tieu thuyet hay

3.3K 8 0
                                    

Hoàng Quốc Hải

BÃO TÁP CUNG ĐÌNH

Tựa

Tôi vốn không có ý định viết gì thêm ngoài những gì đã được trình bày trong sách. Bởi tất cả những ý đồ nghệ thuật, người viết đều bày xếp trong đó cả. Cho nên khi sách đã in rồi, nếu dở cũng không có cách gì biện bác để trở thành hay được. Nếu nó quả thực đã xuôi tai người đọc, hà tất phải dài dòng thêm nữa.

Thế nhưng cứ sau mỗi lần tái bản thì từ các bậc cao niên vào hàng túc nho, cũng nhưng các bậc thiện trí thức ưu thời mẫn thế, đều khích lệ tôi nên hé lộ cho độc giả biết, vì sao tôi viết tiểu thuyết lịch sử. Lại vì sao tôi chọn nhà Trần để viết. Và vì sao tôi không viết theo lối thông sử, lại cắt ngang lịch sử, chọn những thời điểm gay cấn nhất để làm nền cho cốt truyện. Và nữa, các độc giả ít tuổi thì hỏi tôi lấy tài liệu lịch sử ở đâu mà phong phú thế. Tại sao tôi có thể am hiểu đời sống chính trị xã hội cách đây tới bảy, tám trăm năm để có thể tạo dựng lên được gương mặt xã hội thời đó. Tại sao tôi lại biết được cả y phục, ngôn ngữ và phong tục, tập quán thời đó để mô tả… Với các độc giả trong quân đội, khi đọc “Thăng Long nổi giận” thì hỏi tôi dựa vào đâu để có thể dựng lại được cả một mặt trận quy mô như thế. Và với tất cả những mưu mô ác độc của quân thù cũng được phơi bày. Vân vân và v.v…

Vâng, những câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng đó lại là một kho vốn liếng cho bất cứ một văn nghiệp nào.

Trước khi tường giải, mong bạn đọc hiểu cho: Sức người có hạn, dù lao động chân tay hay trí óc cũng vậy thôi. Tôi vốn không phải người giỏi giang uyên bác gì. Chẳng qua chỉ chịu khó học và hỏi, rồi tích lũy những điều mình đã học đã hỏi được mà cảm thấy có ích vào một kho chứa, nhưng có thể lấy nó ra dùng bất cứ lúc nào. Vậy là vốn liếng tôi đều vay mượn của thiên hạ.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, phải chăng đây là một duyên nghiệp mà định mệnh đã ưu ái ban cho. Và những gì thuộc về huyền linh vô thức đều do định mệnh chi phối, chứ thực quả tôi cũng không có làm gì hơn một tên “phu chữ”.

Tôi xin được phép không đi vào giải đáp lần lượt từng câu hỏi một, mà chỉ xin bày tỏ đôi điều. Và tin chắc sẽ không làm hài lòng tất thảy quý vị độc giả.

Xin thưa, khi đã viết được văn in báo, in sách, thậm chí tới 5 - 6 đầu sách, tôi vẫn chưa dám nghĩ tới việc viết tiểu thuyết lịch sử. Mặt dù tuổi thơ tôi rất hiếu đọc, đặc biệt là các loại tiểu thuyết lịch sử của cả trong nước và ngoài nước. Các truyện nôm khuyết danh tôi không bỏ cuốn nào, và thuộc khá nhiều. Loại truyện danh nhân văn hóa, hoặc tiểu sử các nhà khoa học cũng nằm trong sưu tập của tôi.

Khi lớn lên, tôi tìm đến các bộ lịch sử như: “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn, “Việt sử tiêu án” của Ngô Thời Sỹ, “Lịch triều hiến chương” của Phan Huy Chú, “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên v.v…

Đọc chính sử đối chiếu với các tiểu thuyết lịch sử của các nhà từ “Hoàng Lê nhất thống chí” của văn phái họ Ngô, tiếp đến các nhà văn cận hiện đại như Nguyễn Triệu Luật, Ngô Tất Tố, Phan Trần Chúc, Lan Khai, Trúc Khê Ngô Vân Triện, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Thanh Mại và sau này là Chu Thiên, Nguyên Hồng, Hoàng Yến, Quỳnh Cư, Thái Vũ, Hoài Anh…

tieu thuyet hayWhere stories live. Discover now