Hoa hồng cho Emily

84 0 0
                                    

Hoa hồng cho Emily

Truyện ngắn của William Faulkner

Khi cô Emily Grierson chết, cả tỉnh chúng tôi đi dự đám tang; đàn ông thì vì lòng quí mến một thứ gì cổ kính đã sụp đổ; còn đàn bà thì hầu hết là vì tính hiếu kì muốn dòm ngó phía trong nhà cô, ít ra cũng đã mười năm không ai được đặt chân tới, trừ ông lão bộc vừa là người đầu bếp, vừa là người làm vườn. Đây là một tòa nhà bằng gỗ to lớn vuông vắn, trước kia đã có lần sơn trắng. Toà nhà đó với đường mái cong, với những chóp nhọn hoắt, với những bao lơn cuốn vòng theo đúng lối kiến trúc thanh kỳ của những năm 70, tọa lạc tại một khu phố sang trọng nhất nước kia. Nhưng rồi thì những nhà sửa xe, những nhà máy cán bông lấn dần và xoá mờ ngay cả những danh hiệu cổ kính của khu phố, chỉ còn trơ lại có nhà cô Emily vẫn ngạo nghễ vươn lên với dáng suy tàn mà đỏng đảnh giữa đám xe goòng chở bông và những trạm sơn băng, đúng là một cảnh trướng mắt giữa những cảnh trướng mắt khác. Và giờ đây, cô Emily đã nối gót theo những đại diện của hai danh hiệu cổ kính ấy vào nằm trong nghĩa trang dưới bóng tùng vi vu, giữa những dãy mồ vô danh của các Hợp chủng miền Bắc và Liên Quân miền Nam đã gục ngã trên chến trường Jefferson. Lúc sinh thời, cô Emily là một truyền thống, một nghĩa vụ, một lo âu, một thứ đảm phụ thế truyền vào năm 1894 đè nặng cả tỉnh kể từ ngày viên đại tá thị trưởng Sartoris, người đã ban hành điều luật cấm các phụ nữa da đen ra phố nếu không quấn tạp dề, đã miễn hẳn mọi khoản thuế cho cô. Việc xá thuế này được tính từ ngày cha cô qua đời, và có hiệu lực vĩnh viễn. Không phải là cô Emily sẽ mang tiếng chịu nhận cứu trợ. Đại tá Sartoris đã bịa ra một câu chuyện loanh quanh là trước đây thân phụ cô Emily đã cho tỉnh vay tiền, và như vậy theo lẽ sòng phẳng thường tình, tỉnh mới tìm cách trả nợ như thế. Chỉ có người thuộc cùng thế hệ và với tầm kiến thức như đại tá Sartoris mới có thể bịa ra câu chuyện tương tự, mà cũng chỉ có phụ nữ mới tin được chuyện đó. Khi thế hệ sau với tư tưởng mới mẻ hơn lên làm thị trưởng, làm hội viên hàng tỉnh thì việc thu xếp như vậy đã gây ra ít nhiều điều bất bình. Vào ngày đầu năm, họ gửi giấy báo thuế cho cô. Sang tháng hai rồi mà cũng chẳng nhận được hồi âm. Họ bèn gửi tới cô một công văn chính thức yêu cầu cô lúc nào thuận tiện hãy tới văn phòng ông quận trưởng viết giấy đề nghị là sẽ đến nhà cô hoặc là đánh xe tới đón cô. Ông nhận được thư trả lời viết trên một khổ giấy cổ lỗ, tuồng chữ trôi chảy, nhỏ xíu, nét mực mờ mờ. Thư đáp rằng cô sẽ chẳng bao giờ ra khỏi nhà, giấy báo thuế gửi hoàn không một lời giải thích. Họ triệu tập một phiên hội đồng hàng tỉnh bất thường. Một toán đại diện được cử đến nhà cô, họ gõ cửa, cánh cửa đã tám năm hay mười năm nay không một người khách nào lọt qua, kể từ ngày cô thôi không dạy vẽ hình trên đồ sứ nữa. Người lão bộ da đen ra mở cửa, họ vào một hành lang tôi tối, nơi đây có một cầu thang hun hút đưa lên một chỗ còn tối tăm hơn nữa. Thoang thoảng có mùi bụi và mùi mốc, một thứ mùi bưng bít ẩm ướt. Người lão bộ da đen dẫn họ vào phòng khách: đồ đạc chắc nịch, ghế có bọc da. Khi người da đen kéo cái màn ở một cửa sổ ra họ nhìn thấy mặt da ghế đã rạn nứt. Đến lúc họ ngồi xuống thì một đám bụi mỏng uể oải bốc lên quanh đùi họ. Trên một cái giá vẽ mạ véc ni đã xạm màu đặt trước lò sưởi có bức chân dung thân phụ cô Emily vẽ bằng chì than. Họ đứng dậy khi cô Emily vào, người cô thấp và mập bận đồ đen, đeo một dây chuyền mảnh bằng vàng xệ tới bụng buông lẫn vào trong dây lưng. Cô chống một cây gậy gỗ mun có tay cầm bịt vàng đã xạm mày. Cốt cách cô mảnh nhỏ, vì vậy vẻ mập mạp đó với người khác là khoẻ mạnh nhưng với cô chỉ là béo bệu mà thôi. Trông cô trương phù lên như một xác chết lâu ngày ngâm trong vũng nước tù, màu da lờn lợt. Cặp mắt cô chìm lẫn dưới những nếp nhăn bệu mỡ trông tựa hai mẩu than nhấn chìm trên tấm bánh bột phồng, cặp mắt đưa đẩy lần lượt ngó vào mặt từng người trong khi họ bày tỏ lý do đến nhà cô. Cô chẳng buồn mời họ ngồi. Cô cứ đứng sững nơi ngưỡng cửa, im lặng nghe cho đến khi một người trong bọn họ dứt lời. Lúc đó họ nghe tích tắc của cái đồng hồ khuất nẻo nơi đầu sợi dây chuyền vàng của cô. Cô cất giọng khô khan lạnh lẽo: Tôi không có thuế má gì phải đóng ở Jefferson cả. Đại tá Sartoris đã giải thích với tôi như vậy. Có lẽ một người trong bọn các ông có thể tới văn khố toà thị chính mà tự tìm hiểu. Nhưng mà chúng tôi đã làm việc đó rồi. Chúng tôi là nhân viên toà thị chính mà , thưa cô. Cô không nhận được một giấy báo thuế do ông quận trưởng ký gửi sao? Có, tôi có nhận được giấy - cô ta đáp - có lẽ ông ta tự phong là quận trưởng... tôi chẳng có thuế gì mà cần phải đóng ở Jefferson cả. Không thấy sổ sách nào ghi như vậy cả, cô hiểu cho chúng tôi phải... Các ông nên đi mà gặp đại tá Sartoris. Tôi chẳng có thuế má gì ở Jefferson Nhưng cô Emily này...... Hãy đi gặp đại tá Sartoris (Đại tá Sartoris đã qua đời gần mười năm rồi). Tôi chẳng có thể có thuế má gì phải đóng ở đây cả. Chú Tobel! (Người da đen xuất hiện) Dẫn đường cho các ông ấy ra.

Hoa hồng cho EmilyWhere stories live. Discover now