Phân tích Chiều tối

8 0 0
                                    

Nếu tôi có cơ hội gặp bạn bè quốc tế, tôi muốn kể cho họ nghe về một người, một người cha đáng kính, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Người là Hồ Chí Minh. Không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà Hồ Chí Minh còn là một nhà thơ, nhà văn lớn với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Thơ nghệ thuật của Hồ Chí Minh có sự hòa hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, giữa chất thép và chất tình, giữa trong sáng giản dị và sự hàm súc sâu sắc. Tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh là tập thơ "Ngục trung nhật ký" hay "Nhật ký trong tù", gồm 134 bài thơ chữ Hán, được đánh giá như một viên ngọc quý của nền văn thơ Việt Nam. Đặc biệt là bài thơ thứ 31 "Chiều tối" (Mộ), bài thơ được gợi cảm từ lần chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào chiều cuối thu năm 1942.

Hình ảnh bình dị của một làng quê nơi thôn dã vào buổi chiều tối được Bác miêu tả rất chân thực, nhưng trong đó lại ẩn chứa một ước mơ, mong muốn sự tự do để có thể tiếp tục sứ mệnh giải phóng đất nước vô cùng lớn lao.

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không"

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

Buổi chiều là khoảng thời gian đặc biệt – là khoảnh khắc cuối cùng của một ngày, con người dễ rơi vào trạng thái buồn, cô lẻ. Đặt mình vào hoàn cảnh của Bác đang trong gông cùm xiềng xích lại trên đường giữa chốn rừng âm u, nỗi buồn chất chứa nỗi buồn. Hoàn cảnh khó khăn là thế nhưng Người vẫn lạc quan, phong thái ung dung nhìn đất nhìn trời và cảm hứng thơ đến với Người cũng rất tự nhiên.

Hai câu thơ tái hiện không gian, thời gian ở chốn núi rừng cùng với bút pháp chấm phá quen thuộc vẫn thường gặp trong thơ Đường. Hai hình ảnh cánh chim mỏi tìm về tổ, chòm mây cô lẻ giữa trời làm toát lên cái thần của cảnh chiều tối nơi núi rừng hoang vu. Người không nhắc tới thời gian "chiều tối" trong hai câu thơ đầu nhưng Người thể hiện nó qua cảnh vật bằng hình ảnh cách chim bay về tổ, kết thúc một ngày lao động kiếm ăn.

Hai câu thơ của Bác gợi nhắc tới hai câu thơ của Lí bạch. Cả hai cùng tả hai đối tượng là chim và mây nhưng là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. "Chúng điểu cao phi tận / Cô vân độc khứ nhàn" (Chim bầy vút bay hết/ Mây lẻ đi một mình), ở hai câu thơ của Lí bạch không có sắc thái biểu thị thời gian. Cánh chim của ông là cánh chim bay mất hút vào không gian vô tận, còn ở Hồ CHí Minh là cánh chim mệt mỏi. Không những thế qua cánh chim mỏi mệt đó, chủ thể trữ tình còn thấy được sự tương đồng với cảnh ngộ, tâm trạng của mình, và chính sự tương đồng đó sẽ tạo nên sự cảm thông giữa người và cảnh.

"Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không", câu dịch thơ chưa chuyển hết ý so với nguyên tác "Cô vân mạn mạn độ thiên không". Chòm mây như mang tâm trạng cô đơn, lẻ loi giữa đất trời bao la, cũng như người tù đang cô lẻ nơi núi rừng âm u, nơi đất khách quê người. Bản dịch thơ chỉ nói "trôi nhẹ", trông dáng trôi của chòm mây có vẻ như thanh thản, nhàn tản của bậc tao nhân mặc khách chứ không phải tâm trạng lẻ loi, cô đơn của chủ thể trữ tình.

Chỉ với hai câu thơ mở đầu ngắn gọn nhưng trong đó ẩn chứa rất nhiều hàm ý sâu sa, không chỉ vậy mà khung cảnh thiên nhiên còn được khắc họa vô cùng sinh động. Không chỉ mang hàm ý cô đơn mà hình ảnh chòm mây trôi nhẹ còn được Bác sử dụng để nói lên niềm khao khát, ước mong được tự do, được trở về với quê hương, anh em đồng chí.

"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng"

(Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng)

Ở hai câu thơ cuối của bản dịch thơ có xuất hiện từ "tối" mà trong nguyên tác không có. Sự xuất hiện của từ "tối" trong câu thứ ba đã làm ý thơ bị lộ, làm mất tính chất hàm súc trong thơ Đường luật. Trong bản nguyên tác "ma bao túc" - "bao túc" được dịch thành "xay ngô tối" – "xay hết" cũng làm mất đi giá trị của biện pháp điệp từ so với nguyên tác.Ở đây có sự di chuyển điểm nhìn từ cao xuống thấp, từ thiên nhiên mang màu sắc ước lệ mà vẫn hiện sang bức tranh cuộc sống giản dị, quen thuộc, thiếu nữ nổi bật như là trung tâm của bức tranh thiên nhiên. Điệp từ "ma bao túc" – "bao túc ma" được dùng ở cuối câu ba, đầu câu bốn đã tạo nên bước chuyển của thời gian, diễn tả được sự liên tiếp, sự tuần hoàn như vòng xoay của cô sơn nữ. Cô gái đang miệt mài xay ngô bên bếp than hồng để chuẩn bị bữa tối, đó đều là những hình ảnh vô cùng giản dị nhưng lại có được sức cuốn hút rất lớn. Đồng thời điệp ngữ vắt dòng này cũng diễn tả khá chính xác động tác lao động nặng nhọc của người thiếu nữ miền sơn cước.

Lê Trí Viễn cũng có nhận xét khá tinh tế về hai câu thơ này : "Nguyên văn không nói đến chữ tối mà tự nhiên nói đến thời gian trôi dần dần theo cánh chim chiều và làn mây theo những vòng xoay của cối xay ngô, quay, quay mãi, 'ma bao túc, bao túc ma hoàn' và đến khi cối xay dừng lại thì 'lô dĩ hồng', lò đã rực hồng, tức trời tối, trời tối thì lò rực lên."

Hình ảnh đa nghĩa "lò than rực hồng", đó là màu hồng của lò than, là sắc hồng từ gương mặt trẻ trung của thiếu nữ miền sơn cước hay là sắc hồng của tâm hồn lạc quan, của trái tim nhân ái ở người tù cách mạng. Chữ "hồng" có thể xem là nhãn tự của bài thơ. Chỉ một chữ "hồng" nhưng đã mang đến hơi ấm cho cả bài thơ, xua đi cái nặng nhọc trong từng bước quay đều đều của người thiếu nữ đang xay ngô tối. Đồng thời bản thân chữ "hồng" trong nguyên tác đã chứa ánh lửa rực rỡ và chính ánh lửa đó đã tạo ra sức sống cho cả bài thơ. 

"Chiều tối" - một bài thơ mang màu sắc cổ điển nhưng lại được kết hợp khéo léo vẻ đẹp hiện đại mang đậm nét sáng tạo của riêng tác giả. Tứ thơ vận động từ cảnh đến tình, từ trong bóng tối đến đến ánh sáng và tương lai. Nét vẽ tinh tế, thể hiện một hồn thơ "bát ngát tình". Bài thơ thấm đượm một tình yêu mênh mông đối với tạo vật và con người. Trong đoạ đầy gian khổ, tâm hồn Bác vẫn dào dạt sự sống, tin tưởng vào tương lai.Không cần phải lên giọng thép , nói chuyện thép nhưng thơ Bác vẫn ngập tràn tinh thần thép, sức chiến đấu của người tù cộng sản mà không một nhà tù nhà lao nào có thể giam giữ được.

Thành công của bài thơ chính là yếu tố cổ điển kết hợp với hiện đại, giữa tâm hồn thi sĩ với tinh thần thép của người tù cách mạng. bài thơ đã làm người đọc xúc động trước tình cảm nhân ái của người tù chiến sĩ cộng sản Hồ Chí MInh dù trong hoàn cảnh gông cùm xiềng xích nơi đất khách quê người nhưng Người vẫn vượt lên trên sự khổ đau để đưa đến cho người đọc những vần thơ tuyệt bút. XIn mượn bốn câu thơ của Tố Hữu thay cho lời kết.

"Lại thương nỗi đày đọa thân Bác

Mười bốn trăng tê tái gông cùm

Ôi chân yếu mắt mờ tóc bạc

Mà thơ bay cách hạc ung dung"

You've reached the end of published parts.

⏰ Last updated: Jun 14, 2020 ⏰

Add this story to your Library to get notified about new parts!

Phân tích Văn họcWhere stories live. Discover now