thien cho nguoi ban ron

By yeudoi

262 0 0

More

thien cho nguoi ban ron

262 0 0
By yeudoi

Sách mới: Thiền Tập Cho Những Người Bận Rộn

Thứ sáu, 17 Tháng 4 2009 15:49 Sư Ông

Thiền Tập Cho Những Người Bận Rộn là tập sách mới của Sư Ông chưa xuất bản, BBT sẽ giới thiệu đến các bạn mỗi kỳ một chương ngắn để bạn có thể vừa đọc và vừa thực tập. Chúc bạn có nhiều niềm vui và thành công trong sự thực tập :).

1. Thức dậy vào mỗi buổi sáng

Ngay khi mới thức dậy, bạn có thể mỉm cười liền lập tức, nụ cười này mang tính giác ngộ : bạn ý thức là một ngày mới được bắt đầu và hăm bốn giờ tinh khôi là món quà mà sự sống đang hiến tặng cho bạn. Đó là tặng phẩm quý giá nhất. Bạn có thể đọc thầm hoặc đọc lớn tiếng bài thơ này :

Thức dậy miệng mỉm cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời.

Bạn có thể vẫn nằm yên trên giường, buông thẳng hai tay và hai chân một cách thoải mái trong khi đọc bài thi kệ ấy. Thở vào, đọc thầm câu đầu. Thở ra, đọc thầm câu thứ hai. Thở vào, đọc câu thứ ba. Thở ra, đọc câu thứ tư. Và với nụ cười, bạn ngồi dậy, quơ dép và đi vào phòng rửa mặt.

Múc nước đổ vào chậu thau hay vặn nước máy để rửa mặt

Bạn có thể có nhiều hạnh phúc trong thời gian rửa mặt, súc miệng. chải đầu, cạo râu hay tắm, nếu bạn biết đem ý thức chiếu rọi vào những gì bạn đang làm. Ví dụ khi mở nước, bạn biết là nước bắt đầu chảy ra từ vòi nước và bạn cũng biết được là nước từ đâu chảy tới tận phòng rửa mặt của bạn. Bạn có thể thầm đọc bài thi kệ sau đây:

Nước từ nguồn suối cao

Nước từ lòng đất sâu

Nước mầu nhiệm tuôn chảy

Ơn nước luôn tràn đầy.

Bài thi kệ này giúp bạn thấy được nước từ đâu tới, biết được nước từ đâu tới. Cái thấy đó đã là thiền quán. Bạn cũng biết rằng bạn đang may mắn, vì nước không bị cúp. Cái biết đó đem lại cho bạn hạnh phúc. Cái biết đó là chánh niệm. Chánh niệm là ý thức, là khả năng nhận diện được cái gì đang xảy ra ở đây trong giây phút này. Cái đang xảy ra là bạn đang mở nước và có nước đang chảy ra. Ở làng Mai bên Pháp thỉnh thoảng cũng bị cúp nước. Mỗi lần như thế mình biết được cái khổ khi không có nước và hạnh phúc khi có nước. Cái hạnh phúc chỉ được nhận diện khi mình nhớ tới cái đau khổ! Tôi thường mở nước nhẹ thôi và lấy bàn tay hứng nước mát lạnh phải vào hai mắt. Bên này mùa Đông nước lạnh lạnh lắm! Cái cảm giác do nước lạnh gây nên trên ngón tay, trên hai mắt và trên gò má rấtdễ chịu. Bạn hãy nhận diện cảm giác đó. Bạn tỉnh hẳn ra do cảm giác đó. Bạn hãy tận hưởng cái cảm giác đó. Bạn hạnh phúc cũng nhờ bạn biết trân quý nước và nhờ tâm niệm biết ơn của bạn.

Lấy gáo múc nước trong chum hay trong vại để đổ vào thau rửa mặt cũng thế, bạn hãy để tâm ý vào từng động tác, đừng suy nghĩ đến những chuyện khác và quan trọng nhất là phải thấy có niềm vui trong từng động tác, đừng làm hấp tấp cho mau xong. Thiền là như thế ! Thiền là có mặt thực sự cho mình trong từng giây phút của sự sống, và khả năng nhận diện rằng mỗi giây phút của sự sống là một tặng phẩm của sự sống, một tặng phẩm của đất trời. Cái hạnh phúc này được gọi là thiền duyệt (The joy of meditation).

Chải răng

Đây là một thử thách cho bạn. Bạn có một tới hai phút để chải răng. Làm sao để bạn có hạnh phúc trong thời gian ngắn ngủi ấy? Đừng hấp tấp, đừng cố chải răng cho mau xong. Phải đem hết tâm ý đặt vào việc chải răng. Bạn có thì giờ để chải răng. Bạn có bàn chải, có kem và có răng để chải. Tôi đã trên tám mươi tuổi, vậy mà mỗi khi chải răng tôi đều có hạnh phúc: tôi thấy đến tuổi này mà còn có mấy mươi cái răng để chải là cũng mầu nhiệm lắm. Đây là sự thách thức: chải răng như thế nào để bạn có được thảnh thơi và hạnh phúc trong thời gian từ một phút đến hai phút chải răng. Làm được như thế là có thiền, là thành công rồi đấy.

Đây là một bài kệ bạn có thể sử dụng trong khi chải răng:

Chải răng và súc miệng

Cho sạch nghiệp nói năng

Miệng thơm lời chánh ngữ

Hoa nở tự vườn tâm.

Những bài thi kệ giúp ta đưa ý thức trở về với những gì trong giây phút hiện tại. Ta đừng bị kẹt vào những bài thi kệ, nếu ta có niệm, có định, nếu ta an trú được trong hiện tại thì ta cũng không cần đến những bài thi kệ ấy lắm đâu.

Tắm dưới gương sen, gội đầu, chải đầu, cạo râu, mặc áo

Trong khi kỳ cọ, xoa xà phòng, cạo râu, chải đầu, mặc áo, ta đều có thể thực tập như khi ta chải răng. Ta để tâm ý hoàn toàn vào cái ta đang làm. Ta làm cho thong dong, cho hạnh phúc, như thể cạo râu, chải tóc, cạo đầu là việc quan trọng nhất trên đời. Đừng để suy tư kéo ta đi về quá khứ, đi về tương lai hay làm ta kẹt vào những lo lắng, sầu khổ, giận hờn. Bạn tập đi, vài ba ngày sẽ thấy tiến bộ, giống như tập đàn, chơi bóng bàn, tập hát... Bạn hãy tập sống sâu sắc và thảnh thơi mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Mà muốn được như vậy, tâm ý phải rời bỏ quá khứ, rời bỏ tương lai và rời bỏ ưu tư để trở về với giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại là giây phút duy nhất chứa đựng sự sống với tất cả những mầu nhiệm của nó.

Ngồi thở

Có người ngồi thiền mỗi lần nửa giờ, bốn mươi lăm phút hoặc nhiều hơn. Ở đây tôi chỉ xin bạn ngồi hai hoặc ba phút. Nếu sau này thấy ngồi thiền dễ chịu, bạn cứ việc ngồi thêm, ngồi bao lâu cũng được.

Nếu trong nhà bạn có bàn thờ Phật thì bạn có thể ngồi trước bàn Phật. Nếu không, bạn chọn một nơi nào thích hợp, có thể là trước cửa sổ, ngồi nhìn ra ngoài trời. Sắm một cái gối nhỏ, dày chừng mười tới mười lăm phân, kê dưới mông; hai bàn chân xếp lại đầu gối đặt xuống bên ngoài chiếc gối nhỏ, như vậy mông và đầu gối trở thành thế ba chân vạc, ngồi rất vững, không kẹt, có thể ngồi lâu không tê chân. Chọn chiếc gối nhỏ có chiều dày thích hợp với bạn. Bạn cũng có thể đốt một cây nhang cho khung cảnh được thanh thoát hơn. Tay cầm cây nhang cho khoan thai, tập trung tâm ý vào việc đốt nhang và cắm nhang vào bình. Làm sao cho có chú tâm (niệm) và tập trung (định) trong khi đốt nhang. Tâm ý hoàn toàn có mặt trong khi đốt nhang. Ngồi xuống, để lưng và đầu thành một đường thật thẳng, thẳng mà không cứng. Thở vào và chú ý tới tác động của hơi thở vào nơi bụng và nơi ngực. Thở ra và chú ý tới tác động của hơi thở ra nơi bụng và nơi ngực.

"Thở vào, tôi để ý tới tác động của hơi thở vào nơi bụng tôi và ngực tôi.

Thở ra, tôi để ý tới tác động của hơi thở ra nơi bụng tôi và ngực tôi."

"Thở vào, tôi ý thức được sự có mặt của toàn thân tôi.

Thở ra, tôi mỉm cười với toàn thân tôi."

"Thở vào, tôi ý thức về sự có mặt của những căng thẳng và đau nhức trong toàn thân tôi.

Thở ra, tôi buông thả những căng thẳng và đau nhức trong toàn thân tôi."

"Thở vào, tôi thấy dễ chịu trong khi thở vào.

Thở ra, tôi thấy thoải mái trong khi thở ra."

Đi Tới Thành Công

Thứ ba, 07 Tháng 4 2009 00:00 Sư Ông Làng Mai

(Trích từ Quyền Lực Đích Thực)

Đối với chúng ta quyền lực có ý nghĩa gì? Tại sao ai cũng tìm mọi cách để đạt cho được quyền lực? Cho dù ta có thể không để ý, nhưng phần đông chúng ta luôn luôn cố đạt cho được một địa vị có quyền lực bởi vì ta tin rằng quyền lực giúp ta làm chủ đời sống, đem lại cho chúng ta tự do và hạnh phúc - những gì ta mong muốn nhất.

Xã hội chúng ta được xây dựng trên một khái niệm rất hạn hẹp về quyền lực, đó là giàu có, sung túc, thành công nghề nghiệp, danh tiếng, sức khỏe, sức mạnh quân sự và quyền năng chính trị. Tôi xin đề nghị với bạn một thứ quyền lực khác, một thứ quyền lực vượt bậc hơn: quyền lực giúp ta thoát khỏi sự ám ảnh của mê đắm, sợ hãi, tuyệt vọng, sự trấn ngự của kỳ thị, sân hận, ngu dốt, quyền lực giúp ta đạt được hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Đây là một thứ quyền lực mà bất cứ ai sinh ra cũng đều có quyền hưởng, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, mạnh yếu. Xin mời bạn cùng tôi tìm hiểu thứ quyền lực đặc biệt này.

Tất cả chúng ta ai cũng muốn có quyền lực và thành công. Nhưng nếu vì cố sức tranh đấu để có được quyền lực, rồi lại cố sức tranh đấu bảo vệ quyền lực mà bị hao mòn, mệt mỏi, bị chia cách tình nghĩa thì đâu còn có thể vui hưởng quyền lực và thành công? Quyền lực và thành công như vậy thật chẳng có ý nghĩa gì? Sống một cuộc sống sâu sắc và hạnh phúc, có thì giờ chăm sóc người thương là một thành công khác, một quyền lực khác, một thứ thành công và quyền lực quan trọng hơn nhiều. Chỉ có một thành công đáng kể đó là thành công khi chuyển hóa tự thân, vượt thắng phiền não, sợ hãi và sân hận. Đây là thứ thành công, thứ quyền lực đem lợi lạc cho chính ta và cho những người khác mà không gây ra một tác hại nào.

Muốn có quyền lực, muốn được danh tiếng hay giàu sang không phải là điều xấu. Nhưng phải nhớ rằng chúng ta theo đuổi quyền lực, danh tiếng hay tiền tài là để được hạnh phúc. Nếu giàu có và quyền thế mà không hạnh phúc thì giàu có và quyền thế để làm gì?

Ước vọng vun trồng hiểu biết, thương yêu, ước vọng giúp đời là một năng lượng mầu nhiệm khiến cho cuộc sống có mục tiêu chân thực. Nhiều bậc thầy vĩ đại trước chúng ta - Jesus, Bụt, Mohamed và Moses - đã từng có ước vọng như thế. Ngày nay chúng ta cũng có ước vọng sâu sắc như các vị: thực hiện hòa bình, vượt thắng khổ đau và giúp đỡ người khác. Chúng ta đã chứng kiến những người chỉ một mình mà có thể giải thoát, chữa lành cho hàng ngàn có khi hàng triệu người.

Mỗi chúng ta - chính trị gia, thương gia, công nhân, nhân viên, hay nghệ sĩ... - đều cùng chung ước vọng như thế. Nhưng cần phải nhớ rằng muốn thực hiện ước vọng đó trước hết ta phải chăm sóc ta. Muốn đem lại hạnh phúc cho người khác thì chính ta phải tỏa chiếu hạnh phúc. Và đây là lý do vì sao phải thực tập để chăm sóc thân tâm của mình trước. Chỉ khi thân tâm vững chãi ta mới đủ khả năng chăm sóc người ta thương.

Sống thiếu tỉnh thức, thiếu khả năng nhìn rõ thực trạng chung quanh thì chẳng khác gì một chuyến xe lửa tốc hành không người lái. Điều này lại càng đúng hơn trong đời sống nghề nghiệp, nếu quá chú tâm đến nghề nghiệp thì cứ mãi quay cuồng. Đau khổ trong đời tư ảnh hưởng tới nghề nghiệp và ngược lại, đau khổ trong nghề nghiệp ảnh hưởng tới đời tư. Ôm đồm quá nhiều việc, hoạch định thiếu thực tiễn, môi trường làm việc không thoải mái, luôn bị căng thẳng, luôn lo sợ bị sa thải - đó là những nguyên nhân gây đau khổ trong nghề nghiệp.

Những đau khổ đó sẽ ảnh hưởng tới cả đời sống. Và hình như chẳng có ai giúp ta được. Nhưng mà đâu đến nỗi như vậy. Nếu biết tu tập vun trồng quyền lực đích thực, một thứ quyền lực chứa đựng tính chất tâm linh, nếu biết chánh niệm trong mọi liên hệ hằng ngày thì chúng ta có thể thay đổi hoàn toàn phẩm chất công việc cũng như phẩm chất cuộc sống của chúng ta.

Chánh niệm là thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, là tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Sử dụng những cách thực tập đơn giản để rèn luyện tâm trí và tập trung tâm ý thì không những chúng ta sẽ làm việc năng suất và hữu hiệu hơn mà còn thoải mái, hăng say hơn. Chúng ta có đủ thì giờ để chăm sóc những người thương và những việc quan trọng nhất của chúng ta. Chúng ta có thể sống trọn vẹn từng giây phút, ý thức rằng đây là giây phút tuyệt vời, giây phút duy nhất mà ta thực sự có được.

Khi chú trọng vào quyền lực tâm linh, lòng từ bi cũng sẽ trở thành mục đích của ta bên cạnh mục đích tối hậu là cầu lợi. Chúng ta không cần khước từ tài lợi nhưng lòng từ bi sẽ giúp chúng ta thành công hơn về kinh tế hay chính trị. Tôi tin rằng nếu bổ sung ý thức về ảnh hưởng tích cực của chúng ta tới người khác và trên thế giới vào những mục đích chính của doanh nghiệp thì chỉ tốt cho doanh nghiệp mà thôi. Một doanh nghiệp biết phối hợp thông minh mục đích thu lợi với đức tính thanh liêm và ý thức quan tâm tới thế giới thì nhân viên dưới quyền luôn được vui vẻ, khách hàng luôn được vừa ý, đồng thời sẽ thu lợi gấp bội.

Hằng năm tạp chí Fortune có đăng danh sách một trăm công ty lý tưởng để xin vào làm. Những công ty đó luôn luôn thành công trên mọi mặt. Hàng năm họ nêu rõ chính sách chú trọng bảo hiểm sức khỏe, chăm sóc thiếu nhi, chế độ ngày nghỉ, ý thức bảo vệ môi trường và chia sẻ lợi tức. Những công ty rất đáng khâm phục đó biết rõ rằng đầu tư tiền bạc, thì giờ và năng lực vào việc chăm sóc sức khỏe và an lạc của nhân viên và cộng đồng là việc làm thiết yếu cho sự phát triển vững mạnh của công ty mình.

Hầu hết các nhà chính trị và doanh nghiệp - từ kỹ nghệ dược phẩm cho đến kỹ thuật truyền thông - luôn luôn bắt đầu bằng một ý hướng giúp giảm bớt khổ đau. Ý hướng đó cần phải được nuôi dưỡng vì khi tâm cầu lợi lấn át ý hướng cao đẹp ấy thì chúng ta sẽ tự hủy diệt. Bài học của bao nhiêu doanh nghiệp như Eron, Tyco, Worldcom sụp đổ vì gian lận nhắc nhở ta điều đó. Vì vậy kinh doanh với tâm từ bi, lân mẫn là điều rất quan trọng.

Nếu không có tâm từ bi thì dù cho giàu có cách mấy cũng không hạnh phúc được. Bạn sẽ cô đơn, sẽ bị giam hãm trong thế giới của riêng mình, và không có cơ hội để liên hệ hay hiểu biết ai. Chỉ mưu cầu tài lợi mà bỏ quên tâm từ bi sẽ làm cho bạn đau khổ cũng như làm cho người khác đau khổ.

Nhìn cho sâu sắc bạn sẽ thấy khổ đau chung quanh bạn và bạn sẽ phát tâm muốn làm vơi đi những khổ đau đó. Bạn cũng sẽ khám phá ra rằng đem niềm vui đến cho người khác là một nguồn vui lớn nhất, là một thành công vượt bậc. Tạo dựng quyền lực chân thực đâu cần phải khước từ một cuộc sống cao sang. Bạn sẽ sống thỏa mãn hơn, sẽ cảm thấy thảnh thơi, hạnh phúc khi đem niềm vui tới cho người và giúp người bớt khổ.

Xây Dựng (chương 3 - phần 2 )

Thứ hai, 09 Tháng 6 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Thực Tập Sâu Hơn Sắc Trong Công Tác

Từ Bi Và Hòa Bình

Tôi có một người bạn sống tại trung tâm Châu Âu, là một nhà hoạt động bảo vệ sinh môi. Ông ta rất dễ giận. Ông không có hạnh phúc với vợ con, cha mẹ, bạn bè và xã hội. Ông làm ô nhiễm thân tâm mình bằng thuốc lá, rượu và những phán xét tiêu cực về người khác. Ông không biết cách để làm cho nội tâm mình có bình an. Ông là người tranh đấu bảo vệ cho môi trường, nhưng ông không bảo hộ được cho chính mình. Tôi không tin ông ấy sẽ thành công trong công tác bảo vệ môi sinh, vì ông cố gắng bảo vệ trái đất bằng giận hờn, bạo động, và sự ô nhiễm của chính mình. Với cách sống như vậy ta không thể bảo vệ được thiên nhiên.

Khi có khóa tu cho những nhà bảo vệ sinh môi tại Làng Mai, chúng tôi nói với họ rằng, ' Nầy các bạn, xin bạn hãy tự chăm sóc cho chính mình, nếu bạn muốn chăm sóc cho môi trường. Môi trường trong lành của hành tinh nầy tùy thuộc vào cách thức ta xử lý thân thể, cảm thọ, tri giác và nhận thức của chính mình. Và ngược lại sự an lành của thân thể và tâm hồn ta cũng tùy thuộc vào sự an lành của trái đất. Nếu ta không thể đối phó được với vấn đề ô nhiễm và bạo động trong ta, thì thử hỏi làm sao ta có thể xử lý tình trạng ô nhiễm và bạo động bên ngoài ta, hay trong thiên nhiên không?' Sự thật thì chúng tôi nói điều nầy cho hết tất cả các nhà chuyên môn, những người đã đến Làng mai để tu học.

Những ai làm công tác cho hòa bình cần phải có nghị lực, vững chãi và nhất là khả năng trầm tĩnh. Quân bình nội tâm là một vấn đề thiết yếu cho công tác hòa bình. Nếu ta mất chánh niệm, thì ta không thể giúp được gì hết. Ta đừng nên tìm giúp những người khác, nhằm để trốn tránh đau buồn, tuyệt vọng và những xung đột nội tâm của chính mình. Nếu ta không có đủ bình an và vững chãi trong tâm hồn, thì những đóng góp của ta sẽ trở thành vô ích. Do đó trước tiên, ta nên thực tập chánh niệm và nuôi lớn năng lượng từ bi trong ta. Khi bình an và hòa điệu có mặt trong ta, thì công tác xã hội của ta mới đạt hiệu quả.

Dĩ nhiên là không phải ta chờ cho đến khi có được bình an và hòa điệu hoàn toàn, thì ta mới dấn thân vào công tác xã hội. Mỗi khi ta phục hồi được chút ít bình yên trong thân tâm, thì ta đã tạo được một chúc ảnh hưởng tích cực đến gia đình và xã hội rồi. Biết được giới hạn của chính mình và biết tự nuôi dưỡng bằng thực tập chánh niệm, thì ta sẽ biết cách quân bình nội tâm.

Ta cần phải duy trì năng lực tâm linh đừng để bị cạn kiệt. Cách hay nhất để thực hiện được điều nầy là có được một cộng đồng thực tập, mà danh từ đạo Bụt gọi là Tăng Thân. Tôi đề nghị với quý vị, những người dấng thân trong công tác giúp đỡ người khác, quý vị hãy dành một ngày trong tuần để thực tập chung với Tăng Thân. Trong suốt sáu ngày kia, khi đang làm việc, hãy cố gắng thực tập hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm, để có thể duy trì năng lượng bình an và vững chãi. Một mình ta sẽ không giúp được nhiều. Ta phải hợp tác với nhau .

Từ Bi Mang Lại Hạnh Phúc

Khi một người có từ bi đối với người khác, ta sẽ thấy được ngay là người ấy rất hạnh phúc. Đời sống quý giá lắm. Người nào nhận ra sự quý giá nầy và hiến tặng năng lượng bình an, cũng như bảo hộ sự sống cho các loài khác, thì người ấy tìm thấy được sự an bình và bảo hộ cho chính mình. Nếu ta có ước muốn bảo vệ sự sống của tất cả loài cầm thú, kể cả những côn trùng nhỏ bé, thì ta sẽ không bao giờ muốn sát hại con người. Với lòng từ bi, ta xem những người khác như chính mình. Ta thấy tất cả mọi loài liên hệ mật thiết với nhau. Tất cả chúng ta cần phải tìm phương thức để phát triển năng lực từ bi của chính mình.

Mười lăm năm trước, có một nhà quản lý kinh doanh từ Hoa Kỳ sang Làng Mai thăm tôi. Lương tâm ông nầy bị cắn rứt vì ông là người lãnh đạo của một công ty thiết kế bom nguyên tử. Tôi đã lắng nghe ông trình bày những lo ngại của mình. Tôi biết nếu tôi khuyên ông từ bỏ công việc, thì thế nào cũng sẽ có người khác thay thế ông. Nếu ông nghỉ việc, có thể ông sẽ giúp được chính mình, nhưng ông sẽ không giúp được công ty, xã hội và đất nước của ông. Tôi đề nghị ông nên giữ chức giám đốc công ty, đem chánh niệm vào công việc thường ngày, và dùng vị trí của mình để truyền thông và trình bày những nghi ngại của mình về sự sản xuất bom nguyên tử.

Trong kinh Phước Đức, Bụt dạy rằng, nếu ta may mắn có được một nghề thích hợp giúp đỡ được người khác, chế tác được từ bi và tuệ giác cho xã hội, thì đó là hạnh phúc lớn nhất. Ngành nghề của các nhà chuyên môn có thể cho họ cơ hội tốt đẹp nầy. Nhưng tiết thay có nhiều tác viên xã hội, các bác sĩ, và những nhà trị liệu chỉ làm việc để kiếm tiền, chớ không phải để vun bồi thêm năng lực từ bi. Nếu người thiết kế bom làm việc đi đôi với thực tập chánh niệm, thì việc làm của người ấy vẫn có thể nuôi dưỡng được từ bi và vẫn có cách để giúp đỡ người khác. Người ấy có thể đề bạc ra một ý thức chung cho tình trạng hiện thời, để tạo ảnh hưởng đến chính phủ và người dân trong nước. Và cho mọi người trong nước một cơ hội để đặc câu hỏi về sự cần thiết của công nghệ sản xuất bom.

Nhiều người rất giàu, có quyền thế, có địa vị quan trọng trong lãnh vực kinh doanh, chính trị, và giải trí nhưng vẫn không có hạnh phúc. Họ tiếp tục đi tìm những thứ trống rỗng, như tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc dục, và lần hồi họ hủy hoại chính mình và những người chung quanh. Tại Làng mai chúng tôi có tổ chức khóa tu cho những nhà kinh doanh. Chúng tôi thấy họ có rất nhiều vấn đề khó khăn và khổ đau cũng như bao người khác, đôi lúc còn tệ hơn nữa. Mặc dù sự giàu có cho họ một cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi, nhưng tinh thần vẫn khổ sở vô cùng.

Nhiều nhà kinh doanh cảm thấy trống rỗng trong ngành nghề, mặc dù họ đã tin chắc rằng công việc của họ rất quan trọng. Họ cung ứng được việc làm cho nhiều người trong các hãng xưởng, báo chí, công ty bảo hiểm và liên kết thị trường. Tuy rất thành công trên phương diện tài chánh, nhưng hạnh phúc thì trống không, vì động lực làm việc không phải xuất phát từ hiểu biết và thương yêu. Vì bị kẹt vào thế giới nhỏ bé của lợi tức, nên họ không ý thức được tình trạng khổ đau và nghèo đói trên thế giới. Khi ta không tiếp xúc được với thực tại rộng lớn, thì ta có rất ít chất liệu từ bi để nuôi dưỡng tinh thần và bồi đắp thêm hạnh phúc cho ta.

Một khi chúng ta thấy được tính tương quan, tương tức mật thiết giữa ta và người, thì ta sẽ thấy rằng những hành động của mình ảnh hưởng đến đời sống của riêng ta và tất cả những người khác. Ta bắt đầu nghi vấn về cách sống, và có cái nhìn mới mẻ hơn về phẩm chất trong những liên hệ cũng như trong công việc mình đang làm. Ta sẽ tự thấy rằng, ' Vâng, tôi phải kiếm sống, nhưng tôi rất muốn sống chánh niệm. Tôi sẽ cố gắng chọn một nghề không tàn hại những loài khác và thiên nhiên. Một nghề không lạm dụng tài nguyên của trái đất.'

Các công ty làm ăn cũng có thể thích nghi được với tư tưởng nầy. Những công ty có quyền theo đuổi sự phát triển của kinh tế thị trường, nhưng không được bóc lột trên xương máu người khác. Họ phải tôn trọng và bảo toàn sự sống của con người, cầm thú, cỏ cây và đất đá. Không nên đầu tư tiền bạc hay công sức vào những doanh nghệ cướp đoạt sự sống của kẻ khác. Hoặc những công ty lạm dụng công sức con người, cầm thú và phá hủy thiên nhiên.

Những nhà kinh doanh đến thăm Làng Mai thường thấy ra rằng, có tiếp xúc với khổ đau của người khác và vun trồng tuệ giác, thì sè có hạnh phúc. Họ thực tập giống như Cấp Cô Độc, một doanh thương rất thành công trong thời Bụt còn tại thế. Nhờ thực tập chánh niệm mà Cấp Cô Độc đã hết lòng giúp đỡ cho những kẻ nghèo đói, bệnh tật trong đất nước của mình.

Xây Dựng (chương 3 - phần 1 )

Chủ nhật, 08 Tháng 6 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Chương 3

Hòa bình bắt đầu bằng chính mỗi chúng ta

Mang sự tu tập vào đời sống hàng ngày

Năm 1968, trong thời kỳ cao điểm của chiến tranh Việt Nam. Học trò tôi Sư Cô Chân Không đang làm công việc xây dựng nông thôn tại làng Thảo Điền. Trong khu làng tương đối bình yên nầy, chúng tôi đang bảo trợ một số chương trình nhằm giúp nông dân phát triển đời sống của họ. Ngày kia, khi Sư Cô Chân Không đến làng, Sư Cô sửng sốt vì thấy làng bị lính Mỹ chiếm đóng, họ mang theo nhiều lựu đạn và súng máy. Trông những người lính có vẻ rất bất an và sợ hãi, họ sẵn sàng nổ súng bất cứ lúc nào. Ngay lúc đó, Sư Cô nhớ đến những bản tường thuật trên tất cả các tờ báo tiếng Việt về làng Mỹ Lai. Lính Mỹ đã tàn sát gần hết khu làng nầy, phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người già. Cô biết là nếu lúc nầy chỉ cần có một người nào trong làng hốt hoản la lên hoặc có những hành động phản kháng, thì sẽ gây nên phản ứng tự vệ nơi những người lính Mỹ, và họ có thể bắn vào dân làng, giống như sự kiện tại làng Mỹ Lai.

Ngay lúc đó Sư Cô bắt đầu thực tập theo dõi hơi thở để làm lắng dịu thân tâm và giữ bình tĩnh. Tâm trí tĩnh lặng cho nên Sư Cô thấy một cách sáng suốt là mình nên làm gì và không nên làm gì trong hoàn cảnh nguy hiểm nầy. Nhìn mặt những người lính Mỹ, Sư Cô thấy họ còn quá trẻ, bằng tuổi những người học trò của Cô ở trường đại học. Sư Cô biết, những người lính nầy đang mang đầy những nghi kỵ và sợ hãi trong lòng.

Sư Cô Chân Không chậm rãi đến gần một người lính, và dùng vốn liếng tiếng Anh giới hạn của mình, lịch sự Sư Cô hỏi người lính, 'thưa, các anh muốn tìm ai? Tôi có thể giúp gì cho các anh? ' Người lính trẻ ngạc nhiên khi nghe có người nói tiếng Anh. Anh ta nhìn người phụ nữ trẻ rụt rè đang đứng trước mặt, nhìn vào mắt cô, anh ta biết cô thật sự muốn giúp. Anh ta nói, 'Chúng tôi muốn tìm Việt Cộng.' Sư Cô Chân Không trả lời, ' Trong làng nầy không có Việt Cộng.' Cô tiếp, ' Bốn ngày trước có một nhóm du kích đến làng. Họ muốn giết ông trưởng làng và đốt nhà ông ấy. Người dân trong làng van xin họ đừng đốt, vì nhà ở đây làm bằng lá dừa, và nếu đốt nhà ông ta thì tất cả nhà trong làng đều bị cháy hết. Chúng tôi đã cầu xin người cầm súng đừng giết ông nầy, ông ta là một người tốt. Nếu các vị giết ông ta, thì chính quyền Sài Gòn sẽ gởi người khác đến, và vị mới nhậm chức nầy sẽ có thể gây thêm phiền toái cho chúng tôi lắm.'

Anh lính trẻ lắng nghe Sư Cô Chân Không, và rồi anh ta gọi nhân viên trách vụ đến, người ấy bước tới và hỏi Sư Cô vài câu. Một lần nữa Sư Cô giải thích là không có Việt Cộng trong làng. Nửa giờ sau, toàn bộ tiểu đội Mỹ rút đi. Tránh được cảnh đổ máu và đem lại bình yên, đó là nhờ chánh niệm và sự trầm tĩnh của một người nữ trẻ tuổi, đã biết cách thở, nhìn sâu và truyền thông một cách từ bi với những người lính.

Chiến tranh bùng nổ hay chấm dứt đều do cách sống của mỗi chúng ta. Mỗi buổi sáng, khi thức dậy, ta nên ý thức rằng tiềm năng bạo động và chiến tranh có thể bắt đầu khởi sự trong ta. Vì thế sáng sớm, khi mới tỉnh giấc, ta nên tập tưới tẩm những hạt giống của từ bi và bất bạo động trong ta. Ta thử chọn những phương cách thực tập chánh niệm hay nhất, để có thể giúp ta chuyển hóa những tranh chấp trong lòng. Hãy bắt đầu hòa bình bằng chính tự thân mình. Khi biết thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày, ta bắt đầu xây dựng được nền tảng cho bình an, gieo hạt giống hiểu biết vào tâm ta và những người chung quanh.

Tất cả chúng ta ai cũng nóng lòng muốn ngăn chận và chấm dứt chiến tranh ngay tức khắc. Vì thế rất nhiều người muốn đứng lên hành động, nhưng thường ta cảm thấy thất vọng và nản chí vì không giúp được gì. Đừng nên cho phép những cảm xúc nầy phủ trùm lấy ta. Những cảm xúc ấy không lợi lạc gì cho ta và cho xã hội. Ta có thể giúp trong công tác xây dựng hòa bình, nhưng nếu chỉ có tuyên bố chống chiến tranh suông, thì chưa đủ. Ta có thể hò hét một khẩu hiệu nhiều lần, 'Bạo động là bất nhân, là phá hoại,' nhưng nếu chỉ có la hét, thì ta không thể chấm dứt được chiến tranh. Mỗi bước chân chánh niệm ta đặt xuống, mỗi hơi thở ý thức ta thực hiện, sẽ tạo dựng được hòa bình trong giây phút hiện tại và ngăn ngừa chiến tranh trong tương lai.

Nếu ta chuyển hóa được tâm thức cá nhân, thì ta đang bắt đầu quá trình chuyển hóa tâm thức cộng đồng. Ta không thể nào chuyển hóa được tâm thức xã hội, nếu cá nhân không thay đổi. Cộng đồng được hình thành bởi mỗi cá nhân, và mỗi cá nhân làm nên cộng đồng. Và mỗi hành động của một cá nhân, đều ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng.

Vũ khí duy nhất của chúng ta là tình thương

Năm 1965, Tôi đang tu tập trong tu viện Trúc Lâm tại Sài Gòn. Ngày nọ, học trò của tôi Sư Chú Nhất Trí đang đi trên đường phố. Bỗng có một chiếc xe chở quân đội Mỹ chạy ngang qua. Một anh lính đứng sau xe, nhổ nước bọt lên đầu Chú Nhất Trí. Chú tìm đến tôi và khóc, vì Chú cảm thấy nhục nhã quá. Tôi nói với Chú rằng, có thể anh lính Mỹ đã nghe tuyên truyền nhiều về các Thầy và các Sư Cô, là những người Cộng Sản. Vì thế khi anh lính gặp Sư Chú Nhất Trí, anh ta đã biểu lộ sự căm ghét của mình bằng cách nhổ nước bọt lên đầu Chú. Những người lính Mỹ nầy là nạn nhân của nhận thức sai lầm và vô minh. Tôi nói, ' Nầy con, con đừng căm hận anh ta, vì nếu con căm ghét anh ta, thì có nghĩa là con vẫn chưa có trí tuệ.' Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, nhiều người trẻ tuổi đã muốn từ bỏ con đường thực tập bất bạo động, và gia nhập vào Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc, để cầm súng chống lại người Mỹ. Tôi đã ôm Chú Nhất Trí trong vòng tay và nói, ' Con ơi, chúng ta sinh ra không phải để cầm súng, chúng ta sinh ra là để thương yêu. Tình thương là vũ khí duy nhất ta mang bên mình.' Những lời nói đó đã giúp Sư Chú tìm lại được mục đích ban đầu của mình, tiếp tục ở lại tu tập và làm công tác xã hội.

Thế giới đang tràn ngập những kỳ thị, bạo động và hận thù. Nếu ta bị khống chế bởi những nguồn năng lượng nầy, thì ta không thể nào giúp được những người khác và hành tinh của mình. Vì thế, ta phải vun bồi thảnh thơi, vững chãi và hiểu biết. Ta không cần trở thành Sư Chú hay Sư Cô mới có thể làm được những điều đó. Ta chỉ cần mở lòng tiếp xúc với tánh Bụt và Tâm Thương Yêu nơi chính mình.

Viết một lá thư thương yêu

Thông thường người ta nghĩ rằng, tôi sẽ thấy nhẹ nhàng hơn, chỉ khi nào tôi có cơ hội nói ra được sự bất mãn và đau buồn của mình. Nhiều người trong chúng ta đã làm điều nầy trong quá khứ, và đã không giúp được gì. Nhiều khi ta đã nói ra được sự thất vọng, giận hờn, đau buồn và oán trách của mình, nhưng ta vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn, cho nên ta phải có những biện pháp hay hơn.

Khi đã thực tập và chuyển hóa được những đau buồn của ta, thì ta có thể bắt đầu học hỏi phương cách để diễn bày tâm trạng của chính mình. Ta trình bày như thế nào để người khác hết lòng lắng nghe và hiểu rõ những gì ta muốn nói. Nếu ta chỉ trách móc và lên án, thì lời nói của ta không có lợi lạc. Với chánh niệm, ta có thể tập nói rất khéo mà vẫn thành thật. Rất nhiều người có thể viết một lá thư phản kháng, một tờ đơn khiếu nại, nhưng rất ít người trong chúng ta có khả năng viết một lá thư thương yêu. Diễn bày tâm trạng của ta bằng lòng thương là một nghệ thuật. Khi ta có tuệ giác và từ bi, thì ta sẽ dễ dàng thành công trong việc nói ra vấn đề của mình với người khác.

Nếu ta nói bằng giọng điệu giận hờn, đổ lỗi hay trừng phạt, ta sẽ thất bại. Ta chỉ tạo thêm hố ngăn cách. Ta phải hành động bằng Tâm Thương Yêu. Khi khơi dậy được Tâm Từ Bi trong ta, thì ta đang có lợi thế để viết một lá thư thương yêu. Lá thư của ta sẽ phản chiếu được sự trầm tĩnh, trong sáng và từ bi, được như vậy thì người khác sẽ mở lòng tiếp nhận những điều ta chia sẻ.

Xây Dựng (chương 2 - phần 3)

Thứ bảy, 07 Tháng 6 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Chuyển hóa khổ đau

Để làm bạn và ôm ấp những cảm xúc đau buồn của chính mình, ta hãy thử thực tập những bài thiền hướng dẫn dưới đây.

Thực tập mỉm cười để ôm ấp và chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực

1. Thở vào, tôi ý thức toàn thân. Thở ra, tôi mỉm với toàn thân.

2. Thở vào, tôi ý thức cảm thọ đau nhức trong thân. Thở ra, tôi mỉm cười với cảm thọ đau nhức ấy.

3. Thở vào, tôi ý thức cảm thọ đau buồn trong tâm. Thở ra, tôi mỉm cười với cảm thọ đau buồn ấy.

4. Thở vào, tôi ý thức cảm giác sợ hãi trong tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với cảm giác sợ hãi.

5. Thở vào, tôi ý thức cảm giác không an toàn trong tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với cảm giác không an toàn.

6. Thở vào, tôi ý thức cảm thọ buồn trong tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với cảm thọ buồn.

7. Thở vào, tôi ý thức cảm xúc giận trong tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với cảm xúc giận.

8. Thở vào, tôi ý thức sự ganh tỵ trong tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với sự ganh tỵ.

Khi ta có một cảm thọ dễ chịu, thường ta muốn duy trì cảm thọ này càng lâu càng tốt.

Những bài thiền tập dưới đây giúp nhận diện và nuôi dưỡng những hạt giống tích cực trong ta.

Thực tập ôm ấp và nuôi dưỡng những cảm thọ tích cực

1. Thở vào, tôi đang thấy trong tôi yên tĩnh. Thở ra, tôi mỉm cười với sự yên tĩnh.

2. Thở vào, tôi đang thấy niềm vui trong tôi . Thở ra, tôi mỉm cười với niềm vui.

3. Thở vào, tôi thấy yếu tố buông bỏ đang có mặt trong tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với yếu tố buông bỏ.

4. Thở vào, tôi thấy sự cởi mở đang có mặt trong tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với sự cởi mở.

5. Thở vào, tôi thấy niềm hạnh phúc đang có mặt trong tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với niềm hạnh phúc.

Bảo hộ tự thân bằng chánh niệm

Những thực tập trong chương nầy nhằm giúp chuyển hóa hạt giống bạo động trong ta, và đồng thời giúp ta biết cách xử lý bạo động đang hướng tới mình. Thiền tập theo những hướng dẫn nầy, ta sẽ học được nghệ thuật chuyển hóa tự thân bằng chánh niệm, mà cũng là nền tảng căn bản để giúp những người khác chuyển hóa chính họ. Với những bài thực tập nầy ta sẽ làm lớn lên hạt giống của từ, bi, hỷ, xả, và đồng thời dừng lại sự phát triển của hạt giống bạo động trong tâm thức mình. Đây là những thực tập cụ thể, ta có thể dùng trong đời sống hàng ngày.

Học hạnh không kỳ thị của đất

Bụt có lần dạy cho Rahula, con trai của Người, đã xuất gia. Bụt dạy rằng Đất luôn luôn tiếp nhận và chuyển hóa tất cả những thứ mà người ta đổ lên nó. Nếu ta đổ phân rác dơ bẩn xuống Đất, thì Đất sẽ tiếp nhận mà không hề phản kháng hay buồn tủi. Nhưng nếu ta đổ những loại nước thơm như sữa hay nước hoa vào Đất, thì Đất cũng không hề tự hào hoặc kiêu hãnh. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, Đất có thể chuyển hóa hết tất cả những thứ, mà ta cho là dơ bẩn, thành ra những bông hoa tuyệt đẹp hay thành rau cải rất ngon ngọt. Hạnh của Đất là tiếp nhận tất cả mọi vật dù xấu hay đẹp, mà không hề kỳ thị. Chúng ta phải thực tập giống như Đất.

Có nhiều khi, chính những người gần gủi nhất lại đổ lên đầu ta những giận hờn, thù ghét và nhận thức sai lầm của họ. Có thể là ta chưa đủ khả năng để tiếp nhận và chuyển hóa những rác rến, mà người khác đổ lên mình. Vì thế thay vì chống trả lại họ, thì ta nhớ rằng ta là con trai, con gái của Đất, ta có thể học hỏi để được như Đất - dũng mãnh, kiên trì và không lay động.

Xin hãy trở về học nơi Đất Mẹ cách tiếp nhận và chuyển hóa mọi sự, mọi việc với tâm hồn hỷ xả. Mỗi khi ta đau khổ, hãy trở về tiếp xúc với Đất tâm của mình và nói rằng : "Đất ơi! Em khổ đau nhiều lắm, xin hãy giúp em tiếp nhận những khổ đau nầy". Ta không thể tách rời ra khỏi Đất, ta chính là Đất. Khi thực tập được như vậy, ta ít khổ đau hơn. Khi ta học được hạnh ôm ấp của Đất Mẹ, thì ta sẽ chấp nhận được tất cả. Ta sẽ chuyển hóa khổ đau và không còn phiền muộn nữa. Giờ đây, ta nở được nụ cười thật tươi đối với người làm cho mình bị tổn thương.

Nhận diện Phật Tánh trong ta

Thỉnh thoảng có một cảm thọ tiêu cực khởi lên và xâm chiếm tâm tư ta. Trong lòng ta chứa đầy bực bội và ta không thể nào buông thư được. Cảm thọ của ta giống như những đài truyền hình. Nếu ta không thích đài đang mở, thì ta có thể đổi sang đài khác. Đây là thực tập mà Bụt gọi là " thay chốt " thay thế một cảm thọ tiêu cực bằng một cảm thọ tích cực. Chốt là một cây đinh lớn bằng gỗ, dùng để nối hai phần cây lại với nhau. Nếu chốt cũ bị hư, thì ta đẩy nó ra bằng cách đóng chốt mới vào.

Đôi khi, ta cố gắng thay thế một cảm xúc tiêu cực bằng một tư tưởng hay một cảm thọ tích cực hơn, nhưng rồi cảm xúc tiêu cực ban đầu cứ tiếp tục trở lại. Sự kiện nầy có thể tạo ra xung đột trong lòng. Trong trường hợp như thế, cách hay nhất để xử lý khổ đau của mình, là thực tập quay về nương tựa hải đải tự thân và nhận ra rằng ta có khả năng để sống trầm tĩnh, có đầy đủ hiểu biết, thương yêu và bình an trong tâm mình. Đó là chân tánh, là Phật tánh, giác ngộ tánh của ta. Nếu ta đưa chất liệu của từ bi và trí tuệ lên bề mặt ý thức, và nhận diện sự có mặt của những năng lượng nầy, thì ta sẽ bớt khổ ngay lập tức.

Phật tánh không phải là một ý niệm trừu tượng, mà là một thực tại ta có thể tiếp xúc và thể nghiệm được. Phật tánh hiện hữu trong từng tế bào của thân thể ta. Những tế bào của cơ thể không phải được cấu tạo chỉ bằng vật chất. Cơ thể là vật chất và cũng là một biểu hiện của tâm thức. Cái một chứa cái tất cả, mỗi tế bào chứa đựng tất cả mọi thứ khác. Cái vô cùng nhỏ chứa đựng cái vô cùng lớn. Mỗi tế bào trong cơ thể của ta chứa đựng tất cả những tài năng, tuệ giác, đức độ, và hạnh phúc của Bụt, cũng như của ông bà tổ tiên tâm linh và huyết thống.

Tuy nhiên, mỗi tế bào cũng chứa đựng trong tự thân nó những hạt giống của địa ngục, bạo động, ganh tỵ, hận thù và những năng lượng tiêu cực khác. Nhưng ta có thể tu tập để năng lượng chánh niệm, hiểu biết và thương yêu trong ta, không bị năng lượng địa ngục phủ lấp. Khi ta khổ đau ta quên mất Phật tánh của mình, và cứ tin rằng trong ta chỉ có buồn khổ, sợ hãi và thù hận mà thôi. Xin qúy vị hãy tin vào Phật tánh của mình.

Bụt phải đối diện với những sợ hãi của chính mình khi Người đi trên con đường giác ngộ. Sau khi Bụt chuyển những mũi tên của Ma Vương thành những bông hoa. Và Ma Vương đã thất bại vì không gieo được nghi ngờ và sợ hãi nơi tâm Bụt, Ma Vương lại xuất hiện thêm hai lần nữa. Một lần dưới hình dáng một thiếu nữ tuyệt đẹp, quyến rũ Bụt bằng sắc dục nhằm lôi cuốn Ngài từ bỏ mục đích tu tập của mình. Bụt đưa bàn tay lên và nói: " Ngươi chỉ là sự đam mê mà thôi. Ngươi không có thật". Với lời tuyên bố nầy, thiếu nữ biến mất. Không thắng được Bụt bằng sự nghi ngờ, sợ hãi và sắc dục, Ma Vương lại hiến dâng cho Bụt quyền lực và sự giàu mạnh vô hạn. Một lần nữa, Bụt lại đưa bàn tay lên đánh bại Ma Vương và xem sự hiến dâng của chúng như vọng tưởng. Mỗi lần Ma Vương tìm cách quyến rũ Bụt, Người đều mang ý thức chánh niệm trở về chân tánh của mình, gọi tên vọng tưởng ấy, và bằng cách nhận diện cũng như nhìn sâu vào bản chất của những vọng tưởng đó, Người liền vượt thoát được sự khống chế của chúng.

Mỗi khi đau buồn, ta nhớ trở về Phật tánh của mình, và dùng năng lực chánh niệm cũng như sự trầm tĩnh để quán chiếu sâu vào hoàn cảnh khó khăn ấy. Nếu cứ để cho những cảm xúc tiêu cực khống chế, thì ta sẽ phản ứng theo lề thói cũ và sẽ làm cho tình trạng nặng nề hơn. Ta sẽ nói ra những lời không dễ thương và có ý trừng phạt người kia. Tất cả chúng ta đều đã làm như vậy nhiều lần lắm rồi. Muốn phá vỡ tập khí khổ đau nầy, ta phải thực tập chánh niệm và tiếp xúc cho được với Phật tánh của mình.

Một thực tập cụ thể để nuôi dưỡng Phật tánh, là thực tập hộ trì những giác quan của mình. Bụt dạy rằng sáu giác quan - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, mỗi giác quan giống như đại dương sâu, với những đợt sóng ngầm, những loài thủy quái, và những thứ nguy hiểm đang ẩn núp chờ đợi cơ hội để chiếm lấy ta. Khi nhìn thấy một hình ảnh, nghe một âm thanh hoặc mếm một vị nào đó, ta có thể bị thất niệm, sợ hãi hay thèm khác cuốn đi. Ta dễ dàng đánh mất sự bình an cũng như khả năng thương yêu và hiểu biết của mình. Vì vậy, nếu không liên tục thực tập gieo trồng năng lượng chánh niệm để soi sáng và hộ trì cho từng giác quan, thì lúc tai họa ập đến ta không thể dễ dàng làm chủ được thân tâm mình.

Tất cả chúng ta, tuy có đầy những cảm xúc tiêu cực trong lòng, nhưng ai cũng có Phật tánh, và cả hai nguồn năng lượng nầy có thể cùng nhau có mặt trong tinh thần hòa bình. Vấn đề là thực tập nhận diện Phật tánh chớ không phải chạy đi tìm Phật tánh. Đối với cảm xúc tiêu cực cũng vậy, ta chỉ nhận diện chúng mà không nên có thái độ trốn tránh. Chánh niệm có công năng giúp ta duy trì năng lượng an bình, vững chãi và từ bi của mình trong mọi thời và mọi hoàn cảnh.

< Lùi

Tiếp theo >

Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 18 Tháng 4 2009 18:32 )

Liên kết website .:::. Plum Village .:::. Village Des Pruniers .:::. Tu Viện Lộc Uyển .:::. Tu Viện Bích Nham .:::. Thai Plum Village .:::. Mindfulness Bell .:::. Parallax .:::. Lá Bối

Trang nhà Làng Mai với tính chất nội bộ, chúng tôi chỉ đưa những thông tin thuộc Làng Mai, những pháp môn của Làng Mai, và những bài thơ, truyện ngắn, tùy bút có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm, khuyến khích sự tu tập.

Xây Dựng (chương 2 - phần 2 )

Thứ sáu, 06 Tháng 6 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Thiền hành

Thiền hành là thực tập ý thức trong khi đang đi. Thay vì để cho sự lo âu, bất an, những dự tính về tương lai hay hối tiết quá khứ kéo ta đi, thì ta trở về an trú trong giây phút hiện tại, để hết tâm ý vào từng bước chân của mình. Thực tập đã về đã tới trong từng bước chân. Ta đã tới nhà thật sự rồi, tại sao ta vẫn còn chạy? Dù đang đi trên đường, đi vào cư xá, hoặc chỉ đi từ phòng nầy sang phòng khác, ta đều chú tâm tới sự xúc chạm giữa lòng bàn chân và mặt đất. Để ý xem ta đi bao nhiêu bước trong một hơi thở vào, và trong một hơi thở ra. Khi thở vào, ta nói thầm 'Vào' theo từng bước, khi thở ra ta nói 'Ra' theo từng bước. Chúng ta có thể thực tập thiền hành bất cứ lúc nào trong ngày.

Phương pháp ý thức hơi thở và thiền hành là những thực tập cụ thể, mà ta có thể áp dụng để đem lại bình an cho sự sống của mình. Những pháp môn nầy sẽ giúp làm lắng dịu tâm tư, tập trung tâm ý, buông bỏ những cảm xúc không lành mạnh, và đưa ta trở về giây phút hiện tại để thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống. Thực tập thiền hành và hơi thở ý thức sẽ giúp ta đặt nền tảng cho pháp môn truyền thông chánh niệm.

Nói và nghe bằng tâm từ bi

Hiện nay sự truyền thông trên bình diện cá nhân, gia đình và quốc gia càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên vẫn có những phương thức cụ thể nhằm giúp chúng ta truyền thông theo tinh thần bất bạo động, đánh thức năng lượng từ bi và phục hồi lại sự thông cảm nơi mỗi con người.

Nói và lắng nghe bằng tâm từ bi là những thực tập rất quan trọng trong tinh thần truyền thông không bạo động. Truyền thông chánh niệm nghĩa là ý thức được ta đang nói điều gì, khi nói biết dùng ngôn ngữ tế nhị, nhẹ nhàng và thương yêu. Mặt khác, ta cũng lắng nghe thật sâu, những gì người khác đang nói và chưa nói ra. Chúng ta có thể dùng những phương pháp nầy bất cứ lúc nào và trong tất cả mọi hoàn cảnh.

Để giữ cho thân thể ta khỏe mạnh, trái tim phải bơm máu liên tục hai mươi bốn giờ đồng hồ. Muốn cho mọi liên hệ được tốt đẹp, ta phải luôn luôn có chánh niệm khi truyền thông. Nhiều người vì chứa đầy bực bội và giận hờn trong lòng, nên khi truyền thông rất khó thành công. Cho dù có đến với người kia bằng tâm niệm thiết tha và có ý muốn lắng nghe người ấy, nhưng nếu không có khả năng dùng ngôn ngữ nhẹ nhàng, từ ái, thì không có hy vọng gì để người kia sẽ lắng nghe và tiếp nhận những điều ta nói. Có lẽ ta cũng muốn dùng ngôn từ ái ngữ và êm dịu, nhưng thông thường khi bắt đầu nói, thì tự nhiên đau buồn, sợ hãi và tuyệt vọng lại trào ra. Thay vì ước muốn tốt đẹp là hòa giải, chúng ta lại bắt đầu đổ lỗi, trách móc và phán xét quá lời. Giọng điệu ta trở nên chua chát chứa đầy bực bội làm cho người kia phản kháng lại, vì họ không còn nghe nổi những điều ta nói nữa. Truyền thông bị đỗ vỡ. Khi sự kiện nầy xảy ra ta cần phải học lại cách truyền thông.

Vậy thì làm thế nào để có thể đạt được khả năng lắng nghe và sử dụng ái ngữ với người khác? Muốn thực hiện được điều nầy, trước hết ta phải chăm sóc những đau buồn và giận hờn của mình. Để phát huy năng lượng chánh niệm, ta cần phải thực tập hơi thở ý thức và thiền hành. Đôi khi phải tu tập nhiều tuần lễ, hay nhiều tháng thì ta mới có thể vượt thoát đau buồn và dùng được ngôn ngữ từ ái. Khi chánh niệm vững vàng, thì rất dễ cho ta nhìn sâu vào hoàn cảnh để phát khởi năng lượng hiểu biết và thương yêu. Có được chánh niệm vững chãi, thì chắc chắn ta sẽ có khả năng dùng ái ngữ và chuyển hóa được khổ đau của mình.

Về khả năng lắng nghe ta cũng thực tập giống như trên. Nếu ta không thể ôm ấp và chuyển hóa những sân hận, đau buồn của chính mình, thì sẽ khó mà lắng nghe khổ đau của người khác. Nhất là khi ngôn từ của người kia chứa đầy những phán xét tiêu cực, đổ lỗi và nhận thức sai lầm. Mặc dù trong lòng, ta rất muốn lắng nghe người kia và cũng đã cố gắng hết sức của mình. Nhưng sau một vài phút, ta cảm thấy choáng váng và không thể tiếp tục nghe nữa dù chỉ một lời. Ta đã nguyện ngồi nghe với lòng xót thương cho dù người kia có lên án, nói lời khiêu khích và chỉ trích. Nhưng vẫn không thực hiện được ước muốn tốt đẹp đó, vì ta không thể xử lí được năng lượng tức giận khởi lên trong tâm mình.

Người tâm sự với ta sẽ đỡ khổ rất nhiều, nếu ta kiên nhẫn ngồi lắng nghe người ấy chỉ một giờ đồng hồ. Ta có thể duy trì được năng lượng từ bi trong lòng, nếu biết lắng nghe với tâm hồn rộng mở. Làm được điều nầy là cho người kia cơ hội để nói ra được những cảm xúc của mình.

Ta cần phải thực tập nghiêm túc mới đạt được khả năng lắng nghe đó. Song song với thực tập hơi thở ý thức và thiền hành, chúng ta nên thực tập theo thiền hướng dẫn dưới đây, để giúp chuyển hóa những hạt giống giận hờn và bực bội trong ta, và giúp ta mở lòng ra để lắng nghe người khác bằng trái tim từ bi.

THIỀN HƯỚNG DẪN - LẮNG NGHE VỚI TÂM TỪ BI

1. Thở vào, Tôi biết Tôi đang thở vào. Thở ra Tôi biết Tôi đang thở ra. . . Vào, Ra

2. Thở vào, Tôi làm êm dịu cơ thể. Thở ra Tôi mỉm cười. . .êm dịu, mỉm cười

3. Thở vào, Tôi biết Tôi đang khổ. Thở ra, Tôi mỉm cười từ bi. . . Khổ đau của tôi, Nụ cười từ bi

4. Thở vào, Tôi biết anh đang khổ. Thở ra, Tôi mỉm cười từ bi ... Khổ đau của anh, Nụ cười từ bi

5. Thở vào, Tôi biết chúng ta cả hai đều khổ. Thở ra, Tôi muốn hai người có một cơ hội mới. . . Khổ đau của chúng ta, một cơ hội mới

6. Thở vào, Tôi lắng nghe. Thở ra, Tôi nghe . . . Lắng nghe, Nghe

7. Thở vào, Tôi lắng nghe niềm cay đắn của anh. Thở ra, Tôi ôm anh vào lòng . . . Cay đắn, Ôm ấp

8. Thở vào, Tôi lắng nghe nhận thức sai lầm của anh. Thở ra,Tôi không bị phiền giận đốt cháy. . . Nhận thức sai lầm, không bị thiêu đốt

9. Thở vào, Tôi biết Tôi đã làm cho anh đau khổ. Thở ra, Tôi xin lỗi. . . Anh đau khổ, Tôi xin lỗi

10. Thở vào, Tôi mở rộng lòng. Thở ra, trong lòng tôi có không gian cho anh . . . Mở lòng ra, không gian cho anh

11. Thở vào, Tôi muốn tôi có hạnh phúc. Thở ra, Tôi muốn anh có hạnh phúc. . . Tôi hạnh phúc, Anh hạnh phúc

12. Thở vào, Tôi thấy chúng ta hạnh phúc. Thở ra, đó là điều Tôi mong muốn. . . hạnh phúc của Chúng ta, là điều tôi mong muốn

Phải có ít nhất là một người trong mỗi gia đình có khả năng truyền thông bằng ái ngữ. Người đó có thể là anh, chị, cha hoặc mẹ. Có ai trong gia đình của ta có khả năng làm được điều nầy không? Hoặc là có người nào có thể giúp những thành viên trong gia đình thực tập lắng nghe và dùng ái ngữ không? Ta có thể đóng vai trò người như vậy trong gia đình mình, với bạn bè, tại nhà thờ, giáo đường, tăng thân, cộng đồng hoặc nơi làm việc không? Có thể có một giáo viên trong trường nơi con mình học, vị nầy có khả năng lắng nghe với lòng thương và khi nói không vun vải ra ngoài giận hờn hoặc phán xét. Người biết thực tập lắng nghe và dùng ái ngữ, là người đang thực tập tinh thần hòa bình. Người ấy đang mở cánh cửa để cho hiểu biết, an lạc và hòa giải đi vào gia đình và xã hội.

Chúng ta cần người có khả năng thực tập lắng nghe và ái ngữ trong trường học, tại Quốc Hội, tòa đô sảnh... Nhiều người trong chúng ta đã đánh mất khả năng nầy. Để có hòa bình, thì trước hết phải có sự hiểu biết, nhưng hiểu biết không thể có được, nếu không có truyền thông bằng sự thông cảm và thương yêu. Do đó thiết lập lại sự truyền thông là một thực tập rất thiết yếu cho con đường tạo dựng hòa bình. Truyền thông là nền tảng, là sự phát triển để hoàn thiện tinh thần sống không bạo động.

Thực tập truyền thông chánh niệm có thể giúp ta giáo dục cho con em mình, chỉ bày cho các em cách thức để tự hộ trì và giúp các em thấy được niềm tin của bậc phụ huynh đối với giới trẻ. Ta có thể nói, 'Con ơi, con sẽ khổ nếu con nói như vậy, vì thế con nên cẩn thận hơn.' Con mình sẽ hiểu ngay. Ta hãy tin vào sự hiểu biết của con mình và làm tấm gương tốt cho các cháu. Nếu bậc cha mẹ biết lắng nghe và nói năng chánh niệm, thì con cháu sẽ học hỏi và làm theo.

Nếu ta hút thuốc lá, thì con cháu sẽ hút theo; ta uống rượu thì các em cũng sẽ uống rượu. Nếu ta nói và hành xử quá thô bạo, thì các em bị tiêm nhiễm và sẽ làm giống hệt như vậy. Mỗi người chúng ta phải có bổn phận chỉ bày cho con em mình cách sống theo tinh thần từ bi và không bạo động. Ta dạy người khác bằng cách sống của mình, chứ không phải chỉ bằng lời nói. Nếu không thể xử lý năng lượng giận hờn và bạo động trong lòng, thì ta không thể nào giúp được người khác, dù cho đó là con mình. Chỉ khi nào ta biết sống bình an và hạnh phúc, thì hành động của ta mới phù hợp với tinh thần bất bạo động.

Ta bực bội một cách dễ dàng, khi thấy người nào đó, nhất là một cháu nhỏ nói hoặc làm những điều không hợp ý mình. Nếu không có đủ tuệ giác và tình thương bảo hộ cho ta, thì những hành vi tiêu cực của người kia sẽ khuấy động năng lượng bực tức trong lòng ta. Khi ta phiền giận người nào đó hay chính con mình, thì lúc ấy ta không nên đứng ở cương vị giúp đỡ hay chỉ bảo người kia. Trong những trường hợp như thế, ta phải dừng lại, không nói năng và hành động bất cứ điều gì. Mà hãy thực tập thiền hành, mỉm cười và ý thức từng hơi thở, bình an sẽ trở về với ta ngay. Khi thấy có đủ trầm tĩnh, ta tìm cách hay nhất để gần gũi và giúp đỡ người kia, để trong tương lai người ấy sẽ không nói hoặc làm những điều gây ra tổn thương nữa. Nếu đủ sáng suốt, ta sẽ không đổ tội hay trừng phạt, mà sẽ xử lý những trường hợp như vậy với hiểu biết và thương yêu. Đó là phương cách để chăm sóc những hạt giống giận hờn và bạo động trong ta.

Tất cả chúng ta đều có quyền đau khổ, nhưng không có người nào được phép không thực tập. Là con người, ta phải có trách nhiệm chuyển hóa khổ đau của chính mình, thì ta mới có thể giúp chuyển hóa khổ đau của những người xung quanh mình.

Xây Dựng (chương 2 - phần 1 )

Thứ năm, 05 Tháng 6 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

CHƯƠNG 2

Thực tập chuyển hóa nội tâm

Bạo động không cần tìm đâu xa, nó luôn ở bên cạnh mình. Những hạt giống của bạo động có thể nhận thấy qua suy nghĩ, lời nói và hành động của mình trong cách sống hằng ngày. Chúng ta có thể nhìn thấy những hạt giống nầy ngay trong tâm mình, trong thái độ sống, trong sự lo sợ, bất an của chính mình và người khác. Tự thân của tư duy có thể chứa đựng bên trong năng lượng bạo động, và những tư tưởng bạo động sẽ dẫn đến nói năng và hành xử thô bạo. Tóm lại, bạo động trên thế giới là do từ tâm thức chúng ta biểu hiện.

Tất cả những xung đột xảy ra thường xuyên trong gia đình và trong tâm ta, đều có liên hệ mật thiết đến các cuộc chiến tranh giữa con người và các quốc gia trên trái đất nầy. Khi quả quyết rằng ta đã nắm được chân lý, thì đối với những người có quan điểm không phù hợp với ta, ta đều cho là họ sai lầm, sự kiện nầy tạo ra rất nhiều khổ đau. Khi tin vào quan điểm của ta là sự thật tuyệt đối, thì ta đang bị kẹt vào cái thấy của mình. Ví dụ, chúng ta tin rằng chỉ có đạo Bụt là con đường duy nhất đem đến an lạc và hạnh phúc, thì có thể là ta đang đi về hướng bạo động, đó là sự kỳ thị và loại trừ những người đang thực tập con đường tâm linh khác. Khi chấp chặt vào tri giác của mình, thì ta sẽ không còn sáng suốt để nhận thức thực tại như thật nữa. Điều nầy có thể không lành mạnh cho ta và trở nên chướng ngại trên bước đường phát triển trí tuệ của mình.

Thông thường chúng ta nhận thức chiến tranh như là một phương án hay một sự kiện có chốt điểm khởi đầu và kết thúc nhất định. Nhưng nếu nhìn kỹ vào bản chất thật của chiến tranh, ta sẽ thấy rằng, dù cho chiến tranh đã bùng nổ hay vẫn chưa xảy ra, thì những hạt giống hiếu chiến đã có mặt trong ta rồi. Chúng ta không cần đợi đến khi chiến tranh chính thức tuyên bố, mới nhận diện được những hạt giống nầy. Khi quân đội của phe đối phương rút khỏi chiến trường và trở về nước, thì ta nghĩ rằng chiến tranh đã chấm dứt, nhưng sự thật chưa hẳn như vậy. Có thể chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Mặc dù cuộc chiến đã ngưng, nhưng sợ hãi và hận thù còn nằm trong lòng của những người chiến binh và bạn bè họ. Nếu nhìn quanh, ta sẽ thấy chiến tranh đang tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như: thiếu cởi mở tôn giáo, trẻ em bị bỏ rơi, kỳ thị chủng tộc, lạm dụng và tranh đoạt tài nguyên thiên nhiên... Tuy vậy, tất cả những hạt giống của bình an, hiểu biết và thương yêu luôn luôn còn đó, nếu ta biết cách chăm sóc thì chúng sẽ lớn lên rất nhanh.

Khi nhận ra bạo động đã cấm rễ quá sâu trong lòng, thì ta phải thức tỉnh và tìm cách thay đổi lề thối hành xử, suy tư và nói năng của mình ngay trong đời sống hằng ngày. Ta phải quyết tâm sống thật chánh niệm và an hòa. Luôn luôn soi chiếu ánh sáng chánh niệm vào gốc rễ của bạo động đang nằm ngay trong trái tim và tư tưởng của mình. Chúng ta có thể ngăn ngừa chiến tranh từ gốc rễ của nó, đó chính là tâm mình. Dừng lại được những tranh chấp trong lòng, thì chắc chắn ta sẽ chận đứng được chiến tranh ở bên ngoài.

Từ mũi tên chuyển thành đóa hoa.

Đêm trước khi Bụt giác ngộ, Người đã bị Ma Vương tấn công. Ma Vương và bọn ma binh hướng về Bụt bắn hàng ngàn mũi tên, nhưng tất cả những mũi tên khi đến gần Người, đều chuyển thành những đóa hoa và rơi nhẹ nhàng xuống chân Người.

Hình ảnh nầy thật tuyệt vời. Nếu biết tu tập thì ta có thể hành xử giống như Bụt. Khi những ngôn từ và hành động thô bạo nhắm đến ta, ta sẽ chuyển chúng thành những đóa hoa. Chính sức mạnh của tuệ giác và từ bi giúp ta làm được việc nầy. Tất cả mọi người, ai cũng có khả năng biến những mũi tên thành ra những bông hoa.

Trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam, một trong những học trò gần gũi nhất của tôi là Sư Cô Chân Không, lúc đó, Sư Cô đang là một giáo sư dạy tại Đại học Sài Gòn, là người viết thư thỉnh nguyện kêu gọi hòa bình. Cô đã thuyết phục được bảy mươi giáo sư đồng nghiệp ký tên vào lá thư nầy . Trong giai đoạn đó tình hình Việt Nam càng ngày càng căng thẳng, quân đội miền Bắc tấn công miền Nam khắp mọi nơi. Kết quả, chính quyền địa phương phải phát thanh trên đài mời gọi hết tất cả những giáo sư đã ký tên trong thư thỉnh nguyện đến Bộ giáo dục. Các giáo sư bị buộc phải ký tên cam kết hủy bỏ thư thỉnh nguyện, riêng sư cô Chân Không vẫn giữ lập trường của mình.

Sư Cô được mời đến nói chuyện riêng với ông bộ trưởng, ông ta cho biết rằng nếu cô không rút lại thư thỉnh nguyện, cô sẽ mất việc ở trường đại học và có thể bị vào tù. Nhờ thực tập chánh niệm, nên Sư Cô biết thở để làm lắng dịu lại cảm xúc và tuyên bố sẽ chịu hết trách nhiệm về việc khởi xướng thư thỉnh nguyện. Sư Cô nói ' Thưa Ông Bộ Trưởng, với tư cách một nhà giáo, Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất, chúng ta có thể làm được trong thời cuộc hoang mang và bắn giết nầy là nói ra điều mình muốn với lòng can đảm, với sự hiểu biết và thương yêu. Đó là món quà quý nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho các em sinh viên ngay lúc nầy. Tôi đã làm như vậy. Ông là bộ trưởng bộ giáo dục và cũng đã từng là giáo sư, trước khi có một chức vị cao trong chính phủ. Ông đóng vai trò như một người anh lớn đối với những giáo sư trẻ chúng tôi.'

Khi Ông bộ trưởng nghe Sư Cô nói như thế, Ông cũng mền lòng. Ông thấu hiểu cho nên xin lỗi và không còn làm khó sư cô Chân Không nữa.

Chúng ta luôn luôn có thể tưới tẩm và làm lớn lên hạt giống thương yêu nơi mọi người, cho dù đang ở trong những hoàn cảnh khó khăn và đen tối nhất. Với tuệ giác và lòng từ bi, ta sẽ thấy mọi sự, mọi việc rõ ràng, và không còn cảm thấy mình là nạn nhân vì những bạo hành của người khác nữa. Và sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận những người mà ta nghĩ rằng sẽ làm hại mình. Tất cả chúng ta đều có khả năng chuyển thù thành bạn.

Khi chúng ta mới bắt đầu thực tập theo tinh thần bất bạo động, có thể ta cảm thấy hơi khó làm,vì chung quanh toàn là năng lượng bất an và bạo lực. Khi bắt đầu ý thức và thấy tâm mình đầy dẫy những hạt giống giận hờn, sợ hãi, thù hận, thì ta cảm thấy nặng nề, bất lực và nghĩ rằng ta không thể nào chuyển hóa được những năng lượng tiêu cực đang nằm sâu trong lòng, cùng với năng lượng bạo động chung quanh. Đây là tình trạng chung của nhiều người. Chúng ta đã để cho bạo động chồng chất quá lâu trong tự thân và không có biện pháp xử lý chúng. Khi ta không có khả năng ôm ấp niềm đau nỗi khổ của mình, thì những người xung quanh sẽ lãnh đủ. Ta trở thành nạn nhân vì những khổ đau của chính mình, và dễ dàng gây tổn thương cho người khác. Mỗi người chúng ta phải có ý thức trách nhiệm đối với bản thân mình và tìm cách chuyển hóa nội tâm để giúp bảo vệ cho ta và người ta thương.

Khi bắt đầu chuyển hóa được những vết thương nơi chính nội tâm mình, thì ta cũng đang giúp người chung quanh chuyển hóa sân hận và thù ghét thành những đóa hoa. Và hiểu ra rằng những mũi tên bắn tới ta, có nguồn gốc từ những đau nhức của người đang bắn. Thấy được như vậy ta sẽ không bị tổn thương bởi lời nói và cách hành xử của họ, trái lại ta chỉ xót thương mà thôi. Chính năng lượng từ bi của ta sẽ giúp người kia chuyển đổi cách truyền thông và hành xử của họ.

Mỗi khi mỉm cười được với năng lượng bực bội và giận hờn trong lòng, thì ta thành công cho chính mình và cho nhân loại. Nụ cười đó của ta giống y nụ cười của Bụt khi Người chiến thắng Ma Vương. Ma Vương có mặt trong ta dưới nhiều hình thức khác nhau như nghi ngờ, ganh tỵ, tri giác sai lầm..., nhưng nhờ hiểu biết sâu sắc về chính mình và người khác, ta sẽ tránh được lỗi lầm và không bị Ma Vương khống chế. Thay vì tưới tẩm những hạt giống bạo động, thì ta chăm sóc những hạt giống thương yêu và hiểu biết, mang đến lợi lạc cho mình và cho người.

Nhận diện bạo động và tiếp xúc khổ đau trong ta

Một yếu tố cần thiết và quan trọng hàm chứa trong thực tập bất bạo động là thái độ cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận những kinh nghiệm khác nhau của mọi người, và giá trị tâm linh của nhiều truyền thống cũng như văn hóa khác biệt. Chúng ta tạo dựng được nền hòa bình chân thật, khi ta có khả năng ôm ấp được hết tất cả. Thực tập dung nhiếp và không vướng mắc vào quan điểm của mình đôi khi rất khó. Những tập khí sâu dầy như loại trừ, hay ôm chặt lấy ý kiến của mình đều phát khởi từ sự sợ hãi và hiểu lầm người khác. Chúng ta nên thực tập phát triển năng lực hiểu biết và thương yêu trong mọi khía cạnh của đời sống, thì mới có thể chuyển hóa được tập khí kỳ thị của mình.

Ở một vài quốc gia, dân chúng bị giáo dục cưỡng bức bằng vũ lực hay bạo động, và bằng chủ thuyết nhồi sọ trái với ước muốn của họ. Nhiều thể chế chính trị cấm đoán người dân, không được nói hoặc suy nghĩ bất cứ điều gì lệch ra ngoài chánh sách tuyên truyền của chính phủ. Trong những xã hội như thế người dân không có quyền tự do tư tưởng, ngôn luận hay hành động. Sự khống chế nầy thuộc loại bạo hành tâm lí. Hiện nay trên thế giới có hàng trăm triệu người đang sống trong tình trạng như thế nầy.

Hiện có nhiều gia đình đang sinh hoạt theo kiểu bạo động như vậy. Ví dụ trong một vài văn hóa, con trai được cha mình và xã hội dạy rằng Ề Đàn ông con trai không được khóc.Ể Từ nhỏ các em đã được giáo dục đè nén cảm xúc của mình, đây là một hình thức bạo động vi tế. Là con người, ai cũng có những khổ đau, chúng ta phải được quyền nhận diện những khó khăn trong lòng, và khi cần thiết ta nên nói ra những tổn thương đó. Hãy tự cho phép ta khóc lên. Nếu không, ta sẽ bị bịnh do dồn nén cảm xúc lâu ngày.

Khi kìm giữ cảm xúc và coi thường những đau nhức trong ta, thì ta đang hành hạ chính mình. Thực tập bất bạo động là trở về có mặt ở đây, ngay trong phút giây hiện tại để có thể nhận mặt được những năng lượng của khổ đau và bất mãn nơi mình. Chúng ta không nên chiến đấu hay từ khước những cảm thọ, mà chỉ nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa chúng. Khi năng lượng của sợ hãi hoặc giận hờn xuất hiện trong lòng, ta chỉ cần thắp sáng ý thức chánh niệm. Mỉm cười và gọi đúng tên những gì đang có mặt. Sợ hãi ơi, chào em, tôi biết rằng em đang có đó. Chúng ta có thể theo dõi hơi thở để làm lắng dịu lại cảm thọ của mình. Thở vào, tôi đang ý thức sự có mặt của cảm thọ sợ hãi trong tôi. Thở ra, tôi đang làm cho cảm thọ sợ hãi trong tôi êm dịu trở lại.

Nếu chúng không chịu nhận diện cảm thọ mà còn tiếp tục tưới tẩm những hạt giống tiêu cực, thì năng lượng bạo động càng chồng chất thêm trong ta. Những năng lượng nầy sẽ thúc đẩy và làm bộc phát ra cơn giận. Ta sẽ nói những điều gây đổ vỡ và làm tổn thương người chung quanh, nhất là con em chúng ta, vì các em chưa biết cách hộ trì cho chính mình. Chúng ta là bậc phụ huynh, là thành viên của một cộng đồng, ta phải học cách xử lý cơn giận để đừng trút những phiền muộn lên con cháu mình. Nhiều gia đình tan vỡ vì nói năng thô bạo, mà nguyên nhân là do sự tích tụ bạo động được trao truyền từ cha mẹ, bạn bè và xã hội.

Trẻ em tích chứa trong cơ thể và tâm hồn chúng những cảm xúc mạnh bạo. Nếu các em không biết cách chuyển hóa những năng lượng nầy, thì chúng sẽ bộc phát ra ngoài một cách tai hại và gây phiền phức cho người khác. Hoặc nếu các em không biết nhận diện cảm thọ, mà trái lại còn đè nén chúng, thì các em đang tạo ra một quả bom trong người mình. Đôi khi, các em bạo hành với chính mình bằng con đường tự hủy hoại.

Rất nhiều người trẻ khi thấy đã hết cách trốn tránh khổ đau, các em bắt đầu bỏ học, đi vào con đường nghiện ngập, chơi bời liêu lỏng, nhiều khi tự tử nữa. Hoặc các em trừng phạt những người mà các em nghĩ đã làm mình khổ, bằng cách hành hạ chính mình. Điều quan trọng là phụ huynh phải thấy được khó khăn của con em mình và hành động với lòng từ bi để giúp các em nhận mặt được những cảm thọ sân hận, trốn tránh và sợ hãi của mình. Chúng ta có thể giúp đở bằng nhiều cách để các em có ý thức hơn. Năng lượng của chánh niệm giống như dầu thoa, có thể xoa dịu cũng như trị liệu những vết thương của giận ghét và sầu đau nơi mọi người.

Chúng ta là sự tiếp nối của ông bà tổ tiên. Ta mang trong mình tất cả những giá trị đẹp và tài năng của tổ tiên, nhưng đồng thời tất cả những năng lượng tiêu cực của họ cũng có mặt trong ta. Biết được như thế, ta cố gắng hết sức mình để làm tiếp nối những gì đẹp và lành của ông bà, và nguyện sẽ thực tập để chuyển hóa buồn đau, bạo động đã được trao truyền đến chúng ta qua nhiều thế hệ. Chúng ta thực tập hòa bình không phải chỉ cho riêng ta, mà còn lợi lạc cho tất cả ông bà tổ tiên và con cháu của mình.

Chìa khóa thực tập chánh niệm

Tạo dựng hòa bình

Chánh niệm là nền tảng của hạnh phúc. Một người không hạnh phúc thì không thể xây dựng hòa bình. Hạnh phúc của từng cá nhân là nền tảng để tạo dựng hòa bình trên thế giới. Để mang lại hòa bình cho mọi người thì trong ta phải có an lạc.

Chánh niệm là thực tập dừng lại để ý thức về những điều ta đang nghĩ và đang làm. Khi ta có ý thức hơn về tư tưởng, ngôn từ và hành động của mình, có nghĩa là sự tập trung của ta đã khá hơn. Nếu dùng năng lượng định nầy soi chiếu vào bản chất khổ đau của chính ta và của người khác, thì ta biết những gì nên làm và những gì không nên để sống an vui, hạnh phúc với môi trường quanh mình.

Hai phương pháp thực tập cần thiết để giúp ta thiết lập năng lượng chánh niệm, đó là hơi thở ý thức và thiền hành. Hơi thở và bước chân của ta luôn luôn có đó, ta có thể dùng những phương tiện đơn giản nầy để làm lắng dịu lại những cảm xúc và nuôi dưỡng niềm vui mỗi ngày.

Hơi thở ý thức

Hơi thở ý thức co nghia là khi ta thở vào ta biết không khí đang đi vào cơ thể mình, khi thở ra ta biết không khí đang ra khỏi cơ thể mình. Trong một khoảnh khắc khi tâm ta chú ý tới sự giao tiếp giữa cơ thể và không khí, thì ngay lúc đó ta cũng đang tiếp xúc với chính tâm mình. Chỉ cần một hơi thở có ý thức là ta tiếp xúc được ngay với chính mình và thế giới xung quanh. Với từng hơi thở chánh niệm như thế, an bình sẽ trở về có mặt đích thực nơi thân thể và tâm hồn mình.

Thiền hướng dẫn về hơi thở ý thức

Thực tập hơi thở ý thức, là quan sát nhịp độ ra vào tự nhiên của hơi thở. Xin thực tập như vậy, mà không nên ép hơi thở của mình cho dài, sâu hay chậm hơn. Cần chút ít thời gian và sự chú tâm, thì tự thân hơi thở của mình sẽ sâu thêm một cách tự nhiên. Đôi khi tâm ta suy nghĩ vẩn vơ, những lúc đó chỉ cần nhận diện đơn thuần trạng thái tán loạn nầy, và nhẹ nhàng đem hết sự chú tâm trở về hơi thở của mình. Nếu thích, bạn có thể dùng những câu dưới đây để giúp tập trung tâm ý của mình. Trong khi thực tập hơi thở vào ra, điều bạn cần nhớ là theo dõi hơi thở của mình từ đầu cho đến cuối. Sau mỗi câu hướng dẫn đều có những từ rút gọn, hay còn gọi là những chìa khóa nhằm giúp bạn duy trì chánh niệm của mình.

Dưới đây là những bài thiền hướng dẫn.

1. Thở vào tôi đang ý thức hơi thở vào. Thở ra tôi đang ý thức hơi thở ra . . . Vào, Ra

2. Thở vào tôi ý thức hơi thở vào hiện giờ đã sâu hơn, thở ra tôi ý thức hơi thở ra hiện giờ đã chậm hơn . . . Sâu, Chậm

Bạn có thể thực tập hơi thở ý thức lúc nào cũng được, trong khi ngồi, lúc đang đứng, khi nằm, đang lái xe, làm việc... Tập thở một cách ý thức như vậy sẽ giúp bạn có chánh niệm và định tĩnh hơn trong mọi sinh hoạt hàng ngày

Xây Dựng (chương 1)

Chủ nhật, 01 Tháng 6 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Thiền hành

Thiền hành là thực tập ý thức trong khi đang đi. Thay vì để cho sự lo âu, bất an, những dự tính về tương lai hay hối tiết quá khứ kéo ta đi, thì ta trở về an trú trong giây phút hiện tại, để hết tâm ý vào từng bước chân của mình. Thực tập đã về đã tới trong từng bước chân. Ta đã tới nhà thật sự rồi, tại sao ta vẫn còn chạy? Dù đang đi trên đường, đi vào cư xá, hoặc chỉ đi từ phòng nầy sang phòng khác, ta đều chú tâm tới sự xúc chạm giữa lòng bàn chân và mặt đất. Để ý xem ta đi bao nhiêu bước trong một hơi thở vào, và trong một hơi thở ra. Khi thở vào, ta nói thầm 'Vào' theo từng bước, khi thở ra ta nói 'Ra' theo từng bước. Chúng ta có thể thực tập thiền hành bất cứ lúc nào trong ngày.

Phương pháp ý thức hơi thở và thiền hành là những thực tập cụ thể, mà ta có thể áp dụng để đem lại bình an cho sự sống của mình. Những pháp môn nầy sẽ giúp làm lắng dịu tâm tư, tập trung tâm ý, buông bỏ những cảm xúc không lành mạnh, và đưa ta trở về giây phút hiện tại để thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống. Thực tập thiền hành và hơi thở ý thức sẽ giúp ta đặt nền tảng cho pháp môn truyền thông chánh niệm.

Nói và nghe bằng tâm từ bi

Hiện nay sự truyền thông trên bình diện cá nhân, gia đình và quốc gia càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên vẫn có những phương thức cụ thể nhằm giúp chúng ta truyền thông theo tinh thần bất bạo động, đánh thức năng lượng từ bi và phục hồi lại sự thông cảm nơi mỗi con người.

Nói và lắng nghe bằng tâm từ bi là những thực tập rất quan trọng trong tinh thần truyền thông không bạo động. Truyền thông chánh niệm nghĩa là ý thức được ta đang nói điều gì, khi nói biết dùng ngôn ngữ tế nhị, nhẹ nhàng và thương yêu. Mặt khác, ta cũng lắng nghe thật sâu, những gì người khác đang nói và chưa nói ra. Chúng ta có thể dùng những phương pháp nầy bất cứ lúc nào và trong tất cả mọi hoàn cảnh.

Để giử cho thân thể ta khỏe mạnh, trái tim phải bơm máu liên tục hai mươi bốn giờ đồng hồ. Muốn cho mọi liên hệ được tốt đẹp, ta phải luôn luôn có chánh niệm khi truyền thông. Nhiều người vì chứa đầy bực bội và giận hờn trong lòng, nên khi truyền thông rất khó thành công. Cho dù có đến với người kia bằng tâm niệm thiết tha và có ý muốn lắng nghe người ấy, nhưng nếu không có khả năng dùng ngôn ngữ nhẹ nhàng, từ ái, thì không có hy vọng gì để người kia sẽ lắng nghe và tiếp nhận những điều ta nói. Có lẽ ta cũng muốn dùng ngôn từ ái ngữ và êm dịu, nhưng thông thường khi bắt đầu nói, thì tự nhiên đau buồn, sợ hãi và tuyệt vọng lại trào ra. Thay vì ước muốn tốt đẹp là hòa giải, chúng ta lại bắt đầu đổ lỗi, trách móc và phán xét quá lời. Giọng điệu ta trở nên chua chát chứa đầy bực bội làm cho người kia phản kháng lại, vì họ không còn nghe nổi những điều ta nói nữa. Truyền thông bị đỗ vỡ. Khi sự kiện nầy xảy ra ta cần phải học lại cách truyền thông.

Vậy thì làm thế nào để có thể đạt được khả năng lắng nghe và sử dụng ái ngữ với người khác? Muốn thực hiện được điều nầy, trước hết ta phải chăm sóc những đau buồn và giận hờn của mình. Để phát huy năng lượng chánh niệm, ta cần phải thực tập hơi thở ý thức và thiền hành. Đôi khi phải tu tập nhiều tuần lễ, hay nhiều tháng thì ta mới có thể vượt thoát đau buồn và dùng được ngôn ngữ từ ái. Khi chánh niệm vững vàng, thì rất dễ cho ta nhìn sâu vào hoàn cảnh để phát khởi năng lượng hiểu biết và thương yêu. Có được chánh niệm vững chãi, thì chắc chắn ta sẽ có khả năng dùng ái ngữ và chuyển hóa được khổ đau của mình.

Về khả năng lắng nghe ta cũng thực tập giống như trên. Nếu ta không thể ôm ấp và chuyển hóa những sân hận, đau buồn của chính mình, thì sẽ khó mà lắng nghe khổ đau của người khác. Nhất là khi ngôn từ của người kia chứa đầy những phán xét tiêu cực, đổ lỗi và nhận thức sai lầm. Mặc dù trong lòng, ta rất muốn lắng nghe người kia và cũng đã cố gắng hết sức của mình. Nhưng sau một vài phút, ta cảm thấy choáng váng và không thể tiếp tục nghe nữa dù chỉ một lời. Ta đã nguyện ngồi nghe với lòng xót thương cho dù người kia có lên án, nói lời khiêu khích và chỉ trích. Nhưng vẫn không thực hiện được ước muốn tốt đẹp đó, vì ta không thể xử lí được năng lượng tức giận khởi lên trong tâm mình.

Người tâm sự với ta sẽ đỡ khổ rất nhiều, nếu ta kiên nhẫn ngồi lắng nghe người ấy chỉ một giờ đồng hồ. Ta có thể duy trì được năng lượng từ bi trong lòng, nếu biết lắng nghe với tâm hồn rộng mở. Làm được điều nầy là cho người kia cơ hội để nói ra được những cảm xúc của mình.

Ta cần phải thực tập nghiêm túc mới đạt được khả năng lắng nghe đó. Song song với thực tập hơi thở ý thức và thiền hành, chúng ta nên thực tập theo thiền hướng dẫn dưới đây, để giúp chuyển hóa những hạt giống giận hờn và bực bội trong ta, và giúp ta mở lòng ra để lắng nghe người khác bằng trái tim từ bi.

THIỀN HƯỚNG DẪN - LẮNG NGHE VỚI TÂM TỪ BI

1. Thở vào, Tôi biết Tôi đang thở vào. Thở ra Tôi biết Tôi đang thở ra. . . Vào, Ra

2. Thở vào, Tôi làm êm dịu cơ thể. Thở ra Tôi mỉm cười. . .êm dịu, mỉm cười

3. Thở vào, Tôi biết Tôi đang khổ. Thở ra, Tôi mỉm cười từ bi. . . Khổ đau của tôi, Nụ cười từ bi

4. Thở vào, Tôi biết anh đang khổ. Thở ra, Tôi mỉm cười từ bi ... Khổ đau của anh, Nụ cười từ bi

5. Thở vào, Tôi biết chúng ta cả hai đều khổ. Thở ra, Tôi muốn hai người có một cơ hội mới. . . Khổ đau của chúng ta, một cơ hội mới

6. Thở vào, Tôi lắng nghe. Thở ra, Tôi nghe . . . Lắng nghe, Nghe

7. Thở vào, Tôi lắng nghe niềm cay đắn của anh. Thở ra, Tôi ôm anh vào lòng . . . Cay đắn, Ôm ấp

8. Thở vào, Tôi lắng nghe nhận thức sai lầm của anh. Thở ra,Tôi không bị phiền giận đốt cháy. . . Nhận thức sai lầm, không bị thiêu đốt

9. Thở vào, Tôi biết Tôi đã làm cho anh đau khổ. Thở ra, Tôi xin lỗi. . . Anh đau khổ, Tôi xin lỗi

10. Thở vào, Tôi mở rộng lòng. Thở ra, trong lòng tôi có không gian cho anh . . . Mở lòng ra, không gian cho anh

11. Thở vào, Tôi muốn tôi có hạnh phúc. Thở ra, Tôi muốn anh có hạnh phúc. . . Tôi hạnh phúc, Anh hạnh phúc

12. Thở vào, Tôi thấy chúng ta hạnh phúc. Thở ra, đó là điều Tôi mong muốn. . . hạnh phúc của Chúng ta, là điều tôi mong muốn

Phải có ít nhất là một người trong mỗi gia đình có khả năng truyền thông bằng ái ngữ. Người đó có thể là anh, chị, cha hoặc mẹ. Có ai trong gia đình của ta có khả năng làm được điều nầy không? Hoặc là có người nào có thể giúp những thành viên trong gia đình thực tập lắng nghe và dùng ái ngữ không? Ta có thể đóng vai trò người như vậy trong gia đình mình, với bạn bè, tại nhà thờ, giáo đường, tăng thân, cộng đồng hoặc nơi làm việc không? Có thể có một giáo viên trong trường nơi con mình học, vị nầy có khả năng lắng nghe với lòng thương và khi nói không vun vải ra ngoài giận hờn hoặc phán xét. Người biết thực tập lắng nghe và dùng ái ngữ, là người đang thực tập tinh thần hòa bình. Người ấy đang mở cánh cửa để cho hiểu biết, an lạc và hòa giải đi vào gia đình và xã hội.

Chúng ta cần người có khả năng thực tập lắng nghe và ái ngữ trong trường học, tại Quốc Hội, tòa đô sảnh... Nhiều người trong chúng ta đã đánh mất khả năng nầy. Để có hòa bình, thì trước hết phải có sự hiểu biết, nhưng hiểu biết không thể có được, nếu không có truyền thông bằng sự thông cảm và thương yêu. Do đó thiết lập lại sự truyền thông là một thực tập rất thiết yếu cho con đường tạo dựng hòa bình. Truyền thông là nền tảng, là sự phát triển để hoàn thiện tinh thần sống không bạo động.

Thực tập truyền thông chánh niệm có thể giúp ta giáo dục cho con em mình, chỉ bày cho các em cách thức để tự hộ trì và giúp các em thấy được niềm tin của bậc phụ huynh đối với giới trẻ. Ta có thể nói, 'Con ơi, con sẽ khổ nếu con nói như vậy, vì thế con nên cẩn thận hơn.' Con mình sẽ hiểu ngay. Ta hãy tin vào sự hiểu biết của con mình và làm tấm gương tốt cho các cháu. Nếu bậc cha mẹ biết lắng nghe và nói năng chánh niệm, thì con cháu sẽ học hỏi và làm theo. Nếu ta hút thuốc lá, thì con cháu sẽ hút theo; ta uống rượu thì các em cũng sẽ uống rượu. Nếu ta nói và hành xử quá thô bạo, thì các em bị tiêm nhiễm và sẽ làm giống hệt như vậy.

Mỗi người chúng ta phải có bổn phận chỉ bày cho con em mình cách sống theo tinh thần từ bi và không bạo động. Ta dạy người khác bằng cách sống của mình, chứ không phải chỉ bằng lời nói. Nếu không thể xử lý năng lượng giận hờn và bạo động trong lòng, thì ta không thể nào giúp được người khác, dù cho đó là con mình. Chỉ khi nào ta biết sống bình an và hạnh phúc, thì hành động của ta mới phù hợp với tinh thần bất bạo động.

Ta bực bội một cách dễ dàng, khi thấy người nào đó, nhất là một cháu nhỏ nói hoặc làm những điều không hợp ý mình. Nếu không có đủ tuệ giác và tình thương bảo hộ cho ta, thì những hành vi tiêu cực của người kia sẽ khuấy động năng lượng bực tức trong lòng ta. Khi ta phiền giận người nào đó hay chính con mình, thì lúc ấy ta không nên đứng ở cương vị giúp đỡ hay chỉ bảo người kia. Trong những trường hợp như thế, ta phải dừng lại, không nói năng và hành động bất cứ điều gì. Mà hãy thực tập thiền hành, mỉm cười và ý thức từng hơi thở, bình an sẽ trở về với ta ngay. Khi thấy có đủ trầm tĩnh, ta tìm cách hay nhất để gần gũi và giúp đỡ người kia, để trong tương lai người ấy sẽ không nói hoặc làm những điều gây ra tổn thương nữa. Nếu đủ sáng suốt, ta sẽ không đổ tội hay trừng phạt, mà sẽ xử lý những trường hợp như vậy với hiểu biết và thương yêu. Đó là phương cách để chăm sóc những hạt giống giận hờn và bạo động trong ta.

Tất cả chúng ta đều có quyền đau khổ, nhưng không có người nào được phép không thực tập. Là con người, ta phải có trách nhiệm chuyển hóa khổ đau của chính mình, thì ta mới có thể giúp chuyển hóa khổ đau của những người xung quanh mình.

Chánh Niệm Là Nuôi Dưỡng (Trích Trái Tim Của Bụt)

Thứ năm, 15 Tháng 5 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Khi tiếp xúc được với sự sống thì chính ta được nuôi dưỡng mà đối tượng tiếp xúc của ta cũng được nuôi dưỡng. Đối tượng kia có thể là cây, là lá, là dòng sông, là em bé, là người mình thương, hay là người mình ghét. Khi ta có mặt trong ý thức, vật kia có sự chú ý của ta cũng sẽ có mặt. Chánh niệm là sự chú ý. Khi có chánh niệm, nhìn vào một khu rừng xanh mát thì ta biết rằng khu rừng này đang xanh mát. Nhìn đủ sâu sắc thì ta biết phải làm gì để giữ cho khu rừng này tiếp tục xanh mát. Có những khu rừng bắt đầu chết vì các độc tố con người tạo ra. Nếu khu rừng đang vàng úa thì ta biết rằng phải làm gì để khu rừng có thể tươi mát trở lại.

Vì vậy sự có mặt của chánh niệm sẽ đem tới niềm an ủi và cách trị liệu cho đối tượng. Đối tượng của chánh niệm có thể là một người hay một sự vật. Người kia đang sầu héo, đang buồn bã, đang nhức nhối mà nếu có mặt, có chánh niệm, thì chúng ta sẽ nhìn thấy rõ tình trạng sầu héo và buồn khổ ấy. Và chánh niệm có thể giúp chúng ta biết nói gì, làm gì (hay không nói gì, không làm gì) cho người đó bớt khổ và trở nên tươi tỉnh lại. Nếu người đó đang sống bình thường, không sầu khổ, không bệnh tật, mà chúng ta có mặt với chánh niệm, thì người đó có thể có hạnh phúc.

Sống mà không được người thân ở chung quanh chú ý thì khổ. Người sống bên ta có thể khổ vì ta bận bịu quá, lo nhiều công việc quá, và vì vậy không còn thì giờ cho người ấy. Ta không đủ chánh niệm để nuôi dưỡng và ôm lấy người trong tình thương ta. Ta không cần ôm bằng hai cái cánh tay, ta phải biết ôm người thân bằng năng lượng chánh niệm của mình. Tôi biết anh có đó, tôi không quên sự có mặt của anh. Tôi biết em có mặt đó. (I know you are there). Đó là một món ăn rất bổ dưỡng để nuôi nấng người kia. Thiếu sự chú ý của những người mình thương, thì mình chết mòn.

Tưởng tượng một ông đang lái xe đi cùng vợ. Ông đang suy nghĩ về chuyện này chuyện khác, hay đang hát, đang ngâm nga một bài thơ. Nhưng mà ông hoàn toàn không để ý tới người đàn bà đang ngồi bên mình. Có thể ông ta cảm thấy người này mình đã biết hết rồi, từ thân tới tâm. Không có gì gọi là mới lạ nơi con người này nữa! Bởi vậy ông chú ý tới những thứ khác. Người đàn bà ngồi bên cạnh, bà sẽ cảm thấy mình bị loại ra ngoài tâm ý của chồng. Ông ta đang nghĩ tới chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện này chuyện khác, và ông ta không muốn nghĩ tới mình. Người đàn bà sẽ chết dần mòn trong sầu héo và tủi hờn. Nhưng chúng ta biết trong người đàn bà đó có đủ những niềm vui, những hạnh phúc, những khả năng chưa khai mở. Trong con người nào cũng có những hạt giống như vậy.

Cha mẹ có thể đã không giúp con phát triển những hạt giống của hạnh phúc, của tài năng. Thầy, bạn cũng chưa giúp được, cả ông chồng ngồi một bên cũng không giúp được. Ngồi trên xe hơi, người vợ đó thấy mình hoàn toàn bị lãng quên. Chánh niệm có thể mang lại niềm vui, như chất bổ dưỡng có thể tưới tẩm cho tâm hồn những người đang sầu héo.

Phép lạ thứ ba của chánh niệm là nuôi dưỡng chính những đối tượng của chánh niệm. Nếu đối tượng là dòng sông thì chánh niệm giúp nuôi dưỡng và bảo vệ dòng sông. Nếu đối tượng là khu rừng thì nó nuôi dưỡng và bảo vệ khu rừng. Nếu đối tượng đó là một em bé, thì nó nuôi dưỡng và bảo vệ em bé. Vì vậy chánh niệm là gốc của tình thương. Nếu không có chánh niệm thì anh không thể thực sự thương, chị không thể thực sự thương. Nếu không có sự chú ý thì không có tình thương đích thực. Một người có thể gần gũi người khác vì thuận tiện hoặc vì nhu cầu, những nhu cầu tâm lý, sinh lý, hay những nhu cầu xã hội. Đó không phải là tình thương. Tình thương đích thực là sự có mặt của chánh niệm, vì chánh niệm có tính cách nuôi dưỡng.

Năm 1964 tôi làm một bài thơ đề là ''Vòng tay nhận thức''. Bài này có chủ đề là đôi ta. Ở đây đôi ta là người làm thơ và cây bông sứ tại chùa Trúc Lâm ở Gò Vấp tỉnh Gia Định. Sáng đó tôi dậy rất sớm. Không ngủ được, tôi ngồi dậy, đi ra cửa sổ. Ngoài cửa sổ tối đen. Cái thất của tôi, do thầy Châu Toàn làm, nền bằng đất. Nền đất nên đi hai chân không rất mát. Đi từ giường ngủ tới cửa sổ, tôi bước trên mặt đất mười mấy bước thì tự nhiên thấy trong người rất tỉnh táo.

Chuông ngân một đêm dài không ngủ

Hai bàn chân không, tỳ tay cửa sổ

Tôi đợi vườn cây, hoa lá hiện hình

ánh sáng chưa về

Nhưng trong lòng đêm thâu tôi biết em còn đó.

Em ở đây là cây bông sứ trước cửa sổ.

Ở phần sau bài thơ lại có câu:

Tôi biết là em còn đó vì tôi còn đây

Hễ có chủ thể tức là có đối tượng, có đối tượng là có chủ thể. Khi có chánh niệm ta thấy được sự có mặt của cả hai. Tôi biết là em còn đó vì tôi còn đây có nghĩa là tôi biết rằng sự sống có mặt ở đó vì tôi biết tôi có mặt ở đây. Nhờ tôi có mặt thực sự cho nên Em có mặt. Em tức là sự sống. Khi nhìn một người hay nhìn mặt trăng, nếu ta nói: ''ta biết ngươi có đó'', thì đồng thời ta xác nhận sự có mặt của chính ta. Chánh niệm không phải chỉ nuôi dưỡng đối tượng mà cũng để nuôi dưỡng chính mình. Thiền sư thấy được hoa đào, không những làm hoa đào rạng rỡ mà còn làm cho người nhìn hoa rạng rỡ. Nhìn hoa đào không có chánh niệm thì hoa không rạng rỡ được. Không có cái gì rạng rỡ nếu không có chánh niệm. Có cũng như không vậy thôi. Trong đời sống hằng ngày, ta phải nhìn như thế nào, tiếp xúc như thế nào, nói như thế nào, sống như thế nào để có thể nói, không phải bằng lời mà bằng sự sống, rằng: ''Ta biết ngươi có đó'' Darling, I know you are there. Anh ơi, tôi biết anh có đó, tôi rất trân quý sự có mặt của anh. Chị ơi, em biết chị có đó, và em rất trân quý sự có mặt của chị.

Trong đời sống thường ngày chúng ta ít nói như vậy, chúng ta ít sống như vậy. Đến khi người kia chết hoặc bị tai nạn thì chúng ta khóc lóc. Chúng ta chỉ có khả năng khóc mà thôi, còn trước đó chúng ta không có khả năng chia sẻ hạnh phúc. Tất cả mọi vật đều vô thường. Mặt trăng kia cũng có thể sẽ tan vỡ một ngày nào đó. Người mình đang sống chung, có thể ngày mai không còn nữa. Và chính bản thân mình chưa chắc đã còn có mặt bên người đó ngày mai. Phải tinh tấn hôm nay, kẻo ngày mai không kịp. Chánh niệm giúp chúng ta sống một cách sâu sắc, đích thực ngay trong giờ phút hiện tại, để ngày mai ta không phải tiếc nuối. Tập Bông Hồng Cài Áo là một bài thực tập chánh niệm mà đối tượng của thực tập là bà mẹ của mình. Đối với mẹ ta thực tập như vậy mà đối với con ta cũng thực tập như vậy. Sự thực tập rất đơn giản, rất thực tế.

Vậy chánh niệm là năng lượng làm cho ta có mặt, làm cho vật kia hay người kia có mặt, và nuôi dưỡng đối tượng kia đồng thời nuôi dưỡng mình.

Chánh niệm làm vơi đau khổ

Phép lạ thứ tư là, nếu người kia đang chịu đựng khổ đau, chánh niệm sẽ có năng lượng làm vơi nỗi khổ của người. Khổ trong cô đơn, không ai biết tới, không ai để ý tới thì ta khổ thêm rất nhiều. Nhưng khi có một người thấy được nỗi khổ của mình, có thể ngồi với mình, mang chánh niệm ôm lấy niềm đau của mình, và biết hiến tặng cho mình sự có mặt của người đó, thì nỗi khổ của ta vơi bớt đi nhiều. Vì vậy thực tập chánh niệm bên người đang đau khổ cũng là một phương pháp thực tập lòng từ bi.

Tôi biết anh đang khổ, cho nên tôi đang ngồi đây với anh, tôi đang có mặt đích thực bên anh. Điều này có thể nói ra bằng cách nhìn, cách nói, bằng cử chỉ của ta. Nếu ta ngồi gần bên người ấy mà ý nghĩ đặt ở chỗ khác, nói chuyện này chuyện nọ, thì ta không biểu hiện được sự có mặt của ta. Sự có mặt đích thực nâng đỡ người ấy và giúp nỗi khổ niềm đau của người ấy nhẹ đi. Đó là tình thương đích thực. Nếu không có chánh niệm thì không có thứ tình thương đó. Nếu chánh niệm yếu thì tình thương cũng không đủ giúp người bớt khổ.

Chúng ta biết người đang lìa đời rất cần sự có mặt rất vững chãi của một hay nhiều người thân bên cạnh. Trong giờ phút Lâm chung người ta có thể bị sự sợ hãi và cô đơn làm cho đau khổ thêm cả ngàn lần. Nhưng nếu người đang chết thấy được sự có mặt của một người hiểu mình, đang ở đó thực sự với mình thì sẽ cảm thấy vững chãi trở lại, cảm thấy được nâng đỡ, được an ủi, và sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng.

Tất cả những điều này có thể học được ở trong kinh điển đạo Bụt. Bụt đã dạy ta hộ niệm cho người lâm chung như thế nào. Các thầy lớn như thầy Xá Lợi Phất, thầy A Nan... Đều đã thực tập. Người tu phải biết thực tập hàng ngày để khi cần thì thể hiện sự có mặt vững chãi và đích thực của mình trong những giờ phút nguy nan đó. Phép lạ là làm cho người sắp lìa đời cảm thấy vững tâm, cảm thấy được an ủi. Họ sẽ thấy các nỗi khổ đau, lo lắng và sợ hãi vơi đi, nhờ sự có mặt đích thực của mình. Sự có mặt đích thực đó được tạo nên bằng chánh niệm. Đó là một chân ngôn có hiệu nghiệm rõ ràng. Những câu chân ngôn chỉ có thể hiệu nghiệm khi thân, khẩu, ý của mình hợp nhất, nghĩa là khi ta có chánh niệm vững chãi. Giáo lý của mật tông là khi thân, khẩu và ý hợp nhất thì người ta có định lực rất mạnh. Đinh lực mạnh làm cho chân ngôn có hiệu nghiệm

Tuệ Giác Vô Thường Và Vô Ngã

Thứ bảy, 29 Tháng 3 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Tuệ giác là lưỡi gươm cắt đứt mọi đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, sân hận và kỳ thị. Năng lượng của định, của tuệ giác giúp ta thấy rõ bản chất đối tượng của định. Định Vô Thường và định Vô Ngã đưa đến tuệ giác Vô Thường và tuệ giác Vô Ngã. Vô thường không phải là một ý tưởng hay một quan niệm mà là một tuệ giác. Rất nhiều người trong chúng ta cố bám lấy ý niệm về thường còn, vững chắc. Khi nghe đến giáo lý vô thường họ đâm ra lo sợ. Nhưng vô thường không phải là tiêu cực mà có khi rất tích cực. Bất cứ điều gì cũng đều vô thường, kể cả bất công, nghèo khổ, ô nhiễm, và hiện tượng "trái đất nóng lên" (global warming). Trong cuộc sống ta có thể gặp phải hiểu lầm, bạo lực, xung đột, tuyệt vọng nhưng vì vô thường nên chúng có thể được chuyển hóa nếu ta có tuệ giác trong nếp sống hiện tại.

Tuy nhiên lắm lúc ta quên hẳn vô thường. Trên lý thuyết ta biết rằng tất cả đều là vô thường, nhưng ta quên đi rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ bệnh, sẽ chết. Ta quên đi rằng chính ta rồi cũng sẽ chết. Ta có xu hướng suy nghĩ như là ta sẽ sống mãi. Và vì vậy ta không có tuệ giác vô thường để sống đẹp từng giây phút, để trân quý người thương. Rất nhiều người trong chúng ta đã đau khổ cùng cực khi một người thương ra đi, không phải vì ta thương nhớ mà vì nuối tiếc rằng khi người thương còn sống ta đã không có thì giờ gần gũi và hết lòng săn sóc. Có thể ta đã đối xử với người ấy một cách bất công.

Bây giờ người ấy không còn nữa và ta mang mặc cảm tội lỗi. Nếu có tuệ giác vô thường thì phải biết rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ chết và hôm nay ta phải làm tất cả những gì có thể để đem lại hạnh phúc cho người ấy. Đừng đợi đến ngày mai. Ngày mai có thể quá muộn. Nếu biết sống theo tuệ giác vô thường ta sẽ không phạm quá nhiều lầm lỗi. Ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ. Ta có thể thương yêu, săn sóc người ta thương ngay ngày hôm nay. Ta không bươn chải về tương lai để rồi đánh mất sự sống. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại.

Bụt dạy vô thường như là một tuệ giác. Bụt không bi quan mà chỉ muốn nhắc nhở chúng ta rằng sự sống rất đáng quý và chúng ta phải trân quý sự sống từng giây phút. Duy trì định vô thường như vậy sẽ đem đến tuệ giác vô thường. Nhờ tuệ giác vô thường mà ta không bị tuyệt vọng, sân hận, tiêu cực cuốn đi bởi vì tuệ giác vô thường cho ta biết phải nên làm gì và không nên làm gì để xoay chuyển tình thế. Nhờ vô thường mà không có gì không làm được.

Nếu không có tuệ giác, ta sẽ nghĩ rằng quyền lực là do ta tự tạo nên, chỉ cho riêng ta. Nhưng có một tuệ giác khác ta có thể đạt được, đó là tuệ giác vô ngã. Vô ngã không có nghĩa là ta không có mặt. Vô ngã chỉ có nghĩa là ta không có tự tính riêng biệt. Nguồn gốc của bao nhiêu đau khổ chính là do tâm phân biệt, phân biệt giữa mình và người, do ý niệm về một cái ngã riêng biệt. Giả thử bạn là cha mẹ. Hãy nhìn con của bạn và bạn sẽ thấy rằng con trai hay con gái bạn chỉ là sự tiếp nối của bạn. Cũng như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, con cái là sự tiếp nối của cha mẹ. Trong con có tế bào của cha.

Cha và con không phải là một người nhưng cũng không phải là hai người. Khi người cha nhận ra điều này, ông đã chứng được tuệ giác vô ngã, cha đau khổ thì con cũng đau khổ và ngược lại. Cũng vậy, giận con mình tức là tự giận mình, giận cha mình tức là tự giận mình. Rất rõ ràng. Một khi đã thực chứng tuệ giác vô ngã, khi không còn phân biệt giữa bạn và con trai, con gái bạn, thì cơn giận của bạn sẽ tiêu tan. Bạn đang tranh dành quyền lực nhưng nếu biết quán chiếu vô ngã bạn sẽ biết cần phải làm gì và có thể chấm dứt đau khổ của chính bạn và của những người liên hệ đến sự tranh dành đó. Bạn biết rõ rằng sân hận của họ là sân hận của bạn, đau khổ của họ là đau khổ của bạn, hạnh phúc của họ là hạnh phúc của bạn.

Khi cánh tay trái của tôi bị phong thấp đau nhức, tôi săn sóc, xoa bóp, tôi làm đủ mọi cách để cho cánh tay trái bớt đau nhức mà hoàn toàn không giận dỗi gì cánh tay ấy. Khi tôi có một đệ tử chưa dễ thương, tôi cũng thực tập như thế. Tôi không giận đệ tử của tôi mà chỉ gắng săn sóc người đệ tử ấy như tôi đã săn sóc cánh tay trái vậy. Bởi vì tôi biết rằng giận đệ tử tức là tự giận mình và chẳng giúp ích được gì. Nhưng chúng ta chỉ có thể hành xử khôn ngoan như thế khi chúng ta đã thực chứng được tuệ giác vô ngã.

Trong Đạo Bụt có một tuệ giác gọi là tuệ giác Vô Phân Biệt (Xả). Xả là một trong bốn yếu tố của tình thương chân thực (Tứ Vô Lượng Tâm). Tôi thuận tay phải nên tôi làm hầu hết mọi việc bằng tay phải: đánh răng, thỉnh chuông, viết thư pháp. Tất cả những bài thơ của tôi đều được viết bằng bàn tay phải. Nhưng bàn tay phải của tôi không bao giờ tự hào và nói: "Này bàn tay trái, anh chẳng được tích sự gì. Một mình tôi làm tất cả mọi việc." Và bàn tay trái của tôi không bao giờ có mặc cảm tự ti, không bao giờ đau khổ. Thật kỳ diệu. Hai bàn tay tôi luôn luôn sống hài hòa với nhau, hợp tác một cách toàn hảo. Đây chính là tuệ giác vô ngã sống động trong mỗi chúng ta.

Một hôm tôi đang đóng đinh để treo một bức tranh lên vách. Tay phải của tôi vụng về thế nào mà thay vì đóng vào đinh lại đi giáng cho ngón tay trái một nhát đau điếng. Ngay lúc ấy bàn tay phải của tôi lập tức buông ngay búa xuống và ôm chặt lấy bàn tay trái để chăm sóc. Bàn tay trái của tôi không hề giận giữ, trách móc, cũng không nói: "Này bàn tay phải, anh làm cho tôi đau. Tôi muốn công bằng. Đưa cái búa đây cho tôi." Và bàn tay phải cũng không nói: "Này bàn tay trái, ta đang săn sóc cho ngươi, ngươi hãy nhớ lấy nhé." Bàn tay trái và bàn tay phải của tôi không bao giờ suy nghĩ kiểu như vậy. Đó chính là tuệ giác vô phân biệt (Xả), một nguồn tuệ giác có sẵn trong ta, biết sử dụng tuệ giác ấy sẽ đem lại an hòa trong gia đình cũng như trong cộng đồng.

Tín đồ Ấn Giáo và Hồi Giáo mà biết sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì họ đã có thể sống hòa bình với nhau. Nếu người Do Thái và người Palestine cũng sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì đâu xảy ra chiến tranh. Nếu Hoa Kỳ và Iraq xem nhau như anh em, như hai bàn tay của cùng một cơ thể thì họ đâu có tiếp tục giết nhau. Tất cả chúng ta đều phải trau dồi tuệ giác ấy. Tuệ giác ấy có công năng giúp ta giải tỏa sợ hãi, khổ đau, chia rẽ, cô đơn, và có thể giúp người khác làm như vậy.

Tuệ giác có được là nhờ hiểu biết. Trong ta có thể đã có sẵn hiểu biết, nhưng vì ta không có niệm, không có định cho nên tuệ giác không có cơ hội phát hiện. Chúng ta phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho niệm và định, cũng giống như muốn cho hoa mọc tươi tốt thì ta phải xới đất rải phân. Tuệ giác là một loại hiểu biết có được nhờ chánh niệm. Nếu ta tự đánh mất mình trong tiếc nuối quá khứ, trong lo lắng tương lai thì tuệ giác sẽ khó mà phát triển và như thế thì khó mà biết cách hành xử đúng trong hiện tại.

Chính vì vô minh mà ta đau khổ. Khi có tuệ giác ta có thể tiếp xúc sâu sắc với thực trạng của mọi sự, mọi vật và không còn sợ hãi, chỉ còn tình thương, chỉ còn chấp nhận tha thứ bao dung. Chính vì vậy mà ta gọi tuệ giác là một loại quyền lực, một sức mạnh siêu đẳng. Nếu bạn dành thì giờ để quán chiếu thực tại dưới ánh sáng của tuệ giác vô thường, vô ngã thì bạn sẽ giác ngộ và tự giải thoát khỏi đau khổ và khó khăn. Tất cả bốn quyền lực (tín, tấn, niệm, định) nói trên đưa đến quyền lực siêu đẳng (tuệ), đồng thời cũng đưa đến hạnh phúc vô biên.

Tuệ giác, là lưỡi gươm cắt đứt mọi đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, sân hận và kỳ thị. Năng lượng của định, của tuệ giác giúp ta thấy rõ bản chất đối tượng của định. Định Vô Thường và định Vô Ngã đưa đến tuệ giác Vô Thường và tuệ giác Vô Ngã.

Vô thường không phải là một ý tưởng hay một quan niệm mà là một tuệ giác. Rất nhiều người trong chúng ta cố bám lấy ý niệm về thường còn, vững chắc. Khi nghe đến giáo lý vô thường họ đâm ra lo sợ. Nhưng vô thường không phải là tiêu cực mà có khi rất tích cực. Bất cứ điều gì cũng đều vô thường, kể cả bất công, nghèo khổ, ô nhiễm, và hiện tượng "trái đất nóng lên" (global warming). Trong cuộc sống ta có thể gặp phải hiểu lầm, bạo lực, xung đột, tuyệt vọng nhưng vì vô thường nên chúng có thể được chuyển hóa nếu ta có tuệ giác trong nếp sống hiện tại.

Tuy nhiên lắm lúc ta quên hẳn vô thường. Trên lý thuyết ta biết rằng tất cả đều là vô thường, nhưng ta quên đi rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ bệnh, sẽ chết. Ta quên đi rằng chính ta rồi cũng sẽ chết. Ta có xu hướng suy nghĩ như là ta sẽ sống mãi. Và vì vậy ta không có tuệ giác vô thường để sống đẹp từng giây phút, để trân quý người thương. Rất nhiều người trong chúng ta đã đau khổ cùng cực khi một người thương ra đi, không phải vì ta thương nhớ mà vì nuối tiếc rằng khi người thương còn sống ta đã không có thì giờ gần gũi và hết lòng săn sóc. Có thể ta đã đối xử với người ấy một cách bất công. Bây giờ người ấy không còn nữa và ta mang mặc cảm tội lỗi. Nếu có tuệ giác vô thường thì phải biết rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ chết và hôm nay ta phải làm tất cả những gì có thể để đem lại hạnh phúc cho người ấy. Đừng đợi đến ngày mai. Ngày mai có thể quá muộn. Nếu biết sống theo tuệ giác vô thường ta sẽ không phạm quá nhiều lầm lỗi. Ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ. Ta có thể thương yêu, săn sóc người ta thương ngay ngày hôm nay. Ta không bươn chải về tương lai để rồi đánh mất sự sống. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại.

Bụt dạy vô thường như là một tuệ giác. Bụt không bi quan mà chỉ muốn nhắc nhở chúng ta rằng sự sống rất đáng quý và chúng ta phải trân quý sự sống từng giây phút. Duy trì định vô thường như vậy sẽ đem đến tuệ giác vô thường. Nhờ tuệ giác vô thường mà ta không bị tuyệt vọng, sân hận, tiêu cực cuốn đi bởi vì tuệ giác vô thường cho ta biết phải nên làm gì và không nên làm gì để xoay chuyển tình thế. Nhờ vô thường mà không có gì không làm được.

Nếu không có tuệ giác, ta sẽ nghĩ rằng quyền lực là do ta tự tạo nên, chỉ cho riêng ta. Nhưng có một tuệ giác khác ta có thể đạt được, đó là tuệ giác vô ngã. Vô ngã không có nghĩa là ta không có mặt. Vô ngã chỉ có nghĩa là ta không có tự tính riêng biệt. Nguồn gốc của bao nhiêu đau khổ chính là do tâm phân biệt, phân biệt giữa mình và người, do ý niệm về một cái ngã riêng biệt. Giả thử bạn là cha mẹ. Hãy nhìn con của bạn và bạn sẽ thấy rằng con trai hay con gái bạn chỉ là sự tiếp nối của bạn. Cũng như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, con cái là sự tiếp nối của cha mẹ. Trong con có tế bào của cha. Cha và con không phải là một người nhưng cũng không phải là hai người. Khi người cha nhận ra điều này, ông đã chứng được tuệ giác vô ngã, cha đau khổ thì con cũng đau khổ và ngược lại. Cũng vậy, giận con mình tức là tự giận mình, giận cha mình tức là tự giận mình. Rất rõ ràng. Một khi đã thực chứng tuệ giác vô ngã, khi không còn phân biệt giữa bạn và con trai, con gái bạn, thì cơn giận của bạn sẽ tiêu tan. Bạn đang tranh dành quyền lực nhưng nếu biết quán chiếu vô ngã bạn sẽ biết cần phải làm gì và có thể chấm dứt đau khổ của chính bạn và của những người liên hệ đến sự tranh dành đó. Bạn biết rõ rằng sân hận của họ là sân hận của bạn, đau khổ của họ là đau khổ của bạn, hạnh phúc của họ là hạnh phúc của bạn.

Khi cánh tay trái của tôi bị phong thấp đau nhức, tôi săn sóc, xoa bóp, tôi làm đủ mọi cách để cho cánh tay trái bớt đau nhức mà hoàn toàn không giận dỗi gì cánh tay ấy. Khi tôi có một đệ tử chưa dễ thương, tôi cũng thực tập như thế. Tôi không giận đệ tử của tôi mà chỉ gắng săn sóc người đệ tử ấy như tôi đã săn sóc cánh tay trái vậy. Bởi vì tôi biết rằng giận đệ tử tức là tự giận mình và chẳng giúp ích được gì. Nhưng chúng ta chỉ có thể hành xử khôn ngoan như thế khi chúng ta đã thực chứng được tuệ giác vô ngã.

Trong Đạo Bụt có một tuệ giác gọi là tuệ giác Vô Phân Biệt (Xả). Xả là một trong bốn yếu tố của tình thương chân thực (Tứ Vô Lượng Tâm). Tôi thuận tay phải nên tôi làm hầu hết mọi việc bằng tay phải: đánh răng, thỉnh chuông, viết thư pháp. Tất cả những bài thơ của tôi đều được viết bằng bàn tay phải. Nhưng bàn tay phải của tôi không bao giờ tự hào và nói: "Này bàn tay trái, anh chẳng được tích sự gì. Một mình tôi làm tất cả mọi việc." Và bàn tay trái của tôi không bao giờ có mặc cảm tự ti, không bao giờ đau khổ. Thật kỳ diệu. Hai bàn tay tôi luôn luôn sống hài hòa với nhau, hợp tác một cách toàn hảo. Đây chính là tuệ giác vô ngã sống động trong mỗi chúng ta.

Một hôm tôi đang đóng đinh để treo một bức tranh lên vách. Tay phải của tôi vụng về thế nào mà thay vì đóng vào đinh lại đi giáng cho ngón tay trái một nhát đau điếng. Ngay lúc ấy bàn tay phải của tôi lập tức buông ngay búa xuống và ôm chặt lấy bàn tay trái để chăm sóc. Bàn tay trái của tôi không hề giận giữ, trách móc, cũng không nói: "Này bàn tay phải, anh làm cho tôi đau. Tôi muốn công bằng. Đưa cái búa đây cho tôi." Và bàn tay phải cũng không nói: "Này bàn tay trái, ta đang săn sóc cho ngươi, ngươi hãy nhớ lấy nhé." Bàn tay trái và bàn tay phải của tôi không bao giờ suy nghĩ kiểu như vậy. Đó chính là tuệ giác vô phân biệt (Xả), một nguồn tuệ giác có sẵn trong ta, biết sử dụng tuệ giác ấy sẽ đem lại an hòa trong gia đình cũng như trong cộng đồng.

Tín đồ Ấn Giáo và Hồi Giáo mà biết sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì họ đã có thể sống hòa bình với nhau. Nếu người Do Thái và người Palestine cũng sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì đâu xảy ra chiến tranh. Nếu Hoa Kỳ và Iraq xem nhau như anh em, như hai bàn tay của cùng một cơ thể thì họ đâu có tiếp tục giết nhau. Tất cả chúng ta đều phải trau dồi tuệ giác ấy. Tuệ giác ấy có công năng giúp ta giải tỏa sợ hãi, khổ đau, chia rẽ, cô đơn, và có thể giúp người khác làm như vậy.

Tuệ giác có được là nhờ hiểu biết. Trong ta có thể đã có sẵn hiểu biết, nhưng vì ta không có niệm, không có định cho nên tuệ giác không có cơ hội phát hiện. Chúng ta phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho niệm và định, cũng giống như muốn cho hoa mọc tươi tốt thì ta phải xới đất rải phân. Tuệ giác là một loại hiểu biết có được nhờ chánh niệm. Nếu ta tự đánh mất mình trong tiếc nuối quá khứ, trong lo lắng tương lai thì tuệ giác sẽ khó mà phát triển và như thế thì khó mà biết cách hành xử đúng trong hiện tại.

Chính vì vô minh mà ta đau khổ. Khi có tuệ giác ta có thể tiếp xúc sâu sắc với thực trạng của mọi sự, mọi vật và không còn sợ hãi, chỉ còn tình thương, chỉ còn chấp nhận tha thứ bao dung. Chính vì vậy mà ta gọi tuệ giác là một loại quyền lực, một sức mạnh siêu đẳng. Nếu bạn dành thì giờ để quán chiếu thực tại dưới ánh sáng của tuệ giác vô thường, vô ngã thì bạn sẽ giác ngộ và tự giải thoát khỏi đau khổ và khó khăn. Tất cả bốn quyền lực (tín, tấn, niệm, định) nói trên đưa đến quyền lực siêu đẳng (tuệ), đồng thời cũng đưa đến hạnh phúc vô biên.

Tôi Đã Tìm Ra Chân Lý Rồi (Trích Nẻo Về Của Ý)

Thứ tư, 05 Tháng 3 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Nguyên Hưng, tôi nghe Phương Bối đã trở nên bất an quá, cho nên thầy Thanh Từ cũng đã rời Thiền Duyệt Thất mà về Phú Lâm rồi. Thật là buồn. Hôm tôi từ giả Phương Bối, tôi tưởng thầy Thanh Từ có thể ở lại Phương Bối bình yên. Nhưng mà không. Lâu nay Nguyên Hưng có tiếp xúc với thầy Thanh Từ bằng thư không? Hôm qua, tôi có viết cho thầy Thanh Từ một lá thư. Lá thư còn để đây, chưa có dịp gởi nhà giây thép. Tôi đã viết lá thư ấy trong một tâm trạng bình yên và yêu thương. Nhưng chỉ những người thuộc về "thánh địa" Phương Bối như thầy Thanh Từ, như Hưng, như Lý mới hiểu được tại sao tôi có thể viết như thế mà thôi. Thôi để tôi chép cho Nguyên Hưng đọc một đoạn trong lá thư đó. Đoạn này nằm ở giữa lá thư.

"Tôi đã tìm ra chân lý rồi. Trời ơi có phải là nghe câu ấy thầy đang ôm bụng cười tôi phải không? Tôi nói thật đó mà. Khi tôi thấy nó, tôi giật mình. Nó không phải là ai xa lạ cả. Nó là, thầy ơi, nó là kẻ mà tôi đã gặp từ lâu, đã biết rõ mặt mũi từ lâu. Nó không có chi mới lạ đối với tôi cả. Thế mà tại sao lâu nay, có tới ngàn vạn kiếp rồi, tôi không nhận diện được nó. Lần này thấy nó, tôi ngạc nhiên đến nỗi không biết làm gì hơn là phá lên cười. Cũng giống như bây giờ thầy đang ôm bụng cười tôi vậy.

Tôi hỏi: "Tôi tưởng tên của cậu mày hay như thế thì mặt mũi cậu phải đẹp lắm kia chứ?".

Nó hỏi lại: "Vậy thầy thấy tôi xấu hay sao?".

Tôi giật mình nó lại, thì quả thực nó không xấu.

Nó lại hỏi: "Hởi người đã tìm thấy tôi, người sẽ làm gì chiều hôm nay?"

Tôi nghiêm trọng trả lời: "Ta sẽ đi ăn cơm khi ta thấy đói bụng, và sẽ ngủ khi ta thấy buồn ngủ."

Thầy ơi, hôm từ giã phi trường Tân Sơn Nhất, tôi có mang theo một cái hột gà. Tôi như một con gà ấp trứng, và luôn luôn có một cái hột gà để ấp, đêm và ngày. Tôi mang theo qua bên này một cái hột gà đã ấp từ sáu bảy hôm nay, và những kẻ đưa tôi ra phi trường không có ai hay biết. Họ chỉ biết tôi mang theo một cái áo lạnh và một cây viết Pilot. Nhân viên quan thuế không biết, mà tôi cũng không biết phải khai báo ra làm sao. Tôi nín thinh. Nhưng mà tôi tin ngồi ở Thiền Duyệt Thất, thầy có thể biết. Tôi nhớ cũng đã từng nói cho thầy nghe và hứa với thầy là khi nào hột gà nở ra con gà thì tôi tin cho thầy hay. Thầy có nhớ điều đó không? Hôm nay tôi có thể tin cho thầy biết là thêm một năm ấp ủ, và do khí hậu thuận lợi, con gà đã mổ được vỏ quả trứng và chui ra ánh sáng. Ra khỏi vỏ nó lớn rất mau chóng, không khác gì cậu bé Phù Đổng năm xưa.

Đêm mồng bảy tháng năm vừa qua, tôi được chứng kiến một cuộc đàm thoại giữa Đức Phật và Ma Vương Ba Tuần, Đức Thế Tôn tiếp Ma Vương Ba Tuần tại núi Linh Thứu với tư cách một thượng khách của Ngài. Thầy nghe không, một thượng khách của Ngài. Tôi thích thú lắm. Tôi định sẽ ghi tất cả nội dung của cuộc đàm thoại đó làm thành một cuốn kinh:

"Đức Phật: Xin mời Ngài ngồi.

Ba Tuần: Xin cám ơn Ngài. Gớm cái ông thị giả của Ngài khó tính quá. Khi tôi xưng danh hiệu, ông ta nhất định không cho tôi vào. Ông nói: Nhà ngươi còn đến đây làm gì? Ngươi không nhớ năm xưa dưới gốc cây Bồ Đề, ngươi đã bị đức Thế Tôn đánh bại hay sao? Ngài sẽ không tiếp nhà ngươi đâu. Nhà ngươi là kẻ thù của Đức Phật". Tôi phải nói khích một câu ông ấy mới cho vào.

Đức Phật (cười): Ngài nói khích như thế nào?

Ba Tuần: Tôi nói: "Phật thì làm gì có kẻ thù. Phật mà còn phân biệt kẻ oán người thân thì đâu có phải là Phật". Chừng ông ta đã được nghe đâu cái câu ấy của Ngài một vài lần rồi cho nên khi nghe tôi nói khích ông ta động lòng tự ái, cho tôi vào ngay.

Đức Phật: Cái kiểu của ngài thì muôn đời như vậy. Và cứ phải mưu mô mà đi đường cong như vậy thì mới thắng được thiên hạ. Nhưng mà thực ra có dám làm như thế mới được gọi là Ma Vương.

Ba Tuần: Đúng lắm thưa Ngài. Làm Ma Vương bực lắm. Mặc áo thì luôn luôn phải mặc áo giấy. Vẻ mặt thì khi nào cũng phải hoặc nham hiểm, hoặc độc ác hoặc u mê. Thở thì phải thở toàn khói nghi ngờ đen nghịt. Để có hình thức phù hợp. Để cho danh chánh ngôn thuân là Ma Vương mà. Đi đâu thiên hạ cũng tránh, cũng ghét, cũng sợ. Làm Ma Vương quả thực bực lắm.

Đức Phật: Vậy ngài tưởng làm Phật sung sướng lắm hay sao? Thiên hạ dán vào lưng tôi nhiều nhãn hiệu mà tôi không hề tự xưng bao giờ. Thiên hạ đem tôi ra bán buôn. Và cứ tưởng tượng ngồi trên xe hoa để thiên hạ rước đi từng bước gật gù qua các phố bán than, bán thực phẩm, bán nước mắm v.v... thì tôi tưởng Ngài sẽ chẳng bao giờ ước muốn làm Phật, Thế Tôn của nhân loại.

Nghe đức Thế Tôn nói xong, Ba Tuần cười ha hả..."

Nguyên Hưng ơi, tôi chỉ chép Nguyên Hưng đọc từng đó mà thôi nghe.

Không phải tôi sợ rằng Nguyên Hưng nhìn tôi bằng cặp mắt thương hại hay trách móc đâu. Tôi đã nói với Nguyên Hưng rằng tôi viết lá thư đó trong tâm niệm an lành và thương yêu rồi mà. Mai sau nếu chúng ta được trở về Phương Bối thì bản thảo cuốn kinh kia sẽ được để trên bàn giữa của chiếc nhà Thượng. Và sẽ chỉ có những người có căn cơ đại thừa của đại thừa mới được đọc cuốn kinh đại thừa của đại thừa ấy có phải không?...

Tiếng Chuông Và Bước Chân - Thông bạch của thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh

Thứ ba, 22 Tháng 1 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Kính gửi các vị Tôn Túc, các vị Sư Trưởng và đại chúng xuất gia trong các tổ đình và tự viện thuộc môn phái Từ Hiếu.

Kính thưa liệt vị, Hàng ngàn Phật tử xuất gia cũng như tại gia, trong cũng như ngoài nước, đã tỏ lộ sự hân hoan và vui mừng khi nhận thấy tứ chúng trong môn phái Từ Hiếu đã tiếp nhận, tán trợ và hành trì thật nghiêm túc thông bạch ngày 1.1.1996 về việc tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày thành lập tổ đình Từ Hiếu và sự áp dụng Năm Giới Quý Báu trong công phu tu tập cũng như trong phương thức tiếp xử với các đạo tràng khác trong sơn môn. Phẩm chất tu học và niềm an lạc trong môn phái đã tăng tiến một cách lớn lao chỉ trong vòng một năm trời, và sự chấn chỉnh của tông phong đã được mọi người bên trong và bên ngoài môn phái thừa nhận một cách đích xác.

________________________________________

Xin quý vị tôn túc, sư trưởng và toàn thể đại chúng cùng chúng tôi nhất tâm hồi hướng công đức ấy cho các thế hệ tương lai. Trong thông bạch này, tôi xin kính lưu tâm các vị tôn đức và sư trưởng về sự hành trì tiếng chuông và bước chân chánh niệm của người xuất gia. Tôi tin tưởng nếu giới xuất gia trong môn phái thực tập được vững chãi hai pháp môn này, chúng ta sẽ đem lại được rất nhiều năng lượng tu chứng cho sơn môn và gây niềm tin lớn cho các giới Phật tử. Tiếng Chuông chánh niệm là phương pháp thực tập đã có từ thời Bụt còn tại thế. Mỗi khi nghe tiếng chuông, tất cả mọi người đều ngưng hết suy tư, ngưng hết nói năng, và lắng nghe tiếng chuông với hơi thở chánh niệm. Tiếng chuông được tiếp nhận như tiếng của đức Thế Tôn gọi chúng ta về với chánh niệm. Trong thiền môn chúng ta vẫn có truyền thống thực tập này, vì vậy trong sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu chúng ta thấy có những bài kệ thỉnh chuông và nghe chuông như bài ''Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới'' và bài ''Văn chung thanh phiền não khinh''. Những bài này đã được các tổ sáng chế để thực tập tiếng chuông chứ không phải để xướng tán. Vậy thì thực tập trở về hơi thở chánh niệm mỗi khi nghe chuông chỉ là sự tiếp nối tự nhiên của truyền thống thiền tập. Người tu thiền khi nghe chuông thì trở về nhiếp niệm an ban hay quán chiếu, người tu tịnh độ khi nghe chuông thì trở về nắm lấy vững chãi phép niệm bụt trì danh hay quán tưởng. Trong khi thực tập, người hành giả có định, có tuệ và có an lạc. Theo phép thực tập này, vị tri chung trước khi thỉnh chuông phải chắp tay xá chuông và quán niệm theo bài kệ thỉnh chuông, mỗi câu kệ đi theo một hơi thở vào hoặc thở ra; và khi tiếng chuông vọng lên, tất cả mọi người, kể cả vị tri chung, phải dừng lại mọi suy tư và nói năng để trở về chánh niệm, cùng thực tập với nhau ít nhất là trong ba hơi thở. Trong giờ phút thực tập ấy, năng lượng của niệm, định và tuệ của đại chúng có mặt rất rõ ràng, và người đến chùa sẽ cảm thấy năng lượng ấy đi vào trong con người của họ và sẽ tiếp nhận được rất nhiều lợi lạc. Buổi khuya, đại chúng có thể thực tập im lặng trong tư thế ngồi, suốt trong thời gian thỉnh đại hồng chung, hoặc thiền quán, hoặc niệm Bụt, ngồi chung trong thiền đường, Phật đường hoặc trên đơn của mình. Những vị có trách vụ như hương đăng, trà giả, trị nhật, v.v... có thể tiếp tục chấp tác trong im lặng, cùng theo dõi hơi thở và thực tập thiền quán hay niệm Bụt trong khi làm việc. Sau khi chuông nhập, tất cả đại chúng mới vân tập trên Phật đường để tụng niệm. Tụng niệm, như vậy, chỉ là một phần của công phu buổi sáng và buổi tối. Buổi tối, trong thời gian thỉnh đại hồng chung , chúng ta cũng thực tập giống như buổi khuya, và khung cảnh thiền môn sẽ có sự im lặng tuyệt đối trong những giờ giấc ấy. Bước chân thiền hành cũng là một pháp môn thực tập có từ hồi Bụt còn tại thế. Người xuất gia khi đi, đứng, nằm và ngồi đều có uy nghi và chánh niệm. Bước chân nào cũng có chánh niệm, vì thế nên từ người xuất gia tỏa chiếu ra năng lượng của sự vững chãi và sự thảnh thơi. Người xuất gia không thể đi đứng vụt chạc và hấp tấp. Bước chân vững chãi và thảnh thơi giúp cho người xuất gia an trú được trong chánh niệm, trong giây phút hiện tại, và gây niềm tin lớn cho mọi người. Ði kinh hành trong thiền đường hay Phật đường chưa đủ. Trong đời sống hàng ngày, mỗi khi cần di chuyển, ta phải sử dụng phép thiền hành, nghĩa là đi từng bước có chánh niệm, dù khoảng cách di chuyển chỉ là dăm bảy bước. Ði trong khuôn viên chùa cũng thế, mà đi vào thành phố cũng thế. Mỗi ngày ta thực tập thiền hành với đại chúng một lần và có thể thực tập thiền hành riêng nhiều lần. Ði thiền hành là một pháp môn nhiệm mầu có thể tập cho chúng ta biết an trú trong giây phút hiện tại, biết sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày và giúp giải tỏa và chuyển hóa những buồn giận và lo lắng của ta. Ðể thực tập thành công, ta nên học cách phối hợp hơi thở với bước chân và sử dụng những bài thi kệ chánh niệm.

Kính thưa các vị tôn đức, các vị sư trưởng, trong ba mươi năm qua, tại đạo tràng Phương Vân và tại đạo tràng Mai Thôn, các pháp thực tập tiếng chuông và bước chân đã đem lại rất nhiều vững chãi và niềm tin trong giới Phật tử Tây phương. Hiện giờ đã có trên năm trăm đoàn thể tu học rải rác trên thế giới đang thực tập theo các pháp môn này và tất cả đều đã tiếp nhận nguồn cảm hứng từ tu viện Phương Vân và đạo tràng Mai Thôn. Thỉnh thoảng tại các chùa viện thuộc môn phái trong nước, vẫn có những vị Phật tử gốc Tây phương về hành hương và chiêm bái. Nhìn họ đi, đứng, và quán sát họ khi họ nghe chuông, chúng ta có thể nhận diện ra họ là con cháu của môn phái. Nếu có người không thực tập tiếng chuông và bước chân, ta biết ngay rằng họ chỉ là du khách. Rất mong liệt vị tôn túc và sư trưởng từ bi ra công giảng dạy và hướng dẫn pháp đàm để tất cả giới xuất gia của chúng ta có thể thực tập nghiêm chỉnh hai pháp môn này, bắt đầu từ Tết Nguyên Ðán Ðinh Sửu (1997). Ðạo tràng của chúng ta sẽ trang nghiêm lên gấp trăm lần với công phu tu tập này. Các giới tại gia tới chùa cũng sẽ được khuyến thỉnh thực tập để chúng ta có thể làm sống dậy năng lượng tu tập ngày xưa ở tu viện Cấp Cô Ðộc cũng như trên núi Linh Thứu.

Hôm nay là ngày đánh dấu 150 năm công cuộc khai sơn Tổ đình Từ Hiếu và cũng là ngày tất cả tứ chúng của môn phái tập hợp lại để tưởng nhớ công ơn của sư tổ Nhất Ðịnh và của các thế hệ tổ sư kế tiếp. Vượng khí của tổ đình đã khiến cho các cao tăng xuất phát từ môn phái Từ Hiếu có mặt tại nhiều đạo tràng khắp nơi, và con cháu của môn phái đã trở nên rất đông đúc, không những trên đất nước thân yêu mà còn trên ba mươi quốc gia trên thế giới. Tất cả hôm nay đều vọng về chùa Tổ. Nếu chúng ta khởi sự thực tập bước chân và tiếng chuông một cách vững chãi thì năm Ðinh Sửu sẽ đem lại cho sơn môn và đất nước rất nhiều hạnh phúc và thảnh thơi. Kèm theo thông bạch này xin gửi đến liệt vị một bản phụ lục có những bài thi kệ có thể được sử dụng vào việc thực tập tiếng chuông và bước chân chánh niệm.

Nam mô đức bổn sư Bụt Thích Ca Mâu Ni, Nam mô đức bồ tát Nhất Ðịnh, tổ khai sơn am An Dưỡng và chùa Từ Hiếu.

Thư gửi học chúng tại Tổ đình Từ Hiếu

Thứ năm, 06 Tháng 3 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Phương Khê Nội Viện,Đạo Tràng Mai Thôn, Pháp Quốc

Ngày 10 tháng 02. 2006

Thương gởi học chúng tại Tổ đình Từ Hiếu,

Mùa xuân đã đến tại quê hương, nhưng ở Âu châu còn phải đợi thêm gần một tháng nữa. Tôi trân trọng kính chúc các thầy, các sư chú, và các Phật tử cư sĩ của tổ đình một mùa xuân tươi vui và hạnh phúc.

Nhân tiện tôi xin nhắc lại vài điểm then chốt về nguyên tắc sinh hoạt và tu tập tại tổ đình.

________________________________________

1. Thượng Tọa Chí Mậu và tôi là hai người chịu trách nhiệm trực tiếp với chư Tổ để chăm lo và duy trì cơ sở và nếp sinh hoạt tu học của tổ đình. Tổ đình là một ngôi chùa cổ nhưng cũng là một tu viện và một phật học viện. Tôi tin chắc tổ đình sẽ thành công như một đạo tràng gương mẫu, bởi vì tôi và Thượng Tọa Chí Mậu là hai anh em bất khả phân ly, cùng một sứ mạng và một chí hướng, với lại thượng tọa đã được đắc pháp qua tôi, vì vậy không một âm mưu, hoặc đàm tiếu nào có thể chia rẽ hai chúng tôi được.

2. Tất cả các vị xuất gia, dù là đệ tử của ai, một khi đã được chấp nhận thường trú tại tổ đình đều được đối xử bình đẳng trên cương vị thân hòa đồng trú, ý hòa đồng giải và lợi hòa đồng quân.

3. Tất cả những quyết định về sinh hoạt học hỏi và tu tập đều do hội đồng tỳ kheo đưa ra trong buổi họp hằng tuần. Thượng Tọa Chí Mậu chủ tọa những buổi họp ấy với sự giúp đỡ của một vị giáo thọ do thượng tọa mời chọn. Thượng Tọa Chí Mậu cũng đại diện cho tôi. Nếu cần tham khảo ý kiến của tôi về một vấn đề quan trọng, Thượng Tọa có thể điện thoại hoặc fax cho tôi, và tôi sẽ cung cấp ý kiến trong vòng một giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng nếu cần, tôi cũng có mặt trong buổi họp qua đường giây internet.

4. Các Phật tử cư sĩ tu học theo tổ đình được khuyến khích có một buổi họp giữa những vị cư sĩ ít nhất mỗi tháng một lấn để đạo đạt ý kiến xây dựng của mình lên hội đồng tỳ kheo. Các vị sa di cũng có buổi họp hằng tuần để thực tập kiến hòa đồng giải và góp ý cho hội đồng tỳ kheo để hội đồng này có đủ ý kiến và nguyện vọng mà đi tới những quyết định đem lại hạnh phúc và sự tiến tu trong toàn chúng.

5. Ban điều hành (ban chăm lo) được hội đồng các vị tỳ kheo bầu ra, không phải dựa trên nguyên tắc thâm niên mà dựa trên nguyên tắc khả năng làm việc. Có thể có những thành viên sa di và cư sĩ trong ban này. Thành phần của ban có thể thay đổi hoặc bổ túc trong những buổi họp của hội đồng tỳ kheo xảy ra sau đó, để càng ngày ban điều hành càng làm việc giỏi. Yếu tố thâm niên không dính líu gì đến việc công cử thành phần của ban điều hành. Quyền lực tối cao của chúng nằm ở hội đồng tỳ kheo chứ không phải ở một cá nhân. Hội đồng tỳ kheo đi tới mọi quyết định trên nguyên tắc tác pháp yết ma - chứ không phải trên nguyên tắc thâm niên. Đây là truyền thống đích thực của tăng đoàn Phật giáo từ nguyên thỉ.

6. Ban nghi lễ (có thể đặt tên là ban ứng phú hoặc ban hóa độ) được hội đồng các vị tỳ kheo công cử. Thành phần của ban gồm có những người có khả năng ứng phú nhưng cũng có khả năng độ người. Thành phàn này cũng có thể được thay đổi hay bổ túc bằng những bưổi họp tỳ kheo sau đó. Mọi cúng dường đều được trao lại cho thủ quỹ của tổ đình, trừ chi phí chuyên chở, thuốc men, ẩm thực, v.v...Tất cả các bao thơ do các thí chủ cúng dường, dù cúng dường chung hay riêng cho các vị kinh sư, đều được trao lại cho vị thủ quỹ . Thượng tọa Chí Mậu sẽ có thông báo bằng văn thư hay bằng pháp thoại cho giới Phật tử tại gia biết về vấn đề này. Các thầy trong ban nghi lễ (cũng có thể gọi là ban kinh sư) như vậy sẽ có cơ hội nuôi dưỡng chúng bằng sự thực tập của mình, và sẽ được chúng biết ơn và thương yêu.

7. Vì là một tu viện, một học viện, một tổ đình lớn, nên sự học hỏi và hành trì thường nhật là cột sống của tổ đình, do đó ai trong đại chúng cũng có nhiệm vụ tham dự vào các sinh hoạt tu học và tổ chức, nhất là các vị có hạ lạp lớn cần phải làm gương mẫu cho các sa di và tân tỳ kheo. Những buổi giảng dạy, thiền tọa, tụng kinh, tụng giới hay học hỏi mọi người đều có mặt tham dự, chỉ trừ trường hợp bệnh, chấp tác hay tăng sai. Ba lần vắng mặt không có lý do sẽ bị cảnh cáo, sám hối, và nếu không tham dự vào sự học hỏi và tu tập nhiều ngày thì sẽ không được thường trú nữa ở tổ đình, dù đó là đệ tử của Sư Ông Làng Mai hay Thượng Tọa Chí Mậu. Mỗi buổi công phu có mặt của toàn thể đại chúng luôn luôn có năng lượng hùng hậu nuôi dưỡng mọi người, ta không thể để cho một số sa di le hoe đi công phu trong khi các thầy lớn vắng mặt như ở các chùa bình thường. Sự kiện Thượng Tọa Chí Mậu có mặt trong tất cả các buổi thiền tọa là một sự kiện mầu nhiệm, là một tấm gương lớn cho tất cả đại chúng. Tôi rất mừng về sự kiện này.

Thưa đại chúng, tất cả những điểm tôi vừa nhắc nhở đều đã được trình bày trong khóa tu tăng ni tại tổ đình vào tháng ba năm 2005 do tôi hướng dẫn. những điểm ấy là cột sống của truyền thống Phật giáo. Với sự bảo hộ của chư tổ, tôi sẽ có mặt tại tổ đình mỗi năm để dạy học và thực tập với đại chúng. Thượng Tọa Chí Mậu và tôi đều mong ước là trong vòng một vài năm nữa số lượng các vị xuất gia thường trú tại tổ đình sẽ lên tới 150 vị, và năng lượng tu tập sẽ rất hùng hậu. Ta sẽ đóng góp cho đất nước, cho dân tộc, cho giáo hội bằng sự tu học miên mật của chúng ta bằng cách tu học tinh chuyên. Tôi viết những dòng chữ này với tư cách niên trưởng của môn phái và của tổ đình. Xin anh em nắm tay nhau đi như một dòng sông để mọi người có thể xây dựng được tình huynh đệ cho vững chãi và thành tựu được ước mơ của mình, đó là bồ đề tâm của chúng ta. Thơ này nên sao ra để mỗi người có một bản để tự nhắc nhở mình.

Thông Bạch Đầu Thế Kỷ

Thứ năm, 17 Tháng 1 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Kính gửi liệt vị Tôn Túc, Sư Trưởng và Tứ Chúng thuộc môn phái Từ Hiếu

Kính thưa liệt vị,

Thế kỷ thứ hai mươi là thế kỷ bạo động và đẫm máu nhất của nhân loại từ trước đến nay.Nhờ sự phát triển của kỹ thuật, con người của thế kỷ hai mươi đã đạt tới nhiều quyền lực để chinh phục thiên nhiên và bắt đầu can thiệp được vào cơ cấu của tế bào sinh vật để lái thiên nhiên đi về hướng phục vụ ước muốn của mình. Đồng thời con người của thế kỷ hai mươi cũng trở nên rất cô đơn, bơ vơ, lạc lõng, không có niềm tin, không có nơi nương tựa tâm linh, chỉ biết sống để làm thỏa mãn những tư dục của một cái ta vị kỷ.

________________________________________

Vào cuối thế kỷ, tuổi trẻ không còn tin vào một đấng tạo hóa, cũng không còn tin vào một chủ thuyết hay ý thức hệ nào. Không còn lý tưởng, không tìm ra được một ý nghĩa nào cho sự sống, mất gốc rễ nơi truyền thống tâm linh, tổ tiên, gia đình và xã hội, tuổi trẻ sống theo hướng tiêu thụ và tự tàn phá thân tâm . Mục đích của sự sống chỉ là để sống sót và đừng trở thành điên loạn. Chiến tranh ý thức hệ, ung thư , sida, bệnh tâm thần, rượu và ma túy là những gánh nặng lớn của thế kỷ. Hiện giờ những tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực điện tử và sinh vật đang hứa hẹn thêm những quyền lực mới cho con người. Trong thế kỷ tới, nếu con người không có khả năng làm chủ được thân tâm và chinh phục được chính mình thì những quyền lực mới ấy sẽ đưa con người và các loài chúng sinh khác đến chỗ hoại diệt.

Tuy nhiên trong thế kỷ thứ hai mươi, nhiều hạt giống tuệ giác cũng đã được nẩy mầm : khoa học cũng đã hé thấy được nguyên lý duyên sinh, tương tức và vô ngã trong các lĩnh vực vật lý và sinh vật ; cũng như tâm lý học và xã hôi học đã khám phá ra nguyên tắc đồng sinh cọng tử và thấy rõ rằng có hiểu biết mới thực sự có thương yêu. Từ những tuệ giác đó đã phát sinh các phong trào bảo vệ sinh môi, thương xót các loài thú vật, ưa thích ăn chay, bỏ rượu và bỏ thuốc hút, đi phục vụ thiện nguyện tại các nước nghèo đói, tranh đấu bất bạo cho hòa bình và nhân quyền, đề cao nếp sống đơn giản, không tiêu thụ những sản phẩm có độc tố để tàn hoại thân tâm, và mở lòng tiếp nhận giáo lý đạo Bụt như một nghệ thuật sống để chuyển hóa, trị liệu và thương yêu.

Điều sau này được chứng minh bằng sự lan rộng mau chóng kỳ lạ của đạo Bụt tại phương Tây trong hai thập niên chót của thế kỷ. Nếu chúng ta biết nhận diện những yếu tố tích cực này để yểm trợ và phát huy, thì những hạt giống tuệ giác mới này sẽ có thể trở thành một bó đuốc sáng soi đường cho nhân loại trong thế kỷ thứ hai mươi mốt. Khoa học và kỹ thuật có thể được hướng dẫn phục vụ cho nhu yếu xây dựng một niềm tin mới và một sức sống mới cho nhân loại theo chiều hướng của tuệ giác duyên sinh, tương tức và vô ngã này.

Nếu thế kỷ thứ hai mươi là thế kỷ trong đó con người chinh phục được thiên nhiên thì thế kỷ thứ hai mươi mốt phải là thế kỷ trong đó con người tự chinh phục được chính mình. Nếu thế kỷ thứ hai mươi là thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân và ý hướng thỏa mãn tư dục thì thế kỷ thứ hai mươi mốt phải là thế kỷ của nếp sống vô ngã, trong đó con người biết sống hài hòa với cộng dồng xã hội và với thiên nhiên, cũng như những tế bào trong cùng một cơ thể hay là những con ong trong cùng một tổ ong, theo tinh thần thực sự dân chủ và bình đẳng. Tự do không còn là tự do tự hủy hoại thân tâm và hủy hoại sinh môi mà là sự thảnh thơi không bị tư dục, hận thù và tuyệt vọng trấn ngự. Nếp sống chánh niệm được biểu hiện cụ thể bằng năm giới quý báu là con đường thoát của nhân loại, là kim chỉ nam cho thế kỷ mới. Trở về truyền thống tâm linh của mình để khám phá ra tuệ giác và nếp sống tương đương với năm giới quý báu là công việc cấp thiết nhất của tất cả chúng ta.

Tôi kính cẩn đề nghị với tất cả các vị Tôn Túc, Sư Trưởng và toàn thể Tứ Chúng trong môn phái, xuất gia cũng như tại gia, trong nước cũng nhưngoài nước, quán chiếu và đóng góp tối đa phần mình cho hướng đi lên của nhân loại vào đầu thế kỷ thứ hai mươi mốt :

1- Xây dựng tu viện và các trung tâm tu tập chánh niệm để làm cơ sở thực tập cho tăng thân xuất gia và tại gia. Tổ chức các khóa tu một ngày, ba ngày, bảy ngày, ba tuần, ba tháng v...v ..cho người xuất gia và người tại gia , nhắm tới sự chuyển hóa phiền não, chế tác hiểu biết, thương yêu và khả năng xây dựng tăng thân. Chùa và tu viện được tổ chức như cơ sở của đời sống tâm linh của cả hai giới xuất gia và tại gia để tuổi trẻ có thể tiếp xúc được với tổ tiên tâm linh và cắm rễ được vào mảnh đất tâm linh ấy.Thực tập tinh thần phá chấp của giới luật Tiếp Hiện để mở lớn lượng bao dung và phòng hộ không cho đất nước và nhân loại đi vào những cuộc chiến tranh tôn giáo và ý thức hệ

2- Học hỏi và thực tập năm giới quý báu trong gia đình, biến gia đình thành một đơn vị tăng thân làm nền tảng cho những tăng thân lớn. Thực tập phép lắng nghe và ái ngữ để xây dựng nếp sống hòa thuận và hạnh phúc trong gia đình để cho con em lớn lên được cắm rễ vào gia đình. Trong nhà cần thiết lập bàn thờ tổ tiên tâm linh và huyết thống. Những ngày vía và ngày kỵ giỗ lớn, đại gia đình phải tập họp để thực tập vun bồi ý thức cội nguồn. Trong mỗi gia đình, ít nhất nên có một người phát nguyện lấy công trình tu học và hoằng pháp làm sự nghiệp duy nhất của đời mình, dưới hình thức xuất gia hay tại gia.

3- Buông bỏ nếp sống phục vụ tư dục và vị kỷ. Hồi hướng tất cả mọi hành động hằng ngày cho tăng thân. Thấy được hạnh phúc của tăng thân là hạnh phúc của chính mình. Hạnh phúc ấy được chế tác bằng hiểu biết, thương yêu và hòa thuận mà không phải bằng khả năng tiêu thụ.

4- Đầu tư thì giờ và năng lượng hằng ngày vào việc xây dựng tăng thân. Đừng mua sắm cho cá nhân những gì mình có thể sử dụng chung với tăng thân như nhà, xe, máy truyền hình và máy vi tính. Dứt khoát ly khai việc sử dụng rượu và các chất ma túy. Thực tập sống nếp sống giản dị để có thì giờ sống sâu sắc và thảnh thơi đời sống hằng ngày, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống để nuôi dưỡng và trị liệu và để thực hiện lý tưởng từ bi trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, tâm linh và xã hội.

Thế kỷ thứ hai mươi mốt có thể là một ngọn đồi xanh mát có bầu thái hư rộng thênh thang, có trăng sao và đủ mọi mầu nhiệm của sự sống. Ta hãy cùng leo lên đồi thế kỷ với tư cách của một tăng thân mà đừng đi với tư cách cá nhân. Ta cùng đi với tổ tiên tâm linh và huyết thống của ta và với con cháu ta trong niềm hân hoan, tay trong tay, với tiếng hát và nụ cười, mỗi bước chân đều chế tác được chất liệu thảnh thơi và hạnh phúc.

Kính chúc liệt vị cùng tăng thân một thế kỷ đầy niềm tin và sự an lạc.

Nay thông bạch,

Thiền Sư Trừng Quang Nhất Hạnh,

Niên Trưởng Tổ Đình Từ Hiếu

Sức Mạnh Của Tinh Tấn

Thứ hai, 03 Tháng 3 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Khi thực tập có niềm vui thì ta bắt đầu có hứng thú để tu tập. Tuy nhiên, bạn phải duy trì sự thực tập đó một cách bền bỉ, không nên xao lãng. Phải thực tập đều đặn, thực tập mỗi ngày với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và tăng thân. Đó gọi là tấn. Nếu bạn thực tập ngồi thiền, thiền hành, thực tập hơi thở chánh niệm, ăn cơm chánh niệm mỗi ngày thì sự thực tập sẽ được nuôi dưỡng đều đặn, liên tục và đó chính là sức mạnh thứ hai. Ta có khả năng chánh niệm nhưng không cần phải chứng tỏ rằng ta đang thực tập chánh niệm. Điểm quan trọng là không nên phô trương sự thực tập mà thực tập chỉ vì sự bổ ích và thích thú cho chính mình. Ta thực tập và thực tập mỗi ngày. Có thế thôi.

Có bốn khía cạnh của tinh tấn.

Thứ nhất: khi một cảm xúc tiêu cực chưa phát khởi thì đừng tạo cơ hội cho cảm xúc ấy phát khởi. Theo tâm lý học Phật giáo thì tâm thức của chúng ta gồm có hai tầng: tầng dưới gọi là Tàng thức, tầng trên gọi là Ý thức. Ý thức là phần sinh hoạt bình thường khi ta còn thức. Tàng thức là phần tiềm thức.

Tàng thức của chúng ta được ví như mảnh đất trong đó chứa tất cả các loại hạt giống: hạt giống của tình thương, của niềm vui, hạnh phúc, tha thứ bao dung, của niệm, định, tuệ,... nhưng cũng có những hạt giống của giận hờn, hận thù, tuyệt vọng... Tàng thức chứa những hạt giống ấy và đồng thời cũng cất giữ chúng không để cho mất đi.

Khi những hạt giống ấy được tưới tẩm chúng sẽ biểu hiện thành một loại năng lượng trên tầng ý thức và trở thành những tâm hành. Trong ta có hạt giống giận nhưng khi hạt giống giận còn nằm dưới tàng thức thì ta không cảm thấy giận. Tuy nhiên khi bị chọc giận, tức là hạt giống giận bị tưới tẩm thì chúng sẽ hiển lộ, và biến thành tâm hành giận. Năng lượng của cơn giận sẽ trào dâng và ta cảm thấy giận. Chúng ta có thể hình dung ý thức là phòng khách và tàng thức là nhà kho. Nếu những hạt giống vui tươi được tưới tẩm chúng sẽ hiện lên trên tầng ý thức, làm đẹp cho phòng khách. Nếu ta tưới tẩm những hạt giống giận giữ, thù hận thì phòng khách của chúng ta sẽ biến thành địa ngục cho chính ta và những người ta thương.

Tất cả chúng ta đều có hạt giống của giận hờn, tuyệt vọng, ganh tỵ. Một môi trường thiếu lành mạnh có thể khơi dậy những hạt giống ấy. Trái lại trong một môi trường tốt chúng sẽ không bị tưới tẩm một cách dễ dàng. Vậy thì chúng ta phải khôn ngoan chọn lấy một môi trường sống lành mạnh. Không nên tự mình tưới tẩm hay để cho những người chung quanh tưới tẩm những hạt giống tiêu cực trong ta.

Một bài báo, một cuốn phim hay một chương trình truyền hình đầy bạo động sẽ đánh thức những hạt giống bạo động trong ta. Cho nên bước đầu tiên của tinh tấn là không nên tự mình hay để cho môi trường xung quanh khơi dậy những hạt giống tiêu cực ấy. Tinh tấn ở đây có nghĩa là thực tập tưới tẩm có chọn lọc.

Vậy thì trong cuộc sống hằng ngày nếu những hạt giống tiêu cực trong tàng thức còn chưa phát hiện thì phải cẩn thận đừng để cho các hạt giống ấy có cơ hội phát hiện. Không cần phải đè ép, chỉ cần tránh tạo cơ hội. Trong gia đình hay trong cộng đồng ta chỉ nên tiếp xúc với những âm thanh hay hình ảnh giúp khơi dậy những gì tốt lành. Tránh gần gũi những âm thanh hoặc hình ảnh kích thích những hạt giống của tham dục, và giận hờn. Ta phải tinh tấn thực tập như thế, và cần xây dựng một nhóm bạn bè cùng có mong muốn tu tập để tạo nên một môi trường tốt, hay nhờ những người trong gia đình giúp ta tự bảo vệ. Và ta cũng có thể bảo vệ những người thân bằng cách tạo nên một môi trường trong đó không có những yếu tố có thể tưới tẩm những hạt giống tiêu cực.

Khía cạnh thứ hai của tinh tấn là làm lắng dịu các hạt giống tiêu cực hoặc thay thế chúng khi chúng đã biểu hiện. Khi một hạt giống tiêu cực - hạt giống của tuyệt vọng, sân hận hay bạo động - bị khơi dậy ta cần biết cách ngăn chặn và đưa chúng trở về tàng thức. Đừng để chúng phát hiện quá lâu trên vùng ý thức, bởi vì để càng lâu chúng càng mạnh và sẽ gây đổ vỡ. Có nhiều cách lắng dịu hạt giống tiêu cực mà không cần phải đè nén hay tranh đấu. Hãy nhận diện chúng và mỉm cười với chúng. Bạn đừng để cho buồn tủi, sầu hận chế ngự, hãy thay thế chúng bằng cách đi dạo ngắm thiên nhiên, hay đi thiền hành hoặc tìm đọc một đoạn văn sâu sắc, nghe một bản nhạc êm dịu. Cũng giống khi mở nhầm một đĩa nhạc không hay thì ta đừng có cố nghe mà nên thay thế bằng một CD khác hay hơn. Thời của Bụt không có CD cho nên Ngài dùng hình ảnh thay chốt.

Ngày xưa khi bàn ghế bị lỏng lẻo do cái chốt bị mục nát thì người thợ mộc thay vào một chốt mới. Cũng thế, ta có thể "thay chốt" một tâm hành đang làm ta khó chịu. Khi một ý nghĩ tiêu cực đầy tham dục hay sân hận phát hiện ta có thể dùng hơi thở có ý thức để mời lên một hạt giống lành mạnh. Nếu hạt giống lành mạnh đủ sức hấp dẫn thì hạt giống tiêu cực sẽ bị yếu đi. Nhưng phải nhớ rằng hạt giống lành mạnh phải đủ sức hấp dẫn nếu không thì hạt giống tiêu cực sẽ chẳng chịu lùi bước và càng lấn lướt. Với tất cả khôn khéo, tinh chuyên hãy thực tập như thế để chuyển đổi tình trạng, để đưa hạt giống tiêu cực xuống yên ngủ và mời hạt giống tích cực biểu hiện. Khi tâm hành tích cực biểu hiện thì phòng khách ý thức không còn chỗ cho những tâm hành tiêu cực xâm nhập.

Khía cạnh thứ ba của tinh tấn là luôn luôn mời các hạt giống tích cực lên vùng ý thức. Trong ta luôn có những hạt giống của giác ngộ, hiểu biết và thương yêu. Đó là một phần của bản tính bẩm sinh. Sống trong một môi trường lành mạnh, được bao bọc bởi thương yêu, ta sẽ có rất nhiều cơ hội giúp cho các hạt giống tích cực ấy phát hiện. Vấn đề là làm sao giúp cho các hạt giống ấy phát hiện khi chúng đang còn ở dưới tàng thức? Hãy đọc một đoạn sách, nghe một bản nhạc, hay nói một lời từ ái để tưới tẩm các hạt giống của từ bi, thương yêu. Hãy tổ chức đời sống sao cho những hạt giống tốt được chạm đến nhiều lần trong ngày để cho chúng có cơ hội phát hiện lên vùng ý thức. Điều này có thể được thực hiện rất nhanh. Luôn mời khách quý vào phòng khách và tình thế sẽ được thay đổi.

Khía cạnh thứ tư của tinh tấn là lưu giữ những tâm hành thiện ở trên phòng khách càng lâu càng tốt. Ta phải lưu tâm và nuôi dưỡng chúng. Thật tuyệt vời khi những tâm hành thương yêu, an vui đang ở trên vùng ý thức. Cho nên phải giữ lấy, mời chúng ở lại đó và đừng để cho chúng trở xuống vùng tàng thức. Có được một người bạn quí tới thăm và cùng chuyện trò trong phòng khách là một hạnh phúc lớn. Bạn phải cố thuyết phục người ấy ở lại càng lâu càng tốt, "Ngoài trời đang mưa, mời anh ngồi lại uống trà". Những tâm hành ở trên vùng ý thức càng lâu thì hạt giống của chúng ở dưới vùng tàng thức càng lớn mạnh. Điều này đúng cho cả các tâm hành thiện (tích cực) hay bất thiện (tiêu cực). Ôm ấp tâm hành tham dục năm phút thì hạt giống tham dục có được năm phút để lớn mạnh. Vậy thì hãy đưa hạt giống của tham dục xuống tàng thức càng nhanh càng tốt và mời một hạt giống tốt, tích cực lên thay thế.

Sử dụng những phương tiện quyền xảo và các phép thực tập nói trên để chế tác chánh niệm, đó gọi là chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn đem lại rất nhiều niềm vui, hạnh phúc cho ta và những người thương của ta. Những người có năng lượng tinh tấn là những người có rất nhiều sức mạnh, nhiều quyền lực. Họ có thể tự chuyển hóa, chuyển hóa môi trường mà họ đang sống và chuyển hóa cả thế giới

Nụ Cười Trong Chánh Niệm

Thứ năm, 17 Tháng 4 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Giới thiệu: Bài nầy là một vài đoạn văn ngắn trích từ quyển "Trái Tim Mặt Trời: Từ Chánh Niệm đến Thiền Quán", một cẩm nang tu thiền của Thầy Nhất Hạnh, NXB Lá Bối , 1985.

Chánh Niệm trong lúc làm việc

Công việc hằng ngày gọi là để "sinh sống" của ta, ta cũng có thể làm như ta rửa bát. Tại Phương Vân Am tôi có nghề đóng sách. (...) Nhưng trước khi đóng sách, tôi còn phải "lượm sách, nghĩa là phải thâu những tờ sách rời, gom lại theo thứ tự các trang để làm thành một tập. Những trang nầy tôi sắp trên một các bàn thật dài, và hễ đi một vòng quanh bàn thì tôi lượm đủ số trang cho một cuốn sách. Tôi biết là tôi đang đi quanh, và không có gì đợi tôi phía trước, cho nên tôi đi chậm thôi, và lượm từng tờ sách thong thả trong quán niệm. Tôi vừa làm vừa thở những hơi thở nhẹ nhàng, hơi dài và có ý thức. Tôi có an lạc trong khi lượm sách, đóng sách và vào bìa sách. Nếu thi đóng sách với những người thợ khác thì tôi thua, bởi vì tôi đóng được ít sách hơn.

Nhưng có một điều tôi biết chắc là tôi không chán ghét chuyện đóng sách. Mình tiêu xài nhiều thì mình phải làm việc cho nhiều và cho nhanh. Nếu mình sống đơn giản thì mình có thể làm ít và làm chậm trong quán niệm. Tôi biết có rất nhiều người trẻ tuổi ưa được làm việc ít thôi, mỗi ngày chừng bốn giờ, với một số lương nhỏ có thể sống đơn giản nhưng hạnh phúc. Biết đâu đây chẳng là con đường khai thông cho tình trạng bế tắc của xã hội ngày nay? Bỏ bớt sự sản xuất những hóa phẩm không thiết yếu, san sẻ việc làm cho những người chưa có việc làm, sống đơn giản nhưng có hạnh phúc. Đã có những cá nhân và những cộng đồng chứng minh được khả năng sống đơn giản mà hạnh phúc rồi, điều đó há không phải là một dấu hiệu đáng mừng hay sao?

Bạn hỏi tôi: trong khi rửa bát, làm vườn, đóng sách hoặc làm việc trong các hãng xưởng, làm thế nào để nuôi dưỡng chánh niệm? Tôi nghĩ là bạn phải tìm ra câu trả lời cho chính bạn. Bạn làm thế nào mà mặt trời chính niệm sáng mãi trong bạn thì làm. Bạn có thể sáng tạo ra những phương thức thích hợp với bạn. Hoặc giả bạn áp dụng thử một vài phương thức mà người khác đã làm. Ví dụ bạn làm những bài thơ "cài nút áo" theo lối của thiền sư Độc Thể. (...) Trong quyển Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, thiền sư Độc Thể dạy ta phải ý thức về mọi động tác của cơ thể ta: thức dậy thì biết thức dậy, cài nút áo thì biết cài nút áo, rửa tay thì biết rửa tay. Thiền sư lại còn làm những bài thơ nhỏ để ta thầm đọc khi ta rửa tay hoặc cài nút áo nữa, với mục đích giúp ta sống vững chãi trong chánh niệm. Đây là bài thơ để cho bạn cài áo:

Chỉnh y thúc đới

đương nguyện chúng sanh

phục thắng thiện căn

bất linh tán thất!

( Giải nầy buộc, nút nầy cài,

Thiện tâm gìn giữ đêm ngày chẳng rơi )

(...) Hoặc bạn theo dõi hơi thở của bạn. Bạn nuôi chánh niệm bằng hơi thở ra và hơi thở vào, thở đến đâu thì bạn biết đến đấy. Tư tưởng nào hoặc cảm thọ nào phát khởi bạn cũng cho xuôi dòng theo hơi thở. Bạn nên thở thật nhẹ và hơi thở dài hơn lúc thường một tí. Một tí thôi, đủ để chứng minh là bạn thực sự đang theo dõi hơi thở.

Nụ cười đáng giá ngàn vàng

Theo hơi thở, bạn nuôi dường chánh niệm được lâu lắm. Bạn thành công rồi phải không? Vậy thì bạn hãy mỉm một nụ cười. Nụ cười hàm tiếu. Để chứng tỏ bạn thành công. Và giữ mãi nụ cười ấy trên môi đi, như một Đức Phật vậy. Nhìn thấy nụ cười, tôi biết ngay là bạn đang an trú trong chánh niệm. Cái nụ cười hàm tiếu ấy, nhiều nghệ sĩ đã từng ngày đêm đem hết công phu để thể hiện trên các tượng Phật. Bạn đã từng thấy nụ cười ấy trên nghệ thuật Gandhara hoặc trên nghệ thuật Đế Thiên Đế Thích chưa?

Tôi chắc rằng trong khi thực hiện nụ cười đó trên mặt một tượng Phật, các điêu khắc gia kia cũng đang duy trì nụ cười đó trên mặt mình. Bạn có thể tưởng tượng được một điêu khắc gia nét mặt cau có đang thực hiện nụ cười hàm tiếu trên môi Phật không? Chắc là không! Tôi có quen biết điêu khắc gia đã thực hiện pho tượng Nhập Niết Bàn trên núi Trà Cú ở Phan Thiết. Trong suốt sáu tháng trời thực hiện pho tượng nầy, ông ăn chay, ngồi thiền và đọc kinh Đại Niết Bàn. Trên khuôn mặc nàng Mona Lisa, Leonard Da Vinci có để một nụ cười thật nhẹ, nhẹ đến nỗi không hẳn là một nụ cười mà là một sự dợm cười (khuynh hướng muốn cười!). Tuy nhiên một nụ cười như thế cũng đủ làm khoan thư hết cả những bắp thịt trên mặt và làm tiêu tán những lo lắng cau có và mệt nhọc trong người. Nụ cười hàm tiếu của người hành thiền ngoài tác dụng nuôi dưỡng chánh niệm, cũng có tác dụng khoan thư mầu nhiệm đó. Nó trả lại cho ta sự an lạc mà ta đã đánh mất.

Trong lúc đi bách bộ trên đồi, nơi công viên hay dọc bờ sông, bạn có thể vừa theo dõi hơi thở vừa duy trì nụ cười hàm tiếu. Vào những lúc cảm thấy mệt mỏi hoặc cau có, bạn có thể nằm duỗi dài hai chân hai tay, buông thả và khoan thư hết cả thân tâm, tất cả các bắp thịt, chỉ duy trì hơi thở và nụ cười. Buông thả trong tư thế nằm nầy là một phương pháp phục hồi sinh lực rất thần hiệu và nhanh chóng. Nếu bạn không thực hành mỗi ngày ít ra là vài ba lần thì thật là uổng cho bạn. Nuôi chánh niệm, theo dõi hơi thở và duy trì nụ cười, đó là những hạnh phúc bạn tự ban cho mình, và phân phát cho người xung quanh bạn. Bạn có thể xuất nhiều tiền để mua nhiều món quà cho từng người trong gia đình bạn. Nhưng không món quà nào đem lại nhiều hạnh phúc cho họ bằng chánh niệm, hơi thở và nụ cười của bạn. Quý giá lắm mà lại không mất tiền mua

Những Nuối Tiếc Âm Thầm Trong Tàng Thức (Trích Hạnh Phúc Mộng Và Thực)

Thứ tư, 11 Tháng 4 2007 00:00 Sư Ông Làng Mai

Trong lý thuyết văn nghệ Mác Xít, người ta hay nói không được bôi đen thực tại, mà cũng không được tô hồng thực tại. Thực tại là thực tại, mình không nên bôi cho nó đen thêm, cũng không nên tô cho nó hồng hơn. Trên lý thì như vậy, nhưng thực tế thì các nhà văn, nhà thơ, nhà họa luôn luôn có ý muốn bôi đen hoặc tô hồng. Tô hồng tức là làm cho đẹp hơn sự thật và tàng thức của chúng ta thường làm công việc đó.

Có những điều mà trong khi tỉnh, ta biết rằng không đáng để ta theo đuổi, vậy mà trong giấc mơ ta vẫn theo đuổi. Khi nghe nói trong bụng mẹ tối hu và cung điện của đứa con không phải là cái đích mà ta tìm tới, thì ta có thể đồng ý một trăm phần trăm rằng đó không phải là quê hương đích thực của ta. Nhưng có thể trong giấc mơ ta vẫn âm thầm đi tìm về cái hướng đó. Và chính tôi có thể cũng đang làm như vậy! Thức dậy buổi khuya tôi vẫn thấy mình nằm ở trong tư thế ấy như thường. Thành ra ta phải biết sự thật là trong con người của ta có một sự mâu thuẫn, có một sự khác biệt giữa Ý và Tàng.

Những đối tượng của năm thứ dục lạc kia, khi quán chiếu bằng ý thức, ta không thấy chúng có sức hấp dẫn như vậy, nhất là khi ta đã thắp lên ngọn đèn chánh niệm, ta đã thấy rõ mặt mũi chúng. Ta nghĩ rằng, ta đã được giải thoát rồi, nhưng than ôi, khi đi vào giấc mơ, ta vẫn còn bị kẹt! Và vì vậy cho nên phải tiếp tục thực tập quán chiếu để chuyển hóa cái thấy của Tàng vì cái thấy của Ý chưa có nghĩa là ta đã được hoàn toàn giải thoát. Ta đã có thể cắt đứt những sợi dây kết sử phía trên phần Ý, nhưng mà những sọi dây kết sử ở dưới phần Tàng, gọi là hạ phần kết sử, hay là tùy miên, có thể ta chưa cắt đứt được, vì vậy cho nên ta đừng khinh thưòng.

Có một Sư Cô vì không gặp may mắn trên đường tu học, không có thầy giỏi, không có tăng thân tốt, nên đã không thành công trong việc chuyển hóa. Trong sự buồn đau và thất vọng đó, cô ngã bệnh. Trên giường bệnh, chỉ còn mấy ngày nữa là từ trần, cô bảo những người xung quanh hãy đem tới cho cô một muỗng nước mắm để cô uống. Câu chuyện này do nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ kể trong một cuốn tiểu thuyết. Khi đọc đến đoạn này, tôi biết rằng đây là một chuyện có thể có thật. Một Sư Cô trước khi chết đòi uống một muỗng nước mắm là điều có thể có thật.

Nếu không phải là người Việt thì quí vị không biết được địa vị của nước mắm trong văn hóa Việt Nam. Các món ăn Việt Nam sở dĩ thắm thiết ngon lành và đậm đà là nhờ ở hương vị của nước mắm. Nước mắm là cái vị ngọt, vị ngon của thức ăn, nó tượng trưng cho cái vị ngọt, vị ngon của dục vọng. Khi đi tu ta bỏ cái dục lạc ở ngoài đời vì một lý tưởng cao siêu hơn, vì một hạnh phúc chân thật hơn là hạnh phúc của dục lạc. Nhưng vì cuộc đời tu hành của mình thất bại, cho nên âm thầm trong tàng thức, mình tiếc là mình đã bỏ cái tuổi xanh, đã bỏ năm món dục lạc để đi tìm cái hạnh phúc mà mình không đạt tới được. Thành ra cái ý muốn đòi đem tới một muỗng nước mắm để uống, đã phát sinh ra từ sự hối tiếc đó. Đối với những người hầu cận xung quanh Sư cô lúc đó, thì hiện tượng này là do ma làm. Suốt mất chục năm trời chay tịnh, tụng kinh, niệm Phật, mà đến giờ phút sắp lâm chung lại đòi uống nước mắm, thì quả thực là ma tới phá, làm đổ vỡ cả một công trình tu học mấy mươi năm.

Nhưng công trình tu học mấy mươi năm đó có gì đâu? Vì không có thầy hay không có bạn giỏi, Sư cô đã không có hạnh phúc trong mấy mươi năm tu học, thành ra cái công trình đó chưa phải là một kiến trúc của hạnh phúc, của giác ngộ. Tuy vậy đối với những người xung quanh Sư cô, họ cho đó là một công trình đáng giá, một kiến trúc công phu và chỉ cần một muỗng nước mắm là có thể xô đô được cái công phu kia. Cho nên họ nhất không đem cho Sư cô muỗng nước mắm đó. Một công trình thực sự đâu có thể dễ dàng bị phá vỡ như vậy? Muỗn nước mắm đâu có khả năng như vậy? Muỗng nước mắm chỉ tượng trưng cho tất cả những chất ngọt ngào, những dục lạc mà Sư Cô đã bỏ lại sau lưng khi đi xuất gia. Rốt cuộc Sư Cô tịch mà không thỏa mãn. Khi đọc đến đây tôi nghĩ rằng nếu có tôi ở bên giường bệnh thì tôi sẽ đi lấy một muỗng nước mắm lớn để cho cô uống. Uống xong thì cô sẽ giác ngộ.

Người đã trải qua những cơn sốt đều biết rằng trong khi bệnh thì lưỡi rất nhạt, nên mình muốn có một cái gì mặn để dánh tan cái chất nhạt đó đi, và tiềm thức của mình nói rằng cái ngon nhất, cái vi diệu nhất, đậm đà nhất là muỗng nước mắm. Chính lúc đó là lúc mà Sư Cô cần nếm nước mắm, và nếm xong muỗng nước mắm mặn chát ấy, thì Sư Cô sẽ có cơ hội giác ngộ. Chỉ tiếc là người ta đã không đem tới cho Sư Cô một muỗng nước mắm! Theo cái nhìn của tôi, lúc đó không phải Tâm Kinh hay Vãng Sang Tịnh Độ Thần Chú sẽ cứu vãng được cô, mà là một muỗng nước mắm thật đầy, thật mặn mới là phương tiện để giúp cho Sư Cô bỏ được sự nuối tiếc năm thứ dục lạc. Đó là cái nhìn của một Thiền sư. Rất tiếc là vị Thiền sư không có mặt ở đó cho nên Sư cô đã chết đi trong sự nuối tiếc một muỗng nước mắm, một biểu tượng của vị ngon ngọt ở đời.

Sự tu hành của chúng ta hiện giờ cũng như vậy. Ta phải đạt cho được cái hạnh phúc trong khi tu học. Đi tu là vì ta đã thấy được những cơn sốt, những đau khổ, những phiền não trong cuộc đời và cái thấy đưa tới một cái tâm muốn tạo hạnh phúc cho ta và cho người khác, muốn đem giọt nước thanh lương để xóa tan cái sầu khổ trong lòng mình và trong lòng người. Do đó mình phát ra một cái tâm rất đẹp, rất tươi, rất mát, gọi là tâm Bồ Đề, có khi gọi là Sơ Tâm. Sơ Tâm tức là cái tâm ban đầu của người đi xuất gia. Không có cái gì đẹp cho bằng sơ tâm của một người đi xuất gia.

Cho nên các thầy luôn luôn nhắc nhở các đệ tử là con làm sao thì làm nhưng phải giữ gìn cái sơ tâm cho đừng bị hư nát. Sơ tâm đó, là bảo vật của người tu. Nếu Sơ tâm còn được giữ gìn thì đường tu sẽ có tiến bộ. Nếu Sơ tâm càng ngày càng co rút lại thì đạo nghiệp sẽ tiêu tan như trong trường hợp của Sư Cô nói trên. Nếu gặp một vị thầy không hiểu được mình, không thấy được những nỗi khổ niềm đau, những khó khăn, những ước vọng của mình mà chỉ biết la mắng trách móc; nếu sống chung với một tăng thân trong đó các anh, các chị, các em đều không ai thật sự thương mình, không ai thật sự hiểu mình và giúp đỡ mình, thêm vào đó mình lại đang hành trì những pháp môn không đem lại hạnh phúc cho mình trong khi hành trì, thì cố nhiên mình sẽ thất bại và cái Sơ tâm của mình, cái tâm Bồ Đề của mình đã teo lại thì một cái gì khác nó sẽ lớn lên.

Cái đó là sự hối tiếc dục lạc, là ý muốn ra đời. Nếu hạt giống của Bồ Đề tâm được thầy được bạn vun tưới, thì nó trở thành một vùng năng lượng rất lớn trong con người tu. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là những hạt giống của sự hưởng thụ, của sự yếu hèn đã tiêu tan đi hết. Chúng vẫn còn và nếu ta để cho những hạt giống đó được tưới tẩm thì chúng sẽ lớn lên. Trong khi tu học, ta nên vun bón, tưới tẩm hạt giống của Bồ Đề tâm và đừng để cho những hạt giống chống lại Bồ Đề tâm có dịp được vun bón tưới tẩm. Khi mới đi tu thì Bồ Đề tâm của ta rất lớn. Nhưng điều đó không có nghĩa là lúc đó tất cả những hạt giống muốn sống đời thế tục, muốn hưởng dục không có mặt hoặc đã biến mất. Chúng vẫn còn đó.

Tuy rằng mình muốn trở nên người xuất gia, một người mang lý tưởng Bồ Tát, đem hiểu biết, đem thương yêu làm đẹp cho cuộc đời, nhưng những hạt giống ích kỷ, những hạt giống của sự hưởng thụ năm món dục lạc vẫn còn núp sau đó, Nếu ta không làm cho tâm Bồ Đề này, cho năng lượng này càng ngày càng lớn thì những "hạt giống kia" sẽ có cơ hội lớn lên.

Tôi còn nhớ năm 40 tuổi, tức là sau khi đã tu được mấy chục năm rồi, vậy mà lúc đó "hạt giống kia" vẫn còn khá mạnh trong tôi. Một hôm đi thiền hành trong một công viên ở thành Nice miền Nam nước Pháp, tôi thấy một thiếu phụ đẩy một chiếc xe có em bé bên trong. Hình ảnh đó đã đánh động tới những hạt giống muốn sống đời thế tục của tôi. Nên biết là trong thời gian đó tôi đang đi kêu gọi hòa bình, sống xa Thầy, xa Chùa, xa Tăng thân, không có một chổ để trở về vì lúc đó chính quyền không cho tôi về nước.

Cho nên hình ảnh người thiếu phụ Pháp đẩy con dạo chơi trong công viên Nice đã làm động tới cái hạt giống "có một mái gia đình" ở trong tâm tôi, và tôi đã nghĩ rằng nếu mình sống đời thế tục thì bây giờ mình cũng có một người đàn bà như thế, và có một đứa con mũm mĩm xinh đẹp như thế. Nhưng nhờ đang đi thiền hành cho nên chỉ trong vòng một hai giây đồng hồ là tôi thoát được tư tưởng đó. Tuy vậy tôi đã thấy rõ là "hạt giống kia" đang có ở trong tôi.

Thành ra cái "hạt giống muốn có một gia đình", có một căn nhà ấm cúng, có một người chăm sóc cho mình, có một đứa con mũm mĩm, nó đang có mặt trong bất cứ một Sư Cô hay một Sư Chú nào, và hạt giống đó nó sẽ không lớn lên được khi mình ở trong một môi trường mà Bồ Đề tâm của mình, sơ tâm của mình được nuôi dưỡng, tưới tẩm hàng ngày. Còn nếu tu học không thành công, không có hạnh phúc trong sự tu học thì Bồ Đề tâm của mình sẽ bé đi từ từ và cố nhiên "anh chàng kia" sẽ lớn từ từ, và một ngày nào đó mình sẽ ra đời, mình sẽ đi lập gia đình, đó là chuyện dĩ nhiên. Chỉ vì mình không để ý, chứ chuyện ra đời không phải là chuyện được quyết định trong một giờ hay một ngày. Chuyện đó đã âm ĩ trong tàng thức của mình từ nhiều năm nhiều tháng. Có thể muời năm sau mình mới ra đời, nhưng mà bây giờ mình đã bắt đầu ra đời rồi. Tu chánh niệm là để thấy điều đó.

Cạo sạch mái tóc

Nguyện cho mọi người

Dứt hết phiền não

Độ thoát cho đời.

Bài kệ này biểu dương một hùng lực lớn. Cố nhiên là trong trường hợp này Bồ Đề tâm chiếm thượng phong, nhưng điều đó không có nghĩa là Phi Bồ Đề tâm đã hoàn toàn tiêu diệt. Nó vẫn còn nằm đó, phục kích, đợi cho Bồ Đề tâm yếu đi là chiếm phần thượng phong trở lại. Trong cuộc sống hàng ngày có những Sư anh, Sư em thỉnh thoảng hành xử khó chịu với mình, có những Sư chị, Sư em thỉnh thoảng chua chát với mình, điều này có thể đưa mình đến ước mơ có một người thiếu nữ rất hiền, rất ngoan, chỉ biết nghe lời mình và chỉ thương một mình mình thôi, lo lắng cho mình đủ cách, luôn luôn mềm mỏng, ngọt ngào như một bà tiên. Và mình nuôi hình ảnh đó trong đầu. Trong thực tế có thể có một người như vậy hay không, chuyện đó mình biết rất rõ. Nhưng trong tàng thức của ta, người đó vẫn luôn luôn có mặt.

Trong một bài thơ, Đinh Hùng đã viết: "Chưa gặp em anh đã nghĩ rằng, có người thiếu nữ đẹp như trăng ..."Đó là người thiếu nữ lý tưởng của bất cứ một chàng trai nào, nhưng người đó chỉ có thể có trong mộng mà thôi. Trong thực tế, có thể đó là một bà chằng đội lốt nàng tiên. Tuy rằng Ý thức thấy được điều đó, và hoàn toàn chấp nhận điều đó, nhưng trong thế giới của Tàng thức thì lại khác. Giống như món quà của Sư chú Pháp Dụng đã khám phá ở Việt Nam rất khác với món quà nằm trong tàng thức của Sư chú.

Một Sư cô tuy cạo sạch mái tóc, sơ tâm rất lớn, rất đẹp, rất hùng tráng nhưng "hạt giống kia" vẫn còn, nó núp đằng sau hạt Bồ Đề Tâm, nhỏ xíu nhưng sẽ lớn lên từ từ nếu Sư cô đó không tu tập đàng hoàng. Cho nên sinh ra trong phái nữ mình cũng có "hạt giống đó", mình cũng mơ ước có một người đàn ông của riêng mình, chỉ riêng cho mình thôi, và mình sẽ rất an toàn khi có một người đàn ông như vậy đi bên cạnh. Đó là vị hoàng tử của đời mình, vị hoàng tử trong giấc mơ của mình. Hoàng tử đó có hay không trong thực tế là một chuyện khác, và hạt giống của sự ước mơ này sẽ lớn lên khi sự tu học của mình không thành công.

Điều đó là điều mình phải biết. Mỗi khi tỉnh dậy sau một giấc mơ, nếu thấy những "hạt giống" hiện hành trong giấc mơ, thì khi thức dậy rồi ta phải mỉm cười với chúng, phải mỉm cười và ý thức rằng những "hạt giống đó" trong giấc mơ đã phát hiện và trong đời sống tỉnh thức hàng ngày, ta phải thực tập và phải chấp nhận sự phát hiện của những hạt giống đó trong giấc mơ. Trong đời sống hàng ngày của một tu sĩ, ta ngồi thiền, đi thiền hành v.v... và không bao giờ nghĩ rằng ta có thể nằm mơ thấy một giấc mơ như vậy. Nhưng sự thực đêm qua ta vừa mơ thấy là ta ôm một người con trai hay một người con gái! Cách tu tập của ta là khi thức dậy mà nhớ được giấc mơ, thì ta phải mỉm cười với hình ảnh đó và phải ý thức rằng những hạt giống thế tục đó đang hoạt động bên trong ta. Chỉ chừng đó là đủ rồi, không cần phải có mặc cảm tội lỗi, không cần phải tự đày ải mình, không cần đấm ngực, không cần bứt tóc, nhưng ta đã cạo đầu rồi thì còn tóc đâu mà bứt!

Đó là phương pháp nhận diện những hạt giống khi chúng phát hiện trong tâm của ta. Có thể là trong giấc mơ, người ta ôm có những nét hao hao giống Sư em của ta, khi thức dậy rồi, phải ý thức ngay điều đó, và phải mỉm cười với nó, tại vì tàng thức của ta làm việc một cách rất kỳ lạ, rất bất khả tư nghì. Bất khả tư nghì là không thể ngờ trước được, không thể tính toán được. Ta phải tỉnh thức để thấy rằng Sư em của mình là một người đi tu, một người đang mang chí nguyện độ đời trong vai trò Ni Cô. Vậy mà trong giấc mơ, ta đã ôm một người con gái, và người con gái đó lại có thể có những nét hao hao giống người Sư em, cho nên ta cảm thấy tội lỗi và tự hỏi tại sao chuyện này có thể xảy ta? Trong đời sống tỉnh thức hàng ngày, ta kính phục Sư em, không bao giờ dám có tư tưởng như vậy. Vậy mà trong giấc mơ nó đã xảy ra. Điều này chỉ có nghĩa là những "hạt giống kia" vẫn nằm ở trong tàng thức của ta, và đừng tưởng rằng trong thời gian tỉnh thức của đời sống hàng ngày, ý thức có thể làm được hết tất cả mọi công việc chuyển hóa.

• Ghi chú: NHỮNG NUỐI TIẾC ÂM THẦM TRONG TÀNG THỨC - Trích từ sách Hạnh Phúc Mộng và Thực - Giảng giải Kinh Tam-Di-Đề (Samiddhi Sutta)

Kẻ Thù Ta

Thứ tư, 07 Tháng 3 2007 00:00 Sư Ông Làng Mai

Chỉ mục bài viết

Kẻ Thù Ta

Trang 02

Trang 03

Trang 04

Tất cả các trang

Trang 1 của 4

Tôi còn nhớ là trong thời gian vận động hòa bình (khoảng 1963-1973), tôi cứ bị buộc tội là kêu gọi hòa bình chung chung, không biết phân biệt bạn thù. Hồi đó tôi và các bạn tranh đấu cho hòa bình trên căn bản nhận thức kẻ thù ta không phải là ngườimà là cuồng tín, hận thù, tham vọng và bạo động (1). Lập trường hòa bình ấy bị cả hai phía lâm chiến lên án. Cái tội lớn nhất của chúng tôi là đã xem con người của cả hai bên là anh em, dù họ thuộc phía cộng sản hay thuộc phía chống cộng. Tập thơ Chắp Tay Nguyện Cầu Cho Bồ Câu Trắng Hiện in chui ở Saigon năm 1964 bị cả hai phía lâm chiến chống đối, một bên tịch thu và một bên lên án trên đài phát thanh.

Mặt trời xanh

Lập trường ngày xưa, bây giờ tôi vẫn còn giữ nhưng nay tôi lại đã đi xa hơn. Ngày xưa tôi nói Kẻ thù ta là tham vọng, hận thù, kỳ thị và bạo động nhưng trong mấy chục năm sau nầy, tôi cũng không muốn gọi những tâm hành tiêu cực kia là kẻ thù cần phải tiêu diệt nữa mà lại thấy rằng chúng có thể được chuyển hóa thành những tâm hành tích cực như thương yêu và hiểu biết, cũng như người làm vườn có thể biến rác thành phân xanh, và dùng phân xanh nầy làm ra trở lại hoa lá và rau trái. Gần ba mươi năm nay tôi thực tập và giảng dạy đạo Bụt tại Tây Phương trên cơ sở nhận thức ấy, gọi là tuệ giác tương tức , được diễn bày trong kinh Hoa Nghiêm . Danh từ tương tức được dịch ra tiếng Anh là Interbeing, tiếng Pháp là Interêtre , và tiếng Đức là Intersein. Các bạn Tây Phương học hỏi và hành trì theo tuệ giác này đã được chuyển hóa rất nhiều và đã đạt được rất nhiều hạnh phúc.

Muốn có được tuệ giác tương tức chỉ cần nhìn vào rổ rau tươi xanh rờn mà ta vừa hái vào. Nhìn cho sâu, ta sẽ thấy trong rau có mặt trời, có đám mây, có phân rác, có người làm vườn và hàng vạn yếu tố khác. Rau không thể một mình có mặt, rau phải cùng có mặt với mặt trời, đám mây, đại địa, v ..v ... Lấy mặt trời ra khỏi rổ rau thì rổ rau biến mất. Lấy đám mây ra thì cũng vậy. Ta lấy một ví dụ khác. Hãy thử nhìn vào tổ chức Phật Giáo hợp pháp duy nhất tại quê hương mà người ta thường gọi bông đùa là Giáo Hội Nhà Nước. Nhìn vào nó thì ta thấy những yếu tố đã tạo ra nó, tích cực và tiêu cực. Trong số những yếu tố ấy, ta thấy sự có mặt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà đại diện phía chiều nổi là các vị như Huyền Quang, Quảng Độ, Đức Nhuận, Tuệ Sỹ, Không Tánh, v.v...

Vì các vị này đã tranh đấu ráo riết cho nên các thầy khác trong Giáo Hội Nhà Nước như Thiện Siêu, Minh Châu, Trí Tịnh, Trí Quảng... mới được phép nhà nước cho dịch sách, in kinh, tổ chức trường Cơ Bản Phật Học v.v... Các thầy bên phía Giáo Hội Thống Nhất càng tranh đấu, càng vào tù ra khám chừng nào thì các thầy bên phía Giáo Hội Nhà Nước càng có thêm không gian để làm việc chừng ấy. Vậy là các thầy bên Giáo Hội Thống Nhất là những vị đã và đang yểm trợ Giáo Hội Nhà Nước một cách tích cực nhất. Nói họ chống Giáo Hội Nhà Nước là chưa thấy được sự thực sâu sắc về bên trong và chưa có được tuệ giác tương tức .

Các thầy Huyền Quang, Quảng Độ, Đức Nhuận nhìn vào các Học Viện Phật Giáo, Viện Nghiên Cứu Phật Học, công trình dịch thuật Đại Tạng Kinh Việt Nam v.v... có thể mỉm cười và nói: Quý vị đừng tưởng đó là công trình riêng của quý vị. Chúng tôi đã góp sức với quý vị làm ra những thứ ấy. Chúng ta đã làm chung với nhau. Các thầy như Thiện Siêu, Minh Châu nhìn vào các hoạt động tranh đấu của các thầy Giáo Hội Thống Nhất cũng có thể mỉm cười biết ơn và nói: Nhờ quý vị tranh đấu như thế cho nên Nhà Nước mới nới tay cho phép chúng tôi làm được một ít Phật sự. Chúng tôi sẽ không còn ngây thơ mà nói: Quý vị chống đối mà có làm được gì đâu trong mấy chục năm nay?

Chính chúng tôi, những người không chống đối mới làm được từng ấy việc đấy chứ! Với tuệ giác tương tức , các thầy của hai Giáo Hội có thể nhìn nhau bằng con mắt hiểu biết và thương yêu, không ai còn buộc tội trách móc ai, vì ai cũng có thể thấy rằng người của cả hai phía đều là những vị bồ tát thị hiện, ai cũng làm việc cho lý tưởng và dân tộc cả, và cả hai bên đều có hạnh phúc, vì trong lòng của cả hai bên không còn có sự hiềm khích và kỳ thị. Nếu còn trách nhau và giận nhau thì mình còn là nạn nhân của những kẻ bên ngoài muốn chia để trị. Mình có tuệ giác tương tức thì kẻ kia sẽ không chia rẽ được mình, tạo ra tình trạng gà một nhà bôi mặt đá nhau, một bên bôi màu Thống Nhất, một bên bôi màu Nhà Nước. Bôi mặt đá nhau là không thông minh, là không có tuệ giác tương tức. Từ ba chục năm nay, tôi không bao giờ không nhìn tất cả các thầy là anh em của tôi, dù họ ở trong Giáo Hội Nhà Nước hay trong Giáo Hội Thống Nhất.

Giáo Hội chẳng qua chỉ là một hình thái tổ chức. Chúng ta là tăng đoàn của Bụt, có từ gần 2600 năm nay, chúng ta không nhất thiết cần phải có một hình thái tổ chức Giáo Hội, hợp pháp hay không hợp pháp, mới có thể tồn tại. Tôi không muốn giam tôi vào hình thức của một Giáo Hội, của bất cứ Giáo Hội nào. Tôi có thể ôm được vừa thầy Quảng Độ vừa thầy Thiện Siêu mà không thấy cấn cái chút nào. Và vì ôm được cả hai cho nên tôi có thể có cơ hội chia sẻ tuệ giác và kinh nghiệm của tôi cho cả hai vị, để chúng tôi biết nên làm gì và không nên làm gì để cho thế hệ con em chúng tôi có thêm niềm tin và hạnh phúc.

Khi Đọc Truyện Kiều (Trích Thả Một Bè Lau - truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán)

Thứ hai, 12 Tháng 3 2007 00:00 Sư Ông Làng Mai

Chúng ta thường nghĩ truyện Kiều là truyện của một người khác và chúng ta chỉ là khán giả, không có liên can gì. Nhưng khi viết truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã sống trong da thịt của nhân vật Kiều, đã trở thành một với Kiều. Và qua Kiều, cụ đã nói được tâm sự của chính mình. Cô Kiều trong truyện đã phải bắt buộc làm gái giang hồ.

Là một nhà Nho, một mẫu mực đạo đức thời xưa ở Việt Nam, vậy mà có khi cụ Nguyễn Du cũng có cảm tưởng mình là một cô gái giang hồ. Cụ đã làm quan với triều Lê. Sau khi nhà Lê mất, cụ bị nhà Nguyễn gọi ra làm quan. Không từ chối được, cụ phải ra làm quan cho triều Nguyễn. Theo quan niệm của Nho giáo ngày xưa, một người thần tử trung thành không bao giờ thờ hai vua cả ('trung thần bất sự nhị quân.') Trong khi viết truyện Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du viết truyện của chính mình. Cụ muốn gửi tấc lòng mình vào thiên cổ chứ không phải vì ngồi không, cao hứng nhất thời mà viết ra một tác phẩm chữ Nôm.

Nếu có chánh niệm, đem những khổ đau, luân lạc, gian truân của mình ra đọc truyện Kiều chúng ta cũng có cơ hội thấy được bản thân. Và như vậy đọc truyện Kiều cũng là tu. Tu tức là nhìn tất cả những gì đã và đang xảy ra trong đời mình bằng con mắt quán chiếu.

Trong quá khứ, có nhà Nho đã liệt truyện Kiều vào loại dâm thư vì trong truyện có tả đời sống của một cô gái giang hồ. Họ có thể đứng về phương diện đạo đức của Nho giáo mà nói như vậy. Nhưng dùng con mắt quán chiếu mà nhìn cuộc đời Thúy Kiều, ta có thể học được bài học của khổ đau và kinh nghiệm. Nếu biết cách đọc, chúng ta có thể học được rất nhiều từ truyện Kiều như học từ một cuốn Kinh. Và truyện Kiều sẽ không phải là dâm thư mà là kinh điển.

Truyện Kiều là truyện về cuộc đời, có những hoàn cảnh khổ đau, hạnh phúc và u mê của cuộc đời. Lấy con mắt của người quán chiếu nhìn vào truyện Kiều, chúng ta có thể thấy được bản chất của cuộc đời. Những điều xảy ra trong mười lăm năm của cô Kiều có thể xảy ra cho bất cứ một người nào. (Vì vậy ở Việt Nam có truyền thống bói Kiều.) Kiều đã trải qua rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, đi qua tất cả những chuyện lên voi xuống chó của một con người. Thúy Kiều có khi đã làm sinh viên, làm vợ của một người có quyền thế gần như vua (Từ Hải), làm đầy tớ, làm người yêu, làm vợ lẽ hay làm một người con gái phong sương... Kiều cũng đã từng làm sư cô. Mỗi chúng ta ít nhất đã có một giai đoạn giống như giai đoạn của Thúy Kiều. Nhìn vào đời Thúy Kiều, ta phải nhìn như một toàn thể mà đừng nhìn từng khoảng ngắn.

Chúng ta phải có con mắt trạch pháp, tức là con mắt có khả năng nhận xét, phân biệt. Khi đọc Kinh, ta cần phải có nhận thức độc lập, huống nữa là khi đọc truyện Kiều. Ta phải nhìn cụ Nguyễn Du bằng con mắt trạch pháp. Cụ tin vào thuyết tài mệnh tương đố (tài năng và số mệnh chống trái nhau.) Chúng ta sẽ từ từ xét coi tại sao cụ tin vào thuyết này và thuyết này có đúng hay không. Nếu đúng thì đúng bao nhiêu phần trăm. Không phải vì cụ nói 'chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau' hay 'chữ tài liền với chữ tai một vần' mà chúng ta tin ngay vào sự tương phản, chống trái của tài và mệnh. Có những người có tài nhưng không bị tai nạn, vì họ có tu, có chánh niệm và sự khiêm nhượng. Tai nạn sẽ không xảy tới cho họ, hay ít nhất, không xảy tới nhiều như cho những người quá cậy vào tài năng của mình mà xem thường người khác.

Dựa theo truyện Phong Tình Lục của Trung Hoa để viết truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã biến tập tiểu thuyết tầm thường này thành một tác phẩm văn chương phong phú và sâu sắc. Một lần nữa, chúng ta thấy cốt tủy của một tác phẩm có giá trị không phải là cốt truyện mà là văn chương và tư tưởng.

Ngày xưa tôi cũng đã từng dạy văn chương Việt Nam và đã dạy truyện Kiều. Nhưng tâm của tôi lúc đó không được như bây giờ. Tôi đã dạy với tư cách một giáo sư văn chương mà chưa bao giờ dạy với tư cách một thiền sư cả. Nhìn với tư cách một thiền sư là nhìn sâu, nhìn kỹ, nhìn bằng sự khám phá của thiền quán mọi sự kiện qua những nhận thức, đau khổ, hạnh phúc, thành công, thất bại và qua sự tu học của mình. Nhìn như vậy trong khi đọc lại truyện Kiều ta có thể thấy được những điều rất mới.

Khi đọc truyện Kiều, ta không nên ngại về từ ngữ và điển tích. Các bản truyện Kiều đều có chú giải. Có tài liệu là ta có thể hiểu được hết các điển tích và từ cổ. Điều quan trọng là chúng ta đọc với tâm trạng quán chiếu, tìm thấy tâm lý của tác giả và tìm thấy lòng mình.

(Làng Mai khóa tu mùa Xuân 1992)

Chữ tài, chữ mệnh, chữ tâm

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Bắt đầu truyện Kiều, tác giả nêu lên tư tưởng tài mệnh tương đố, tài năng và số mệnh đố kỵ nhau. Cố nhiên, qua truyện Kiều, ta có thể thấy tác giả là một thi sĩ đại tài. Vì vậy, khi nói tới tài, Nguyễn Du nói tới kinh nghiệm trực tiếp của mình chứ không phải nói tới một sự thực ở ngoài.

Những người có tài và có sắc được thi sĩ cho đứng về phía màu hồng. Màu hồng kỵ với màu xanh, đại diện cho ông trời, tạo hóa. Ông trời sẽ đi theo, 'đánh ghen', đày đọa những người có tài, có sắc bằng cách phó cho họ một số phận trớ trêu. 'Má hồng' không phải chỉ là đàn bà. Đàn ông có tài có sắc thì cũng là một thứ 'má hồng', bị số phận làm cho điêu đứng. Đó là quan niệm của Nguyễn Du.

Kết thúc truyện Kiều, câu 3247, cụ Nguyễn Du trở lại ý niệm về tài và mệnh. Cụ trình bày quan niệm luân lý của mình như sau:

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Cụ khuyên chúng ta không nên cậy vào tài mình. Bởi vì khi có tài mà không có đức, không tu, không biết giấu tài của mình đi mà cứ khoe khoang, hợm hĩnh, cho mình là giỏi, thì tai nạn sẽ đến với mình và mình sẽ đau khổ rất nhiều. 'Chữ tài liền với chữ tai một vần' là một câu chơi chữ rất khéo.

Và mầm mống của những tai nạn, khổ đau kia đến từ đâu? Cụ Nguyễn Du nói đừng đổ lỗi cho ai hết. 'Đã mang lấy nghiệp vào thân': khi mình đã có những tham, giận, kiêu căng trong người rồi, thì: 'Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa': đừng đổ lỗi cho ai hết, đừng trách trời. Tại sao mình đau khổ? Mình nói: tại trời, tại xã hội, tại người này, người kia... Kỳ thực mình chịu trách nhiệm lớn về những đau khổ của mình. Vì vậy mình phải quay về tu sửa tâm mình, vun bồi gốc rễ của cái thiện trong tâm mình. Đó là vấn đề tu tâm (citta bhavana). Thiện căn (kusalamula) là một danh từ Phật học, có nghĩa là gốc rễ của cái thiện. Cụ Nguyễn Du thấy tu tâm là điều quan trọng phải làm. Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài: một người có tâm lành, biết tu học thì sẽ có hạnh phúc và mang lại hạnh phúc cho người khác nhiều hơn (bằng ba) những người có tài mà không có tâm lành.

Gửi gắm rất nhiều kinh nghiệm hạnh phúc và khổ đau của mình cho chúng ta rồi, thi sĩ kết thúc truyện Kiều bằng hai câu khiêm nhượng như cụ từng khuyên chúng ta:

Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh.

Và cũng thật đẹp khi một tác phẩm lớn như truyện Kiều lại được kết thúc bằng hai câu giản dị và khiêm nhượng như vậy. Sau khi viết xong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du lại có cơ hội được học Phật thêm rất nhiều. Kiến thức về đạo Phật của Nguyễn Du sau truyện Kiều sâu sắc hơn. Có vài danh từ Phật học trong truyện Kiều dùng chưa được hoàn toàn chính xác (Ví dụ như chữ nghiệp và tâm trong đoạn vừa trích dẫn.) Chúng ta sẽ thấy ở phần sau.

Hẹn Nhau Mùa Hoa Đào Sang Năm

Chủ nhật, 02 Tháng 3 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Thư pháp (calligraphy) của tôi không xuất sắc gì mấy. Vậy mà tập viết hoài ngó cũng được. Càng viết, chữ càng ngó được hơn. Năm ngoái (1999) trong chuyến đi Trung Quốc, anh Mộc có đem theo nhiều giấy, bút và mực. Anh xin tôi viết mấy chục tấm để bán lấy tiền cúng dường chùa tổ Lâm Tế ở quận Chánh Định thuộc thành phố Thạch Gia Trang tỉnh Hà Bắc. Anh nói đa số những người trong phái đoàn đi Trung Quốc là người Tây phương, tôi có thể viết chữ Anh. Tôi chiều lòng anh. Trong chuyến đi, số tiền bán chữ đã lên tới tám ngàn Mỹ kim. Phái đoàn đã cúng dường cho chùa tổ Lâm Tế, qua hòa thượng trú trì Hữu Minh, một ngân khoản là mười ngàn Mỹ kim để giúp vào quỹ mua thêm đất và xây cất thêm tăng viện. Hòa thượng rất cảm động. Đó là vào khoảng tháng năm.

Vào tháng chín năm ấy, tại tu viện Kim Sơn do thượng tọa Tịnh Từ làm viện trưởng, sẵn có giấy bản các thầy và các sư cô mua được ở trong khóa tu ở trường Đại học Santa Barbara, tôi đã ngồi xuống viết nhiều bức, bức thì chữ Anh, bức chữ Việt, bức chữ Hán. Các thầy và các sư cô trong phái đoàn Làng Mai đã bán được gần hết các bức này, có bức bán tới một ngàn Mỹ kim. Tất cả đều được đem cúng dường vào quỹ xây cất Nhà Đa Dụng của tu viện. Trong chuyến đi hoằng pháp tới tại Bắc Mỹ, khi đến Kim Sơn, thế nào tăng đoàn Làng Mai cũng được ở nhà hẳn hoi, chứ không phải ở lều như trên mười năm qua, quá lạnh!

Vào lễ giáng sinh 1999, nhiều minh tinh màn bạc nổi tiếng tại Hollywood như Marlon Brando, Jack Nicholson, Sean Penn ... cũng nhận được những bức chữ viết của tôi do bạn hữu của họ hiến tặng. Cả bên Trung Quốc và Đại Hàn, mỗi khi trao đổi thư pháp với các vị tọa chủ các chùa lớn, tôi cũng viết chữ Tây cho lạ.

Chắc các bạn tò mò muốn biết tôi viết những chữ gì. Tôi chỉ viết những chữ mà khi treo lên người ta có thể thực tập theo được mà thôi. Ví dụ: " breathe, you are alive " (thở đi, bạn đang là sự sống mầu nhiệm), " drink your tea " (uống trà cho thảnh thơi và hạnh phúc đi bạn, chữ Hán là nghiết trà khứ ), " the tears I shed yesteday have become rain " (nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa), " breathe and smile " (thở đi, mỉm cười đi), " you are not a creation, you are only a manifestation " (ngươi không phải tạo sinh mà chỉ là biểu hiện) " present moment, wonderful moment " (an trú trong hiện tại, giờ phút đẹp tuyệt vời), " there is no way to happiness, happiness is the way " (có con đường nào dẫn tới hạnh phúc đâu, hạnh phúc chính là con đường), v.v.. Bức mà Phật tử gốc Việt ưa thích nhất là bức có ba chữ " thở đi con ". Ai cũng muốn thỉnh một bức về treo trong phòng khách để khi có chuyện bất an thì nhớ mà thực tập, còn khi bình thường mà thực tập thì nuôi dưỡng thêm hạnh phúc đang có. Có những bức viết trọn một, hai, bốn câu thơ hay cả bài thơ. Những câu thơ trong truyện Kiều có thể hiểu theo nghĩa thiền quán cũng rất được hâm mộ, như câu " bây giờ rõ mặt đôi ta, biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao " hay câu "trời còn để có hôm nay, tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời ", hoặc câu " một nhà xum họp sớm trưa, gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng, bốn bề bát ngát mênh mông, triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau ". Có một cặp tân hôn xin chữ, tôi đã cho câu " trước sau cho vẹn một lời, duyên ta mà cũng phúc người phải không ?", đổi một hai chữ cho thích hợp.

Chữ Hán tôi viết rất ít, bởi vì hiện giờ ít người đọc được chữ Hán và thích treo chữ Hán. Tôi thấy những bức chữ Anh, chữ Việt hoặc chữ Pháp lộng kính treo lên cũng đẹp vô cùng, và khi đọc thì người ta hiểu liền. Tôi cũng có viết nhiều câu đối, câu đối chữ Việt, và cả chữ Âu Mỹ nữa! Có một bữa, tôi thấy ông đồ xưa của Vũ Đình Liên đã sống dậy! Ông đồ xưa chỉ viết chữ Nho, ông đồ xưa nếu bây giờ sống dậy thì viết được cả chữ Việt và chữ Tây, và vẫn sử dụng được bút lông mực tàu như thường. Và ông không phải chỉ dùng giấy đỏ. Ông dùng giấy đủ màu, nhất là màu trắng ngà. Bút lông của ông được chế tạo rất nhiều kiểu, sản xuất ngay cả ở các nước Âu châu.

Tôi thấy nhiều nhà thơ Việt Nam hiện đại đã viết thơ của mình thành bức, bằng chữ Việt, có khi viết bằng bút lông, có khi viết cả bằng bút sắt. Tôi đã thấy nét chữ của nhiều vị, trong đó có Vũ Hoàng Chương và Cao Tiêu. Tại sao lại chỉ viết chữ Hán? Càng viết, chữ càng đẹp. Đồng bào và người ngoại quốc rất thích treo những bức chữ đẹp và có ý nghĩa, bằng chữ Việt hoặc bằng chữ nào mà họ hiểu. Cố chấp thì ông đồ sẽ chết vĩnh viễn, còn nếu ông đồ biết thích nghi thì ông đồ sẽ sống mãi mãi. Chúng ta không cần phải khóc ông đồ như thi sĩ Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phụng múa rồng bay

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đó

Qua đường không ai hay

Gió buồn mơn mặt giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay hoa đào nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Tôi muốn nói chuyện đạo Bụt, đạo Bụt tại châu Á nói chung, và đạo Bụt tại Việt Nam nói riêng. Đạo Bụt nếu không được làm mới để có thể đáp ứng với nhu cầu đích thực của người thời nay thì đạo Bụt sẽ từ từ vắng mặt, nghĩa là sẽ chết, như ông đồ xưa. Đại sư Thái Hư thấy được điều đó nên đã hô hào cách mạng giáo lý , cách mạng giáo chế và cách mạng giáo sản . Nếu chúng ta chỉ biết thủ cựu, nếu chúng ta có quá nhiều sợ hãi, nếu chúng ta chỉ biết củng cố địa vị thì chúng ta không thể nào làm mới được đạo Bụt. Phải giảng dạy đạo Bụt như thế nào để tuổi trẻ bây giờ có thể áp dụng được vào trong đời sống hằng ngày của họ, chuyển hóa được khổ đau, khai thông được bế tắc, xây dựng lại được tình thâm. Lễ bái, cầu phước và tín mộ không đủ.

Tuổi trẻ không muốn đến chùa để chỉ đốt nhang, đốt vàng mã, vái lạy và tụng những kinh mà họ hoàn toàn không hiểu. Buổi công phu sáng gần hết là bằng tiếng Phạn, có tính chất của Mật Tông, mà lại là tiếng Phạn phiên âm Hán Việt xa lắc với nguyên âm. Buổi công phu chiều thì chủ yếu là để cầu sinh Tịnh Độ. Không mấy ai đọc được và hiểu được kinh chữ Hán. Vậy mà ta không có can đảm đem hai buổi công phu dịch ra quốc văn để hành trì. Ta sợ người ta đàm tiếu, chê bai là bỏ gốc rễ. Ta có bỏ gốc rễ đâu. Ta chỉ chăm sóc và làm mới cho gốc rễ thôi, để cho cội cây xưa có được sức sống mới đâm lên những chồi mới, nếu không cây sẽ chết. Cách đây chừng vài trăm năm, người ta đã từng bĩu môi chê chữ Nôm là quê mùa, là mách qué (nôm na là cha mách qué). Người ta bảo người đứng đắn và người trí thức chỉ dùng chữ Hán thôi.

Vậy mà thi hào Nguyễn Du đã sáng tác truyện Kiều bằng chữ Nôm và đã tạo nên được một niềm tin lớn cho quốc dân nơi khả năng tiếng Việt. Không dùng súng đạn và gươm giáo mà thi sĩ đã xây được thành lũy vững chãi cho nền độc lập dân tộc. Độc lập chính trị chỉ có thể bền vững khi có độc lập văn hóa. Cụ Nguyễn Du là một ông đồ không bao giờ già, không bao giờ chết. Hồn của cụ sống mãi trong hồn của người trẻ bây giờ. Bài học đó há không đủ soi sáng cho chúng ta sao? Con cháu chúng ta bỏ chùa, bỏ đạo gốc tổ tiên chạy theo những trào lưu từ ngoài tới, lỗi đó là của ai? Làm mới đạo Bụt, áp dụng ngay những pháp môn của đạo Bụt nhập thế (Phật tử Trung Quốc bây giờ gọi là Nhân Gian Phật Giáo , Tây phương gọi là Engaged Buddhism ), sử dụng ngay tiếng Việt để tụng niệm trong hai buổi công phu, điều này rất cần thiết. Chúng ta đừng làm như ông đồ xưa, từ từ vắng mặt trong cuộc đời. Chúng ta phải tái sinh lại ngay lập tức để trở thành ông đồ nay. Chỉ có ông đồ nay mới làm thỏa mãn được những nhu yếu của người ngày nay.

Từ thế kỷ 14, vua Trần Nhân Tông và thiền sư Huyền Quang đã thấy được sự thực này. Các vị đã bắt đầu sáng tác bằng tiếng Việt, sử dụng chữ Nôm. Ở Triều Tiên, ngày xưa cả nước đi theo đạo Bụt. Vào đầu thế kỷ này, chỉ còn dưới 50% dân chúng là Phật tử. Giới trẻ đi theo ngoại lưu nhiều như thác lũ. Lý do là đạo Bụt bên đó quá bảo thủ và rất còn kỳ thị phụ nữ. Ta cầu xin các vị tôn đức trong sơn môn ta nghĩ lại cho con cháu được nhờ. Đạo Bụt không thể không được hiện đại hóa. Tại Tây phương, nhiều người đang muốn cho đạo Ky Tô được hiện đại hóa, nhưng họ chưa thành công vì thái độ thủ cựu và giáo điều của giới chức sắc bề trên. Nhiều nhà thờ vắng bóng tín đồ. Người xuất gia rất hiếm. Chỉ vì tại người ta bảo thủ quá, không chịu làm mới; không chịu cách mạng giáo lý và giáo chế. Đạo Bụt có tinh thần cởi mở tự do, dễ làm mới hơn nhiều. Ta có thể thành công trong vài thập niên nếu chúng ta tỉnh thức.

Ông đồ xưa ơi, xin ông mau mau sống dậy. Cơ hội đã đến. Xin ông hãy chuẩn bị tái sinh. Hẹn ông cùng có mặt ở mùa hoa đào năm tới:

Sang năm hoa đào nở

Sẽ thấy ông đồ xưa

Với hình hài rất mới

Sống động hơn bao giờ.

Chúng ta không có lý do gì để không thành công.

Cơ Hội Lớn Cho Tất Cả Chúng Ta

Chủ nhật, 02 Tháng 3 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Chỉ mục bài viết

Cơ Hội Lớn Cho Tất Cả Chúng Ta

Trang 02

Tất cả các trang

Trang 1 của 2

Liên hệ thầy trò

Tôi còn nhớ khoảng năm 1959 tại chùa Xá Lợi đường Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn, có một buổi lễ trao truyền Tam Quy và Ngũ Giới cho một người Pháp. Khoảng hai mươi thầy ở chùa Ấn Quang, lúc ấy là Phật Học Đường Nam Việt, trong đó có tôi, được mời tới tham dự với tư cách chứng minh. Ông Mai Thọ Truyền, pháp danh Chánh Trí, hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt, người có công đầu trong công trình xây dựng chùa Xá Lợi, đã đứng ra thay mặt chư Tăng để làm lễ truyền Quy Giới.

Đã từng là công chức thời Pháp thuộc, ông Chánh Trí nói tiếng Pháp rất thành thạo, và ông đóng vai trò chủ lễ từ đầu đến cuối, nghi thức hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Cố nhiên nghi thức này chỉ được cử hành theo kiểu tuyên đọc, từ dâng hương cho tới hồi hướng, mà không có âm điệu tán tụng và xướng lễ đi theo như trong nghi thức truyền thống bằng tiếng Hán Việt.

Hồi ấy có một người Âu châu quy y theo đạo Bụt là cả một hiện tượng hiếm có. Vì vậy ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã xem lễ quy y của người Pháp này như là một biến cố quan trọng xảy ra cho Phật Giáo Việt Nam và đã tổ chức lễ quy y một cách rất long trọng. Tôi là ông thầy tu duy nhất trong số các thầy tham dự lễ quy y nói được tiếng Pháp, nhưng ông Chánh Trí lại không mời tôi làm chủ lễ truyền giới, có lẽ vì tôi đang còn trẻ quá, chỉ mới trên ba mươi tuổi. Ông muốn các thầy ngồi đó với tư cách chứng minh thôi.

Dù sao Tam Bảo phải có đủ Bụt, Pháp và Tăng; nếu không có mặt chư Tăng thì lễ quy y sẽ không có ý nghĩa. Ông Chánh Trí, cũng như rất nhiều Phật tử Việt Nam, rất hãnh diện khi có một người Tây phương quy y theo đạo Bụt, nghĩa là theo đạo của mình; vì lý do ấy tổ chức lễ quy y long trọng cũng là để cho niềm tự ái tôn giáo của mình có dịp được vuốt ve.

Hồi còn là ông thầy tu trẻ, tôi rất ghét truyền giới và thu nhận đệ tử. Tôi tự nói: mình dạy cho người ta học và tu là đủ rồi. Đệ tử xuất gia hay tại gia cũng thế, tôi không muốn thu nhận. Việc này nên để các thầy khác làm. Nhưng từ tuổi năm mươi trở đi, nhận thức của tôi đã thay đổi.

Tôi bắt đầu thấy rằng nếu không có liên hệ thầy trò vững mạnh, nếu người tu học không chấp trì giới luật nghiêm chỉnh thì sự học hỏi và tu tập của họ không dễ thành công. Điều này tôi thấy rất rõ từ khi tôi đi giảng dạy tại các thiền viện và trung tâm tu học của người Tây phương. Tôi thấy sự hành trì giới luật tại các trung tâm ấy có tính cách lỏng lẻo. Họ có vẻ nghĩ rằng thiền tập không cần phải đi đôi với sự nghiêm trì giới luật, trong khi đó họ lại chấp hành rất nghiêm chỉnh những hình thức nghi lễ. Vì không nhấn mạnh tới sự hành trì giới luật và uy nghi cho nên trong những trung tâm tu học kia thường xảy ra chuyện phạm giới đưa tới nhiều vụ tranh chấp, tan rã và tai tiếng.

Từ ngày có nhận thức ấy, tôi nhất quyết đưa ra điều kiện là muốn tu tập với tôi, người thiền sinh phải phát nguyện tiếp nhận và hành trì giới luật và uy nghi. Tôi bắt đầu truyền năm giới và giới Tiếp Hiện tại gia. Sau đó tôi cũng bắt đầu thu nhận đệ tử xuất gia, truyền giới Sa di, Sa di ni, Tỳ khưu, Tỳ khưu ni và giới Tiếp Hiện xuất gia.

Chỉ trong vòng mười lăm năm tôi đã truyền giới xuất gia cho 120 vị, giới Tiếp Hiện cho 500 vị, giới Tiếp Hiện Xuất Gia cho trên 100 vị, và năm giới cho trên 50.000 vị, đa số tuyệt đối là người Âu Mỹ. Có những lễ truyền giới tại Hoa Kỳ trong đó có tới 700 người Mỹ quỳ xuống để tiếp nhận Ba Quy và Năm Giới. Tất cả đều nhận pháp danh bằng tiếng Mỹ, và pháp danh nào cũng có chữ Tâm (of the Heart) dấu hiệu cho biết họ thuộc về thế hệ thứ chín phái Liễu Quán và thế hệ thứ 43 tông Lâm Tế.

Lễ quy y truyền giới cho thiền sinh thường được tổ chức vào ngày chót của các khóa tu . Những khóa tu đầu tiên được tổ chức thường chỉ có khoảng từ 50 đến 70 thiền sinh tham dự, cùng cư trú và tu tập với nhau 24 giờ một ngày suốt trong sáu ngày, tại một địa điểm chọn lọc thuận tiện, có nơi ngồi thiền, có đường đi thiền hành, có phòng pháp đàm, có bếp nấu cơm chay. Từ từ số thiền sinh tham dự các khóa tu càng ngày càng đông. Tu tập có chuyển hóa, có hạnh phúc, tháo gỡ được khó khăn và phiền não, người ta đồn với nhau, cho nên các khóa tu từ 50 người tăng dần lên 70, 120, 250, 400, 500 người, ... Hiện giờ mỗi khi tôi đi hướng dẫn các khóa tu ở Bắc Mỹ thì mỗi khóa có ít nhất là 1000 thiền sinh tham dự. Nếu có những trung tâm cung cấp được điều kiện ăn ở cho thiền sinh thì số thiền sinh tham dự các khóa tu có thể lên tới 1500 người hoặc 2000 người mỗi khóa.

Nhưng những trung tâm như thế hiếm lắm. Hiện giờ tại các trung tâm như Omega, Ascutney hay trường đại học California ở Santa Barbara có thể quy tụ được chừng 1200 thiền sinh trong mỗi khóa. Và các trung tâm ấy phải dựng thêm những chiếc lều vải lớn để đủ chỗ sinh hoạt cho thiền sinh. Vào những khóa tu có tầm vóc lớn như thế thì vào ngày cuối có thể có tới 700 người tiếp nhận ba quy và năm giới. Trong số những thiền sinh còn lại, có nhiều người đã được quy y và thọ giới trong những khóa tu trước rồi. Đặt pháp danh cho người quy y là cả một vấn đề. Cung cấp 700 pháp danh trong vòng vài ngày là chuyện không đơn giản.

Thường thường các thầy và các sư cô phụ tá phải dùng tới máy vi tính để chọn và đặt pháp danh. Pháp danh thay vì có hai chữ thì có tới ba chữ để tránh sự trùng lặp. Ví dụ pháp danh Tâm Từ (Loving kindness of the Heart) hai chữ, có thể sử dụng để làm thành rất nhiều pháp danh ba chữ như Tâm Đại Từ (Great loving kindness of the Heart), Tâm Diệu Từ (Wonderful loving kindness of the Heart) và Tâm Minh Từ (Shining loving kindness of the Heart) v.v.. Nếu khóa tu được tổ chức ở Đức thì pháp danh được đặt bằng tiếng Đức, ở Nga thì pháp danh được đặt bằng tiếng Nga, ở Ý thì bằng tiếng Ý, v.v .. Luôn luôn trong các khóa tu có những vị xuất gia và tại gia thông hiểu tiếng bản xứ, do đó đặt pháp danh bằng tiếng địa phương không phải là một vấn đề khó khăn. Tỷ số thiền sinh thọ quy giới tại Nga là cao hơn hết. Vào cuối mỗi khóa tu ở Mạc Tư Khoa hay ở St. Petersburg , tỷ số thiền sinh thọ giới thường lên tới 95%. Tỷ số thiền sinh thọ quy giới tại Ý cũng rất cao.

Con Đường Sáng

Người xin quy y không cần phải đóng một phụ phí nào hết, nhưng cần cam kết là sau khi quy y phải thường xuyên đọc tụng ba quy và năm giới và tham dự các buổi pháp đàm tổ chức bởi tăng thân địa phương. Nếu trong vòng ba tháng mà không tụng giới ít nhất là một lần thì lễ quy y tự động mất hết hiệu lực và liên hệ thầy trò sẽ được xem như là không còn. Nếu muốn thiết lập lại liên hệ ấy để tu học cho nghiêm chỉnh thì phải xin quy y và thọ giới trở lại. Mỗi người sau khi quy y được tiếp nhận một Điệp Hộ Giới (Precepts Supporting Certificate) bằng tiếng mẹ đẻ của mình, trong đó ba quy và giới tướng năm giới được trình bày đầy đủ. Có trên 600 tăng thân đã được thiết lập ở các nước để làm nơi nương tựa cho người thiền sinh đã quy y.

Các tăng thân này thường tập họp mỗi tuần để ngồi thiền, thiền hành, tụng giới và pháp đàm. Thỉnh thoảng họ tổ chức một ngày quán niệm, một khóa tu cuối tuần, hoặc một khóa tu năm ngày do họ tự hướng dẫn, hoặc mời một vị xuất gia hoặc một vị Tiếp Hiện tại gia tu học lâu năm tới hướng dẫn. Thiền sinh đã quy y thường được khuyến khích đến tham dự vào sinh hoạt tăng thân của địa phương mình để tụng giới và nuôi dưỡng sự hành trì của mình.

Đa số những người Tây phương quy y thọ giới là những người gốc đạo Ki Tô hoặc Do Thái. Quy y theo đạo Bụt đối với họ là một hành động can đảm có tính giác ngộ. Người Á Đông quy y chỉ là làm theo truyền thống tổ tiên, nhưng đối với người Tây phương hành động quy y thực sự có tính chất của một cuộc cách mạng tâm linh. Mỗi khi có một lễ quy y mà thấy hàng trăm người quỳ xuống đọc lên câu: Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời, cảnh tượng luôn luôn rất trang nghiêm và cảm động, thấy mà muốn rơi nước mắt. Người Tây phương tu học theo đạo Bụt đa số thuộc về giới trí thức và còn trẻ. Những người thủ cựu và ít học là những người chống đối đạo Bụt, cho đạo Bụt là tà ma ngoại đạo, so với đạo Ky Tôu:

Xin quý vị đọc bản văn Năm Giới sau đây trước khi tôi kể tiếp câu chuyện:

Giới Thứ Nhất: Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.

Giới Thứ Hai: Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.

Giới Thứ Ba: Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.

Giới Thứ Tư: Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết chắc. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.

Giới Thứ Năm: Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.

Bồ Tát Vô Úy

Thứ hai, 10 Tháng 3 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Chỉ mục bài viết

Bồ Tát Vô Úy

trang 02

Trang 04

Tất cả các trang

Trang 1 của 3

Thầy Nhất Hạnh viết về Thầy Quảng Độ:

Có lần trong tù, đói quá, thầy Quảng Độ nằm mơ thấy được nhà bếp cho một cái bánh bao. Ăn xong thấy bụng căng thẳng, no nê, rất hạnh phúc. Sự thực là đêm ấy, trước khi đi ngủ, vì đói cho nên thầy đã uống nước đầy bụng cho dễ ngủ. Và thầy đã đái dầm ra quần. Sáng hôm đó thầy có làm một bài thơ. Bài thơ như sau:

Cái Bánh Bao

Không có gì quý hơn cái bánh bao

Ăn ngon miệng, trông đẹp mắt làm sao

Đang cơn đói ruột như cào

Bếp cho một cái, xực vào sướng ghê.

Bây giờ cái bụng căng thẳng no nê

Lim dim cặp mắt đi vào cõi mê

Nhưng lạ thay

Tỉnh dậy nghe mùi khê khê

Và băng-ta-lông thấy dầm dề

Đúng rồi!

Thì ra tôi đã tê-rê ra quần

Táo quân ơi, hỡi táo quân!

Tự do hạnh phúc có ngần ấy thôi!

Thầy Quảng Độ trong khi ở tù và chịu đói vẫn còn đầy đủ tinh thần hài hước và trong cái hài hước đó còn có cái gan dạ tầy trời. ''Tự do hạnh phúc có ngần ấy thôi!'' Thầy đã dám động tới chế độ. Thầy nói tự do và hạnh phúc hứa hẹn chỉ là một chiếc bánh bao trong giấc mơ. Thầy chẳng biết sợ là gì. Cả với thần chết, thầy cũng không sợ. Có một lần nằm trong xà lim quán chiếu về cái chết của chính mình, thầy đã cười lớn. Thầy thấy thầy ngồi nói chuyện với tử thần một cách thanh thản, và còn nhận xét rằng thần chết cũng không dữ dằn gì mấy, trái lại còn có vẻ hiền hiền, so với những người trần gian mà tâm trạng đầy dẫy tham, sân, si. Tử thần trước khi rời thầy đã hôn thầy âu yếm để từ biệt. Ta hãy đọc bài thơ Nói Chuyện Với Tử Thần sau đây:

Nói Chuyện Với Tử Thần

Xà lim trông hệt cái nhà mồ

Mỗi lần mở cửa tôi ra vô

Thấy như chôn rồi mà vẫn sống

Tử thần, tôi sợ con cóc khô

Tử thần nghe vậy bèn sửng cồ

Nửa đêm đập cửa tôi mời ''dô''!

Sẵn có thuốc lào phèo mấy khói

Tử thần khoái trá cười hô hô

Trong khi vui vẻ tôi trò chuyện

Tử thần đắc ý nói huyên thuyên :

- Trần gian địa ngục ham chi nữa

Thôi hãy bay mau về cõi tiên!

- Tớ xem tướng cậu cũng hiền hiền

Mà sao thiên hạ sợ như điên

Mỗi lần thấy cậu lò dò tới

Chúng nó hè nhau bỏ tổ tiên

- Ấy cũng bởi vì chúng nó điên

Chứ anh coi ta tướng rất hiền

Đứa nào hết số ta mới rớ

Bảo chúng làm ăn đừng lo phiền

- Tớ đây tuy có chút lo phiền

Nhưng mà cũng chẳng ham cõi tiên

Trần gian địa ngục tớ cứ ở

Mê loạn cuồng say với lũ điên

- Trần gian ta thấy bết hơn tiên

Thân bị gông cùm tâm chẳng yên

Sống trong hồi hộp trong lo sợ

Dẫu phải thánh hiền cũng phát điên

- Trần gian tớ thấy béo hơn tiên

Ấy cũng bởi chúng có giấy tiền

Kim cổ ngàn đời người vẫn thế

Có tiền đầy túi nó mua tiên

Mọi người còn đắm mộng triền miên

Hạ tuần trăng đã dọi vào hiên

Tử thần âu yếm hôn tôi biệt

Phóng ngựa ma trơi về hoàng tuyền

Còn một mình tôi vào cõi Thiền

Lâng lâng tự tại cảnh vô biên

Bồ đề phiền não đều không tịch

Niết bàn sinh tử vốn an nhiên.

Thầy Quảng Độ không sợ thần chết, không phải vì thầy thấy thầy mạnh hơn thần chết. Cái vô úy của thầy đã do thiền quán mà có. Thầy đã nhiều lần thực tập quán chiếu về bản chất của cái sống và cái chết. Thầy đã thấy sống và chết tương tức, nương nhau mà biểu hiện, không có cái này thì không có cái kia . Trong một giây phút quán chiếu, thầy thấy đang sống cũng là đang chết và trong tự thân thầy cái chết và cái sống đang đồng thời có mặt. Ta hãy đọc bài hát nói Sống, Chết sau đây để có một ý niệm về cái thấy của thầy:

Các Hạt Giống Vô Giá Trong Tàng Thức (Trích Hạnh Phúc Mộng Và Thực)

Thứ hai, 04 Tháng 2 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Ta có mặc cảm thấp kém và thường nghĩ rằng mình chỉ có thể là chúng sinh thôi, không thể nào thành Bụt được. Đó là vì ta không công nhận hạt giống Bụt ở trong ta. Một trong ba mặc cảm mà Kinh Samiddhi đề cập tới là mặc cảm tự ti, nói rõ ra là mặc cảm cho rằng mình chỉ có thể là chúng sinh thôi. Thật ra trong chúng ta ai cũng đều có hạt giống Bụt, tức là có khả năng tính thành Phật. Khả năng tính thành Phật là danh từ mới, trong quá khứ ta gọi là Phật tính. Dầu sống trong thất niệm 24 tiếng mỗi ngày và chánh niệm không bao giờ có mặt trên vùng ý thức, nhưng trong tâm ta lúc nào chánh niệm cũng nằm trong tàng thức dưới dạng một hạt giống. Cái kho tàng ta thường đi kiếm nó nằm ngay trong tâm của ta mà ta không hay! Chúng ta ai cũng nghĩ rằng mình chỉ là người bần cùng, suốt đời đi cầu xin một chút tình thương, một chút hiểu biết, một chút giác ngộ của Bụt, còn chính ta thì không có gì cả. Vì vậy mà Bụt nói Kinh Pháp Hoa để giúp ta đánh tan mặc cảm thấp kém đó. Kinh dạy rằng trong tâm ta có đủ kho tàng của giác ngộ, hiểu biết, thương yêu và hạnh phúc, đừng tìm kiếm đâu xa:

Hỡi người giàu sang bậc nhất,

Tha phương cầu thực xưa nay,

Hãy thôi làm thân cùng tử,

Về đây tiếp nhận gia tài.

Ngày xưa có một vị Bồ Tát vì thấy được cái Phật tánh trong mọi người là một sự thật nên Ngài phát một hạnh nguyện rất lớn. Ngài thường làm một việc rất bình thường và vì công việc đó mà Ngài thường bị người ta la rầy, xua đuổi nhưng không bao giờ Ngài mất niềm tin. Ngài tên là Thường Bất Khinh. Thường Bất Khinh là nghĩa là tôi không dám khinh ai cả, tại vì tôi biết mỗi người đều có khả năng tính thành Phật. Gặp bất cứ người nào, lớn cũng như bé, có địa vị hay không có địa vị. Ngài đều cúi xuống rất thấp và nói rằng "Tôi không dám khinh bạn đâu, bạn là một vị Bụt tương lai, bạn có khả năng tính thành Bụt". Có người nghe nói vậy rất lấy làm sung sướng, có được niềm tin, nhưng cũng có người khi nghe họ nghĩ rằng anh này chế nhạo mình, thành ra họ lấy đá liệng, lấy gậy đánh đuổi Ngài. Tuy vậy Ngài không bao giờ thối chí, suốt đời chỉ mang cái hạnh nguyện nhắc cho mọi người biết rằng họ có một kho châu báu ở bên trong, đừng bỏ đi mà uổng.

Một hạt giống khác có liên hệ mật thiết với hạt giống Phật tánh là khả năng tính yêu thương, hay khả năng thương yêu. Lắm khi ta có cảm tưởng ta không thương được ai cả. Trong tình trạng chán nản, rã rời đó, ta thấy mình không còn là gì và không có một giá trị tối thiểu nào hết! Không thương được ai là vì ta không thương được chính bản thân của ta, do đó ta thường đi đến kết luận trong tôi không có tình thương. Điều đó có thể đúng trong phạm vi ý thức, nhưng đứng trong chiều sâu của tàng thức thì nó không đúng. Vì trong ta ai cũng có hạt giống gọi là hạt giống thương yêu, tức hạt giống từ và hạt giống bi. Bụt được làm bằng chất liệu của tỉnh thức, của chánh niệm, nhưng Bụt cũng được làm bằng chất liệu của thương yêu, của từ, của bi. Chánh niệm và thương yêu là hai bề mặt của cùng một thực tại. Hiểu biết và thương yêu cũng cùng là một thực tại. Hễ có hiểu biết thì có thể thương yêu được, ngược lại khi thương yêu đích thực thì lòng thương yêu đó được làm bằng chất liệu của sự hiểu biết.

Tương tự như vậy, niềm tin mà ta gọi là Chánh Tín cũng được làm bằng chất liệu của sự hiểu biết. Vì vậy khi nghi ngờ cái khả năng thương yêu trong ta, ta phải nhớ lời Bụt dạy: Trong ta ai cũng có hạt giống thương yêu cả. Mạch nước thương yêu chưa phun lên được là vì ta chưa biết đào giếng. Ta hãy tự đào giếng bằng những năng lượng của tinh tấn, của chánh niệm, của chánh định, của chánh tín. Khi thấy một người bạn tu không tự thương mình và không thương được những người chung quanh, ta đừng nản. Ta nên nghĩ người đó đang ở vào tình trạng khó khăn, nếu được giúp, mai klia họ có thể tiếp xúc và tưới tẩm hạt giống thưong yêu trong người, lúc đó hạt giống thương yêu sẽ nảy mầm, đơm hoa và họ có thể mỉm cười. Là bạn tu, mình có bổn phận phải quán chiếu, không phải chỉ ở trong tâm thức của người mình mà còn phải quán chiếu nơi tâm thức người khác nữa.

Bụt dạy quán chiếu trong tự tâm mình và quán chiếu trong tâm của người khác nghĩa là như vậy. Kinh Niệm Xứ luôn luôn nhắc lại điều này. Nếu có vốn liếng của hiểu biết, của thương yêu thì ta nên làm công việc giúp bạn tu của ta tiếp xúc, vun bón, tưới tẩm hạt giống tốt để một mai người đó có thể mỉm cười nhận ra rằng mình cũng có khả năng thương yêu, và cái mặc cảm mình không ra gì, mình bất lực sẽ tan biến đi.

Một khả năng tính nữa là khả năng tính hạnh phúc (La capacité d'être heureux), một khả năng rất quí giá trong đời sống hàng ngày. Người có khả năng hạnh phúc thì sống trong điều kiện nào cũng có thể có hạnh phúc, rất là mầu nhiệm. Được sống chung với một người như vậy là ta có phước lắm. Khi lâm vào tình trạng khó khăn, người có khả năng hạnh phúc thường có đủ khả năng tạo ra ánh sáng cùng niềm vui cho mình và cho người chung quanh.

Nếu đi vào địa ngục người đó sẽ làm cho địa ngục sáng lên, làm cho tiếng cười vang lên nơi địa ngục. Những người như vậy có thật. Bồ Tát Địa Tạng là một người chuyên đi vào những chỗ tối tăm nhất, khổ đau nhất để làm cho ánh sáng và tiếng cười có mặt ở những nơi đó. Nếu không tu tập phát triển hạt giống của hạnh phúc, không dày công vun xới khả năng tính hạnh phúc trong ta, thì làm sao ta làm được điều đó, làm sao ta đi vào được những nơi tăm tối như vậy để cứu giúp người? Khả năng tính hạnh phúc là một chất liệu tạo nguồn vui cho mọi người. Nếu trong đại chúng có một người mà trong hoàn cảnh nào cũng cười được, vui được và cũng không mất niềm tin, thì đại chúng đó đã được hưởng rồi, huống hồ khi trong đại chúng có được nhiều người như vậy? Thử hỏi ta có phải là một người như vậy hay không?

Mới nhìn vào vùng ý thức, ta hơi nghi ngờ cái khả năng của mình. Nhưng như vậy là ta đã mang cái mặc cảm thứ ba, mặc cảm thua kém. Ta phải theo gương Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Thường Bất Khinh, nhìn sâu vào tàng thức và công nhận các khả năng tính của ta, công nhận ta có thể có hạnh phúc được. Muốn dễ dàng có hạnh phúc, trong đời sống hàng ngày ta phải tu tập và phát triển cái hỷ tính của mình. Tiếng Phạn là Muditatà, nghĩa là khả năng trong trường hợp nào cũng vui cười được cả. Ai trong chúng ta mà lại không có kinh nghiệm về rửa chén? Lúc mới nghĩ đến, ta thường có cảm tưởng rửa chén không phải là niềm vui mà là một cực hình, một "dirty work" nói theo tiếng Anh, nhưng khi đã xăn hai tay áo lên và nước lạnh, nước nóng đã chảy ra, bọt xà bông bắt đầu xuất hiện, thì ta có thể tìm được hạnh phúc trong lúc rửa chén.

Chúng ta ai cũng đã đi qua con đường ấy rồi. Trước khi rửa chén thì thấy khác nhưng trong khi rửa chén thì thấy thấy rửa chén đâu có khổ như mình tưởng? Nếu có tu tập, biết thở biết mỉm cười trong khi rửa chén, thì rửa chén có thể là giây phút tuyệt diệu. Quý vị đã từng hái mận. Trước khi hái mận mình có thể than "Trời, lại bắt hái mận nữa!". Nhưng khi đã xuống tới vườn mận cùng với những người bạn của mình trong đó có thầy Xá Lợi Phất, thì mình thấy hái mận cũng vui quá chừng. Hái mận cũng có thể là một cơ hội, một môi trường để tưới tẩm hạt giống hạnh phúc. Tăng chúng Làng Mai ai cũng đều có kinh nghiệm này hết.

Tất cả đều tùy thuộc vào cách ta tiếp xử với hoàn cảnh. Nếu có khả năng hạnh phúc thì trong điều kiện nào ta cũng có thể tạo dựng được hạnh phúc cho ta và cho những người chung quanh. Ngược lại, nếu không tu tập và cứ nghĩ rằng hoàn cảnh này không tạo được niềm vui cho ta, ta phải đi kiếm một hoàn cảnh khác, thì ta luôn luôn làm tăng thân cùng tử, làm thân của một cô hồn lang thang.

Vậy thì hoàn cảnh nào là hoàn cảnh lý tưởng của ta? Thật ra thay vì thắc mắc như vậy, ta phải tự hỏi: "Ta có khả năng có hạnh phúc hay không?" Nếu có thì trong hoàn cảnh nào ta cũng tạo được hạnh phúc cả. Sống tại đây ta cũng thấy vui, ở Úc hay Mỹ cũng vậy, mà ở Việt Nam ta cũng tìm được hạnh phúc như thường. Sống ở đâu ta cũng có hạnh phúc, đó là nhờ trong khi tu tập ta cắm rễ được trong giây phút hiện tại, và lấy tất cả những điều kiện trong giây phút hiện tại làm nền tảng cho sự sống, cho niềm vui của ta. Trời nắng ta vui, trời mưa ta cũng thấy hạnh phúc. Trời mưa là một trong những yếu tố không thể thiếu trên quê hương đích thực của tôi. Nếu sanh qua nước Bụt A Di Đà mà không có trời mưa thì thôi sẽ thấy thiếu thốn vô cùng, tôi sẽ thấy rằng cõi tịnh độ của Ngài chưa được toàn hảo và thế nào tôi cũng năn nỉ Bụt A Di Đà cho mưa mỗi ngày một lần, cho nắng mỗi ngày một lần, cho cõi Bụt A Di Đà có cây chanh, cây khế, cây mận, cây trúc, cây đào ...

Tuy nhiên, mình đâu cần phải đi đâu? Đâu cần du lịch về tương lai hay quá khứ mới có những điều đó. Những cái thuộc về quê hương đích thực của ta nó đang có mặt ngay ở đây và trong giờ phút này, chỉ vì ta không có khả năng tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc, chỉ vì ta đang làm thân cùng tử, đang làm người hành khất, chỉ vì ta không có khả năng an trú trong hiện tại cho nên ta chưa thấy thoải mái đó thôi.

Vậy thì khả năng tính thương yêu (còn gọi là "tính" như trong "Phật tính"), khả năng tính hạnh phúc, khả năng tính hiểu đều có trong ta dưới hình thái của những hạt giống. Tu tập là cày bừa, tưới tẩm, vun bón, để cho những khả năng tính đó nảy mầm, nở hoa, kết trái để sau đó những hạt giống của hạnh phúc, của hiểu biết, của thương yêu sẽ rào rào rơi xuống tàng thức và sẽ mọc mầm, lên canh xanh tốt trở lại. Khi đi trong một khu vườn không được chăm sóc, ta có thể gặp một bông hồng rất tươi đẹp, và ta muốn hái bông hồng đó. Tuy vậy muốn hái bông hồng, ta phải bước qua đám gai vàng! Thường thì trong khu vườn hoang, bông hồng nở nhưng những bụi gai cũng mọc đầy. Không thể vì gai mà ta không hái được bông hồng. Muốn hái hoa, ta tìm cách rẽ cành gai cho đừng vướng áo, hay lấy gậy đè nó xuống để bước tới được dễ dàng.

Trong đời sống tu tập hàng ngày cũng vậy,ta đừng nói rằng vì có chướng ngại nên ta không thể có hạnh phúc. Thật ra là vì trong tâm ta còn giận hờn, còn buồn, nên ta không thể hưởng được cái hạnh phúc mà đáng lý ta được hưởng. Ta phải biết xử lý cơn giận, nỗi buồn để đừng đánh mất đóa hoa tươi thắm và niềm an lạc trong đời sống hàng ngày. Chỉ cần khéo léo một chút là ta sẽ hái được bông hoa tươi thắm cho ta,và cả cho những người chung quanh ta nữa.

Phải biết rằng những lúc nội kết và niềm đau của ta ngủ yên, thì đó là thời gian thuận lợi nhất cho sự tu tập để những hạt giống tốt, những niềm vui có cơ hội đơm hoa, kết trái, để những hạt giống của chúng rơi trở lại trong miếng đất tâm của ta. Nếu đợi cho đến khi niềm đau, nỗi khổ ào ào nổi lên, xâm chiếm cả vùng ý thức của ta thì lúc đó tu tập khó hơn nhiều. Vì vậy Làng Mai ta có bài Thiền sinh ru nội kết:

Ngủ đi nội kết mông lung,

Để cho hơi thở mấy tầng vào ra,

Sớm khuya gieo hạt từ hòa,

Mai này lòng đất nở hoa cho đời,

Ngủ đi nội kết ta ơi,

Ngày mai chuyển hóa cho đời thương nhau.

Đừng lấy cớ là ta có niềm đau mà không tu tập bây giờ. Ta phải hái đóa hoa hồng tươi thắm đó ngay ngày hôm nay.

Nguồn: Buddhanet

• Bị chú :Các Hạt Giống Vô Giá Trong Tàng Thức được trích từ sách Hạnh Phúc Mộng Và Thực - Giảng giải Kinh Tam-Di-Đề (Samiddhi Sutta)

Ba Tâm Sở Mới Trong Đạo Bụt Nam Tông (Trích Hạnh Phúc Mộng Và Thực)

Thứ năm, 17 Tháng 4 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Pháp tướng Duy Thức học và 51 Tâm sở đã trở thành quen thuộc với chúng ta qua cuốn "Duy Biểu Học". Nhưng khi đi vào lãnh vực của Nam tông, ta khám phá ra những tâm sở mới không có mặt trong số 51 tâm sở thường được nhắc đến. Hôm nay chúng ta sẽ kể tên ba tâm sở mà chúng ta chưa được học trong số những tâm sở thiện của Đạo Bụt Bắc truyền.

Trước hết là Tâm sở nhu nhuyễn, tiếng Phạn là Cittamudutà. Nhu nhuyễn là mềm. Tâm nhu nhuyễn dễ làm việc lắm, còn nếu tâm cứng ngắc thì rất khó làm việc. Đất cứng mà không cày thì không trồng trọt gì được. Hãy lấy một cành cây khô mà ta lượm ở Pháp Thân Tạng làm ví dụ. Khi ta uốn cành cây khô này thì nó gãy. Trong khi đó với một cành tre non hay một dây mây, ta có thể uốn nắn một cách rất dễ dàng. Sự khác nhau giữa cành cây khô và sợi dây mây là ở chỗ một bên có sự nhu nhuyễn, một bên không có sự nhu nhuyễn. Tâm của ta cũng vậy, có khi nó cứng ngắc, cố chấp đủ thứ, dù có người muốn giúp, cố nói cho ta nghe một điều gì đó nhưng tâm ta nó vẫn trơ trơ, vẫn không chuyển lay. Tâm đó gọi là tâm không nhu nhuyễn.

Một tâm sở khác là Tâm thích ứng (Cittakarmannata). Ngày xưa dịch là Tâm thích nghiệp, vì trong đó có chữ karma, nhưng dịch là tâm thích ứng thì dễ hiểu hơn. Tâm thích ứng là tâm uyển chuyển, tâm có thể chấp nhận được những hoàn cảnh mà ta không chờ đợi trước. Ví dụ ta có một ý niệm về Làng Mai, nghĩ rằng Làng Mai là thế này hoặc thế kia, nhưng khi về tới Làng thì thấy Làng Mai không giống như những điều mà ta đã vẽ ra, đã suy nghĩ đến, vì không bỏ được cái ý niệm trước của ta về Làng Mai nên ta không thích ứng được. Kết quả là ta cảm thấy thời gian ở Làng Mai không hạnh phúc vì những điều ta mong đợi đã không xảy ra. Tâm đó gọi là tâm không thích ứng.

Trong khi đó, tâm thích ứng là tâm dễ hội nhập với hoàn cảnh trong hiện tại. Hội nhập ở đây không có nghĩa là ta phải bỏ cái của ta và hoàn toàn đi theo cái của người khác. Hội nhập ở đây là ta hòa chung với hoàn cảnh và tìm cách để đem những điểm tích cực của mình ra cống hiến và phối hợp với cái tích cực của địa phương, khiến cho hai cái tốt được phối hợp với nhau. Mình không đánh mất cái tốt của mình mà địa phương cũng không đánh mất cái đẹp của địa phương. Đó gọi là thích ứng.

Một tâm sở khác gọi là Tâm hữu năng (Cittapãgunnatà), có khi dịch là Tâm tinh luyện hay Tâm xảo diệu. Tâm xảo diệu là tâm có khả năng làm được những việc mà những tâm khác không thể làm được. Người có tâm đó thì rất khéo léo, khéo léo như hai bàn tay của một cô Y tá khi chích thuốc hay băng bó. Phải tập luyện lắm mới có được hai bàn tay của cô y tá. Tâm của mình cũng vậy, khi tâm của mình xảo diệu thì mình có thể đối cơ, đối cảnh và độ đời được một cách rất dễ dàng. Mình có thể sống với mọi người một cách rất hạnh phúc, còn nếu không có tâm xảo diệu, nếu cứng ngắc và không biết thích ứng thì mình chỉ ngồi đó chịu chết thôi.

Tất cả những tâm sở và tâm hành này đều có hạt giống ở trong tàng thức. Nếu thực tập chuyện cày ruộng, thực tập chuyện tu học hàng ngày thì hạt giống của tâm nhu nhuyễn, của tâm thích ứng và của tâm xảo diệu sẽ được tưới tẩm và ta sẽ trở thành một người sống có hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì vậy mỗi khi giận, buồn, hoặc thất vọng ê chề, ta thối thất muốn bỏ đi chỗ khác, muốn trốn tránh xã hội loài người thì ta phải biết rằng cái tâm của ta đang còn là một miếng đất hoang, chưa được cày bừa, chưa được tu tập. Bụt dạy rằng tâm không tu tập sẽ đem lại rất nhiều khổ đau cho mình và cho người, tâm được tu tập sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Vì vậy đối với người tu hành, công việc hàng ngày là cày cấy mảnh đất tâm của mình.

Khi ngồi thiền mình cày ruộng tâm của mình. Khi đi thiền hành mình cũng cày ruộng tâm của mình. Khi nghe chuông, khi thở, khi ăn cơm đều là những lúc mình cày ruộng tâm của mình cả. Cũng vậy, khi quét nhà, nấu cơm, đều là những lúc ta cày miếng đất tâm của ta. Đừng nghĩ rằng tu hành chỉ xảy ra trong khi mình ngồi thiền hay nghe thuyết Pháp mà thôi. Cái tâm của mình phải luôn luôn được tu tập. Theo danh từ Hán Việt, tu là làm cho đẹp, làm cho tốt, làm cho nó có thể sử dụng được như trong danh từ tu bổ. Tiếng Phạn, Bhavana (tu) có nghĩa là cày bừa, trồng trọt. Tiếng Pháp là culture, tiếng Anh là cultivation.

Ví dụ như tu Từ Bi có thể dịch là The cultivation of Compassion and Loving Kindness. Ta phải cày bừa đất, phải gieo hạt giống, phải tưới tẩm, đó là tu tập. Bhavana là như vậy. Cố nhiên khi muốn trồng thì ta phải có đất mà đất thì đã sẵn có rồi. Nhưng có thể đất của ta còn hoang cho nên ta phải dùng cày, dùng bừa, phải tưới tẩm, vun bón, phải gieo hạt giống, và phải trừ diệt cỏ dại. Tất cả những công việc đó đều thuộc vào phạm vi tu tập. Vì những phiền não hàng ngày quấy động và vì ta có hạt giống từ dưới chiều sâu của tàng thức, nên nếu không tu tập thì chúng sẽ lăng xăng, trỗi dậy và làm cho quang cảnh của ý thức tiêu điều.

Ý thức là phòng khách của chúng ta, còn tàng thức là kho chứa. Khi kho chứa đầy khổ đau thì thỉnh thoảng khổ đau đẩy cửa vào ngồi chễm chệ trong phòng khách của ta. Nếu không tu tập thì ta không có khả năng đuổi chúng đi, không có khả năng chuyển hóa chúng được. Ý thức là người làm vườn; người làm vườn phải biết điều phục khu vườn của mình, phải biết cày bừa, phải biết nhổ cỏ, phải biết chọn hạt giống, phải biết vun bón, phải biết tưới tẩm thì mới có những hoa trái của hạnh phúc, của thương yêu và của giác ngộ.

• Bị chú:

Trong Văn hệ Pali, Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya) viết tắt là S.. Vì vậy khi thấy chữ S.. ta biết đó là Tương Ưng Bộ; khi thấy chữ M., ta biết đó là Trung Bộ (Majjhima Nikaya); thấy chữ A. là Tăng Nhất (Anguttara Nikaya); và thấy chữ D. là Trường Bộ (Digha Nikaya).

Ba Câu Trả Lời Mầu Nhiệm (Trích từ Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức)

Thứ ba, 15 Tháng 1 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Chỉ mục bài viết

Ba Câu Trả Lời Mầu Nhiệm (Trích từ Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức)

Trang 02

Tất cả các trang

Trang 1 của 2

Ba câu hỏi ấy là:

1. Làm sao để biết được thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc?

2. Làm sao để biết được nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng?

3. Làm sao để biết được công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện?

Đó là chuyện ba câu hỏi khó của một nhà vua, do nhà văn hào Leo Tolstoy kể lại. Nhà vua ấy, Tolstoy không biết tên. Một hôm đức Vua nghĩ rằng, giá mà vua trả lời được ba câu hỏi ấy thì vua sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào.

Nghĩ thế, vua liền ban chiếu ra khắp trong bàn dân thiên hạ, hứa rằng sẽ ban thưởng trọng hậu cho kẻ nào trả lời được những câu hỏi đó.Các bậc hiền nhân đọc chiếu liền tìm tới kinh đô. Nhưng mỗi người lại dâng lên vua một câu trả lời khác nhau.

Về câu hỏi thứ nhất, có người trả lời rằng muốn biết thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc thì phải làm thời biểu cho đàng hoàng, có ngày giờ năm tháng và phải thi hành cho thật đúng thời biểu ấy. Như vậy mới mong công việc làm đúng lúc. Kẻ khác thì lại nói không thể nào dự tính được trước những việc gì phải làm và thời gian để làm những việc ấy; rằng ta không nên ham vui mà nên chú ý đến mọi sự khi chúng xẩy tới để có thể làm bất cứ gì xét ra cần thiết.

Có kẻ lại nói rằng, dù vua có chú ý đến tình hình mấy đi nữa thì một mình vua cũng không đủ sáng suốt để định đoạt thời gian của mọi việc làm một cách sáng suốt, do đó nhà vua phải thành lập một Hội Đồng Nhân Sĩ và hành động theo lời khuyến cáo của họ.Lại có kẻ nói rằng, có những công việc cần phải lấy quyết định tức khắc không thể nào có thì giờ để tham khảo xem đã đến lúc phải làm hay chưa đến lúc phải làm. Mà muốn lấy quyết định cho đúng thì phải biết trước những gì sẽ xẩy ra, do đó, nhà vua cần phải cần đến những nhà cố vấn tiên tri và bốc phệ.

Về câu hỏi thứ hai, cũng có nhiều câu trả lời không giống nhau. Có người nói những nhân vật mà vua cần chú ý nhất là những ông đại thần và những người trong triều đình. Có người nói là mấy ông Giám Mục, Thượng Tọa là quan hệ hơn hết. Có người nói là mấy ông tướng lãnh trong quân đội là quan hệ hơn hết.

Về câu hỏi thứ ba, các nhà thức giả cũng trả lời khác nhau. Có người nói khoa học là quan trọng nhất. Có người nói tôn giáo là quan trọng nhất. Có người lại nói: chỉnh trang quân đội là quan trọng nhất.

Vì các câu trả lời khác nhau cho nên nhà vua không thể đồng ý với vị hiền nhân nào cả, và chẳng ban thưởng cho ai hết.Sau nhiều đêm suy nghĩ vua quyết định đi chất vấn một ông đạo tu trên núi, ông đạo này nổi tiếng là có giác ngộ. Vua muốn tìm lên trên núi để gặp ông đạo và hỏi ba câu hỏi kia.Vị đạo sĩ này chưa bao giờ chịu xuống núi và nơi ông ta ở chỉ có những người dân nghèo; chẳng bao giờ ông chịu tiếp người quyền quý. Vì vậy mà nhà vua cải trang làm thường dân. Khi đi đến chân núi, vua dặn vệ sĩ đứng chờ ở dưới, và một mình vua, trong y phục một thường dân, vua trèo lên am của ông đạo.

Nhà vua gặp ông đạo đang cuốc đất trước am. Khi trông thấy người lạ, ông đạo gật đầu chào rồi tiếp tục cuốc đất. Ông đạo cuốc đất một cách nặng nhọc bởi ông đã già yếu; mỗi khi cuốc lên được một tảng đất hoặc lật ngược được tảng đất ra thì ông lại thở hào hển.Nhà vua tới gần ông đạo và nói: 'Tôi tới đây để xin ông đạo trả lời giúp cho tôi ba câu hỏi. Làm thế nào để biết đúng thì giờ hành động, đừng để cho cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc ? Ai là những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý tới nhiều hơn cả ? Và công việc nào quan trọng nhất cần thực hiện trước tiên ?'

Ông đạo lắng nghe nhà vua nhưng không trả lời. Ông chỉ vỗ vai nhà vua và cúi xuống tiếp tục cuốc đất.

Nhà vua nói: "Ông đạo mệt lắm rồi, thôi đưa cuốc cho tôi, tôi cuốc một lát". Vị đạo sĩ cám ơn và trao cuốc cho Vua rồi ngồi xuống đất nghỉ mệt. Cuốc xong được hai vồng đất thì nhà vua ngừng tay và lập lại câu hỏi. Ông đạo vẫn không trả lời, chỉ đứng dậy và đưa tay ra đòi cuốc, miệng nói: "Bây giờ bác phải nghỉ, đến phiên tôi cuốc". Nhưng nhà vua thay vì trao cuốc lại cúi xuống tiếp tục cuốc đất.

Một giờ rồi hai giờ đồng hồ đi qua. Rồi mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Nhà vua ngừng tay, buông cuốc, và nói với ông đạo: "Tôi tới để xin ông đạo trả lời cho mấy câu hỏi. Nếu ông đạo không thể trả lời cho tôi câu nào hết thì xin cho biết để tôi còn về nhà".

Ông đạo nghe tiếng chân người chạy đâu đây bèn nói với nhà vua: "Bác thử xem có ai chạy lên kìa". Nhà vua ngó ra thì thấy một người có râu dài đang chạy lúp xúp sau mấy bụi cây, hai tay ôm bụng. Máu chảy ướt đầm cả hai tay. Ông ta cố chạy tới chỗ nhà vua và ngất xỉu giữa đất, nằm im bất động miệng rên ri rỉ.

Chỉ Nam Thiền Tập dành cho người trẻ

Thứ hai, 05 Tháng 3 2007 00:00 Sư Ông Làng Mai

Chỉ mục bài viết

Chỉ Nam Thiền Tập dành cho người trẻ

Trang 01

Trang 02

Trang 03

Tất cả các trang

Trang 1 của 4

Chỉ Nam Thiền Tập là tập sách mới của Sư Ông chưa xuất bản, BBT sẽ giới thiệu đến các bạn mỗi kỳ một vài chương ngắn để bạn có thể vừa đọc và vừa thực tập.

Giới Thiệu

Thân gởi các bạn trẻ,

Khi tâm mình lo lắng hoặc phiền giận, tư duy của mình thường không được chính xác và mình có thể đi đến những quyết định mà sau này mình hối tiếc. Thiền tập giúp cho mình lắng xuống, để mình có đủ thảnh thơi và sáng suốt. Vì vậy Tôi xin mời các bạn mỗi ngày thực tập theo những chỉ dẫn mà Tôi hiến tặng sau đây trong tập "Thiền tập Chỉ Nam - dành cho người trẻ". Có điều gì chưa rõ trong khi đọc hoặc thực tập, xin bạn cứ hỏi.

1.Thiền tập có công năng nuôi dưỡng, trị liệu, chuyển hóa, đối trị với sự căng thẳng, lo lắng, buồn phiền, sợ hãi, đem lại được niềm vui sống và giúp phục hồi được truyền thông giữa ta với những người khác. Ta có thể thiền tập một mình hay với một đoàn thể. Thực tập trong một đoàn thể giúp ta có cơ hội thừa hưởng được năng lượng tập thể. Năng lượng này nâng đỡ ta, bảo hộ ta, giúp cho ta làm được dễ dàng hơn những gì mà một mình ta thấy khó làm. Những phép thực tập đưa ra trong cuốn chỉ nam này có thể đem lại cho ta những kết quả tốt đẹp trong một thời gian không dài, và nếu ta theo đúng những chỉ dẫn trong sách, ta sẽ an tâm không sợ bất cứ một biến chứng nào.

2.Thiền trước hết là sự có mặt đích thực của ta trong giây phút hiện tại, ngay tại nơi ta đang có mặt. Trong đời sống hàng ngày, tâm ta thường hoặc bị chìm đắm trong quá khứ, hoặc rong ruổi về tương lai, hoặc đang vướng mắc trong những toan tính, lo âu trong hiện tại, vì vậy tâm và thân không có mặt cho nhau. Thiền là đem tâm trở về với thân, đem tâm trở về với tâm, để giúp ta thiết lập được thân và tâm trong giây phút hiện tại, ý thức được sự có mặt của ta, và những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại trong các lĩnh vực thân ta, tâm ta và hoàn cảnh ta.

3.Có mặt trong giây phút hiện tại có nghĩa là đang thực sự sống, và đang tiếp xúc với sự sống trong ta và chung quanh ta. Nếu tâm ta hoặc bị lôi kéo hoặc bởi quá khứ, hoặc bởi tương lai, hoặc bởi những toan tính lo âu hoặc hờn giận thì ta không thực sự đang sống đời sống của ta. Nhà văn Pháp Albert Camus có nói tới những kẻ "sống như một người chết (vivre comme un mort)" (trong tiểu thuyết L'Étranger), là như vậy. Sống có nghĩa là có mặt để tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong ta và chung quanh ta.

(Đọc tới đây xin bạn ngồi thẳng lên, và để ý tới thế ngồi thẳng của bạn. Bạn hãy mỉm cười để chứng tỏ là bạn đang có ý thức về cái lưng đang ngồi thẳng của bạn. Rồi bạn thở vào một hơi chầm chậm, và duy trì ý thức ấy. Thở ra, bạn cũng duy trì ý thức ấy (bạn đang ngồi thẳng) và mỉm cười trong suốt thời gian của hơi thở ra). Nếu bạn thấy làm như thế là dễ chịu, bạn có thể tiếp tục thêm một phút nữa, duy trì lưng thẳng, ý thức nụ cười và hơi thở.

Ý Niệm Về Hạnh Phúc Là Những Chướng Ngại Của Hạnh Phúc

Thứ ba, 05 Tháng 2 2008 00:00 Sư Ông Làng Mai

Chỉ mục bài viết

Ý Niệm Về Hạnh Phúc Là Những Chướng Ngại Của Hạnh Phúc

Trang 02

Tất cả các trang

Trang 1 của 2

Trong ta, mỗi người đều có một ý niệm về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng hạnh phúc là phải như thế này hay như thế kia. Nếu ta không được như thế này hay như thế kia thì ta kết luận là ta không có hạnh phúc. Ta cho rằng bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc của mình, và trong nhiều trường hợp, ý niệm về hạnh phúc của mình là chướng ngại căn bản để mình đạt tới hạnh phúc. Ví dụ mình ham muốn đậu được cái bằng cấp đó, và nghĩ rằng nếu không có cái bằng cấp đó thì không bao giờ mình có hạnh phúc cả. Như vậy tức là mình đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc. Trong khi mình đang có vô số cơ hội để có hạnh phúc, mình đánh mất hết, chỉ vì mình đã tự đóng khung cái hạnh phúc của mình vào trong cái ý niệm có bằng cấp kia. Đó là một cái muốn, một thứ ái dục, ái dục về bằng cấp.

________________________________________

Trong đời sống tu hành cũng vậy. Là một ông thầy tu mình có thể nghĩ rằng muốn nói cho thiên hạ nghe thì mình phải có một cái bằng cấp vì có bằng cấp thì thiên hạ mới nể, thuyết pháp người ta mới nghe. Vì vậy cho nên mình phải xông xáo ra đời vài ba năm để học và giật cho được bằng cấp đó. Mình đâu có biết rằng vì ý niệm về bằng cấp mà sự nghiệp tu hành của mình có thể sẽ bị hư hỏng. Tóm lại tất cả đều do ý niệm của mình mà ra, và ý niệm thường rất dễ bị sai lạc.

Có một anh chàng nói: "Hạnh phúc của đời tôi là phải cưới cho được cô này, nếu không cưới được cô ấy thà rằng chết còn hơn, hạnh phúc không thể nào có được!". Như vậy anh chàng đã cột đời của mình vào trong ý niệm là phải cưới cho được cô kia. Cưới không được thì đời không còn có ý nghĩa gì cả. Tại sao đời không có ý nghĩa gì nữa cả. Đời còn nhiều nghĩa lắm chứ! Nhưng tại mình không thấy được tất cả những cái nghĩa khác của cuộc đời mà chỉ thấy có một nghĩa đó mà thôi. Cái đó gọi là ý niệm. Ý niệm đó ở trong trong đạo Bụt gọi là Tưởng, một cái Tưởng của mình về hạnh phúc. Muốn sử dụng vô số những điều kiện để có hạnh phúc, muốn đừng dẫm lên những điều kiện của hạnh phúc mà đi, ta đừng nên bị ràng buộc vào một ý niệm nào về hạnh phúc cả. Khi đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc là ta không còn cơ hội nào khác để có hạnh phúc nữa. Ý niệm hạnh phúc đó gọi là dục tưởng.

Ý NIỆM VỀ HẠNH PHÚC HAY DỤC TƯỞNG LÀ ĐỐI TƯỢNG CẦN QUÁN CHIẾU

Ý niệm về hạnh phúc có thể là một ý niệm cá nhân, mà cũng có thể là một ý niệm có tính cách cộng đồng, gọi là tâm thức cộng đồng. Nếu ta hỏi một người Mỹ bình thường phải có những điều kiện nào mới có hạnh phúc, thì người ấy sẽ liệt kê những điều kiện tồi thiểu mà một người Mỹ phải có để có thể gọi là một người có hạnh phúc. Trước hết là phải có một trình độ học thức tương đương với BA hay BS, nghĩa là phải tốt nghiệp Đại học cấp một. Kế đến là phải có công ăn việc làm, tương đương với trình độ học vấn, lương đủ cao để có thể thuê một căn nhà, mua một chiếc xe. Trong nhà phải có TV, tủ lạnh. Thiếu một trong những thứ ấy người đó sẽ chưa có hạnh phúc. Cái hạnh phúc đó gọi là ước lệ. Đó là ý niệm về những điều kiện mà mình tin là cần thiết và là căn bản của hạnh phúc. Nhưng nếu xét kỹ lại, ta thấy rằng rất nhiều người đang có những điều kiện như vậy, nhưng không hạnh phúc gì cả. Họ có thể đang bị đau khổ cùng cực. Ngay cả khi có nhiều hơn, trên cả những điều kiện đã đòi hỏi, họ vẫn khổ đau vô cùng. Vậy thì ý niệm về hạnh phúc (dục tưởng) là một điều cần phải được quán chiếu, cần phải tìm hiểu vì ta có thể chết vì nó.

Đừng nói gì ngoài đời, ngay ở trong đạo, người đã tu rồi, cũng có thể có một ý niệm về hạnh phúc. Ví dụ mình nghĩ là phải có một ngôi chùa riêng để tự do sắp đặt theo ý mình, để không phải làm theo điều người khác sai phái. Chừng nào làm trụ trì, làm viện chủ của một ngôi chùa rồi thì mới có quyền, mình có thể bảo chú này, cô kia làm theo điều này, điều nọ. Mình nghĩ: có một ngôi chùa riêng để làm chủ là điều kiện của hạnh phúc. Nhưng than ôi, khi đã có một ngôi chùa riêng rồi mình mới biết rằng cái ý niệm về hạnh phúc có thể không đúng chút nào. Thật ra có một ngôi chùa, có một trung tâm tu học không phải là điều dỡ. Ta có thể căn cứ vào điều kiện đó để tạo rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho người. Nhưng không hẳn phải làm chủ một ngôi chùa mới có thể làm được những điều đó. Nếu mình là một người có hạnh phúc, có khả năng hướng dẫn tu học và tạo dựng hạnh phúc cho người, thì không có chùa mình vẫn làm được việc đó như thường. Mình lại khỏi phải chăm sóc và lo lắng cho ngôi chùa như một vị trụ trì. Nhiều khi không có chùa mình có thể tạo hạnh phúc cho mình và cho người người gấp mười, gấp trăm lần khi mình có một ngôi chùa! Được tấn phong là Thượng Tọa hay Hòa Thượng có phải là điều kiện của hạnh phúc không?

Có nhiều người rất đau khổ vì không gọi bằng những danh từ đó. Khi được gọi bằng một danh từ khác họ thấy trong người như có lửa đốt, như bị sốt rét. Tại sao đáng lý mình được gọi bằng danh từ ấy mà người ta gọi mình bằnh danh từ này? Khi có sốt rét, khi bị một ngọn lửa đốt cháy, mình biết rằng mình đang bị một dục tưởng trấn ngự, dù đó là một cái danh rất nhỏ. Vì vậy dục tưởng hay ý niệm về hạnh phúc là một đối tượng mà mọi chúng ta cần phải quán chiếu. Khi quán chiếu và đập vỡ được cái dục tưởng ấy rồi thì mình được giải thoát, và tự nhiên ta có vô số hạnh phúc. Điều kiện hạnh phúc có mặt rất nhiều trong ta và chung quanh ta, sở dĩ ta không sử dụng được chúng là vì ta đang kẹt vào trong cái gọi là dục tưởng.

Trong hai câu cuối cùng của bài kệ Bụt nói cho vị Thiên giả, Dĩ bất tri ái cố, Tắc vi tử phương tiện, Bụt dạy rất rõ rằng "vì chúng sinh không biết bản chất của dục là gì (cố nghĩa là lý do), cho nên cái dục ấy trở thành phương tiện của sự chết". Phương tiện của sự chết tức là công cụ của thần chết. Thần chết tiếng Phạn là Mara, tức là Ma vương. Ma vương là biểu tượng cho con đường đi về đau khổ, chết chóc. Vì vậy chữ chết ở đây còn có nghĩa là con đường lầm lạc, con đường tối tăm, con đường tà ma. Nẻo chết là nẻo của phiền não, của sự đốt cháy, của sự vắng mặt hạnh phúc, vắng mặt thanh tịnh, vắng mặt an lạc. Trong Tạp A Hàm Biệt Dịch bài kệ đó rất hay:

Danh sắc trung sinh tưởng,

Vị vị chân thật giả,

Đương tri như tư nhân,

Thị danh thuộc tử kỉnh.

Danh sắc trung sinh tưởng nghĩa là từ trong phạm vi danh và sắc, đã phát sinh ra những tri giác, những nhận thức. Danh và Sắc ở đây có nghĩa là tinh thần và vật chất. Danh (nama) tức là những cảm thọ, tri giác, tâm tư và nhận thức của chúng ta (Thọ, Tưởng, Hành, Thức); còn Sắc (rupa) là thân thể, là sinh lý của chúng ta. Nói tóm lại, Danh tức là những yếu tố làm ra con người thuộc về phương diện tinh thần, còn Sắc là các yếu tố làm ra con người đứng về phương diện vật chất. Trong lãnh vực của Danh và Sắc, ta đã làm phát sinh ra những tri giác, nghĩa là ta có những tri giác về danh và về sắc.

Vị vi chân thật giả: chúng ta cho những tri giác đó chính xác, là chân thực.

Đương tri như tư nhân: phải biết rằng người này.

Thị danh thuộc tử kỉnh: là những người đang đi trên con đường dẫn về cái chết, kỉnh tức là con đường.

Bài kệ này tôi dịch là:

Những tri giác phát sinh từ danh và sắc,

Người đời thường nhận lầm chúng là những gì có thật,

Kẻ nào đang kẹt vào tình trạng này,

Là kẻ đang đi trên con đường ma.

Con đường ma là con đường của khổ đau, của thiêu cháy. Ta phải học kỹ bài kệ này, vì nó là mấu chốt của Kinh Samiddhi. Thầy Phật Âm (Buddghosa) tác giả Thanh Tịnh Đạo Luận, sống vào thế kỷ thứ năm, đã hiểu bài này một cách rất tỏ tường và đã giảng nghĩa bài này rất chính xác. Cố nhiên là Thầy căn cứ trên văn bản tiếng Pali. Rất tiếc là bản dịch của Pali Texts Society không phù hợp với các thấy của thầy Phật Âm.

Thương Yêu (trích từ Nói Với Tuổi Hai Mươi)

Thứ hai, 23 Tháng 3 2009 18:26 Sư Ông Làng Mai

Chỉ mục bài viết

Thương Yêu (trích từ Nói Với Tuổi Hai Mươi)

Trang 02

Tất cả các trang

Trang 1 của 2

Tình yêu có nghĩa rộng cho nên bản chất của tình yêu không thuần nhất. Tình yêu của con cái chẳng hạn, lúc đã khôn lớn, không thể giống hẳn như khi còn ấu thơ. Tôi muốn đàm luận đến tình yêu nam nữ ở đây, nhưng tôi ngại em sẽ cho rằng tôi không có thẩm quyền bàn về nó.

Tôi không nhận rằng tôi có thẩm quyền, thực vậy, nhưng tôi nghĩ sẽ ít có ai tự cho là mình có đầy đủ thẩm quyền để nói về luyến ái. Tôi cho rằng ở tuổi em vấn đề luyến ái là một vấn đề lớn có liên hệ tới những vấn đề lớn khác và tôi chắc rằng em cũng đã có quan niệm của em. Tôi chỉ muốn trao đổi với em một ít nhận xét và hiểu biết. Ở tuổi em tình yêu nam nữ là một tiếng gọi lớn có khi lấn át những tiếng gọi khác. Tôi nói lấn át chứ không nói tiêu diệt. Ở tuổi em, em thấy rõ ràng tiếng gọi luyến ái mạnh hơn tiếng gọi của tình yêu cha mẹ. Điều đó không hẳn đã là một sự bội bạc. Ở cái tuổi đó, tình nặng hơn hiếu, bởi vì tình là tình mà hiếu chỉ là hiếu, nói khác hơn tình là một thứ tình mới mà hiếu là một thứ tình đã nhạt bớt chất tình và thêm vào chất bổn phận, ân nghĩa. Như tôi đã nói, tình yêu có tác dụng rất lớn có thể chữa lành cho em nhiều thương tích nặng nề và giúp em thực hiện được việc lớn nữa nếu em biết chuẩn bị đón chờ nó, biết cách nhận diện nó, đi đôi với nó, bảo vệ, nuôi dưỡng và hướng dẫn nó. Tôi nghĩ rằng vào tuổi hai mươi người ta có thể chưa có đủ chín chắn và khôn ngoan để nuôi dưỡng và bảo vệ tình yêu, nhưng không phải vì thế mà em phải coi tình yêu như một điều cấm kỵ. Chắc chắn là em sẽ vấp váp, khổ đau; nhưng không sao, nếu em biết rút kinh nghiệm để học tập và xây dựng cho tình yêu.

Tôi cho rằng không có một thứ tình cảm nào mà không có liên hệ đến sinh lý, kể cả lòng thương xót, kể cả tình mẹ thương con. Chúng ta sinh ra như một hợp thể ngũ uẩn, vậy những nhu yếu của chúng ta đã được viết sẵn trong bản chất của hợp thể ấy, trong đó có phần sinh lý. Một bà mẹ yêu con, không thể sung sướng được một cách hoàn toàn nếu không được ôm con vào lòng mỗi khi bà muốn.Thấy một đứa trẻ mũm mĩm và ngoan ngoãn, ta cũng ưa gọi nó lại gần, hoặc bế nó. Thấy một đứa bé ngỗ nghịch, dơ bẩn, mắt mũi lèm nhèm, ta không có cái ước muốn đó. Ngũ uẩn ta ưa thích những gì ngọt ngào, êm dịu, tươi mát, đằm thắm, đẹp đẽ. Đó là những nhu yếu tương đối gần nhất. Khi nào trí tuệ và tình cảm ta có những nhu yếu khám phá và yêu thương cao cả, thì tiếng gọi của những nhu yếu ấy sẽ thắng tiếng gọi của những nhu yếu gần gũi kia, và ta sẽ chấp nhận sự mệt nhọc, lo âu, chịu đựng. Tình yêu nam nữ khởi sự là một nhu yếu gần gũi nhất với hợp thể ngũ uẫn còn mang nặng tính chất hưởng thụ nhưng có thể vươn tới giai đoạn tình cảm và nhận thức rất xa để biến thành cao cả, bất chấp những nhu yếu ban đầu.

Ở giai đoạn này con người có thể khinh thường sự hưởng thụ và chấp nhận được sự hy sinh, cũng như trong tình yêu tổ quốc và tình yêu danh dự. Khởi đầu, nó là một đam mê có tính cách ngũ uẩn tổng quát: chúng ta ưa chuộng những màu sắc, đường nét, những cái duyên, những tài ba, những đức hạnh. Và nằm dưới những ưa chuộng đó là nhu yếu tự nhiên của sự bảo tồn chủng loại. Vậy tình yêu nam nữ bắt gốc trước tiên từ những nhu yếu sinh lý‎ căn bản, gửi những cái rễ lớn trong các môi trường nhu yếu thẩm mỹ, trí tuệ, lý‎ tưởng, ý‎ chí và đạo đức để trưởng thành lớn lao. Tính chất của tình yêu sẽ tùy thuộc ở những chiếc rễ nằm trong các môi trường đó. Nếu chiếc rễ ở môi trường sinh lý là chiếc rễ thu hút nhiều chất dinh dưỡng nhất thì cây tình yêu sẽ nặng về sinh lý. Nếu chiếc rễ ở môi trường lý tưởng thu hút nhiều chất dinh dưỡng nhất thì cây tình yêu sẽ nặng về lý tưởng .v.v... Không có trường hợp nào giống trường hợp nào. Chỉ có một vấn đề quan trọng: tình yêu phải thực là một nhu yếu, nghĩa là một nhu yếu nhắm tới sự xây đắp, bảo vệ và mỹ hoá cho sự sống. Một đam mê làm xáo trộn sự sống, tàn phá sức khoẻ, tàn phá trí tuệ, tàn phá lý tưởng thì không phải thực sự là một nhu yếu của sự sống mà là một sức phá hoại. Đó là nguyên tắc phải theo.

Nếu tình yêu mà mang dáng dấp của đau ốm, của u sầu, của sự chết thì đó là triệu chứng của một sức phá đổ. Nếu tình yêu mà khiến cho ta yêu đời, hăng hái, can đảm, cường tráng, biết hy sinh, thì đó là sự có mặt của sự xây dựng. Em hãy theo tiêu chuẩn đó để chuẩn bị, để nhận diện, để đối phó, để bồi đắp. Yếu tố lý trí có mặt trong tình yêu, bởi vì một tình yêu đích thực là một tình yêu gói trọn bản thể em - nghĩa là khi yêu, em đem hết con người của em để đáp lại tiếng gọi của tình yêu, và như thế sắc thân, cảm giác, suy tưởng, ý chí và nhận thức đều có mặt. Nói tóm lại tình yêu phải biểu lộ sự sống vươn lên. Tình yêu chống lại với sự chết, và mạnh hơn sự chết.

Tình yêu có quá trình sinh trưởng và hoại diệt của nó nên cũng giống như một cái cây cần được vun bón, tưới tẩm, che chở. Sự khôn ngoan, bản lĩnh và ý thức ở đây rất là cần thiết. Nếu em vụng về thì em sẽ làm đổ vỡ lung tung và em sẽ kết luận rằng yêu là khổ. Thực ra yêu cũng là khổ đấy, nhưng mà hầu hết những cái khổ kia đều do em tạo ra chứ chúng không phải là những cái khổ tất yếu phải có trong bất cứ tình yêu nào. Yêu thương theo nghĩa rộng là không công nhận ranh giới của một cái bản ngã. Tất cả mọi hiện tượng, kể cả con người, đều chỉ là những trung tâm quy tụ của những điều kiện. Ví dụ cái bàn. Cái bàn chứng minh bằng tự thân nó, nơi tự thân nó sự có mặt của gỗ,của cưa, của đinh, của búa, của thời gian, của không gian, của người thợ mộc .v.v... Ngoài những điều kiện đó thì không thể có cái mà ta gọi là bàn. Vậy cái bàn chỉ có thể là cái bàn trong liên hệ nhân duyên với vũ trụ, chứ không thể là một cái bản-ngã-không-liên-hệ-gì-hết với những cái khác. Ý tưởng về bản ngã và ranh giới về bản ngã là nguyên do của sự cô đơn trống trãi. Bằng con đường khám phá hoặc bằng con đường thương yêu, ta phá vỡ ý tưởng đó để thể nhập vào vũ trụ trong tương quan tồn tại của các hiện tượng trong nó. Vậy yêu thương, dù là chỉ yêu thương mới có một người, cũng là phá vỡ ranh giới tưởng tượng về một bản ngã để vươn tới nhận thức về sự tồn tại của một trong tất cả và của tất cả trong một.

Do đó mà hôn nhân không phải là biện pháp thiết yếu để giải quyết tâm trạng cô đơn. Chỉ có tình yêu, bất cứ tình yêu nào, miễn là tình yêu lành mạnh, mới có thể giải quyết được cô đơn. Và cái cô đơn của con người chỉ có thể biến mất một cách tuyệt đối khi con người thấy mình sống trong hoà điệu lớn của vũ trụ, nghĩa là hiểu biết tất cả và thương yêu tất cả. Hôn nhân không có tình yêu, hoặc hôn nhân chấm dứt tình yêu thì chỉ là một hình phạt, chỉ làm tăng thêm sự cô độc. Cho nên chinh phục một người để cùng đi đến hôn nhân, điều này rất gần với sự hùn vốn làm ăn, không khác gì đi quảng cáo để tìm người góp cổ phần. Tôi không chống đối gì sự làm đẹp và sự phô trương tài ba cốt để cho người kia say mê mình. Để chinh phục một người khiến cho người đó yêu mình, con trai cũng như con gái có ngàn vạn cách khác nhau; nhất là con gái, vì phái nữ đã được yểm trợ quá đầy đủ trong công tác này.

Số lượng của những gian hàng cung cấp mọi thứ làm đẹp cho phụ nữ cũng đủ chứng mninh cho điều đó. Tôi không chống đối bất cứ một phương tiện nào miễn là những phương tiện kia không làm tổn thương danh dự và nhân phẩm mình. Nhưng tôi nghĩ rằng những phương tiện ấy không đủ để nuôi dưỡng bảo vệ tình yêu. Nếu tất cả những cố gắng của em chỉ là để làm xong được giấy hôn thú thì tôi cho là bi thảm quá. Hôn nhân không giải quyết được nhiều chuyện đâu. Hôn nhân, trong trường hợp này, giết chết tình yêu, hoặc ảo tưởng tình yêu. Người con gái có thể thấy nhược điểm hiếu sắc của người con trai, và có thể chiều theo thị hiếu thay đổi của người con trai bằng cách chải đầu ba kiểu trong một ngày và thay áo bốn lần trong một buổi chiều. Nhưng liệu em có làm như thế được cả đời không, và liệu em làm như thế có đủ không. Tôi không tin là đủ. Muốn có tình yêu đẹp đẽ và bền chặt những người yêu nhau phải biết xây dựng cho nhau. Nếu không, tình yêu sẽ được giới hạn lại trong sự ưa thích mới lạ về hình thức và trong hưởng thụ đổi chác. Từ điểm này, con người sẽ không vâng theo một quy luật nào nữa và xã hội sẽ rối loạn khi tình yêu được định nghĩa như sự đam mê sắc dục. Hiện tượng này sẽ phát hiện toàn diện khi tình yêu theo nghĩa đẹp nhất của nó vắng mặt hoàn toàn trong lĩnh vực con người.

Thư gửi các con của Thầy khắp nơi, nhân dịp cuối năm

Chủ nhật, 21 Tháng 12 2008 12:51 Sư Ông Làng Mai

Con Đường Huyền Thoại

Thất Ngồi Yên, 05.12.08

Hôm nay có nắng ở xóm Thượng. Thầy đi thiền hành xuống chùa Sơn Hạ qua con đường Tùng. Từ thất Ngồi Yên tới đường Tùng, thầy đi qua những vùng có thảm lá sồi bao phủ, nhất là đoạn đường đi qua thất Phù Vân của thầy Giác Thanh. Thảm lá sồi dày lắm, có nhiều chiếc lá còn giữ được màu tươi, màu y của các vị khất sĩ Nam Tông. Cây trút lá làm cho đất thêm màu mỡ, đất và cây nuôi nhau, điều này thấy rất rõ. Thầy đi chậm để mỗi bước chân có thể tiếp xúc được với bản môn, nghĩa là với thời gian vô cùng và không gian vô biên. Đi cho mình mà cũng là đi cho cha mẹ, cho Thầy tổ, cho Bụt, cho các con. Thầy cảm thấy không có sự ngăn cách nào giữa mình với cha mẹ, Thầy tổ, Bụt và các con. Tất cả đều có mặt trong những bước thiền hành. Bài kệ "để Bụt thở, để Bụt đi" hay lắm, càng thực tập càng thấy hay, cho nên thầy rất thường trở về với bài ấy. Bài ấy cũng có thể được thực tập trong những tư thế khác như "để Bụt thở, để Bụt ngồi" hay "để Bụt thở, để Bụt làm", hoặc "để Bụt thở, để Bụt chải răng". Sự thực tập này giống y như là sự thực tập niệm Bụt, Bụt đây không chỉ là một danh hiệu mà là cả một con người thật, đang thở, đang đi, đang rửa bát, đang lau nhà...

Thầy nhớ trong chuyến đi Ấn Độ vừa rồi, thầy đã thực tập "đây là Ấn Độ, Ấn Độ là đây", thay vì "đây là Tịnh Độ"... Hôm đi thiền hành tại đại lộ Rajpath ở thủ đô New Delhi, thầy đã thực tập theo bài ấy và cũng thực tập đi cho cha mẹ, cho Thầy tổ, cho các con. Thầy thực tập "Bụt đang tản bộ, Bụt đang rong chơi, Bụt đang hạnh phúc, Bụt đang thảnh thơi, mình đang tản bộ, mình đang rong chơi ...". Rồi "Cha đang tản bộ, cha đang rong chơi...". Khi thực tập cho các con, thầy cũng mời các con đi bằng chân của thầy, "Con đang tản bộ, con đang rong chơi ...". Các con đã có mặt với thầy trong suốt chuyến đi Ấn Độ ấy.

Các con là những người xuất sĩ, các con cũng là những người cư sĩ. Xuất là đi ra, không phải để làm quan, mà để gia nhập vào Tăng đoàn những người xuất gia. Tăng thân cần mình đi đâu thì mình đi đến đó, mình không có một trú xứ duy nhất. Cư là ở lại, cư sĩ cũng có nghĩa là xử sĩ, các con chưa xuất gia (tiếng Anh là going forth) vì đang có bổn phận với gia đình với cha mẹ, nhưng vẫn có cơ hội để tham dự vào những sinh hoạt tu tập; có mặt các con thì mới có được tứ chúng (the fourfold community, the fourfold Sangha). Các chúng xuất sĩ và cư sĩ nương vào nhau, yểm trợ cho nhau, tu tập chuyển hóa và độ đời. Tăng thân là một đoàn thể đẹp, có đủ bốn chúng nam xuất gia, nữ xuất gia, nam tại gia, nữ tại gia. "Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui, tu tập giải thoát, làm an lạc cuộc đời". Nhà tranh đấu cho Nhân quyền Martin Luther King rất ao ước xây dựng một đoàn thể đẹp như thế, một đoàn thể sống có hạnh phúc, có tình huynh đệ và có khả năng tranh đấu cho đời. Ông gọi tên đoàn thể ấy là "The Beloved Community", mình tạm dịch là "Tăng thân yêu quý". Rất tiếc là ông đã bị ám sát năm 39 tuổi tại Memphis, cho nên giấc mơ đẹp ấy chưa thực hiện được. Thầy trò mình may mắn hơn. Thầy trò mình đã xây dựng được Tăng thân khắp chốn, để rồi nơi nào cũng trở thành quê hương (Tăng thân khắp chốn, quê hương nơi này). Mình đã tiếp nối được chí nguyện của Martin Luther King và công phu tu tập hằng ngày của mình là để chế tác tình huynh đệ, niềm vui sống và khả năng giúp người độ đời. Đó là những thực hiện và tiếp nối cụ thể cho giấc mơ ấy.

Thầy nhớ lần cuối thầy gặp mục sư King tại Thụy Sĩ, trong một hội nghị do Hội đồng Thế giới của các Giáo hội (World Council of Churches) tổ chức, lấy tên là Pacem in Terris (Hòa bình trên Trái đất). Mục sư ở với các vị phụ tá trên lầu thứ 11 của một khách sạn lớn trong đó hội nghị đang xảy ra. Thầy ở tầng trệt và chỉ có một vị phụ tá cư sĩ. Đó là năm 1968. Mục sư đã mời thầy lên ăn sáng để đàm đạo; vì bận họp báo nên thầy lên trễ nửa giờ. Ông đã giữ thức ăn sáng cho nóng. Trong buổi gặp gỡ này thầy đã có dịp nói với ông là: các bạn ở Việt Nam rất yểm trợ ông và xem ông như một vị Bồ tát sống. Ông rất hoan hỉ khi nghe như thế và sau này mỗi khi nghĩ tới buổi họp mặt ấy, Thầy lại thấy hài lòng vì đã nói được với ông câu ấy, bởi vì chỉ mấy tháng sau ông bị ám sát.

Con đường Tùng đưa thầy xuống chùa Sơn Hạ là một trong những con đường thiền hành đẹp nhất ở Làng. Các con đã từng đi với thầy trên con đường ấy chưa? Thông được trồng thành rừng, thành hàng, đứng thẳng bên nhau như một Tăng thân, quanh năm xanh tốt. Có thể có tới 8.000 cây Thông trong khu rừng ấy. Vào mùa khô ráo, thầy hay dừng lại giữa đường Tùng, ngồi xuống trên thảm lá thông. Nếu có thị giả đi theo thì thầy trò cùng uống trà trước khi đứng dậy đi tiếp. Cái thất ở chùa Sơn Hạ, nơi Thầy hay đốt lửa trong lò sưởi để tiếp các vị Tôn túc về dự Đại Giới Đàn trong các khóa tu Kiết Đông, ngày xưa là nhà ở của gia đình tá điền. Bề ngoài ngó xấu xí nhưng bên trong đã được sửa sang lại rất xinh xắn và có đầy đủ tiện nghi, nhất là có lò sưởi đốt bằng củi nơi phòng khách. Phía trên lò sưởi có bức thư pháp "bois ton thé" nghĩa là "Uống trà đi con", hoặc là "Uống trà đi thầy". Đã có những ngày tuyết lạnh, thầy trò mình, đôi khi có tới hai ba chục người, quây quần bên lò sưởi ấy uống trà và kể chuyện bốn phương tám hướng cho nhau nghe, bởi vì mỗi người đã từ một phương trời đi tới. "Chúng ta là chim, bốn phương bay về đây..."

Con đường huyền thoại

Cái thất ở Sơn Hạ ấy, Thầy định đặt cho nó một cái tên, bề ngoài có thể không chải chuốt, nhưng bề trong lại rất hay. Đó là cái tên "Thất Da Cóc". Đúng rồi da của con cóc, peau de grenouille, hay là frog skin. Da cóc thì xù xì ngó không đẹp mấy, nhưng bên trong có thể là rất đẹp. Chú Dũng, ba của thầy Pháp Đôn, lần đầu được thầy đưa vào thất đã khen: "Ngoài da cóc, trong ngọc vàng". Các con có biết câu ấy không? Đó là vế đầu của câu đố: Ngoài da cóc, trong ngọc vàng, đi ngoài đàng, thơm lừng lựng. Đó là trái gì? Đó là trái mít chín. Bên ngoài thì da mít xù xì như da con cóc. Nhưng bên trong có những múi mít chín vàng rực thơm lừng, đó là ngọc là vàng, và khi đi qua một quãng đường có một trái mít chín thì mình nghe "thơm lừng lựng". Câu đó có thể đã xuất phát từ miền Huế, tại vì có ba chữ "thơm lừng lựng".

Vậy thì cái thất của thầy ở Sơn Hạ, ngoài thì là da cóc, trong thì là ngọc vàng, đó là công phu của anh Hiếu, anh ruột của thầy Pháp Quán. Anh đã để ra mấy tuần lễ để trang điểm lại cho ngôi nhà, vốn là nhà của một vị tá điền nghèo khổ. Thầy đã bắt đầu ưa cái tên thất Da Cóc rồi đó, các con có thấy buồn cười chưa. Chuyện đời xưa: một chàng trai đi trên bờ ruộng thấy một con cóc liền bước qua. Vừa mới bước qua thì nghe sau lưng có tiếng đằng hắng rất thanh tao của một thiếu nữ. Chàng quay lại nhìn và ngạc nhiên thấy trước mặt mình một nàng công chúa diễm lệ. Cố nhiên là chàng trai đã cùng cô công chúa ân cần trò chuyện và sau hết, mời cô công chúa về nhà mình để giới thiệu với bố mẹ, và chàng đã không quên nhặt chiếc vỏ da cóc bỏ vào túi và đêm ấy đã xé nát cái da cóc đó, để nàng công chúa đẹp tuyệt trần kia không chui lại được vào cái vỏ da cóc xù xì kia nữa.

Thầy có cảm tưởng thầy cũng may mắn như chàng trai kia và trên bước đường thầy đi, Thầy đã từng gặp bao nhiêu con cóc xù xì. Nhưng tất cả những con cóc ấy sau khi trút bỏ ra được cái vỏ da cóc của mình đã trở nên những vị Hoàng tử tuấn tú, những cô Công chúa đẹp tuyệt trần. Mỗi khi trái tim Bồ đề của mình biểu hiện thì mình trở nên đẹp như một nàng Công chúa hay một vị Hoàng tử. Và khi Tăng thân của mình leo đồi thế kỷ thì cảnh tượng mầu nhiệm vô cùng.

Có những con đường thiền hành thân thương đã đi vào giấc ngủ của Thầy. Ở Tổ đình Từ Hiếu những con đường Thầy đã đi thời còn làm Sadi, và đã trở thành những con đường của huyền thoại, lâu lâu lại có mặt trong những giấc mơ tìm về tới quê nhà. Các con của Thầy ở Bát Nhã cũng đã tạo dựng được những con đường thân thương như thế và sỏi đá trên đường đã trở nên quen biết dưới những bước chân chánh niệm của các vị Hoàng tử, của các nàng Công chúa. Phương Bối ngày xưa cũng đã có những con đường như thế, Phương Vân am cũng đã có những con đường như thế, Lộc Uyển cũng đã có những con đường như thế, và hiện giờ tại Bích Nham, các con của thầy cũng đã dùng bước chân chánh niệm vạch ra những con đường như thế. Những con đường thiền hành ngày xưa tại Thanh Sơn và Rừng Phong cũng mầu nhiệm không kém, chúng đã đi cả vào thi ca. "Cùng nhau ta sẽ đi, sẽ đi thăm Thanh Sơn, leo đỉnh trời bao la. Ta sẽ qua nhà trà, sẽ đi quanh bờ hồ, sẽ đi lên Phật đường..." Tịnh độ chúng ta chắc chắn là có những con đường như thế mà ai đi xa cũng nhớ. Các con có nhớ con đường thiền hành bờ suối đi ngang qua rừng trúc ở nội viện Phương Khê?

Chiều hôm nay, lúc năm giờ chiều ngồi thiền ở thiền đường Nước Tĩnh, Thầy đã mời đức Thế Tôn thở bằng hai lá phổi của thầy. Thầy nói: đây là phổi của con, nhưng cũng là phổi của Ngài. Xin Ngài thở cho khỏe, phổi còn tốt lắm không sao đâu; và đức Thế Tôn thở rất hạnh phúc, hai thầy trò đã thở rất hạnh phúc.

Chùa Sơn Hạ được bao bọc bởi những khu rừng mà phần lớn là rừng thông. Sơn Hạ có suối và có hồ. "Sơn hạ hữu tuyền, trạc chi tắc dũ" là một câu văn trích trong bài tựa của kinh Thủy Sám, có nghĩa là "Dưới chân núi có dòng suối, lấy nước suối ấy mà rửa thì vết thương sẽ lành". Chùa Sơn Hạ là chùa dưới chân núi. Có một cây cầu bắc qua suối, đầu cầu có tảng đá trên đó có khắc dòng chữ "Sơn hạ hữu tuyền..." bằng chữ Hán. Núi đây là núi Thệ Nhật, trên đó có chùa Pháp Vân, tức là xóm Thượng - Làng Mai. Thầy Nguyện Hải là trú trì chùa Pháp Vân, nhưng vì thầy đang đi dạy ở Việt Nam nên thầy Pháp Đôn hiện thời thay thế. Còn chùa Sơn Hạ thì do thầy Pháp Sơn làm trú trì; thầy là người Tây Ban Nha, thầy cũng có quốc tịch Anh và ngoài tiếng Tây Ban Nha, thầy còn nói tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp rất giỏi. Thiền sinh rất thích cảnh trí chùa Sơn Hạ. Mùa Đông này có 18 vị cư sĩ đang an cư với các thầy và các sư chú ở đấy.

Năm ngoái, trong mùa Kiết Đông an cư, có một lần thầy đóng vai người hướng dẫn viên đưa một cặp du khách đi từ Sơn Hạ lên chùa Pháp Vân, theo con đường Tùng. Cặp du khách này đâu phải ai xa lạ, đó là giáo sư Hoàng Khôi - Chân Đạo Hành và phu nhân Chân Tuệ Hương, cả hai đều là đệ tử giỏi của Thầy. Mùa đông năm ngoái, hai vị đã từ Sydney tới tham dự an cư Kiết Đông ở Làng Mai và cư trú ở xóm Thượng. Hai vị cư sĩ này đều đã là giáo thọ, đã từng phiên tả và biên tập nhiều sách của thầy bằng tiếng Việt; những cuốn sách như: Hạnh Phúc Mộng và Thực, Truyền sống sinh động của thiền tập v.v... đều là do các vị này thực hiện.

Sau khi mời các vị uống trà ở thất Da Cóc - Sơn Hạ, thầy đưa các vị lên xóm Thượng theo con đường Tùng. Thầy nói: các vị hãy tưởng tượng mình mới tới Pháp Vân lần đầu và tôi là người sẽ đưa quý vị lên gặp vị Thiền sư trên am lá, thất Ngồi Yên, ở mé rừng phía Đông núi Thệ Nhật, gần chùa Pháp Vân. Và nếu biết đi từng bước lên núi với chánh niệm thì quý vị sẽ có cơ hội được gặp vị thầy ấy nhiều hơn, bởi vì thầy thường hay đi thiền hành một mình vào núi, có khi đi hái rau rừng, có khi đi hái thuốc (Sư thê dược khứ) và có khi thầy ngồi cả ngày trong rừng, không ai biết thầy ngồi đâu, kể cả vị sa di thị giả...

Hôm ấy trời mưa mới tạnh, tuy nắng lên rất đẹp nhưng cành lá còn mang những giọt nước mưa đọng long lanh như những hạt ngọc, phản chiếu mầu nhiệm ánh nắng ban mai. Thầy đã dừng lại đưa cánh tay ra hứng lấy một giọt nước từ trên lá Thông và giọt nước đang long lanh như một viên ngọc đã được chuyền xuống ngón tay thầy nguyên vẹn. Thầy bảo giáo sư Chân Đạo Hành đưa bàn tay ra để nhận lấy viên ngọc và trút viên ngọc ấy xuống bàn tay của ông. Bàn tay để trong túi áo nên còn khô và ấm lắm cho nên viên ngọc gieo xuống vẫn lăn tròn nguyên vẹn. Thầy cũng "hái" cho cô Chân Tuệ Hương một viên ngọc như thế. Đất trời thật mầu nhiệm, mỗi phút giây là một viên ngọc quý, tóm thu đất nước trời mây và chỉ cần một hơi thở nhẹ có ý thức, thì hết bao nhiêu phép lạ hiển bày.

Đi thiền hành là như thế, mỗi bước chân là khám phá, mỗi bước chân là niềm vui, mỗi bước chân là nuôi dưỡng và trị liệu. Đến một khúc lên dốc, thầy dừng lại, chỉ lên một góc núi và nói với hai vị: đi một đoạn đường nữa, quý vị sẽ thấy thất Ngồi Yên hiện ra. Có thể là thầy đang ngồi trên ấy. Và khi thất Ngồi Yên hiện ra, thầy cũng dừng lại chỉ cho hai người thấy, và mời hai vị thở và mỉm cười. Thật ra hai vị đã từng thấy thất Ngồi Yên nhiều lần rồi, và cũng đã từng uống trà với thầy trong thất ấy, nhưng lúc này đây các vị đang dùng một cặp mắt mới để nhìn và để khám phá một cái gì mới. Cả ba người như đang sống trong một huyền thoại là họ đang đi tìm vị Thiền sư trên núi, mà không biết có cơ duyên được gặp hay không. Thiền sinh về xóm Thượng đã có hàng vạn người, tới từ bao nhiêu nước, nhưng có mấy ai đã được ông Đạo tiếp ở thất Ngồi Yên? Cũng như mấy ai đã được ông Đạo tiếp ở thất Lắng Nghe ở Tổ đình Từ Hiếu?

Năm ngoái trong mùa an cư Kiết Đông, sư chú Pháp Tri đã làm thị giả cho thầy ở thất Ngồi Yên với sự hướng dẫn của thầy Mãn Tuệ. Sư chú đi học lớp uy nghi về, không thấy thầy đâu, đang chuẩn bị vào núi để tìm. Ngay lúc ấy, thầy với hai vị khách cũng vừa tới; thầy vẫn đóng vai người hướng dẫn khách hành hương, hỏi sư chú: "Thầy có ở nhà không hả sư chú?" Sư chú bỡ ngỡ, chưa biết trả lời làm sao thì thầy hỏi tiếp: "hay là thầy đang bận hái thuốc trong núi chưa về?" Bây giờ thì sư chú đã hiểu, sư chú trả lời: "Thưa quý vị, thầy con vào núi chắc cũng sắp về tới, xin mời các vị vào Thất dùng trà trong khi đợi thầy". Ở chùa Việt Nam, Los Angeles, có treo một bức thư pháp của thầy tặng Hòa thượng Mãn Giác, bản dịch một bài thơ của thi sĩ Giã Đảo đời Đường: Bên cội Tùng, chú bảo: thầy vừa đi hái thuốc, chỉ nội núi này thôi, mây mù không thấy được. Thật ra là vị thị giả dư biết thầy mình đang ngồi ở mé núi nào, nhưng vì không muốn thầy mình bị quấy rầy bởi ông khách nên trả lời như thế để mình khỏi đi tìm thầy, và để cho thầy được ngồi yên, thế thôi. Thệ Nhật Sơn thỉnh thoảng cũng có sương mù bao phủ, nhưng sương mù không nhiều bằng ở tu viện Kim Sơn miền Bắc California.

Con đường huyền thoại

Con đường Tùng của thầy đã đi vào huyền thoại, các con thấy chưa? Nhưng con đường nào mà thầy trò mình đã đi lại không đi vào huyền thoại? Như con đường thiền hành xuống suối ở Bát Nhã đó. Thầy trò chúng ta đã đi trên con đường ấy nhiều lần với những bước chân như thế, các con nhớ không? Con đường lên núi Vạn Thạch Liên ở Lộc Uyển, thầy trò mình đã leo lên biết bao nhiêu lần? Và đã bao nhiêu lần thầy trò mình từng ngồi trên những tảng đá trên đỉnh núi nhìn xuống thung lũng Escondido sương mù phủ kín? Con đường mà thầy trò chúng ta đi khởi sự từ sân Phật đường Từ Hiếu, xuống hồ Bán Nguyệt, quanh hồ Sao Mai, vượt cổng tam quan, lên đồi Dương Xuân hay đi về Lăng Viện, con đường ấy đã đi vào huyền thoại, đã đi vào những giấc mơ của thầy trong gần bốn mươi năm xa cách quê hương. Những con đường thiền hành ở xóm Hạ và xóm Mới cũng đã mang dấu chân của thầy trò chúng ta cả mấy chục năm nay và mỗi khi đi xa, thầy trò mình đều rất nhớ. Chúng ta đã từng đem dấu chân của Bụt in xuống trên những con đường thiền hành ở công viên Estes trên dãy Rocky Mountains, ở khuôn viên trường đại học Stonehill, trường đại học UC Santa Barbara, ở công viên Mc Arthur tại Los Angeles, trên những đại lộ của các thành phố lớn như Frankfurt, Rome, Amsterdam, Paris, New York, New Delhi, Hà Nội, v..v... Thầy nhớ hôm đi thiền hành bên hồ Hoàn Kiếm, là một Tăng thân xuất gia và tại gia tới từ 41 quốc gia, chúng ta đã bước những bước chân an lạc thảnh thơi bên bờ hồ, qua cầu Thê Húc, vào đền Ngọc Sơn... Dân chúng thủ đô đã ngạc nhiên thấy đoàn người đi một cách thảnh thơi như những người vô sự, trong khung cảnh của một thành phố rộn ràng mà ai nấy đều có vẻ bận rộn, gấp gáp. Thấy một đoàn người đi như thế, có người bảo là đã tìm ra lại được gốc gác văn hóa và quê hương đích thực của chính mình.

Chúng ta cũng đã được đi như thế ở Trung Hậu, Đồng Đắc, Bằng A, Sóc Sơn, Văn Miếu, Hoa Lư, Phát Diệm, Diệu Đế, Thuyền Tôn, Linh Mụ, Linh Ứng, Tam Thai, Chúc Thánh, Mỹ Sơn, Cam Ranh, Thập Tháp, Nguyên Thiều, Giác Viên, Giác Lâm, Ấn Quang, Hoằng Pháp, Pháp Vân... Ở đâu đối với chúng ta cũng là thánh địa; chỉ cần biết dừng lại, chỉ cần có ý thức thì mảnh đất nào cũng là quê hương.

Chỉ còn mấy tuần lễ nữa là hết năm 2008, ngồi viết thư cuối năm cho các con, thầy cảm thấy ấm áp như đang ngồi chơi với tất cả các con. Năm nay xóm Mới sẽ tổ chức lễ Giáng Sinh, xóm Hạ tết Dương lịch và xóm Thượng tết Kỷ Sửu. Năm nay trong Đại Giới Đàn Mùa Sen Mới sẽ có khoảng 27 vị được truyền đăng trong đó có thầy Pháp Hữu. Bé Huỳnh Thế Nhiệm đã tới Làng lần đầu năm 7 tuổi và sau đó đã trở lại nhiều lần. Nhiệm đã được xuất gia năm 12 tuổi và vào tháng Giêng năm 2009, Nhiệm sẽ được truyền đăng làm giáo thọ. Đó là thầy Chân Pháp Hữu. Trong khóa an cư Kiết Đông này, Pháp Hữu làm y chỉ sư cho bảy vị thiền sinh Tây phương. Họ hạnh phúc lắm với một vị y chỉ sư trẻ như thế. Các baby monks của thầy bây giờ lớn hết rồi, bên cạnh đó là Pháp Chiếu, Mật Nghiêm, Đàn Nghiêm và Mẫn Nghiêm cũng đang làm y chỉ sư cho các thiền sinh. Mẫn Nghiêm đã được truyền đăng năm ngoái trong Đại Giới Đàn Thanh Lương Địa để trở thành vị giáo thọ trẻ nhất của Làng Mai. Sư cô Mẫn Nghiêm gặp thầy lần đầu hồi còn 5 tuổi; 12 tuổi qua Làng xin xuất gia. Hạ Thoại Mỹ Quyên là tên đời, năm 16 tuổi cô đã đọc "Nói với tuổi hai mươi" của thầy và lòng dặn lòng sẽ viết một cuốn sách tặng thầy năm thầy 80 tuổi, với đề sách là "Nói với tuổi tám mươi". Và đến năm tròn 20 tuổi, Quyên đã viết được cuốn sách ấy, 300 trang, hiện giờ thầy còn giữ ở nội viện Phương Khê. Chỉ một mình thầy được đọc thôi, Mẫn Nghiêm đã dặn như thế.

Pháp Hữu cũng sẽ là một vị giáo thọ rất trẻ. Mười năm ở với thầy, thầy trò chưa bao giờ giận nhau, truyền thông giữa hai người rất tốt. Pháp Hữu đã là một trong những vị thị giả giỏi nhất, ý tứ nhất, không thua gì sư anh Pháp Niệm, rất chu đáo, biết thầy cần gì, không cần phải đợi thầy nói lên. Có lần thầy nói với Pháp Hữu: "Ngày xưa thầy Anan làm thị giả cho Bụt cũng chỉ giỏi như con đang làm thị giả cho thầy bây giờ là cùng". Nhiệm khiêm cung trả lời: "Nhưng con đâu có trí nhớ siêu việt như thầy Anan?" Thầy cười: "Con không cần trí nhớ của thầy Anan tại vì con đã có một chiếc iPod, để trong túi kinh của thầy". Và hai thầy trò nhìn nhau cười rất tâm đắc.

Viết tới đây thầy bỗng nghĩ đến tuyết, tuyết đang rơi ở Waldbröl nơi Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu. Tuần trước, sư cô Song Nghiêm điện thoại qua, nói tuyết đã rơi và đã cao lên tới 10 phân, cảnh tượng ở Waldbröl đang đẹp diệu kỳ và mời thầy sang bên ấy để chơi với các con của thầy. Thì thầy đang ở bên ấy, các con không thấy hay sao? Thầy cũng đang ở Bích Nham, Lộc Uyển, Cây Phong, Sen Búp, Mộc Lan, Bát Nhã, Từ Hiếu, Hohenau, Suối Thương và nhiều nơi nữa! Phải thấy thầy nơi mình đang ngồi, đang đứng. Các sư em ở Bát Nhã có nhớ bài thi đố của sư anh Pháp Lâm không? Thầy không phải đang ở Ấn Độ mà thôi đâu. Đã nghe Thiền sư Vô Ngôn Thông nói: "Đây là Ấn Độ, Ấn Độ là đây" (Tây thiên thử độ, thử độ tây thiên) chưa? Thầy nhớ tới chiếc võng treo ở rừng cây phía sau Học viện. Trước khi qua, thầy đã viết thư cho các con của thầy ở bên Đức. Thầy nói có vị nào có võng mang tới cho thầy mượn. Thầy sẽ treo võng ngoài vườn và sẽ ngồi võng chơi với các con, ăn mừng Trung Tâm mới. Không biết vị nào đã chuyền lá thư ấy đi và hôm thầy tới, 14.09.08, thì các vị thị giả báo cáo là có tất cả 149 cái võng đã được mang tới. Mùa hè tới thầy trò mình sẽ tha hồ thực tập thiền võng ở bên ấy.

Viết thư cho các con của thầy, viết mấy cho đủ, thầy tạm dừng ở đây. Thầy sẽ gặp lại các con trước giờ giao thừa năm Kỷ Sửu trong buổi bình thơ cuối năm. Thầy chúc tất cả các con của thầy thật hạnh phúc và chế tác được rất nhiều tình huynh đệ.

Bốn Mươi Năm Nói Với Tuổi Trẻ

Thứ tư, 24 Tháng 12 2008 19:36 Thầy Pháp Dụng

Bài giới thiệu về ba cuốn sách Nói Với Tuổi Hai Mươi (1965), Nói Với Người Xuất Gia Trẻ Tuổi (1996), và Tuổi Trẻ Tình Yêu Lý Tưởng (2005) của Sư Ông Nhất Hạnh.

Thầy, tiếng chúng ta vẫn thường gọi Sư Ông một cách thân thương, đã sớm được nhiều người trẻ của thập niên sáu mươi biết tới và yêu thích qua cuốn sách Nói Với Tuổi Hai Mươi. Những người trẻ này, khi đọc cuốn sách mới của Thầy Tuổi Trẻ Tình Yêu Lý Tưởng thì nhiều người đã là làm ông, làm bà của nhiều cháu rồi. Tuy nhiên khi đọc hai cuốn sách trên, ta thấy giọng văn của Thầy vẫn vậy, vẫn trẻ trung, thông cảm và đầy thương yêu như thuở nào. Giữa hai cuốn sách đó, cách nhau đúng bốn mươi năm (1965-2005), ta lại bắt gặp cuốn Nói Với Người Xuất Gia Trẻ Tuổi. Trong cuốn này, ta đọc những dòng như sau:

"Tôi thấy có những thầy tuổi chưa tới ba mươi mà đã có dáng dấp một ông cụ non, hai mắt lim dim như muốn đóng vai trò của một bậc hòa thượng đạo cao đức trọng. Tôi không nghĩ những người như thế là những người trẻ. Những người trẻ, theo tôi, là những sư chú và sư cô ăn mặc giản dị, sạch sẽ, mắt sáng miệng sẵn sàng mỉm cười, có khả năng lắng nghe và học hỏi."

Ta hãy so sánh đoạn văn trên với đoạn dưới đây trong cuốn Nói Với Tuổi Hai Mươi:

'Trong lứa tuổi các em, cũng đã có rất nhiều người đầu hàng cuộc đời rồi. Hãy để cho họ tạm yên, bởi vì họ đang cần được yên. Dù sao họ cũng đáng thương như chúng ta. Em có thể gọi họ là những người chết, nếu em muốn. Hoặc em có thể nói như Abert Camus rằng họ sống như những người chết, điều đó cũng không sao. Cái gì đã khiến cho chúng ta ngồi lại bên nhau, để nói chuyện cùng nhau, nếu không phải là ‎ ý thức về thực trạng của chúng ta? Hãy tự hào là con người tỉnh táo."

Viết hai đoạn văn trên, Thầy vẫn giữ được phong cách trẻ trung của mình. Đọc Thầy, người trẻ không hề thấy sự khác biệt về tuổi tác giữa người đọc và người viết. Thầy luôn luôn khuyến khích họ tin tưởng vào cuộc đời, đi tới mà đừng có thái độ bi quan, chán nản hay đầu hàng. Mở đầu cuốn Tuổi Trẻ Tình Yêu Lý Tưởng, tuy đã tám mươi tuổi, Thầy vẫn tiếp tục tinh thần trẻ trung, dấn thân ấy, mời người trẻ tham dự vào giấc mơ của mình:

"Này người bạn trẻ, tôi muốn mời anh, tôi muốn mời chị tham dự vào một giấc mơ, tôi tạm gọi là giấc mơ Việt Nam.

Giấc mơ Việt Nam là một nước Việt Nam thật đẹp, thật hiền, chơi chung với các nước Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan, Malaisia, Singapore, Indonesia, Myanmar, với Hàn Quốc và Nhật Bản, và sau đó, với cả Trung Quốc, một cách thân ái trong tình huynh đệ, dân chúng các nước qua lại không cần chiếu khán, và tất cả sử dụng một đồng bạc chung."

Rồi Thầy tiếp tục kể cho những người bạn trẻ của Thầy thêm sáu giấc mơ khác nữa. Trong mỗi giấc mơ, Thầy hiện nguyên hình là một con người trẻ đầy niềm tin, đầy nghị lực, đầy lòng hăng say để phục vụ cho con người, cho đất nước và cho xã hội. Trong suốt ba cuốn sách đó, viết qua bốn mươi năm dài, với những giai đoạn hoàn cảnh đất nước khác nhau, Thầy luôn luôn tìm cách trao truyền cho người trẻ tinh thần lạc quan và trẻ trung của mình.

Nếu bạn đang là bậc cha mẹ, muốn giới thiệu sách của Thầy đến con cái mình, thì đây là ba cuốn sách tuyệt vời dành cho người trẻ được viết bởi một "người trẻ". Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quí độc giả.

3 cuốn kinh căn bản

Thứ tư, 24 Tháng 12 2008 19:36 Thầy Pháp Dụng

Giới thiệu 3 cuốn sách Kinh Quán Niệm Hơi Thở (1987), Con Đường Chuyển Hóa (1990) và Kinh Người Biết Sống Một Mình (1990) của Sư Ông Làng Mai

Đây là ba cuốn sách chú giải về ba bài kinh mà Thầy thường nhắc nhở là những kinh căn bản nhất làm nền tảng cho sự thực tập thiền tại Làng Mai. Cuốn ra đời sớm nhất là Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Đó là một cuốn sách mỏng (66 trang) gồm có phần kinh văn do Thầy dịch rất rõ ràng. Sau đó là phần chú thích, phần phân tích nội dung kinh và phần hướng dẫn thực hành. Đây là một kinh mà trong đó Bụt hướng dẫn rất rõ ràng về 16 phương pháp thực tập hơi thở. Thực tập hơi thở là pháp môn căn bản nhất ở Làng Mai. Thầy kể rằng ngày Thầy khám phá ra kinh Quán Niệm Hơi Thở là ngày hạnh phúc nhất trong đời mình. Cho đến nay, cuốn sách này là cẩm nang gối đầu giường của các hành giả tu thiền theo phương pháp của Làng. Ưu điểm lớn nhất của cuốn sách là Thầy viết rất dễ hiểu và ta có thể áp dụng ngay những bài tập vào trong đời sống hàng ngày. Kinh Quán Niệm Hơi Thở có liên hệ mật thiết tới Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm. Trong 16 phương pháp thực tập hơi thở, Bụt chia mỗi 4 hơi thở là để quán niệm về một lãnh vực: thân, thọ, tâm, hoặc pháp.

________________________________________

Cuốn sách Con Đường Chuyển Hóa ra đời năm 1990 là một tài liệu bổ túc tuyệt vời cho hành giả đang thực tập theo sách Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Cuốn Con Đường Chuyển Hóa được Thầy soạn khá công phu với chiều dầy 285 trang. Sau phần dịch rõ ràng kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm Thầy cống hiến cho hành giả 20 bài thực tập rút ra từ kinh này. Ta có thể nói hai cuốn kinh kể trên là đôi cánh của một con chim lớn. Đọc kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm ta hiểu rõ thêm về kinh Quán Niệm Hơi Thở và ngược lại. Hai kinh này là những kinh có mặt từ thời Bụt còn tại thế. Nhưng qua sự chỉ dẫn của Thầy thì những kinh trên được nhìn và khám phá bằng đôi mắt của đạo Bụt Đại Thừa. Người đọc sẽ biết áp dụng nội dung vào trong đời sống của mình khi đi dạo, khi lái xe, khi làm việc ở công sở... Điều này không phải là một cái gì mới lạ với những ai đã quen thuộc với phương hướng đem đạo Bụt vào cuộc đời của Thầy được giảng dạy trong hơn nửa thế kỷ qua.

Cùng một năm, Kinh Người Biết Sống Một Mình được Làng Cây Phong cho in. Đến đây thì ba cuốn kinh căn bản nhất làm nền tảng cho sự thực tập ở Làng Mai đều được xuất bản. Kinh Người Biết Sống Một Mình nhấn mạnh đến phương pháp làm giàu nội tâm trong khi sống đời sống hàng ngày của mình. Trong kinh này, Bụt nhấn mạnh tới dấu ấn hiện pháp lạc trú, tức là an trú thảnh thơi trong giây phút hiện tại mà không để cho tâm mình bị lôi kéo bởi quá khứ hay là tương lai. Sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại, biết theo dõi hơi thở để thấy rõ thân và tâm mình, nuôi dưỡng thân tâm và tháo gỡ những khó khăn đang ràng buộc thân tâm là nội dung của ba cuốn kinh kể trên. Trong mười mấy năm qua, ba cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, được đọc, nghiên cứu và hành trì bởi hàng trăm ngàn hành giả. Đây là những cuốn sách dễ đọc, hấp dẫn và lợi ích cho người lớn tuổi cũng như những người trẻ.

Những Sự Tích Quan Âm

Thứ tư, 24 Tháng 12 2008 19:34 Thầy Pháp Dụng

Những Sự Tích Quan Âm

Giới thiệu hai cuốn Sự Tích Quan Âm Hương Tích (1997) và Sự Tích Quan Âm Thị Kính (1997) của thiền sư Nhất Hạnh.

Sư Ông là người có tài kể chuyện. Trong cùng một năm (1997) Sư Ông kể hai câu chuyện về sự tích Quan Âm Hương Tích và sự tích Quan Âm Thị Kính làm cho ai nấy thuộc mọi lứa tuổi đều được đọc một cách say mê và thích thú. Đây là hai câu chuyện Việt Nam mà các bậc làm cha mẹ tại hải ngọai nên đặc biệt lưu tâm để giúp các em hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Nhưng quí vị độc giả ở Việt Nam cũng sẽ cảm thấy thú vị khi đọc hai câu chuyện quen thuộc trên dưới ngòi bút và cái nhìn của một thiền sư rất quan tâm đến văn hóa đất nước. Người Việt Nam ai mà không biết tới nỗi oan Thị Kính. Đó là câu chuyện về một cô gái tên là Thị Kính, giả trai để được vào chùa tu hành, bị một cô gái tên là Thị Mầu để lòng thương.

________________________________________

Câu chuyện trở nên thương tâm khi Thị Mầu có thai hoang và vu oan cho Thị Kính, l ‎ úc bấy giờ đã là sư chú Kính Tâm. Sư Chú Kính Tâm nhất quyết giữ kín sự thật mình là gái, chấp nhận nuôi con của Thị Mầu để được tiếp tục tu tập. Sự thật chỉ được bày ra ánh sáng khi sư chú Kính Tâm qua đời. Đọc câu chuyện bạn đọc sẽ rơi nước mắt thương cho một người tu. Cái hay của tác giả, là Sư Ông đã giúp cho người đọc hiểu được nỗi khổ đau của Thị Mầu. Cuối sách, Sư Ông đã cho Thị Mầu hối cải, và quay về với chùa để tu tập, sám hối sai lầm của mình. Toàn bộ câu chuyện được tác giả cho xảy ra tại chùa Dâu, tức chùa Pháp Vân, một ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam . Sách dày 90 trang, có những bức minh họa rất đẹp của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp.

Cuốn Quan Âm Hương Tích là sách song ngữ Anh Việt, kể chuyện một nàng công chúa ở nước Hưng Lâm (một phần của Ấn Độ ngày nay) sang Đại Việt (Việt Nam ) tu hành. Công chúa tên là Diệu Thiện, và là công chúa thứ ba lên cũng được gọi là Chúa Ba. Tuy xuất thân trong chốn vương giả nhưng Chúa Ba thường xin phép phụ hoàng đề thường xuyên tiếp xúc với dân chúng. Nhờ đó Chúa Ba hiểu được nỗi khổ niềm đau của con người và chọn con đường xuất gia để cứu giúp. Chuyện Chúa Ba đi tu làm phụ hoàng nổi giận và cuối cùng ra lệnh đốt ngôi chùa nơi Chúa Ba (bây giờ là sư cô Diệu Thiện) đang tu. Sư cô được một con cọp trắng cứu thoát và vượt biên giới mang sư cô sang Đại Việt. Tại đây sư cô gặp hoàng tử Phật Mã, con vua Lý Thái Tổ. Hoàng tử cầu hôn với sư cô. Khi biết sư cô quyết chí tu hành, hoàng tử giúp sư cô đến động Hương Tích để ẩn tu. Sư cô tu bốn năm và chứng đắc được đạo mầu. Trong khi đó thì tại quê nhà vua nước Hưng Lâm lâm trọng bệnh. Muốn chửa hết bệnh vua, phải có một con mắt và một cánh tay của một vị tu hành đắc đạo để luyện thuốc. Cuối cùng nhà vua tìm được con mắt và cánh tay của người tu nọ để chửa bệnh nhưng không hề biết đó chính là con gái của mình. Câu chuyện còn thêm nhiều chi tiết hấp dẫn với kết cục là cảnh đoàn tụ của toàn gia đình. Sư cô Diệu vui mừng thấy vua cha đã biết hối cải, quy y tam bảo để tu học. Sách Quan Âm Hương Tích cũng được họa sĩ Nguyễn Thị Hợp minh họa rất đẹp, dày 65 trang, là món quà rất quí cho các em, nhất là những em sống tại hải ngoại không đọc rành tiếng Việt.

Từ đạo học đến khoa học

Thứ tư, 24 Tháng 12 2008 19:33 Thầy Pháp Dụng

Giới thiệu cuốn Trái Tim Mặt Trời (1982)

The Sun My Heart

Bạn đọc là người ưa thích về các ngành vật lý hay triết học, đã từng thích thú với các cuốn sách như 'The Tao of Physics' của Fritjof Capra, một công trình so sánh những điểm tương đồng giữa vật lý hiện đại và đạo học đông phương, thì thế nào cũng say mê với cuốn Trái Tim Mặt Trời của Sư Ông. Cuốn Trái Tim Mặt Trời bắt đầu bằng bé Thanh Thủy, đi dần tới Abert Einstein và chấm dứt cuốn sách bằng những câu chuyện, những bài thực tập dành cho ta áp dụng trong đời sống hàng ngày. Đó là điểm đặc biệt của tác giả, trong khi viết Sư Ông không bao giờ làm cho ta hụt hẫng với những lý thuyết cao siêu, khó hiểu. Bằng lối văn bình dị đó, Sư Ông chậm rãi dẫn ta qua khu vườn đạo học Phật giáo với những tư tưởng lớn của Duy Thức Học, của Bát Nhã, Trung Quán, của kinh Hoa Nghiêm... Bên cạnh đó, Sư Ông giới thiệu ta với những nhà khoa học lớn như Abert Einstein, Erwin Schrodinger, David Bohm, Robert Oppenheimer...với những công trình khoa học của họ.

________________________________________

Ở đây, ta thấy Sư Ông không so sánh đạo học và khoa học, mà Sư Ông nhìn khoa học qua con mắt của một hành giả tu thiền. Qua đó, Sư Ông nhận xét những thành tựu của khoa học và đóng góp vào đó những cái thấy của mình.

Đây là một cuốn sách được tái bản rất nhiều lần. Hiện nay tại Việt Nam, nhà xuất bản tôn giáo cũng đã tái bản cuốn này. Sách dày 215 trang. Tựa cuốn sách 'Trái Tim Mặt Trời' nhắc cho chúng ta nhớ trong thế giới của chúng ta, nơi mà vạn vật cùng nương nhau để có mặt thì bản thân mỗi người chúng ta có hai trái tim: trái tim nằm trong lồng ngực và trái tim mặt trời.

Continue Reading

You'll Also Like

107K 12.1K 115
ONLY WATTPAD [Edit] - Luận pháo hôi làm sao trở thành đoàn sủng [xuyên thư]. Hán Việt: Luận pháo hôi như hà thành vi đoàn sủng [ xuyên thư ]. Tác giả...
7.3K 625 73
Mục đích chuyễn ver vì muốn đọc truyện mình thích dưới góc nhìn cpl mình thích, và đăng lên đây để lưu đọc offline (sẽ viết nguồn ở phần giới thiệu)...
5.9M 429K 141
Hán Việt: Bạo quân đích sủng hậu [Trùng sinh] Tác giả: Tú Sinh Tình trạng: Hoàn thành (135 chương + 5 phiên ngoại) Thể loại: Đam mỹ, Cổ đại, HE, Ng...
61.6K 4.7K 91
Chỉ là mấy suy nghĩ của mình về các nhân vật và tình tiết trong series này thôi:D Cũng để kỷ niệm sự trở lại của Bungou Stray Dogs với season 4 *Upda...