Hôn Nhân Không Thể Thiếu Tình Yêu

592 3 0
                                    

Nguyễn Vạn Lý

Hôn Nhân Không Thể Thiếu Tình Yêu



Tôi sinh năm 1949, năm thành lập nước cộng hòa Trung Hoa. Một nước cộng hòa ba mươi tuổi thì còn quá trẻ, nhưng một người đàn bà ba mươi tuổi thì đã quá trễ để có thể lấy chồng.

Tuy thế tôi cũng có một người theo đuổi hết lòng. Bạn có bao giờ trông thấy bức tượng “Lực sĩ ném đĩa” của điêu khắc gia Hy lạp danh tiếng Myron chưa? Kiều Lâm trông y hệt bức tượng ấy. Ngay cả quần áo độn bông của mùa lạnh cũng không che giấu được những đường nét tuyệt đẹp của thân thể chàng. Khuôn mặt chàng ngăm đen, nhưng sóng mũi và miệng nổi bật đường nét. Chàng có cặp mắt to dài dưới vầng trán rộng. Chỉ cần nhìn mặt và thân thể chàng là nhiều bà nhiều cô đã phải mê thích rồi.

Nhưng điều lạ lùng là chính tôi là người còn lưỡng lự chưa muốn kết duyên với chàng, bởi vì tôi chưa rõ tại sao tôi yêu chàng và tại sao chàng yêu tôi.

Tôi biết có nhiều người bàn tán sau lưng tôi. “Cô ả là cái gì mà làm cao, còn muốn ai hơn nữa?” Trong mắt họ, tôi là một kẻ chẳng có gì nhưng cố làm ra vẻ cao giá để kén cá chọn canh. Ðiều này làm họ tức giận như thể tôi làm một việc gì vô luân và xúc phạm.

Dĩ nhiên tôi không trách họ được. Trong một xã hội vẫn còn sự mua bán thì hôn nhân vẫn còn được coi như một sự trao đổi hàng hóa.

Kiều Lâm và tôi quen nhau gần hai năm rồi, nhưng tôi vẫn không hiểu được sự im lặng ít nói của chàng. Có phải chàng không thích nói chuyện hay không có gì để nói? Mỗi khi tôi muốn thử nghiệm sự thông minh bằng cách bắt chàng phải cho ý kiến về một điều gì đó, thì chàng chỉ dùng mấy chữ dơn sơ của bậc tiểu học, như “Tốt” hoặc “Không tốt”. Tất cả dường như được phân chia làm hai loại này mà thôi, không bao giờ thay đổi.

Một lần tôi hỏi chàng, “Kiều Lâm, tại sao anh yêu tôi?” Chàng suy nghĩ rất lâu, và từ những đường nhăn trên trán, tôi biết các tế bào bên trong cái đầu đẹp đẽ của chàng đã phải làm việc khẩn trương. Tôi không thể không ân hận và tội nghiệp chàng, như thể tôi đã phạm một lỗi lầm khi đặt câu hỏi này cho chàng.

Cuối cùng chàng ngẩng lên với đôi mắt trong sáng, ngây thơ như mắt trẻ, và nói, “Bởi vì cô tốt.”

Trong tim tôi là một nỗi cơ đơn sâu xa khi tôi nói, “Kiều Lâm, cám ơn anh.”

Tôi không thể không tự hỏi, khi chàng và tôi thành chồng vợ, liệu chúng tôi có thể hoàn thành bổn phận đối với nhau không. Có lẽ chúng tôi có thể, bởi vì luật lệ và luân lý sẽ trói buộc chúng tôi với nhau. Nhưng thực là buồn biết bao nếu chúng tôi chỉ cần làm đúng bổn phận luật pháp và đạo đức! Không còn cái gì tốt đẹp hơn, bền chặt hơn là luật pháp và luân lý kết hợp chúng tôi hay sao? Bất cứ khi nào nghĩ đến chuyện này, tôi có cảm tưởng là tôi không còn là một người đàn bà sắp sửa kết hôn, mà chỉ là một nhà xã hội học già chỉ biết sách vở.

Có lẽ tôi không nên bận tâm suy nghĩ về chuyện này. Chúng tôi có thể sống như mọi người, sinh con và ở với nhau, tuyệt đối trung thành với nhau theo luật định. Ðừng bận tâm bây giờ là thế kỷ hai mươi - về điểm này chúng tôi có thể theo những gì người ta làm từ mấy ngàn năm nay: coi hôn nhân như là một phương tiện bảo tồn gia đình, hay là một sự trao đổi buôn bán trong đó tình yêu và hôn nhân hoàn toàn tách biệt nhau. Vì mọi người đi theo con đường này, tôi là gì mà dám đi ngược lại truyền thống?

Tôi thường tự hỏi nếu mẹ tôi còn sống, bà sẽ nói thế nào về lời cầu hôn của Kiều Lâm và lòng hoài nghi của tôi. Liệu Mẹ có muốn tôi chấp nhận Kiều Lâm không?

Tôi nghĩ đến Mẹ không phải vì Mẹ là một bà mẹ độc đoán, muốn chỉ huy cuộc đời tôi từ dưới mộ. Thực ra, Mẹ là một người bạn, một người tâm sự hơn là một người mẹ. Tôi nghĩ đến Mẹ bởi vì tôi yêu Mẹ vô cùng, và cảm thấy mất mát lớn lao khi tôi nghĩ rằng Mẹ đã ra đi vĩnh viễn rồi.

Mẹ không bao giờ thuyết giảng tôi. Mẹ thường dịu dàng nói với tôi bằng cái giọng trầm gần như đàn ông, về những thành công và thất bại trong đời, và để tôi tự khám phá ra, tôi cần gì từ kinh nghiệm của Mẹ. Tuy nhiên những thành công của Mẹ quá ít ỏi, và đời Mẹ chỉ toàn là thất bại. Trong những ngày cuối cùng trước khi chết, Mẹ dõi nhìn theo tôi bằng cặp mắt đẹp và nhạy cảm, như thể Mẹ đang ước tính cơ hội sống sót của tôi, và cũng dường như Mẹ có điều gì quan trọng muốn nói với tôi mà không thể quyết định có nên nói không. Mẹ có lẽ rất lo lắng khi tôi có vẻ vô tư lự! Một lần Mẹ buột miệng nói: “San San, nếu con không thể quyết định con muốn gì ở người đàn ông, mẹ nghĩ tốt hơn là nên ở giá còn hơn là lấy chồng một cách điên rồ.”

Người khác có thể cho rằng một bà mẹ nói như thế với con gái là một lỗi lầm, nhưng tôi cảm thấy Mẹ cho tôi một lời khuyên rất giá trị qua kinh nghiệm đau đớn của bà. Tôi không tin rằng Mẹ muốn chống đối tôi hoặc coi thường sự hiểu đời của tôi. Mẹ chỉ vì yêu tôi và hy vọng tôi có thể sống mà không bị đau khổ.

Tôi trả lời, “Mẹ, con không muốn lấy chồng!” Tôi không phải chỉ bẽn lẽn hoặc e thẹn. Ðúng ra tôi không biết khi nào một cô gái nên e lệ, bởi vì Mẹ từ lâu đã nói với tôi mọi điều mà phần lớn người khác không nên nói với con cái.

“Nếu con tìm thấy đúng người thì con nên kết hôn. Nhưng mẹ muốn nói phải đúng người.”

“Người đúng với con có lẽ không có trên đời này.”

“Có chứ, nhưng không dễ tìm ra đâu. Thế giới này quá rộng, và mẹ sợ con sẽ không tìm thấy người ấy!”

Mẹ không lo lắng tôi có lấy chồng được không, mà chỉ bận tâm về cái loại hôn nhân mà tôi sẽ có.

Tôi hỏi, “Có thực mẹ sống thoải mái mà không cần có ai bên mẹ, phải không?”

“Ai nói mẹ thoải mái?”

“Con thấy dường như thế.”

“Mẹ không có lựa chọn nào khác.”

Mẹ im lặng và ngơ ngác trong suy tưởng. Một nét lo lắng mơ hồ hiện trên mặt Mẹ. Khuôn mặt buồn nhăn nheo ấy nhắc tôi đến những bông hoa, bây giờ đã héo, mà tôi ép trong những trang sách khi còn là một cô gái nhỏ.

“Tại sao mẹ không có lựa chọn khác?”

Mẹ khẽ trách, “Con có nhiều câu hỏi tại sao quá.” Mẹ muốn giấu tôi cái gì. Tôi biết không phải là Mẹ quá xấu hổ không muốn kể ra; có lẽ Mẹ sợ rằng tôi không thấu hiểu ý nghĩa. Hoặc có lẽ, như mọi người khác, Mẹ có điều gì giấu kín riêng cho mình. Ý tưởng ấy khiến tôi bồn chồn, và sự bồn chồn đẩy tôi hỏi những câu hỏi thiếu suy nghĩ.

“Mẹ vẫn còn yêu Ba phải không?”

“Không. Mẹ không bao giờ yêu ba con.”

“Ba có yêu mẹ không?”

“Không, ông ấy cũng không yêu mẹ.”

“Thế thì tại sao hai người kết hôn với nhau?”

Mẹ ngừng lại, lần mò tìm lời giải thích một cái gì có vẻ bất thường và khó hiểu. Khi lên tiếng, giọng của Mẹ đầy hối tiếc.

“Khi còn trẻ, người ta không nhất thiết biết họ cần gì, muốn gì ở đời này. Họ có thể kết hôn có khi chỉ vì người khác thúc đẩy. Chỉ khi nào con lớn tuổi và trưởng thành đôi chút rồi, con mới thực hiểu con cần gì. Nhưng vào lúc đó, con đã làm những điều mà con hối tiếc đến đau lòng. Con sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có cơ hội làm lại từ đầu, và lần thứ hai con có thể khôn ngoan hơn nhiều. Người ta thường nói kẻ dễ tính bao giờ cũng hạnh phúc, nhưng mẹ không bao giờ thích cái loại hạnh phúc ấy.”

Nói đến đây, Mẹ cười chua chát, “Mẹ sẽ luôn luôn là một người lý tưởng bất mãn!”

Ðấy là sự bất mãn cố hữu của tôi, cái thứ bất mãn di truyền từ Mẹ sang tôi một cách hoàn toàn chính xác và trọn vẹn.

“Tại sao Mẹ không tái giá?”

“Mẹ sợ mẹ không thực biết mẹ cần gì?” - Mẹ trả lời một cách miễn cưỡng, hiển nhiên là không muốn cho tôi biết sự thực.

Tôi không nhớ rõ cha tôi. Ông và Mẹ xa nhau khi tôi còn rất nhỏ. Tất cả những gì tôi nhớ về ông là một lần Mẹ bẽn lẽn công nhận ông là một người khá đẹp trai, một loại người tốt mã. Mẹ dường như cảm thấy xấu hổ đã đi theo một người nông cạn và tầm thường. Một lần Mẹ nói:

“Khi mẹ không ngủ được ban đêm, mẹ thường nhớ lại những lỗi lầm điên rồ mẹ làm lúc còn trẻ, chỉ để làm sáng tỏ trí óc mẹ. Dĩ nhiên đấy là một việc buồn tiếc, và đôi khi mẹ xấu hổ đến nỗi phải giấu mặt dưới khăn giường, như thể có người trong bóng tối đang nhìn mẹ. Tuy vậy sự khó chịu ấy cho mẹ sự an ủi chuộc lỗi một cái gì.”

Tôi thực tình rất tiếc Mẹ không tái giá. Mẹ là một người vui tươi hoạt bát, và nếu Mẹ lấy một người Mẹ yêu, chắc chắn sẽ tạo ra một gia đình sống động vui vẻ. Mặc dù Mẹ không đẹp lắm, nhưng Mẹ rất duyên dáng, như cái giá trị kín đáo của một tấm ảnh phong cảnh trắng đen. Mẹ cũng viết văn rất hay nữa. Một người bạn của Mẹ cũng là nhà văn thường trêu chọc Mẹ khi nói, “Có người phải mê chị khi đọc tác phẩm của chị!”

Mẹ thường trả lời, “Rồi hoảng sợ ngay khi biết người yêu của mình chỉ là một mụ già tóc bạc nhăn nheo!”

Ở tuổi Mẹ, Mẹ không thể nào không biết mình muốn gì. Sự tự chê của Mẹ hiển nhiên là một cách tránh né cái gì. Tôi tin như thế vì từ lâu tôi đã nghi ngờ một vài thói quen kỳ lạ của Mẹ.

Chẳng hạn như: bất cứ khi nào đi xa vì công vụ, bao giờ Mẹ cũng đem theo một trong 27 cuốn của tuyển tập Chekov. Mẹ luôn nhắc nhở tôi: “Ðừng đụng vào tuyển tập Chekov của mẹ. Nếu con muốn đọc Chekov, hãy đọc cái bộ mẹ mua riêng cho con.” Lời cảnh cáo hiển nhiên là dư thừa. Tôi có một bộ tuyển tập riêng thì tại sao tôi phải đụng tới bộ tuyển tập của Mẹ? Hơn nữa, tại sao Mẹ cứ lập lại lời cảnh cáo nhiều lần như thế? Tuy vậy Mẹ vẫn sợ một kết quả nhỏ bé nhất không ngờ trước. Mẹ dường như say mê bộ tuyển tập ấy một cách bất bình thường.

Lý do có hai bộ sách của Chekov trong nhà tôi có thể chứng tỏ sự yêu thích Chekov là nét đặc biệt của gia đình tôi. Quan trọng hơn nữa là nó giúp Mẹ đối phó với sự yêu thích Chekov của tôi và người khác. Bất cứ khi nào có ai muốn mượn một tập, Mẹ bao giờ cũng cho mượn cái bộ trong phòng của tôi. Một lần, khi Mẹ vắng nhà, một người bạn rất thân lấy một cuốn trong bộ của Mẹ. Khi biết chuyện này, phản ứng của Mẹ cực kỳ mau lẹ như lửa cháy lông mày. Mẹ lập tức lấy cuốn trong bộ của tôi và chạy đi đổi lấy cuốn của Mẹ về.

Kể từ đó, tôi nhớ rằng bộ của Mẹ lúc nào cũng ở trong tủ sách riêng. Mặc dầu tôi rất ngưỡng mộ Chekov, nhưng tôi không thể hiểu tại sao trong suốt hơn hai mươi năm, tác phẩm của ông vẫn lôi cuốn Mẹ và Mẹ hàng ngày vẫn đọc ít nhất vài trang sách của ông.

Thỉnh thoảng, khi mệt mỏi vì viết văn, Mẹ thường ôm một tách trà đặc, và ngồi đối diện với tủ sách, thần trí ngẩn ngơ. Nếu tôi bước vào phòng lúc ấy, Mẹ sẽ có vẻ giật mình lo lắng, làm đổ cả trà lên người, hoặc là tái mặt như một cô gái nhỏ si tình khi gặp người yêu lần đầu.

Rồi tôi nghĩ: Có phải Mẹ yêu Chekov không? Nếu Chekov còn sống, ai có thể nói chuyện ấy không thể xảy ra?

Khi Mẹ mê man và sắp chết, những lời nói cuối cùng của Mẹ với tôi là: “Cái bộ sách kia – “ Mẹ không đủ hơi sức nói trọn một câu, nhưng tôi hiểu Mẹ có ý muốn nói cái bộ tuyển tập của Chekov kia. “Và cuốn sổ tay... cái cuốn mà mẹ viết bài “Hôn Nhân Không Thể Thiếu Tình Yêu”... hãy hoả thiêu cùng với mẹ.”

Một vài lời dặn cuối cùng của Mẹ - lời dặn liên quan tới bộ sách - tôi đã thi hành đúng theo ý Mẹ. Một vài lời khác, như lời dặn về cuốn sổ tay với nhan đề “Hôn Nhân Không Thể Thiếu Tình Yêu”, tôi không thi hành. Tôi không thể loại bỏ tập bản thảo đó được. Tôi thường nghĩ nếu có thể xuất bản, thì nó là bài văn cảm động nhất mà Mẹ từng viết. Nhưng dĩ nhiên là bài ấy không xuất bản.

Thoạt đầu, tôi nghĩ đấy chỉ là những tài liệu thu thập cho một tác phẩm tương lai, bởi vì nó không giống một cuốn tiểu thuyết, hoặc bản viết phác thảo, hoặc là thư hay nhật ký. Chỉ sau khi tôi đọc hết từ đầu đến cuối, rồi liên kết những câu viết rời rạc với những mảng ký ức của tôi, thì một cái gì mơ hồ hiện ra dần dần. Sau khi suy nghĩ một thời gian khá lâu thì tôi hiểu. Cái tôi cầm trong tay không phải là những lời nói không đầu mối, mà là một trái tim nóng bỏng đầy tình yêu và đau khổ. Tôi có thể trông thấy một trái tim đã phải phấn đấu và đau đớn thế nào vì nỗi sầu buồn và mối tình mà trái tim ấy trải qua. Trong suốt hơn hai mươi năm, một người đàn ông đã chiếm giữ hết mọi xúc cảm của Mẹ, thế mà Mẹ không có được ông ta. Mẹ chỉ có thể dùng cuốn sổ tay thay thế ông ta, và tuôn hết trái tim cho người ấy vào cuốn sổ tay - hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.

Thảo nào Mẹ không bao giờ cảm động khi có những người đàn ông nồng nàn khác cầu hôn với Mẹ. Thảo nào Mẹ chỉ mỉm cười coi nhẹ tất cả những lời thiên hạ xầm xì về Mẹ. Là bởi vì trái tim Mẹ đã tràn đầy đến nỗi không còn chỗ cho bất cứ người nào khác.

Tôi biết phần lớn người đời không thể yêu đến mức độ ấy; và khi biết rằng không ai có thể yêu tôi đến như thế, tôi bỗng cảm thấy vô cùng chán nản.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Feb 11, 2013 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Hôn Nhân Không Thể Thiếu Tình YêuNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ