"Tự tình II" - Hồ Xuân Hương (4 câu đầu)

132 6 1
                                    

                [Hồ Xuân Hương]
                      Bài làm:
Vào giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XVIII, "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương nổi lên như một hiện tượng độc đáo của nền văn chương trung đại Việt Nam với những áng thơ ca xuất thần được kẻ sĩ xưng tụng là "thi trung hữu quỷ". Thơ của bà thường cất chứa tiếng cười đùa hóm hỉnh, phóng túng nhưng cũng đan gài cả điệu buồn đầy sâu lắng, tiêu biểu có thể kể đến là Tự tình II nằm trong chùm thơ Tự tình.
Chưa có tài liệu nào mô tả chính xác hoàn cảnh ra đời chùm thơ nên ta chỉ có thể phỏng đoán rằng nữ sĩ đã viết nó sau khi chiêm nghiệm đầy đủ ngũ vị tạp trần của nhân tình thế thái.
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn"
Những ngọn bút đầu tiên gợi mở một không - thời gian thật đặc biệt: khi trời về khuya. Đấy là lúc những âm vang của cuộc đời dường như không chạm đến con người, ấy vậy mà vẫn còn tồn tại thứ âm thanh như "văng vẳng trống canh". Hẳn đã muộn lắm rồi, yên ả, tĩnh mịch lắm mới cảm nhận được tiếng trống lúc gần lúc xa như thế hay chính tâm hồn người thiếu phụ đang xao động nên thanh âm của tiếng trống mờ nhạt mới khiến nàng lưu tâm đến vậy. Nếu như thủ pháp đảo ngữ cộng hưởng cùng từ láy mang âm vang văng vẳng còn đang khiến ta đắm chìm trong những rung cảm u hoài thì động từ dồn hữu lực lại mạnh mẽ lôi kéo hồn người quay về thực tại, nhắc nhở nhịp điệu đã qua đi đầy đủ với tất cả sự hối hả, thúc giục. Nó thúc giục người ta chẳng phải để hành động mà để soi lại đời mình:
"Trơ cái hồng nhan với nước non"
Hồng nhan là gương mặt hồng hào, má hồng, đồng thời cũng chỉ người đàn bà đẹp, con người đó biết được giá trị của mình, tự nhận định bản thân ở bậc tài sắc. Nhưng biết được phẩm giá của mình không phải để sung sướng, tự hào. Trái lại, biết chỉ thêm ngậm ngùi cay đắng. Hai chữ hồng nhan đi kèm với cái để cụ thể hóa. Nghe sao lại rẻ rúng, mỉa mai đến vậy! Thì ra sự tươi xinh mĩ miều kia chỉ có giá trị tự nó thôi. Chưa hết, trước cái hồng nhan là tính từ trơ lột tả sự lẻ loi đơn chiếc, cô tịch đến tận cùng đồng thời cũng nồng đượm ý vị khinh nhờn trào phúng, như cái tự giễu đầy cay đắng cho cõi lòng đã chai sạn tự thuở nào. Hoá ra, một phẩm giá con người trong cuộc thế này đã trở thành thứ chẳng ích gì, thậm chí đáng tủi hổ nữa! Để nhấn mạnh nghịch lí này, tác giả đã dùng nhịp thơ: 1/3/3 để càng xoáy sâu vào khoảnh khắc bừng tỉnh đầy bẽ bàng trước hiện thực phũ phàng, tàn nhẫn. Dẫu vậy kẻ duy ngã ấy vẫn tỏ ra ương ngạnh, quật cường mà nhất định không gán cho bản thân cái danh xưng não nề - bạc phận. Hồ Xuân Hương là thế, một người phụ nữ không bao giờ chịu thua hoàn cảnh, luôn tìm cho mình một lối đi khác người, rất ngông, rất lạ đó, há có thể để nỗi đau lấn át lí trí, tâm hồn? Bà đủ bản lĩnh, đủ dũng cảm bộc bạch ra khát khao thuần túy nhất của đời mình: yêu và được yêu, được hạnh phúc, được tự do bất chấp tất thảy những quy tắc lễ giáo ràng buộc. Nếu như xã hội phong kiến cùm kẹp người phụ nữ nhẫn nhục an phận thủ thường, cả đời quẩn quanh nơi khuê phòng, đối diện với bốn bức tường chật hẹp, tù túng thì Hồ Xuân Hương sẵn sàng phá tan xiềng xích ấy, bà thẳng thắn giải phóng mọi xúc cảm, đẩy nó lên cao trào rồi đỉnh điểm là lan tỏa nó ra khắp miền nước non bao la rộng lớn, bền gan mà thách đố cả đất trời. Câu thơ tuy diễn tả một tình cảm đáng thương, một số phận đáng thương nhưng lại cho thấy vẻ đẹp tiềm ẩn ở cái tôi cháy bỏng luôn hiện hữu.
Hai câu thực tiếp tục nối dài chuỗi tâm tình Hồ Xuân Hương:
"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn"
Ở đây, chủ thể trữ tình đã được ẩn đi nhằm hướng độc giả chú ý tới từng cử chỉ, hành động diễn ra của nàng. Nghệ thuật đăng đối được vận dụng hết sức thần tình: Chén rượu sánh đôi với vầng trăng, trên ngát hương đưa dưới tàn bóng xế. Rượu giúp người ta thăng hoa niềm vui sướng, chôn vùi buồn lo và quên đi sự đời, ở đây Xuân Hương có lẽ ứng với nhiều hơn là vế thứ 2. Khốn nỗi "Sầu đong càng lắc càng đầy/Cất chén tiêu sầu, sầu càng sầu thêm". Say lại tỉnh, tỉnh lại say, quá trình ấy diễn ra lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn khép kín luẩn quẩn, bế tắc. Hương tình, hương rượu đều lần lượt tiêu tán, phảng phất đọng lại cũng chỉ là dư vị chua chát, nghẹn ngào, xót xa. Hình ảnh vầng trăng có lẽ là một hình ảnh ẩn dụ hơn là một hình ảnh tả thực, chất chồng tới 2 tầng bi kịch: trăng sắp tàn mà vẫn còn khuyết thiếu - một nỗi niềm "không vò mà nát, không dần mà đau", canh cánh mối tiếc hận khi tuổi xuân đã chớm phôi pha mà nhân duyên cớ sao cứ mãi lỡ dở long đong, đã hai lần lên đò mà vẫn chưa lần nào cập vào bến nước trong. Dưới ánh trăng mịt mùng ấy còn có biết bao kiếp hồng nhan cùng thao thức suốt canh thâu, là người chinh phụ lựa thời điểm "Gà eo óc gáy sương năm trống/Hòe phất phơ rủ bóng bên" để mà thầm gieo từng bước, là nàng Kiều ôm mối tương tư "Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường". Thế nhưng bọn họ, một hướng về đấng trượng phu kết tóc xe tơ, một nhung nhớ chàng tình lang ý mật tình nồng còn vị khách má hồng kia, nàng biết chờ ai, mong ai đây?

You've reached the end of published parts.

⏰ Last updated: Aug 31, 2019 ⏰

Add this story to your Library to get notified about new parts!

Tự tình II - Hồ Xuân HươngWhere stories live. Discover now