miren trình bày các quy luật của tri giác và nêu ý nghĩa

23.7K 11 4
                                    

Tri giác là một quá trình tâm lý phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng đang trực tiếp tác động vào các giác quan của ta.
* Đặc điểm cơ bản của tri giác:
Tri giác được hình thành và phát triển trên cơ sở những cảm giác, nhưng tri giác không phải là phép cộng đơn giản của các cảm giác, mà là sự phản ánh cao hơn so với cảm giác. Tri giác có những đặc điểm giống với cảm giác như:
- Là một quá trình tâm lý, có nảy sinh, diễn biến và kết thúc.
- Phản ánh thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng.
- Phản ánh hiện thực khách quan một cách trực tiếp (đang tác động).
Tuy vậy tri giác có những đặc điểm nổi bật như:
- Tính trọn vẹn: Tri giác phản ánh sự vật, hiện tượng một cách trọn vẹn, đem lại cho ta một hình ảnh hoàn chỉnh về một sự vật, hiện tượng. Tính trọn vẹn của tri giác do tính trọn vẹn khách quan của bản thân sự vật, hiện tượng quy định. Trên cơ sở kinh nghiệm, hiểu biết của mình, chỉ cần tri giác một số thành phần riêng lẻ của sự vật ta cũng có thể tổng hợp được các thành phần riêng lẻ đó tạo nên hình ảnh trọn vẹn của sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: trong trò chơi nốt nhạc vui, thí sinh chỉ cần nghe vài nốt nhạc cũng có thể đoán được tên bài hát.
- Tính kết cấu: Tri giác phản ánh sự vật, hiện tượng theo những cấu trúc nhất định. Cấu trúc này không phải tổng số các cảm giác, mà là sự khái quát đã được trừu xuất từ các cảm giác đó trong mối liên hệ qua lại giữa các thành phần của cấu trúc ấy trong suốt một khoảng thời gian nào đó. Sự phản ánh này không phải đã có từ trước mà nó diễn ra trong quá trình tri giác.
Ví dụ: Người nước ngoài muốn hiểu được người Việt Nam nói gì phải học tiếng Việt Nam theo cấu trúc ngữ pháp, hệ thống phân loại từ vựng của Việt Nam → khi ta tri giác ngôn ngữ của người khác mà hiểu được là vì các từ của họ phát ra nằm trong một cấu trúc nhất định, với những mối liên hệ qua lại xác định giữa các thành phần của cấu trúc ấy.
- Tính tích cực: tri giác là một quá trình tích cực, gắn liền với hoạt động của con người. Tri giác mang tính tự giác, giải quyết một nhiệm vụ nhận thức cụ thể nào đó, là một hành động tích cực trong đó có sự kết hợp chặt chẽ của các yếu tố cảm giác và vận động.

Các quy luật của tri giác
1 Quy luật về tính đối tượng của tri giác
- Hình ảnh trực quan mà tri giác đem lại bao giờ cũng thuộc về một sự vật, hiện tượng của thế giới bên ngoài. Tính đối tượng của tri giác nói lên sự phản ánh hiện thực khách quan chân thực của tri giác và nó được hình thành do sự tác động của sự vật, hiện tượng xung quanh vào giác quan con người trong hoạt động.
- Tính đối tượng của tri giác có vai trò quan trọng: nó là cơ sở của chức năng định hướng cho hành vi và hoạt động của con người.
Ví dụ: trẻ nhỏ nhận thức được sự vật tồn tại độc lập với cơ quan cảm giác, trong giai đoạn hành động với đồ vật, trẻ phát triển các chức năng tâm lý mới: biết cách sử dụng đồ vật, hoạt động có mục đích, sử dụng đồ vật theo những mục đích xác định.

2 Quy luật về tính lựa chọn của tri giác
- Tri giác của con người không thể đồng thời phản ánh tất cả các sự vật, hiện tượng đang tác động, mà chỉ tách đối tượng ra khỏi bối cảnh (tách vật nào đó ra khỏi các vật xung quanh). Khả năng của con người chỉ tri giác một vài đối tượng nào đó trong vô số những sự vật, hiện tượng xung quanh gọi là tính lựa chọn của tri giác.
- Tính lựa chọn của tri giác biểu hiện thái độ tích cực của con người, nhằm tăng hiệu quả của tri giác. Thực chất của quá trình tri giác là quá trình tách đối tượng ra khỏi bối cảnh. Vì thế đối tượng càng khác biệt so với bối cảnh thì quá trình tri giác xảy ra một cách nhanh chóng và dễ dàng, ngược lại đối tượng càng giống với bối cảnh thì tri giác xảy ra một cách khó khăn.
- Sự lựa chọn trong tri giác không có tính chất cố định, vai trò của đối tượng và bối cảnh có thể thay đổi cho nhau, tùy thuộc vào mục đích cá nhân và điều kiện xung quanh khi tri giác.
Ví dụ: sự tri giác những bức tranh hai nghĩa
- Tính lựa chọn của tri giác phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan:
+ Yếu tố khách quan: những đặc điểm của kích thích (cường độ, nhịp độ vận động, sự tương phản ...), đặc điểm của các điều kiện bên ngoài khác (khoảng cách từ vật đến ta, độ chiếu sáng của vật ...), sự tác động bằng ngôn ngữ của người khác.
Ví dụ: hoạt động quảng cáo, nghệ thuật bán hàng dựa trên đặc điểm khách quan này để thu hút sự tri giác không chủ định của khách hàng.
+ Yếu tố chủ quan: tình cảm, xu hướng, nhu cầu, hứng thú, kinh nghiệm, tính chất nghề nghiệp ...
Ví dụ: hoạt động kinh doanh, quảng cáo phải chú ý những đặc điểm này của khách hàng để tạo ra sản phẩm phù hợp

3 Quy luật về tính có ý nghĩa của tri giác
- Khi tri giác sự vật, hiện tượng con người không chỉ tạo ra hình ảnh trọn vẹn mà còn có khả năng gọi tên được sự vật, hiện tượng ở trong óc, hoặc xếp được sự vật đang tri giác vào một nhóm đối tượng cùng loại, hoặc chỉ ra được cùng dạng, ý nghĩa, công dụng của sự vật, hiện tượng đối với hoạt động của bản thân. Ngay cả khi nhìn thấy một sự vật, hiện tượng chưa quen biết, ta cũng cố ghi nhận trong nó một sự giống nhau nào đó với những sự vật, hiện tượng đã quen biết, xếp nó vào một nhóm nào đó.
- Tính ý nghĩa của tri giác có quan hệ chặt chẽ với tính trọn vẹn: tri giác càng đầy đủ các thuộc tính, các bộ phận của sự vật, hiện tượng thì việc gọi tên hoặc chỉ ra được công dụng, ý nghĩa của sự vật, hiện tượng càng cụ thể và chính xác.
- Như vậy tri giác là một quá trình tích cực, trong đó con người tiến hành nhiều hành động trí tuệ (phân tích, so sánh, tổng hợp ... ) để hình thành một hình ảnh tương ứng về sự vật. Tính có ý nghĩa của tri giác phụ thuộc vào vốn kiến thức, vốn kinh nghiệm, khả năng ngôn ngữ và tư duy của chủ thể.

4 Quy luật về tính ổn định của tri giác
- Tính ổn định của tri giác là khả năng phản ánh tương đối ổn định về sự vật, hiện tượng nào đó khi điều kiện tri giác thay đổi.
- Điều kiện tri giác là vị trí của vật so với chủ thể, đó là độ chiếu sáng, góc độ chiếu sáng vào chủ thể ... Tất cả những cái đó luôn luôn thay đổi, nhưng con người vẫn có khả năng tri giác sự vật xung quanh như là những sự vật ổn định về hình dạng, kích thước, màu sắc ...
Ví dụ: trước mặt ta là một em bé, đằng xa phía sau là người mẹ. Trên võng mạc ta, hình ảnh đứa bé lớn hơn hình ảnh người mẹ nhưng ta vẫn tri giác người mẹ lớn hơn đứa trẻ.
- Tính ổn định của tri giác thể hiện rõ trong trường hợp tri giác về độ lớn, hình dạng, màu sắc của đối tượng. Tính ổn định của tri giác phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
+ Cấu trúc tương đối ổn định của sự vật trong một thời gian, thời điểm nhất định.
+ Cơ chế tự điều chỉnh đặc biệt của hệ thần kinh dựa trên mối liên hệ ngược do vốn kinh nghiệm phong phú của con người tạo nên.

5 Quy luật tổng giác
- Hình ảnh tri giác không chỉ phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của vật kích thích mà còn phụ thuộc vào bản thân chủ thể tri giác. Khi tri giác, con người không chỉ phản ánh thế giới bằng những giác quan cụ thể mà bằng toàn bộ hoạt động của chủ thể.
→ Tri giác thế giới không có nghĩa là “chụp ảnh” thế giới một cách trực tiếp, mà là phản ánh thế giới thông qua “lăng kính” đời sống tâm lý của chủ thể
- Sự phụ thuộc của hình ảnh tri giác vào nội dung của đời sống tâm lý con người, vào đặc điểm tâm lý nhân cách của họ được gọi là hiện tượng tổng giác.
Ví dụ: Sự tri giác cùng một đối tượng của nhiều người thường không giống nhau do họ có mục đích, nhu cầu, hứng thú, tình cảm, kinh nghiệm, tâm thế khác nhau ... : Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Nguyễn Du)

6 .Ảo ảnh tri giác
- Ảo ảnh tri giác là sự phản ánh sai lệch các sự vật, hiện tượng một cách khách quan của con người.
- Ảo ảnh là một hiện tượng có quy luật, xảy ra ở tất cả mọi người và có ở tất cả các loại tri giác, do ba nhóm nguyên nhân chính sau:
+ Nguyên nhân vật lý (do khúc xạ ánh sáng ...)
+ Nguyên nhân sinh lý (mức độ tiêu hao năng lượng thần kinh, hay độ căng thẳng cơ bắp khác nhau)
+ Nguyên nhân tâm lý (do sự chi phối của quy luật trọn vẹn của tri giác, hay sự tương phản của cảm giác ...)
→ Áp dụng hiện tượng ảo ảnh tri giác trong nghệ thuật quảng cáo, hội họa, trang trí, trang điểm hóa trang cho diễn viên khi lên sân khấu, nghệ thuật bán hàn.
Cần phân biệt hiện tượng ảo ảnh với ảo giác. Ảo ảnh là hiện tượng xảy ra ở tất cả những người bình thường. Còn ảo giác là hiện tượng bệnh lý – xuất hiện trong đầu những hình ảnh không có trong thực tế.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: May 25, 2011 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

miren trình bày các quy luật của tri giác và nêu ý nghĩaNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ