Trình bày giai đoạn hình thành phát triển TTHCM.phân tích và chứng minh

17.7K 7 4
                                    

3. Trình bày các giai đoạn hình thành và phát triển tư tưởng HCM. Hãy phân tích và chứng minh.

 Các giai đoạn hình thành và phát triển tư tưởng HCM:

- Thời kỳ hình thành tư tưởng yêu nước, thương nòi (trước năm 1911)

- Thời kỳ tìm tòi con đường cứu nước, giải phóng dân tộc (1911-1920)

- Thời kỳ hình thành cơ bản về tư tưởng cách mạng Việt Nam (1921-1930)

- Thời kỳ thử thách, kiên trì giữ vững quan điểm, nêu cao tư tưởng độc lập, tự do và quyền dân tộc cơ bản (1930 - 1945).

- Thời kỳ phát triển mới về tư tưởng kháng chiến và kiến quốc (1945 -1969).

 Phân tích và chứng minh:

a) Thời kỳ hình thành tư tưởng yêu nước, thương nòi (trước năm 1911)

Trong thời kỳ này, ở HCM đã hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân, thiết tha bảo vệ những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, ham học hỏi những tư tưởng tiến bộ của nhân loại.

b) Thời kỳ tìm tòi con đường cứu nước, giải phóng dân tộc (1911-1920)

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, HCM rời bến cảng Nhà Rồng sang Pháp trên con tàu L'Amiral latouche Trévile. Sau đó, Người đã đi vòng quanh các nước châu Phi, dừng chân ở Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, khảo sát các cuộc cách mạng lớn trên thế giới, tham gia Đảng Xã hội Pháp, tìm hiểu cách mạng Nga, tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Pháp....

Giai đoạn này đánh dấu sự phát triển vượt bậc thế giới quan của HCM từ giác ngộ chủ nghĩa dân tộc tiên tiến đến giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, từ chiến sĩ chống thực dân của dân tộc trở thành chiến sĩ cộng sản đấu tranh vì tự do và hòa bình của nhân loại.

c) Thời kỳ hình thành cơ bản về tư tưởng cách mạng Việt Nam (1921-1930)

- HCM đã có thời kỳ hoạt động thực tiễn sôi nổi ở nhiều quốc gia như: hoạt động tại Pháp (1921 - 1923), tại Liên Xô (1923 - 1924), tại Trung quốc (1924 - 1927), tại Thái lan (1928 - 1929).

- Trong thời kỳ này, tư tưởng HCM về cách mạng Việt Nam đã hình thành cơ bản: Năm 1925, HCM xuất bản tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" tại Pa-ri; năm 1927, xuất bản tác phẩm "Đường Kách Mệnh". Tháng 2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người trực tiếp thảo văn kiện "Chánh cương vắn tắt", "Sách lược vắn tắt", "Chương trình vắn tắt" và "Điều lệ của Đảng".

● Tư tưởng HCM thể hiện những quan điểm lớn, độc đáo, sáng tạo về cách mạng Việt Nam. Có thể tóm tắt nội dung chính như sau:

- Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải đi theo con đường cách mạng vô sản.

- Cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có quan hệ mật thiết với nhau.

- Cách mạng thuộc địa trước hết là một cuộc "dân tộc cách mạng", đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại độc lập, tự do.

- Giải phóng dân tộc là việc chung của cả dân chúng; phải tập hợp lực lượng dân tộc thành một sức mạnh to lớn chống đế quốc và tay sai.

- Phải đoàn kết và liên minh với các lực lượng cách mạng quốc tế.

- Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải đoàn kết dân tộc, phải tổ chức quần chúng, lãnh đạo và tổ chức đấu tranh bằng hình thức và khẩu hiệu thích hợp.

- Cách mạng muốn thành công trước hết phải có Đảng lãnh đạo, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh. Sự vững mạnh của Đảng là điều kiện thành công của cách mạng.

Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của HCM trong những năm 20 của thế kỷ XX được truyền bá vàoViệt Nam, làm cho phong trào dân tộc và giai cấp ở nước ta trở thành phong trào tự giác.

d) Thời kỳ thử thách, kiên trì giữ vững quan điểm, nêu cao tư tưởng độc lập, tự do và quyền dân tộc cơ bản (1930 - 1945).

- Trên cơ sở tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam từ những năm 1930, HCM kiên trì giữ vững quan điểm, lập trường cách mạng, vượt qua khuynh hướng "tả" của Quốc tế cộng sản, lãnh đạo cách mạng Việt Nam thắng lợi.

- Năm 1941, HCM trở về Việt nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người trực tiếp lãnh đạo Đảng ta chuẩn bị mọi mặt thực hiện thành công cuộc cách mạng Tháng Tám giành chính quyền năm 1945 giành độc lập cho dân tộc, khai sinh ra nướcViệt Nam Dân chủ Cộng hòa; khẳng định về mặt pháp lý quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam.

e) Thời kỳ phát triển mới về tư tưởng kháng chiến và kiến quốc (1945 -1969).

Đây là thời kỳ mà HCM cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta vừa tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa xây dựng chế độ dân chủ nhân dân (1945 - 1954) mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ; tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tư tưởng HCM có bước phát triển mới, với các nội dung lớn sau :

- Tư tưởng kết hợp kháng chiến với kiến quốc, tiến hành kháng chiến kết hợp với xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau.

- Tư tưởng chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính.

- Xây dựng quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

- Xây dựng Đảng Cộng sản với tư cách là một Đảng cầm quyền.

Tư tưởng HCM hình thành trên cơ sở khoa học và cách mạng, có quá trình trưởng thành liên tục trong đấu tranh cách mạng chống kẻ thù, chống nhận thức chưa phù hợp giữa trong nước và quốc tế về cách mạng Việt Nam. Tư tưởng HCM là sản phẩm tất yếu của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, là ngọn cờ thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Sep 04, 2010 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Trình bày giai đoạn hình thành phát triển TTHCM.phân tích và chứng minhNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ