Nguyên văn chữ Hán :
VỌNG NGUYỆT
Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà ?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song kích khán thi gia
BẢN DỊCH THƠ
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
Uống rượu, thưởng hoa, ngắm trăng đó là một trong những thú chơi của văn nhân, những người hào hoa, tao nhã.
Khi chén rượu khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên
(Nguyễn Du)
Ánh trăng đã bao lần dát vàng trang thơ của những thi nhân nổi tiếng, nhất là các thi sĩ á Đông
Ta sẽ còn gặp rất nhiều trăng trong thơ của Hồ Chủ Tịch. Nói như ông Hoài Thanh thơ Bác " đầy trăng ". Nhưng lần ngắm trăng này còn có một ý nghĩa đặc biệt vì Bác đang là một người tù. Ngắm trăng từ trong tù.
Trong tù không rượu cũng không hoa
Câu thơ giới thiệu hoàn cảnh ngắm trăng. Ta hãy chú ý đến sự "bất bình thường" ở đây.
- Ngắm ở trong tù (có mấy thi nhân đã làm như thế ?)
- Ngắm trăng "suông", không có rượu, cũng chẳng có hoa (lấy đâu ra trong hoàn cảnh giam cầm những thứ đó ?)
Nhưng bất chấp sự "khác thường" ấy, vượt lên trên thói thường của người đời, thi sĩ vẫn bối rối vì trăng quá đẹp (câu thơ thứ hai khi dịch nghĩa nói rõ hơn sự bối rối đó: Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm gì? ). Trăng, chỉ một mình trăng cũng làm cho Người đầy cảm hứng, quên hết những thiếu thốn, khốn khổ của chốn lao tù. Phải hết sức nghệ sĩ mới có thể có được những giây phút hưng phấn như thế.
"Trăng là ánh sáng, là trong trắng, là mát mẻ, là thái bình là hạnh phúc ước mơ của con người, là niềm an ủi" (Đặng Thai Mai) vì thế mà nhà thơ Hồ Chí Minh từ trong ngục vẫn ngắm trăng.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
Các bạn hãy chú ý đến chữ "vọng" ở nguyên văn. Vọng tiếng Hán nghĩa là "nhìn xa". Đó là ở đề bài. Còn trong hai câu thơ thì Bác đều viết là "khán". Khán cũng là nhìn (hoặc ngắm) nhưng nó không xa như vọng. Vậy là, dường như có chuyện "thiên nhân cảm ứng" (Trời và người cảm ứng). Sự say mê của Bác đã làm cho trăng như cũng thấp xuống để gần người hơn, để cho người không phải "vọng" nữa. Hai bên thi gia và trăng đều "khán" (ngắm) nhau, đều nhìn nhau hết sức bình đẳng, thân tình qua khe cửa nhà ngục.
Một điều cũng còn chưa được các nhà nghiên cứu chú ý tới là chuyện Bác coi mình là "thi gia" ( nhà thơ ). Thi gia chứ không phải thi nhân, cũng chẳng phải lung nhân, tù nhân, phạm nhân... Bác hầu như không nhận mình là một "nhà thơ". ấy vậy mà cảm hứng trước trăng mãnh liệt đã làm cho Người bộc lộ mình mà không cần phải giữ gìn ý tứ như trong các trường hợp khác. THI GIA. Đúng. Chỉ có với tư cách nhà thơ cách mạng, Bác mới có thể say sưa ngắm trăng trong cảnh tù tội " không rượu cũng không hoa ". Không rượu, không hoa là nói cho sang, chứ thực ra trong tù "rệp bò lổm ngổm như xe cóc. Muỗi lượn nghêng ngang tựa máy bay ". Rồi "gầy đen như quỉ đói. Ghẻ lở mọc đầy thân ". và bao nhiêu nỗi khổ khác nữa...
Thế mà nhà thơ Hồ Chí Minh vẫn ngắm trăng. Trăng, người bạn lặng lẽ đầy tin cậy, sau này vẫn sáng mãi trong những câu thơ "bay cánh hạc ung dung" của Người.