kinh tế trang trại

1.9K 0 0
                                    

Ông Nguyễn Thọ Cảnh - Giám đốc Sở Nông Nghiệp & PTNT, trả lời phỏng vấn báo Nghệ An

Ông đánh giá khái quát về hiệu quả kinh tế trang trại của Nghệ An hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Thọ Cảnh: Như chúng ta đã biết, kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, gắn với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản.

Tại tỉnh ta sau khi có Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại, đến nay kinh tế trang trại tỉnh ta đã phát triển nhanh cả số lượng, quy mô lẫn chất lượng. Từ 178 trang trại năm 2002, đến nay toàn tỉnh thành lập được trên 2.200 trang trại, đủ tiêu chí theo Thông tư số 69/2000/TTLT-BNN-TCTK ngày 23/6/2000 của liên bộ Nông nghiệp, Tổng cục Thống kê.

Kinh tế trang trại phát triển đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai (nhất là đất trống đồi núi trọc, vùng nuớc mặn, lợ, đất hoang hoá), vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý; góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện tại các trang trại đã sử dụng có hiệu quả 12 nghìn ha đất nông, lâm nghiệp.

Trong những năm qua các trang trại đã đáp ứng từ 1/3 đến 1/2 nguyên liệu cho các nhà máy chế biến như: mía, dứa, sắn, cao su. Các trang trại chăn nuôi gia cầm, tôm đáp ứng 100% nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đông lạnh

Quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp để phát triển kinh tế trang trại gắn liền với quá trình phân công lại lao động từ nông nghiệp chuyển sang lao động phi nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bình quân mỗi trang trại sử dụng 4,3 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ thì các trang trại đã tạo thêm gần 20 nghìn lao động cho khu vực nông thôn.

PV: Để xây dựng mô hình kinh tế trang trại hiệu quả mang tính bền vững, tỉnh ta đang gặp những khó khăn hạn chế, thuận lợi gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thọ Cảnh: Kinh tế trang trại là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, phát triển trang trại bền vững là một yêu cầu mang tính bắt buộc đối với mỗi địa phương, trong đó có tỉnh ta. Song quá trình này sẽ gặp phải những khó khăn hạn chế và thuận lợi sau:

Thuận lợi: Đảng ta đã có Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Chính phủ có chủ trương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh đã ban hành đề án: Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2007-2015 tại Quyết định số 4497/QĐ-UBND ngày 07/11/2007.

UBND tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và thuỷ sản. Trong đó có chính sách phát triển Kinh tế trang trại (tại Khoản 3 Điều 27, Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 20/1/2010 quy định thành lập 1 trang trại ngân sách hỗ trợ 20 triệu đồng). Ngoài ra còn được hưởng chính sách trợ giá giống, vật tư, máy móc... Nông dân cần cù lao động, nhiều chủ trang trại đã có kinh nghiệm quản lý kinh tế trang trại trong cơ chế thị trường.

Khó khăn, hạn chế: Trang trại phát triển chưa theo quy hoạch, còn mang tính tự phát nên nhiều nơi không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Quỹ đất của tỉnh phân tán sau khi thực hiện việc giao đất theo Nghị định 64/NĐ-CP và Nghị định 85/NĐ-CP. Hạn điền thấp mà Luật Đất đai chưa được sửa đổi. Việc giao đất theo Nghị định 64 và Nghị định 85 đến năm 2013 là hết hạn, nhưng hiện nay Nhà nước chưa có ý kiến dứt khoát về phương thức sau đó, nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư. Quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chậm, nhiều nơi người dân không còn nhu cầu làm ruộng, song cũng không muốn trả đất hoặc bán giá trị quyền sử dụng đất cho người khác vì còn phân vân giá đất nông nghiệp quá rẻ.

Mặc dù Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Nghị quyết số02/NQ-TU về chuyển đổi ruộng đất, song đến nay số thửa/hộ còn cao (3-5 thửa) và diện tích đất/thửa còn manh mún, chưa đảm bảo để phát triển trang trại. Việc vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế trang trạị tại các tổ chức tín dụng còn khó khăn, mức vốn được vay còn quy định quá thấp (không quá 500 triệu đồng/trang trại). Tiêu thụ sản phẩm cho trang trại còn nan giải, giá cả không ổn định, trong lúc giá giống, vật tư đầu vào liên tục tăng. Những năm qua dịch bệnh, lụt bão thường xuyên xẩy ra làm cho nhiều trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản thua lỗ, hạn chế nhiều đến đầu tư phát triển.

PV: Áp dụng Thông tư 27/2011/TT-BNN&PTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp &PTNT về tiêu chí trang trại mới, trên địa bàn tỉnh ta sẽ có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trang trại như thế nào, xin ông cho biết?

Ông Nguyễn Thọ Cảnh: Theo thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp - PTNT thì đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp phải đạt: diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu: 2,1 ha: Giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên.

Đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng /năm trở lên. Khi thực hiện Thông tư 27, các địa phương phải tổ chức rà soát đánh giá lại tất cả các trang trại theo tiêu chí mới để thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại cũ và cấp lại giấy chứng nhận kinh tế trang trại mới cho các chủ trang trại đạt tiêu chí mới.

Tiêu chí mới cao cả về diện tích đất, giá trị sản lượng hàng hoá, trong lúc đó đất đai của các địa phương là có hạn và đã có chủ nên việc tích tụ ruộng đất để phát triển trang trại lại càng khó khăn. Nhiều trang trại trước đây được vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển, nay không còn đủ tiêu chí nên không được vay vốn tiếp sẽ ảnh hướng lớn đến kết quả sản xuất của trang trại và có thể một số chủ trang trại sẽ bỏ hoang đất hoặc quảng canh.

Song về mặt tích cực và lâu dài thì sẽ có một số chủ trang trại có điều kiện về vốn, lao động tích tụ thêm ruộng đất để sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hoá và sức cạnh tranh trên thị trường cao hơn. Tạo điều kiện thuận lợi để đưa công nghệ cao vào quá trình sản xuất tại các trang trại.

PV: Kế hoạch phát triển Kinh tế trang trại của tỉnh ta từ nay đến năm 2020 là gì, thưa ông?

 Ông Nguyễn Thọ Cảnh: Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã rà soát lại toàn bộ trang trại theo Thông tư số 27/TT-BNN&PTNT để cấp Giấy chứng nhận Kinh tế trang trại mới cho chủ trang trại. Cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo các địa phương quy hoạch lại đất đai cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản có mức độ ô nhiễm cao phải quy hoạch xa khu dân cư. Vận động nông dân thực hiện triệt để việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi, chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất để tích tụ đất đai phát triển kinh tế trang trại.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại theo Quyết định 10/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Hỗ trợ trang trại tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, để tăng cường lượng tiêu thụ hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản. Thực hiện việc bảo hiểm nông nghiệp theo chương trình thí điểm của Nhà nước để nhân ra diện rộng.

Nâng cao trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cho chủ trang trại, triển khai thực hiện việc sản xuất công nghệ cao tại các trang trại. Kết hợp hài hoà giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo địa bàn và quy hoạch lại các nhà máy chế biến gắn với nguồn nguyên liệu. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý cho chủ trang trại và tay nghề cho người lao động trong các trang trại, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đạt tiêu chuẩn đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chủ động hội nhập.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: May 22, 2012 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

kinh tế trang trạiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ