Lĩnh Nam Chích Quái - Tỳ Sa Môn Thiên Vương - 1447

299 2 0
                                    


Theo sách Thiền Uyển Tập Anh (1), xưa vào thời vua Lê Đại Hành, nước Đại Việt (2) có đại sư họ Ngô (3), thường đến chơi ở núi Vệ Linh thuộc làng Bình Lỗ. Sư thích phong cảnh yên tĩnh ở đây, nên dựng am để ở. Đêm đến canh ba, mơ thấy thần nhân, mình mặc giáp vàng, tay trái cầm giáo vàng, tay phải cầm mác quý, hình dạng trông khủng khiếp, theo sau hầu có tới hơn mười người. Thần nhân nói với sư nước Cự Việt rằng: "Ta là Quỷ Sa Môn Thiên Vương, bọn đi theo hầu đều là quỷ Dạ Xoa cả. Thượng Đế có lệnh, sai ta đến thăm đất nước Nam này để bảo vệ dân chúng ở đây. Vì có duyên với nhà ngươi nên đến bảo cho ngươi biết". Sư cả sợ tỉnh dậy, lát sau nghe trên núi có tiếng quát tháo, sư rất sợ sệt. Đến sáng, sư vào trong núi thấy cây lớn, cành lá um tùm, có mây lành phủ bóng ở bên trên, liền sai thợ chặt cây đó, chạm khắc làm tượng giống như hình thần nhân trong giấc mơ, rồi lập miếu để cúng thờ.

Năm Thiên Phúc thứ nhất, quân Tống sang cướp phá (4). Nhà vua có nghe tâu về việc thần nhân thác mộng nên ngự đến miếu thờ thành khẩn cầu khẩn. Khi ấy, quân Tống đóng ở Tây Kết, quân hai bên chưa giao chiến. Quân Tống bỗng thấy một người nhô lên từ trên sóng, mình cao mười trượng, tóc dựng đứng, mắt trợn trừng sáng quắc. Quân Tống kinh sợ, lui giữ Kỳ Giang, lại gặp gió bão, sóng nước mênh mông cuồn cuộn, rắn rít, thuồng luồng, rùa, ba ba nhảy vọt lạ thường, quân Tống kinh hồn tán loạn, Tướng Tống là Quách Tiến phải nhổ trại rút quân về nước Lý.

Vua ban sắc thưởng sự linh dị của thần nhân, xây đền miếu để thờ phụng.

Có thể rằng thần chính là Đổng Thiên Vương sau khi quét sạch giặc Ân, cưỡi ngựa về đến chỗ cây đa trên núi Vệ Linh. Hễ có việc gì cần cầu khẩn, thì chỉ dùng trà bánh, hoa quả và đồ chay thôi là đủ (5). Đến đời Lý, vua cho người đến cầu xin dựng miếu thờ phụng ở phía đông hồ Tây, tôn thần làm Phúc Thần Đại Vương, được ghi rõ trong các buổi lễ cúng tế.

Chú thích:

1) Thiền Uyển Tập Anh, sách viết bằng chữ Hán, có nghĩa là "Vườn thiền anh tú" viết theo lối truyện ký. Theo Lê Quí Đôn sách này do người đời Trần soạn, ghi chép sự tích cao tăng nước ta, từ đời Đường, Tống, qua Đinh, Lê, Lý, Trần. Bản xưa nhất còn lại là bản khắc lại vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).

2) Đại Việt: Nguyên chữ Cự Việt quốc 巨越國, Cự nghĩa là Lớn, Đại.

3) Chỉ đại sư Khuông Việt (匡越, 933-1011) tên là Ngô Chân Lưu (吳真流), tu chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, Thường Lạc. Sư là người Cát Lợi, thuộc đời thứ 4, dòng Vô Ngôn Thông. Đại sư Khuông Việt là vị Tăng Thống đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

4) Việt Sử Lược chép: Năm Tân Tỵ, Thiên Phúc năm thứ nhất (981), mùa xuân, tháng 3, quân Hầu Nhân Bảo kéo sang Lạng Sơn. Trần Khâm Tộ tiến đến Tây Kết, Lưu Trừng kéo tới Bạch Đằng. Vua tự làm tướng, đem quân ra chống cự, cho cắm cọc cứng dưới sông. Quân Tống rút về giữ mặt Ninh Giang. Vua sai người trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo. Quân Tống thua trận, Hầu Nhân Bảo bị bắt và bị chém đầu. Bọn Trần Khâm Tộ nghe tin bại trận, phải rút lui. (Nguyễn Hữu Vinh dịch)

5) Bản VHV 1473 chép rằng: Đổng Thiên Vương sau khi quét sạch giặc Ân, cưỡi ngựa sắt về đến núi Vệ Linh, đến chỗ cây đa bay lên trời đi mất, để lại áo dưới gốc cây, cho đến bây giờ người đời còn gọi là "Cây thay áo". Hễ có việc gì cần cầu khẩn, thì chỉ dùng trà bánh, hoa quả và đồ chay thôi là đủ.

Tuyển tập truyện quái dị của các nhà văn Việt Nam nổi tiếng Where stories live. Discover now