tranh khốc liệt buộc các nhà tư bản phải tích cực cải tiến kỹ thuật, tăng quy mô tích lũy để thắng thế trong cạnh tranh. Đồng thời, cạnh tranh gay gắt làm cho các nhà tư bản vừa và nhỏ bị phá sản, còn các nhà tư bản lớn phát tài, làm giàu với số tư bản tập trung và quy mô xí nghiệp ngày càng to lớn.

- Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1873 trong toàn bộ thế giới tư bản chủ nghĩa làm phá sản hàng loạt xí nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy nhanh chóng quá trình tích tụ và tập trung tư bản.

- Sự phát triển của hệ thống tín dụng tư bản chủ nghĩa trở thành đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy tập trung sản xuất, nhất là việc hình thành các công ty cổ phần, tạo tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức độc quyền.

Từ những nguyên nhân trên, V.I. Lênin khẳng định: "Tự do cạnh tranh đẻ ra tập trung sản xuất và sự tập trung sản xuất này, khi phát triển tới một mức độ nhất định, lại dẫn tới độc quyền"1.

2. Năm đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền

a) Tập trung sản xuất và sự hình thành độc quyền

- Cạnh tranh

- Sự phát triển của khoa học - kỹ thuật

- Khủng hoảng kinh tế

Ngoài những nguyên nhân trên đây, sự phát triển của các tổ chức tín dụng tư bản chủ nghĩa trở thành đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ tập trung tư bản, tập trung sản xuất, thúc đẩy hình thành các công ty cổ phần có quy mô hết sức to lớn.

Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ, tích tụ và tập trung tư bản, tập trung sản xuất đã đến mức rất cao. Các xí nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 1% tổng số các xí nghiệp nhưng chiếm 3/4 tổng số hơi nước và điện lực, gần1/2 tổng số công nhân và sản xuất ra gần một nửa tổng sản phẩm. Theo V. Lênin, tập trung sản xuất cao độ sẽ dẫn thẳng đến độc quyền. "...tự do cạnh tranh đẻ ra tập trung sản xuất và sự tập trung sản xuất này, khi phát triển tới một mức độ nhất định, lại dẫn tới độc quyền"1. Độc quyền là sự liên minh giữa các nhà tư bản để chi phối việc sản xuất và tiêu thụ hàng hoá nhằm thu được siêu lợi nhuận

Các hình thức tổ chức độc quyền

Tổ chức độc quyền là sự liên minh giữa những nhà tư bản lớn để nắm trong tay phần lớn những năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong một ngành, một địa phương; cho phép liên minh này giữ vai trò quyết định đến quá trình sản xuất và lưu thông của ngành, địa phương đó.

Những liên minh tư bản độc quyền, thời kỳ đầu xuất hiện theo sự liên kết dọc, tức là liên kết các xí nghiệp trong cùng một ngành dưới những hình thức độc quyền như Cacten, Xanhdica, Tơ rớt.

Cacten là hình thức tổ chức độc quyền mà các xí nghiệp tư bản thành viên ký kết với nhau các hiệp định để thoả thuận với nhau về giá cả, thị trường tiêu thụ, kỳ hạn thanh toán... Tuy nhiên, các xí nghiệp tư bản thành viên tham gia vẫn độc lập về sản xuất.

Xanhdica là hình thức tổ chức độc quyền mà trong đó các nhà tư bản không chỉ liên minh với nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm, mua nguyên vật liệu... (việc mua bán sản phẩm do một ban quản trị chung đảm nhiệm) mà còn thoả thuận với nhau cả về sản lượng hàng hoá cung ứng trên thị trường. Do đó, khả năng chi phối giá cả thị trường của Xanhdica cao hơn Cacten.

Tơ-rớt là hình thức tổ chức độc quyền mà các nhà tư bản thành viên tham gia Tờ-rớt hoàn toàn mất độc lập về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do Hội đồng quản trị đảm nhiệm. Các nhà tư bản thành viên trở thành cổ đông, quyền lợi và nghĩa vụ của họ do tỷ lệ vốn mà họ đóng góp vào Tờ-rớt quyết định.

Công-xooc-xi-om. Đây là tổ chức độc quyền vừa dựa trên sự liên kết dọc, vừa dựa trên sự liên kết ngang, có quy mô rất lớn. Tham gia Công-xooc-xi-om có cả Cácten, Xanhdica, Tơ-rớt. Do đó, sự tồn tại của hình thức tổ chức độc quyền này vững chắc hơn Cácten, Xanhdica, Tơ-rớt. Do đa dạng hoá sản phẩm, Công-xoóc-xi-om hạn chế được rất nhiều rủi ro trong kinh doanh.

Do có sức mạnh kinh tế to lớn, các tổ chức tư bản độc quyền có khả năng định giá bán cao hơn giá cả sản xuất (giá cả độc quyền cao) và định giá mua dưới giá cả sản xuất (giá cả độc quyền thấp) nhằm thu lợi nhuận độc quyền cao.

- Mặc dù độc quyền ra đời từ cạnh tranh tự do nhưng sự xuất hiện các tổ chức độc quyền không thủ tiêu được cạnh tranh mà tồn tại song song với cạnh tranh. Những hình thức cạnh tranh chủ yếu là:

+ Cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền với nhau;

+ Cạnh tranh trong nội bộ các tổ chức độc quyền;

+ Cạnh tranh giữa tổ chức độc quyền và tổ chức không độc quyền;

+ Cạnh tranh giữa các tổ chức không độc quyền.

Trên cơ sở quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, các quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản vẫn hoạt động và phát huy tác dụng. Quy luật giá trị biểu hiện thành quy luật giá cả độc quyền; quy luật giá trị thặng dư biểu hiện thành quy luật lợi nhuận độc quyền cao. Đối với từng hàng hoá, giá cả độc quyền tách rời giá trị nhưng tổng:

 giá cả =  giá trị

Do có thể định giá cả độc quyền, lợi nhuận của các nhà tư bản độc quyền giờ đây không thuần tuý là lao động không được trả công của công nhân, mà còn bao gồm cả một phần lao động của các tầng lớp xã hội khác ở trong nước và ở các nước thuộc địa. V. Lênin đã chỉ ra là, độc quyền có xu hướng kìm hãm tiến bộ kỹ thuật. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Bởi vậy, ở nhiều nước tư bản phát triển, nhà nước cũng phải hạn chế độc quyền bằng các đạo luật chống độc quyền, hoặc chống hạn chế cạnh tranh. Do đó, hiện tượng độc quyền thuần tuý của một công ty (monopoly) được thay thế bằng sự thống trị của vài ba công ty độc quyền (oligopoly). Trong một số ngành, lĩnh vực, một nhóm công ty độc quyền (polypoly) giữ vai trò thống trị. Sự xuất hiện của phương thức độc quyền mới này vừa hạn chế được cạnh tranh vô chính phủ, vừa hạn chế được tiêu cực của tình trạng độc quyền thuần tuý.

Từ những năm giữa thế kỷ XX trở lại đây, sự thống trị của độc quyền có biểu hiện mới: sự xuất hiện của các công ty độc quyền xuyên quốc gia bên cạnh sự phát triển của các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế tăng lên. Điều đó xuất phát từ những lý do chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, do phân công lao động xã hội phát triển, các công ty độc quyền rất cần các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm vệ tinh cho mình trong việc cung cấp các chi tiết sản phẩm. Điều đó có ý nghĩa rất to lớn trong việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thứ hai, trong giai đoạn hiện nay, thị trường chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: kinh tế, chính trị, xã hội... nên dễ biến động, thay đổi. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có khả năng thích ứng rất tốt với những thay đổi đó. Do quy mô nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ tìm kiếm thị trường mới, tìm kiếm những "khoảng trống" ngay trong thị trường của các nước tư bản phát triển.

Thứ ba, tiến bộ về công nghệ trong giai đoạn hiện nay diễn ra hết sức nhanh chóng. Điều đó làm cho việc đổi mới công nghệ của các công ty lớn rất khó khăn vì phải chịu chi phí rất lớn. Trong khi đó, việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập mới có thể tiếp thu ngay được công nghệ hiện đại nhất.

Thứ tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có rất nhiều ưu thế trong tạo việc làm cho người lao động, một vấn đề bức xúc với hầu hết các quốc gia. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần vốn lớn nên dễ thành lập và cũng không nhất thiết phải sử dụng công nghệ hiện đại. Vì vậy, khả năng tạo việc làm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất to lớn.

Như vậy, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên không phải là xu hướng phi tập trung hoá, hoàn toàn không mâu thuẫn với tích tụ và tập trung sản xuất. Đây chính là biểu hiện mới của tích tụ và tập trung sản xuất trong giai đoạn hiện nay.

b) Tư bản tài chính và bộn đầu sỏ tài chính

Cùng với quá trình tích tụ và tập trung trong sản xuất là quá trình tích tụ và tập trung tư bản trong lĩnh vực ngân hàng. Khi tích tụ và tập trung tư bản trong ngân hàng đạt đến trình độ nhất định, tổ chức độc quyền trong ngân hàng được hình thành.

Sự hình thành tổ chức độc quyền ngân hàng gắn liền với vai trò mới của ngân hàng. Từ chỗ là trung tâm phát hành và quản lý tiền tệ, là trung tâm thanh toán, ngân hàng có thêm chức năng kiểm soát và giám sát các hoạt động kinh tế do các tổ chức độc quyền ngân hàng có sức mạnh rất lớn, nắm được phần lớn tư bản tiền tệ của xã hội. Thông qua hoạt động tín dụng, ngân hàng có thể nắm rất chắc tình tình hoạt động của các doanh nghiệp và chi phối các hoạt động đó.

Giữa tư bản độc quyền ngân hàng và tư bản độc quyền công nghiệp cũng có mối quan hệ kinh tế mới.

Tư bản tài chính là tư bản xuất hiện trên cơ sở tập trung sản xuất; là sự thâm nhập hay "dung hợp" lẫn nhau giữa các tổ chức độc quyền ngân hàng và các tổ chức độc quyền công nghiệp.

Tư bản tài chính phát triển ngày càng mạnh và có thế lực kinh tế rất lớn. Trong tư bản tài chính có một nhóm nhỏ gồm những nhà tư bản giàu có nhất, có thế lực mạnh nhất gọi là đầu sỏ tài chính.

Đầu sỏ tài chính thống trị nền kinh tế bằng chế độ "tham dự".

Cứ như vậy, chỉ cần vài tỷ đô la, các nhà tư bản tài chính có thể chi phối được hàng trăm tỷ đô la của tư bản xã hội. Vì vậy tư bản tài chính, đặc biệt là đầu sỏ tài chính, có đủ khả năng chi phối không những các hoạt động kinh tế, mà còn chi phối cả các chính sách kinh tế, chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước tư sản. Đó cũng chính là vai trò của tư bản tài chính.

Hiện nay, tư bản tài chính có biểu hiện mới. Đó là sự thay đổi trong các hình thức tổ chức và cơ chế thống trị của tư bản tài chính.

- Do sự phát triển của lực lượng sản xuất, của khoa học - công nghệ, cơ cấu các ngành kinh tế của các nước tư bản phát triển có những thay đổi quan trọng: khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP; các ngành kinh tế có hàm lượng khoa học cao xuất hiện... Do đó, tư bản tài chính còn là sự liên kết, dung hợp của tư bản độc quyền trong nhiều lĩnh vực khác nhau, làm xuất hiện các tập đoàn tài chính mới như: ngân hàng - công nghiệp - quân sự; ngân hàng - công nghiệp - xây dựng - dịch vụ.

- Cơ chế thống trị của tư bản tài chính cũng có những thay đổi quan trọng. Hình thức công ty cổ phần trở nên phổ biến hơn, số lượng cổ phiếu phát hành lớn hơn, mệnh giá nhỏ hơn... làm cho người lao động, kể cả lao động làm thuê cũng có thể mua được cổ phiếu, trở thành các cổ đông.

- Trong giai đoạn hiện nay, các tập đoàn tài chính các nước còn liên kết với nhau để thành lập các tổ chức tài chính quốc tế nhằm chi phối đời sống kinh tế quốc tế như: Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) ...

c) Xuất khẩu tư bản

Xuất khẩu tư bản là xuất khẩu giá trị nhằm mục đích bóc lột giá trị thặng dư. Đến thời kỳ chủ nghĩa tư bản độc quyền, xuất khẩu tư bản trở thành tất yếu kinh tế.

Ở các nước tư bản phát triển đã tích luỹ được nhiều tư bản, nhưng lại không tìm được nơi đầu tư có lợi nhuận cao ở trong nước. Trong khi đó ở các nước kinh tế kém phát triển lại có nguồn tài nguyên dồi dào, sức lao động rẻ nhưng lại thiếu vốn và kỹ thuật. Vì vậy, xuất khẩu tư bản trở thành một nhu cầu tất yếu để nâng cao tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư....

Xuất khẩu tư bản được thực hiện dưới hai hình thức: xuất khẩu tư bản trực tiếp (đầu tư trực tiếp-FDI) và xuất khẩu tư bản gián tiếp (đầu tư gián tiếp).

Từ sau chiến tranh thế giới Thứ hai trở lại đây, xuất khẩu tư bản có biểu hiện mới: xuất khẩu tư bản vẫn là cơ sở của độc quyền quốc tế sau chiến tranh nhưng quy mô, chiều hướng và kết cấu của xuất khẩu tư bản đã có bước phát triển mới.

Chiều hướng xuất khẩu tư bản cũng có những thay đổi rõ rệt. Trước chiến tranh thế giới Thứ hai, xuất khẩu tư bản chủ yếu là từ các nước tư bản chủ nghĩa phát triển sang các nước thuộc địa. Nhưng từ sau chiến tranh thế giới Thứ hai cho đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, xuất khẩu tư bản chủ yếu diễn ra giữa các nước tư bản chủ nghĩa phát triển với nhau.

Sau chiến tranh thế giới Thứ hai, một số nước và lãnh thổ có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ như Đài-Loan, Hồng- Công, Sinh-ga-po, Hàn-Quốc cũng đã tiếp nhận được lượng tư bản nước ngoài rất lớn và nhờ đó đạt được trình độ phát triển kinh tế khá cao.

Từ cuối thập niên 80 trở lại đây, dòng tư bản chảy vào các nước đang phát triển tăng lên rõ rệt, một số nước trong Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước hoặc lãnh thổ công nghiệp mới cũng tham gia xuất khẩu tư bản. Như vậy, xuất khẩu tư bản không còn là đặc quyền của các nước tư bản phát triển nữa.

d) Sự phân chia thế giới về mặt kinh tế giữa các liên minh độc quyền quốc tế

Quá trình xuất khẩu tư bản không ngừng phát triển cả về quy mô và trình độ. Mối quan hệ giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài trở nên chặt chẽ hơn. Sự cạnh tranh giữa các tập đoàn tư bản độc quyền giữa các nước trở nên khốc liệt. Sự thoả hiệp, sự liên minh với nhau giữa các tổ chức tư bản độc quyền các nước là một tất yếu khách quan. Từ đây các hình thức tổ chức độc quyền quốc tế như Công-xooc-xi-om quốc tế, Công-gơ-lô-mê-rat quốc tế... ra đời. Ngày nay người ta gọi chúng là các công ty xuyên quốc gia, TNCs (Trans National Coporations).

Các liên minh độc quyền quốc tế phân chia nhau thế giới về kinh tế: phân chia thị trường, nguồn nguyên liệu, khu vực ảnh hưởng. Khi tương quan lực lượng giữa các liên minh độc quyền thay đổi, tất yếu sẽ dẫn đến cuộc đấu tranh giữa các liên minh đó để chia lại thế giới về kinh tế.

Từ sau chiến tranh thế giới Thứ hai, do tính toàn cầu của nền kinh tế thế giới ngày càng tăng, sự phân chia thế giới về kinh tế giữa các liên minh độc quyền quốc tế có bước phát triển mới. Để bảo vệ lợi ích của mình, các liên minh độc quyền quốc tế sử dụng các nhà nước nhằm chi phối các tổ chức kinh tế khu vực. Năm 1948, "Liên minh than thép Châu Âu" và sau đó là "Cộng đồng kinh tế Châu Âu", "Thị trường chung Châu Âu" ra đời. Trong các tổ chức quốc tế đó, tư bản độc quyền Châu Âu hoàn toàn chi phối. Sau đó, hàng loạt các tổ chức kinh tế khu vực khác xuất hiện. Hiện nay, thế giới có hai tổ chức kinh tế khu vực có quy mô cực kỳ to lớn: Liên minh Châu Âu (EU) và Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái bình Dương (APEC). Các tổ chức và các định chế kinh tế mang tính toàn cầu như: Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ngân hàng thế giới (WB)... có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế quốc tế. Trong các tổ chức kinh tế đó, các tập đoàn tư bản độc quyền quốc tế giữ vai trò rất quan trọng.

Để chống lại ảnh hưởng của các tập đoàn tư bản độc quyền quốc tế và hỗ trợ nhau trong quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế, các nước đang phát triển cũng thành lập các tổ chức kinh tế khu vực. Hàng loạt các tổ chức kinh tế khu vực khác được thành lập như: Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định buôn bán ưu đãi Nam Á (SAPTA), Hiệp ước thương mại Mercosur Nam Mỹ (SCCM) .

e) Sự phân chia thế giới về lãnh thổ giữa các cường quốc đế quốc

Chủ nghĩa tư bản phát triển càng cao, nhu cầu về nguyên liệu, năng lượng càng lớn. Hơn nữa, thị trường sản phẩm đầu ra là điều kiện sống còn của chủ nghĩa tư bản. Đến giai đoạn độc quyền, do sự phát triển cao của lực lượng sản xuất, thị trường nội địa trở nên hết sức chật hẹp. Để tồn tại và thực hiện mục tiêu lợi nhuận độc quyền cao, việc độc chiếm các lãnh thổ bên ngoài trở thành tất yếu.

Vào đầu thế kỷ XX, việc phân chia thế giới về lãnh thổ căn bản đã hoàn thành. Nhưng do tác động của quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản, các nước đế quốc ra đời muộn hơn, phát triển nhanh chóng bởi những thành tựu khoa học kỹ thuật đã vượt lên so với các nước tư bản già, tiến hành đấu tranh để chia lại thị trường thế giới đã chia xong. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918 và lần thứ hai 1939-1945 chính là xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu đó. Như vậy, phân chia thế giới về mặt lãnh thổ và tiến hành chiến tranh để phân chia lại thế giới là đặc điểm quan trọng của chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Hiện nay, mặc dù hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ nhưng các lực lượng xã hội chủ nghĩa, các lực lượng dân chủ và hoà bình trên thế giới và ở ngay trong lòng các nước tư bản vẫn là sức mạnh to lớn ngăn chặn chiến tranh đế quốc. "Trong quan hệ quốc tế, hoà bình, ổn định và hợp tác để phát triển ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc của các dân tộc và các quốc gia trên thế giới. Các nước dành ưu tiên cho phát triển kinh tế, coi phát triển kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia; tham gia ngày càng nhiều vào quá trình hợp tác và liên kết khu vực, liên kết quốc tế về kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực hoạt động khác"1. Mặc dù bản chất không thay đổi nhưng chủ nghĩa tư bản hiện đại đang phải tìm cách thích ứng với điều kiện lịch sử mới.

Để tồn tại và thực hiện mục tiêu lợi nhuận độc quyền cao, các nước đế quốc đã thực hiện chế độ thực dân kiểu mới thay cho chế độ thực dân cũ. Chế độ thực dân kiểu mới được thực hiện thông qua việc trao trả "độc lập" cho các thuộc địa cũ, xây dựng chính quyền tay sai, "viện trợ" kinh tế, quân sự cho các nước này...

Từ năm đặc điểm trên đây có thể rút ra kết luận: chủ nghĩa tư bản hiện đại về mặt kinh tế là sự thống trị của tư bản độc quyền; về mặt chính trị là hiếu chiến, xâm lược.

Chủ nghĩa tư bản hiện đại, nếu định nghĩa một cách vắn tắt, đó là chủ nghĩa tư bản độc quyền. Nếu định nghĩa một cách đầy đủ thì chủ nghĩa tư bản hiện đại là tích tụ và tập trung sản xuất cao độ dẫn đến độc quyền; là sự xuất hiện của tư bản tài chính và sự thống trị của nó; xuất khẩu tư bản ngày càng có vai trò quan trọng; sự hình thành các liên minh độc quyền quốc tế và việc phân chia thế giới về mặt kinh tế; các cường quốc đế quốc chia nhau thế giới về lãnh thổ và cuộc đấu tranh để phân chia lại thế giới đã phân chia xong.

3. Sự hoạt động của quy luật giá trị và quy luật giá trị thặng dư trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền

a) Quan hệ giữa độc quyền và cạnh tranh

Độc quyền sinh ra từ cạnh tranh tự do, độc quyền đối lập với cạnh tranh tự do. Nhưng sự xuất hiện của độc quyền không thủ tiêu được cạnh tranh, trái lại nó còn làm cho cạnh tranh trở nên đa dạng, gay gắt và có sức phá hoại to lớn hơn.

Trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, không chỉ tồn tại sự cạnh tranh giữa những người sản xuất nhỏ, giữa những nhà tư bản vừa và nhỏ như trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh

Các loại cạnh tranh sau

Một là, cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền với các xí nghiệp ngoài độc quyền. Các tổ chức độc quyền tìm mọi cách chèn ép, chi phối, thôn tính các xí nghiệp ngoài độc quyền bằng nhiều biện pháp như: độc chiếm nguồn nguyên liệu, nguồn nhân công, phương tiện vận tải, tín dụng, hạ giá có hệ thống... để đánh bại đối thủ.

Hai là, cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền với nhau. Loại cạnh tranh này có nhiều hình thức: cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền trong một ngành, kết thúc bằng một sự thoả hiệp hoặc bằng sự phá sản của một bên cạnh tranh; cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền khác ngành có liên quan với nhau về nguồn nguyên liệu, kỹ thuật...

Ba là, cạnh tranh trong nội bộ các tổ chức độc quyền. Những nhà tư bản tham gia cácten, xanhđica cạnh tranh với nhau để giành thị trường tiêu thụ có lợi hoặc giành tỷ lệ sản xuất cao hơn. Các thành viên của tờrớt và côngxoócxiom cạnh tranh với nhau để chiếm cổ phiếu khống chế, từ đó chiếm địa vị lãnh đạo và phân chia lợi nhuận có lợi hơn.

b) Biểu hiện hoạt động của quy luật giá trị và quy luật giá trị thặng dư trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền

Các tổ chức độc quyền hình thành do chính sự vận động nội tại của chủ nghĩa tư bản sinh ra. Độc quyền là biểu hiện mới, mang những quan hệ mới nhưng nó không vượt ra khỏi các quy luật của chủ nghĩa tư bản, mà chỉ là sự tiếp tục mở rộng, phát triển những xu thế sâu sắc nhất của chủ nghĩa tư bản và của nền sản xuất hàng hoá nói chung, làm cho các quy luật kinh tế của nền sản xuất hàng hoá và của chủ nghĩa tư bản có những biểu hiện mới.

- Do chiếm được vị trí độc quyền nên các tổ chức độc quyền đã áp đặt giá cả độc quyền; giá cả độc quyền thấp khi mua, giá cả độc quyền cao khi bán. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa quy luật giá trị không còn hoạt động. Về thực chất, giá cả độc quyền vẫn không thoát ly và không phủ định cơ sở của nó là giá trị. Các tổ chức độc quyền thi hành chính sách giá cả độc quyền chẳng qua là chiếm đoạt một phần giá trị và giá trị thặng dư của những người khác. Nếu xem xét trong toàn bộ hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa thì tổng số giá cả vẫn bằng tổng số giá trị. Như vậy, nếu như trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh quy luật giá trị biểu hiện thành quy luật giá cả sản xuất, thì trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa quy luật giá trị biểu hiện thành quy luật giá cả độc quyền.

- Trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, quy luật giá trị thặng dư biểu hiện thành quy luật tỷ suất lợi nhuận bình quân. Bước sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, các tổ chức độc quyền thao túng nền kinh tế bằng giá cả độc quyền và thu được lợi nhuận độc quyền cao. Do đó quy luật lợi nhuận độc quyền cao chỉ là hình thức biểu hiện của quy luật giá trị thặng dư trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.

Nguồn gốc của lợi nhuận độc quyền cao là lao động không công của công nhân ở các xí nghiệp độc quyền; một phần lao động không công của công nhân ở các xí nghiệp không độc quyền; một phần giá trị thặng dư của các nhà tư bản vừa và nhỏ bị mất đi do thua thiệt trong cuộc cạnh tranh; lao động thặng dư và đôi khi cả một phần lao động tất yếu của những người sản xuất nhỏ, nhân dân lao động ở các nước tư bản và các nước thuộc địa, phụ thuộc.

Như vậy, sự biểu hiện của quy luật giá trị thặng dư trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa thành quy luật lợi nhuận độc quyền cao chỉ là sự phản ánh quan hệ thống trị và bóc lột của tư bản độc quyền trong tất cả các ngành kinh tế của xã hội tư bản và trên toàn thế giới.

II. Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

1. Nguyên nhân ra đời và bản chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

a) Nguyên nhân ra đời

- Sự mâu thuẫn giữa tư liệu sản xuất và quan hệ sản xuất.

- Tích tụ, tập trung tư bản càng lớn dẫn đến tích tụ, tập trung sản xuất càng cao .

- Trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất khiến cho nhà nước phải đại biểu cho toàn xã hội về quản lý sản xuất.

- Tồn tại nhiều ngành sản xuất đòi hỏi vốn đầu tư lớn buộc nhà nước phải can thiệp. Trong quá trình đó, nhà nước dùng chính sách để xoa dịu mâu thuẫn XH.

- Các nhà nước tư sản kết hợp với nhau để điều tiết quan hệ chính trị, kinh tế quốc tế .

b) Bản chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

- Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự kết hợp của các tổ chức độc quyền tư nhân và nhà nước tư sản, trong đó nhà nước phụ thuộc vào các tổ chức độc quyền.

- Chủ nghĩa tư bản độc quyển nhà nước can thiệp vào các quá trình kinh tế nhằm bảo vệ lợi ích của tư bản độc quyền.

- Nhà nước trở thành chủ sở hữu tư bản khổng lồ, dùng quân đội, cảnh sát để trấn áp xã hội.

- Chủ nghĩa tư bản độc quyển nhà nước điều tiết quá trình kinh tế, can thiệp vào tất cả các khâu: sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu dùng.

2. Những biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

a) Sự kết hợp về con người giữa tổ chức độc quyền và bộ máy nhà nước

V.I. Lênin đã từng nhấn mạnh rằng sự liên minh cá nhân của các ngân hàng với công nghiệp được bổ sung bằng sự liên minh cá nhân của ngân hàng và công nghiệp với chính phủ: "Hôm nay là bộ trưởng, ngày mai là chủ ngân hàng; hôm nay là chủ ngân hàng, ngày mai là bộ trưởng"1.

Sự kết hợp về nhân sự thực hiện thông qua các đảng phái tư sản. Chính các đảng phái này đã tạo ra cho tư bản độc quyền một cơ sở xã hội để thực hiện sự thống trị và trực tiếp xây dựng đội ngũ công chức cho bộ máy nhà nước. Cùng với các đảng phái tư sản, là các hội chủ xí nghiệp mang những tên khác nhau, thí dụ: Hội Công nghiệp toàn quốc Mỹ, Tổng Liên đoàn công nghiệp Italia, Liên đoàn các nhà kinh tế Nhật Bản, Liên minh Liên bang công nghiệp Đức, Hội đồng quốc gia giới chủ Pháp, Tổng Liên đoàn công thương Anh... Các hội chủ xí nghiệp này trở thành lực lượng chính trị, kinh tế to lớn, là chỗ dựa cho chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Các hội chủ này hoạt động thông qua các đảng phái của giai cấp tư sản, cung cấp kinh phí cho các đảng, quyết định về mặt nhân sự và đường lối chính trị, kinh tế của các đảng, tham gia vào việc thành lập bộ máy nhà nước ở các cấp. Mặt khác, chúng còn lập ra các uỷ ban tư vấn bên cạnh các bộ nhằm "lái" hoạt động của nhà nước theo chiến lược của mình. Vai trò của các hội lớn đến mức mà dư luận thế giới đã gọi chúng là những chính phủ đằng sau chính phủ, một quyền lực thực tế đằng sau quyền lực của chính quyền. Thông qua các hội chủ, một mặt các đại biểu của các tổ chức độc quyền tham gia vào bộ máy nhà nước với những cương vị khác nhau; mặt khác, các quan chức và nhân viên chính phủ được cài vào các ban quản trị của các tổ chức độc quyền, giữ những chức vụ trọng yếu chính thức hoặc danh dự, hoặc trở thành những người đỡ đầu các tổ chức độc quyền. Sự thâm nhập lẫn nhau này (còn gọi là sự kết hợp) đã tạo ra những biểu hiện mới trong mối quan hệ giữa các tổ chức độc quyền và cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

b) Sự hình thành và phát triển của sở hữu nhà nước

Sở hữu độc quyền nhà nước là sở hữu tập thể của giai cấp tư bản độc quyền có nhiệm vụ ủng hộ và phục vụ lợi ích của tư bản độc quyền nhằm duy trì sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Nó biểu hiện không những ở chỗ sở hữu nhà nước tăng lên mà còn ở sự tăng cường mối quan hệ giữa sở hữu nhà nước và sở hữu độc quyền tư nhân, hai loại sở hữu này đan kết với nhau trong quá trình tuần hoàn của tổng tư bản xã hội.

Sở hữu nhà nước không chỉ bao gồm những động sản và bất động sản cần cho hoạt động của bộ máy nhà nước, mà gồm cả những doanh nghiệp nhà nước trong công nghiệp và trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông vận tải, giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội... trong đó ngân sách nhà nước là bộ phận quan trọng nhất.

Sở hữu nhà nước được hình thành dưới nhiều hình thức khác nhau: xây dựng doanh nghiệp nhà nước bằng vốn của ngân sách; quốc hữu hoá các xí nghiệp tư nhân bằng cách mua lại; nhà nước mua cổ phần của các doanh nghiệp tư nhân; mở rộng doanh nghiệp nhà nước bằng vốn tích lũy của các doanh nghiệp tư nhân...

Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện các chức năng quan trọng sau:

Một là, mở rộng sản xuất tư bản chủ nghĩa, bảo đảm địa bàn rộng lớn cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Điều này liên quan đến những ngành sản xuất cũ không đứng vững được trong cạnh tranh và có nguy cơ thua lỗ, cũng như các ngành công nghiệp mới nhất đòi hỏi vốn đầu tư lớn và trình độ nghiên cứu khoa học, thiết kế và thử nghiệm cao được nhà nước đầu tư phát triển.

Hai là, giải phóng tư bản của tổ chức độc quyền từ những ngành ít lãi để đưa vào những ngành kinh doanh có hiệu quả hơn.

Ba là, làm chỗ dựa cho sự điều tiết kinh tế tư bản chủ nghĩa theo những chương trình nhất định. Cùng với việc nhà nước thực hiện kinh doanh thì thị trường nhà nước cũng hình thành. Sự hình thành thị trường nhà nước với việc nhà nước chủ động mở rộng thị trường trong nước bằng việc bao mua sản phẩm của các xí nghiệp độc quyền thông qua những hợp đồng được ký kết đã giúp tư bản tư nhân khắc phục được một phần khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng thừa, góp phần bảo đảm cho quá trình tái sản xuất được diễn ra bình thường. Các hợp đồng ký kết với nhà nước giúp cho các tổ chức độc quyền tư nhân vừa tiêu thụ được hàng hoá vừa bảo đảm lợi nhuận ổn định, vừa khắc phục được tình trạng thiếu nhiên liệu, nguyên liệu chiến lược.

Sự tiêu thụ của nhà nước được thực hiện qua những đơn đặt hàng của nhà nước, quan trọng hơn cả là các đơn đặt hàng quân sự do ngân sách chi mỗi ngày một tăng. Các hợp đồng này bảo đảm cho các độc quyền tư nhân kiếm được một khối lượng lợi nhuận lớn và ổn định, vì tỷ suất lợi nhuận của việc sản xuất các loại hàng hoá đó cao hơn hẳn tỷ suất lợi nhuận thông thường.

c) Sự can thiệp của nhà nước tư sản vào các quá trình kinh tế

Một trong những hình thức biểu hiện quan trọng của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự điều tiết quá trình kinh tế. Hệ thống điều tiết của nhà nước tư sản hình thành một tổng thể những thiết chế và thể chế kinh tế của nhà nước. Nó bao gồm bộ máy quản lý gắn với hệ thống chính sách, công cụ có khả năng điều tiết sự vận động của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, toàn bộ quá trình tái sản xuất xã hội. Sự điều tiết kinh tế của nhà nước được thực hiện dưới nhiều hình thức như: hướng dẫn, kiểm soát, uốn nắn những lệch lạc bằng các công cụ kinh tế và các công cụ hành chính - pháp lý, bằng cả ưu đãi và trừng phạt; bằng những giải pháp chiến lược dài hạn như lập chương trình, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, bảo hiểm xã hội... và bằng cả các giải pháp ngắn hạn.

Các chính sách kinh tế của nhà nước tư sản là sự thể hiện rõ nét nhất sự điều tiết kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Chúng bao gồm nhiều lĩnh vực như chính sách chống khủng hoảng chu kỳ, chống lạm phát, chính sách về tăng trưởng kinh tế, chính sách xã hội, chính sách kinh tế đối ngoại. Các công cụ chủ yếu của nhà nước tư sản để điều tiết kinh tế và thực hiện các chính sách kinh tế như ngân sách, thuế, hệ thống tiền tệ - tín dụng, các doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch hoá hay chương trình hoá kinh tế và các công cụ hành chính - pháp lý. Tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng nước, trong từng thời kỳ và sự vận dụng các học thuyết kinh tế, sự điều tiết kinh tế của nhà nước tư sản có các mô hình thể chế kinh tế khác nhau như "mô hình trọng cầu", "mô hình trọng cung", "mô hình trọng tiền"... Những học thuyết kinh tế quan trọng đã được vận dụng vào sự điều tiết kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Đó là học thuyết Kênxơ (J. Keynes - 1854-1946) chiếm vị trí thống trị từ những năm1940 đến 1970 của thế kỷ XX, sau đó là học thuyết kinh tế của P.A. Samuelson đang là cơ sở lý luận cho sự điều tiết vĩ mô của nhà nước và quản lý vi mô của các doanh nghiệp.

III. Đánh giá chung về vai trò và giới hạn lịch sử của chủ nghĩa tư bản

1. Vai trò của chủ nghĩa tư bản độc quyền đối với sự phát triển của nền sản xuất xã hội

Những thành tựu của chủ nghĩa tư bản đạt được trong sự vận động đầy mâu thuẫn

Chủ nghĩa tư bản phát triển qua hai giai đoạn: chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh và chủ nghĩa tư bản độc quyền mà nấc thang tột cùng của nó là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước.

Trong suốt quá trình phát triển, nếu chưa xét đến hậu quả nghiêm trọng đã gây ra đối với loài người thì chủ nghĩa tư bản cũng có những mặt tích cực đối với phát triển sản xuất. Đó là:

- Chuyển nền sản xuất nhỏ thành nền sản xuất lớn hiện đại.

Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản đã giải phóng loài người khỏi "đêm trường trung cổ" của xã hội phong kiến, đoạn tuyệt với nền kinh tế tự nhiên, tự túc, tự cấp chuyển sang phát triển kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa, chuyển sản xuất nhỏ thành sản xuất lớn hiện đại. Dưới tác động của quy luật giá trị thặng dư và các quy luật kinh tế của sản xuất hàng hóa, chủ nghĩa tư bản đã làm tăng năng suất lao động, tạo ra khối lượng của cải khổng lồ hơn nhiều xã hội trước cộng lại.

- Phát triển lực lượng sản xuất.

Quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản đã làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao: từ kỹ thuật thủ công lên kỹ thuật cơ khí, sang tự động hóa, tin học hóa và công nghệ hiện đại. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật vầ công nghệ là quá trình giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả khám phá và chinh phục thiên nhiên của con người.

- Thực hiện xã hội hóa sản xuất.

Chủ nghĩa tư bản đã thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển mạnh và đạt tới mức điển hình nhất trong lịch sử, cùng với nó là quá trình xã hội hóa sản xuất cả về chiều rộng và chiều sâu. Đó là sự phát triển của phân công lao động xã hội, sản xuất tập trung với quy mô hợp lý, chuyên môn hóa sản xuất và hợp tác lao động sâu sắc, mối liên hệ kinh tế giữa các đơn vị, các ngành, các lĩnh vực ngày càng chặt chẽ... làm cho các quá trình sản xuất phân tán được liên kết với nhau và phụ thuộc lẫn nhau thành một hệ thống, thành một quá trình sản xuất xã hội.

Tuy nhiên, những thành tựu chủ nghĩa tư bản đạt được trong sự vận động đầy mâu thuẫn. Điều đó thể hiện ở hai xu hướng trái ngược nhau là xu thế phát triển nhanh chóng và xu thế trì trệ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

V.I. Lênin nhận xét: sự phát triển nhanh chóng và sự trì trệ thối nát là hai xu thế cùng song song tồn tại trong nền kinh tế của chủ nghĩa đế quốc. Đó chính là một biểu hiện quan trọng thuộc bản chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Ngày nay, bản chất này biểu hiện rất nổi bật.

Xu thế phát triển nhanh của nền kinh tế biểu hiện ở chỗ: sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt là vào những năm 50, 60 thế kỷ XX, trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới đã xuất hiện thời kỳ tăng trưởng với tốc độ cao hiếm thấy. Trong thời gian từ 1948-1970, Mỹ, Anh, Pháp, Cộng hoà liên bang Đức, Italia, Canađa, Nhật Bản... có tỷ suất tăng trưởng bình quân trong tổng giá trị thu nhập quốc dân đạt 5,1%. Đồng thời, việc nâng cao hiệu quả lao động sản xuất cũng rất rõ rệt.

Nguyên nhân của xu thế đó là:

+ Yêu cầu nội tại và xu hướng tăng nhanh tốc độ phát triển lực lượng sản xuất do sự tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ.

+ Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có những nhân tố kích thích phát triển.

+ Việc mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

+ Đặc biệt là tác dụng kích thích của hai hệ thống kinh tế thế giới.

Xu thế trì trệ của nền kinh tế hay xu thế kìm hãm mà V.I.Lênin đã chỉ ra có nguyên nhân cơ bản là do sự thống trị của độc quyền. Độc quyền đã tạo ra những nhân tố ngăn cản sự tiến bộ kỹ thuật và phát triển sản xuất như: quy định giá cả độc quyền, hạn chế sản lượng và mua phát minh kỹ thuật. Ngày nay, các nhân tố gây trì trệ vẫn còn tồn tại và tiếp tục tác động.

Sự tồn tại song song của hai xu thế trong chủ nghĩa tư bản một mặt nói lên rằng chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn còn sức sống, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa còn có thể tự điều chỉnh và trong giới hạn nhất định nó còn có thể thích ứng với nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất và thúc đẩy xã hội tư bản phát triển. Song, mặt khác, điều đó cũng nói lên rằng, chủ nghĩa tư bản đang vấp phải những giới hạn nhất định, mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn chưa giải quyết được.

2. Những biểu hiện mới của chủ nghĩa tư bản

a) Những biểu hiện mới về năm đặc điểm kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền:

Tập trung sản xuất và hình thức độc quyền mới: Sự xuất hiện các công ty độc quyền xuyên quốc gia bên cạnh sự phát triển của các xí nghiệp vừa và nhỏ

Do sự phát triển của lực lượng sản xuất, của khoa học và công nghệ nên đã diễn ra quá trình hình thành những sự liên kết giữa các độc quyền theo cả hai chiều dọc và ngang ở trong và ngoài nước. Từ đó, những hình thức tổ chức độc quyền mới đã ra đời. Đó là các consơn (concern) và các cônglômêrát (conglomerate).

Consơn: Đó là tổ chức độc quyền đa ngành, thành phần của nó có hàng trăm xí nghiệp có quan hệ với những ngành khác nhau và được phân bố ở nhiều nước. Trong số 500 công ty lớn nhất của Mỹ có tới 94% là loại consơn so với 49% năm 1949. Điển hình về tính đa ngành là consơn GMC (General Motor Corporation) năm 1988 có doanh số là 121,085 tỷ USD. Ngoài ngành sản xuất ôtô chiếm từ 80-90% tổng giá trị sản phẩm, GMC còn thâu tóm những xí nghiệp sản xuất đồ điện thông dụng như môtơ, tuabin, đầu máy điêzen, máy giặt, máy hút bụi và một số mặt hàng khác.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến độc quyền đa ngành là: trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các độc quyền và sự biến động nhanh chóng của thị trường thì việc kinh doanh chuyên môn hoá hẹp dễ bị phá sản. Hơn nữa, hình thức độc quyền đa ngành còn là kết quả của sự chuyển hoá, thay thế các tờrớt để đối phó với luật chống độc quyền ở hầu hết các nước tư bản chủ nghĩa (luật này cấm độc quyền 100% mặt hàng trong một ngành).

Cônglômêrát: là hình thức tổ chức độc quyền xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX. Đó là sự kết hợp vài ba chục những hãng vừa và nhỏ không có bất kỳ sự liên quan nào về sản xuất hoặc dịch vụ cho sản xuất. Mục đích chủ yếu của các cônglômêrát là chiếm đoạt lợi nhuận bằng kinh doanh chứng khoán. Do vậy phần lớn các cônglômêrát dễ bị phá sản nhanh hoặc chuyển thành các consơn. Tuy nhiên một bộ phận các cônglômêrát vẫn tồn tại vững chắc bằng cách kinh doanh trong lĩnh vực tài chính trong những điều kiện thường xuyên biến động của nền kinh tế thế giới.

Ở các nước tư bản phát triển ngày càng xuất hiện nhiều công ty vừa và nhỏ, chiếm hơn 90% tổng số hãng có đăng ký, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Trong những ngành mới như tin học, chất dẻo, điện tử, các hãng nhỏ chiếm tỷ lệ tuyệt đối (ở Mỹ các hãng nhỏ chiếm 90% tổng số hãng trong lĩnh vực này).

Sự xuất hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ là do:

Thứ nhất, việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho phép tiêu chuẩn hoá và chuyên môn hoá sản xuất sâu, dẫn đến hình thành hệ thống gia công, nhất là trong các ngành sản xuất ôtô, máy bay, cơ khí, dệt...

Các công ty lớn và các hãng nhận gia công (doanh nghiệp vừa, nhỏ) hình thành một hệ thống gắn bó với nhau bởi hàng loạt mối quan hệ: người mua, người bán, người vay và người cho vay, bởi những phương tiện sản xuất chung, cùng nhau chia sẻ công việc, bí quyết sản xuất...

Nhìn bề ngoài, có người gọi hiện tượng trên là "phi tập trung hoá" và cho rằng, luận điểm của V.I. Lênin về tích tụ và tập trung dẫn tới độc quyền không còn đúng nữa. Thực ra, đó chính là biểu hiện của độc quyền dưới một dạng mới, thể hiện ở chỗ là: các hãng, công ty vừa và nhỏ phụ thuộc vào các consơn và cônglômêrát về nhiều mặt. Sự kiểm soát của độc quyền được thực hiện dưới những hình thức mới thông qua quan hệ hợp tác giữa tư bản độc quyền lớn với các hãng vừa và nhỏ, thông qua quan hệ hợp tác giữa các độc quyền lớn nhằm mở rộng khả năng kiểm soát sản xuất nói chung, tiến bộ khoa học và công nghệ nói riêng.

Thứ hai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có những thế mạnh của nó. Đó là: nhạy cảm đối với thay đổi trong sản xuất; linh hoạt ứng phó với sự biến động của thị trường; mạnh dạn đầu tư vào những ngành mới đòi hỏi sự mạo hiểm; dễ đổi mới trang thiết bị kỹ thuật mà không cần nhiều chi phí bổ sung, có thể kết hợp nhiều loại hình kỹ thuật để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao trong điều kiện kết cấu hạ tầng hạn chế...

Ngoài ra, độc quyền cũng xuất hiện cả ở những nước đang phát triển. Đó là kết quả của sự thâm nhập của các công ty xuyên quốc gia vào các nước này và sự ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại khiến cho chỉ một xí nghiệp hay một công ty cũng đủ sức mạnh chi phối việc sản xuất và tiêu thụ của cả một ngành mới ra đời ở một nước đang phát triển và tới mức độ nhất định có thể bành trướng ra bên ngoài.

Các tổ chức độc quyền ra đời luôn luôn có xu hướng bành trướng quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, xu hướng vận động của chúng là trở thành các công ty xuyên quốc gia và liên minh với nhà nước hình thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Đó là biểu hiện mới của độc quyền và là hình thức vận động mới của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong điều kiện lịch sử mới.

- Sự thay đổi các hình thức tổ chức và cơ chế thống trị của tư bản tài chính

Do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện nhiều ngành kinh tế mới, đặc biệt là các ngành thuộc "phần mềm" như dịch vụ, bảo hiểm... ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Thích ứng với sự biến đổi đó, hình thức tổ chức và cơ chế thống trị của tư bản tài chính đã thay đổi. Ngày nay, phạm vi liên kết và xâm nhập vào nhau giữa tư bản ngân hàng và tư bản công nghiệp được mở rộng ra nhiều ngành, do đó các tập đoàn tư bản tài chính thường tồn tại dưới hình thức một tổ hợp đa dạng kiểu: công - nông - thương - tín - dịch vụ hay công nghiệp - quân sự, dịch vụ quốc phòng... Nội dung của sự liên kết cũng đa dạng hơn, tinh vi hơn và phức tạp hơn.

Cơ chế thị trường của tư bản tài chính cũng biến đổi, cổ phiếu có mệnh giá nhỏ được phát hành rộng rãi, khối lượng cổ phiếu tăng lên, nhiều tầng lớp dân cư mua cổ phiếu kéo theo đó là "chế độ tham dự" được bổ sung thêm bằng "chế độ uỷ nhiệm", nghĩa là những đại cổ đông được "uỷ nhiệm" thay mặt cho đa số cổ đông có ít cổ phiếu quyết định phương hướng hoạt động của công ty cổ phần. Chủ sở hữu tư bản lớn giờ đây vừa khống chế trực tiếp vừa khống chế gián tiếp đối với tư bản thông qua biến động trên thị trường tài chính, buộc các nhà quản lý phải tuân theo lợi ích của chúng.

Để vươn ra địa bàn thế giới và thích ứng với quá trình quốc tế hoá đời sống kinh tế, toàn cầu hoá kinh tế, các tập đoàn tư bản tài chính đã thành lập các ngân hàng đa quốc gia và xuyên quốc gia thực hiện việc điều tiết các consơn và cônglômêrát, xâm nhập vào nền kinh tế của các quốc gia khác. Sự ra đời của các trung tâm tài chính của thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hồng Kông, Xingapo... là kết quả hoạt động của các tập đoàn tài chính quốc tế. Dù biểu hiện dưới hình thức nào, có sự thay đổi cơ chế thống trị ra sao, bản chất của tư bản tài chính cũng không thay đổi.

Những biểu hiện mới của xuất khẩu tư bản

Ngày nay, trong điều kiện lịch sử mới, xuất khẩu tư bản đã có những biến đổi lớn.

Thứ nhất, trước kia luồng tư bản xuất khẩu chủ yếu từ các nước tư bản phát triển sang các nước kém phát triển (chiếm tỷ trọng trên 70%). Nhưng những thập kỷ gần đây đại bộ phận dòng đầu tư lại chảy qua lại giữa các nước tư bản phát triển với nhau. Tỷ trọng xuất khẩu tư bản giữa ba trung tâm tư bản chủ nghĩa tăng nhanh, đặc biệt dòng đầu tư chảy mạnh theo hướng từ Nhật Bản vào Mỹ và Tây Âu, cũng như từ Tây Âu chảy vào Mỹ làm cho luồng xuất khẩu tư bản vào các nước đang phát triển giảm mạnh (năm 1996 chỉ còn 16,8%, hiện nay khoảng 30%).

Sở dĩ có sự chuyển hướng đầu tư như vậy là do:

- Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã tạo ra những biến đổi nhảy vọt trong sự phát triển của lực lượng sản xuất. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều ngành công nghiệp mới ra đời và phát triển thành các ngành mũi nhọn như: ngành công nghệ sinh học, ngành chế tạo vật liệu mới, ngành bán dẫn và vi điện tử, ngành vũ trụ và đại dương... Sự xuất hiện những ngành mới đã tạo ra nhu cầu đầu tư hấp dẫn vì trong thời gian đầu nó tạo ra lợi nhuận siêu ngạch lớn.

- Ở các nước tư bản phát triển đã diễn ra sự biến đổi cơ cấu các ngành sản xuất: phát triển các ngành có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao và hàm lượng vốn lớn.

- Việc tiếp nhận kỹ thuật mới chỉ diễn ra ở các nước tư bản phát triển vì ở các nước đang phát triển có kết cấu hạ tầng lạc hậu, tình hình chính trị kém ổn định, tỷ suất lợi nhuận của tư bản đầu tư không còn cao như trước.

Thứ hai, chủ thể xuất khẩu tư bản có sự thay đổi lớn, trong đó vai trò của các công ty xuyên quốc gia (TNCs) trong xuất khẩu tư bản ngày càng to lớn, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chẳng hạn vào những năm 90 của thế kỷ XX, các TNCs đã chiếm tới 90% luồng vốn FDI. Mặt khác đã xuất hiện nhiều chủ thể xuất khẩu tư bản từ các nước đang phát triển mà nổi bật là NIEs châu Á.

Thứ ba, hình thức xuất khẩu tư bản rất đa dạng, có sự đan xen giữa xuất khẩu tư bản và xuất khẩu hàng hoá tăng lên. Chẳng hạn, trong đầu tư trực tiếp xuất hiện những hình thức mới như BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) sự kết hợp giữa xuất khẩu tư bản với các hợp đồng buôn bán hàng hoá, dịch vụ, chất xám không ngừng tăng lên.

Thứ tư, sự áp đặt mang tính chất thực dân trong xuất khẩu tư bản đã được gỡ bỏ dần và nguyên tắc cùng có lợi được đề cao.

Sự biến động về địa bàn và tỷ trọng đầu tư của các nước tư bản phát triển không làm cho đặc điểm và bản chất của xuất khẩu tư bản thay đổi, mà chỉ làm cho hình thức và xu hướng của xuất khẩu tư bản thêm phong phú và phức tạp hơn.

- Sự phân chia thế giới về mặt kinh tế giữa các liên minh của chủ nghĩa tư bản: xu hướng quốc tế hoá, toàn cầu hoá kinh tế ngày càng tăng bên cạnh xu hướng khu vực hoá nền kinh tế.

Sức mạnh và phạm vi bành trướng của TNCs tăng lên thúc đẩy xu hướng quốc tế hoá, toàn cầu hoá kinh tế và sự phân chia phạm vi ảnh hưởng giữa chúng với nhau, đồng thời thúc đẩy việc hình thành chủ nghĩa tư bản độc quyền quốc tế.

Cùng với xu hướng toàn cầu hoá kinh tế lại diễn ra xu hướng khu vực hoá kinh tế, hình thành nhiều liên minh kinh tế khu vực như: Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-1-1999 gồm 15 nước và cho ra đời đồng tiền chung châu Âu (EURO) với sự tham gia của 11 quốc gia. Tại Tây bán cầu, Mỹ đang xúc tiến thành lập khối thị trường chung châu Mỹ (dự định hoàn tất vào năm 2010) bằng cách từng bước mở rộng khối Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA gồm: Canađa, Mêhicô và Mỹ) đến Nam Mỹ.

Việc phân chia thế giới về kinh tế cũng có sự tham gia của một loạt nước đang phát triển nhằm chống lại sức ép của các cường quốc tư bản chủ nghĩa. Đó là việc thành lập tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thị trường chung vùng chóp nón Nam Mỹ (MERCOSUR) gồm 4 nước: Brazin, Achentina, Urugoay, Paragoay... Ngày càng có nhiều nước tham gia vào các Liên minh mậu dịch tự do (FTA) hoặc các Liên minh thuế quan (CU).

Tư bản độc quyền quốc tế là thế lực đang chi phối quá trình toàn cầu hoá thông qua các tổ chức kinh tế quốc tế và đang ra sức hạn chế sự phát triển của các tổ chức khu vực.

- Sự phân chia thế giới giữa các cường quốc vẫn tiếp tục dưới những hình thức cạnh tranh và thống trị mới

Tuy chủ nghĩa thực dân đã hoàn toàn sụp đổ và chủ nghĩa thực dân mới đã suy yếu, nhưng các cường quốc tư bản chủ nghĩa, khi ngấm ngầm, lúc công khai, vẫn tranh giành nhau phạm vi ảnh hưởng bằng cách thực hiện "chiến lược biên giới mềm", ra sức bành trướng "biên giới kinh tế" rộng hơn biên giới địa lý, ràng buộc, chi phối các nước kém phát triển từ sự lệ thuộc về vốn, công nghệ đi đến sự lệ thuộc về chính trị vào các cường quốc.

Chiến tranh lạnh kết thúc, nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi, nhưng lại được thay thế bằng những cuộc chiến tranh thương mại, những cuộc chiến tranh sắc tộc, tôn giáo mà đứng trong hoặc núp sau các cuộc đụng độ đó là các cường quốc đế quốc.

Tóm lại, dù có những biểu hiện mới, chủ nghĩa tư bản đương đại vẫn là chủ nghĩa tư bản độc quyền. Những biểu hiện mới đó chỉ là sự phát triển của năm đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền mà V.I. Lênin đã vạch ra từ những năm đầu thế kỷ.

b) Biểu hiện mới trong sự điều tiết kinh tế của nhà nước tư sản

- Mục tiêu của sự điều tiết kinh tế của nhà nước tư bản độc quyền là nhằm khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhằm tăng trưởng kinh tế, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa tư bản.

- Để điều tiết kinh tế, nhà nước tư bản độc quyền đã tổ chức bộ máy điều tiết. Bộ máy đó gồm cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và về mặt nhân sự có sự tham gia của những đại biểu của tập đoàn lớn và các quan chức nhà nước. Đồng thời, bên cạnh bộ máy này còn có hàng loạt các tiểu ban được tổ chức dưới những hình thức khác nhau, thực hiện "tư vấn" với hy vọng "lái" đường lối theo mục tiêu riêng của các tổ chức độc quyền.

Cùng với bộ máy điều tiết là các công cụ điều tiết các loại, như công cụ hành chính, pháp luật, chính sách và các đòn bẩy kinh tế, nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược đã được hoạch định.

- Cơ chế điều tiết kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là: cơ chế kết hợp thị trường tự do cạnh tranh với tính năng động của tư bản độc quyền tư nhân. Trên phương diện kinh tế, những điểm quan trọng nhất của cơ chế điều tiết mới là:

+ Hạn chế sự quan liêu hoá nhà nước bằng cách xem xét lại hệ thống luật kinh tế, đơn giản hoá thủ tục hành chính và xây dựng các đạo luật mới thích hợp với cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.

+ Xác định lại sự trợ cấp của nhà nước đối với một số ngành, một số xí nghiệp.

+ Thực hiện tư nhân hoá khu vực kinh tế nhà nước nhằm tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và khắc phục sự hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước.

+ Nới lỏng sự điều tiết của nhà nước, xoá bỏ những quy định của nhà nước có thể dẫn đến hạn chế sự cạnh tranh trên thị trường.

+ Xác định lại các thứ tự ưu tiên trong chính sách kinh tế, hướng chủ yếu vào sự tăng trưởng lâu dài, tiến bộ khoa học và công nghệ, giảm chi tiêu ngân sách cho nhu cầu xã hội, chống lạm phát, giảm thuế để khuyến khích kinh doanh.

+ Tăng cường sự phối hợp chính sách kinh tế giữa các nước trong những lĩnh vực có tầm quan trọng đối với sự ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Nổi bật hơn cả trong những biểu hiện mới của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là việc thực hiện các chính sách xã hội.

- Phương thức điều tiết của nhà nước linh hoạt, mềm dẻo hơn, phạm vi rộng hơn, thể hiện như sau:

+ Điều tiết bằng chương trình và kế hoạch.

+ Điều tiết cơ cấu kinh tế bằng quan hệ thị trường thông qua hợp đồng, đồng thời hỗ trợ các ngành truyền thống cần được tiếp tục duy trì và những ngành mũi nhọn với công nghệ cao.

+ Điều tiết tiến bộ khoa học và công nghệ bằng tăng chi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển, đề xuất các hướng ưu tiên phát triển công nghệ, tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng của các công ty tư nhân.

+ Điều tiết thị trường lao động bằng cách đào tạo và đào tạo lại, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để thu hút người thất nghiệp, thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, nhà nước còn can thiệp vào các hợp đồng lao động...

+ Điều tiết thị trường tài chính, tiền tệ, chống lạm phát, điều tiết giá cả.

+ Điều tiết các quan hệ kinh tế đối ngoại, hệ thống tài chính, tiền tệ quốc tế.

3. Giới hạn lịch sử của chủ nghĩa tư bản

Bên cạnh mặt tích cực nói trên, trong quá trình phát triển, chủ nghĩa tư bản đã gây ra những hậu quả nặng nề cho loài người: hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu và hàng trăm cuộc chiến tranh cục bộ khác; chạy đua vũ trang và ô nhiễm môi trường; nạn đói nghèo và bệnh tật của hàng trăm triệu người, nhất là ở các nước chậm phát triển...

Giới hạn lịch sử của chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản: mâu thuẫn giữa tính chất và trình độ xã hội hoá cao của lực lượng sản xuất với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Mặc dù chủ nghĩa tư bản ngày nay đã có điều chỉnh nhất định trong quan hệ sở hữu, quản lý và phân phối nhưng không thể khắc phục được mâu thuẫn này.

Mâu thuẫn cơ bản nói trên biểu hiện thành những mâu thuẫn cụ thể sau đây:

a) Mâu thuẫn giữa tư bản và lao động

Mâu thuẫn này thể hiện sự phân cực giàu - nghèo và tình trạng bất công xã hội tăng lên. Sự bần cùng hoá tuyệt đối lẫn tương đối của giai cấp công nhân vẫn đang tồn tại. Tuy đại bộ phận tầng lớp trí thức và lao động có kỹ năng đang có việc làm được cải thiện mức sống và gia nhập vào tầng lớp trung lưu, nhưng vẫn không xoá được sự phân hoá giàu - nghèo ngày càng sâu sắc.

Thu nhập của 358 người giàu nhất thế giới lớn hơn thu nhập hàng năm của hơn 45% dân số thế giới. Tình trạng công nhân, người lao động thất nghiệp ngày càng tăng.

Trong xã hội tư bản ngày nay, sự bất bình đẳng và các tệ nạn xã hội vẫn tồn tại một cách phổ biến: sự suy đồi về xã hội, văn hoá và đạo đức ngày càng trầm trọng.

b) Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc

Ngày nay, mâu thuẫn này đang chuyển thành mâu thuẫn giữa các nước chậm phát triển bị lệ thuộc với những nước đế quốc thành mâu thuẫn giữa các nước và tầng lớp thượng lưu giàu có ở phương Bắc với các nước và các tầng lớp nghèo khổ ở phương Nam. Nếu so sánh thu nhập thời kỳ 1930-1993 ta thấy khoảng cách giàu nghèo của hai nhóm nước này tăng 280%. GDP của 550 triệu dân châu Phi chỉ bằng GDP của nước Bỉ (10 triệu dân). Nhiều tài liệu công bố trên các phương tiện truyền thông đã chỉ rõ các nước thứ ba không những bị vơ vét cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn mắc nợ không thể nào trả được. Hàng năm, các nước chậm phát triển vay nợ phải trả cho các nước chủ nợ số tiền lãi từ 130 đến 150 tỷ USD.

Chính vì thế, trong những năm 80 của thế kỷ XX, thế giới thứ ba bị trì trệ, suy thoái. Điều này cũng đã được Ngân hàng Thế giới khẳng định: ở châu Phi, Mỹ Latinh,... hàng trăm triệu người đã nhận thấy, đi cùng với tăng trưởng là sự suy tàn về kinh tế, phát triển nhường chỗ cho suy thoái; ở một vài nước Mỹ Latinh, GNP theo đầu người hiện nay thấp hơn so với 10 năm trước đây. Trong nhiều nước châu Phi, nó còn thấp hơn cách đây 20 năm"... một thế giới mà trong đó từ 20 năm nay ở châu Phi, từ 9 năm nay ở Mỹ Latinh mức sống không ngừng giảm. Trong khi đó mức sống trong các vùng khác tiếp tục tăng lên tuy có chậm hơn, đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được".

c) Mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa với nhau, chủ yếu là giữa ba trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu của thế giới tư bản, giữa các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia

Mâu thuẫn này có phần dịu đi trong thời kỳ còn tồn tại sự đối đầu giữa hai hệ thống thế giới tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, nay có chiều hướng diễn biến phức tạp sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Một mặt, sự phát triển của xu thế toàn cầu hoá và của cách mạng khoa học và công nghệ khiến các nước đó phải liên kết với nhau. Mặt khác, do tác động của quy luật phát triển không đều và lợi ích cục bộ của giai cấp thống trị ở mỗi nước, các nước đó đã trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau, tranh giành quyền lực và phạm vi ảnh hưởng trên thế giới, nhất là giữa ba trung tâm Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu. Biểu hiện của mâu thuẫn giữa các nước ấy trước hết là cuộc chiến tranh thương mại, chiến tranh về đầu tư kỹ thuật, tài chính cũng như sự cạnh tranh giữa TNCs dưới nhiều hình thức.

d) Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội

Mâu thuẫn này là mâu thuẫn xuyên suốt thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ khiến chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào, nhưng bản chất thời đại không hề thay đổi. Loài người vẫn ở trong giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Do đó, mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại một cách khách quan.

Trong thực tế, mâu thuẫn này biểu hiện trong mưu đồ của thế lực đế quốc lợi dụng sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở một số nước để đẩy mạnh cuộc phản kích quyết liệt bằng mọi thủ đoạn (không loại trừ sự can thiệp bằng quân sự) nhằm xoá bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại.

Nhưng do điều kiện quốc tế có những thay đổi, do giữa một số nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đã thiết lập quan hệ chính thức về mặt nhà nước, có quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh về nhiều mặt cho nên mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản ngày nay biểu hiện chủ yếu bằng "diễn biến hoà bình" và chống "diễn biến hoà bình". Tuy hình thức biểu hiện có khác trước, nhưng đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản vẫn là cuộc đấu tranh rất quyết liệt diễn ra trên phạm vi toàn thế giới.

Chủ nghĩa tư bản ngày nay - với những thành tựu đáng kể của nó, là sự chuẩn bị tốt nhất những điều kiện, tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Nhưng bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội vẫn phải thông qua cuộc cách mạng xã hội. Dĩ nhiên, cuộc cách mạng xã hội sẽ diễn ra bằng phương pháp nào - hoà bình hay bạo lực, điều đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào những hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của từng nước và bối cảnh quốc tế chung trong từng thời điểm, vào sự lựa chọn của các lực lượng cách mạng.

Câu hỏi ôn tập:

1. Trình bày những đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền? Đặc điểm nào giữ vai trò quyết định nhất? Vì sao?

2. Phân tích mối quan hệ giữa độc quyền và cạnh tranh, sự biểu hiện của quy luật giá trị và quy luật giá trị thặng dư trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền?

3. Phân tích nguyên nhân ra đời và bản chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước? Biểu hiện trong giai đoạn hiện nay?

4. Trình bày những biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước và cơ chế điều tiết của nó?

5. Trình bày những biểu hiện mới của chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước?

6. Phân tích thành tựu và giới hạn lịch sử của chủ nghĩa tư bản?

Phần thứ ba

LÝ LUẬN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN

VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Trong chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết kinh tế về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cùng với bộ phận lý luận triết học là những cơ sở lý luận tất yếu và trực tiếp của chủ nghĩa xã hội khoa học, tức học thuyết Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, theo nghĩa rộng chủ nghĩa xã hội khoa học chính là chủ nghĩa Mác-Lênin, còn theo nghĩa hẹp thì nó là một bộ phận lý luận cấu thành chủ nghĩa Mác-Lênin - bộ phận lý luận về chủ nghĩa xã hội, đó là bộ phận nghiên cứu làm sáng tỏ vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; tính tất yếu và nội dung của cách mạng xã hội chủ nghĩa; quá trình hình thành và phát triển của hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa; quy luật và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Chương VII:

SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN

VÀ CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Thời lượng: 8 giờ tín chỉ (6 lý thuyết, 2 thảo luận)

Mục tiêu của người học cần đạt được về kiến thức và kĩ năng:

- Nắm được khái niệm giai cấp công nhân, sứ mệnh lịch sử và những điều kiện khách quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

- Hiểu vai trò của Đảng Cộng sản trong thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

- Nắm khái niệm cách mạng xã hội chủ nghĩa và nguyên nhân của nó

- Phân tích được mục tiêu, nội dung, động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa

- Hiểu được xu thế của sự ra đời hình thái kinh tế cộng sản chủ nghĩa

I. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

1. Giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của nó

a) Khái niệm giai cấp công nhân

- Vị trí phạm trù sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân: Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là phạm trù cơ bản nhất, phạm trù xuất phát của chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong tác phẩm "Vận mệnh của học thuyết Mác", V.I.Lênin đã chỉ rõ: "Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng tỏ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp công nhân là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa". Phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là một trong những cống hiến vĩ đại nhất của chủ nghĩa Mác, nó là cốt lõi hình thành ba bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác.

- Quan niệm của của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin về giai cấp công nhân

C. Mác và Ph. Ăngghen đã dùng rất nhiều thuật ngữ khác nhau để nói về giai cấp công nhân. Đó là các thuật ngữ: giai cấp vô sản, giai cấp vô sản hiện đại, giai cấp công nhân hiện đại, giai cấp công nhân đại công nghiệp, giai cấp những người lao động thế kỷ XIX.

Hai ông còn dùng những thuật ngữ có nội dung hẹp hơn để chỉ các loại công nhân trong các ngành khác nhau, trong các giai đoạn khác nhau của công nghiệp. Tất cả đó chỉ là những cụm từ đồng nghĩa để biểu thị một khái niệm giai cấp công nhân - con đẻ của nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, giai cấp đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến, cho phương thức sản xuất hiện đại.

Theo C. Mác và Ph. Ăngghen khái niệm giai cấp công nhân có hai thuộc tính:

Thuộc tính thứ nhất, xét vị trí của giai cấp công nhân trong phương thức lao động, phương thức sản xuất. Theo thuộc tính này, công nhân là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp ngày càng hiện đại và xã hội hóa cao.

Mác và Ăngghen luôn nhấn mạnh tới người công nhân hiện đại gắn liền với nền công nghiệp hiện đại, coi đó là bộ phận cơ bản nhất của giai cấp công nhân: "Các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản là sản phẩm của nền đại công nghiệp".

Thuộc tính thứ hai, xét vị trí của giai cấp công nhân trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa: Căn cứ vào thuộc tính này, công nhân là những người lao động không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê, bán sức lao động cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư.

C. Mác và Ph. Ăngghen đặc biệt nhấn mạnh thuộc tính thứ hai, vì chính điều đó khiến cho người công nhân trở thành giai cấp đối kháng với giai cấp tư sản. Đồng thời nói lên đặc trưng cơ bản của giai cấp công nhân dưới chế độ tư bản, nên C. Mác và Ph. Ăngghen gọi giai cấp công nhân là giai cấp vô sản. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ rõ: "Giai cấp vô sản là một giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ kiếm sống bằng việc bán lao động của mình, chứ không phải sống bằng lợi nhuận của bất cứ tư bản nào, đó là một giai cấp mà hạnh phúc và đau khổ, sống và chết, toàn bộ sự sống còn của họ đều phụ thuộc vào số cầu về lao động, tức là vào tình hình chuyển biến tốt hay xấu của công việc làm ăn, vào những sự biến động của cạnh tranh không gì ngăn cản nổi. Nói tóm lại, giai cấp vô sản hay giai cấp của những người vô sản là giai cấp lao động trong thế kỉ XIX"1.

- Quan niệm hiện nay về giai cấp công nhân

Căn cứ vào hai thuộc tính (hay hai tiêu chí cơ bản) nói trên, có thể dưa ra khái niệm: "Giai cấp công nhân là một tập đoàn xã hội ổn định, hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của nền công nghiệp hiện đại, với nhịp độ phát triển của lực lượng sản xuất có tính chất xã hội hóa ngày càng cao; là lực lượng sản xuất cơ bản tiên tiến, trực tiếp hoặc tham gia vào quá trình sản xuất, tái sản xuất ra của cải vật chất và cải tạo các quan hệ xã hội, là lực lượng chủ yếu của tiến trình lịch sử, quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. ở các nước tư bản, giai cấp công nhân là những người không có hoặc về cơ bản không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê cho giai cấp tư sản và bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư; ở các nước xã hội chủ nghĩa, họ là người đã cùng nhân dân lao động làm chủ những tư liệu sản xuất chủ yếu và cùng nhau hợp tác lao động vì lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó có lợi ích chính đáng của bản thân họ"1.

Hai tiêu chí hay hai thuộc tính cơ bản của giai cấp công nhân do C. Mác và Ph. Ăngghen nêu trên có ý nghĩa chỉ đạo phương pháp luận trong việc xem xét giai cấp công nhân hiện đại trong thời đại hiện nay:

+ Hiện nay cơ cấu ngành nghề của giai cấp công nhân đã có thay đổi to lớn. Bên cạnh công nhân của nền công nghiệp cơ khí đã xuất hiện công nhân của nền công nghiệp tự động hóa với việc áp dụng phổ biến công nghệ thông tin vào sản xuất.

+ Cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, giai cấp công nhân có xu hướng "trí thức hóa" ngày càng tăng và cũng có một bộ phận trí thức đông đảo gắn liền trực tiếp với lao động công nghiệp, với quy trình sản xuất công nghiệp, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, bổ sung vào hàng ngũ giai cấp công nhân, nằm trong nội hàm khái niệm giai cấp công nhân.

+ Tri thức cao không làm thay đổi bản chất của giai cấp công nhân trong chủ nghĩa tư bản với tính chất là lao động làm thuê cho giai cấp tư sản trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

+ Trong chủ nghĩa xã hội cũng như trong thời kỳ quá độ, giai cấp công nhân trở thành người làm chủ tư liệu sản xuất, họ vẫn là công nhân nhưng không còn là giai cấp vô sản như trong chủ nghĩa tư bản.

+ Trong điều kiện còn tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần, một bộ phận công nhân làm thuê trong các xí nghiệp tư nhân, những người này vừa tham gia làm chủ cùng toàn bộ giai cấp công nhân và nhân dân lao động, vừa là người làm thuê xét về mặt cá nhân. Tuy nhiên, địa vị làm thuê của họ không hoàn toàn giống như làm thuê dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, vì có nhà nước bảo hộ quyền lợi của họ.

b) Nội dung và đặc điểm sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Giai cấp công nhân và sản phẩm của nền đại công nghiệp, là lực lượng tiêu biểu cho sự phát triển của phương thức sản xuất tiến bộ. Về khách quan là giai cấp có sứ mệnh lãnh đạo nhân dân lao động đấu tranh xóa bỏ mọi chế độ áp bức bóc lột và xây dựng xã hội mới cộng sản chủ nghĩa. Trong tác phẩm Chống Đuyring, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: "Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra một lực lượng bị buộc phải hoàn thành cuộc cách mạng ấy, nếu không thì sẽ bị diệt vong"1 và: "Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới ấy, đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại"2 .

V.I.Lênin cũng chỉ ra rằng: "Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng tỏ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản, là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa"3.

Theo quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen, việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân cần trải qua hai bước:

Thứ nhất, giai cấp vô sản phải chiếm lấy chính quyền nhà nước và biến tư liệu sản xuất thành sở hữu nhà nước.

Thứ hai, xóa bỏ mọi sự phân biệt về giai cấp và đối kháng giai cấp.

Hai bước trên có quan hệ chặt chẽ với nhau. Bước thứ nhất là cơ sở để thực hiện bước thứ hai trong việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử đó, giai cấp công nhân tất yếu phải tập hợp được các tầng lớp nhân dân lao động để tiến hành đấu tranh cách mạng xã hội. Đây là một quá trình lịch sử hết sức lâu dài, gian khổ và khó khăn.

2. Điều kiện khách quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

a) Địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân trong xã hội tư bản chủ nghĩa

Học thuyết Mác - Lênin về sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân là luận chứng khoa học về địa vị kinh tế - xã hội và vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, về những mục tiêu và con đường để giải phóng giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Luận thuyết đó đã được C. Mác và Ph. Ănghen trình bày sâu sắc trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản trên những quan điểm cơ bản như sau:

- Do địa vị kinh tế - xã hội khách quan, giai cấp công nhân là giai cấp gắn liền với lực lượng sản xuất tiên tiến nhất dưới chủ nghĩa tư bản. Vì vậy nó là lực lượng quyết định phá vỡ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Và sau khi giành được chính quyền, nó đại biểu cho sự tiến hóa tất yếu của lịch sử, là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo xã hội xây dựng một phương thức sản xuất mới cao hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

- Giai cấp công nhân là con đẻ của nền sản xuất công nghiệp hiện đại, được nền sản xuất công nghiệp hiện đại rèn luyện, đoàn kết và tổ chức lại thành một lực lượng xã hội hùng mạnh. Do bị giai cấp tư sản áp bức, bóc lột nặng nề, nên họ là giai cấp trực tiếp đối kháng với giai cấp tư sản, là giai cấp cách mạng triệt để nhất chống lại chế độ áp bức bóc lột tư bản chủ nghĩa. Tính chất triệt để biểu hiện ở chỗ những cuộc đấu tranh diễn ra ngay từ khi chủ nghĩa tư bản mới ra đời, không chỉ nhằm thủ tiêu giai cấp tư sản, chế độ tư bản mà còn nhằm xây dựng một chế độ mới tốt đẹp hơn và đi đến thủ tiêu cả giai cấp mình.

b) Đặc điểm chính trị - xã hội của giai cấp công nhân

Do địa vị kinh tế - xã hội khách quan, không chỉ khiến cho giai cấp công nhân trở thành giai cấp cách mạng triệt để nhất mà còn tạo cho họ khả năng thực hiện sứ mệnh lịch sử đó:

+ Giai cấp tiên tiến nhất trong thời đại ngày nay.

+ Giai cấp tiên phong cách mạng và có tinh thần cách mạng triệt để nhất.

+ Giai cấp có ý thức tổ chức kỉ luật cao.

+ Giai cấp có bản chất quốc tế.

- Lịch sử thế giới đã chứng minh những kết luận của các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là đúng đắn. Tuy nhiên, ngày nay kẻ thù của chủ nghĩa xã hội và một số người cơ hội, xét lại đang phủ nhận học thuyết Mác-Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Họ cho rằng thời đại ngày nay là thời đại của nền văn minh "hậu công nghiệp" - "văn minh trí tuệ" của "kinh tế tri thức", do đó, trí thức mới là lực lượng tiên phong, có vai trò lãnh đạo cách mạng.

Trong lịchsử phát triển không ai phủ nhận vai trò của trí thức. Trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, vai trò trí thức ngày càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Song trí thức không thể đóng vai trò lãnh đạo thay thế giai cấp công nhân, vì:

Một là, trong xã hội, trí thức là các tầng lớp đặc biệt và không thuần nhất, chưa bao giờ và không bao giờ là một giai cấp đóng vai trò đại diện cho một phương thức sản xuất độc lập với một hệ tư tưởng độc lập.

Hai là, không có lợi ích đối kháng trực tiếp với giai cấp tư sản. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, trí thức cũng là một tầng lớp làm thuê đặc biệt, được giai cấp tư sản đào tạo, sử dụng và có một bộ phận được chế độ tư bản ưu đãi. Do đó nó không có tinh thần cách mạng triệt để như giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản.

Ba là, trí thức bao giờ cũng là trí thức của một giai cấp nhất định và thường là của giai cấp thống trị xã hội.

3. Vai trò của Đảng Cộng sản trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

a) Tính tất yếu và quy luật hình thành, phát triển chính đảng của giai cấp công nhân

- Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân xuất hiện một cách khách quan, để biến khả năng khách quan đó thành hiện thực phải thông qua những nhân tố chủ quan. Đảng cộng sản là chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân, trung thành với lợi ích, với sự nghiệp của giai cấp công nhân là nhân tố chủ quan có ý nghĩa quyết định nhất đảm bảo cho giai cấp công nhân có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

- Yếu tố quyết định bảo đảm cho giai cấp công nhân có bước phát triển nhảy vọt về chất, từ tự phát sang tự giác (tức là ý thức được vai trò lịch sử của mình) là sự xâm nhập của chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân. Sự xâm nhập của chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân tất yếu dẫn đến sự hình thành chính đảng của giai cấp công nhân. V.I. Lênin đã chỉ ra rằng, Đảng cộng sản là sự kết hợp phong trào công nhân với chủ nghĩa xã hội khoa học. Nhưng trong mỗi nước, sự kết hợp ấy là sản phẩm của lịch sử lại được thực hiện bằng những con đường đặc biệt, tùy theo điều kiện không gian và thời gian.

Ở nhiều nước thuộc địa, nửa thuộc địa, trong đó có Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin thường kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước thành lập ra Đảng cộng sản. Do đó, có thể khẳng định Đảng cộng sản Việt Nam ra đời vào đầu năm 1930 là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với giai cấp công nhân và phong trào yêu nước.

- Chỉ có Đảng cộng sản lãnh đạo, giai cấp công nhân mới chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu trang tự giác trong mọi hoạt động với tư cách là một giai cấp tự giác và thực sự cách mạng.

b) Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản với giai cấp công nhân

- Đảng lãnh đạo hay giai cấp lãnh đạo? Không có giai cấp nào đứng ra trực tiếp lãnh đạo xã hội mà phải lãnh đạo thông qua chính đảng của giai cấp mình, vì Đảng chính trị đó là tổ chức cao nhất, đại biểu tập trung cho trí tuệ và lợi ích của toàn thể giai cấp. Trong xã hội có giai cấp chính đảng nào cũng mang tính giai cấp, cũng tiêu biểu cho hệ tư tưởng của một giai cấp nhất định.

- Đối với giai cấp công nhân, đó là Đảng cộng sản, giai cấp công nhân là cơ sở xã hội - giai cấp của Đảng, là nguồn bổ sung lực lượng của Đảng. Đảng là đội tiên phong chiến đấu, là bộ tham mưu của giai cấp công nhân, là biểu hiện tập trung của lợi ích, nguyện vọng phẩm chất, tổ chức của giai cấp công nhân và của dân tộc.

- Giữa Đảng và giai cấp công nhân có mối liên hệ khăng khít, hữu cơ, không thể tách rời. Nói lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo của giai cấp, Đảng thống nhất với giai cấp. Nhưng Đảng giữ vai trò tiên phong trong chính trị cũng như trong lý luận và trong hành động, có nhiệm vụ đề ra mục tiêu, phương hướng, đường lối đúng đắn phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của đất nước, của thời đại và phấn đấu hy sinh cho mục tiêu đó. Đồng thời Đảng có vai trò tổ chức, giáo dục, lãnh đạo giai cấp, toàn thể dân tộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và xây dựng xã hội mới.

- Để hoàn thành sứ mệnh của mình, giai cấp công nhân cũng như mỗi người công nhân cần thường xuyên phấn đấu vươn lên, trưởng thành về mọi mặt: tư tưởng, chính trị, lập trường giai cấp, văn hóa khoa học - kỹ thuật, tay nghề. Các tổ chức của công nhân như nghiệp đoàn, công đoàn thường xuyên phát triển vững mạnh cùng với quá trình phát triển không ngừng của nền sản xuất công nghiệp hiện đại.

II. Cách mạng xã hội chủ nghĩa

1. Cách mạng xã hội chủ nghĩa và nguyên nhân của nó

a) Khái niệm cách mạng xã hội chủ nghĩa

Theo nghĩa hẹp: Cách mạng xã hội chủ nghĩa được hiểu là một cuộc cách mạng chính trị được kết thúc bằng việc giai cấp công nhân cùng với nhân dân lao động giành được chính quyền, thiết lập nên nhà nước chuyên chính vô sản - nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, được xem như dấu hiệu kết thúc cuộc cách mạng.

Theo nghĩa rộng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một quá trình cải biến một cách toàn diện và triệt để trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng... để xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Như vậy theo nghĩa rộng, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa bao gồm cả việc giành chính quyền, thiết lập chính quyền mới làm phương tiện chủ yếu để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Đây là một quá trình lâu dài, quá trình này chỉ kết thúc khi chủ nghĩa xã hội được xây dựng xong và phát triển trên cơ sở của chính nó.

b) Nguyên nhân của cách mạng xã hội chủ nghĩa

+ Nguyên nhân sâu xa của những cuộc cách mạng xã hội đã diễn ra trong lịch sử là do sự phát triển của lực lượng sản xuất. Theo quy luật chung của sự phát triển xã hội, khi lực lượng sản xuất không ngừng phát triển mâu thuẫn với quan hệ sản xuất đã lỗi thời, kìm hãm nó, tất yếu sẽ phải thay thế quan hệ sản xuất đã lỗi thời đó bằng một quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn.

+ Cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng có nguồn gốc sâu xa phát sinh từ nhu cầu giải quyết mâu thuẫn cơ bản trong xã hội tư bản, đó là giải phóng lực lượng sản xuất đã mang tính chất xã hội hóa cao ra khỏi sự kìm hãm của quan hệ sản xuất dựa trên chế độ tư hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất.

Theo quy luật này trong thời đại ngày nay, sự phù hợp thật sự với tính xã hội hóa ở trình độ cao của lực lượng sản xuất chỉ có thể là sự thay thế quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa bằng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, thông qua cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa muốn nổ ra phải có những điều kiện khách quan và chủ quan.

2. Mục tiêu, nội dung và động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa

a) Mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa

- Mục tiêu chung. Khác với tất cả các cuộc cách mạng trước đó, kể cả cách mạng Dân chủ tư sản, giải phóng con người, giải phóng xã hội là mục tiêu chung của giai cấp công nhân, của chủ nghĩa xã hội, cho nên có thể nói chủ nghĩa xã hội, cách mạng xã hội chủ nghĩa mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc.

Chủ nghĩa nhân đạo đó đặt vấn đề giải phóng con người không chỉ dừng lại ở nhận thức, ở khẩu hiệu mà từng bước thực hiện giải phóng con người trên thực tế, "biến con người từ vương quốc tất yếu sang vương quốc tự do", tạo nên một thế liên hiệp "trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện tự do của tất cả mọi người". Tóm lại là cải tạo toàn diện triệt để xã hội tư bản chủ nghĩa thành xã hội cộng sản chủ nghĩa, trong đó con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, và có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.

- Mục tiêu giai đoạn thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa là đoàn kết với nhân dân lao động giành lấy chính quyền về tay giai cấp công nhân.

- Mục tiêu giai đoạn hai của cách mạng xã hội chủ nghĩa là "Xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ".

b) Động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa

Theo quan niệm của C. Mác và Ph. Ăngghen, tất cả các phong trào cách mạng trong lịch sử từ trước đến nay đều do thiểu số thực hiện và mưu cầu lợi ích cho thiểu số nhưng: "Phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số mưu lợi ích cho khối đại đa số"1. Với mục đích giải phong giai cấp công nhân, nhân dân lao động ra khỏi tình trạng áp bức bóc lột, do vậy cách mạng xã hội chủ nghĩa thu hút được sự tham gia của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác: giai cấp nông dân, trí thức Sau đây là vai trò của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa:

- Giai cấp công nhân: Là giai cấp tiêu biểu cho phương thức sản xuất mới, lại có hệ tư tưởng tiên tiến và lý luận khoa học - cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời đại biểu cho lợi ích cơ bản của tất cả những người lao động, giai cấp công nhân trở thành động lực cơ bản, chủ yếu, là lực lượng lãnh đạo của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, phát huy vai trò động lực và vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân là yếu tố quyết định hàng đầu đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

- Giai cấp nông dân: Là giai cấp có nhiều lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của giai cấp công nhân, do vậy, họ trở thành động lực cách mạng to lớn. Sự tham gia của nông dân vào tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa quan trọng đối với sự hiện thực hóa vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và là một đảm bảo cho sự thắng lợi của cách.

c) Nội dung của cách mạng xã hội chủ nghĩa

Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một quá trình cải biến cách mạng triệt để lâu dài và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế và tư tưởng, văn hóa.

- Trên lĩnh vực chính trị:

+ Nội dung chính trị căn bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa là đưa quần chúng nhân dân lao động từ địa vị nô lệ, làm thuê, bị áp bức, bóc lột trở thành người làm chủ nhà nước và xã hội, để từ đó họ hoạt động như một chủ thể sáng tạo, tự giác xây dựng xã hội mới.

+ Muốn vậy, giai cấp công nhân cần phải không ngừng nâng cao trình độ trí thức về mọi mặt cho quần chúng nhân dân lao động, thực hiện dân chủ hóa đời sống chính trị, mở rộng hơn nữa quyền làm chủ của người lao động, đưa xã hội đến một trạng thái mới, nhân dân lao động tham gia ngày càng đông đảo vào cuộc đấu tranh nhằm cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.

- Trên lĩnh vực kinh tế:

+ Những cuộc cách mạng trước đây về thực chất chỉ là cuộc cách mạng chính trị, giành chính quyền là mục tiêu cơ bản, đó cũng là dấu hiệu kết thúc của cách mạng. Đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa, việc giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động mới là bước đầu. Nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa là phải phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống nhân dân.

Có thể hiểu rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa thực chất là có tính chất kinh tế: "Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào tay nhà nước để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất"1.

Nội dung kinh tế của cách mạng xã hội chủ nghĩa thể hiện:

+ Trước hết, phải thay đổi vị trí, vai trò người lao động đối với tư liệu sản xuất, thay đổi chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa bằng chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa dưới những hình thức thích hợp; thực hiện những biện pháp cần thiết gắn người lao động với tư liệu sản xuất.

+ Trên cơ sở năng suất lao động ngày càng tăng, từng bước cải thiện đời sống nhân dân lao động, nâng cao chất lượng sức khỏe, năng lực của người lao động. Từ đó, phát huy tính tích cực xã hội, khả năng sáng tạo của con người lao động để ngày càng nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác làm cho nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản.

+ Chủ nghĩa xã hội có điều kiện đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội.

+ Chủ nghĩa xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, do đó năng suất lao động, hiệu suất công tác là thước đo đánh giá sự đóng góp của mỗi người, là biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước, ý thức giai cấp, ý thức dân tộc của mỗi người ở trong xã hội.

- Trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa:

+ Đối với chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã là những người làm chủ những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội, do vậy, họ cũng là những người sáng tạo ra những giá trị tinh thần của xã hội.

+ Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến của thời đại, cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực văn hóa thực hiện việc giải phóng những người lao động về mặt tinh thần thông qua việc xây dựng từng bước thế giới quan và nhân sinh quan mới - cộng sản chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới và các thế hệ con người mới xã hội chủ nghĩa.

3. Liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa

a) Tính tất yếu và cơ sở khách quan của liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân

- Quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen: trên cơ sở tổng kết thực tiễn phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở châu Âu, nhất là các nước Anh, Pháp cuối thế kỉ XIX, hai ông đã khái quát thành một hệ thống lí luận khoa học về cách mạng vô sản. Các ông đã chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu của thất bại trong các cuộc đấu tranh là do giai cấp công nhân không tổ chức liên minh được với "người bạn đồng minh của mình" là giai cấp nông dân. Vì vậy, trong cuộc đấu tranh này, giai cấp công nhân luôn đơn độc và các cuộc cách mạng này đã trở thành "bài ai điếu".

- Quan điểm của V.I. Lênin: Ông đã vận dụng và phát triển tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen trong điều kiện mới. Thành công của Cách mạng Tháng Mười là minh chứng cho thắng lợi của tư tưởng đó. Trong thời kì quá độ, V.I. Lênin cho rằng không chỉ liên minh với công - nông, mà còn liên minh với các giai tầng khác. Người coi liên minh này là:"Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính là duy trì khối liên minh giữa giai cấp vô sản với nông dân để giai cấp vô sản có thể giữ được vai trò lãnh đạo và chính quyền nhà nước"(1). V.I. Lênin đặc biệt coi trọng khối liên minh này trong những nước nông nghiệp mà đại đa số là nông dân. Qua liên minh lực lượng đông đảo nhất trong xã hội là nông dân được công nhân tập hợp vì mục tiêu chung và lợi ích của toàn dân tộc.

- Tính tất yếu của liên minh công - nông trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội được xem xét dưới các góc độ sau:

Thứ nhất, xét về nguyên tắc tập hợp lực lượng của chuyên chính vô sản thì liên minh này đã tập thu hút và tổ chức được lực lượng sản xuất cơ bản, đông đảo và cách mạng nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, xét về nguyên tắc lãnh đạo của chuyên chính vô sản thì giai cấp vô sản là giai cấp duy nhất thông qua đảng của mình để lãnh đạo hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Nhưng vai trò đó chỉ được thực hiện với điều kiện tổ chức tốt liên minh công - nông - trí thức và các giai tầng khác trong xã hội.

Thứ ba, xét về lợi ích cơ bản và mục tiêu của nhà nước xã hội chủ nghĩa là đảm bảo quyền lợi của toàn thể nhân dân, dân tộc mà đại đa số là công - nông và những người lao động khác.

b) Nội dung và nguyên tắc cơ bản của liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân

Nội dung cơ bản của liên minh

- Nội dung chính trị của liên minh

Sau khi giành được chính quyền, giai cấp công nhân và nhân dân lao động cùng nhau tham gia vào chính quyền nhà nước từ cơ sở đến Trung ương nhằm bảo vệ những thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là liên minh trên lập trường chính trị của giai cấp công nhân mà nòng cốt là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác, tạo cơ sở vững chắc cho nhà nước xã hội chủ nghĩa và trong mặt trận dân tộc thống nhất, thực hiện khối liên minh rộng rãi với các tầng lớp lao động khác.

- Nội dung kinh tế của liên minh

Đây là nội dung cơ bản có ý nghĩa quyết định nhất, là cơ sở vật chất - kĩ thuật vững chắc của liên minh trong thời kì quá độ. Cần giải quyết đúng đắn quan hệ lợi ích kinh tế trong khối liên minh được thể hiện qua thị trường và các hoạt động sản xuất, kinh doanh để lợi ích kinh tế trở thành động lực nội tại thúc đẩy các chủ thể kinh tế trong hoạt động sản xuất vật chất. Nhằm xây dựng một nền sản xuất công nghiệp hiện đại, từng bước đưa nông dân đi theo con đường xã hội chủ nghĩa bằng con đường hợp tác xã với những bước đi phù hợp. Khối liên minh công - nông - trí thức là nòng cốt, tạo thành sức mạnh to lớn trong xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa. V.I. Lênin nhấn mạnh: "Trước sự liên minh của các đại biểu khoa học, giai cấp vô sản và giới kĩ thuật, không một thế lực đen tối nào đứng vững được"1.

- Nội dung văn hoá - xã hội của liên minh

+ Nâng cao dân trí, đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất lao động, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động.

+ Xây dựng một xã hội nhân văn, nhân đạo, coi con người là vốn quí của xã hội. Giữa dân tộc này với dân tộc khác là quan hệ hữu nghị, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

+ Tạo điều kiện cho nhân dân lao động, tham gia quản lí kinh tế - xã hội, quản lí nhà nước. Vì vậy, nhân dân phải có trình độ văn hóa, hiểu biếu chính sách xã hội nhất định về nhà nước và chế độ xã hội.

Nguyên tắc cơ bản của liên minh:

- Đảm bảo vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua Đảng Cộng sản

- Phải kết hợp đúng đắn và hài hoà giữa các lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế, đặc biệt chú ý giai cấp nông dân vì họ chiếm đa số. Đối với giai cấp nông dân, họ thường kiểm nghiệm những lợi ích thiết thân hàng ngày. Nếu không được đáp ứng kịp thời, công bằng, họ dễ mất lòng tin. Theo V.I.Lênin: "Họ sẽ đi theo những mạch kinh tế ngầm với tư thương, tư sản, kết quả là chúng ta sẽ mất một cơ sở kinh tế"1.

- Đảm bảo nguyên tắc tự nguyện trong liên minh.

III. Hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa

1. Xu thế tất yếu của sự ra đời hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa

Trong nhiều tác phẩm của mình, đặc biệt là trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và Chống Đuyring, C. Mác và Ph. Ăngghen đã khẳng định sự ra đời của chủ nghĩa tư bản là một giai đoạn tất yếu của nhân loại: "Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỉ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại"2. Tuy vậy, trong quá trình phát triển, lực lượng sản xuất đạt đến trình độ xã hội hóa ngày càng cao làm mâu thuẫn với quan hệ sản xuất mang tính chất tư nhân tư bản chủ nghĩa càng thêm sâu sắc, dẫn đến cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân và tư sản ngày càng trở nên căng thẳng. Qua thực tiễn đấu tranh khiến cho giai cấp công nhân nhận thức được rằng muốn thắng lợi phải tiếp thu chủ nghĩa xã hội khoa học, thiết lập chính đảng của mình. Đảng Cộng sản ra đời hướng vào mục đích lật đổ nhà nước của giai cấp tư sản, xác lập nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Sự xuất hiện của hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa có các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, đó là tính gay gắt của mâu thuẫn trên lĩnh vực kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Mâu thuẫn này xuất phát từ trình độ xã hội hóa ngày càng cao của những lực lượng sản xuất, đặc biệt là nền công nghiệp hiện đại.

Thứ hai, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Hai giai cấp này mâu thuẫn với nhau ngày càng rõ rệt, trở nên không thể điều hòa.

Thứ ba, để đạt mục đích cao nhất là tăng thêm lợi nhuận, giai cấp tư sản phải thường xuyên cách mạng hóa công cụ sản xuất, bằng cách sử dụng những phát minh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Chính điều đó làm gay gắt thêm mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng mang tính chất xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ ngiã về tư liệu sản xuất.

Với thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua Đảng tiên phong của nó, cũng có nghĩa khi đó bắt đầu của một thời đại mới, với sự xuất hiện một hình thái kinh tế - xã hội mới "lọt lòng" từ chủ nghĩa tư bản.

2. Các giai đoạn phát triển của hình thái kinh tế- xã hội cộng sản chủ nghĩa

a) Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

- Tính tất yếu của thời kì quá độ được luận giải từ các căn cứ sau đây:

Một là, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội khác nhau về bản chất mà trước hết là về chế độ sở hữu tư liệu sản xuất. Vì vậy, cần có một thời kì cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.

Hai là, chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên một nền sản xuất đại công nghiệp có trình độ cao mà quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra cơ sở vật chất - kĩ thuật nhất định cho chủ nghĩa xã hội. Cơ sở đó muốn phục vụ cho chủ nghĩa xã hội cần có thời gian sắp xếp, tổ chức lại.

Ba là, các quan hệ xã hội chủ nghĩa không nảy sinh trong xã hội tư bản mà là kết quả của xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa, do vậy, cần có một thời gian nhất định.

Bốn là, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp khó khăn, phức tạp và mới mẻ, cần phải có thời gian để giai cấp công nhân và nhân dân lao động từng bước thực hiện.

- Đặc điểm và nội dung kinh tế của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội: là sự đan xen giữa những yếu tố của xã hội cũ và xã hội mới trong mối quan hệ vừa thống nhất, vừa đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Đặc điểm và nội dung kinh tế:

+ Tồn tại một nền kinh tế nhiều thành phần trong một hệ thống kinh tế quốc dân thống nhất.

+ Tồn tại nhiều loại hình sở hữu về tư liệu sản xuất với những hình thức tổ chức kinh tế đa dạng và các hình thức phân phối, trong đó, phân phối theo lao động giữ vai trò chủ đạo.

+ Thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kì bố trí lại lực lượng sản xuất hiện có, cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới nhằm xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm là tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc điểm và nội dung chính trị: Xã hội có nhiều giai tầng: công nhân, nông dân, trí thức, những người sản xuất nhỏ, tầng lớp tư sản. Các giai tầng này vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Trong một giai tầng cũng có nhiều bộ phận có trình độ ý thức về chính trị khác nhau.

Nội dung cơ bản trong lĩnh vực chính trị là tiến hành cuộc đấu tranh chống lại những thế lực thù địch, xây dựng, củng cố nhà nước và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền lực cho nhân dân lao động.

Đặc điểm và nội dung tư tưởng - văn hóa - xã hội: thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội tồn tại nhiều yếu tố tư tưởng và văn hóa khác nhau. Bên cạnh tư tưởng xã hội chủ nghĩa là tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, tâm lý tiểu nông. V.I. Lênin cho rằng, tính tự phát tiểu tư sản là: "kẻ thù giấu mặt hết sức nguy hiểm, nguy hiểm hơn nhiều so với bọn phản cách mạng công khai"1.

Nội dung tư tưởng - văn hóa là thực hiện tuyên truyền, phổ biến tư tưởng khoa học, khắc phục ý thức, tâm lý có ảnh hưởng tiêu cực đối với xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, tiếp thụ các giá trị tinh hoa của các nền văn hóa trên thế giới. Về xã hội, thực hiện việc khắc phục những tệ nạn do xã hội cũ để lại. Từng bước khắc phục sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng miền, các tầng lớp dân cư, thực hiện mục tiêu bình đẳng xã hội, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong xã hội mới.

b) Xã hội xã hội chủ nghĩa: là một xã hội có những đặc trưng cơ bản sau đây:

+ Cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền sản xuất công nghiệp với trình độ hiện đại, tức lực lượng sản xuất của xã hội xã hội chủ nghĩa, khi nó hoàn thiện, phải cao hơn so với chủ nghĩa tư bản.

+ Chủ nghĩa xã hội đã xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội.

Các nhà kinh điển Mác-Lênin đã chỉ rõ, chủ nghĩa xã hội không xóa bỏ chế độ tư hữu nói chung mà là xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chủ yếu. Trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội, về cơ sở kinh tế còn tồn tại nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường. V.I Lênin trong "Chính sách kinh tế mới" (NEP) cũng đã thừa nhận, trong thời kỳ quá độ, nước Nga còn tồn tại nền kinh tế hàng hóa 5 thành phần. Đó là một đặc trưng kinh tế của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, việc xóa bỏ một cách vội vàng những đặc điểm và nội dung kinh tế trên là chủ quan duy ý chí trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ XX của các nước xã hội chủ nghĩa, là trái với quan điểm của V.I.Lênin về nền kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

+ Chủ nghĩa xã hội là chế độ tạo ra được hình thức và phương pháp tổ chức, kỷ luật lao động mới

Chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội mới do những người lao động làm chủ. Trong sự nghiệp kiến thiết chế độ xã hội mới, các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học rất quan tâm và coi trọng việc tổ chức lao động và kỹ thuật lao động mới vừa có tính kỷ luật chặt chẽ theo những quy định chung của luật pháp, pháp chế xã hội chủ nghĩa, vừa có tính tự giác, kỷ luật tự cao, khắc phục tư tưởng, tác phong của người sản xuất nhỏ trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, coi đây là nguyên tắc cơ bản nhất, làm cơ sở cho mọi quan hệ phân phối của toàn xã hội

Theo nguyên tắc này, mỗi người lao động sẽ được nhận từ xã hội một số lượng sản phẩm tiêu dùng có giá trị tương đương số lượng chất lượng và hiệu quả lao động của họ đã cung cấp cho xã hội, sau khi đã trừ đi một số khoản đóng góp chung cho xã hội. Nguyên tắc phân phối này là phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong chủ nghĩa xã hội, tức giai đoạn của của cải làm ra chưa đạt tới mức thật dồi dào như trong chủ nghĩa cộng sản. Đồng thời nguyên tắc này thể hiện sự công bằng dưới chủ nghĩa xã hội.

+ Nhà nước xã hội chủ nghĩa "của dân, do dân, vì dân" và hệ thống chính trị mang bản chất - giai cấp công nhân, tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc

Nhà nước xã hội chủ nghĩa (hay nhà nước chuyên chính vô sản) là nhà nước kiểu mới - nhà nước được xác lập do thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Thực chất của nhà nước đó là sự lãnh đạo của chính Đảng của giai cấp công nhân, được nhân dân tổ chức ra. Thông qua nhà nước mà đảng lãnh đạo toàn xã hội về mọi mặt và nhân dân lao động thực hiện quyền lực và lợi ích của mình trên mọi mặt của xã hội.

+ Con người được giải phóng khỏi chế độ tư hữu - áp bức - bóc lột, bình đẳng trước pháp luật và có những điều kiện cho mọi người phát triển toàn diện

Giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, thực hiện bình đẳng xã hội, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, đó là mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội. Nhờ xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất cơ bản, cho phép chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thực hiện được việc loại bỏ những tai họa lớn nhất của loài người là tình trạng người bóc lột người, tình trạng nô dịch và áp bức dân tộc; thực hiện được sự công bằng, bình đẳng xã hội, trước hết là bình đẳng về địa vị xã hội của con người, gắn liền với nó, là bình đẳng nam - nữ, bình đẳng giữa các dân tộc và đoàn kết toàn dân tộc.

Trên cơ sở toàn bộ những cải biến xã hội lịch sử nói trên, chủ nghĩa xã hội tạo ra những điều kiện để từng bước tiến tới giải phóng triệt để con người và phát triển con người một cách toàn diện.

c) Giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa

Trên cơ sở nghiên cứu quá trình phát triển của lực lượng sản xuất của xã hội loài người, C. Mác đã dự báo về sự xuất hiện của hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa, giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản:

Về kinh tế, lực lượng sản xuất phát triển vô cùng mạnh mẽ, của cải xã hội dồi dào, khoa học kĩ thuật phát triển, lao động của con người được giảm nhẹ.

Về xã hội, con người có điều kiện phát triển năng lực của mình, không còn sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn, giai cấp và nhà nước tự tiêu vong. Theo V.I. Lênin: "Chúng ta chỉ có quyền nói rằng nhà nước tất nhiên sẽ tiêu vong, đồng thời nhấn mạnh vào tính chất lâu dài của quá trình ấy, sự phụ thuộc của quá trình ấy vào tốc độ phát triển của giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản"1.

Qua phân tích của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin về giai đoạn cao của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, cho thấy:

Một là, chỉ có thể đạt đến giai đoạn cao khi xã hội đã đủ điều kiện tiền đề phù hợp.

Hai là, sự xuất hiện giai đoạn cao là một quá trình lâu dài thông qua sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, của xã hội giáo dục và tinh thần tự giác của con người.

Ba là, sự xuất hiện của giai đoạn cao tùy thuộc vào điều kiện của mỗi nước diễn ra bằng sự nỗ lực phấn đấu về mọi phương diện.

Tiến trình phát triển của lịch sử là con đường trải qua những bước thăng trầm, thậm chí những bước thụt lùi, khủng hoảng tạm thời trên con đường phát triển đó. Đây chính là quy luật khách quan của xã hội, chịu sự tác động của nhiều nhân tố chủ quan trong những điều kiện xác định, tạo nên tính phong phú, đa dạng của tiến trình lịch sử.

Câu hỏi ôn tập:

1. Phân tích những điều kiện khách quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân?

2. Vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay?

3. Phân tích mục tiêu, nội dung, động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa?

4. Nguyên tắc và nội dung cơ bản của liên minh công - nông trong cách mạng xã hội chủ nghĩa?

5. Tại sao nói trong liên minh công - nông và trí thức cần quan tâm đặc biệt lợi ích của nông dân?

6. Phân tích những đặc điểm và nội dung kinh tế - chính trị của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội?

Chương VIII:

NHỮNG VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CÓ TÍNH QUY LUẬT

TRONG TIẾN TRÌNH CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Thời lượng: 8 giờ tín chỉ (4 lý thuyết, 2 thảo luận, 2 tự học)

Mục tiêu của người học cần đạt được về kiến thức và kĩ năng:

- Nắm vững quan niệm dân chủ, nền dân chủ, đặc trưng cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

- Hiểu được đặc trưng chức năng, nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa

- Nêu được khái niệm văn hóa, nền văn hóa và nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

- Hiểu được nội dung, phương thức xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

- Nắm được khái niệm dân tộc và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong giải quyết vấn đề dân tộc

- Phân tích được nguyên nhân tồn tại của tôn giáo trong xã hội chủ nghĩa

- Phân tích được đường lối, chính sách giải quyết vấn đề dân tộc và tôn giáo hiện nay của Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa

I. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa

1 . Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

a) Quan niệm dân chủ và nền dân chủ

- Cuối thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ đã tồn tại một hình thức đầu tiên của dân chủ mà Ph. Ăngghen gọi là "dân chủ quân sự", " dân chủ nguyên thuỷ". Trong các kỳ "Đại hội nhân dân", mọi người đều được tự do phát biểu và biểu quyết những vấn đề quan trọng của thị tộc, bầu ra những thủ lĩnh của mình. Trong quan hệ dân chủ nguyên thuỷ đó, quyền lực của nhân dân được coi là thiêng liêng bất khả xâm phạm, quyền lực mà mọi người đều thực hiện một cách tự nguyện và tự nhiên trong tư tưởng, tình cảm và hành động của mình.

- Chế độ nguyên thuỷ: vào thời kì này, cộng đồng thị tộc đã biết tổ chức sinh hoạt dân chủ đơn sơ. Họ bầu ra những chức vụ quan trọng của thị tộc, có quyền phát biểu ý kiến quyết định những vấn đề lớn của cộng đồng bằng cách giơ tay hoặc hoan hô khi họ đồng ý. Trong xã hội nguyên thuỷ, việc "cử ra và phế bỏ người đứng đầu" là do quyền lực của dân.

- Dân chủ với tư cách là chế độ nhà nước lần đầu tiên xuất hiện trong chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp, La Mã cổ đại - quyền lực thuộc về giai cấp chủ nô và một bộ phận dân cư (trừ giai cấp nô lệ).

- Vào thế kỉ XVII, chủ nghĩa tư bản lần lượt ra đời ở một số nước châu Âu. Giai cấp tư sản thiết lập nền dân chủ tư sản. Những đại biểu xuất sắc như Lốc cơ (1632 - 1704), Môngtexkiơ (1689 - 1755), Rút xô (1712 - 1778), đã đặt nền móng cho việc hình thành nhà nước pháp quyền và chế độ dân chủ tư sản. Các nhà tư tưởng tư sản đã đưa ra tư tưởng "tam quyền phân lập" để chế ước và kiểm soát lẫn nhau về quyền lực. C.Mác đã đánh giá cao tư tưởng dân chủ tư sản. Ông coi đây là một tiến bộ lớn mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.

- Khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn độc quyền thì tính chất tiến bộ và cách mạng của giai cấp tư sản mất dần, thay vào đó là tư tưởng bảo thủ và phản động. V.I.Lênin cho rằng: dân chủ tư sản trong thời kì độc quyền là thứ dân chủ phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Dân chủ tư sản là thiên đường của giai cấp tư sản, nhưng chỉ là miếng mồi giả tạo đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

b) Quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

Dân chủ là một phạm trù lịch sử phụ thuộc vào trình độ kinh tế - xã hội và sự xuất hiện của hệ thống pháp luật mà nhân dân tự giác thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình.

- Chủ nghĩa Mác - Lênin kế thừa những nhân tố hợp lí trong hoạt động thực tiễn và nhận thức của nhân dân về dân chủ, đặc biệt là ý kiến cho rằng: dân chủ là nhu cầu khách quan, là quyền lực của nhân dân.

- Khi xã hội phân chia giai cấp và xuất hiện nhà nước, chế độ dân chủ thể hiện chủ yếu qua nhà nước, khi đó không có dân chủ thuần tuý, phi giai cấp. Trái lại, mỗi chế độ dân chủ gắn với nhà nước đều mang bản chất giai cấp thống trị xã hội.

Từ khi có nhà nước thì dân chủ còn với ý nghĩa là một chế độ chính trị. Trong đó, có các quyền bầu cử và bãi miễn các thành viên của nhà nước. Việc quản lí xã hội được thực hiện bằng pháp luật và thừa nhận ở nhà nước đó "quyền lực thuộc về nhân dân". Quan niệm Nhân dân là ai phụ thuộc vào bản chất giai cấp thống trị xã hội qui định, gắn liền với một hệ thống chuyên chính của giai cấp thống trị.

Một chế độ dân chủ và một nhà nước tương ứng đều do một giai cấp thống trị cầm quyền chi phối mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, tính giai cấp gắn liền và chi phối tính dân tộc, chi phối tính chất của chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi quốc gia - dân tộc cụ thể.

c) Những đặc trưng cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

Một là, với tư cách là một chế độ nhà nước do nhân dân lao động sáng tạo ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dân chủ xã hội chủ nghĩa đảm bảo mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Nhà nước là một thiết chế chủ yếu để thực thi dân chủ. Đây là đặc trưng bản chất chính trị của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, đặc trưng kinh tế của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với cơ sở kinh tế là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu nhằm thỏa mãn không ngừng về nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân lao động.

Ba là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là sự kết hợp hài hòa lợi ích của toàn xã hội do nhà nước của giai cấp công nhân đại diện nhằm động viên thu hút mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới.

Bốn là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cần có những điều kiện tồn tại với tư cách là nền dân chủ rộng rãi nhất trong lịch sử mang bản chất giai cấp công nhân, thực hiện trấn áp với thiểu số giai cấp bóc lột và phản động. Trong nền dân chủ đó, chuyên chính và dân chủ là hai mặt có qui định tác động lẫn nhau.

d) Tính tất yếu của xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin thì xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một quá trình. Dân chủ được mở rộng nhằm phát huy tính tích cực sáng tạo của nhân dân tham gia vào quản lí nhà nước: "Với việc phát triển chế độ dân chủ một cách đầy đủ, nghĩa là với việc làm cho toàn thể quần chúng nhân dân tham gia thực sự bình đẳng và thực sự rộng rãi vào mọi công việc quản lý nhà nước"1.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình vận động và thực hành dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm đưa những chuẩn mực, nguyên tắc của dân chủ vào thực tiễn. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng là một cuộc cách mạng chuyển giao quyền lực thực sự cho nhân dân. Nhân tố quan trọng trong quá trình thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhằm chống lại những biểu hiện dân chủ cực đoan vô chính phủ, ngăn ngừa mọi hành vi coi thường kỉ cương pháp luật.

2. Xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa

a) Khái niệm nhà nước xã hội chủ nghĩa

C. Mác cho rằng "Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác"2 là bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác, là cơ quan quyền lực của một giai cấp đồi với toàn xã hội.

V.I. Lênin cho rằng "Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được thì nhà nước xuất hiện."1

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng dựa trên cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, là một trong những tổ chức chính trị cơ bản nhất của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, là công cụ quản lí mà đảng cộng sản và nhân dân tổ chức ra để thực hiện quyền lực, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

b) Đặc trưng và chức năng, nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa

Nhà nước xã hội chủ nghĩa mang bản chất giai cấp công nhân, là giai cấp gắn bó và đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động và cả dân tộc. Do vậy, nhà nước xã hội chủ nghĩa vừa có bản chất giai cấp công nhân, vừa có tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc. Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng đều có điểm chung là: chính quyền của đa số nhân dân lao động do Đảng cộng sản lãnh đạo.

Chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa

Nhà nước xã hội chủ nghĩa có hai chức năng cơ bản: Chức năng trấn áp và chức năng tổ chức, xây dựng

Cũng như mọi hình thức nhà nước khác đã có trong lịch sử loài người, nhà nước xã hội chủ nghĩa không chỉ có chức năng trấn áp mà chủ yếu là tổ chức một phương thức sản xuất mới, một xã hội mới cao hơn chủ nghĩa tư bản.

Bạo lực, trấn áp là bản chất vốn có của mọi nhà nước, nhưng đối với nhà nước xã hội chủ nghĩa chức năng tổ chức và xây dựng xã hội mới là chức năng căn bản. Đặt mối tương quan với chức năng tổ chức xây dựng theo V.I. Lênin thì chức năng trấn áp chỉ là việc "quét sạch các đống rác rưởi trước khi xây dựng".

Nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước xã hội chủ nghĩa

Nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa đã được C. Mác và Ph. Ăngghen nêu ra ngay từ năm 1847. Sau khi thiết lập chuyên chính vô sản ở Nga năm 1917, V.I. Lênin đã có sự phát triển mới về mặt lý luận liên quan đến tổ chức và xây dựng xã hội mới. Ông coi việc tích cực xây dựng chủ nghĩa cộng sản, thiết lập những quan hệ kinh tế mới là nhiệm vụ cấp bách nhất. V.I. Lênin cũng coi trọng nhiệm vụ trấn áp nhằm đập tan sự phản kháng của giai cấp tư sản. Ông dành sự chú ý đặc biệt cho nhiệm vụ quản lý xã hội mà thực chất là quản lý kinh tế.

c) Tính tất yếu của việc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa

Sau khi nắm chính quyền, giai cấp công nhân phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước là một công cụ để trấn áp các thế lực đi ngược lại lợi ích của nhân dân nhằm bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội. Tính tất yếu phải xác lập chuyên chính vô sản còn xuất phát từ nhiệm vụ thực tiễn của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội còn tồn tại các giai cấp bóc lột chống lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Để mở rộng dân chủ với mọi tầng lớp nhân dân dấu tranh chống lại mọi hành vi vi phạm dân chủ, đòi hỏi phải có một thiết chế nhà nước phù hợp. Do đó, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa là một quá trình tất yếu khách quan gắn liền với xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa là quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Với ý nghĩa đó, nhà nước xã hội chủ nghĩa là phương thức, phương tiện và công cụ chủ yếu của nhân dân. Bởi vậy, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan trong tiến trình cách mạng.

II. Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

1. Khái niệm nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

a) Khái niệm văn hóa, nền văn hóa và nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra bằng lao động và hoạt động thực tiễn, biểu hiện trình độ phát triển xã hội trong từng thời kì lịch sử nhất định. C. Mác và Ph. Ăngghen đã khái quát thành 2 hoạt động cơ bản của xã hội, đó là sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Do đó, văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

Văn hóa vật chất là năng lực sáng tạo của con người, được thể hiện và kết tinh trong sản phẩm vật chất.

Văn hóa tinh thần là tổng thể tư tưởng lý luận và các giá trị được sáng tạo ra trong đời sống tinh thần của con người. Nói tới văn hóa là nói tới con người trong việc phát huy năng lực thuộc bản chất của con người nhằm hoàn thiện xã hội, do đó, văn hóa có mặt trong mọi hoạt động của con người.

Với tư cách là hoạt động tinh thần thuộc về ý thức của con người nên văn hóa chịu tác động và qui định của cơ sở kinh tế, chính trị. Tách rời kinh tế và chính trị sẽ không hiểu được nội dung bản chất của văn hóa. Trong xã hội có giai cấp, văn hóa mang tính giai cấp. Mọi nền văn hóa trong xã hội có giai cấp đều gắn với bản chất giai cấp cầm quyền. Văn hóa luôn có tính kế thừa được biểu hiện qua mỗi thời kì lịch sử trên cơ sở kinh tế - chính trị của nó.

b) Đặc trưng của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

Sự ra đời của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là một tất yếu trong quá trình phát triền của lịch sử: "Văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản, phát minh ra. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số những kiến thức mà loài người đã tích lũy được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu"1.

Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa được xây dựng và phát triển trên nền tảng của giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhằm thỏa mãn không ngừng nhu cầu ngày càng cao về đời sống tinh thần của nhân dân, đưa nhân dân lao động trở thành chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.

Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa có các đặc trưng cơ bản sau đây:

Một là, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân là nội dung cốt lõi giữ vai trò chủ đạo quyết định phương hướng phát triển nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Đây là đặc trưng nói lên tính chất giai cấp của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Hai là, nền văn hóa có tính nhân dân rộng rãi, tính dân tộc sâu sắc, thể hiện mục đích và động lực nội tại của quá trình xây dựng nền văn hóa trong xã hội mới. Văn hóa phục vụ giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, đồng thời họ là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Văn hóa xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kế thừa những di sản của quá khứ, tiếp tục sáng tạo ra những giá trị mới tiên tiến, hiện đại hướng tới nhân dân và dân tộc.

Ba là, nền văn hóa xã hội chủ nghĩa được hình thành và phát triển một cách tự giác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

c) Tính tất yếu của việc xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa xuất phát từ những căn cứ sau đây:

Thứ nhất, xuất phát từ tính triệt để và toàn diện của cách mạng xã hội chủ nghĩa về thay đổi phương thức sản xuất đời sống tinh thần phù hợp với phương thức sản xuất vật chất của xã hội mới.

Thứ hai, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là tất yếu trong quá trình cải tạo tâm lý, ý thức và đời sống tinh thần nhằm giải phóng nhân dân thoát khỏi ảnh hưởng của tư tưởng, ý thức cũ lạc hậu. Về thực chất, đây là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng trong quá trình phát triển xã hội.

Thứ ba, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là quá trình nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân lao động, là điều kiện để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. V.I. Lênin đã chỉ ra ba kẻ thù của chủ nghĩa xã hội là "bệnh kiêu ngạo cộng sản, nạn mù chữ và nạn hối lộ"1.

Thứ tư, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là một yêu cầu khách quan bởi vì văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng xã hội mới. Văn hóa là những tiền đề quan trọng để nâng cao phẩm chất, năng lực học vấn, tạo cơ sở để nâng cao năng suất lao động.

2. Nội dung và phương thức xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

a) Nội dung cơ bản của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa bao gồm những nội dung chính sau đây:

Một là, cần phải nâng cao trình độ dân trí, hình thành đội ngũ trí thức của xã hội mới. Trí tuệ khoa học và cách mạng là yếu tố quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó, nâng cao dân trí, tạo nguồn lao động có chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài vừa là nhu cầu cấp bách vừa là nhu cầu lâu dài của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp này là của quần chúng nhân dân: "Chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần chúng nhân dân" 2.

Hai là, xây dựng con người mới phát triển toàn diện. Đó là con người có tinh thần và năng lực, là người lao động mới, có tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế trong sáng; là con người có lối sống tình nghĩa và tính cộng đồng cao.

Ba là, xây dựng lối sống mới xã hội chủ nghĩa. Đây là đặc trưng có tính nguyên tắc được xây dựng trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, trong đó sở hữu toàn dân giữ vai trò chủ đạo, quyền lực thuộc về nhân dân, hệ tư tưởng khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân đóng vai trò chủ đạo; xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng dân tộc, giới tính, thể hiện công bằng dân chủ trên mọi lĩnh vực.

Bốn là, xây dựng gia đình văn hóa xã hội chủ nghĩa. Gia đình là hình thức cộng đồng đặc biệt gắn bó với nhau bởi hai mối quan hệ cơ bản: hôn nhân và huyết thống: "Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi, nảy nở, đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình"1.

Ngoài hai mối quan hệ cơ bản, gia đình còn có những mối quan hệ khác, đó là cộng đồng kinh tế, văn hóa, giáo dục, là một thiết chế đặc biệt có cách thức vận động riêng. Gia đình là một giá trị văn hóa, xã hội có sự tương tác gắn bó với cộng đồng dân tộc, giai cấp. Những điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau là những nhân tố qui định các hình thức tổ chức gia đình khác nhau. Loài người đã trải qua các hình thức cộng đồng gia đình: gia đình huyết tộc, đối ngẫu, một vợ một chồng.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa là tiền đề quan trọng để xây dựng gia đình văn hóa mới. Do gia đình trong xã hội, đặc biệt là trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội có vai trò không giống nhau đối với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, xây dựng gia đình văn hóa mới là một yêu cầu tất yếu của xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội. Sự hòa thuận, hạnh phúc, ổn định của gia đình sẽ góp phần phát triển ổn định và lành mạnh xã hội và ngược lại, một xã hội phát triển ổn định và lành mạnh sẽ lại tạo điều kiện cho gia đình ấm no, bình đẳng và hạnh phúc. Xây dựng gia đình văn hóa mới là xây dựng gia đình trên cơ sở giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ những tàn tích hôn nhân gia đình lạc hậu của xã hội cũ, đồng thời tiếp thu những giá trị tiến bộ của nhân loại về gia đình.

Xây dựng gia đình văn hóa xã hội chủ nghĩa là một nội dung thể hiện tính ưu việt của xã hội chủ nghĩa. Mối quan hệ trong gia đình là một bộ phận của quan hệ xã hội, là biểu hiện của quan hệ xã hội. Bình đẳng, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình vừa là quan hệ huyết thống, tình cảm, vừa là trách nhiệm xã hội.

b) Phương thức xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

Để thực hiện được những nội dung chủ yếu của xây dựng nền văn hóa mới, cần phải thực hiện các phương thức cơ bản sau đây:

Thứ nhất, giữ vững và tăng cường vai trò chủ đạo của hệ tư tưởng giai cấp công nhân trong đời sống xã hội. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân với tư cách là giai cấp cầm quyền, thông qua đội ngũ các nhà tư tưởng và các thiết chế tư tưởng của mình phải chi phối các quan hệ tư tưởng trong xã hội. Bởi vì: "Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là những tư tưởng của giai cấp thống trị"1.

Thứ hai, không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vai trò quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với hoạt động văn hóa.

Thứ ba, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa phải theo phương thức kết hợp việc kế thừa những giá trị trong di sản văn hóa dân tộc và tiếp thụ có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Thứ tư, tổ chức và lôi cuốn quần chúng nhân dân vào các hoạt động và sáng tạo văn hóa.

III. Giải quyết vấn đề dân tộc và tôn giáo

1.Vấn đề dân tộc và nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết vấn dề dân tộc.

a) Khái niệm dân tộc, hai xu hướng của phong trào dân tộc

Hiện nay, khái niệm dân tộc được hiểu theo nhiều nghĩa. Trong đó có hai nghĩa được dùng phổ biến nhất đó là:

Thứ nhất, dân tộc là một cộng đồng người có mối liên hệ chặt chẽ và bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ riêng và những nét văn hoá đặc thù. Dân tộc xuất hiện sau bộ lạc, bộ tộc có tính kế thừa và phát triển cao hơn những nhân tố tộc người ở bộ lạc, bộ tộc và thể hiện thành ý thức tự giác tộc người của cộng đồng dân cư đó. Với nghĩa này, dân tộc là một bộ phận của quốc gia. ( Chẳng hạn như: dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Êđê, Bana,... ở nước ta)

Thứ hai, dân tộc là một cộng đồng người ổn định hợp thành nhân dân một nước, có lãnh thổ, quốc gia, nền kinh tế thống nhất, quốc ngữ chung, có ý thức về sự thống nhất quốc gia của mình, gắn bó với nhau bởi lợi ích chính trị, kinh tế, truyền thống văn hoá trong lịch sử dựng nước, giữ nước. ( Dân tộc Việt Nam, Trung Hoa, Hoa Kì...)

b) Hai xu hướng khách quan của phong trào dân tộc

Nghiên cứu chủ nghĩa tư bản trong thời kì độc quyền, V.I. Lênin đã phát hiện ra hai xu hướng khách quan của phong trào dân tộc.

Xu hướng thứ nhất: tách ra để phát triển. Xu hướng này gắn liền với giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản do sự thức tỉnh và trưởng thành của ý thức dân tộc. Biểu hiện của xu hướng này là kích thích đời sống và phong trào dân tộc, xoá bỏ chế độ phong kiến cát cứ, thành lập các quốc gia độc lập có chính phủ, hiến pháp, thị trường, phục vụ cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Xu hướng thứ hai: liên kết lại để phát triển. Khi dân tộc ra đời gắn liền với việc mở rộng và tăng cường quan hệ kinh tế, xoá bỏ sự ngăn cách giữa các dân tộc, từ đó hình thành nên một thị trường thế giới, Chủ nghĩa tư bản trở thành một hệ thống. Chính sự phát triển của lực lượng sản xuất, của khoa học - công nghệ đã xuất hiện nhu cầu xoá bỏ sự ngăn cách giữa các dân tộc, thúc đẩy các dân tộc xích lại gần nhau. Xu hướng này nổi bật trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.

Biểu hiện của hai xu hướng này trong thời đại hiện nay

Trong điều kiện chủ nghĩa xã hội, hai xu hướng phát huy tác động cùng chiều, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Sự tự chủ, phồn vinh của mỗi dân tộc sẽ tạo điều kiện vật chất - tinh thần để hợp tác với các dân tộc anh em. Tuy nhiên, sự hoà quyện giữa các dân tộc đã không làm mất sắc thái của từng dân tộc. Ngược lại, nó được bảo lưu, giữ gìn và phát huy tinh hoa, bản sắc của từng dân tộc.

Xét trên phạm vi thế giới, sự tác động của hai xu hướng khách quan này thể hiện ở những điểm sau đây:

Thời đại hiện nay là thời đại mà các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc đã đứng lên xoá bỏ sự nô dịch, áp bức giành quyền tự chủ quyết định vận mệnh dân tộc mình như lựa chọn nền chính trị, con đường phát triển của dân tộc, quyền bình đẳng với dân tộc khác. Đây là mục tiêu vì độc lập dân tộc, thực chất là chống chủ nghĩa đế quốc, chống kì thị dân tộc, phân biệt chủng tộc.

Các dân tộc ngày nay có xu hướng xích lại gần nhau để trở thành một quốc gia thống nhất theo nguyên trạng của lịch sử.

Các dân tộc có sự tương đồng về địa lí, môi trường, một số giá trị văn hoá, muốn tạo thành những liên minh dân tộc trên cơ sở những lợi ích chung, muốn dựa vào nhau để khắc phục những khó khăn trước mắt nhằm phát triển kinh tế và giải quyết một số vấn đề chung như chiến tranh, môi trường, dịch bệnh, nghèo đói,...

Tóm lại, các dân tộc ngoài việc hội nhập còn phải tìm các giải pháp hữu hiệu để giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc mình. Chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam là "Giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại"1.

c) Những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin trong giải quyết vấn đề dân tộc

Dựa trên quan điểm của C. Mác - Ph. Ăngghen về vấn đề dân tộc qua tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Nga, đồng thời phân tích sâu sắc hai xu hướng phát triển của phong trào dân tộc gắn liền với quá trình vận động của chủ nghĩa tư bản, nhất là giai đoạn độc quyền, V.I. Lênin đã khái quát thành Cương lĩnh dân tộc. Trong tác phẩm Về quyền dân tộc tự quyết, Người nêu rõ "Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, các dân tộc được quyền tự quyết, liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại. Đó là Cương lĩnh dân tộc mà chủ nghĩa Mác, kinh nghiệm toàn thế giới, kinh nghiệm của nước Nga dạy cho công nhân"2. Cương lĩnh dân tộc của Đảng Cộng sản bao gồm ba nội dung cơ bản sau đây:

+ Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng

Bình đẳng là quyền thiêng liêng của các dân tộc, là mục tiêu phấn đấu của các dân tộc, đảm bảo cho các dân tộc không phân biệt số đông, số ít, trình độ phát triển cao hay thấp đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Đây là cơ sở để xoá bỏ tình trạng nô dịch, áp bức dân tộc, từng bước khắc phục sự chênh lệch về sự phát triển giữa các dân tộc, xây dựng sự bình đẳng toàn diện giữa các dân tộc về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội được pháp luật thừa nhận và được thực hiện trong cuộc sống.

+ Các dân tộc được quyền tự quyết

Quyền tự quyết thực chất là một nội dung của quyền bình đẳng. Đó là quyền làm chủ của mỗi dân tộc đối với vận mệnh của dân tộc mình.

Quyền tự quyết có tính chất hai mặt. Một mặt, là quyền tự do phân lập về chính trị, có nghĩa là sự phân lập của các dân tộc với tư cách là một quốc gia độc lập. Mặt khác, quyền dân tộc tự quyết còn là quyền tự nguyện liên bang với các dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.

Khi xem xét quyền tự quyết của dân tộc, cần đứng trên lập trường của giai cấp vô sản là nhiệt tình ủng hộ các dân tộc phụ thuộc, thuộc địa đứng lên chống ách thống trị, giành độc lập tự chủ. Đồng thời phải kiên quyết chống thủ đoạn dùng chiêu bài "dân tộc tự quyết" để can thiệp công việc nội bộ các nước, kích động tâm lý đòi li khai dân tộc. V.I. Lênin viết "Yêu sách dân tộc phải phục tùng lợi ích của giai cấp vô sản" và "thừa nhận hay không thừa nhận quyền dân tộc tự quyết đối với giai cấp vô sản trong cả hai trường hợp đều cần phải đảm bảo sự phát triển của chính giai cấp mình"1.

+ Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc

Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc là tư tưởng cơ bản trong Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nó phản ánh bản chất quốc tế của phong trào dân tộc và giai cấp. Liên hiệp công nhân các dân tộc thực chất là đoàn kết, thống nhất các lực lượng tiến bộ đấu tranh vì hoà bình, vì sự nghiệp giải phóng giai cấp và dân tộc. Khi chủ nghĩa tư bản trở thành một hệ thống, giai cấp tư sản là một lực lượng quốc tế thì giai cấp vô sản phải liên hiệp lại để chống kẻ thù chung của mình, giải phóng mình, đồng thời giải phóng toàn nhân loại.

Tóm lại, ba nội dung của Cương lĩnh dân tộc là một thể thống nhất. Trong đó, liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc là nội dung cơ bản nhất. Cương lĩnh không chỉ là lời kêu gọi mà còn là biện pháp hữu hiệu để đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng và quyền tự quyết dân tộc. Cương lĩnh cung cấp phương pháp đấu tranh cách mạng cho giai cấp vô sản thế giới. Vì vậy, cần vận dụng phù hợp với điều kiện của từng quốc gia - dân tộc trong thời đại hiện nay.

2. Vấn đề tôn giáo và nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong giải quyết vấn đề tôn giáo

a) Khái niệm tôn giáo và nguyên nhân tồn tại của tôn giáo trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội

C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng tôn giáo là một hiện tượng xã hội, văn hoá lịch sử, một lực lượng xã hội trần thế: "Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế".1

Tôn giáo là sản phẩm của con người, gắn với những điều kiện lịch sử-tự nhiên - xã hội xác định. Tôn giáo thường gắn giáo lí, giáo luật, lễ nghi và tổ chức giáo hội. Bất cứ tôn giáo nào cũng có tín ngưỡng. Do vậy xuất hiện thuật ngữ tín ngưỡng tôn giáo. Tôn giáo là một hiện tượng xã hội tiêu cực, phản ánh sự bất lực, bế tắc của con người trước tự nhiên - xã hội : "Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân"1.

Các nhà duy vật cổ đại đã đưa ra luận điểm "Sự sợ hãi sinh ra thần linh". Người đầu tiên đưa ra luận điểm này là thi sĩ Latin Lucrêce: thế kỉ I trước Công nguyên. V.I. Lênin tán thành ý kiến đó và ông đã phân tích thêm "Sự sợ hãi trước thế lực mù quáng của tư bản - mù quáng vì quần chúng nhân dân không thể đoán trước được nó - là thế lực bất cứ lúc nào trong đời sống của người vô sản và tiểu chủ cũng bị đe doạ đem lại cho họ sự phá sản "đột ngột", "bất ngờ", "ngẫu nhiên", làm cho họ phải diệt vong, biến họ thành kẻ ăn xin, kẻ bần cùng, và dồn họ vào cảnh chết đói, đó chính là nguồn gốc sâu xa của tôn giáo hiện đại"2.

Tôn giáo sẽ tồn tại chừng nào con người chưa thể khám phá những bí ẩn của tự nhiên - xã hội và sức mạnh của con người chưa có khả năng chi phối được sức mạnh của tự nhiên: "Con người không chỉ mưu sự mà còn làm cho thành sự nữa, thì chỉ khi đó, cái sức mạnh xa lạ cuối cùng hiện nay vẫn đang phản ánh vào tôn giáo mới sẽ mất đi, và cùng với nó, bản thân sự phản ánh có tính chất tôn giáo cũng sẽ mất đi, vì khi đó sẽ không có gì để phản ánh nữa."3

Tôn giáo về cơ bản là tiêu cực nhưng mặt khác tôn giáo cũng có tính nhân văn, nhân đạo và hướng thiện. Vì thế, còn nhiều người trong các tầng lớp xã hội tin theo. Hiện nay, số lượng tín đồ của các tôn giáo chiếm tỉ lệ khá cao trong dân số thế giới. Chỉ tính những tôn giáo lớn, đã có tới 2/3 dân số thế giới đi theo:

+ Kitô giáo (gồm Công giáo, Tin lành, Anh giáo và Chính thống giáo): số lượng tín đồ là 2 tỉ, chiếm 33% dân số thế giới.

+ Hồi giáo: số lượng tín đồ là 1,3 tỉ, chiếm 22% dân số thế giới

+ ấn Độ giáo: số lượng tín đồ là 900 triệu, chiếm 15% dân số thế giới

+ Phật giáo: số lượng tín đồ là 360 triệu, chiếm 6% dân số thế giới.1

b) Nguyên nhân tồn tại của tôn giáo trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, nhất là trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tôn giáo vẫn tồn tại và có năm nguyên nhân cơ bản sau đây:

+ Nguyên nhân nhận thức:

Chưa có thời đại nào mà khoa học - công nghệ đạt được những bước phát triển nhảy vọt như hiện nay. Những công nghệ mới như thông tin, sinh học, vật liệu mới, phát triển mạnh mẽ. Nhưng thế giới là vô cùng, vô tận và trình độ khoa học - kĩ thuật hiện nay chưa cho phép con người chế ngự được hoàn toàn sức mạnh của tự nhiên. Những bất hạnh, rủi ro mà con người gặp phải như động đất, núi lửa, chiến tranh, thất nghiệp, dịch bệnh, là những vấn đề của xã hội hiện đại còn tồn tại thì con người vốn có tín ngưỡng, tôn giáo còn cầu xin sự che chở, sự tha thứ, và "phù hộ độ trì" của thần linh.

+ Nguyên nhân kinh tế:

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, nhất là giai đoạn đầu của thời kì quá độ vẫn còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu. Trong nền kinh tế vận hành theo kinh tế thị trường, con người luôn phải chịu sự chi phối của những qui luật kinh tế khách quan đó. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân chưa cao, vì thế, con người vẫn tin vào lực lượng siêu nhiên, cầu xin công việc làm ăn gặp nhiều may mắn.

+ Nguyên nhân chính trị - xã hội:

Tôn giáo về cơ bản là tiêu cực nhưng trong các nguyên tắc của tôn giáo còn có những điểm phù hợp với chủ nghĩa xã hội về pháp luật, với đạo đức, thuần phong, mĩ tục của dân tộc. Vì thế, tôn giáo tồn tại trong chủ nghĩa xã hội là một hiện tượng khách quan. Dưới chủ nghĩa xã hội, tôn giáo biến đổi theo xu hướng "sống phúc âm giữa lòng dân tộc", "đồng hành với dân tộc". Nhà nước xã hội chủ nghĩa không ngừng nâng cao địa vị của những người có đạo. Niềm tin tôn giáo chân chính không đối lập với tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay cuộc đấu tranh giai cấp vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp. Một số thế lực đã sử dụng tôn giáo vì mục đích ngoài tôn giáo. Những cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng bố, lật đổ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho tôn giáo tồn tại.

+ Nguyên nhân tâm lí:

Tôn giáo đã tồn tại lâu đời trong lịch sử nhân loại, ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân. Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội bảo thủ nhất. Những niềm tin tôn giáo ảnh hưởng sâu đậm trong nếp nghĩ, lối sống của một bộ phận nhân dân qua nhiều thế hệ đã trở thành một kiểu sinh hoạt văn hoá tinh thần không thể thiếu được của cuộc sống. Vì thế, dù hiện nay nhân loại đã và đang có những biến đổi lớn lao về kinh tế - xã hội nhưng tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn tồn tại bởi những lí do đó.

+ Nguyên nhân về văn hoá:

Đa số tín ngưỡng, tôn giáo đều gắn với sinh hoạt văn hoá của nhân dân. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đòi hỏi phải bảo tồn tôn giáo ở những mức độ nhất định (Nhà thờ, chùa, thánh địa,...). Mặt khác, tín ngưỡng, tôn giáo có liên quan đến tình cảm, tư tưởng của một bộ phận dân cư. Vì vậy, sự tồn tại của tôn giáo trong xã hội xã hội chủ nghĩa như là một hiện tượng khách quan.

Tóm lại, tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội bảo thủ hơn so với tồn tại xã hội. Vì thế, điều kiện kinh tế - xã hội đã có những biến đổi to lớn nhưng tín ngưỡng, tôn giáo cũng không thể thay đổi ngay theo sự biến đổi kinh tế - xã hội mà nó phản ánh.

c) Nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo

Tín ngưỡng, tôn giáo là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Vì vậy, giải quyết những vấn đề nảy sinh từ tôn giáo đòi hỏi phải thận trọng, mềm dẻo, linh hoạt. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân.

Giải quyết vấn đề tôn giáo trong xã hội xã hội chủ nghĩa cần dựa trên năm quan điểm chỉ đạo sau đây:

Một là, theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử muốn thay đổi ý thức xã hội, cần phải thay đổi tồn tại xã hội, xoá bỏ nguồn gốc sinh ra tôn giáo. Vì vậy, phải xác lập một thế giới hiện thực không có áp bức, bóc lột, bất công. Mục tiêu này chỉ có thể thực hiện được bằng cách xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.

Hai là, một khi tín ngưỡng, tôn giáo còn là nhu cầu sinh hoạt tinh thần của một bộ phận nhân dân thì chính sách của các Đảng cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Quyền này phải được thể hiện về mặt pháp lí và được thực hiện trên thực tế. Mỗi người có quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào theo quy định của pháp luật. Có nghĩa là việc vào đạo, chuyển đạo, bỏ đạo phải theo qui định của pháp luật hiện hành và là quyền tự do của mỗi người.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa đảm bảo bằng pháp luật cho công dân có đạo và không có đạo đều bình đẳng, không phân biệt đối xử. Các tôn giáo được nhà nước thừa nhận đều bình đẳng trước pháp luật. Giáo hội động viên tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo" phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, chống mọi biểu hiện lợi dụng tôn giáo để đi ngược lại lợi ích dân tộc.

Ba là, thực hiện đoàn kết rộng rãi giữa những người có đạo và không có đạo. Động viên, khích lệ đồng bào có đạo, không có đạo chung tay xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Biện pháp để đồng bào có đạo xích lại gần với chế độ xã hội chủ nghĩa là phải nâng cao dân trí, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc ngay ở trần gian.

Bốn là, phân biệt rõ mối quan hệ hai mặt chính trị và tư tưởng trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo.

+ Mặt tư tưởng thể hiện trong tín ngưỡng tôn giáo và thực hành các lễ nghi tôn giáo đúng qui định

+ Mặt chính trị thể hiện việc sử dụng tôn giáo để chống lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của một số phần tử đội lốt tôn giáo. Đấu tranh loại bỏ mặt chính trị phản động trong tôn giáo đòi hỏi phải nâng cao cảnh giác và là một nhiệm vụ thường xuyên. Trong cuộc đấu tranh này, cần phải thận trọng, tránh nôn nóng, vội vàng. Quá trình đấu tranh cần phải đạt được những yêu cầu chính sau đây:

+ Đoàn kết rộng rãi đồng bào có đạo và không có đạo vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

+ Chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, giải quyết các mối quan hệ xã hội một cách hài hoà.

+ Phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, "chuyên cần việc đạo" của các vị chức sắc tôn giáo.

+ Kiên quyết trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân và dân tộc.

Năm là, phải có quan điểm lịch sử khi giải quyết vấn đề tôn giáo. Những thời kì lịch sử khác nhau, vai trò của tôn giáo, giáo hội, giáo sĩ, giáo dân luôn có sự khác biệt. Vì vậy, cần có thái độ với tôn giáo trên quan điểm lịch sử cụ thể bởi vì trong lịch sử đã xuất hiện những tôn giáo khi mới ra đời gắn với một phong trào bảo vệ nhân dân lao động. Về sau biến thành công cụ của giai cấp thống trị chống lại người lao động. Thực tế có những giáo sĩ suốt đời chuyên cần việc đạo, đồng hành với dân tộc, nhưng cũng có những người hợp tác với các thế lực thù địch chống phá cách mạng. Trong lịch sử xuất hiện nhiều vị "chân tu", nhưng đồng thời cũng có những người sẵn sàng hi sinh quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân vì lợi ích của giáo hội và cá nhân. Những biểu hiện đó đòi hỏi nhà nước xã hội chủ nghĩa cần xem xét vấn đề tôn giáo một cách tỉ mỉ, thận trọng, tránh khuynh hướng "tả" hoặc "hữu" trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ tôn giáo.

Câu hỏi ôn tập:

1. Phân tích những đặc trưng cơ bản của nền dân chủ XHCN?

2. Phân tích những đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước XHCN?

3. Những nội dung, phương hướng xây dựng gia đình văn hóa XHCN?

4. Phân tích những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong giải quyết vấn đề dân tộc?

5. Phân tích những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong giải quyết vấn đề tôn giáo?

Chương IX:

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN THỰC VÀ TRIỂN VỌNG

Thời lượng: 4 giờ tín chỉ (3 lý thuyết, 1 kiểm tra)

Mục tiêu của người học cần đạt được về kiến thức và kĩ năng:

- Hiểu về sự ra đời và phát triển của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực

- Nắm được nguyên nhân của sự khủng hoảng dẫn đến sự đổ vỡ của mô hình chủ nghĩa xã hội

- Nhận định và đánh giá triển vọng của chủ nghĩa xã hội hiện nay

I. Chủ nghĩa xã hội hiện thực

1. Cách mạng Tháng Mười và mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực đầu tiên trên thế giới

a) Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917

Dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin, nhân dân và Hồng quân Nga đã phá tan dinh lũy cuối cùng của Chính phủ lâm thời tư sản, lập nên Chính quyền Xô viết đầu tiên trong lịch sử nhân loại: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái Đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế"1. Cách mạng Tháng Mười đã mở ra một con đường mới cho sự giải phóng các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức, mở đầu một thời đại mới, quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

b) Mô hình chủ nghĩa xã hội đầu tiên trên thế giới

Từ sau năm 1917 đến kết thúc Chiến thanh Thế giới lần hai, Liên xô là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất. Điều kiện xây dựng chế độ mới cực kì khó khăn và phức tạp. Nền kinh tế lạc hậu bị chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, nội chiến và chiến tranh can thiệp của 14 nước bao vây, cấm vận về kinh tế tàn phá nặng nề.

Từ năm 1918 đến năm 1921, để đảm bảo cung cấp lương thực cho quân đội, công nhân và nhân dân thành thị trong điều kiện lương thực cực kì khan hiếm, Đảng Cộng sản Nga mà đứng đầu là V.I. Lênin đã đề ra Chính sách cộng sản thời chiến, tiến hành quốc hữu hóa tài sản, tư liệu sản xuất quan trọng nhất của tư sản độc quyền, địa chủ và các thế lực chống phá cách mạng khác. Tháng 3 năm 1921, nội chiến kết thúc, tại Đại hội X Đảng Cộng sản Nga, V.I. Lênin đã đưa ra Chính sách kinh tế mới (NEP) với việc sử dụng các hình thức kinh tế quá độ của chủ nghĩa tư bản nhà nước là một bộ phận quan trọng của chính sách này. Với sự cầm quyền của Nhà nước vô sản, thông qua việc sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước, giai cấp vô sản có thể học tập, kết thừa có chọn lọc những tài sản vật chất, kĩ thuật và tinh hoa tri thức trong kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, khoa học kĩ thuật, trình độ quản lý kinh tế của các chuyên gia tư sản. Chủ nghĩa tư bản nhà nước là phương tiện, con đường có hiệu quả trong việc làm tăng lực lượng sản xuất của chủ nghĩa xã hội.

Sau khi V.I. Lênin qua đời, chưa được bao lâu, vào cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỉ XX, triệu chứng của một cuộc chiến tranh thế giới mới ngày càng bộc lộ. Trong bối cảnh đó, muốn biến nước Nga lạc hậu thành một cường quốc công nghiệp, Nhà nước Xô Viết không thể không áp dụng cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao. Thực tế, Liên Xô đã thành công rực rỡ trong sự nghiệp công nghiệp hóa với thời gian chưa đầy 20 năm mà trong nửa thời gian đó là nội chiến, là chống can thiệp, là khôi phục kinh tế sau chiến tranh.

2. Sự ra đời của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và những thành tựu của nó

a) Sự ra đời và phát triển của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới ra đời bao gồm các nước Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Bungari, Ba Lan, Hungari, Rumani, Tiệp Khắc, Albani, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Cu Ba. Năm 1960, Tại Matxcova, Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân các nước trên thế giới đã ra tuyên bố và khẳng định: "Đặc điểm chủ yếu của thời đại chúng ta là hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đang trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người"1.

b) Những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực

Dù có nhiều biến động nhưng chủ nghĩa xã hội đã đạt được những thành tựu lớn sau đây:

Thứ nhất, chế độ xã hội chủ nghĩa đã từng bước đưa nhân dân lao động lên làm chủ xã hội, thúc đẩy trào lưu đấu tranh cho quyền tự do dân chủ trên toàn thế giới.

Thứ hai, sau hơn 70 năm xây dựng, chủ nghĩa xã hội đã đạt được những thành tựu về kinh tế, đảm bảo tốt hơn đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười lạc hậu hơn so với các nước phát triển từ 50 đến 100 năm. Khi bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, thu nhập quốc dân tính theo đầu người chỉ bằng 1/22 của Mỹ cùng thời đó. Chỉ sau một thời gian ngắn, Liên Xô đã trở thành một trong hai siêu cường quốc của thế giới. Năm 1985, thu nhập quốc dân của Liên Xô bằng 66% của Mỹ, sản lượng công nghiệp bằng 85% của Mỹ. Chỉ sau 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô đã xóa bỏ nạn mù chữ. Cuối năm 1980, Liên Xô là nước có trình độ học vấn cao nhất thế giới. Các lĩnh vực quân sự, quốc phòng, khoa học vũ trụ là những lĩnh vực mạnh của Liên Xô.

Thứ ba, chủ nghĩa xã hội có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị của thế giới, đóng vai trò quyết định đối với sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Tính đến nay, 100 nước đã dành được độc lập và tham gia vào Phong trào không liên kết.

Thứ tư, chủ nghĩa xã hội hiện thực đóng vai trò quyết định trong việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hủy diệt, bảo vệ hòa bình thế giới.

Thứ năm, với ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội ở các nước phương tây, nhân dân lao động đã đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, phúc lợi xã hội và các nước phương tây đã phải nhượng bộ, chấp nhận thực tế nhiều yêu sách đó.

Sự phát triển như vũ bão của ba dòng thác cách mạng (hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa; phong trào giải phóng dân tộc và các nước độc lập dân tộc; phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa) trong suốt mấy thập kỉ đã gắn liền với sự tồn tại và phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa.

II. Sự khủng hoảng, sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết

1. Sự khủng hoảng và sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết

a) Sự khủng hoảng của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết

Lịch sử nhân loại là một quá trình vận động qua nhiều con đường gấp khúc, quanh co và phong trào cách mạng cũng đã vận động theo con đường phát triển và những thời kì thoái trào. Vào những năm 70 của thế kì XIX, khi chủ nghĩa xã hội còn là học thuyết, sau thất bại của Công xã Paris, cuộc khủng hoảng đầu tiên đã diễn ra. Quốc tế I tan rã năm 1876. Nhưng từ trong sự khủng hoảng, sự phát triển của lí luận thời kì này đã phá vỡ sự bế tắc trong phong trào công nhân, dẫn đến sự ra đời của Quốc tế II năm 1889.

Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, đặc biệt là sau khi Ph. Ăngghen qua đời, Quốc tế II phân thành phái hữu, phải tả và phái giữa. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin, Quốc tế III ra đời đã chấm dứt sự khủng hoảng lần thứ hai.

b) Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và các nước Đông Âu

Bắt đầu cuối những năm 80 của thế kỉ XX, Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu rơi vào thời kì khủng hoảng. Từ tháng 4 năm 1989 trở đi, chủ nghĩa xã hội liên tiếp đổ vỡ ở Đông Âu. Chỉ trong vòng 2 năm, đến tháng 9 năm 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và 6 nước Đông Âu sụp đổ hoàn toàn. Sự đổ vỡ cũng đồng thời diễn ra ở Mông Cổ và Albani.

2. Nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng và sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết

a) Nguyên nhân sâu xa là những sai lầm thuộc về mô hình phát triển của chủ nghĩa xã hội Xô viết

Sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa Xô viết có các nguyên nhân sâu xa sau đây:

Thứ nhất, sau khi V.I. Lênin qua đời, NEP không được tiếp tục thực hiện mà chuyển sang kế hoạch hóa tập trung cao độ. Thời kì đầu, kế hoạch hóa tập trung đã phát huy tác dụng mạnh mẽ, nhưng càng về sau đã biến dạng chuyển thành kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên xô vẫn tiếp tục duy trì mô hình này, thực hiện chế độ bao cấp tràn lan, triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của người lao động.

Thứ hai, do chậm đổi mới cơ chế kinh tế và hệ thống quản lí nên gây hậu quả chậm phát triển về trình độ phát triển kinh tế, thể hiện trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và năng suất lao động. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kì quá độ năm 1991, Đảng ta đã chỉ rõ: "Do duy trì quá lâu những khuyết tật của mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội, chậm trễ trong cách mạng khoa học và công nghệ"1 gây nên tình trạng trì trệ kéo dài về kinh tế - xã hội rồi đi tới khủng hoảng.

b) Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp

Một là, trong cải tổ, Đảng Cộng sản Liên xô đã mắc sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức: hữu khuynh, cơ hội và xét lại, thể hiện trước hết ở những người lãnh đạo cao nhất. Thực chất, trong cải tổ, những người lãnh đạo đã công khai tuyên bố từ bỏ những mục tiêu xã hội chủ nghĩa, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và vai trò của Đảng Cộng sản.

Chủ trương "tăng tốc" về kinh tế để chấm dứt trì trệ nhưng không có câu trả lời đúng đắn, cải tổ rơi vào thế bế tắc. Từ cải tổ về kinh tế đã chuyển nhanh sang cải tổ về chính trị, coi đây là chìa khóa cho mọi vấn đề. Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 19 năm 1988, Đảng Cộng sản Liên xô chuyển trọng tâm sang cải tổ hệ thống chính trị trên cơ sở cái gọi là "tư duy chính trị mới". Thực chất đây là sự thỏa hiệp vô nguyên tắc, là sự phản bội Chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội. Những người ngấm ngầm hoặc công khai thù địch với Chủ nghĩa Mác - Lênin chiếm các vị trí chủ chốt trong bộ máy Đảng và Nhà nước.

Từ làn sóng phê phán công kích dẫn đến bôi đen tất cả những gì gắn với lịch sử trên 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ định sạch trơn những thành tựu mà chủ nghĩa xã hội đã đạt được, gây hoang mang, xáo động đến cực độ tư tưởng xã hội, phá vỡ niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa xã hội. Các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền đào bới, phủ định quá khứ, được báo chí phương Tây tiếp thêm sức mạnh, lái theo những ý đồ đen tối của họ.

Hai là, chủ nghĩa đế quốc can thiệp một cách toàn diện vừa tinh vi, vừa trắng trợn, thực hiện "diễn biến hòa bình" trong nội bộ Liên xô và các nước Đông Âu. Trong cuốn sách "Chiến thắng không cần chiến tranh" của Nickson, cho rằng: "Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất". Ông ta viết: "Toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hiệp định mậu dịch, viện trợ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng".

Sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc cùng với sự phản bội từ trên bộ máy chóp bu là nguyên nhân trực tiếp làm cho Liên xô sụp đổ. Đây là hai nguyên nhân tác động cùng chiều, cộng hưởng, tạo nên một cơn lốc chính trị phá sập ngôi nhà xã hội chủ nghĩa.

III. Triển vọng của chủ nghĩa xã hội

1. Chủ nghĩa tư bản không phải là tương lai của xã hội loài người

Thứ nhất, bản chất của chủ nghĩa tư bản không thay đổi. Mặc dù trong mấy thập kỉ qua, do biết tự điều chỉnh và thích ứng, đặc biệt là sử dụng triệt để những thành tựu khoa học và công nghệ, các nước tư bản không chỉ vượt qua những cơn khủng hoảng mà còn có khả năng phát triển mạnh hơn, nhưng bản chất của họ vẫn là bóc lột vô nhân đạo, gây ra những ung nhọt không thể chữa khỏi. Trong cuốn sách "Ngoài vòng kiểm soát" xuất bản năm 1993, Brêdinxky đã cay đắng thừa nhận 20 khuyết tật của xã hội Mỹ vào thời điểm đó và dự báo Mỹ sẽ mất vai trò siêu cường quốc ở thế kỉ XXI. Trong các khuyết tật đó, nổi lên là chăm sóc y tế không đầy đủ, giáo dục trung học kém chất lượng, phân biệt chủng tộc, tội ác và bạo lực tràn lan, tinh thần trống rỗng làm cho xã hội khủng hoảng và vô phương cứu chữa.

Chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn còn có đến 1,2 tỉ người tiếp tục chịu nghèo đói, bệnh tật, mù chữ, chiến tranh và mức thu nhập dưới 1 đô la/ngày/người; 2,5 tỉ người nghèo có tổng thu nhập chỉ bằng của 250 tỉ phú, triệu phú lớn nhất thế giới gộp lại; khoảng 1 tỉ người thất nghiệp ở các mức độ khác nhau. Chiến tranh, bệnh tật vẫn tiếp tục diễn ra, mà thủ phạm chủ yếu là các nước tư bản đế quốc.

Thứ hai, các yếu tố xã hội chủ nghĩa đang xuất hiện trong lòng xã hội tư bản. Trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản đã xuất hiện những yếu tố mới của nền văn minh hậu công nghiệp, kinh tế tri thức nảy sinh và phát triển. Tính chất xã hội của sở hữu ngày càng gia tăng, sự điều tiết của nhà nước đối với thị trường ngày càng hữu hiệu. Tính nhân dân và xã hội của nhà nước ngày càng tăng lên. Những vấn đề phúc lợi xã hội và môi trường ngày càng được giải quyết tốt hơn. Có thể coi những đặc điểm trên đây là những yếu tố mới chứa đựng trong xã hội tư bản và xã hội tương lai.

2. Chủ nghĩa xã hội - tương lai của loài người

a) Liên xô và các nước Đông Âu sụp đổ không có nghĩa là sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội

Sự sụp đổ của Liên xô và Đông Âu là sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa, nó không đồng nghĩa với sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội với tư cách là một hình thái kinh tế xã hội mà loài người đang vươn tới.

b) Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại tiến hành cải cách, mở cửa, đổi mới và ngày càng đạt được những thành tựu to lớn

Khi Liên xô và Đông Âu sụp đổ, các nước còn lại, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành công cuộc cải cách, đổi mới tương đối thành công. Mặc dù đường lối cải cách và đổi mới của hai nước có sự khác biệt về nhiều phương diện, nhưng có các nét tương đồng sau:

Thứ nhất, đã từ bỏ mô hình kinh tế tập trung, chuyển sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, phù hợp với những cam kết quốc tế, thực hiện chế độ dân chủ, đặc biệt là dân chủ cơ sở theo hướng công khai, minh bạch.

Thứ ba, xây dựng các tổ chức xã hội phi chính phủ, đa dạng về nghề nghiệp, tôn giáo, văn hóa.

Thứ tư, hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực.

Thứ năm, đảm bảo sự cầm quyền và lãnh đạo của Đảng Cộng sản với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trung Quốc đã tổng kết 30 năm cải cách mở cửa và Việt Nam 20 năm đổi mới, kinh tế - xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

c) Thế giới đã xuất hiện xu hướng đi lên chủ nghĩa xã hội

Từ những năm 90 thế kỉ XX, nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Mỹ La tinh đã xuất hiện xu thế thiên tả và ngày càng phát triển mạnh thành một trào lưu đầu thế kỉ XXI. Từ 1998 đến nay, thông qua bầu cử dân chủ, các chính phủ cánh tả tiến bộ đã lên cầm quyền ở 11 nước La tinh. Trong số các nước đó, Venezuela đã tuyên bố đi lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 12 năm 2006, Tổng thống Hugo Chavez đã nhiều lần công khai tuyên bố đưa đất nước Venezuela đi lên chủ nghĩa xã hội với các nội dung cơ bản sau:

- Về tư tưởng, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin , tư tưởng cách mạng của Ximôn Bôliva và tư tưởng nhân đạo thiên chúa giáo làm nền tảng.

- Về chính trị, nhấn mạnh tư tưởng dân chủ nhân quyền trong đó nhân dân có trách nhiệm tham gia quyết định vận mệnh của đất nước, xây dựng một xã hội mà mọi người dân đều có chỗ đứng cho dù đó là một thổ dân.

- Về kinh tế, thực hiện kinh tế nhiều thành phần, trong đó nhà nước và hợp tác xã nắm vai trò chủ đạo, nhấn mạnh việc giành lại chủ quyền quốc gia, dân tộc đối với tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ, nước sạch và môi sinh.

- Về xã hội, thực hiện phân phối công bằng để giải quyết vấn đề bất bình đẳng và phân hóa xã hội.

- Về đối ngoại, thúc đẩy khối đại đoàn kết Mỹ La tinh và quan hệ hữu nghị với tất cả các nước; lấy hợp tác thay cho cạnh tranh, lấy hội nhập thay cho bóc lột, đấu tranh vì một thế giới đa cực, dân chủ.

- Về phương pháp, kế thừa những thành tựu của chủ nghĩa xã hội không rập khuôn, sao chép, coi trọng kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Cu ba.

Ecuado và Nicaragoa cũng đã tuyên bố lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội Mỹ La tinh thế kỉ XXI, dù là một hiện tượng nhưng cũng đã củng cố niềm tin về chủ nghĩa xã hội.

Câu hỏi ôn tập:

1. Trình bày một số thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực?

2. Phân tích những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ của mô hình CNXH Xô viết?

3. Phân tích các yếu tố XHCN trong XHTB?

4. Tính đa dạng và xu hướng phát triển của thế giới đương đại?

5. Nhận định và đánh giá xu hướng đi lên CNXH ở các nước Mỹ La tinh?

HỌC LIỆU

I. Học liệu bắt buộc

1. Chương trình môn học : Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin (Ban hành theo Quyết định số 52/2008/QĐ-BGDĐT ngày 18 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb CTQG H.2009.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Giáo trình Triết học Mác - Lênin, Nxb CTQG HN.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb CTQG HN.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Giáo trình kinh tế chính trị Mác - Lênin (dùng cho khối ngành không chuyên kinh tế - Quản trị kinh doanh trong các trường đại học, cao đẳng), Nxb CTQG HN.

II. Học liệu tham khảo

1. Ph.Ăngghen (1971), Biện chứng của tự nhiên. Nxb. Sự thật, Hà Nội.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2003), Vận dụng Nghị quyết Đại hội IX vào giảng dạy môn học Chủ nghĩa xã hội khoa học, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (2002) Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7. V.I. Lênin (1979), Toàn tập ,tập 7, Nxb. Tiến bộ Mátxcơva.

8. V. I. Lênin (1980), Toàn tập, tập17, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

9. V. I. Lênin (1980), Toàn tập, tập18, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

10. V. I. Lênin (1980), Toàn tập, tập 23, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

11. V. I. Lênin (1980), Toàn tập, tập 25, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

12. V. I. Lênin (2005), Toàn tập, tập 27, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

13. V. I. Lênin (1981), Toàn tập, tập 29, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

14. V. I. Lênin (1981), Toàn tập, tập 30, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

15. V. I. Lênin (2005), Toàn tập, tập 31, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

16. V. I. Lênin (1976), Toàn tập, tập 33, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

17. V. I. Lênin (1978), Toàn tập, tập 35, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

18. V. I. Lênin (1978), Toàn tập, tập 36, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

19. V. I. Lênin (1977), Toàn tập, tập 39, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

20. V. I. Lênin (1978), Toàn tập, tập 41, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

21. V. I. Lênin (1977), Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

22. V. I. Lênin (1977), Toàn tập, tập 43, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

23. V. I. Lênin (1977), Toàn tập, tập 44, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

24. C.Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

25. C.Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

26. C.Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

27. C.Mác và Ph. Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

28. C.Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 21, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

29. C.Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 22, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

30. C.Mác và Ph. Ăngghen (1993), Toàn tập, tập 23, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

31. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

32. Nhà xuất bản Sự thật (1961), Hội nghị Đảng Cộng sản và công nhân ở Matxcova 1960, Hà Nội.

MỤC LỤC

Trang

Chương mở đầu

Nhập môn

Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin

1

Phần thứ nhất

Thế giới quan và phương pháp luận triết học

của chủ nghĩa Mác - Lênin

Chương I: Chủ nghĩa duy vật biện chứng 9

Chương II: Phép biện chứng duy vật 21

Chương III: Chủ nghĩa duy vật lịch sử 50

Phần thứ hai

Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin

về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa

Chương IV: Học thuyết giá trị 70

Chương V: Học thuyết giá trị thặng dư 83

Chương VI: Học thuyết về chủ nghĩa tư bản độc quyền

và chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước 123

Phần thứ ba

Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội

Chương VII: Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

và cách mạng xã hội chủ nghĩa 148

Chương VIII: Những vấn đề chính trị-xã hội có tính quy luật

trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa 166

Chương IX: Chủ nghĩa xã hội hiện thực và triển vọng 182

Continue Reading

You'll Also Like

883K 35.9K 109
Tác giả: Ngã Ái Cật Băng Bổng Tình trạng tác phẩm gốc: Hoàn thành (99 chương + 11 ngoại truyện) Tình trạng edit: Hoàn thành (28/04/2024) Thể loại: Na...
111K 12.6K 115
ONLY WATTPAD [Edit] - Luận pháo hôi làm sao trở thành đoàn sủng [xuyên thư]. Hán Việt: Luận pháo hôi như hà thành vi đoàn sủng [ xuyên thư ]. Tác giả...
290K 20.3K 96
WATTPAD: @_AnsBly_ _____ [Trọng Sinh] Tên cũ: Rời Xa Cố Chấp Giáo Thảo Tác giả: Sở chấp Editor: Bly Thể loại: Trọng sinh, trưởng thành, hoa quý vũ qu...
460K 42.6K 111
Tác giả: Yêu Quái Nguồn: wikinam.net Thể loại: Đam mỹ, tương lai, trọng sinh, song khiết , tinh tế, chủ thụ, sảng văn, xuyên thành vai ác, 1v1, tinh...