8. Nội dung vận dụng tư tưởng HCM

9.4K 12 0
                                    

Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam là một hệ thống các luận điểm về bản chất, mục tiêu của CNXH, về tính tất yếu khách quan của thời kì quá độ, các bước đi, biện pháp xây dựng CNXH trong thời  kì  quá độ ở Việt Nam.
Ngày nay, nước ta đang xây dựng CNXH trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thay đổi so với sinh thời của Hồ Chí Minh. Những luận điểm của Người về CNXH và con đường quá độ lên CNXH vẫn là cơ sở lí luận và phương pháp luận chỉ đạo chúng ta  suy nghĩ tìm tòi để tìm ra bước đi, cách làm phù hợp với tình hình mới.
Những thành tựu đạt được trong những năm qua đã khẳng định đường lối, chính sách đổi mới của Đảng là đúng đắn. Bên cạnh những thuận lợi và thời cơ, đất nước ta vẫn đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn. Để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, Đảng ta tiếp tục kiên trì vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh với tinh thần sáng tạo, nhằm giải quyết tốt các vấn đề do thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra.
    1. Giữ vững mục tiêu của CNXH
    Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường cách mạng đúng đắn của dân tộc Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn, là mục tiêu bất biến mà nhân dân ta đã kiên trì phấn đấu hy sinh hơn bảy mươi năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng nếu nước độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Muốn xoá bỏ cuộc sống nghèo nàn lạc hậu, sau khi giành độc lập chúng ta không có con đường nào khác là phải tiến lên CNXH. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để xây dựng CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.
    Hiện nay Đảng và nhân dân ta đang tiến hành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” cũng chính là để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đó trong hoàn cảnh mới, hoàn toàn không phải là thay đổi mục tiêu đi lên CNXH.
    Nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế… có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Mặt tích cực của nền kinh tế thị trường là kích thích sản xuất phát triển, làm cho nền kinh tế và con người năng động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đào thải những yếu tố bảo thủ, thụ động. Mặt tiêu cực là đẻ ra các tệ nạn buôn gian bán lận, lừa đảo, chạy theo đồng tiền, tham nhũng, phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng, tình trạng thất nghiệp, tha hoá, biến chất một bộ phận cán bộ có chức, có quyền…
Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tận dụng được các mặt tích cực của nó, đồng thời phải biết ngăn chặn, phòng tránh các mặt tiêu cực để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với công bằng xã hội, với sự lành mạnh về đạo đức và tinh thần. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho chúng ta phương hướng và  phương pháp suy nghĩ để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đi lên CNXH ở nước ta.
    2. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tất cả các nguồn lực, trước hết là nguồn nội lực để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
    Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là yêu cầu có tính tất yếu đối với các nước nông nghiệp lạc hậu quá độ lên CNXH chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
    Theo Hồ Chí Minh: CNXH là công trình tập thể của nhân dân, do nhân dân tự xây dựng; phải đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân.
    Để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành công, cần phát huy tất cả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, nhưng chủ yếu vẫn phải lấy nguồn lực bên  trong làm gốc mới sử dụng tốt, có hiệu quả nguồn lực bên ngoài. Nguồn lực bên trong bao gồm con người (trí tuệ, tài năng, sức lực), đất đai, tài nguyên, của cải … của đất nước. Để khơi dậy mạnh mẽ nguồn lực đó, cần phải phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, tạo nên không khí dân chủ trong xã hội. Muốn vậy  phải nâng cao dân trí, bồi dưỡng văn hoá chính trị, cung cấp đầy đủ thông tin cho mỗi người dân, thực hiện tốt cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, tạo điều kiện cho mỗi người dân được tham gia giám sát công việc của Nhà nước. Đồng thời phải thực hiện nhất quán chiến lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh, trên cơ sở lấy liên minh công - nông - trí thức làm nòng cốt, tranh thủ sự đóng góp của tất cả những ai tán tành sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
    3. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Công cuộc đổi mới của đất nước ta diễn ra trong hoàn cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới phát triển mạnh và xu thế toàn cầu hoá đang ngày càng mở rộng.
 Chúng ta phải tranh thủ tối đa sức mạnh của thời đại do cách mạng khoa học-công nghệ, xu thế toàn cầu hoá tạo ra, phát huy hiệu lực và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, có cơ chế, chính sách tốt để thu hút đầu tư nhằm khai thác và sử dụng tốt nhất các nguồn lực bên ngoài như vốn, kinh nghiệm quản lí và công nghệ hiện đại, thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Muốn vậy, tranh thủ hợp tác đi đôi với thường xuyên khơi dậy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc của mỗi người dân Việt Nam để đem nhân lực, vật lực, tài lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Giao lưu, hội nhập phải gắn liền với không ngừng trau dồi bản lĩnh và bản sắc văn hoá dân tộc để tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, loại trừ các yếu tố văn hoá độc hại. Bởi vì chỉ có bản lĩnh và bản sắc văn hoá dân tộc mới có thể tiếp thu được tinh hoa văn hoá của nhân loại và loại bỏ được những yếu tố tiêu cực, phản động.
    4. Chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hiện cần kiệm xây dựng CNXH
Để phát huy được quyền làm chủ của người dân, trước hết cán bộ đảng và nhà nước phải trong sạch, liêm khiết, phải thực sự là người đầy tớ trung thành và tận tuỵ của nhân dân. Đảng và Nhà nước có đường lối, chính sách đúng đắn nhưng đội ngũ cán bộ thừa hành nhiệm vụ tham nhũng, cửa quyền, không tận tuỵ thì chẳng những đường lối, chính sách đó không đi được vào người dân mà còn trở thành nguyên nhân gây ra những bất bình trong xã hội. Vì vậy, phải không ngừng chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân. Muốn thế, phải xây dựng Nhà nước trong sạch, thực sự là của dân, do dân, vì dân. Kiên quyết loại trừ các phần tử thoái hoá, biến chất ra khỏi bộ máy chính quyền. Tệ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, tác phong cửa quyền, lối sống xa hoa, lãng phí của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng vào tương lai của CNXH.
    Giáo dục nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất đồng thời ý thức tiết kiệm để xây dựng đất nước. Hồ Chí Minh nói, sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống không lại hoàn không. Hiện nay đất nước ta còn là một nước nghèo vì vậy phải coi tiết kiệm không chỉ là một nếp sống đạo đức, là một chính sách kinh tế, là vấn đề chính trị mà còn  là một nét đẹp của văn hoá Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam thực sự là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay. Tư  tưởng đó cần phải được quán triệt trong cơ chế, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội trong thực tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của CNXH trên đất nước ta.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Dec 07, 2010 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

8.	Nội dung vận dụng tư tưởng HCMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ