50 NĂM LỰC LƯỢNG VŨ TRANG QUÂN KHU 7

Start from the beginning
                                    

Đặc điểm về địa lý tự nhiên và dân cư làm cho miền Đông Nam Bộ có một vị trí chiến lược quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc xâm lược và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong thời kỳ kháng chiến, đối với địch, đây là địa bàn chiến lược mang ý nghĩa sống còn của cuộc chiến tranh xâm lược,trong đó Sài Gòn là đại bản doanh của quân viễn chinh, là thủ đô, trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của các chế độ ngụy quyền. Tại đây, địch bố trí phần lớn lực lượng quân sự và hệ thống căn cứ kho tàng, là nơi tập trung đánh phá ác liệt về cả quân sự, chính trị và là địa bàn trọng điểm trong chính sách bình định, vơ vét sức người, sức của phục vụ cho cuộc chiến tranh của chúng. Đối với ta, miền Đông Nam Bộ có ba vùng chiến lược hoàn chỉnh, nhân dân có truyền thống yêu nước và chống ngoại xâm bất khuất vốn được vun đắp và thử thách từ nhiều thế kỷ trước; là địa bàn có khả năng thể hiện sự vận dụng đầy đủ, đường lối quân sự, chính trị của Đảng ta về tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; và là nơi có điều kiện biểu hiện một cách trực tiếp truyền thống đoàn kết chống kẻ thù giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia.

Hiện nay, địa bàn Quân khu 7 có một vị trí chiến lược trọng yếu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh; là địa bàn " mục tiêu trọng điểm của âm mưu " diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch";một "điểm nóng" trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của quân và dân ta.

Ngày 18 tháng 2 năm 1859, quân đội viễn chinh Pháp đổ bộ lên thành phố Sài Gòn, mở đầu cho quá trình thôn tính miền Đông Nam Bộ, cũng mở đầu cho quá trình quân và dân miền Đông Nam Bộ không ngừng đứng lên tiến hành cuộc đấu tranh chống xâm lược bền bỉ đến ngày cách mạng tháng Tám thành công.

Cùng với phong trào đấu tranh trên mặt trận văn hóa - tư tưởng là các cuộc khởi nghĩa diễn ra liên tục, đều khắp. Các nhà lãnh đạo khởi nghĩa, được sự ủng hộ của nhân dân, đã dựa vào địa thế hiểm yếu để xây dựng lực lượng vũ trang và làm chỗ dựa cho quá trình chiến đấu chống xâm lược. Đó là các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Trường Quyền, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Tấn Kiều, Phan Công Hớn, Nơ Trang Long...

Thắng lợi của Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga và phong trào cách mạng vô sản thế giới những năm đầu thế kỷ 20 đã thổi một luồng sinh khí mới vào xã hội Việt Nam. Tại bến Nhà Rồng, năm 1911, người anh hùng dân tộc Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Từ đây, thành phố Sài Gòn và các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ trở thành địa bàn nhạy cảm trước hết và là nơi phát triển mạnh mẽ sự phối hợp giữa phong trào yêu nước, phong trào công nhân và sự truyền bá chủ nghĩa Mác Lê-nin. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở Ba Son, Phú Riềng, Dầu Tiếng, Bà Điểm và khắp các địa bàn ở miền Đông Nam Bộ.

Từ mùa thu năm 1939, diễn biến của phong trào cách mạng trong nước cộng với những biến động trên thế giới (do cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đưa lại) đã tạo ra ở nước ta những điều kiện lịch sử mới. Đó là "hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến đến vấn đề giải phóng dân tộc". Trước tình hình ấy, từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 11 năm 1939, tại Bà Điểm (Gia Định) Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 6 quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Hội nghị quyết định: " Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống lại tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng, để tranh lấy giải phóng dân tộc".

You've reached the end of published parts.

⏰ Last updated: Sep 22, 2010 ⏰

Add this story to your Library to get notified about new parts!

50 NĂM LỰC LƯỢNG VŨ TRANG QUÂN KHU 7Where stories live. Discover now