17.29. CUỘC "BẮC PHẠT" CỦA HÀN THÁC TRỤ

10 0 0
                                    

Triều đình Nam Tống đến đời Tống Hiếu Tông về đối ngoại chịu đầu hàng nhục nhã, về đối nội cũng ngày càng hủ bại. Một số triều thần thấy Hoàng thượng chỉ biết hưởng lạc, không quan tâm tới chính sự bèn kết đảng nhằm tranh quyền đoạt lợi, thậm chí đến mức muốn thay cả Hoàng đế để tự mình nắm lấy chính quyền. Tống Hiếu Tông đã sớm đem ngôi báu trao cho con trai là Quang Tông, còn mình làm Thái thượng hoàng suốt 5 năm. Sau khi vua cha chết, Quang Tông chỉ nằm dài trong nội cung, đến việc tang cũng chẳng lo lắng. Đại thần Triệu Nhữ Ngu nảy sinh ý phế truất Quang Tông, lập Thái tử Triệu Khoáng lên làm Hoàng đế.

Triệu Nhữ Ngu tìm đến nhà một đại thần là Hàn Thác Trụ, bảo ông ta vào nội cung bẩm báo với Thái hậu, nhờ Thái hậu ra mặt lập Triệu Khoáng làm Hoàng đế. Hàn Thác Trụ là cháu ngoại của Thái hậu, cháu gái ông ta lại là phi của Triệu Khoáng, do mối quan hệ ấy, việc chuẩn bị lật đổ ngôi Hoàng đế rất nhanh chóng được tiến hành.

Đến hôm tế Hiếu Tông, ngoài tang phục, bọn Triệu Nhữ Ngu cho người vây chặt Hoàng cung, để Triệu Khoáng xuất hiện chủ trì việc tế lễ, lại nhờ Thái hậu ngồi buông rèm phía sau làm hậu thuẫn. Buổi tế lễ kết thúc, Triệu Nhữ Ngu giả truyền Thánh chỉ trước mọi người, nói Hoàng thượng tuyên bố thoái vị, nghi thức lên ngôi cho Triệu Khoáng do Thái hậu chủ trì diễn ra. Sau đó, Triệu Khoáng được mang áo hoàng bào của Hoàng đế, trở thành Tống Ninh Tông.

Tống Quang Tông là kẻ ngốc nghếch chẳng nói làm gì, Triệu Khoáng cũng không được chuẩn bị lên ngôi vua, cho nên triều chính lập tức do những nguời đã lập Ninh Tông lên ngôi quyết định. Khi ủng hộ Ninh Tông, Triệu Nhữ Ngu và Hàn Thác Trụ đồng tâm nhất chí, nhưng giờ đây, việc lớn đã thành, mâu thuẫn giữa hai nguời càng trở nên sâu sắc.

Cháu gái của Hàn Thác Trụ đang là Hàn Hoàng hậu, ông ta coi đó là chỗ dựa vững chắc lại cho rằng mình có công lớn nhất trong việc lập Ninh Tông nên dần dần không coi Triệu Nhữ Ngu ra gì. Trong triều, ông ta hoa tay múa chân, việc do Tể tướng toàn quyền xử lý ông ta cũng nhúng tay vào. Cuối cùng, ông ta hoàn toàn trở mặt với Triệu Nhữ Ngu.

Về thủ đoạn đấu tranh chính trị, Hàn Thác Trụ là tay cáo già. Ông ta tập hợp tất cả những nguời phản đối Triệu Nhữ Ngu, ngược lại, phao tin Triệu Nhữ Ngu kết bè kết đảng mưu lợi riêng, hai lòng với Ninh Tông. Nghe tin ấy, Triệu Nhữ Ngu vội tìm Ninh Tông để thanh minh, nhưng Ninh Tông lại đứng về phía Hàn Thác Trụ, tin vào lời vu cáo Triệu Nhữ Ngu mưu phản nên giáng chức Triệu Nhữ Ngu, biếm làm Tiết độ sứ ở Ninh Viễn, rồi an trí ở Vĩnh Châu, Hồ Nam. Hàn Thác Trụ vẫn chưa buông tha, còn cho nguời báo cho các quan viên để sỉ nhục Triệu Nhữ Ngu. Triệu Nhữ Ngu uất ức mà mang bệnh, không lâu sau thì chết.

Diệt được kẻ thù mạnh nhất, từ đó, Hàn Thác Trụ có thể "nhất hô bá ứng", đâu ngờ, trong triều, những nguời hận ông ta còn rất nhiều. Vì thế, để thanh toán, ông ta cùng với những kẻ thân tín bài xích "Ngụy học".

Lúc đó, "Lý học" của Nho gia đã tương đối thịnh hành. Ninh Tông thăng Đại sư Lý học là Chu Hy làm Thị giảng (2), vào Hoàng cung giảng dạy. Chu Hy muốn mượn cơ hội dạy học công kích Hàn Thác Trụ chỉ vì tư lợi, làm mọi việc trái với Thiên lý. Nghe được, Hàn Thác Trụ nổi giận, gán cho Chu Hy tội danh "Ngụy học tội thủ", đuổi ra khỏi Hoàng cung. Sau đó, hễ là những nguời không được lòng Hàn Thác Trụ đều bị gán cho tội thuộc đảng "Ngụy học" rồi biếm quan lưu đày, thậm chí có thể tống ngục rồi giết hại. Việc này xảy ra trong những năm Khánh Nguyên của Ninh Tông, nên lịch sử gọi là "Khánh Nguyên đảng cấm".

Trung Quốc thông sửWhere stories live. Discover now